Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Phạm Thiên Thưa Hỏi

PHẬT THUYẾT

KINH PHẠM THIÊN THƯA HỎI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
 

PHẦN NĂM
 

Này Phạm Thiên! Vì tất cả các pháp là vô ngã, mà các chúng sinh chẳng tin, chẳng hiểu, cho là có ngã, Như Lai đối với các chúng sinh ấy nên khởi tâm đại bi.

Tất cả các pháp là không có chúng sinh, mà các chúng sinh cho là có chúng sinh, Như Lai đối với các chúng sinh ấy nên khởi tâm đại bi.

Tất cả các pháp là không thọ mạng, mà các chúng sinh cho là có thọ mạng, Như Lai đối với các chúng sinh ấy nên khởi tâm đại bi.

Tất cả các pháp là không có trượng phu, mà các chúng sinh cho là có trượng phu, Như Lai đối với các chứng sinh ấy nên khởi tâm đại bi.

Tất cả các pháp là không thật có, mà các chúng sinh chấp là có thật, Như Lai đối với các chúng sinh ấy nên khởi tâm đại bi.

Tất cả các pháp là không trụ, mà các chúng sinh cho là có trụ, Như Lai đối với các chúng sinh ấy nên khởi tâm đại bi.

Tất cả các pháp là không nơi chốn quy về, mà các chúng sinh ưa thích nơi chôn trở về, Như Lai đối với các chúng sinh ấy nên khởi tâm đại bi.

Tất cả các pháp là không có ngã sở, mà các chúng sinh chấp có ngã sở, Như Lai đối với các chúng sinh ấy nên khởi tâm đại bi.

Tất cả các pháp là không có chỗ lệ thuộc, mà các chúng sinh cho là có lệ thuộc, Như Lai đối với các chúng sinh ấy nên khởi tâm đại bi.

Tất cả các pháp là không có tướng chấp giữ, mà các chúng sinh đều chấp giữ nơi tướng, Như Lai đối với các chúng sinh ấy nên khởi tâm đại bi.

Tất cả các pháp là không sinh, mà các chúng sinh chấp là có sinh, Như Lai đối với các chúng sinh ấy nên khởi tâm đại bi.

Tất cả các pháp là không diệt, mà các chúng sinh chấp là có diệt, Như Lai đối với các chúng sinh ấy nên khởi tâm đại bi.

Tất cả các pháp là không cấu nhiễm, mà các chúng sinh cho là có cấu nhiễm, tham đắm nơi đó, Như Lai đối với các chúng sinh ấy nên khởi tâm đại bi.

Tất cả các pháp là lìa tham dục, mà các chúng sinh đều có tham dục, Như Lai đối với các chúng sinh ấy nên khởi tâm đại bi.

Tất cả các pháp là lìa sân hận, mà các chúng sinh đều có sân hận, Như Lai dối với các chúng sinh ấy nên khởi tâm đại bi.

Tất cả các pháp là lìa ngu si, mà các chúng sinh đều có ngu si, Như Lai đối với các chúng sinh ấy nên khởi tâm đại bi.

Tất cả các pháp là không từ đâu đến, mà các chúng sinh đều chấp trước nơi chỗ đến, Như Lai đôì với các chúng sinh ấy nên khởi tâm đại bi.

Tất cả các pháp là không đi về đâu, mà các chúng sinh tham đắm nơi đời sau, Như Lai đối với các chúng sinh ấy nên khởi tâm đại bi.

Tất cả các pháp là không tạo tác, mà các chúng sinh đều có tạo tác, Như Lai đối với các chúng sinh ấy nên khởi tâm đại bi.

Tất cả các pháp là không hý luận, mà các chúng sinh đều có các hý luận, Như Lai đối với các chúng sinh ấy nên khởi tâm đại bi.

Tất cả các pháp là không, mà các chúng sinh lại rơi vào chỗ chấp có, Như Lai đối với các chúng sinh ấy nên khởi tâm đại bi.

Tất cả các pháp là vô tướng, mà các chúng sinh lại chấp giữ nơi tướng, Như Lai đối với các chúng sinh ấy nên khởi tâm đại bi.

Tất cả các pháp là vô nguyện, mà các chúng sinh đều có nguyện, Như Lai đối với các chúng sinh ấy nên khởi tâm đại bi.

Tất cả chúng sinh nơi thế gian thường giận dữ, tỵ hiềm, tranh chấp lẫn nhau, Như Lai đối với các chúng sinh ấy nên khởi tâm đại bi.

Tất cả chúng sinh nơi thế gian rơi vào nẻo tà kiến, điên đảo, hành theo tà đạo, vì nhằm khiến họ an trụ trong chánh đạo, Như Lai đối với các chúng sinh ấy nên khởi tâm đại bi.

Tất cả thế gian rơi vào chỗ điên đảo, hiểm nạn, trụ nơi chẳng phải đạo, vì nhằm khiến họ đi vào con đường chân thật, Như Lai đối với các chúng sinh ấy nên khởi tâm đại bi.

Tất cả chúng sinh trong thế gian thường bị tham lam, keo kiệt trói buộc, không biết chán đủ, luôn chiếm đoạt tài vật nơi người khác, vì nhằm giáo hóa họ an trụ trong bảy thứ tài vật của Bậc Thánh, là tín, giới, đa văn, xả, trí tuệ, hổ thẹn, Như Lai đối với các chúng sinh ấy nên khởi tâm đại bi.

Tất cả chúng sinh trong thế gian thường vì các thứ của cải, nhà cửa, vợ con, tham ái mà làm tôi tớ cho chúng. Đối với các vật dễ tan vỡ, không bền chắc mà tưởng là bền chắc, vì muốn khiến họ nhận biết rõ các sự vật đều là vô thường, Như Lai đối với các chúng sinh ấy nên khởi tâm đại bi.

Tất cả chúng sinh phàm phu trong thế gian, không biết rõ thân là giặc oán, nên thường tham chấp, nuôi dưỡng, cung phụng, khen ngợi, làm bạn thân thiết, chúng sinh cho đó là thiện tri thức, không biết đó chính là tri thức xấu ác.

Vì muốn làm bạn thân, làm bậc thiện tri thức đích thật cho họ, nhằm đoạn trừ rốt ráo các thứ khổ, hoàn toàn đạt được an lạc của Niết Bàn, Như Lai đối với các chúng sinh ấy nên khởi tâm đại bi.

Tất cả chúng sinh trong thế gian đều ưa hành theo sự lừa dối nơi ruộng vườn, nhà cửa, hay sống theo tà mạng. Vì nhằm thuyết pháp, khiến họ thực hành theo chánh mạng, vượt khỏi ba cõi, Như Lai đối với các chúng sinh ấy nên khởi tâm đại bi.

Tất cả các pháp đều do nhân duyên sinh, nên siêng năng tu tập theo các hạnh như thế mới được thành tựu, nhưng chúng sinh lại rơi vào chỗ lười biếng, do đấy không thể đạt được sự giải thoát của Bậc Thánh.

Vì muốn khiến họ siêng năng để đạt được pháp giải thoát chắc chắn, Như Lai đối với các chúng sinh ấy nên khởi tâm đại bi.

Này Phạm Thiên! Chúng sinh xả bỏ pháp lớn, thù thắng vô ngại, không gì hơn, là pháp Niết Bàn, lại mong cầu pháp nhỏ, thấp kém nơi hàng Nhị Thừa, vì các chúng sinh như thế, Như Lai muốn họ yêu thích pháp lớn, đó là khiến họ khéo nhận biết, quán xét đúng về Phật thừa, Như Lai đối với các chúng sinh ấy nên khởi tâm đại bi.

Này Phạm Thiên! Như Lai đối với các chúng sinh như thế mà thực hành ba mươi hai tâm đại bi. Như vậy, vì ý nghĩa ấy nên Như Lai được gọi là bậc hành đại bi.

Nếu Bồ Tát ở trong chúng sinh thường có thể tu tập ba mươi hai đại bi tâm này, thì Đại Bồ Tát ấy sẽ được gọi là ruộng phước rộng lớn, đầy đủ oai đức lớn, đạt được bậc không thoái chuyển, vì các chúng sinh tạo mọi lợi ích.

Lúc Đức Thế Tôn thuyết giảng về pháp môn đại bi này, thì có ba vạn hai ngàn người phát tâm cầu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, tám ngàn Bồ Tát đạt được pháp nhẫn vô sinh, bảy vạn hai ngàn Thiên Tử đạt được pháp nhãn lìa mọi cấu uế.

Bấy giờ, Bồ Tát Võng Minh bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Phạm Thiên Thắng Tư Duy vì sao nghe Đức Như Lai thuyết giảng pháp tương ưng với pháp môn đại bi mà không vui mừng?

Phạm Thiên đáp: Này thiện nam! Nếu nhận biết ở nơi hai pháp tức có sự vui mừng. Nếu nhận biết ở trong thật tế không có hai pháp thì không có vui mừng.

Này thiện nam! Ví như Đức Như Lai tạo ra người huyễn, lãnh hội các pháp được Như Lai thuyết giảng đều không vui, không mừng, do vậy, này thiện nam!

Nên biết tướng của tất cả các pháp đều như huyễn, nên đối với Như Lai không sinh tưởng thù thắng, đối với chúng sinh khác không sinh tưởng thấp kém.

Bồ Tát Võng Minh hỏi Phạm Thiên: Này thiện nam! Nhận biết tất cả các pháp, thế nào gọi là như tướng huyễn?

Phạm Thiên đáp: Này thiện nam! Nếu người phân biệt về tất cả các pháp là hành ở hai nơi, thì ông sẽ hỏi: Này thiện nam! Ông hành ở nơi chốn nào?

Xin thưa: Này thiện nam! Tùy theo hàng phàm phu hành ở những nơi chôn nào thì tôi hành ở nơi đó.

Bồ Tát Võng Minh hỏi: Này Phạm Thiên! Người phàm phu hành nơi tham, sân, si, thân kiến, biên kiến, giới cấm thủ, nghi ngờ ngã, ngã sở, cầu tà đạo…

Này thiện nam! Ông lẽ nào có thể hành ở các nơi chôn như vậy sao?

Phạm Thiên hỏi lại: Này thiện nam! Bồ Tát muốn đạt được tướng quyết định nơi pháp phàm phu chăng?

Bồ Tát Võng Minh đáp: Này thiện nam! Tôi hãy còn chẳng thấy có các phàm phu, huống là pháp của họ.

Phạm Thiên lại hỏi: Này thiện nam! Nếu các pháp không có tướng quyết định, thì tâm ông vì sao có các pháp nhiễm như: Tham dục, giận dữ, ngu si?

Bồ Tát đáp: Không có.

Phạm Thiên thưa: Này thiện nam! Tất cả các pháp đều xa lìa tướng tham dục, giận dữ, si mê, hành tướng của chúng cũng như vậy.

Này thiện nam! Hành của hàng phàm phu hiện có tức là hành của Bậc Hiền thánh, không hai, khôns sai biệt. Tất cả các hành đều chẳng phải là hành, tất cả ngôn thuyết đều chẳng phải là ngôn thuyết, tất cả đạo đều chẳng phải là đạo.

Thế nào gọi là tất cả các hành đều chẳng phải là hành?

Này thiện nam! Nếu người thực hành đạo trong ngàn vạn ức kiếp, nhưng đối với pháp tánh thì không hề tăng, giảm nên nói tất cả các hành đều chẳng phải là hành.

Thế nào là tất cả ngôn thuyết đều chẳng phải là ngôn thuyết?

Này thiện nam! Như Lai dùng tướng chẳng thể thuyết giảng để thuyết giảng về tất cả các pháp, nên tất cả các ngôn thuyết đều chẳng phải là ngôn thuyết.

Thế nào là tất cả đạo đều chẳng phải là đạo?

Này thiện nam! Do không có chỗ đạt đến, nên tất cả các đạo đều chẳng phải là đạo.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn khen ngợi Phạm Thiên Thắng Tư Duy: Lành thay, lành thay!

Này Phạm Thiên! Nếu muốn thuyết pháp thì nên thuyết giảng như vậy.

Bấy giờ, Bồ Tát Võng Minh nói với Phạm Thiên Thắng Tư Duy: Thưa thiện nam! Ông nói hành xứ của tất cả hàng phàm phu là chỗ tôi hành ở đó, tức là thấy có tướng hành.

Phạm Thiên thưa: Thưa thiện nam! Nếu tôi có chỗ sinh ra thì có tướng hành.

Bồ Tát Võng Minh hỏi: Thưa Phạm Thiên! Nếu ông không sinh ra thì làm sao giáo hóa các chúng sinh?

Phạm Thiên đáp: Đức Phật do hóa sinh, tôi cũng hóa sinh.

Bồ Tát Võng Minh nói: Đức Phật do hóa sinh nên không có chỗ sinh.

Phạm Thiên hỏi: Nên có thể thấy chăng?

Bồ Tát Võng Minh đáp: Thưa Phạm Thiên! Do Phật lực nên thấy.

Phạm Thiên nói: Thưa thiện nam! Tôi sinh cũng như vậy, là do sức của nghiệp.

Bồ Tát Võng Minh hỏi: Phạm Thiên! Ông ở trong chỗ tạo nghiệp mà hành sao?

Phạm Thiên đáp: Tôi thật sự chẳng hành ở trong chỗ khởi nghiệp.

Bồ Tát Võng Minh hỏi: Thưa Phạm Thiên! Tại sao không nghiệp mà nói do sức của nghiệp?

Phạm Thiên đáp: Thưa thiện nam! Nghiệp lực của như cũng như vậy. Hai sự kiện đó chẳng xuất phát ở như.

Bây giờ, Trưởng Lão Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu có thể hội nhập vào trong chỗ thuyết pháp theo mật ý của Đại long ấy thì nên biết người đó đạt được công đức rất lớn.

Vì sao?

Bạch Thế Tôn! Vì nghe được tên của Thượng Nhân ấy đã là rất khó, huống gì lại nghe được lời nói của vị ấy.

Bạch Thế Tôn! Ví như có cây không nương nơi đất mà sống, lại ở giữa hư không mà hiện bày rễ, thân, cành, lá, hoa, quả…

Bạch Thế Tôn! Hành tướng của vị Đại Nhân này cũng lại như thế. Chẳng trụ nơi tất cả pháp mà ở khắp mười phương thị hiện có hành, có sinh, có thoái chuyển, có chết. Quốc Độ của Chư Phật nơi nơi đều thấy, cũng lại có trí tuệ, biện tài, lạc thuyết như vậy.

Bạch Thế Tôn! Nếu có thiện nam, Thiện Nữ trí tuệ nghe được lực tự tại của trí tuệ ấy, thì ai mà chẳng phát tâm cầu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Bấy giờ, trong chúng hội có một vị Đại Bồ Tát tên là Phổ Hoa, hỏi Trưởng Lão Xá Lợi Phất: Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Đại Đức đã chứng đắc pháp tánh hay chưa chứng mà không dừng đại trí tuệ phân tân như vậy để nói pháp?

Đức Phật nói Đại Đức là bậc trí tuệ đệ nhất trong những vị trí tuệ.

Đại Đức tại sao không hiện bày lực tự tại của trí tuệ biện tài như thế?

Trưởng Lão Xá Lợi Phất đáp: Thưa thiện nam! Tùy diệu lực của trí tuệ. Đức Phật bảo tôi là người đạt trí tuệ đệ nhất trong hàng đệ tử Thanh Văn nên nhân đấy có thể hiện bày.

Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Cảnh giới của pháp tánh có nhiều ít chăng?

Trưởng Lão Xá Lợi Phất đáp: Không có.

Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Nếu cảnh giới của pháp tánh không có nhiều ít thì tại sao Trưởng Lão nói tùy theo lực của trí tuệ?

Phật bảo tôi là người đạt trí tuệ đệ nhất trong hàng đệ tử Thanh Văn nên nhân đấy có thể nêu bày?

Trưởng Lão Xá Lợi Phất đáp: Thưa thiện nam! Ở trong hàng Thanh Văn, tùy theo pháp chứng đắc mà có thể giảng nói.

Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Đại Đức chứng đắc cảnh giới của pháp tánh có tướng của số lượng sao?

Trưởng Lão Xá Lợi Phất đáp: Không.

Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Nếu như vậy thì sao Đại Đức nói tùy theo pháp chứng đắc mà có thể giảng nói?

Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất, như pháp tánh không có tướng số lượng thì chứng đắc cũng như vậy. Như chứng đắc, giảng nói cũng như vậy.

Vì sao?

Vì pháp tánh không có tướng số lượng.

Trưởng Lão Xá Lợi Phất nói: Thưa thiện nam! Pháp tánh chẳng phải là tướng chứng đắc.

Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Nêu pháp tánh đó chẳng phải là tướng chứng đắc thì Trưởng Lão đã ra ngoài pháp tánh để chứng đắc giải thoát chăng?

Trưởng Lão Xá Lợi Phất đáp: Không.

Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Vì sao như vậy?

Trưởng Lão Xá Lợi Phất đáp: Này thiện nam! Nếu ra ngoài pháp tánh để chứng đắc giải thoát, tức là hủy hoại pháp tánh.

Bồ Tát Phổ Hoa nói: Do vậy, thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Như Đại Đức chứng pháp thì pháp tánh cũng như vậy.

Trưởng Lão Xá Lợi Phất nói: Thưa thiện nam! Tôi là người đến để nghe pháp không phải là người đến nói.

Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Tất cả các pháp đều nhập nơi pháp tánh, trong pháp tánh này nên có người nói người nghe sao?

Trưởng Lão Xá Lợi Phất đáp: Không.

Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Nếu như vậy thì sao Đại Đức nói tôi là người đến nghe, không phải là người đến nói?

Trưởng Lão Xá Lợi Phất đáp: Thưa thiện nam! Phật bảo có hai hạng người được phước báo vô lượng: 

1. Hạng người tinh chuyên thuyết pháp.

2. Hạng người chuyên tâm lắng nghe và lãnh thọ.

Do ý nghĩa đó, thưa Bồ Tát Phổ Hoa! Bồ Tát nên thuyết giảng, còn tôi xin lắng nghe và lãnh thọ.

Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Đại Đức nhập định diệt tận mà có thể nghe pháp sao?

Trưởng Lão Xá Lợi Phất đáp: Thưa thiện nam! Vào định diệt tận không có hai hành để nghe pháp.

Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Tôn Giả tin các pháp mà tự tánh đều là tướng diệt tận chăng?

Đáp: Thưa thiện nam! Các pháp như vậy tự tánh đều là tướng diệt tận thì tôi tin lời nói đó.

Bồ Tát Phổ Hoa nói: Nếu như vậy, thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Thường tất cả thời đều không thể nghe pháp.

Vì sao?

Vì do tất cả pháp thường là tướng diệt tận của tự tánh.

Trưởng Lão Xá Lợi Phất nói: Thưa thiện nam! Bồ Tát có thể không khởi từ nơi định mà giảng nói pháp sao?

Phải chăng có một pháp chẳng phải là định chăng?

Đáp: Không.

Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Do nghĩa này nên biết tất cả phàm phu ngu si thường ở nơi định.

Trưởng Lão Xá Lợi Phất nói: Dùng định gì để tất cả phàm phu luôn ở tại định?

Đáp: Dùng tam muội không hoại pháp tánh.

Trưởng Lão Xá Lợi Phất nói: Thưa thiện nam! Nếu như vậy thì phàm phu và Thánh Nhân không có sai khác.

Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Đúng vậy, đúng vậy, tôi không muốn khiến phàm phu, Thánh Nhân có sai khác.

Vì sao?

Vì Thánh Nhân không có một pháp nào chứng đắc, phàm phu không có một pháp nào sinh khỏi. Hai hạng đó không vượt qua tướng bình đẳng của pháp tánh.

Trưởng Lão Xá Lợi Phất nói: Thưa thiện nam! Theo Bồ Tát thì cái gì là tướng bình đẳng nơi tánh của các pháp?

Đáp: Như tri kiến đạt được của Đại Đức Xá Lợi Phất.

Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Đại Đức sinh ra Pháp Hiền Thánh sao?

Đáp: Không.

Hỏi: Thế Đại Đức diệt pháp phàm phu sao?

Đáp: Không.

Hỏi: Thế Đại Đức thấy pháp phàm phu sao?

Đáp: Không.

Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Như vậy thì Đại Đức dựa vào tri kiến gì để nói mình đạt được pháp?

Đáp: Thưa thiện nam! Không thể nghe như. Phàm phu không trí tuệ như, tức là lậu tận giải thoát như. Lậu tận giải thoát như tức là Niết Bàn Vô Dư Như.

Bồ Tát Phổ Hoa nói: Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Như không khác, như không đổi, như không biến, như không hoại. Đại Đức nên dùng như đó để nhận biết tất cả pháp.

***