Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Phạm Thiên Thưa Hỏi

PHẬT THUYẾT

KINH PHẠM THIÊN THƯA HỎI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
 

PHẦN TÁM
 

Lại nữa, nếu Tỳ Kheo giữ gìn đối với pháp gọi là tùy thuận nơi Phật Giáo. không trái với lời Phật dạy gọi là tùy thuận nơi Phật Ngữ.

Phạm Thiên hỏi: Thế nào là Tỳ Kheo có thể giữ gìn pháp?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Phạm Thiên! Nếu Tỳ Kheo không trái với sự bình đẳng, không hủy hoại pháp tánh thì gọi là có thể giữ gìn pháp.

Phạm Thiên hỏi: Thế nào là Tỳ Kheo gần gũi Phật?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Phạm Thiên! Nếu Tỳ Kheo đối với các pháp không thấy có pháp hoặc gần, hoặc xa. Đó là Tỳ Kheo thân cận nơi Phật.

Phạm Thiên hỏi: Thế nào là Tỳ Kheo hầu cận Phật?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Phạm Thiên! Nếu Tỳ Kheo đối với thân, miệng, ý không có tạo tác. Đó gọi là Tỳ Kheo hầu cận Phật.

Phạm Thiên hỏi: Ai có thể cúng dường Phật?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Phạm Thiên! Là người không tạo nghiệp tội, phước, không tạo nghiệp vô động.

Phạm Thiên hỏi: Ai có thể thấy Phật?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Phạm Thiên! Là người không tham chấp nơi nhục nhãn, thiên nhãn, tuệ nhãn, pháp nhãn, Phật nhãn.

Phạm Thiên hỏi: Ai có thể thấy pháp?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Phạm Thiên! Là người không trái nghịch với các pháp nhân duyên.

Phạm Thiên hỏi: Ai có thể thấy thuận với các pháp nhân duyên?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Phạm Thiên! Là người không khởi ý niệm bình đẳng, không thấy bình đẳng, không sinh, không diệt.

Phạm Thiên hỏi: Ai đạt được chân trí?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Phạm Thiên! Là người không sinh, không diệt nơi các pháp hữu lậu.

Phạm Thiên hỏi: Ai có thể theo học hỏi giới của Như Lai?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Phạm Thiên! Là người không tạo tác, không thọ nhận, không nắm giữ, không xả bỏ.

Phạm Thiên hỏi: Ai gọi là chánh hạnh?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Phạm Thiên! Là người không thuận theo ba cõi.

Phạm Thiên hỏi: Ai là người hiền thiện?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Phạm Thiên! Là người không thọ nhận thân sau.

Phạm Thiên hỏi: Ai là người an lạc?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Phạm Thiên! Là người không có ý niệm về ta và của ta.

Phạm Thiên hỏi: Ai được giải thoát?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Phạm Thiên! Là người không hủy hoại trói buộc.

Phạm Thiên hỏi: Ai là người được độ?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Phạm Thiên! Là người không trụ vào thế gian và Niết Bàn.

Phạm Thiên hỏi: Tỳ Kheo lậu tận là tận về việc gì?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Phạm Thiên! Nếu có chỗ để diệt tận thì không gọi là lậu tận. Biết các lậu là tướng không, biết như vậy gọi là lậu tận.

Phạm Thiên hỏi: Ai là thật ngữ?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Phạm Thiên! Là người lìa các nẻo ngôn luận.

Phạm Thiên hỏi: Ai là người nhập đạo?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Phạm Thiên! Hàng phàm phu là có nhập đạo. Bậc Thánh hạnh thì nhận biết tất cả pháp hữu vi không từ đâu đến cũng không đi về đâu, tức là không nhập đạo.

Phạm Thiên hỏi: Ai có thể thấy Thánh Đế?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Phạm Thiên! Nếu đối với các pháp không có chỗ thấy thì thấy Thánh Đế.

Vì sao?

Vì theo chỗ có thấy đều là hư vọng. Không có chỗ thấy mới gọi là thật.

Phạm Thiên hỏi: Không thấy pháp nào gọi là thật đế?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Phạm Thiên! Không thấy tất cả pháp gọi là thật đế.

Phạm Thiên hỏi: Như vậy, thì thật pháp phải nên tìm cầu gì?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Phạm Thiên! Nên tìm cầu nơi bốn điên đảo.

Phạm Thiên hỏi: Ý Bồ Tát nghĩ thế nào mà nói như vậy?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Phạm Thiên! 

Cầu nơi bốn điên đảo là: Không được thường, lạc, ngã, tịnh. Nếu không được thường thì thường là khổng, vậy là vô thường. Chỗ nào không được an vui tức là khổ, chỗ nào không ngã tức là vô ngã, chỗ nào không tịnh tức là bất tịnh.

Này Phạm Thiên! Các pháp vô ngã đó là Thánh Đế. Nếu người cầu thật đế thì người ấy không biết khổ. Nếu người đoạn trừ tập thì người ấy không biết tập. Nếu người thấy diệt thì người ấy không biết diệt. Nếu người cầu đạo thì người ấy không biết đạo.

Phạm Thiên hỏi: Thế nào là tu đạo?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Phạm Thiên! Nếu không phân biệt đây là pháp, đây không phải là pháp, xa lìa hai tướng, gọi là tu đạo. Do như vậy nên cầu tất cả các pháp là không thể thủ đắc. Đó gọi là đạo. Đạo như vậy là không trụ vào thế gian và Niết Bàn.

Vì sao?

Vì không xa lìa, không đạt đến, mới gọi là Thánh Đạo.

Bấy giờ, Phạm Thiên Bình Đẳng Hạnh Bà La Môn Đại Bà La Tử bạch Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Bạch Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Ưu Bà Tắc quy y Phật, Pháp, Tăng?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Thiện Nam! Nếu Ưu Bà Tắc không khởi lên hai kiến chấp.

Sao gọi là không khởi lên hai kiến chấp?

Là không khởi lên ngã kiến và tha kiến. Không khởi lên ngã kiến là không khởi lên Phật kiến. Không khởi lên ngã kiến là không khởi lên pháp kiến. Không khởi lên ngã kiến là không khởi lên tăng kiến. Đó gọi là Ưu Bà Tắc quy y Phật, Pháp, Tăng.

Lại nữa, này Thiện Nam! Nếu Ưu Bà Tắc không dùng sắc để thấy Phật, không dùng thọ, tưởng, hành, thức để thấy Phật. Đó gọi là Ưu Bà Tắc quy y Phật.

Này Thiện Nam! Nếu Ưu Bà Tắc không phân biệt các pháp, không hý luận nơi các pháp. Đó gọi là Ưu Bà Tắc quy y Pháp.

Này Thiện Nam! Nếu ưu bà tấc tin pháp vô vi nơi Tăng mà không xa lìa pháp hữu vi để tin pháp vô vi. Đó gọi là Ưu Bà Tắc quy y Tăng.

Lại nữa, này Thiện Nam! Nếu Ưu Bà Tắc không kiên châp nơi Phật, Pháp, Tăng. Đó gọi là Ưu Bà Tắc quy y Phật, Pháp, Tăng.

Bấy giờ, Phạm Thiên Bình Đẳng Hạnh Bà La Môn Đại Bà La Tử bạch Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Bạch Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Các vị Bồ Tát Phát Tâm Bồ Đề thì hướng đến nơi nào?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Thiện Nam! Hướng đến hư không.

Vì sao?

Vì Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác đồng với hư không.

Bình Đẳng Hành thưa với Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Thế nào là Bồ Tát phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Thiện Nam! Nếu Bồ Tát nhận biết tất cả sự phát tâm không phải là phát tâm, tất cả pháp không là pháp, tất cả chúng sinh không phải là chúng sinh. Đó gọi là Bồ Tát phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Bây giờ, Phạm Thiên Bình Đẳng Hạnh Bà La Môn Đại Bà La Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Gọi là Bồ Tát thì Bồ Tát là gì?

Do ý nghĩa gì mà gọi là Bồ Tát?

Đức Phật dạy: Này Thiện Nam! Nếu Bồ Tát đối với chúng sinh tà định khởi tâm đại bi, đối với chúng sinh chánh định thấy không khác nhau. Đó gọi là Bồ Tát.

Vì sao?

Này Thiện Nam! Bồ Tát không vì chúng sinh chánh định, không vì chúng sinh không chánh định mà phát tâm, chỉ vì nhằm độ thoát chúng sinh tà định mà khởi tâm đại bi, phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, nên gọi là Bồ Tát.

Vì sao?

Này Thiện Nam! Bồ Tát đối với chúng sinh tà định khởi sinh tâm đại bi, phát đại nguyện Bồ Đề. Đó gọi là Bồ Tát.

Bấy giờ, Bồ Tát Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con cũng muốn nói do nghĩa gì mà gọi là Bồ Tát?

Đức Phật dạy: Ông cứ nêu bày.

Bồ Tát Bồ Đề nói: Ví như người nam hay người nữ thọ tám giới trong một ngày, không hủy phạm, không thiếu sót. Nếu Bồ Tát từ khi mới phát tâm đến khi thành Phật ở trong khoảng thời gian ấy thường tu tịnh hạnh. Đó gọi là Bồ Tát.

Bạch Thế Tôn! Bồ Tát từ khi mới phát tâm cho đến khi an tọa nơi Đạo Tràng tâm không lay động, đó gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Kiên Ý nói: Nếu Bồ Tát thành tựu rốt ráo tâm từ, thường thương nhớ đến chúng sinh. Đó gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát độ chúng sinh nói: Ví như cầu công, thuyền bè đưa người qua sông, không có phân biệt, không có mệt mỏi. Nếu Bồ Tát có tâm như vậy mà độ tất cả chúng sinh. Đó gọi là Bồ Tát.

***