Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Phạm Võng Sáu Mươi Hai Tà Kiến
PHẬT THUYẾT KINH
PHẠM VÕNG SÁU MƯƠI HAI TÀ KIẾN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Chi Khiêm, Đời Ngô
PHẦN HAI
Đức Phật dạy: Các ngoại đạo, mỗi mỗi đều chủ trương hữu thường, mỗi mỗi đều vì người thế gian nói hữu thường đều ở trong bốn kiến giải này, không thể vượt hơn bốn kiến giải ấy. Đức Phật đều biết rõ, còn hiểu biết vượt hơn thế nữa bằng sự hiểu biết tuyệt diệu.
Do đó Ngài không chấp trước cũng không hủy báng nên được Vô Vi Niết Bàn, Ngài biết sự thọ nhận do xúc sanh ra, biết phương tiện để thoát khỏi kiến giải, nhờ không có thọ nên được giải thoát.
Pháp mà Đức Phật biết thì thâm diệu, sáng tỏ, Ngài đều biết rõ tất cả. Nếu có hiền giả đệ tử nghe biết pháp ấy đều tán thán Đức Như Lai.
Nếu có ngoại đạo, ở trong kiếp quá khứ, thấy việc quá khứ, nhớ lại việc trong thời quá khứ, đối với vô số học thuyết, mỗi mỗi đều thích nói, hiểu rõ những việc đó, đều ở trong mười tám kiến giải, là đối tượng nhận thức của Đạo Nhân.
Sao gọi là có ngoại đạo nói: Ta tự nhiên sanh ở đây, không phải từ nơi khác sanh đến, nghĩ: Không có từ đâu sanh đến, thấy rằng: Vốn không có thế gian, nay có thế gian. Đều ở trong hai kiến giải ấy.
Sao gọi là những điều ngoại đạo đã biết, nói rằng: Ta tự nhiên sanh ở đây, không phải từ phương khác sanh đến, nhớ là không có thế gian, nay lại có thế gian: Có một vị Trời tên là Vô Tưởng, nhập vào vô tưởng, không có thọ nhận, vị Thiên Nhân ấy nếu nghĩ đến tư tưởng, lộc phước đức liền cạn mỏng, mạng chung sanh xuống nhân gian, người đó tu hành tinh tấn, xa lìa ái dục.
Nhất tâm định ý, liền nhập vào tam muội như kỳ tượng, không thể nhớ lại thuở xưa từ đâu sanh đến, người đó liền nói: Vốn không có thế gian, nay mới có thế gian, thuở xưa ta vốn không có, nay bỗng tự nhiên sanh. Đó là kiến giải thứ nhất.
Thứ hai nếu có ngoại đạo ý niệm si mê, người si mê ấy nghĩ rằng: Vốn không có thế gian, nay bỗng nhiên có thế gian, ta vốn không có, nay tự nhiên sanh ra có.
Vì sao như vậy?
Vì ta vốn không có, nay tự nhiên sanh ra có. Gọi là vốn không có thế gian. Đó là kiến giải thứ hai.
Các ngoại đạo kia chủ trương: Ta vốn không từ đâu sanh, nghĩ là không từ đâu sanh. Kiến giải này gọi là bổn pháp thế gian, nay bỗng có thế gian, đều ở trong hai kiến giải này. Đó là hai kiến giải không thể vượt lên trên.
Đức Phật biết rõ, còn vượt lên trên bằng sự hiểu biết tuyệt diệu nữa. Do đó Ngài không chấp trước, cũng không hủy báng nên được Vô Vi Niết Bàn.
Đức Phật biết sự thọ nhận do xúc sanh ra, Ngài còn biết phương tiện từ đâu phát sanh kiến giải này, nên ý hiểu rất rõ.
Đức Phật dạy: Pháp mà ta biết thì thâm diệu, hết sức sáng tỏ, ta biết tất cả. Nếu có hiền giả đệ tử nghe biết như vậy liền tán thán Phật. Nếu có ngoại đạo, ở trong kiếp quá khứ, thấy việc quá khứ, nhớ nghĩ hành động lúc quá khứ, đối với một số chủ trương đều thích nói là hiểu rõ việc quá khứ đều ở trong mười tám kiến giải này.
Có ngoại đạo, một người nói: Những điều tôi thấy là có giới hạn.
Một người cho: Những điều tôi thấy là không có giới hạn.
Một người nêu: Những điều tôi thấy là có giới hạn, không có giới hạn.
Một người cho là: Những điều tôi thấy là không có giới hạn, cũng không có giới hạn, tất cả đều ở trong bốn kiến giải này.
Ngoại đạo đó đối tượng nhận thức của họ là những gì?
Nếu có ngoại đạo hành như vậy: Tự vì người thế gian giảng nói về hữu hạn. Chỉ có lời nói ta là chơn thật, ngoài ra đều là lời nói hư vọng si cuồng.
Tự vì người thế gian giảng nói về vô hạn, nói rằng: Ngã và thế gian là hữu hạn, vô hạn, ngã và thế gian cũng không hữu hạn, cũng không vô hạn, sau đó cũng là lời nói hư vọng. Nói như vậy là lời nói điên cuồng.
Vì sao?
Vì ta thấy thế gian là hữu hạn. Đó là kiến giải thứ nhất.
Thứ hai nếu có ngoại đạo chủ trương: Điều ta làm và thấy là vô hạn, nghĩa là ngã và thế gian là vô hạn. Ngoại đạo ấy làm như vậy, thấy như vậy, gọi là ngã và thế gian là vô hạn.
Người ấy nói rằng: Ngã và thế gian là vô hạn, chỉ có lời nói của ta là chơn thật, ngoài ra là si mê.
Có người nói ngược lại: Ngã và thế gian vừa hữu hạn, vừa vô hạn, ngã và thế gian cũng không hữu hạn, cũng không vô hạn. Ai nói lời nói đó là nói cuồng si.
Vì sao như vậy?
Vì Ngã và thế gian là vô hạn. Đó là kiến giải thứ hai.
Thứ ba có ngoại đạo chủ trương: Thấy như vậy hành như vậy.
Cho: Ngã và thế gian vừa hữu hạn, vừa vô hạn. Chỉ có lời nói của ta là chơn thật, ngoài ra đều là lời vọng ngữ, si cuồng.
Kẻ khác thì nói ngược lại: Ngã và thế gian vừa hữu hạn, vừa vô hạn. Ngã và thế gian cũng không hữu hạn, cũng không vô hạn. Ai nói như vậy là nói lời si cuồng.
Vì sao như vậy?
Vì ngã và thế gian vừa hữu hạn, vừa vô hạn. Đó là kiến giải thứ ba.
Thứ tư có ngoại đạo chủ trương: Ta nhớ như vậy, làm theo kiến giải như vậy. Nghĩa là ngã và thế gian cũng không hữu hạn, cũng không vô hạn. Chỉ có lời nói của ta là chơn thật, ngoài ra đều là lời hư vọng si cuồng.
Ngược lại có người nói: Ngã và thế gian là hữu hạn, ngã và thế gian là vô hạn, ngã và thế gian vừa hữu hạn, vừa vô hạn, nói như vậy là nói lời si cuồng.
Vì sao?
Ngã và thế gian cũng không hữu hạn, cũng không vô hạn. Đó là kiến giải thứ tư.
Đức Phật dạy: Các ngoại đạo có người nói: Ngã và thế gian hữu hạn, có người bảo vô hạn. Có người cho vừa hữu hạn vừa vô hạn, đều ở trong bốn kiến giải này, không thể vượt lên trên bốn kiến giải ấy.
Đức Phật đều biết những điều đó, lại còn vượt lên trên bằng sự hiểu biết một cách tuyệt diệu hơn nữa, cho nên Ngài không chấp trước, không hủy báng mà được vô vi Niết Bàn.
Ngài biết sự thọ nhận là do xúc sanh ra, biết phương tiện để thoát ra khỏi nó, không chấp vào các thọ, nên Ngài được hoàn toàn giải thoát.
Đức Phật dạy: Pháp mà ta biết thì thâm diệu, hết sức sáng tỏ, nếu có hiền giả đệ tử nghe biết pháp ấy liền tán thán Đức Phật. Nếu có ngoại đạo đối với kiếp quá khứ, thấy việc quá khứ, nhớ nghĩ đến chỗ đã sanh thuở trước, đối với vô số học thuyết đều ưa thích thuyết giải những việc ấy, đều ở trong mười tám kiến giải. Các ngoại đạo ấy cùng nhau tranh luận mỗi người mỗi cách.
Nếu có người hỏi sự việc liền cùng nhau đau tranh lời nói, ngôn giáo khác nhau: Ta sẽ dạy đạo như vậy, người kia sẽ dạy như vậy, người khác sẽ dạy như vậy, ngươi nên như vậy, không nên như vậy, đều ở trong bốn kiến giải ấy.
Các ngoại đạo ấy cùng nhau tranh thuyết, sao gọi là chủ thuyết mỗi người khác nhau?
Có các ngoại đạo thấy như vậy, hành như vậy, nói rằng: Ta không biết cũng không thấy có đời sau hay không có đời sau, ta không biết cũng không thấy là nhất thiết không có đời sau. Ta vốn không thấy không biết, không nhớ việc này, như ta đã nói không phải như người khác đã nói.
Người ấy tự dùng lời nói riêng của mình: Sự thấy của ta là chân thật, ngoài ra đều si mê.
Đức Phật dạy: Người chấp thủ tà kiến si mê ấy, khi thân chết đọa vào cõi ác Nê Lê. Nếu có Sa Môn, Bà La Môn, biết được nhiều nghề, trí tuệ thông tỏ, nhận xét đúng đắn về ý nghĩa, lời nói không khác, danh tiếng đồn xa, trừ bỏ kiến chấp của kẻ khác, có ai đến chỗ vị ấy để hỏi, vị ấy cũng chẳng thể bắt buộc theo ý kiến của mình, như cho ngoại đạo kia chết bị đọa vào nẻo ác. Đó là kiến giải thứ nhất.
Thứ hai, có ngoại đạo chủ trương: Vị ngoại đạo ấy thấy như vậy, nói như vậy: Ta không biết có sự tai ương hay phước đức của việc thiện ác?
Cũng không biết đến là không có sự tai ương và phước đức của việc thiện, ác. Tôi cũng không biết cũng không thấy. Nếu nói như thế, có tai ương hay phước đức của sự thiện ác, thì tôi chấp nhận. Hoặc không có tai ương, phước đức của việc thiện, ác, thì tôi không chấp nhận. Nếu tôi không chấp nhận nó sẽ cảm thọ trở lại.
Nếu Sa Môn, Bà La Môn việc làm có nhiều hiểu biết, giải thuyết một cách trí tuệ, nghĩa lý chắc thật, lời lẽ không thay đổi, tiếng tăm đồn xa, hủy bỏ kiến chấp của kẻ khác, đi đến chỗ nào, nếu có ai hỏi thì không bắt buộc họ theo ý mình.
Ngoại đạo ấy, nghi ngờ sợ sệt có người đến hỏi, nếu có người đến hỏi liền cùng nhau tranh thuyết rằng: Bảo người này phải như thế này, người khác phải như thế khác, nên như vậy, không nên như vậy, cũng nên như vậy, không nên như vậy. Đó là kiến giải thứ hai.
Thứ ba có ngoại đạo chủ trương: Ngoại đạo ấy thấy như vậy, nói như vậy: Nếu không có ngã thì sao gọi là thiện, sao gọi là ác, nên làm những gì và không nên làm những gì, đâu là nẻo thiện, đâu là nẻo ác, đâu là sự thật đời này, đâu là sự thật đời sau, thường nên làm những gì thì bị khổ, thường nên làm những gì thì được vui?
Nếu có Sa Môn, Bà La Môn việc làm có nhiều hiểu biết, nghĩa lý xác thực, lời lẽ không thay đổi, tiếng tăm đồn xa, hủy bỏ kiến giải của kẻ khác, có ai đến hỏi: Thiện ác ở chỗ nào?
Những gì nên làm và những gì không nên làm?
Đâu là con đường của thiện ác?
Sự thật của đời này và đời sau ở chỗ nào?
Thường phải làm những gì đưa đến khổ vui?
Họ đến hỏi như vậy, không nêu bày xử lý, sợ rơi vào nẻo ác.
Nếu có người đến hỏi việc như vậy, liền cùng nhau tranh cãi, lời nói khác nhau: Dạy người này nên làm như vậy, dạy người khác nên làm như kia, dạy người này nên như vậy, cũng nên như vậy, không nên như vậy. Đó là kiến giải thứ ba.
Thứ tư có ngoại đạo chủ trương: Ngoại đạo ấy ý nghĩ si mê, nếu có người đến hỏi việc, liền cùng nhau tranh cãi, lời nói khác nhau: Dạy người này nên như vậy, dạy người khác nên như kia, nên như vậy, không nên như vậy, cũng nên như vậy, cũng không nên như vậy, không như vậy, cũng nên như vậy, cũng không như vậy. Đó là kiến giải thứ tư.
Yù nghĩa mà các ngoại đạo cùng nhau tranh luận, cũng nói lời lẽ khác nhau, nếu có người đến hỏi, liền cùng nhau tranh luận: Dạy người này nên làm như vậy, dạy người khác nên làm như kia, nên như vậy, không nên như vậy, cũng nên như vậy, cũng không nên như vậy, đều ở trong bốn kiến giải ấy, không thể vượt lên trên bốn kiến giải ấy.
Phật đều biết rõ, Ngài còn biết hơn thế nữa bằng sự hiểu biết tuyệt diệu, do đó Ngài không chấp trước cũng không hủy báng, nên được vô vi Niết Bàn. Ngài biết sự thọ nhận do xúc sanh ra, biết theo phương tiện để thoát ra khỏi thọ hiện tại mà ý được giải thoát hoàn toàn.
Đức Phật dạy: Pháp mà ta biết thì thâm diệu, chói sáng vô cùng, ta biết rõ hết. Nếu có hiền giả đệ tử nghe biết pháp ấy liền tán thán Phật. Nếu có ngoại đạo, đối với kiếp quá khứ, biết việc quá khứ, nhớ việc làm lúc quá khứ, đối với vô số học thuyết, ưa giải thích những việc ấy, đều ở trong mười tám kiến giải này, đó là mười tám kiến giải không thể vượt lên trên được.
Đức Phật đã biết như vậy, còn vượt lên bằng sự hiểu biết tuyệt diệu, do đó Ngài không chấp trước, cũng không hủy báng, hiện tại không còn chấp thọ nên được giải thoát hoàn toàn.
Đức Phật dạy: Pháp mà ta biết được rất thâm diệu, sáng tỏ vô cùng, ta biết rõ tất cả. Nếu có hiền giả đệ tử nghe biết pháp ấy liền tán thán Phật.
Nếu có ngoại đạo, đối với kiếp đương lai, nhớ nghĩ việc đương lai, hành theo vô số học thuyết, ưa thích giảng nói những việc ấy, đều ở trong bốn mươi bốn kiến giải.
Các ngoại đạo ấy đã biết những gì mà đối với kiếp đương lai, biết việc đương lai, hành theo vô số học thuyết, ưa giải thích những việc ấy. Nếu có ngoại đạo hành theo tưởng nhận thức theo tưởng, tự vì người thế gian mà thuyết tưởng, ở trong mười sáu kiến giải.
Ngoại đạo ấy đã biết những gì mà hành theo tưởng nhận thức theo tưởng, vì người thế gian nói về tưởng, ở trong mười sáu kiến giải này?
Ngoại đạo ấy đã thấy như vậy, làm như vậy: Có ngã sắc là có tưởng về đời sau, chỉ có lời nói của ta là chơn thật, ngoài ra là si mê. Đó là kiến giải thứ nhất.
Nếu có ngoại đạo nói rằng: Vô sắc là hữu ngã, không có đời sau, lời nói của ta chơn thật, ngoài ra là si mê. Đó là kiến giải thứ hai.
Nếu có ngoại đạo, hành theo tưởng nhận thức theo tưởng, tự vì người thế gian nói về tưởng rằng: Có sắc, không sắc, có ngã, lời nói của ta chơn thật, ngoài ra là si mê. Đó là kiến giải thứ ba.
Nếu có ngoại đạo nói: Cũng không có sắc, cũng không vô sắc là hữu ngã, lời nói của ta chơn thật, ngoài ra là si mê. Đó là kiến giải thứ tư.
Thứ năm, nếu có ngoại đạo nói: Ngã là hữu hạn, lời nói của ta là chơn thật, ngoài ra là si mê. Đó là kiến giải thứ năm.
Thứ sáu, nếu có ngoại đạo nói: Hữu ngã là vô hạn, lời nói của ta chơn thật, ngoài ra là si mê. Đó là kiến giải thứ sáu.
Thứ bảy, nếu có ngoại đạo nói: Hữu ngã là hữu hạn, vô hạn, lời nói của ta chơn thật, ngoài ra là si mê. Đó là kiến giải thứ bảy.
Thứ tám, nếu có ngoại đạo nói: Hữu ngã cũng không hữu hạn, cũng không vô hạn, lời nói của ta chơn thật, ngoài ra là si mê. Đó là kiến giải thứ tám.
Thứ chín, nếu có ngoại đạo nói: Hữu ngã là nhất tưởng, lời nói của ta chơn thật, ngoài ra là si mê. Đó là kiến giải thứ chín.
Thứ mười, nếu có ngoại đạo nói: Hữu ngã là ít tư tưởng, lời nói của ta chơn thật, ngoài ra là si mê. Đó là kiến giải thứ mười.
Thứ mười một, nếu có ngoại đạo nói: Hữu ngã là lớp lớp các tư tưởng, lời nói của ta chơn thật, ngoài ra là si mê. Đó là kiến giải thứ mười một.
Thứ mười hai, nếu có ngoại đạo nói: Hữu ngã là vô số tư tưởng, lời nói của ta chơn thật, ngoài ra là si mê. Đó là kiến giải thứ mười hai.
Thứ mười ba, nếu có ngoại đạo nói: Hữu ngã là nhất lạc hoàn toàn vui, lời nói của ta chơn thật, ngoài ra là si mê. Đó là kiến giải thứ mười ba.
Thứ mười bốn, nếu có ngoại đạo nói: Hữu ngã là khổ, lời nói của ta chơn thật, ngoài ra là si mê. Đó là kiến giải thứ mười bốn.
Thứ mười lăm, nếu có ngoại đạo nói: Hữu ngã là vừa khổ vừa vui, lời nói của ta chơn thật, ngoài ra là si mê. Đó là kiến giải thứ mười lăm.
Thứ mười sáu, nếu có ngoại đạo nói: Hữu ngã cũng không khổ không vui, lời nói của ta chơn thật, ngoài ra là si mê. Đó là kiến giải thứ mười sáu.
Đức Phật dạy: Ngoại đạo mà hành theo tưởng nhận thức theo tưởng, tự vì thế gian nói về tưởng, đều ở trong mười sáu kiến giải này, không thể vượt lên trên được. Đức Phật đều biết những việc ấy, Ngài còn hiểu biết hơn thế nữa, sự hiểu biết của Phật là tuyệt diệu, cho nên Ngài không chấp trước cũng không hủy báng mà được vô vi.
Ngài biết sự thọ nhận do xúc sanh ra, biết phương tiện để thoát ra khỏi nó. Ngài hiện tại không chấp các thọ nên ý được giải thoát hoàn toàn.
Đức Phật dạy: Pháp mà ta biết thì thâm diệu, hết sức sáng tỏ, ta biết tất cả. Nếu có hiền giả đệ tử nghe biết như vậy liền tán thán Phật. Nếu có ngoại đạo đối với kiếp đương lai, thấy việc đương lai, nhớ nghĩ việc làm quá khứ, đối với vô số học thuyết, ưa thích giải thuyết những việc làm ấy đều ở trong bốn mươi bốn kiến giải.
Những ngoại đạo ấy đã nói những gì ?
1. Nếu có ngoại đạo hành vô thường, nhận thức vô thường, tự vì người thế gian nói vô thường đều ở trong tám kiến giải.
Ngoại đạo ấy đã làm những gì mà gọi là hành vô tưởng, nhận thức vô tưởng, tự vì người thế gian nói vô tưởng?
Ngoại đạo ấy thấy như vậy, hành như vậy: Hữu ngã vô tưởng là hữu sắc, chết rồi không có đời sau, chỉ có lời nói của ta là chơn thật, ngoài ra là si mê. Đó là kiến giải thứ nhất.
2. Nếu có ngoại đạo đã biết những gì mà gọi: Hành vô tưởng, nhận thức vô tưởng, tự vì người thế gian nói vô tưởng?
Đó là Hữu ngã vô tưởng là vô sắc, chết rồi không có đời sau, chỉ có lời nói của ta là chơn thật, ngoài ra là si mê. Đó là kiến giải thứ hai.
3. Nếu có ngoại đạo nói: Hữu ngã vô tưởng là hữu sắc vô sắc, chết rồi không có đời sau, chỉ có lời nói của ta là chơn thật, ngoài ra là si mê. Đó là kiến giải thứ ba.
4. Nếu có ngoại đạo nói: Hữu ngã và thế gian là cũng không có sắc cũng không vô sắc, chết rồi không có đời sau, chỉ có lời nói của ta là chơn thật, ngoài ra là si mê. Đó là kiến giải thứ tư.
5. Nếu có ngoại đạo nói: Ngã và thế gian là hữu hạn, chết rồi không có đời sau, chỉ có lời nói của ta là chơn thật, ngoài ra là si mê. Đó là kiến giải thứ năm.
6. Nếu có ngoại đạo nói: Ngã và thế gian là vô hạn, chết rồi không có đời sau, lời nói của ta là chơn thật, ngoài ra là si mê. Đó là kiến giải thứ sáu.
7. Nếu có ngoại đạo nói: Vừa hữu hạn vừa vô hạn, lời nói của ta là chơn thật, ngoài ra là si mê. Đó là kiến giải thứ bảy.
8. Nếu có ngoại đạo nói: Cũng không hữu hạn, cũng không vô hạn, lời nói của ta là chơn thật, ngoài ra là si mê. Đó là kiến giải thứ tám.
Đức Phật dạy: Nếu có ngoại đạo đối với kiếp đương lai, thấy việc đương lai, sự hiểu biết và lời nói khác nhau, đều ở trong bốn mươi bốn kiến giải.
Ngoại đạo ấy đã biết những gì mà nói nhận thức vô tưởng, hành vô tưởng, cũng không nhận thức vô tưởng gọi là biết: Ngã và thế gian là không có tưởng, đều ở trong tám kiến giải này.
1. Kiến giải thứ nhất là nếu có ngoại đạo thấy như vậy, hành như vậy: Hữu ngã là hữu sắc, cũng không có tưởng, cũng không vô tưởng, chết rồi có đời sau, lời nói của ta chơn thật, ngoài ra là si mê. Đó là kiến giải thứ nhất.
2. Nếu có ngoại đạo nói: Hữu ngã là hữu sắc, vô sắc, cũng không có tưởng, cũng không vô tưởng, chết rồi có đời sau, lời nói của ta chơn thật, ngoài ra là si mê. Đó là kiến giải thứ hai.
3. Nếu có ngoại đạo nói: Hữu ngã là hữu sắc, vô sắc, cũng không có tưởng, cũng không vô tưởng đối với đời sau, lời nói của ta chơn thật, ngoài ra là si mê. Đó là kiến giải thứ ba.
4. Nếu có ngoại đạo nói: Hữu ngã cũng không có sắc, cũng không vô sắc, cũng không hữu tưởng cũng không vô tưởng nơi đời sau, lời nói của ta chơn thật, ngoài ra là si mê. Đó là kiến giải thứ tư.
5. Nếu có ngoại đạo nói: Hữu ngã là hữu hạn, cũng không hữu tưởng cũng không vô tưởng nơi đời sau, lời nói của ta chơn thật, ngoài ra là si mê. Đó là kiến giải thứ năm.
6. Nếu có ngoại đạo nói: Hữu ngã là vô hạn, cũng không hữu tưởng cũng không có vô tưởng nơi đời sau, lời nói của ta chơn thật, ngoài ra là si mê. Đó là kiến giải thứ sáu.
7. Nếu có ngoại đạo nói: Hữu ngã vừa hữu hạn vừa vô hạn, cũng không hữu tưởng cũng không vô tưởng nơi đời sau, lời nói của ta chơn thật, ngoài ra là si mê. Đó là kiến giải thứ bảy.
8. Nếu có ngoại đạo nói: Hữu ngã cũng không hữu hạn cũng không vô hạn, cũng không hữu tưởng cũng không vô tưởng nơi đời sau, lời nói của ta chơn thật, ngoài ra là si mê. Đó là kiến giải thứ tám.
Đức Phật dạy: Nếu có ngoại đạo nói: Cũng không hữu tưởng, cũng không vô tưởng hành, cũng không có tưởng, cũng không thấy vô tưởng, cũng không có hành hữu tưởng, cũng không thấy hữu tưởng, cũng không thấy vô tưởng, cũng không có hành hữu tưởng, cũng không thấy hữu tưởng, đều ở trong tám kiến giải này, không thể vượt lên trên tám kiến giải này.
Đức Phật đều biết những điều ấy, Ngài còn biết hơn thế nữa bằng sự hiểu biết tuyệt diệu, cho nên Ngài không chấp trước cũng không hủy báng mà được vô vi Niết Bàn. Ngài biết sự thọ nhận do xúc sanh ra, Ngài biết phương tiện thoát ra khỏi nó, hiện tại Ngài không có chấp trước nên ý hoàn toàn giải thoát.
Đức Phật dạy: Pháp mà ta biết thì thâm diệu, vô cùng sáng tỏ, ta biết tất cả. Nếu có hiền giả đệ tử nghe biết pháp ấy liền tán thán Phật.
Đức Phật dạy: Nếu có ngoại đạo, ở kiếp đương lai, thấy việc đương lai, đối với vô số học thuyết có sự hiểu biết và lời nói khác nhau, đều ở trong bốn mươi bốn kiến giải này.
Ngoại đạo ấy biết những gì mà nói như vậy?
Nếu có ngoại đạo nói không hành, không có nhận thức, không có người nghĩ biết về không đều ở trong bảy kiến giải.
Ngoại đạo ấy nói: Không hành, không có nhận thức, không có người nghĩ về cái không, họ biết như thế nào mà nói như vậy?
1. Nếu có ngoại đạo thấy như vậy: Các sắc tứ đại của ta, do cha mẹ sanh ra, do ăn uống trường tồn, tắm rửa mặc y phục, nhưng nó là vật vô thường, thân chết trở về đất, xương cốt các thứ nơi thân rơi rớt mỗi thứ một nơi, gió thổi vào thân, tan nát hư hoại, đến đời sau không còn sống chết nữa, như vậy liền tiêu diệt hết. Đó là kiến giải thứ nhất.
2. Lại có ngoại đạo nói: Chết rồi không phải như vậy, tuy tan hoại nhưng còn có cái ngã vượt hơn thế nữa.
Đâu là chỗ ngã này vượt lên trên?
Cái ngã ấy là ở Cõi Sắc và Cõi Dục hành.
Còn ngã kia nếu chết thì hủy hoại, đời sau không còn sanh tử nữa. Đó là kiến giải thứ hai.
3. Nếu có ngoại đạo nói: Ngã là cái mà chết rồi không có hủy hoại như vậy, lại có cái ngã khác còn vượt hơn nó, cái ngã ấy là sắc vô ý, còn ngã kia nếu chết hủy hoại, đời sau không còn sanh tử trở lại nữa. Đó là kiến giải thứ ba.
4. Lại có ngoại đạo nói: Ngã không như cái chết hủy hoại này, lại có cái ngã còn vượt lên trên nữa.
Sao gọi cái ngã ấy như vậy?
Vì ngã ấy vượt qua các Cõi Trời Sắc Tưởng, vượt qua Cõi Trời Tưởng giận dữ, nhớ vô số các thứ hư không tri hành, ngã ấy nếu chết thì hủy hoại, đời sau không còn sanh tử nữa. Đó là kiến giải thứ tư.
5. Lại có ngoại đạo nói: Ngã này không phải như cái chết hủy hoại, còn có cái ngã vượt lên trên nó.
Sao gọi cái ngã ấy như vậy?
Vì ngã ấy vượt qua Cõi Trời Nhất Thiết Hư Không Tri, Cõi Trời Vô Ương Số Danh Thức Tri, Cõi Trời Sở Niệm Hành Kỳ, nếu chúng không hủy hoại, đời sau không còn sanh tử nữa.
Đó là kiến giải thứ lại có ngoại đạo nói: Hủy hoại, đời sau không còn sanh tử trở lại nữa. Đó là kiến giải thứ năm.
6. Lại có ngoại đạo nói: Ngã ấy không giống như cái chết hủy hoại này, lại có cái ngã còn vượt lên trên nó nữa.
Sao gọi cái ngã ấy như vậy?
Vì ngã ấy vượt qua Cõi Trời Nhất Thiết Thức Tri, không còn chấp trước danh, vượt qua Cõi Trời Vô Thức Tri Niệm Hành Kỳ.
Ngã ấy chết rồi thì hủy hoại, đời sau không còn sanh tử trở lại nữa. Đó là kiến giải thứ sáu.
7. Lại có ngoại đạo nói: Ngã ấy không giống như cái chết hủy hoại này, lại có cái ngã còn vượt lên trên nó nữa.
Sao gọi cái ngã ấy như vậy?
Vì ngã ấy vượt qua Cõi Trời Nhất Thiết Vô Thức Tri, vị Thiên Nhân ấy là thuộc Cõi Trời Vô tưởng Hữu Tưởng Niệm Hành.
Ngã này khi chết thì hủy hoại, đời sau không còn sanh tử trở lại nữa. Đó là kiến giải thứ bảy.
Đức Phật dạy: Cái có thể gọi là ngoại đạo chủ trương: Hành, nhận thức về diệt hoại, không hành, không có tưởng, không người niệm không, đều ở trong bảy kiến giải này. Ở trong bảy kiến giải này, không thể vượt lên trên được.
Đức Phật đều biết những sự kiện ấy, còn vượt lên nó bằng sự hiểu biết tuyệt diệu, cho nên Ngài không chấp trước, cũng không hủy báng mà được vô vi, Ngài biết sự thọ nhận do xúc sanh ra, Ngài biết cách thoát ra khỏi nó, hiện tại Ngài không còn chấp trước nên ý được giải thoát hoàn toàn.
Pháp mà Ngài biết thì thâm diệu, vô cùng sáng tỏ, biết một cách trọn vẹn. Nếu có Hiền Giả đệ tử nghe biết pháp ấy liền tán thán công đức của Phật.
Đức Phật dạy: Nếu có ngoại đạo đối với kiếp đương lai, thấy việc đương lai, đối với vô số học thuyết, chủ trương khác nhau, đều ở trong bốn mươi bốn kiến giải này.
Lại có ngoại đạo tự chủ trương: Hiện nay nhớ nghĩ về hành theo vô vi, hiện tại nhận biết về vô vi Niết Bàn, đều ở trong năm kiến giải này.
1. Có ngoại đạo thấy như vậy, nói hành cũng như vậy rằng: Ở trong cung điện để tự hoan lạc, dùng năm thứ dục lạc để tự vui thích.
Người đó nói: Ngã hiện tại đạt được Vô Vi Niết Bàn. Đó là kiến giải thứ nhất.
2. Lại có ngoại đạo nói không giống như những người khác rằng: Có ngã hiện tại được vô vi, lại có cái hiện tại được vô vi.
Sao gọi là hiện tại, vô vi?
Nếu Tỳ Kheo lìa dục, lìa pháp ác bất thiện, ý niệm hành thiện an lạc, được đệ nhất thiền, người ấy diệt tận cái ngã, đời sau không còn sanh tử trở lại nữa. Ngã này hiện tại được vô vi. Đó là kiến giải thứ hai.
3. Lại có Sa Môn, Đạo Nhân nói: Không như những người khác đã nói, không cho là ngã này hiện tại được vô vi, lại còn có cái hiện tại vô vi cao hơn nữa.
Sao gọi là hiện tại vô vi?
Đó là Tỳ Kheo diệt ý, bên trong được định tịch tĩnh, giữ ý chí chuyên nhất, không nghĩ cũng không hành, Tam Muội sanh hỷ lạc, liền được Đệ Nhị Thiền. Người đó hoàn toàn vắng lặng hiện tại được vô vi. Đó là kiến giải thứ ba.
4. Lại có Sa Môn, Đạo Nhân nói: Không như những người khác đã nói, không cho là ngã này hiện tại được vô vi, lại còn có cái hiện tại vô vi vượt lên trên nữa.
Sao gọi là hiện tại vô vi?
Đó là Tỳ Kheo an vui, xa lìa dâm dật, ưa thích hành quán, thân hành được tịch tĩnh, an vui. Như sự hành quán của hiền giả thường được an ổn, liền được Đệ Tam Thiền. Đó là kiến giải thứ tư.
5. Lại có Sa Môn Đạo Nhân nói: Không như những người khác đã nói, không dùng điều này hiện tại được vô vi, lại có cái hiện tại vô vi còn vượt lên trên nữa.
Sao gọi là hiện tại vô vi?
Đó là có vị Tỳ Kheo đoạn trừ lạc, đoạn trừ khổ, trước đó không có cái thích hợp ý và cái không thích hợp ý, cũng không khổ, cũng không vui, thường tôn thờ sự thanh tịnh, liền được Đệ Tứ Thiền. Người đó hiện tại được diệt tận vô vi, do đó đời sau không còn sanh tử trở lại nữa. Đó là kiến giải thứ năm.
Đức Phật dạy: Ý nghĩa gọi là có Sa Môn Đạo Nhân chủ trương: Hiện tại vô vi, người thấy hiện tại vô vi, người nhớ hiện tại vô vi, đều ở trong năm kiến giải này, không thể vượt lên trên năm kiến giải ấy.
Đức Phật đều biết chỗ kiến giải ấy, Ngài còn hiểu biết hơn thế nữa bằng sự hiểu biết tuyệt diệu, do đó Ngài không chấp trước, cũng không hủy báng nên được vô vi, Ngài biết sự thọ nhận do xúc sanh ra, Ngài biết nỗ lực để thoát khỏi nó, hiện tại Ngài không còn chấp trước nên ý được hoàn toàn giải thoát.
Pháp mà Ngài biết thì thâm diệu, vô cùng sáng tỏ, biết một cách trọn vẹn. Nếu có hiền giả đệ tử nghe biết pháp ấy liền tán thán công đức của Phật.
Đức Phật dạy: Ngoại đạo kia Nhớ nghĩ về thường, nhận thức về thường giảng nói cho người nghe rằng: Ngã và thế gian là thường tại, đó là ở trong bốn kiến giải này, vì dùng bất tri để chỉ bày, cho nên không được đạo hạnh tinh tấn. Vì biết đây là sự tập khởi nơi nhân duyên, không tập khởi nơi nhân duyên, dùng cái này thì nhân duyên thành, dùng cái này thì nhân duyên không thành, không được chỗ này.
Đức Phật dạy: Ngoại đạo ấy nói: Bậc trên và giữa, các sự kiện biểu hiện, tự mình giảng thuyết rõ thế gian thường còn ở trong hai kiến giải này, dùng cái không biết, không thấy, không được đạo hạnh tinh tấn mới biết: Đây là sự tập khởi nơi nhân duyên, không tập khởi từ nhân duyên, dùng cái này thì nhân duyên thành, dùng cái này thì nhân duyên không thành, không được chỗ này.
Đức Phật dạy: Nếu có ngoại đạo đều nhớ nghĩ về thường, nhận thức về thường rồi nói cho người: Ngã và thế gian là hữu thường, ở trong bốn kiến giải này, vì dùng cái không tri, không kiến nên không đắc đạo. Tập khởi từ nhân duyên, không tập khởi từ nhân duyên, dùng cái này thì nhân duyên thành, dùng cái này thì nhân duyên không thành, không đạt được chỗ này.
Đức Phật dạy: Các ngoại đạo kia.
Có người nói: Ngã và thế gian là hữu hạn, có người bảo vô hạn.
Có người cho: Vừa hữu hạn vừa vô hạn, có người nêu cũng không hữu hạn, cũng không vô hạn đều ở trong bốn kiến giải này, dùng cái không tri, không kiến, không được đạo hạnh tinh tấn nên biết đó là tập khởi từ nhân duyên, không tập khởi từ nhân duyên, dùng cái đó thì nhân duyên thành, dùng cái này thì nhân duyên không thành, không đạt được chỗ ấy.
Đức Phật dạy: Các ngoại đạo ấy, cùng nhau tranh luận chủ thuyết không giống nhau, đều ở trong bốn kiến giải này, dùng cái không biết, không thấy nên không tu tập đạo hạnh tinh tấn.
Mới biết: Đây là tập khởi từ nhân duyên, không tập khởi từ nhân duyên, dùng cái này thì nhân duyên thành, dùng cái này thì nhân duyên không thành, không đạt được chỗ này.
Đức Phật dạy: Các ngoại đạo kia vì người thuyết giảng về tưởng, hành tưởng rằng: Ngã và thế gian là hữu tưởng, đều ở trong mười sáu kiến giải này, dùng cái không biết, không thấy nên được đạo hạnh tinh tấn.
Mới biết: Đây là tập khởi từ nhân duyên, không tập khởi từ nhân duyên, dùng cái này nhân duyên thành, dùng cái này nhân duyên không thành, không đạt được chỗ này.
Đức Phật dạy: Các ngoại đạo kia, cũng không niệm tưởng, cũng không vô tưởng, vì người nói ngã và thế gian là vô tưởng ở trong tám kiến giải này, vì không trí, không kiến nên không được đạo hạnh tinh tấn, để biết: Đây là tập khởi từ nhân duyên, không tập khởi từ nhân duyên, dùng cái này nhân duyên thành, dùng cái này nhân duyên không thành, không đạt được chỗ này.
Đức Phật dạy: Các ngoại đạo kia chủ trương hoại diệt, thường nói cho mọi người: Ngã và thế gian là hoại diệt, ở trong bảy kiến giải.
Do không tri, không kiến nên không được đạo hạnh tinh tấn, để biết: Đây là tập khởi từ nhân duyên, không tập khởi nhân duyên, dùng cái này thì nhân duyên thành, dùng cái này thì nhân duyên không thành, không đạt được chỗ này.
Đức Phật dạy: Các ngoại đạo kia, chủ trương hiện tại là vô vi Niết Bàn, nhưng thấy hiện tại là vô thường, vì người giảng nói hiện tại vô vi, ở trong năm kiến giải vì không tri, không kiến nên không được đạo hạnh tinh tấn để biết: Đây là tập khởi từ nhân duyên, không tập khởi từ nhân duyên, dùng cái này nhân duyên thành, dùng cái này nhân duyên không thành, không đạt được chỗ này.
Đức Phật dạy: Nếu có ngoại đạo nói, đối với kiếp quá khứ, thấy việc quá khứ, đối với vô số học thuyết, mỗi mỗi chủ trương khác nhau, đều ở trong mười tám kiến giải này. Các ngoại đạo kia đối với kiếp đương lai, thấy việc đương lai, đối với vô số học thuyết, chủ trương khác nhau, đều ở trong bốn mươi bốn kiến giải này.
Hiệp lại tất cả đều ở trong sáu mươi hai kiến giải này, qua lại trong sáu mươi hai kiến giải ấy, nằm gọn trong đó, chết nghẹt trong cái lưới kiến giải mà không thể thoát ra ngoài.
Đức Phật dạy: Thí như người đánh cá lành nghề hay học trò của ông ta, dùng cái lưới có lỗ nhỏ, bao phủ trên cái ao nhỏ, khi thả lưới xong, người đánh cá hoặc đứng phía trước ao, hoặc ngồi, suy nghĩ rằng: Các con cá bơi lội trong cái ao nhỏ đều bị mắc trong lưới, vùng vẫy trong lưới không thể thoát ra được.
Đức Phật dạy: Các ngoại đạo cũng như vậy, đối với trong kiếp quá khứ, thấy việc quá khứ, đối với vô số học thuyết, chủ trương khác nhau, đều ở trong mười tám kiến giải này. Nếu có ngoại đạo đối với kiếp đương lai, thấy việc đương lai, đối với vô số học thuyết khác nhau, đều ở trong bốn mươi bốn kiến giải này.
Đều qua lại trong sáu mươi hai kiến giải này, sống chết, an trụ ở trong đó, cùng nhau gặp gỡ hợp thành trong cái lưới ấy mà không thoát ra được.
Đức Phật dạy: Này Tỳ Kheo! Thân của Phật đã đoạn trừ hết các chấp trước. Ngài thường dùng thân này để Chư Thiên và loài người có thể thấy được. Sau khi Ngài đã nhập Bát Niết Bàn rồi thì không thể thấy nữa.
Khi Đức Phật nói Kinh này, ba ngàn Đại Thiên Thế Giới hiện rõ sáu cách chấn động. Bấy giờ Tỳ Kheo Na Da Hòa Lưu ở trước Đức Phật, lấy quạt quạt Phật.
Khi ấy hiền giả Na Da Hòa Lưu quỳ dài chấp tay bạch Phật: Thật chưa từng thấy bậc Thiên Trung Thiên nói Kinh thâm diệu và hết sức sáng tỏ này.
Bạch Thế Tôn, Kinh này gọi là gì?
Và làm sao để thọ trì?
Đức Phật dạy Na Da Hòa Lưu: Phật Câu Lâu Tần, Như Lai, Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác, khi nói Kinh này tên là Pháp Võng, Phật Ca Diếp, Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác, khi thuyết Kinh này tên là Kiến Võng, nay ta cũng nói Kinh này tên là Phạm Võng.
Đức Phật nói như vậy, các Tỳ Kheo đều hoan hỷ, đến trước Đức Phật đảnh lễ rồi lui ra.
***