Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Pháp Cú Thí Dụ
PHẬT THUYẾT
KINH PHÁP CÚ THÍ DỤ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Pháp Cự, Đời Tây Tấn
PHẨM MƯỜI HAI
PHẨM TÂM Ý
THÍ DỤ HAI MƯƠI SÁU
Thuở Đức Phật còn tại thế, có một vị Đạo Nhân tu dưới một cội cây bên bờ sông, suốt mười hai năm Trời mà tham tưởng vẫn không dứt được.
Tâm ý luôn phân tán nhớ nghĩ lục dục: Mắt đối sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý duyên pháp. Thân tuy yên mà ý lang thang chưa từng tĩnh lặng. Vì thế, dầu dụng công suốt mười hai năm mà vị ấy vẫn không đắc đạo.
Đức Phật biết ông có thể độ được nên hóa ra một vị Sa Môn đi đến chỗ đó, cùng ngồi dưới cội cây. Một lát sau trăng mọc, có một con rùa bò từ dưới sông lên đến gần gốc cây.
Lại có một con rái cá đang đói đi kiếm ăn, bỗng gặp con rùa liền định ăn thịt. Con rùa vội rút đầu đuôi và bốn chân vào mai, vì vậy rái cá không thể táp được. Rái cá rời xa chút ít thì rùa lại thò đầu đuôi tứ chi ra đi tiếp. Rái cá không thể làm gì được nên rùa thoát nạn.
Vị Đạo Nhân trông thấy nói với Sa Môn được hóa ra: Con rùa có áo giáp bảo vệ thân mạng nên rái cá không làm gì được.
Hóa Sa Môn đáp: Tôi nghĩ rằng người đời không bằng con rùa này. Họ không biết lẽ vô thường buông lung lục tình, ngoại ma do đó có cơ hội xâm nhập. Thân hoại thần đi, sinh tử mênh mang, luân chuyển trong năm nẻo, chịu khổ não vô lượng đều do ý mà ra. Vì vậy nên tự sách tấn cầu chỗ an ổn diệt độ.
Bấy giờ vị hóa Sa Môn liền nói kệ:
Thân này chẳng bền
Phải về đất sâu
Hình rã, thần đi
Sống tạm, chớ cầu.
Chỗ tâm suy lường
Rắc rối khó tường
Nghĩ tưởng điều quấy
Tự chuốc tai ương.
Tự mình gây tạo
Chẳng phải mẹ cha
Gắng theo nẻo chánh
Chớ quay lại tà.
Nhiếp căn như quy
Phòng ý giữ trì thành
Trí dẹp ma chướng
Thắng, hết hiểm nguy.
Vị Tỳ Kheo nghe kệ xong, tâm tham dứt sạch, vọng tưởng lặng trong, liền đắc quả A La Hán. Vị tân A La Hán này liên biết hóa Sa Môn chính là Đức Phật nên sửa y cung kính đảnh lễ. Trời Rồng Quỷ Thần ai cũng hoan hỷ.
***