Kinh Đại thừa
Bộ Đại Tập
PHẬT THUYẾT
KINH PHÁP ÐÚNG, PHÁP SAI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở tại rừng cây ông Kỳ Đà, vườn Ông Cấp Cô Độc, nước Xá Vệ. Bấy giờ Đức Phật bảo các Tỳ Kheo.
Các Tỳ Kheo thưa: Dạ vâng. Các Tỳ Kheo theo Đức Phật để nghe dạy.
Đức Phật dạy: Các Tỳ Kheo hãy lắng nghe ta nói. Có pháp Hiền Giả, cũng có pháp phi Hiền Giả.
Hãy lắng nghe! Hãy lắng nghe cho kỹ, biết cho rõ, suy nghĩ điều này thật kỹ.
Các Tỳ Kheo thưa: Dạ vâng! Theo Phật để thọ giáo.
Đức Phật nói rằng: Này Tỳ Kheo! Những gì là pháp phi Hiền Giả?
Nếu Tỳ Kheo thuộc dòng dõi quý tộc, thích đạo, muốn học đạo, nếu có các Tỳ Kheo khác đồng học nhưng không phải dòng dõi quý tộc mà Tỳ Kheo dòng dõi quý tộc tự kiêu đối với bản thân mình, khinh chê người khác. Đó là pháp phi Hiền Giả.
Những gì là pháp Hiền Giả?
Vị Hiền Giả nên học thấy chính ta không phải dòng họ tôn quý mà có khả năng đoạn tham dục, đoạn trừ sân hận, đoạn trừ ngu si. Hoặc bấy giờ có vị Tỳ Kheo không phải nhà thuộc dòng họ tôn quý thuyết pháp, ta chỉ cần nương vào phương tiện để thọ pháp, theo pháp mà nói, theo điều cốt tủy của chánh pháp mà thực hành, tùy thuận pháp mà thực hành.
Nhờ theo vị danh đức ấy để nghe pháp như pháp mà hành tùy thuận chân thật pháp, không tự khen mình, cũng không khinh người. Đó là pháp Hiền Giả.
Hoặc bấy giờ có vị Tỳ Kheo nhan sắc hết sức đoan chánh, các Tỳ Kheo khác không bằng, do mình đoan chánh cho nên tự khen mình chê người. Đó không phải là pháp Hiền Giả.
Bậc Hiền Giả thì không như vậy. Bậc Hiền Giả không tự chấp vào sắc đoan chánh của mình mà có thể đoạn trừ được tham, dâm, có thể đoạn được sân hận, có thể đoạn được ngu si.
Hoặc bấy giờ có vị Tỳ Kheo tuy không đoan chánh thuyết pháp, ta chỉ theo pháp ấy hoặc nhiều hay ít, thọ trì, thực hành, liền được ngợi khen, có tiếng.
Vậy ta hãy thọ pháp ấy một cách chắc chắn, tùy theo pháp mà hành, không tự khen mình, cũng không chê người. Đó là pháp Hiền Giả.
Hoặc bấy giờ có vị Tỳ Kheo khéo nói những lời hay đẹp, còn các Tỳ Kheo khác thì không nói được như vậy. Vị ấy nhân khéo nói được những lời hay đẹp nên tự khen mình chê người. Đó không phải là pháp Hiền Giả. Hiền Giả thì không như vậy.
Vị Hiền Giả học rằng chính ta không phải nhờ lời nói hay đẹp, cũng không phải nhờ biết nói những lời hay đẹp mà có thể đoạn trừ được tham dục, có thể đoạn trừ được sân hận, có thể đoạn trừ được ngu si.
Hoặc có vị Tỳ Kheo vì lời nói không hay đẹp, lại cũng không khéo nói, nhưng chỉ như pháp thọ giáo, hoặc tùy hành nhiều hay ít, nhờ việc làm đó được cung kính, làm như vậy được đa văn. Vị ấy với pháp này, nhờ thọ trì pháp, thực hành chắc thật, không tự khen mình chê người. Đó là pháp Hiền Giả.
Hoặc bấy giờ nghe có một vị Tỳ Kheo lớn tuổi, có nhiều tri thức, là bạn hữu giàu có, còn các Tỳ Kheo khác thì không bằng. Vị ấy liền theo vị Tỳ Kheo lớn tuổi có nhiều tri thức ấy, rồi tự khen mình, tự kiêu ngạo và khinh chê kẻ khác. Đó không phải là pháp Hiền Giả. Hiền Giả thì không như vậy.
Bậc Hiền Giả chỉ suy nghĩ, học hỏi rằng: Chính ta không hẳn nhờ theo vị lớn tuổi, cũng không phải nhờ có nhiều tri thức, cũng không nhờ theo người có nhiều phước đức mà có thể đoạn trừ được tham dục, có thể đoạn trừ được sân hận, có thể đoạn trừ được ngu si.
Hoặc bấy giờ có vị Tỳ Kheo còn nhỏ, cũng không có nhiều tri thức, phước đức cũng ít ỏi, nhưng thọ pháp, muốn tùy pháp hành, hoặc nhiều hay ít, nhờ đó được có tiếng tăm.
Vị ấy theo pháp, tùy pháp chân thật nhưng không tự khen mình, không tự kiêu mạn, không khinh chê kẻ khác. Đó là pháp Hiền Giả.
Hoặc bấy giờ có vị Tỳ Kheo biết nghe Kinh, có thể thuyết Kinh, biết luật, biết rõ và thâm nhập Kinh, còn các Tỳ Kheo khác thì không được như vậy.
Vị ấy nhờ thâm nhập, thông suốt Kinh nên tự khen mình, tự kiêu mạn, khinh chê kẻ khác. Đó chẳng phải là pháp Hiền Giả. Bậc Hiền Giả thì không như vậy.
Hiền Giả nên học như vậy: Chính ta không phải nhờ thâm nhập, cũng không phải nhờ thông suốt Kinh Điển mà có thể đoạn trừ được tham dục, có thể đoạn trừ được sân hận, có thể đoạn trừ được ngu si.
Hoặc bấy giờ có vị Tỳ Kheo không có thâm nhập, cũng không có thông suốt Kinh Điển, chỉ thọ pháp, tùy pháp, chánh cần, tùy pháp hành, nên nhờ đó mà được cung kính, nhờ đó mà được tiếng tăm.
Đó là nhờ trì pháp, tùy pháp, thực hành điều chân thật, cho nên vị ấy không tự khen mình, không tự kiêu ngạo, cũng không khinh chê kẻ khác. Đó là pháp Hiền Giả.
Hoặc bấy giờ có vị Tỳ Kheo cầu khất thực, không nhờ các bạn hữu để cầu khất thực, không quá bảy nhà, ngồi một chỗ, ngày ăn một bữa, sau đó ai cúng cũng không nhận.
Còn các Tỳ Kheo khác thì không được như vậy. Do ngày ăn một bữa, sau đó có cúng cũng không nhận, rồi tự khen mình, tự kiêu mạn, khinh chê kẻ khác. Đó không phải là pháp Hiền Giả. Hiền Giả thì không như vậy.
Hiền Giả cần phải học: Ta không hẳn theo hạnh ngày ăn một bữa, sau đó có cúng cũng không nhận mà có thể đoạn trừ được tham dục, đoạn trừ được sân hận, đoạn trừ được ngu si.
Hoặc bấy giờ có vị Tỳ Kheo không theo hạnh ngày ăn một bữa, sau đó có cúng không nhận. Vị ấy chỉ thọ pháp, tùy pháp chân chánh tiếp nhận tùy pháp, nhờ đó được cung kính, nhờ đó được tiếng tăm, pháp này tùy pháp chân thật, nhưng vẫn không tự khen mình, không tự kiêu ngạo, cũng không khinh chê kẻ khác. Đó là pháp Hiền Giả.
Hoặc bấy giờ có vị Tỳ Kheo dùng ba y ở nơi gò mả, còn các Tỳ Kheo khác thì không được như vậy. Nhờ danh tiếng ấy nên tự khen mình, tự kiêu mạn, khinh chê kẻ khác. Đó chẳng phải là pháp Hiền Giả. Hiền Giả thì không như vậy.
Hiền Giả chỉ học: Không hẳn ta nhờ dùng ba y này mà có thể đoạn trừ được tham dục, có thể đoạn trừ được sân hận, có thể đoạn trừ được ngu si.
Hoặc có Tỳ Kheo không dùng ba y này, nhưng vị ấy chỉ thọ pháp, tùy pháp, chân chánh tiếp thọ tùy pháp, nhờ đó liền được cung kính, được tiếng tăm.
Nhờ pháp này, tùy thuận pháp chân thật, nhưng vị ấy không tự khen mình, không tự kiêu mạn, cũng không khinh chê kẻ khác. Đó là pháp Hiền Giả.
Hoặc có Tỳ Kheo ở nơi đất trống hay ở dưới gốc cây, hoặc ở đầm vắng, giữa gò mã, để ngọa cụ nơi đó, còn các Tỳ Kheo khác thì không như vậy.
Do đó vị ấy tự khen mình, tự kiêu mạn, khinh chê kẻ khác. Đó không phải là pháp Hiền Giả. Hiền Giả thì không như vậy.
Hiền Giả chỉ học: Không hẳn ta nhờ để ngọa cụ ở nơi đất trống dưới gốc cây, đầm vắng, giữa gò mã mà có thể đoạn trừ được tham dục, có thể đoạn trừ được sân hận, có thể đoạn trừ được ngu si.
Hoặc có Tỳ Kheo không có những điều nói trên, nhưng vị ấy chỉ thọ pháp, tùy pháp, chân chánh tiếp thọ tùy pháp, nhờ đó liền được cung kính, được tiếng tăm.
Nhờ pháp này, tùy pháp chân thật, nhưng vị ấy không tự khen mình, tự kiêu mạn, khinh chê kẻ khác. Đó là pháp Hiền Giả.
Hoặc có Tỳ Kheo đã được đệ nhất thiền, còn các Tỳ Kheo khác thì không được như vậy. Vì được đệ nhất thiền nên vị ấy tự khen mình, tự kiêu mạn, khinh chê kẻ khác. Đó không phải là pháp Hiền Giả. Hiền Giả thì không như vậy.
Hiền Giả chỉ học: Đệ Nhất Thiền, Đức Phật dạy, phải tự mình biết điều ấy, thọ trì pháp chân thật ấy, không tự khen mình, không tự kiêu mạn, không khinh chê kẻ khác. Đó là pháp Hiền Giả.
Hoặc có Tỳ Kheo được Đệ Nhị Thiền, hoặc được Đệ Tam Thiền, hoặc được Đệ Tứ Thiền, như đã nói về Đệ Nhất Thiền. Đó là pháp Hiền Giả.
Hoặc có Tỳ Kheo hiểu không hành ý, hoặc có lúc hiểu thức hành ý, hoặc có lúc hiểu phi thường hành ý, hoặc có lúc hiểu vô hữu tư tưởng hành ý, hữu tư tưởng hành ý. Còn các Tỳ Kheo khác thì không được như vậy.
Nhờ đó được tư tưởng vô hữu tư tưởng hành nên tự khen mình, tự kiêu mạn, khinh chê kẻ khác. Đó không phải là pháp Hiền Giả. Hiền Giả thì không như vậy.
Hiền Giả chỉ học: Vô hữu tư tưởng hành, cũng như hữu tư tưởng hành, Đức Phật dạy ta có cái này, thọ pháp, tùy pháp chân thật nên không tự khen mình, không tự kiêu mạn, không khinh chê kẻ khác. Đó là pháp Hiền Giả.
Đức Phật bảo: Này các Tỳ Kheo! Ta đã nói về pháp Hiền Giả, cũng nói pháp không phải Hiền Giả. Các Tỳ Kheo hãy nên tự tư duy. Đối với pháp không phải Hiền Giả cũng nên tư duy. Hãy thực hành pháp Hiền Giả, xả bỏ pháp không phải Hiền Giả. Hãy thọ Hiền Giả, tùy pháp, Tỳ Kheo nên học như vậy.
Đức Phật dạy như vậy. Chư Tỳ Kheo tiếp thọ và chí tâm hành trì.
***