Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Pháp Luân Không Thoái Chuyển

PHẬT THUYẾT KINH

PHÁP LUÂN KHÔNG THOÁI CHUYỂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi Hộ, Đời Tống
 

PHẨM BẢY

PHẨM THỌ KÝ
 

Phật bảo: Này các Thiện Nam! Lại có ba vị Đại Bồ Tát từ phương Đông đến an trụ trong đạo đại thừa, cầm đóa hoa Mạn Đà La có trăm ngàn muôn cánh tỏa sáng như Mặt Trời vừa mới mọc.

Tôn Giả A Nan cùng tất cả các vị trong chúng hội đều trông thấy và cho là đều chưa từng có.

Lúc này, Tôn Giả A Nan liền bạch Phật: Bạch Phật Thế Tôn! Ba vị trong dòng họ của Đức Như Lai từ chốn nào đến?

Đức Phật đáp: Về phương Đông, trải qua hằng hà sa số Thế Giới, có Thế Giới tên là Tu Di Liên Hoa, Đức Phật ở Thế Giới ấy hiệu là Vân Thượng Công Đức Như Lai, hiện đang trụ thế. Trong đó, ba vị Thiện Nam, vừa mới nghe pháp, từ cõi ấy đến đây.

Bấy giờ, ba vị Bồ Tát đứng trước Đức Thế Tôn, tung rải hoa Mạn Đà La lên chỗ Phật để cúng dường, sau đó cùng bạch Phật: Chúng con đối với pháp này rất sinh tâm tin tưởng, lãnh hội sâu xa, không có nghi ngờ.

Vì sao?

Vì Đức Như Lai Thế Tôn đã nhờ pháp này mà không còn nghi ngại, cho nên hôm nay chúng con cũng không còn sự nghi ngại.

Lúc này, vị Bồ Tát thứ nhất trong ba vị Bồ Tát bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu có người gọi Thế Tôn là Như Lai thì con chính là Như Lai. Vì đối với pháp này đều không còn nghi ngờ.

Vị Bồ Tát thứ hai lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu có người xưng gọi Thế Tôn là Thế Tôn, thì con chính là Thế Tôn, cũng đối với pháp này đều không còn nghi ngờ.

Vị Bồ Tát thứ ba bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu có người xưng gọi Thế Tôn là A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà thì con cũng là A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà, vì cũng đối với pháp này không còn nghi ngờ.

Bấy giờ, trong đại chúng có vô lượng trăm ngàn ức người, tất cả đều kinh ngạc, tâm chẳng vui thích, cùng bàn tán với nhau: Chúng ta từ trước đến nay chưa hề nghe nói ở một Thế Giới mà có tới hai vị Phật.

Vì sao hôm nay ba vị Đại Sĩ ấy mỗi vị đều tư xưng là Phật, đều ở trước Thế Tôn mà nói như thế?

Chỉ có Phật, Như Lai là Bậc Tôn quý trong Trời, Người đối với tất cả các pháp đều được tự tại, thông suốt ba đời không chút trở ngại.

Do đâu mà ba vị Bồ Tát hôm nay đều nói như vậy?

Lúc này, Tôn Giả A Nan liền bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Ba vị Bồ Tát ấy tên là gì mà có thể ở trước Phật vừa bày tỏ những lời như tiếng rống của Sư Tử?

Đức Phật đáp: Ba vị Bồ Tát đó, vị thứ nhất tên là Nhạo Dục Như Lai Thanh Chánh Trụ, vị thứ hai tên là Nhạo Dục Thế Tôn Thanh Chánh Trụ, vị thứ ba tên là Nhạo Dục Phật Thanh Chánh Trụ.

Này A Nan! Do nhân duyên như thế nên ba vị Đại Sĩ ấy mới nói những như vậy.

Tôn Giả A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như vậy là có đến hàng trăm ngàn muôn ức vị trong chúng hội, tâm đều kinh ngạc do nghe ba vị Bồ Tát ấy nói những lời vừa rồi. Lại có người nghe, tâm không Kinh ngạc hay nghi ngờ mà lại tăng thêm sự thanh tịnh tốt đẹp.

Ví như có người trẻ tuổi luôn trang sức dung mạo mình, hình thể tươi đẹp thanh tịnh, tinh khiết, lại tắm gội, dùng hương thơm, dầu thơm xoa thân, lại dùng nhựa hương Chiên Đàn đỏ rảy lên người nữa. Như vậy là người trẻ tuổi ấy càng thêm thơm tho trong sạch bội phần. Cho nên, nếu người nghe được pháp này, tin tưởng thọ trì không nghi ngờ thì cũng ví như người ấy vậy.

Tôn Giả A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì sao các vị Bồ Tát lại nói như thế?

Phật dạy: Ba vị Bồ Tát này đã khéo hiểu về giả danh, cho nên nói lời ấy.

Tôn Giả A Nan nói: Đúng thế, đúng thế! Ba vị Bồ Tát đó đã khéo nói về giả danh. Cúi mong Thế Tôn giải thích lại cho con nghe, cũng khiến cho đại chúng tâm ý được thêm sáng tỏ.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền vì hàng trăm ngàn muôn ức chúng sinh, nhằm giúp họ cởi bỏ mối nghi ngờ hối hận, gieo trồng căn lành nên liền nói kệ:

Nếu thấy được quá khứ

Vị lai cũng như thế

Biết các pháp như thật

Đó gọi là Như Lai.

Hiện tại cũng như vậy

Quá khứ, vị lai đồng

Chẳng một, cũng chẳng khác

Tướng rốt ráo vắng lặng.

Thệ như Phật quá khứ

Hành thí chẳng nghĩ bàn

Thí ấy cũng như thế

Do vậy nói giả danh.

Ví như Phật quá khứ

Trụ bồ đề vô ngại

Trụ ấy cũng như thế

Đó gọi là Như Lai.

Tất cả pháp không trụ

Bồ đề cũng vắng lặng

Không có tướng bồ đề

Đó gọi là Như Lai.

Nếu nói giới quá khứ

Vị lai cũng như vậy

Hiện tại đều đồng nhau

Đó gọi là Như Lai.

Đời quá khứ hành nhẫn

Bồ Tát chặt tay chân

Nhẫn ấy cũng như thế

Đó gọi là trụ nhẫn.

Nếu phát khởi tinh tấn

Vun trồng gốc giác ngộ

Được tinh tấn ấy rồi

Đó gọi là Như Lai.

Tất cả pháp bình đẳng

Được chứng như thật kia

Cũng chẳng chấp tướng ngã

Đó gọi là Như Lai.

Không chấp đối các pháp

Tất cả đều bình đẳng

Biết bình đẳng ấy rồi

Vô tướng, không thật có,

Các chánh định như vậy

Không chấp tướng các pháp

An trụ trong thiền định

Đó gọi là Như Lai.

Tánh, tướng tất cả pháp

Và cac pháp đã nói

Biết tánh, tướng ấy rồi

Như thật, không thật có,

Phải biết các pháp không

Trí tuệ chẳng ruộng phước

Biết đó chẳng phải trí

Đạt đến trí giải thoát.

Như đến bờ giác kia

Trí tuệ không nghĩ bàn

Nhưng không được trí này

Đến bờ kia vắng lặng

Tướng như, trí chẳng đạt

Không có bờ này, kia

Trí chẳng đạt như vậy

Đó gọi là Như Lai.

Bồ đề chẳng như được

Phàm ngu chẳng thể nghĩ

Tất cả pháp vô đắc

Đó gọi là Như Lai.

Nếu đạt được vô ngại

Mà tới chốn đại trí

Tất cả pháp không lợi

Chứng giác ngộ vô ngại,

Như đạo vốn tu tập

Bậc cứu đời tế độ

Được đạo không nương kia

Biết rõ được thể, tướng

Tu tập như vậy rồi

Đạt được đạo Tối thắng

Điều phục đạo này rồi

Biết tất cả đều không,

Biết rõ đầu, giữa, sau

Đều đồng với các pháp

Pháp ấy là bình đẳng

Nên gọi là Như Lai.

Nếu đạo như bồ đề

Đó gọi trụ bồ đề

Giống như tướng hư không

Đó gọi là Như Lai.

Nói pháp như thế rồi

Như tướng đều bình đẳng

Nếu việc ấy vô ngại

Đó là trụ bồ đề.

A Nan biết giả danh

Lời nói là Như Lai

Lời nói cũng như thế

Hành xứ của người trí,

Bồ Tát không sợ hãi

Trí sáng chẳng lui sụt

Tất cả các hành xứ

Thảy nêu rõ như vậy,

A Nan biết thứ lớp

Những điều Như Lai nói

Vì các vị Bồ Tát

Khiến đạt được vô ngại.

Bấy giờ, Tôn Giả A Nan liền nói kệ:

Vì bởi nhân duyên gì

Biết được tướng các pháp

Bồ Tát này vô ngại

Cũng gọi là Thế Tôn?

Đức Thế Tôn đáp:

Trong trăm ngàn muôn ức

Vô lượng vô số kiếp

Mới thành tựu bồ đề

Phật Đạo khó nghĩ bàn

Thành tựu bồ đề rồi

Vì chúng sinh trụ thế

Chốn chốn thật không sinh

Đó gọi là Thế Tôn.

Đã vượt nẻo luân hồi

Chẳng còn bị sinh tử

Vì cứu độ chúng sinh

Đó gọi là Thế Tôn.

Không còn luân hồi nữa

Cũng không còn sinh tử

Làm sao nhổ gốc khổ

Hiệu thế Vô Thượng Tôn

Không nhớ nghĩ các pháp

Cũng không còn nguy khốn

Không có tướng chúng sinh

Vượt qua các khổ não,

Không trôi lăn sinh tử

Cũng không trụ sinh tử

Khiến chúng trụ như thị

Đó gọi là Thế Tôn.

Được các pháp không sợ

Đối Phật cũng như thế

Mênh mông không bờ mé

Nói pháp rất nhiều thứ.

Các pháp rốt ráo không

Thể tánh của Phật Pháp

Thành tựu như thế rồi

Nhưng không thấy các pháp.

Nếu tinh chuyên tu hành

Thể tánh pháp là không

Tâm không còn sợ hãi

Đó là biết pháp không.

Biết các pháp như thật

Tất cả đều vọng tưởng

Hiển bày không sợ hãi

Pháp tướng thật như thế.

Đã vượt chốn sợ hãi

Cũng lìa nơi an ổn

Không sợ cũng không hãi

Vượt qua các đường ác.

Cứu giúp bao chúng sinh

Lìa nỗi sợ sinh tử

Chẳng còn bị sinh tử

Cứu độ được chúng sinh.

Đặt để chúng sinh trên

Bờ Niết Bàn vắng lặng

Cũng không tướng chúng sinh

Đó gọi là Thế Tôn.

Các pháp như hư không

Hiện rõ nơi muôn loài

Nơi ấy cũng không sợ

Đó gọi là Thế Tôn.

Tất cả pháp bình đẳng

Hiển hiện ra nhiều loại

Bồ đề dứt phân biệt

Không có tướng bồ đề,

Chúng sinh tu như thế

Được thành tựu giác ngộ

Tu hành đúng lời dạy

Dứt các tưởng lo sợ,

Tưởng phân biệt bồ đề

Giống như tưởng chúng sinh

Vượt qua tất cả tưởng

Đó gọi là Thế Tôn.

Dứt bỏ tất cả tưởng

Bồ Tát thì không cấu

Không có tướng tên gọi

Đó gọi là Thế Tôn.

Biết rõ tất cả pháp

Đồng với lìa diệt hết

Quá khứ chẳng thật có

Đó gọi là Thế Tôn.

Vì chẳng trọng tên gọi

Nên gọi chẳng cầu danh

Người lìa chấp tên gọi

Nói pháp rộng họ nghe,

Bồ đề lìa tên gọi

Như chỗ ở của kia

Chúng sinh trọng tên gọi

Nên xa lìa bồ đề.

Tên gọi như tiếng vang

Phân biệt thì nhiều loại

Tiếng cũng không phân biệt

Nương không có tên gọi,

Chẳng đắm tất cả tiếng

Tên cũng không chỗ nương

Bồ đề không đùa bỡn

Đó gọi là Thế Tôn.

Các pháp như thế ấy

Do Thế Tôn Giảng nói

Bồ Tát chẳng đạt được

Đó gọi là Thế Tôn.

Nếu hiểu việc tu đạo

Không, có người biết được

An trụ trong bồ đề

Dứt ngại, gọi vô lậu.

A Nan! Giả danh này

Chỉ dùng ngôn ngữ nói

Vì thế ta nay xưng

Danh hiệu là Thế Tôn.

Tôn Giả A Nan lại nói kệ:

Vì bởi nhân duyên gì

Bồ Tát nói như thế

Lại vì nhân duyên gì

Được tôn xưng là Phật?

Đức Phật đáp:

A Nan đệ tử Phật

Tất cả pháp không ngại

Giác ngộ pháp vô ngại

Được tôn xưng là Phật.

Phật biết lỗi, phiền não

Làm cho không tự tại

Đã lìa các kết sử

Được tôn xưng là Phật.

Nhờ không được thành Phật

Cũng không có tướng thân

Trong đó không chân thật

Làm sao thân thật được?

Chẳng bền, tưởng bền chắc

Phàm phu chấp là thân

Giác ngộ như thật rồi

Được tôn xưng là Phật.

Biết ngu si không trí

Thể tánh không thật có

Trí tuệ sáng đạt được

Được tôn xưng là Phật.

Vốn tưởng có quá khứ

Giác rồi không còn tưởng

Biết tưởng và vô tưởng

Không để tưởng tự tại.

Hiểu rõ đối sắc ấm

Vốn tự trụ vô sinh

Phàm phu vọng phân biệt

Chẳng sắc, chẳng thành tựu.

Biết rõ không cội gốc

Xưa nay không có tánh

Vì thế không lãnh thọ

Tất cả pháp không nương.

Tưởng như lúc lửa bùng

Nhân duyên không thật có

Do đó dứt bỏ tưởng

Tất cả pháp cũng thế.

Không có thân hành này

Tướng thân không bền chắc

Nếu biết thân hành không

Thì sẽ không đắm thân

Thân này và tướng hành

Thảy đều như cây chuối

Biết chân thật như thế

Nên tôn xưng là Phật.

Cầu tướng chân thật thức

Chẳng nằm ở trong thân

Cũng lại chẳng ở ngoài

Làm sao có chỗ sinh?

Nếu thức ấy không sinh

Thì các pháp cũng vậy

Đều không có nơi chốn

Hữu vi không thật có.

Biết thức như thế rồi

Rốt ráo không thật có

Thể tánh giống như huyễn

Cũng không có kẻ sinh

Nếu chẳng thể thấy thức

Chúng sinh cũng như thế

Thật chẳng có chúng sinh

Làm sao biết được thức?

Thức này khong có thật

Các pháp rốt ráo không

Pháp cùng với chúng sinh

Tất cả không thành tựu.

Tất cả pháp vô tướng

Đã tỏ rõ như vậy

Vắng lặng không đùa bỡn

Nên tôn xưng là Phật.

Chứng biết đối Phật Pháp

Chỗ chánh giác an trụ

Tất cả pháp đều không

Nên tôn xưng là Phật.

Như Lai là giác ngộ

Chỗ Chánh Giác an trụ

Phật và tướng bồ đề

Rốt ráo không thật có

Nếu sinh khởi tâm xứ

Cũng như trụ bồ đề

Tâm đồng với bồ đề

Phật giống như huyễn hóa.

A Nan! Giả danh này

Chỉ dùng ngôn ngữ nói

Được xưng gọi là Phật

Ta là Đấng cứu đời.

Tương tợ sinh như vậy

Đồng Phật âm thanh nói

Nếu được Pháp âm này

An trụ trong bồ đề.

Không đắm mê bồ đề

Nên hiểu biết như vậy

Chẳng nên sinh tâm nghi

Tất cả pháp không cầu.

Đối các pháp dứt nghi

Trên hết trong chúng sinh

Pháp tương tự như vậy

Nên biết tướng chân thật.

Đức Phật đã nói về ba danh hiệu Như Lai, Thế Tôn, Phật như thế, bấy giờ có trăm ngàn ức chúng sinh bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Chúng con thật sự nhờ ánh sáng của Phật soi sáng nên đã dứt bỏ được các nghi ngờ.

Các vị Đại Bồ Tát ấy đã nêu lên và Đức Thế Tôn đã nhân đó nói về các thứ giả danh, đã nói rõ về các danh hiệu Như Lai, Thế Tôn và Phật. Giờ đây chúng con đã biết như thế, đã hiểu như thế rồi, đối với tất cả các pháp đã được nhẫn lực.

Đức Như Lai, Thế Tôn đã làm lợi ích lớn lao, giống như cha mẹ. Nhờ năng lực thần thông của Phật và tay trí tuệ của Phật đã kéo chúng con ra khỏi lầm lạc không còn bị nhiễu loạn nữa. Cũng như Đức Thế Tôn đối với tất cả đều bất động.

Bạch Thế Tôn! Ví như hư không, không ai có thể làm cho lay động.

Cũng như vậy bạch Thế Tôn! Chúng con đối với tất cả các pháp tâm cũng bất động.

Vì sao?

Vì tất cả các pháp đều đồng với hư không, như Phật đã giác ngộ không có tướng động.

Lúc này, trăm ngàn ức đại chúng đi nhiễu quanh Phật ba vòng, rồi ngồi sang một bên cách chỗ Phật không xa.

Khi Phật nói phẩm Như Lai Thế Tôn Phật Danh này, Bồ Tát Thường Chiếu Tịnh Căn liền đứng dậy, sửa sang lại y phục bày vai áo bên phải, đầu gối phải quỳ sát đất, tung rải các thứ hoa lên chỗ Phật, đều nói kệ khen ngợi Phật:

Chúng sinh tham đắm quả

Đều khiến được giải thoát

Lìa tưởng quả trọn nên

Thành tự lìa tưởng quả

Nên con lễ Bậc Trí

Giảng nói các thứ quả

Khiến biết tướng bình đẳng

Chánh giác chứng bình đẳng

Quy mạng lễ Tối Thượng.

Chúng sinh thường tham đắm

Hành xứ các thứ quả

Vì Phật là giải thoát

Nên con lễ Bậc Trí

Hiển bày ra các pháp

An trụ chốn bình đẳng

Biết được bình đẳng rồi

Kính lễ Đấng Mâu Ni

Chúng sinh nhiều trói buộc

Rất nhiều các quả báo

Phật đều khiến giải thoát

Quy mạng lễ Vô Thượng

Thành tựu đạo vắng lặng

Không trụ các quả vị

Khéo biết tướng giả danh

Đảnh lễ Bậc Thế Trí.

Đại Bồ Tát Chiếu Minh Tịnh Căn nói kệ xong liền đi nhiễu quanh Phật ba vòng rồi đến cách chỗ Phật không xa để chiêm ngưỡng dung nhan, mắt không tạm rời.

Bấy giờ, Đại Bồ Tát Liên Hoa Thắng Tạng đứng dậy, sửa lại y phục bày vai bên phải, gối phải chấm đất, tung rải các thứ hoa cúng dường Phật.

Lại khen ngợi Phật bằng bài kệ:

Chúng sinh thường chấp tưởng

Đều khiến dứt trừ hết

Lìa sợ, được vui mừng

Kính lễ Đấng Mâu Ni.

Vắng lặng lìa ba cõi

Không sợ mà nói pháp

Bậc mạnh mẽ trong đời

Kính lễ Đấng Mâu Ni.

Biết pháp vốn vắng lặng

Thế ấy không thật có

Nhiệm mầu trong các pháp

Kính lễ Đấng Mâu Ni.

Đã lìa hẳn ba cõi

Dứt bỏ các kết sử

Lìa sợ, được không sợ

Kính lễ Đấng Mâu Ni.

Không sợ cũng không hãi

Trên hết trong các thí

Vượt hơn tất cả thí

Kính lễ Đấng Mâu Ni.

Lìa sợ được không sợ

Nhổ sạch tên ưu độc

Nêu các pháp giải thoát?

Kính lễ Đấng Mâu Ni.

Đại Bồ Tát Liên Hoa Công Đức Tạng nói kệ khen ngợi Đức Phật như thế xong, liền bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu có chúng sinh nào vào đời mạt pháp được nghe Kinh này, tâm không kinh sợ thì con sẽ đảnh lễ họ.

Bấy giờ, Bồ Tát Ly Cấu Ý ở trước Đức Thế Tôn lại nói kệ:

Thường nên rải các hoa

Điều người trí tu hành

Được nghe Kinh này rồi

Sẽ khiến được giải thoát.

Đại Bồ Tát Quảng Tư Duy ở trước Đức Thế Tôn lại nói kệ:

Pháp Phật rất sâu rộng

Hiển nói Kinh như thể

Sẽ có ít chúng sinh

Tin nhận chẳng nghi ngờ

Tham đắm đối ngã kiến

Chấp ý tưởng về thân

Không tin nhân Kinh này

Đó là kẻ không trí.

Đại Bồ Tát Liên Hoa Nhãn ở trước Đức Thế Tôn lại nói kệ:

Thật vì các chúng sinh

Mở bày mắt dẫn đường

Đối Kinh Pháp như thế

Chỉ người lành không nghi.

Đại Bồ Tát Bất Tư Nghị Giải Thoát ở trước Đức Thế Tôn lại nói kệ:

Bậc tôn quý trong đời

Chúng sinh khó nghĩ bàn

Nói các Kinh như vậy

Nghe dứt các nghi hối.

Đại Bồ Tát Thường Ức Niệm ở trước Đức Thế Tôn nói kệ:

Nếu người không nhớ nghĩ

Nhiều kiếp trong sinh tử

Không đắm mê các pháp

Tu hành thì không nghi.

Đại Bồ Tát Bảo Y Giải Thoát ở trước Đức Thế Tôn nói kệ:

Y phục nhiều cả ức

Sạch sẽ và mềm mại

Mới, dày, xin phủ kín

Tu hành thì dứt nghi.

Đại Bồ Tát Thí Thực ở trước Đức Thế Tôn lại nói kệ:

Bày biện thức uống ăn

Đầy đủ các món ngon

Hằng ngày phải thường thí

Tu hành không có nghi.

Bồ Tát Bi Hành ở trước Đức Thế Tôn lại nói kệ:

Vì thương các chúng sinh

Nên thường thường kêu khóc

Kinh này thật sâu mầu

Chán ác không tu học.

Nếu từ địa ngục đến

Ắt ưa ở địa ngục

Tuy dường tu công đức

Khoảnh khắc liền sinh nghi

Gần gũi các bạn xấu

Chẳng tin pháp sâu xa

Lưới ngu si tự che

Sinh nghi ngờ như vậy.

Có những kẻ phá giới

Tâm ác thấy tội ấy

Nghe Kinh chẳng tin nhận

Phỉ báng các hành này

Biếng nhác, không tinh tấn

Chẳng trụ trong bồ đề

Vô trí, tâm thấp hèn

Không hiểu hạnh như thế.

Chúng sinh thường ưa đắm

Ta thấy tâm tự tại

Luôn quanh quẩn ba cõi

Không thể tu hành được

Ngu si khởi tâm ác

Vô trí, đắm các dục

Thích ở chốn ồn náo

Làm điều phỉ báng ấy.

Kẻ ngu si trí kém

Tham lam, thích ăn uống

Chẳng tu pháp thanh tịnh

Nên làm việc phỉ báng

Chúng sinh nhiều tham đắm

Thiên chấp, lấy vọng tưởng

Chẳng biết là giả danh

Chỉ cứu đời độ được.

Bấy giờ, Đại Bồ Tát Năng Viễn Ly Giải Thoát ở trước Đức Thế Tôn nói kệ:

Xa lìa các chúng sinh

Như bỏ vật nhơ uế

Hư giả như tiền bùn

Giải thoát đắm tướng quả.

Ví như thây chết hoại

Ác ấy rất đáng chán

Nếu bài báng hạnh ấy

Nên mau mau xa lìa.

Như giặc cướp xóm làng

Ở nơi đường trống trải

Người nghe đều tránh xa

Mong chẳng gặp ác ấy.

Nếu thấy kẻ hủy hoại

Chán ác như giặc hai

Lại bài báng Kinh này

Chớ thấy ác như thế.

Bấy giờ Tôn Giả A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các vị Đại Bồ Tát như thế rất là ít có.

Tâm ý hiểu rõ, đó là do định lực của mình hay là do thần lực của Phật?

Đức Phật nói: Đều là nhờ thần lực Phật mới nói được như vậy, cũng là uy lực công đức của Kinh này nên mới được vô ngại.

Vì sao?

Vì các vị trong dòng họ của Như Lai đó đã từng trải qua sáu mươi hai ức Đức Phật, được nghe chính miệng các Đức Phật nói về pháp này không thêm không bớt, cũng như được nghe ta nói không khác. Do đó, nhớ nghĩ tất cả các năng lực thiền định và năng lực thần thông của các Đức Phật đời quá khứ.

Tôn Giả A Nan thưa: Bạch Thế Tôn! Đúng thế, đúng thế! Tin tưởng lời Phật dạy, các vị Bồ Tát ấy hiện có thể chứng biết.

***