Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Pháp Luân Không Thoái Chuyển

PHẬT THUYẾT KINH

PHÁP LUÂN KHÔNG THOÁI CHUYỂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi Hộ, Đời Tống
 

PHẨM NĂM

PHẨM DỨT TRỪ CÁC TƯỞNG
 

Lúc bấy giờ, trong chúng lại có vô lượng trăm ngàn vị A La Hán, đứng đầu là các Tôn Giả Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Tu bồ đề, A Na Luật, A Nâu Lâu Đà, Kiếp Tân Na, Kiều Phạm Ba Đề… đứng dậy, sửa lại y phục, đến trước Đức Thế Tôn.

Cúi mình cung kính bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chúng con hôm nay xin phát nguyện chân thật lìa tất cả vọng tưởng, phá dẹp chúng ma, gồm đủ cả năm tội nghịch và năm thứ dục lạc, đầy đủ tà kiến, lìa bỏ chánh kiến, đoạn mạng vô lượng chúng sinh. Hôm nay chúng con sẽ làm cho chúng đều thành bồ đề, nhập vào Niết Bàn vô dư.

Lúc này, Đức Thế Tôn im lặng, vô lượng trăm ngàn vị trong hội nghe các Tôn Giả nói như thế, đều sinh tâm nghi ngờ: Vì sao các bậc Trưởng Lão ấy lại nói như vậy?

Hiện giờ chúng ta đều mờ mịt không thể hiểu nổi. Các vị đó đều là bậc A La Hán mà còn nói như thế, huống chi là hạng phàm phu.

Tất cả đều ngồi một chỗ không dao động, không thể đứng dậy được, nếu có người đứng thì cũng chẳng thể ngồi, đều nói rằng vì sao các Tôn Giả lại nói như thế?

Bấy giờ, Tôn Giả A Nan liền vì đại chúng trăm ngàn muôn ức chúng sinh, do năng lực thần thông của Phật nên tự biết tâm mình và biết tâm người khác liền hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Hiện tại, trăm ngàn ức vị trong đại chúng như thế nghe các vị A La Hán nói những lời vừa rồi, đều sinh tâm nghi ngờ. Kính mong Bồ Tát hãy phân biệt nói rõ nguyên do cho tôi được nghe.

Lúc này, Đức Như Lai vẫn im lặng.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói với Tôn Giả A Nan: Đây là Bồ Tát ở địa vị không thoái chuyển, vì thấy nhân duyên của các Đại Đức mà nói như vậy: Tôn Giả A Nan nói: Kính thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Địa vị không thoái chuyển là Bồ Tát chăng?

Đúng vậy, địa vị không thoái chuyển là các Đại đức Bồ Tát.

Tôn Giả A Nan hỏi: Vì sao các Tôn Giả lại nói những lời như thế?

Bấy giờ Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bảo Tôn Giả A Nan: Vô minh là mẹ, từ hành sinh ái, rốt ráo diệt hết, trừ hết oán hại. Vọng tưởng điên đảo là cha, xa lìa điên đảo, dứt bỏ ái dục, chứng A La Hán, vững chắc không mất.

Dứt sạch những ý tưởng của phàm phu, và ý tưởng của Tăng. Tưởng ấy đã diệt thì tu tập được tất cả các pháp tưởng bất hoại, cho đến không chấp vào ý tưởng về Như Lai, tu tập vô sinh, rốt ráo lìa hẳn.

Này Tôn Giả A Nan! Các Đại đức ấy nói: Hôm nay chúng con làm thế nào có đầy đủ năm tội nghịch.

Vì sao?

Vì không còn ý tưởng về đến, đi cho nên gọi là đầy đủ năm tội nghịch.

Lại nữa, này A Nan! Năm dục là gì?

Vì các vị Tỳ Kheo này biết rõ năm dục như mộng, như huyễn, như chùm bọt trên mặt nước, như âm vang của tiếng gọi. Trí tuệ như vậy đầy đủ.

Thế nào là trí tuệ đầy đủ?

Vì các pháp vốn không thêm không bớt.

Thế nào là năm dục?

Vì năm dục cũng không thêm không bớt.

Vì sao?

Vì năm món dục lạc như thế, rốt ráo là vô thể vô tướng, biết như thật rồi tức tướng của năm dục, chứng được trí tuệ. Cho nên gọi là đầy đủ năm món dục lạc. Vì ý nghĩa đó mà các vị đại đức nói như vậy, nay con đầy đủ năm dục.

Này Tôn Giả A Nan! Thế nào là đầy đủ tà kiến, lìa bỏ chánh kiến?

Đối với tất cả các pháp đều chấp thủ vướng mắc thì đó là tà kiến. Tà kiến ấy chính là những ý tưởng hư vọng. Tất cả các pháp đều không nương dựa, cũng không phải là không nương dựa. Ví như hư không chẳng có chốn trở về, cũng không chỗ nương dựa.

Vì sao?

Vì tất cả các pháp không có thật để chứng đắc, nên nhận thức như vậy, tất cả pháp đều bình đẳng. Dứt trừ các ý tưởng ấy thì đó là chánh kiến.

Vì sao?

Vì các ý tưởng ấy đều là những ý tưởng ác. Do ý nghĩa đó mà các Đại Đức Tỳ Kheo không vướng vào các tưởng ấy cũng không vướng vào các tưởng ác.

Vì sao?

Vì dứt sạch hết tất cả tưởng. Đó chính là sự giác ngộ của Phật. Đạt được giác ngộ như vậy nhưng cũng không thấy một chút pháp có thể chứng được. A Nan! vì nhân duyên ấy mà các vị Đại đức Tỳ Kheo đã nói rằng xa lìa chánh kiến, đầy đủ tà kiến.

Này A Nan! Vì sao các vị Tỳ Kheo ấy lại nói: Hôm nay chúng con thật đoạn mạng hàng trăm ngàn chúng sinh. Lúc các vị Trưởng Lão nói ra lời ấy, có hàng trăm ngàn muôn ức các vị Trời nghe nói như vậy đều liền chứng được pháp giải thoát, như mộng, như huyễn, như bóng đáy nước, như âm vang của tiếng gọi.

Hiểu được như thế rồi liền cắt đứt được những ý tưởng về thọ mạng của chúng sinh, của trượng phu, và của những hạng người khác, cũng tưc là được giải thoát, không có gieo trồng căn lành bồ đề, tất cả các pháp đều không phát khởi, không tạo tác, không tu tập.

Nghe nói giả danh thì liền tin tưởng sâu xa không chút nghi ngờ. Các vị Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di… đều đoạn trừ các tưởng về thọ mạng của chúng sinh, của trượng phu, và những hạng người khác. Dứt được tưởng ấy rồi thì không còn trở lại thọ nhận bao kiếp sinh tử nữa.

Vì sao?

Vì đã dứt được các tưởng về thọ mạng của chúng sinh, trượng phu, người, quỷ đói… vì còn ý tưởng ấy nên phải thường chịu sinh tử, nếu lìa được tưởng ấy thì liền rốt ráo tự chứng vô sinh. Do nhân duyên đó mà các đại đức đã dùng phương tiện như thế khéo nói về giả danh, là đoạn mạng vô lượng chúng sinh.

Cho nên nói rằng đầy đủ chứng được sự giác ngộ của Phật: Hôm nay chúng con ở nơi Niết Bàn Vô dư, mà Bát Niết Bàn, được tướng tốt của Phật, từ đấy mà giáo hóa vô lượng tram ngàn muôn ức chúng sinh, diệt các kết sử như Phật đã chứng đắc.

Vì sao?

Vì đã giúp cho các chúng sinh đều phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, được pháp nhẫn vô sinh rồi thì giúp đạt được giác ngộ, nhưng cũng khong xả bỏ phiền não, chẳng gần gũi Phật Pháp, từ ý sinh phiền não, dứt hết không còn. Do nhân duyên ấy mà các vị Đại đức đều nói là nay con đạt được giác ngộ.

Này Tôn Giả A Nan! Cho nên hôm nay gọi là vô sinh.

Vì sao?

Vì như các Thiện Nam, Thiện Nữ phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, hiểu rõ các pháp, phát tâm bồ đề rồi cũng không thật có, lìa tướng giác ngộ và tướng tất cả pháp ở Niết Bàn Vô dư mà nhập Niết Bàn.

Này Tôn Giả A Nan! Các vị nam, nữ trong dòng họ của Đức Như Lai nương Bồ Tát thừa, không vì thấy mặt trời mà cho là ban ngày. Kẻ phàm phu ngu si nếu khi thấy mặt trời thì liền cho là ban ngày, cho nên chẳng phải người hiểu biết.

Vì sao?

Này A Nan! Vì nếu ban ngày là có thể chẳng phải hư vọng, thì có thể chứa nhóm, vì là hư vọng. Do vậy, cũng không có quá khứ, vị lai. Đối với ban đêm cũng như thế. Nếu ban ngày mà tưởng ban ngày, ban đêm tưởng ban đêm thì là cái thấy của phàm phu vọng tưởng.

Này A Nan! Đó là Bồ Tát thừa, tu tập Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác thiện tri thức, không nên ban ngày mà sinh ý tưởng là ban ngày, ban đêm sinh ý lên tưởng ban đêm.

Vì sao?

Vì họ đã xa lìa bỏ tất cả các tưởng, an trụ trọng đạo giác ngộ của Đức Như Lai.

Bấy giờ, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi liền nói kệ:

Vô minh chính là mẹ

Từ hành mà dấy khởi

Nếu dứt được gốc rễ

Đó gọi là trừ hại.

Ưa thích tưởng điên đảo

Đó được gọi là cha

Nếu biết được như thật

Rốt ráo không thật có,

Biết đó đều hư vọng

Thì dứt được gốc rễ

Không duyên cũng không trụ

Đó gọi là trừ hại.

Nếu nói các La Hán

Phàm phu chẳng nghĩ bàn

Tướng như thật bất hoại

Diệt ấy gọi rốt ráo.

Ta vốn đắm tưởng tăng

Nay biết như thật rồi

Các pháp đều không mất

Cũng khiến tất cả nghe,

Trước chấp lấy Như Lai

Đó gọi là hư vọng.

Biết kia, không tưởng khác

Bình đẳng, đều là không

Nhổ dứt những cội rễ

Đó gọi trí vô sinh.

Nếu nói được như thế

Hiển bày sức thiền định

Nếu nói đủ các dục

Năm tên gọi như vậy,

Xa lìa tưởng như thế

Giống như giấc mộng huyễn

Không thêm cũng không bớt

Đó gọi là năm dục.

Trước nhằm để cứu đời

Nên nói lời như thế

Biết dục bản tánh không

Giống như tướng mộng hóa

Rốt ráo không có sinh

Đầy đủ trí như thật

Như các lỗi tà kiến

Hư vọng khởi phân biệt

Dùng trí rốt ráo này

Tất cả đều đầy đủ.

Hư vọng không chấp đắm.

Xa lìa tướng hòa hợp

Khéo biết như vậy rồi

Không tướng, không thật có

Cùng biết tất cả lỗi

Tà kiến và chánh kiến

Đạt đến pháp chân thật

Tướng tà, chánh đều diệt

Tưởng chúng sinh sinh tử

Ngu si vọng phân biệt

Nếu không có chúng sinh

Thì không có sinh tử

Chúng sinh nhiều phương tiện

Lìa bỏ tưởng về mạng

Xa lìa tưởng ấy rồi

Biết tưởng mạng ác nhất

Nếu lìa tưởng chúng sinh

Phân biệt thọ mạng thảy

Đoạn mạng nhiều chúng sinh

Là lời vị ấy nói

Lìa bỏ ý tưởng chết

Kẻ ngu si phân biệt

Rốt ráo được vô sinh

Đó gọi là pháp thật.

Dứt bỏ các kết sử

Thì chứng đắc vô tướng

Giác ngộ không hình sắc

Không diệt cũng không quả

Ma oán không ngăn được

Tự giác nơi bồ đề

Các pháp dứt hý kuận

Tánh vô sinh vắng lặng.

Bồ Tát Văn Thù nói kệ xong thì có vô lượng trăm ngàn chúng sinh như thế dứt được các mối nghi ngờ hối hận, nhờ đó tâm sinh vui mừng, được pháp sáng tỏ, mỗi người đều cởi y phục quý giá trên người mình để dâng lên cung dường Bồ Tát và cùng thưa: Bồ Tát đã giúp cho chúng tôi đều được pháp này, nên nói lời ấy cũng giúp cho chúng sinh tâm chứng được các pháp, đều được thật tướng như Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đã giải thích.

Bấy giờ, Tôn Giả A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì sao trăm ngàn muôn ức chúng sinh như thế đều sinh tâm nghi ngờ hối hận?

Vì sao Như Lai không tự mình nói rõ để họ dứt bỏ được mối nghi ngờ hối hận ấy?

Phật bảo A Nan: Trăm ngàn muôn ức chúng sinh như thế đều từ nơi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi mà phát tâm bồ đề, nhờ Bồ Tát mà được điều phục.

Tôn Giả A Nan lại hỏi: Họ đều được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác chăng?

Đức Phật dạy: Đúng vậy, này Tôn Giả A Nan! tất cả chúng sinh đều không lui sụt đối với Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Vì sao?

Vì họ đều được Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi làm bậc thiện tri thức.

Tôn Giả A Nan nói: Các Tỳ Kheo ấy đã đạt được tín hành, Pháp hành, Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Thanh Văn, Bích Chi Phật, đã dứt hết các tưởng, thì đều không lui sụt đối với đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác chăng?

Đức Phật nói: Có người khó tin đối với đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, có những kẻ trí tuệ ít ỏi căn trí thấp kém, có những kẻ biếng trễ, lười nhác thiếu tinh tấn, ham thích ăn uống, gần gũi năm thứ dục lạc, thích những chốn ồn ào đông đúc, tâm không muốn xa lìa, quên mất chánh niệm, trở thành kẻ không trí tuệ, tâm không chánh định, thường sợ hãi, tán loạn.

Có những kẻ tăng thượng mạn, có những kẻ chấp đắm tăng thượng mạn họ tham đắm đối với thân mình, thích sống lâu, không quán sát vô thường, thường tham lam, ganh ghét, ngu si, vô trí, phá hủy giới cấm, sinh tâm muốn não hại người.

Đối với Phật Pháp thì thường khởi tâm nghi ngờ, hay nghe theo hạng vô trí, gần gũi bạn xấu, xa lìa ban hành, cũng không cung kính bạn lành, không chịu học theo trí tuệ Ba La Mật, không tu tập các pháp tổng trì là pháp đứng đầu các Kinh, luôn dấy khởi vọng kiến, chấp thủ vọng kiến, gặp thầy tà ham thích y bát. Đối vơi các bậc Hòa Thượng, A Xà Lê, tâm không cung kính, cũng chẳng thích gần gũi.

Về các giờ giấc tu tập vào lúc đầu hôm, nửa đêm hoặc gần sáng, tâm thường sinh biếng nhác. Thường nói lời hai lưỡi khó tin, ưa thích nói dối, ác khẩu, tham ganh, gần gũi những người tà kiến, học theo tà kiến, rồi thì thường tu tà quán không thích học giới.

Tâm không biết xấu hổ, không biết sợ sệt, gần gũi hạng ngu si, thích làm theo ngoại đạo, không tin ba cửa giải thoát là không, vô tướng, vô nguyện, vô sinh vô diệt. Đối với tất cả pháp không sinh tín tâm…

Này A Nan! Những người như thế khó có thể tỏ ngộ.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn vẫn im lặng.

Tôn Giả A Nan nương năng lực thần thông của Phật, hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Vì sao Đức Như Lai im lặng như thế?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Vào thời kỳ mạt pháp, ở những đời vị lai có nhiều chúng sinh tâm địa như vậy, họ không tin chánh pháp, cũng không thể hiểu rõ chánh pháp. Do vậy mà Đức Thế Tôn im lặng.

Tôn Giả A Nan nói: Lại có chúng sinh tin tưởng chánh pháp không?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Cũng có chúng sinh ít có long tin.

Này A Nan! Ít người biết được chánh pháp là quý giá, còn phần đông thì không biết.

Này A Nan! Ít có chúng sinh có khả năng tin hiểu. Nói pháp như thế khắp các thành ấp xóm làng, có nhiều chúng sinh đều lìa bỏ chang tin.

Vì sao?

Vì những chúng sinh đó do nhân duyên đời trước vốn gây ra tội chướng bài báng đạo pháp.

A Nan nói: Kính mong Bồ Tát vì những chúng sinh đó khiến cho họ được tin hiểu chánh pháp.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói:Tôn Giả nên hỏi Đức Phật, Đức Phật sẽ vì Tôn Giả mà phân biệt giải thích.

Khi ấy, Tôn Giả A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn Giải thích cho con hiểu, các vị nam nữ trong dòng họ của Như Lai tuy sự hiểu biết và tin tưởng còn ít, nhưng nếu được nghe Phật giảng dạy sẽ rất vui mừng.

Lúc này, Đức Thế Tôn liền nhìn khắp bốn phía rồi hiện tướng lưỡi dài che phủ cả tam thiên Đại Thiên Thế Giới. Từ lưỡi ấy phát ra ánh sáng rực rỡ chiếu khắp các Thế Giới Phật nhiều như số cát sông Hằng. Phương Nam, Tây, Bắc, bốn góc và hai phương trên, dưới đều như thế, mỗi phương đều có Thế Giới Phật nhiều như số cát sông Hằng.

Lúc ấy, bốn chúng nhờ năng lực thần thông của Phật nên cũng trông thấy các Đức Phật nhiều như số cát sông Hằng ở phương Đông, đồng nói pháp này. Cũng đều xa nghe không thêm không bớt.

Như vậy lần lượt các Thế Giới trong mười phương cũng lại như thế, đại chúng đều trông thấy và được nghe các Đức Phật ở các cõi đó nói pháp giống như ở phương Đông.

Được thấy và nghe xong, đại chúng đều nhất tâm khuyến thỉnh Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Kính mong Thế Tôn rủ lòng từ bi thương xót, phân biệt giảng nói lại cho chúng con hiểu.

Chúng con nhờ thần lực Phật được thấy vô lượng, vô biên không thể tính kể các Đức Phật giảng nói chánh pháp. Chánh pháp ấy không thêm không bớt, không thể nghĩ bàn. Kính mong Thế Tôn hãy giảng nói về pháp ấy!

Lúc này, Đức Thế Tôn liền thu lưỡi về rồi bảo Tôn Giả A Nan: Lẽ nào có những kẻ nói dối mà có thể có được tướng lưỡi như vậy chăng?

Tôn Giả A Nan thưa: Bạch Thế Tôn, không! Nếu có người nói lời chân thật, mềm mỏng, có nhiều sự hiểu biết, lời nói khéo điều hòa, nhu thuận, làm lợi ích, từ, bi, hỷ, xả như vậy…, cho đến bậc Nhất thiết trí mới có được tướng lưỡi như vậy.

Cúi mong Đức Thế Tôn, vì các vị nam, nữ trong dòng họ của Đức Như Lai có ít lòng tin mà phân biệt giải thích, cũng vì thương xót đối với những ai chưa hiểu mà giảng nói, sẽ khiến cho hạng người ấy sinh tâm hối hận.

Bấy giờ, Phật bảo A Nan: Bốn chúng đã nhóm họp, ngồi ngay ngắn cùng với tám bộ là Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca lâu la, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân Phi Nhân… các vị đến ngồi nghe pháp, tâm đều không thoái chuyển trên đường tiến đến quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Các vị sẽ ở nơi cõi này mà giảng nói chánh pháp, không thêm không bớt, giống như pháp ta hiện đang nói.

Bấy giờ, bốn chúng và Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, Atu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân Phi Nhân… đều sinh tâm vui mừng nên cùng nhau cởi nhưng tấm y quý giá trên người mình dâng lên Đức Phật.

Có người tung rải hoa, có người tung rải tràng hoa, co người dùng các thứ chuỗi vàng, bạc, lưu ly, pha lê, mã não, có người dùng các thứ chuỗi Tỳ Lô Chiên Đàn, có người dùng các loại hoa như Mạn Đà La, Ma Ha Mạn Đà La, Mạn Thù Sa, Ma Ha Mạn Thù Sa, có người dùng các thứ hoa do mình làm ra, tất cả đều tung rải lên chỗ Phật.

Có người dùng các thứ hoa Ưu Bát La Cõi Trời, hoa Câu Vật Đầu, hoa Phân Đà Lợi… để tung rải lên chỗ Đức Phật. Trong hư không, nhạc Trời tự nhiên hòa tấu vang lừng. Các vị Long Vương thì tung rưới ngọc quý. Các phụ nữ thì dùng những xâu chuỗi ngọc cùng các thứ y phục quý giá dâng lên cúng dường Phật.

Xong, tất cả các tín nữ ấy đều sửa lại y phục ngay ngắn, quỳ gối bên phải chạm sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật, cùng nhau bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai không hai.

Lúc bấy giờ Phật bảo A Nan: Đúng thế, đúng như lời họ vừa nói! Đức Như Lai không hai, đã dứt sạch ngu si. Như Lai, Thế Tôn không hề có tiếc lẫn, không còn mảy may lỗi lầm, vì đã lìa mọi tội lỗi, lìa bỏ mọi thứ dục lạc và tất cả phiền não, được thanh tịnh không cấu nhiễm. Mọi thứ kiêu mạn tham lam, ganh ghét đều trừ sạch không còn đầy đủ trí tuệ, giác ngộ chánh pháp, đạt đến bờ giải thoát.

Như bậc Đại phạm được tự tại hoàn toàn oai nghi đầy đủ, các hạnh rốt ráo, được bốn thứ đầy đủ, Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân Phi Nhân, không còn chấp đắm vào các pháp hữu vi, vô vi, không nhiễm sinh tử, theo Phật, Thế Tôn được giải thoát chân chánh, được đầy đủ tri thức, không hề thiếu sót hay mất mát, đầy đủ sự gần gũi.

Tôn Giả A Nan thưa: Thế nào gọi là Như Lai được đầy đủ tri thức không thiếu sót, mất mát?

Thế nào gọi là đầy đủ nghe Phật, đầy đủ thấy Phật, đầy đủ gần gũi?

Phật bảo A Nan: Ông không rõ ư?

Tôn Giả A Nan thưa: Con thật sự không rõ.

Phật dạy: Bây giờ ông hãy lắng nghe, ta sẽ giải thích cho ông hiểu.

Tôn Giả A Nan thưa: Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn Giải thích cho con hiểu.

Đức Phật dạy: Này A Nan! Giờ đây ông nghe ta là Phật Thích Ca Mâu Ni, đã nghe, sẽ nghe như vậy… thì đều được không thoái chuyển trên đường tiến đến quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Vì sao?

Vì tất cả Pháp Thân nếu được giảng nói thì người thấy nghe đều được lợi ích.

Này A Nan! Nếu cúng dường Như Lai một cành hoa và sau khi ta nhập Niết Bàn, vì Xá Lợi Phật mà xây tháp cúng dường thì cũng được không thoái chuyển trên đường tiến đến quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Tôn Giả A Nan thưa: Cho đến loài súc sanh, nếu được nghe danh hiệu Phật, thì cũng được thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác ư?

Đức Phật dạy: Này A Nan! Nếu có người chỉ được nghe âm thanh Phật Thích Ca Mâu Ni rồi xưng niệm danh hiệu ấy thì đều là hạt giống của Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, nếu các thiện nam, thiện nữ được nghe danh hiệu Phật Thích Ca Mâu Ni thì cũng đạt được những điều như đã nói, hoàn toàn là chân thật không hư dối.

Này A Nan! Ví như cây Ni câu đà, tàng cây tỏa rộng có thể che phủ cho một, hai, ba, bốn người, cho tới năm mươi, một trăm, một ngàn hoặc nhiều hơn nữa đi đến dừng nghỉ?

Dưới bóng cây ấy, vậy thì theo ý ông, cây Ni câu đà con ấy lúc mới đem trồng là lớn hay nhỏ?

Tôn Giả A Nan thưa: Bạch Thế Tôn, rất nhỏ!

Phật bảo A Nan: Cây Ni câu đà ấy nhờ mưa, nước, phân bón, đất đai, sức người cùng các trợ duyên khác qua năm tháng dần dần cao lớn.

Tôn Giả A Nan thưa: Đúng vậy, bạch Thế Tôn!

Phật bảo A Nan: Cây Ni câu đà vốn rất nhỏ, nhờ đất, nước, thời gian cùng bao nhân duyên khác dần dà cao lớn.

Như thế, này A Nan! Cũng như vậy, người được nghe danh hiệu Phật Thích Ca Mâu Ni thì hạt giống căn lành đó không bao giờ bị mất đi, không còn thoái chuyển trên đường tiến đến quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác cũng giống như thế.

Vì sao?

Vì hạt giống vô tướng không trụ ở tất cả nơi, cho nên không bị hư thối. Do không bị hư thối nên hạt giống ay cũng không thể bị hủy hoại, cũng không giữ được hình tướng của nó. Cho nên đối với tất cả pháp đều không bị mất đi.

Tôn Giả A Nan thưa: Bạch Thế Tôn! Đó là năng lực bản nguyện của Đức Như Lai hay là tất cả pháp của các Đức Phật cũng đều như thế?

Phật liền đáp: Do năng lực bản nguyện. Nếu có chúng sinh nào nghe danh hiệu ta thì đều không bị thoái chuyển trên đường tiếng đến quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Pháp của tất cả các Đức Phật cũng đều như vậy.

Vì sao?

Vì pháp của tất cả Phật đều bình đẳng.

Tôn Giả A Nan thưa: Pháp của tất cả Phật bình đẳng có lợi ích gì?

Đức Phật dạy: Đó là có thể khiến cho chúng sinh tuy không nghe chánh pháp nhưng nhờ năng lực phát nguyện nên cũng khiến được cùng nghe pháp và đạt được lợi ích.

Bấy giờ, A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như Lai thành tựu pháp chưa từng có, có khả năng đem lại lợi ích lớn lao cho các vị Đại Bồ Tát không?

Phật dạy: Đúng thế, này A Nan! Nay ta làm lợi ích lớn lao cho chúng sinh. Nếu người nào nghe pháp thì đều được sống trong ruộng phước lợi ích.

Trong thời quá khứ ta đã cúng dường các Đức Phật, không he tiếc rẻ thân mạng, tất cả đều xả bỏ, lìa mọi tham lam ganh ghét, siêng tu tinh tấn, các căn thanh tịnh, đối với tất cả các pháp không chấp không đắm, không hề nương tựa.

Cho nên, này A Nan! Ta đã đạt được giác ngộ, có khả năng đem lại lợi ích lớn lao cho tất cả chúng sinh.

***