Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Pháp Tập Yếu Tụng

PHẬT THUYẾT

KINH PHÁP TẬP YẾU TỤNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thiên Tức Tai, Đời Tống
 

PHẨM BA MƯƠI MỐT

PHẨM TÂM Ý
 

Vụt nhanh khó hộ trì

Là nơi dục niệm trú

Nhiếp ý là việc lành

Điều phục liền khinh an

Như cá trên đất khô

Do lìa khỏi hồ sâu

Tâm thức đầy kinh hoàng

Chúng ma rượt đuổi theo

Tâm rảo chẳng một nơi

Ví như ánh mặt trời

Người trí khéo chế phục

Như móc siết voi hung

Nay ta bàn về tâm

Không vững chẳng thể thấy

Ta nay muốn dạy bảo

Cẩn thận chớ sanh oán

Tâm ông chớ du hành

Theo ý mà buông lung

Ta nay nhiếp tâm ý

Như chế ngự voi hung

Sanh tử vô số lần

Đến đi chẳng biết rõ

Căn nhà ai mong cầu

Luôn luôn thọ bào thai

Hãy quán căn nhà này

Đừng tạo các nhà nữa

Xà ngang thấy hư hoại

Đài các sẽ sụp nát

Tâm đã lìa các hành

Quá khứ, hiện, vị lai

Tâm vụt nhanh khó giữ

Khó hộ khó điều phục

Người trí khéo điều phục

Như thợ uốn thẳng tên

Có sân liền biết sân

Không sân biết không sân

Niệm này do mình tạo

Chẳng phải cha mẹ làm

Trừ tà tu chánh định

Tu phước chớ thoái lui

Mái nhà nếu chẳng kín

Trời mưa sẽ luôn rỉ

Ý ai không tư duy

Mãi có tham sân si

Mái nhà nếu lợp kín

Trời mưa sẽ chẳng rỉ

Ý ai tự tư duy

Vĩnh không tham sân si

Tâm là gốc các pháp

Tâm chỉ đạo làm chủ

Nếu trong tâm nghĩ ác

Thì liền nói liền làm

Tội khổ tự truy đuổi

Như bánh xe theo vết

Tâm là gốc các pháp

Tâm chỉ đạo làm chủ

Nếu trong tâm nghĩ thiện

Thì liền nói liền làm

Phước lạc tự truy đuổi

Như bóng hiện theo hình

Không dùng ý bất tịnh

Cũng đừng với kẻ sân

Ai muốn hiểu biết pháp

Nghe Phật thuyết giảng pháp

Nếu ai trừ kiêu căng

Tâm ý cực thanh tịnh

Lìa bỏ sự giết hại

Mới được nghe chánh pháp

Vọng tâm chẳng dừng nghỉ

Cũng chẳng biết pháp lành

Trầm mê việc thế gian

Không có chánh tri kiến

Ba sáu dòng chảy siết

Cùng với tâm ý lậu

Luôn mãi có tà kiến

Bám nương ở dục tưởng

Phóng ý buông các căn

Người theo ý xoay chuyển

Gọi đó là buông lung

Như chim thả rừng hoang

Yên tĩnh tự tu học

Chớ đừng theo dục lạc

Chớ nuốt viên sắt nóng

Gào khóc chịu nghiệp báo

Nên tu mà không tu

Cậy sức chẳng tinh cần

Tự vùi nơi sanh tử

Lười biếng không trí tuệ

Tà quán và chánh quán

Đều do ý sanh ra

Tâm quán khéo hiểu biết

Tâm ngu luôn luôn tà

Người trí quán như thế

Chánh niệm chuyên tu hành

Khiến ý chẳng nhiễm trước

Duy Phật khéo diệt trừ

Quán thân như bình rỗng

An tâm như thành lũy

Dùng tuệ chiến đấu ma

Thắng lợi chớ để thua

Quán thân như bọt nước

Như ngọn lửa ngựa hoang

Dùng tuệ chiến đấu ma

Thắng lợi chớ để thua

Chuyên niệm bảy giác phần

Tâm họ chẳng lỗi lầm

Hãy lìa ý si mê

Thích trụ vô sanh nhẫn

Lậu tận không uế trược

Hiện đời đắc diệt độ

Hãy tự hộ ý mình

Như mao ngưu mến đuôi

Huệ thí cho tất cả

Mãi không lìa an vui

Như voi bỏ đàn voi

Voi chúa có sáu ngà

Tâm ý tự bình đẳng

Hoang dã vui một mình

Tâm ý không tổn hại

Hết thảy vì mọi người

Từ tâm với chúng sanh

Vị kia không oán hận

Từ tâm vì một người

Liền hộ các căn lành

Hết lòng vì tất cả

Được phước như Thánh Hiền

Từ bi khắp tất cả

Thương xót các chúng sanh

Tu hành với từ tâm

Sau hưởng vui vô cùng

Nếu dùng ý hớn hở

Hoan hỷ không lười biếng

Tu hành các pháp lành

Sẽ được nơi an ổn

Tu hành tâm hoan hỷ

Thân ngữ ý tương ứng

Đã được các giải thoát

Tỳ Kheo ý an lạc

Trừ sạch mọi kết sử

Trần lao vĩnh chẳng còn

Dẫu cho năm âm nhạc

Chẳng thể vui lòng người

Đâu bằng tâm chuyên nhất

Hướng về pháp bình đẳng

Tối thắng được ngủ ngon

Cũng không suy tính ngã

Nếu ai tâm thích thiền

Không thích nơi ý dục

Tối thắng ý hớn hở

Cũng không thấy có ngã

Nếu ai tâm thích thiền

Không thích nơi ý dục

Các kết đã trừ sạch

Như núi chẳng lay động

Nơi nhiễm chẳng nhiễm ô

Nơi sân chẳng khởi sân

Tâm ai được như thế

Mới biết tung tích khổ

Không hại không nhiễm ác

Đầy đủ tịnh giới luật

Ăn uống biết chừng mực

Giường nệm thì cũng thế

Tu ý cầu phương tiện

Là lời Chư Phật dạy

Hành giả quán sát tâm

Phân biệt định ý niệm

Khi được vào thiền định

Liền được niềm an vui

Hộ ý tự trang nghiêm

Ganh người nghĩ cho ta

Gặp buồn chẳng lo khổ

Người trí luôn tư duy

Ai không thủ hộ tâm

Tà kiến sẽ tổn hại

Cùng với tâm hí luận

Họ sẽ vào tử lộ

Cho nên phải hộ tâm

Bình đẳng tu tịnh hạnh

Chánh kiến luôn tại tiền

Phân biệt pháp sanh diệt

Tỳ Kheo trừ ngủ say

Diệt khổ chẳng còn tạo

Hàng tâm trừ dục lạc

Hộ tâm chớ lơ là

Hữu tình tâm mê lầm

Nên chịu khổ địa ngục

Hàng tâm được an vui

Hộ tâm chớ lơ là

Hộ tâm chớ lơ là

Tâm là cửa vi diệu

Bảo hộ không rỉ chảy

Liền đắc đạo tịch diệt.

***