Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Pháp Tập Yếu Tụng

PHẬT THUYẾT

KINH PHÁP TẬP YẾU TỤNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thiên Tức Tai, Đời Tống
 

PHẨM HAI

PHẨM ÁI DỤC
 

Gốc rễ của tham dục

Là do vọng tưởng sanh

Nếu tâm chẳng nghĩ tưởng

Ái dục sẽ không sanh

Do dục sanh phiền não

Do dục sanh sợ hãi

Lìa dục được giải thoát

Không sợ chẳng não phiền

Do ái sanh phiền não

Do ái sanh sợ hãi

Lìa ái được giải thoát

Không sợ chẳng não phiền

Quả trước ngọt, sau đắng

Ái dục cũng như thế

Sau chịu khổ địa ngục

Nung nướng vô số kiếp

Ngu mê tham ái dục

Thương luyến vợ với con

Trói buộc bởi ái nhiễm

Kiên cố khó lìa xa

Thánh Hiền lìa ái dục

Trang nghiêm hàng quyến thuộc

Rời xa vợ với con

Tâm định khéo lợi ích

Tham dục khó giải thoát

Lìa dục chân xuất gia

Không ham thọ khoái lạc

Bậc Trí chẳng tham muốn

Người thế gian tham dục

Mọi thứ chẳng tư duy

Nếu ai khéo điều phục

Đó mới là lìa dục

Nếu ai luôn tham dục

Trói buộc khó giải thoát

Duy tuệ khéo phân biệt

Đoạn phiền não chẳng sanh

Chánh niệm luôn hưng khởi

Tịch tĩnh ác dễ trừ

Tự chế bằng giới pháp

Không phạm thiện tăng trưởng

Ai luôn tham ái dục

Sẽ cùng với kẻ ngu

Niệm định chẳng buông lung

Thứ tự được vô lậu

Một niệm tu chỉ quán

Khéo lìa các tội cấu

Ngã mạn tự tiêu trừ

Giải thoát được an lạc

Nếu ai chẳng đoạn dục

Như da chạm lửa cháy

Thiêu rụi chỉ một niệm

Thọ tội vô số kiếp

Tỳ Kheo phòng dục lạc

Buông lung lắm ưu sầu

Nếu lìa xa ái dục

Chánh niệm thọ an vui

Không chán sao biết đủ?

Không đủ sao có lạc?

Không lạc sao có ái?

Có ái sao có lạc?

Tịch tĩnh trí đầy đủ

Tăng trưởng đạo vô lậu

Tham ái không biết chán

Phi pháp phải chết yểu

Thấy sắc tâm mê muội

Vô thường không tư duy

Kẻ ngu cho tốt đẹp

Nào biết đó chẳng thật

Kẻ ngu trói bởi tham

Chẳng mong qua bờ kia

Do tham tài với ái

Hại người cũng hại mình

Vui sướng ở thế gian

Vui đó rất ít ỏi

Nếu so với trên Trời

Kém xa ngàn vạn lần

Núi non biến thành vàng

Nhiều như núi Thiết Vi

Không thỏa kẻ tham lam

Chánh Giác mới hiểu thông

Khổ báo của thế gian

Đều do bởi tham dục

Người trí khéo điều phục

Hãy nên học như thế.

***