Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Pháp Thiền Bí Yếu

PHẬT THUYẾT

KINH PHÁP THIỀN BÍ YẾU

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

PHẦN BỐN
 

Bấy giờ, trong nước có một cây lớn, cành lá sum suê che khắp tất cả. Rồng độc như vậy không lìa thân ta, lè lưỡi trên cây. Trên lưỡi rồng có tám trăm con quỷ. Hoặc có quỷ thần trên đầu đội núi, hai tay như rắn, hai tay giống chó.

Lại có quỷ thần, đầu giống đầu rồng, các lỗ chân lông trong thân có trăm ngàn mắt, trong mắt phát lửa, răng như núi đao lăn lộn trên đất. Lại có các con quỷ, mỗi mỗi con có chín mươi chín đầu. Chúng đều có chín mươi chín tay. Hình dáng đầu rất là xấu xí, giống như dã can, hoặc giống như chồn, hoặc giống như mèo, hoặc là như cáo, hoặc là như chuột.

Cổ các con quỷ này đều mang khỉ vượn. Các quỷ ác này đùa giỡn trong nước, có con leo trèo nhảy nhót trên cây. Có quỷ Dạ Xoa trên đầu bốc lửa. Các con vượn dùng nước dập lửa nhưng không dập được, lửa càng thêm mạnh.

Lửa dữ như vậy từ trong nước thình lình rực cháy bên cạnh phướn bằng pha lê, đốt phướn bằng pha lê như nấu vàng ròng. Mỗi ngọn lửa lần lượt nhiễu quanh thân mười vòng, ở trên hành giả như cái lọng bằng vàng ròng. Có màn lưới giăng khắp trên cây và lọng bằng vàng ròng nó đầy đủ ba lớp.

Bấy giờ, dưới đất bỗng có bốn con ác quỷ lớn, có trăm ngàn tai, tai phát ra lửa, nước. Các lỗ chân lông trong thân phun ra các hạt bụi li ti. Trong miệng thổi ra gió đầy khắp Thế Giới. Có tám vạn bốn ngàn quỷ La Sát, hai nanh mọc ngược lên cao một do tuần.

Trong các lỗ chân lông của thân, sét đánh nổi lửa, rất nhiều con như vậy chạy giỡn trong nước.

Lại có hổ, chó sói, sư tử, báo, chim, thú, từ lửa vọt ra chạy giỡn trong nước.

Lúc thấy việc này, từng bộ xương đầy khắp Thế Giới Ta Bà đều cử động tay phải. Các La sát tay cầm thiết xoa xúc các xương người dồn lại một chỗ.

Bấy giờ, trong xương người chín màu xếp hàng theo thứ lớp đến chỗ hành giả. Trăm ngàn cảnh giới rất nhiều như vậy không thể kể hết.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Lúc tưởng này thành tựu gọi là quán bốn đại, ông phải khéo thọ trì đừng cho quên mất.

Tôn Giả A Nan nghe Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Lúc tưởng này thành tựu, gọi là quán địa đại, quán hỏa đại, quán phong đại, quán thủy đại thứ mười hai, cũng gọi là cảnh giới chín mươi tám xứ.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Tưởng này thành tựu rồi, lại phải dạy buộc niệm trụ ý quán kỹ xương sườn bên hông. Tưởng các xương sườn trắng như ngọc kha như tuyết.

Thấy xương sườn rồi, thấy xương toàn thân, từng đốt nương nhau trở nên sáng sạch, trắng như pha lê, thấy các chi tiết lớn nhỏ của một bộ xương đều sáng như gương pha lê. Hỏa đại, phong đại, thủy đại, địa đại, các cảnh giới này đều hiện ra ở trong một đốt.

Lúc tưởng này thành tựu, thấy đất phương dưới, từ giường trở xuống dần dần mở ra. Thấy đất dưới một giường rồi, lại thấy đất dưới hai giường. Thấy đất dưới hai giường rồi, lại thấy đất dưới ba giường, kế đó thấy trong một phòng. Thấy trong một phòng rồi lại thấy trong hai phòng.

Thấy trong hai phòng rồi dần dần thấy trong ba phòng. Thấy trong ba phòng rồi dần dần thấy đất trong mot sân dần dần mở ra. Lúc thấy việc này, phải quán kỹ đến phương dưới không có chướng ngại.

Trong phong luân phương dưới có các luồng gió nổi dậy, các Dạ Xoa kia đều nuốt gió này. Nuốt gió này rồi các lỗ chân lông tren thân đều sinh quỷ Cưu Bàn Trà. Mỗi quỷ Cưu Bàn Trà phun ra các núi lửa, đầy đại thiên Thế Giới. Trong các núi ấy lại có nhiều cô gái đẹp, đánh trống, tấu nhạc, đàn ca trước hành giả. La sát lại đến tranh nhau bắt họ để ăn.

Hành giả thấy rồi rất là kinh sợ không thể kiềm chế được, lúc xuất định luôn luôn bị đau tim, xương đỉnh đầu muốn vỡ. Nhiếp tâm vào định đều thấy cảnh giới bốn đại như trước. Thấy cảnh giới này rồi, nhờ định lực bốn đại, tự thấy thân thể trắng như người ngọc, lửa khởi lên mỗi đốt, nước chảy dưới từng đốt, trong tai phát ra gió, trong mắt có mưa đá.

Thấy việc này rồi, có mười con rắn độc ở trên mặt đất, thân dài lớn năm trăm do tuần, có một ngàn hai trăm chân, chân giống rồng độc, thân phát ra lửa lăn lộn trên đất. Lúc tưởng này thành tựu, phải chí tâm sám hối tội trước. Lúc xuất định không được nói nhiều, phải ở nơi vắng vẻ, nhất tâm buộc niệm chỉ trừ lúc ăn. Lại phải sám hối uống các bơ thuốc, sau đó mới đổi pháp quán này.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Pháp quán này gọi là quán bốn đại thứ hai, ông phải thọ trì đừng để quên mất.

Tôn Giả A Nan nghe Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Lúc tưởng này thành tựu, gọi là hoàn tất pháp quán các kết sử căn bản thứ mười ba.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Lúc tưởng này thành tựu lại phải thay đổi pháp quán.

Pháp quán khác là: Khi hỏa đại phát động phải khởi tưởng núi, phải tưởng các núi giống như sương giá bị lửa làm tan. Lửa dữ như vậy rất là mạnh mẽ. Lúc lửa hừng mạnh thân thể bốc nóng. Lại tưởng rồng làm mưa dập tắt lưa dữ.

Lại phải tưởng đá nát ra như bụi. Rồng lại thổi gió tụ tập các hạt bụi cho đến khi thành núi. Vô số cây rừng, gai góc đều tự nhiên sinh. Bấy giờ nước trắng đầy đủ năm màu chảy trong các cây gai. Nước như vậy trụ trên đỉnh núi giống như băng tích tụ, ngưng lại không động. Tưởng này thành tựu gọi là pháp quán khác thứ mười bốn.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Nếu Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di được chánh định tam muội, ông phải dạy đổi pháp quán dừng để quên mất. Pháp quán bốn đại này, nếu có người chứng đắc được, Phật cho dùng sữa và thịt.

Lúc ăn thịt rửa không cho còn mùi vị và phải tưởng như vào thời đói phải ăn thịt con. Nay thân này nếu không ăn thịt sẽ phát cuồng và chết. Cho nên, Phật dạy các Tỳ Kheo ở nước Xá Vệ, vì tu thiền định được ăn ba loại thịt thanh tịnh.

Tôn Giả A Nan nghe Phật nói, hoan hỷ phụng hành.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Dạy đổi pháp quán rồi, lại phải dạy buộc tâm trụ ý như trước, quán kỹ xương sườn, lại khiến trắng sạch hơn trước nhiều lần. Ở giữa hai đốt nhờ sáng và sạch được thấy tất cả các việc dơ xấu.

Lúc tưởng này thành tựu, phải tự quán thân thành một bộ xương người, trong mỗi đốt trắng sạch, sáng tỏ như gương pha lê. Tất cả xương người ở trong cõi Diêm Phù Đề và cảnh giới có được nhờ quán bốn đại đều ở trong một đốt xương. Thấy việc này rồi hành giả thấy các xương người đến từ phía Đông, xếp hàng theo thứ lớp hướng về phía hành giả nhiều như vi trần.

Cũng như phương Đông, các bộ xương trắng khắp Thế Giới Ta Bà đều xếp hàng theo thứ lớp hướng về phía hành gia. Phương Nam, Tây, Bắc, bốn hướng và phương trên dưới cũng lại như vậy.

Lại có xương người màu xanh, xếp hàng theo thứ lớp hướng vào nhau khắp cõi Diêm Phù Đề. Dần dần rộng lớn cho đến phương Đông, khắp Thế Giới Ta Bà, phương Nam, Tây, Bắc bốn hướng và phương trên dưới cũng lại như vậy.

Lại có xương người màu bùn đọng, xếp hàng theo thứ lớp hướng vào nhau khắp cõi Diêm Phù Đề. Dần dần rộng lớn cho đến phương Đông, khắp Thế Giới Ta Bà, phương Nam, Tây, Bắc, bốn hướng và phương trên, dưới cũng lại như vậy.

Lại có xương người màu nước đục xếp hàng theo thứ lớp hướng vào nhau khắp cõi Diêm Phù Đề. Dần dần rộng lớn cho đến phương Đông, khắp Thế Giới Ta Bà, phương Nam, Tây, Bắc, bốn hướng và phương trên, dưới cũng lại như vậy.

Lại có xương người màu đỏ, xếp hàng theo thứ lớp hướng vào nhau khắp cõi Diêm Phù Đề. Dần dần rộng lớn cho đến phương Đông, khắp Thế Giới Ta Bà, phương Nam, Tây, Bắc, bốn hướng và phương trên, dưới cũng lại như vậy.

Lại có xương người màu hồng, xếp hàng theo thứ lớp hướng vào nhau khắp cõi Diêm Phù Đề. Dần dần rộng lớn cho đến phương Đông, khắp Thế Giới Ta Bà, phương Nam, Tây, Bắc, bốn hướng và phương trên, dưới cũng lại như vậy.

Lại có xương người dính đầy máu mủ, xếp hàng theo thứ lớp hướng vào nhau khắp cõi Diêm Phù Đề. Dần dần rộng lớn cho đến phương Đông, khắp Thế Giới Ta Bà, phương Nam, Tây, Bắc, bốn hướng và phương trên, dưới cũng lại như vậy.

Lại có xương người màu vàng, xếp hàng theo thứ lớp hướng vào nhau khắp cõi Diêm Phù Đề. Dần dần rộng lớn cho đến phương Đông, khắp Thế Giới Ta Bà, phương Nam, Tây, Bắc, bốn hướng và phương trên, dưới cũng lại như vậy.

Lại có xương người màu xanh lục, xếp hàng theo thứ lớp hướng vào nhau khắp cõi Diêm Phù Đề. Dần dần rộng lớn cho đến phương Đông, khắp Thế Giới Ta Bà, phương Nam, Tây, Bắc, bốn hướng và phương trên, dưới cũng lại như vậy.

Lại có xương người màu tím, xếp hàng theo thứ lớp hướng vào nhau khắp cõi Diêm Phù Đề. Dần dần rộng lớn cho đến phương Đông, khắp Thế Giới Ta Bà, phương Nam, Tây, Bắc, bốn hướng và phương trên, dưới cũng lại như vậy.

Lại có xương người màu khác nhau, giữa hai đốt khắp trong các đốt chảy ra các loại mủ gớm ghiếc mười sáu mùi, xếp hàng theo thứ lớp hướng vào nhau khắp cõi Diêm Phù Đề. Dần dần rộng lớn cho đến phương Đông, khắp Thế Giới Ta Bà, phương Nam, Tây, Bắc, bốn hướng và phương trên, dưới cũng lại như vậy.

Lúc tưởng này thành tựu, hành giả kinh sợ, thấy các Dạ Xoa muốn đến ăn mình.

Bấy giờ, phải thấy các xương người từng đốt nổi lửa. Từng ngọn lửa bừng lên khắp Thế Giới Ta Bà. Lại thấy trên đỉnh các bộ xương vọt ra các loại nước như là phướn cờ bằng pha lê. Lại thấy tất cả lửa trên đầu xương biến thành núi đá. Tai các con rồng phát ra gió thổi lửa động núi. Các ngọn núi quay quần trên hư không như người thợ gốm quay bánh xe của mình không ngừng nghỉ.

Thấy việc này rồi, hành giả rất kinh sợ. Do kinh sợ có một ức quỷ gánh núi phun lửa, hình dạng khác nhau đến chỗ người ấy.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Nếu có Tỳ Kheo an trụ trong chánh niệm, tu không phóng dật, lúc thấy việc này phải dạy các pháp quán không, vô ngã.

Khi xuất định cũng khuyên họ thường đến hỏi người trí về nghĩa không sâu xa. Nghe nghĩa không rồi phải tự quán sát thân ta nương sự hòa hợp bất tịnh của cha mẹ, gan ràng rịt, máu lấp đầy, ba mươi sáu vật ô nhiễm bất tịnh thuộc các nghiệp duyên khởi lên từ vô minh. Nay quán thân này không một thứ đáng ưa như vật mục rã.

Lúc tư duy như vậy, các bộ xương người đều đến áp bức ta, phai giơ tay phải vỗ các bộ xương mà nghĩ rằng: Như xương người này hiện từ tưởng hư vọng và phân biệt, thân ta cũng vậy sinh từ bốn đại, lấy làng xóm là sáu nhập là chỗ cư trú, huống gì các xương sinh ra từ hư vọng.

Lúc nghĩ điều ấy, các bộ xương người tan nát như bụi, tích tụ trên đất như núi tuyết trắng. Có một con rắn lớn bỗng nhiên nuốt ăn rất nhiều bộ xương người màu sắc lẫn lộn. Ở trên núi tuyết đó, có một người nữ bằng ngọc trắng, thân thể đoan chánh, cao ba mươi sáu do tuần, cổ đỏ như lửa, mắt có ánh sáng trắng.

Bấy giờ, nước màu trắng và các tràng phan bằng pha lê đều tự nhiên nhập vào đỉnh người bằng ngọc trắng. Các loại rồng, quỷ, rắn, sư tử, chồn, mèo đều kinh sợ bỏ chạy. Vì sợ lửa lớn, chúng tìm đến bên dưới của cây. Chín mươi chín con rắn trong các lỗ chân lông của thân đều ở trên cây.

Khi đó, rồng độc uốn lượn quanh cây, lại thấy voi đen đứng dưới cây.

Lúc thấy việc này, nên chí tâm sám hối cả sáu thời, không thích nói nhiều, phải ở chỗ vắng, để tư duy các pháp không. Trong các pháp không, không đất, không nước, cũng không gió lửa. Sắc là điên đảo từ pháp huyễn sinh ra. Thọ là nhân duyên sinh từ các nghiệp.

Tưởng là điên đảo, là pháp không trụ. Thức là không thấy thuộc các nghiệp duyên, sinh do hạt giống tham ái, quán kỹ các loại như vậy của thân này. Địa đại là từ không thấy có, không cũng thấy không, vì sao cho tưởng cứng là đất.

Phân tích như vậy, cái gì là đất?

Quán điều đó rồi, gọi là quán đất bên ngoài. Quán kỹ từng thứ thấy địa đại không chủ. Lúc tưởng điều này thấy núi xương trắng lại càng tan rã giống như vi trần. Chỉ có xương người ở trong vi trần có các ánh sáng trắng duy trì lẫn nhau.

Trong ánh sáng trắng lại sinh các loại ánh sáng bốn màu. Trong ánh sáng lại nổi lửa dữ thiêu đốt các Dạ Xoa. Các Dạ Xoa bị lửa áp bức đều vọt lên cây, chưa đến cây bị voi đen chà đạp. Dạ Xoa phun lửa đốt chân voi đen.

Lúc ấy, voi đen rống lên như sư tử rống, diễn thuyết pháp không, vô thường, vô ngã và thuyết thân này là pháp hư hoại, không bao lâu sẽ diệt. Voi đen thuyết rồi đánh nhau với Dạ Xoa. Dạ Xoa cầm thiết xoa đâm tim voi đen.

Voi đen lại rống lên một tiếng làm động đất, làm gốc, thân, cành, lá của cây đại thọ nhất thời lay động. Rồng cũng phun lửa muốn thiêu cây này. Các con rắn kinh sợ phùng mang. Mỗi con đều duỗi chín mươi chín đầu để cứu lấy cây này.

Dạ Xoa lại càng kinh sợ, tay cầm khối đá lớn muốn ném vào voi đen. Voi đen liền đưa vòi bắt khối đá ném lên trên cây. Đá rơi trên cây giống như núi đao. Dạ Xoa ấy vọt thân, nhảy mạnh, các lỗ chân lông trong thân xuất ra các rồng độc. Rồng độc có bốn đầu phun ra khói lửa, rất là đáng sợ.

Tưởng này thành tưu rồi, tự thấy quả tim trong thân mình sâu như hang giếng. Trong giếng có rắn độc phun trên dưới. Có hạt châu ma ni hiện ở trên giếng được treo trên hư không bằng mười bốn sợi tơ. Bấy giờ, các con rắn độc ngửa miệng nuốt hạt châu nhưng không thể được, bị rơi lăn dưới đất, mê muội không biết gì.

Lúc ấy, lửa từ miệng nhập vào đảnh. Hành giả nếu thấy việc này phải sám hối, xin được ăn uống tùy ý để điều hòa bốn đại, khiến hết sức yen ổn phải ngồi trong phòng kín, nơi không có tiếng chim.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Nếu Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di thành tựu pháp quán này gọi là pháp quán địa đại, phải cần buộc niệm, cẩn thận không buông lung.

Nếu tu không buông lung, tiến bộ mau hơn nước chảy, sẽ được đảnh pháp. Tuy có biếng nhác nhưng không bị đọa vào ba đường ác nữa. Khi xả bỏ thân này, qua đời khác sẽ sinh vào Cõi Trời Đâu Suất, được gặp Bồ Tát Di Lặc thuyết pháp khổ, không, vô thường cho nghe, hốt nhiên ý thông tỏ, đắc quả A Na Hàm.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Nay ông phải nhận kỹ pháp quán địa đại, cẩn thận đừng để quên mất, thuyết giảng rộng rãi cho tất cả chúng sinh đời vị lai.

Tôn Giả A Nan nghe Phật dạy hoan hỷ phụng hành.

Đắc pháp này gọi là hoàn tất pháp quán địa đại thứ mười bốn, cũng gọi là phân biệt tướng mạo bốn đại, cũng gọi là thấy tướng thô của năm ấm. Người có trí tuệ cũng có thể tự biết kết sử của mình nhiều ít.

Trong bốn niệm xứ gọi là thân niệm xứ, chỉ thấy ngoài thân chưa thấy trong thân. Trong bốn phần cảnh giới của thân niệm xứ đây là phần đầu tiên. Thành tựu pháp quán này, thân tâm an lạc ít tranh cãi.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Tưởng này thành tựu rồi, kế đó phải quán lửa ngoài thân có từ nhân duyên, có duyên thì khởi, duyên lìa thì diệt. Các lửa như vậy, không từ đâu tới, không đi về đâu, thình lình biến diệt, không dừng một chỗ. Lúc nghĩ điều này, lửa bên ngoài đều tắt, không hiện trở lại.

Hành giả phải tư duy các loại nước bên ngoài, ao, sông suối nhờ sức rồng biến hóa tạo thành, nay ta vì sao chợt thấy nước này. Các loại nước ấy không từ đâu đến, không đi về đâu. Lúc nghĩ như vậy, nước bên ngoài không hiện.

***