Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Pháp Thiền Bí Yếu

PHẬT THUYẾT

KINH PHÁP THIỀN BÍ YẾU

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

PHẦN CHÍN
 

Thấy nửa thân rồi, lại thấy toàn thân, tất cả đều phình trương và rã nát rồi, máu mủ đáng ghét và thấy các loại trùng đùa giỡn trong đó, đủ loại như vậy cũng như ở trên.

Quán thấy một rồi lại thấy hai, thấy hai rồi lại thấy ba, thấy ba rồi lại thấy bốn, thấy bốn rồi lại thấy năm, thấy năm rồi thấy cho đến mười, tâm dần dần rộng lớn cho đến thấy trong một phòng. Thấy trong một phòng rồi cho đến thấy một thiên hạ.

Thấy một thiên hạ rồi, nếu rộng lại thu nhiếp khiến trở về, quán một như trước. Quán xong rồi lại phải dời ý tưởng, buộc niệm quán kỹ chót mũi. Quán chót mũi rồi, tâm không phân tán. Nếu không phân tán quán xương như trước.

Lại phải tưởng da thịt trong thân do tinh khí bất tịnh của cha mẹ hòa hợp tạo thành. Thân như thế nay là hạt giống bất tịnh. Lại phải dạy buộc niệm quán răng. Trong thân của người chỉ có răng này màu trắng. Xương trong thân ta trắng như răng này vậy.

Tâm tưởng trở nên sắc bén, thấy răng dài lớn giống như thân thể. Bấy giờ lại phải dời tưởng quán trên trán, khiến xương trắng trên trán giống như ngọc kha, như tuyết. Nếu không trắng lại phải đổi pháp quán cửu tưởng, rộng nói như pháp quán cửu tưởng.

Lúc quán pháp ấy, nếu là người độn căn, trải qua một tháng cho đến chín mươi ngày quán kỹ việc này, sau đó mới thấy. Nếu là người lợi căn thì một niệm thấy liền. Thấy việc này rồi, lại phải quán đốt xương trắng trong hông. Thấy rồi liền quán xương người đủ màu như trước.

Pháp này không thành lại phải dạy quán tâm từ. Quán tâm từ là rộng nói như bốn tam muội. Dạy tâm từ rồi lại dạy quán xương trắng. Nếu thấy việc khác thận trọng chớ đuổi theo chỉ khiến tâm thấu suốt rõ ràng, thấy bộ xương trắng như núi tuyết trắng.

Nếu thấy vật khác kliền khởi tâm diệt trừ, phải nghĩ: Như Lai Thế Tôn dạy ta quán xương, vì sao lại có tưởng cảnh giới khác. Ta nay phải nhất tâm quán xương. Thấy xương trắng rồi khiến tâm trong lặng, không có các tưởng bên ngoài, thấy khắp tam thiên đại thiên Thế Giới trong đó đầy xương người. Thấy xương người này rồi, mỗi mỗi đều diệt quán khổ như trước.

Bấy giờ, nghe Phật dạy lời này, Tỳ Kheo Bàn Trực Ca quán kỹ từng thứ, tâm không phân tán, thấu suốt rõ ràng ngay lập tức đắc đạo A La Hán, ba minh, sáu thông, đủ tám giải thoát. Vị ấy tự nhớ Tam tạng đã học trong đời trước, hết sức rõ ràng không lẫn lộn.

Bấy giờ, nhờ Tỳ Kheo ngu si cao ngạo Bàn Trực Ca, Đức Thế Tôn chế pháp quán xương trắng thanh tịnh này.

Phật bảo Tôn Giả Ca Chiên Diên: Tỳ Kheo Bàn Trực Ca ngu si này nhờ buộc niệm mà thành A La Hán huống gì là người trí mà không tu thiền sao.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn mới nói kệ:

Thiền là pháp cam lồ

Tâm định diệt các ác

Trí tuệ dứt ngu si

Trọn không tho thân sau.

Bàn Trực Ca ngu si

Còn chứng nhờ tâm định

Huống gì các người trí

Sao không siêng buộc niệm.

Đức Thế Tôn bảo Tôn Giả Ca Chiên Diên và Tôn Giả A Nan: Nay các ông phải thọ trì lời ta dạy, dùng diệu pháp này độ khắp chúng sinh. Nếu có chúng sinh ngu si đời sau, kiêu mạn cao ngạo, chúng sinh tà kiến ác độc mà muốn tọa thiền từ pháp quán của Ca Hy La Nan Đà ban đầu cho đến pháp quán tượng của Thiền Nan Đề, lại phải học kỹ pháp quán của Tỳ Kheo Bàn Trực Ca này, sau đó tự quán thân mình, thấy các xương trắng như ngọc, như tuyết.

Bấy giờ, xương người nhập vào thân trở lại thấy tất cả xương trắng, phóng ánh sáng rồi tan mất. Thấy việc này rồi tâm ý hành giả tự nhiên vui vẻ, điềm tĩnh không có niệm khởi.

Lúc xuất định trên đảnh thường ấm áp, trong lỗ chân lông thường phát ra các mùi thơm, xuất nhập định hành giả thường nghe diệu pháp, kế đó lại tự thấy thân thể an vui khoái lạc nhan mạo tươi tỉnh, thường ít ngủ nghỉ, thân không bệnh tật khổ sở.

Được Noãn pháp này, hành giả thường tự cảm thấy dưới tim ấm áp, tâm thường an lạc.

Nếu người đời sau muốn học thiền, từ pháp bất tịnh đầu tiên cho đến pháp này. Đắc pháp này gọi là noãn pháp.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Sau khi Phật diệt độ nếu có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di ở trong đời ô trược muốn học pháp chánh thọ, tư duy tư pháp buộc niệm quán bất tịnh ban đầu cho đến pháp này gọi là noãn pháp.

Nếu đắc được pháp này gọi là hoàn tất noãn pháp thứ hai mươi mốt.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Nay ông phải giữ gìn noãn pháp mà đệ tử của Ca Chiên Diên hỏi phải cẩn thận đừng để mất.

Bấy giờ A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chúng sinh đời sau nếu có người có thể thọ trì tam muội này, nhất tâm yên ổn thành tưu noãn pháp, người đó làm sao tự biết được.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Nếu có quán kỹ các tướng kết sử, từ pháp bất tịnh ban đầu cho đến pháp này tự biết thân tâm đều ấm áp, từng tâm nói tiếp không có các phiền nao, sân hận, nhan sắc vui vẻ. Đây gọi là Noãn pháp.

Lại nữa, A Nan! Nếu có hành giả có được noãn pháp rồi kế đó phải dạy buộc niệm ở giữa các xương trắng đều có ánh sáng trắng. Lúc thấy ánh sáng trắng xương trắng tan mất.

Nếu cảnh giới khác hiện ở phía trước lại phải nhiếp tâm quán trở lại ánh sáng trắng thấy các ánh sáng trắng và từng ngọn lửa cháy lan ra đầy khắp Thế Giới. Hành giả tự quán thân mình lại càng sáng sạch, hơn cả pha lê và núi tuyết, tự thấy xương người mỗi cái đều phân tán.

Khi quán điều này nên định tâm cho lâu. Tâm định lâu rồi phải tự thấy trên đỉnh có ánh sáng lớn giống như ánh lửa phát từ não ra.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Nếu thấy việc này lại phải dạy quán từ đầu đến chân, quán đi quán lại tất cả mười bốn lần.

Quán điều ấy rồi, xuất định nhập định, thường thấy trên đỉnh phát ra lửa như ánh sáng vàng ròng. Các lỗ chân lông cũng phát ra ánh sáng vàng như rải lúa vàng, thân tâm an lạc. Ánh sáng vàng rực như vậy nhập trở vào đỉnh đầu. Đó gọi là đảnh pháp.

Nếu có hành giả, được pháp quán ấy thì có thể thành tự pháp quán đảnh.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Ông khéo thọ trì pháp quán đảnh này giảng rộng cho tất cả chúng sinh đời vị lai.

Bấy giờ, Tôn Giả A Nan nghe Phật dạy hoan hỷ phụng hành.

Thành tựu pháp này gọi là hoàn tất pháp quán đảnh thứ hai mươi hai.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Tưởng này thành tựu rồi, lại phải dạy buộc niệm quán các xương trắng, khiến các xương đã phân tán như gió thổi tuyết tụ lại một chỗ, tự nhiên thành đống trắng như núi tuyết. Nếu thấy việc này đắc đạo không khó. Nếu có người đời trước phạm giới hay đời này phạm giới thì thấy đống xương phân tán giống như tro đất hoặc là thấy các vật màu đen ở trên đó. Những người này lại phải sám hối, tự nói lỗi mình với người trí.

Đã sám hối rồi, thấy trên đống xương có ánh sáng trắng cho đến Cõi Vô Sắc. Xuất định nhập định thường được an lạc, tham muốn ái dục trước đây dần dần mỏng đi.

Hành giả lại phải quán, tìm ngược lại như trước, thấy chín lỗ máu mủ chảy và vật bất tịnh hết sức rõ ràng. Tâm không nghi ngờ hối tiếc. Lại giống như giữa xương sinh ra lửa thiêu các bất tịnh. Bất tịnh đã hết ánh sáng vàng phát ra, nhập trở lại đỉnh đầu. Lúc ánh sáng nhập vào đỉnh, thân thể khoái lạc, không thể lấy gì để ví dụ được.

Đắc pháp quán ấy gọi là hoàn tất pháp phương tiện quán trợ đảnh thứ hai mươi ba.

Lại phải dạy buộc niệm trụ ý tự quán thân mình giống như bó cỏ. Lúc xuất định cũng thấy thân mình giống như cây chuối, từng lớp da bao nhau. Lại tự quán các lá chuối giống như túi da, trong thân như không khí cũng không thấy xương. Xuất định nhập định thường thấy việc này thân thể gầy yếu.

Lại phải dạy tự quán thân, tự trở lại như bó cỏ khô, thân thể vững bền. Đã thấy thân vững bền rồi, hành giả lại phải uống bơ sữa, ăn uống điều độ, sau đó quán thân trở lại giống như cái túi không, có lửa từ trong thiêu hết thân này. Thiêu hết thân rồi, lúc nhập định thường thấy ánh sáng lửa, quán thấy lửa rồi, thấy ở bốn phương tất cả lửa khởi lên, xuất định nhập định thân nóng như lửa.

Hành giả thấy hỏa đại này, từ các chi tiết khởi lên, tất cả lỗ chân lông đều phát ra lửa. Lúc xuất định cũng tự thấy thân như đống lửa, thân thể bốc nóng không thể tự giữ gìn. Bấy giờ bốn phương có núi lửa lớn đều đến tập hợp trước hành giả. Hành giả tự thấy thân mình hợp với ngọn lửa. Đây gọi là tưởng về lửa.

Lại phải khiến lửa thiêu thân cháy sạch. Lửa đã thiêu rồi, lúc nhập định quán thân không có thân, thấy thân đều bị lửa thiêu hết. Lửa thiêu sạch rồi, tự nhiên biết trong thân không có ngã, tất cả kết sử đều giống như vậy không thể nói hết. Đây gọi là tưởng về lửa, hỏa đại chân thật, là hoàn tất pháp quán hỏa đại thứ hai mươi bốn.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Ông phải khéo thọ trì pháp quán hỏa đại vô ngã này. Pháp quán hỏa đại này gọi là lửa trí tuệ thiêu các phiền não. Ông phải khéo thọ trì và giảng rộng cho tất cả chúng sinh đời vị lai.

Bấy giờ, Tôn Giả A Nan nghe Phật dạy hoan hỷ phụng hành.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Nếu có hành giả nào thành tựu pháp quán hỏa đại này rồi, lại phải dạy buộc niệm tư duy, khiến buộc niệm ngay chót mũi, quán xem lửa này từ đâu khởi. Lúc quán lửa này tự thân mình đều không có ngã. Đã không có ngã, lửa tự nhiên diệt.

Lại phải nghĩ: Thân ta vô ngã, tứ đại không chủ, các kết sử này và kết sử căn bản từ điên đảo khởi, điên đảo cũng không, vì sao trong pháp không lầm thấy lửa trong thân.

Lúc quán điều ấy, hành giả không tìm được lửa và ngã. Đây gọi là quán hỏa đại vô ngã.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Ông khéo thọ trì pháp quán hỏa đại này, phân biệt và giảng rộng cho tất cả chúng sinh đời vị lai.

Nghe Phật dạy Tôn Giả A Nan hoan hỷ phụng hành.

Đó gọi là hoàn tất pháp quán thứ hai mươi lăm.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Lúc ta thấy lửa diệt, đầu tiên diệt từ mũi, sau đó thân thể nhất thời đều diệt. Lửa trong tim trong thân, tám mươi tám kết sử cũng đều bị diệt. Trong thân mát mẻ, điều hòa, ổn định. Hành giả tự giác ngộ sâu sắc, thấu suot rõ ràng, quyết chắc là không có ngã. Xuất định nhập định thường biết trong thân không có bản ngã của ta.

Đây gọi là hoàn tất pháp diệt không còn ngã.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Lại phải dạy pháp quán quán đảnh. Pháp quán quán đảnh là tự thấy thân mình như ánh sáng lưu ly, vượt khỏi ba cõi, thấy có Phật thật, dùng nước trong bình tắm, từ đảnh rót xuống đầy khắp trong thân. Thân đã đầy rồi, tay chân cũng đầy từ trong rốn chảy ra ở trên đất trước mặt, Phật thường rót nước.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn rót nước vào đảnh rồi, nước đi hết vào trong thân, nước từ trong rốn chảy ra giống như lưu ly. Màu xanh của nó giống như ánh sáng lưu ly xanh biếc, khí sáng đầy khắp tam thiên đại thiên Thế Giới.

Nước ra hết rồi, lại phải dạy buộc niệm xin Phật Thế Tôn rót nước vào đảnh lại cho con. Bấy giờ tự nhiên thấy thân như khí, rộng lớn vượt khỏi ba cõi. Hành giả thấy nước từ đảnh đầu vào, thấy thân to lớn ngang bằng với nước, tràn đầy trong nước. Lại tự thấy rốn giống như hoa sen, có dòng suối chảy vọt ra, đầy khắp trong thân, vây lấy thân như cái ao.

Có các hoa sen, mỗi một hoa sen có ánh sáng bảy màu, ánh sáng ấy diễn thuyết các pháp khổ, không, vô thường, vô ngã tiếng như Phạm Âm.

Lúc tướng này hiện, lại phải dạy xếp tay nhắm mắt, nhất tâm ngồi ngay thẳng, từ trên đảnh tự quán trong thân không thấy xương. Xuất định nhập định tự thấy thân mình như bình lưu ly.

Hành giả lại phải khởi niệm, tưởng bốn con rồng độc lớn ở trong tim mình. Thấy trong tim mình có lỗ chân lông mở ra, có sáu loại rồng, mỗi con rồng có sáu đầu, đầu nó phun độc giống như thổi lửa đầy khắp trong ao ở trên hoa sen.

Mỗi mỗi ánh sáng của hoa nhập vào đảnh của rồng. Lúc ánh sáng nhập vào đảnh, rồng độc tự tiêu tan, chỉ có nước lơn tràn đầy trong thân.

Khi tưởng ấy thành tựu gọi là quán hoa thất giác. Tuy thấy tưởng này hành giả vẫn chưa thông đạt đối với thiền định sâu xa, lại phải dạy đếm hơi thở như trên khiến tâm an ổn, lặng lẽ, không khởi niệm. Lúc tưởng này thành tựu gọi là quán bốn đại tương ưng.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Ông phải khéo thọ trì pháp quán bốn đại tương ưng với bảy giác ý này, cẩn thận đừng để quên mất, phân biệt rộng rãi cho tất cả chúng sinh đời vị lai, diễn bày giảng nói cho bốn chúng.

Bấy giờ, Tôn Giả A Nan nghe Phật dạy hoan hỷ phụng hành. Lại phải dạy buộc niệm, trụ ý quán kỹ thủy đại, từ lỗ chân lông ra đầy khắp thân. Xuất định nhập định hành giả thấy thân như cái ao có nước màu xanh lục. Nước xanh như vậy, giống như dòng suối chảy trên đỉnh núi, từ đỉnh mà ra, từ đỉnh mà vào.

Hành giả thấy bảy bông hoa toàn là màu kim cương, phóng ánh sáng màu vàng có người kim cương, tay cầm kiếm bén chém vào sáu con rồng trước kia. Lại thấy các ngọn lửa từ miệng các con rồng phát ra, khắp thân lửa cháy, nước khô cạn hết, lửa liền tắt sạch.

Lửa nước diệt hết rồi, tự thân mình dần dần rất trắng giống như kim cương. Xuất định nhập định tâm ý khoái lạc, như uống váng sữa hoặc ăn đề hồ, thân tâm an lạc lại phải dạy quán thứ khác, quán cảnh giới bên ngoài. Do sự tưởng tượng tự nhiên thấy có một cây sinh ra trái ngọt kỳ lạ. Trái cây ấy có bốn màu, bốn ánh sáng đều đầy đủ.

Cây ăn trái như vậy như cây lưu ly, đầy khắp tất cả. Thấy cây này rồi rộng thấy tất cả bốn loài chúng sinh bị lửa đói áp bức đều đến xin.

Thấy rồi, hành giả vui mừng, sinh tâm thương xót liền khởi tâm từ, coi những người đến xin này như cha mẹ mình, chịu khổ não lớn, nay ta phải làm gì để cứu vớt họ.

Nghĩ như vậy, liền tự quán thân, trở lại như máu mủ ở trước, lại làm thịt chia thành từng đoạn đem bố thí cho những chúng sinh đói.

Các Ngạ Quỷ này, tranh nhau lấy ăn, ăn đã no rồi, liền chạy tán loạn bốn hướng.

Bấy giờ, hành giả lại phải tự quán thân mình và thân người. Thân ta và thân người sinh ra từ điên đảo, thật không có ngã sở. Nếu có ngã thì tại sao có các ngạ quỷ đến bên cạnh ta. Bấy giờ có vô lượng ngạ quỷ, thân nó cao lớn vô lượng vô biên, đầu như núi Thái Sơn, cổ như sợi tơ sợi tóc, bị lửa đói hành hạ kêu gọi xin thức ăn.

Thấy việc ấy rồi, hành giả phải khởi tâm từ, đem thân bố thí cho quỷ. Ngạ quỷ nhận rồi nuốt ăn thân thể ấy liền được no đủ.

Rõ việc này rồi phải quán nhiều ngạ quỷ đi quanh thân bốn vòng. Hành giả lại đem thân cho các ngạ quỷ ăn như trước. Thấy việc này rồi lại dạy nhiếp thân khiến tâm không tán loạn tự quán thân mình là đống bất tịnh.

Lúc quán điều ấy tự thấy máu mủ và thịt của thân mình từng miếng từng miếng rã ra tụ lại ở khoảng đất phía trước và thấy các chúng sinh tranh nhau lấy ăn những thứ ấy.

Đã thấy việc này, lại phải tự quán thân mình từ các khổ sinh ra, từ các khổ mà có, là pháp bại hoại không lâu sẽ bị tiêu diệt, làm thức ăn cho ngạ quỷ.

***