Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Pháp Thiền Bí Yếu

PHẬT THUYẾT

KINH PHÁP THIỀN BÍ YẾU

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

PHẦN HAI
 

Thấy một trăm cõi Diêm Phù Đề rồi, tiếp đó thấy xương người đầy trong một trăm cõi Phất Bà Đề xếp hàng hướng vào nhau, đều giơ tay phải hướng về hành giả.

Thấy một trăm cõi Phất Bà Đề rồi, kế đó thấy xương người đầy trong một trăm cõi Cù Da Ni xếp hàng hướng vào nhau, đều giơ tay phải hướng về hành giả.

Thấy một trăm cõi Cù Da Ni rồi, kế đó thấy xương người đầy trong một trăm Cõi Uất Đan Việt xếp hàng hướng vào nhau, đều giơ tay phải hướng về hành giả.

Thấy việc này rồi, thân tâm an lạc, không còn kinh sợ, tâm tưởng được lợi ích.

Hành giả thấy xương người đầy trong Thế Giới Ta Bà. Chúng buông thỏng hai tay, mười ngón thả lỏng. Chúng đứng thẳng hướng về hành giả.

Thấy việc này rồi, xuất định, nhập định, hành giả thường thấy xương người, núi, sông, đá vách, tất cả sự vật trên thế gian đều biến hóa giống như xương người.

Thấy việc này rồi, hành giả thấy bốn dòng sông lớn ở bốn phương, nước chảy xiết màu trắng như sữa và thấy các bộ xương người lặn hụp trong đó.

Lúc tưởng này thành tựu, sám hối trở lại, hành giả chỉ thấy nước vọt lên không trung. Hành giả lại phải khởi tưởng khiến nước yên lặng.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Đây gọi là pháp tam muội tâm tưởng ánh sáng trắng phát ra từ xương trắng của phàm phu, cũng gọi là pháp tưởng tâm hối hận cảnh giới sinh tử của phàm phu. Nay vì Ca Hy La Nan Đà, vì ông và tất cả chúng sinh ở đời vị lai, ta nói pháp tam muội ánh sáng trắng phát ra từ xương trắng để thu giữ tâm loạn, vượt biển sinh tử, ông phải giữ gìn chớ để quên mất.

Khi Đức Thế Tôn nói lời này xong, liền hiện tam muội ánh sáng trắng với tất cả tướng mạo khiến Tôn Giả A Nan được thấy chúng. Tôn Giả A Nan nghe Phật nói, hoan hỷ phụng hành. Đây gọi là cảnh giới đầu tiên của pháp quán Bạch Cốt.

Phật bảo Tôn Giả A Nan tưởng này thành tựu rồi lại dạy tưởng khác. Tưởng khác là tự quán thân mình thành một bộ xương người, hết sức trắng sạch, khiến đầu lộn xuống vào giữa xương đùi, chú tâm một chỗ, thể hiện rất rõ ràng.

Tưởng này thành tựu rồi, quán khắp bốn phía quanh thân đều có xương người. Sau đó, ở khoảnh đất phía trước, tưởng một bộ xương trắng giống như chính mình, đầu gập xuống vào giữa xương đùi.

Tưởng một bộ rồi kế đó tưởng hai bộ. Tưởng hai bộ rồi kế đó tưởng ba bộ. Tưởng ba bộ rồi kế đó tưởng bốn bộ. Tưởng bốn bộ rồi kế đó tưởng năm bộ. Tưởng như vậy cho đến mười bộ. Hành giả thấy xương người đầy trong một phòng, chúng đều gập đầu xuống vào giữa xương đùi. Thấy một phòng rồi hành giả thấy cho đến một trăm phòng đầy ngập xương người.

Chúng đều gập đầu xuống vào giữa xương đùi. Thấy một trăm phòng rồi hành giả thấy xương người đầy trong một do tuần. Chúng đều gập đầu xuống vào giữa xương đùi. Thấy trong một do tuần rồi lại thấy cho đến vô lượng bộ xương trắng đều gập đầu xuống vào giữa xương đùi.

Tưởng này thành rồi, thấy các bộ xương người nằm ngang dọc ở khoảnh đất phía trước, hoặc thấy bể đầu, hoặc thấy gãy cổ, hoặc thấy đảo lộn, hoặc thấy uốn cong vẹo, hoặc thấy gãy lưng, hoặc là duỗi chân, hoặc là co chân, hoặc là xương chân chia làm hai phần, hoặc thấy xương đầu gập vào trong ngực, hoặc thấy xương đầu nằm ngửa rụt lại. Chúng nằm ngổn ngang tại khoảnh đất phía trước, bao khắp trên dưới, đầy ngập một phòng.

Tưởng này thành rồi, hành giả thấy vô lượng vô biên các bộ xương trắng hoặc lớn hoặc nhỏ, hoặc nguyên vẹn hoặc không nguyên vẹn nằm ngổn ngang. Các việc như vậy đều phải trụ tâm quán kỹ, hết sức rõ ràng.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Hành giả thấy việc này rồi thì phải tự tư duy: Trước đây xương vốn nguyên vẹn mà bây giờ bị phân tán nằm ngổn ngang, không the ghi nhận. Bộ xương trắng này còn không chắc chắn nên biết thân ta cũng là vô ngã. Quán kỹ việc này rồi, nên tự tư duy ngay đống xương nằm ngổn ngang này chỗ nào có thân ta và thân người. Khi ấy hành giả tư duy về vô ngã, thân ý hanh thông, an ổn hỷ lạc.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Tưởng này thành rồi lại phải dạy khiến tâm rộng lớn làm cho hành giả thấy xương ngổn ngang trong cõi Diêm Phù Đề và thấy bên ngoài xương này có lửa dữ bao quanh bốn mặt. Hành giả thấy lửa lớn nổi lên, hừng hực cháy lan, thiêu đốt các bộ xương nằm rải rác. Tướng trạng lửa như vậy hoặc có đám lửa giống như dòng nước, ánh lửa rực rỡ tung hoành giữa các bộ xương, hoặc có đám lửa giống như núi lớn đến từ bốn phía.

Tưởng này thành rồi, hành giả rất kinh sợ, lúc xuất định, thân thể bốc hơi nóng, phải thâu tâm trở lại quán xương như trước, quán một bộ xương trắng rất rõ ràng. Lúc hành giả nhập định, không thể tự xuất định, phải nhờ tiếng khảy móng tay, sau đó mới xuất định.

Tưởng này thành tựu rồi, phải tự khởi niệm mà nói: Ta từ vô số kiếp đến nay, tạo các phiền não, bị nghiệp dẫn dắt, khiến nay thấy lửa này phát ra. Hành giả phải nghĩ lửa này có từ bốn đại.

Thân ta trống rỗng, bốn đại không chủ, lửa dữ này phát ra từ không, thân ta thân người cũng đều là không, như lửa này sinh ra từ vọng tưởng để đốt cháy cái gì?

Thân ta và lửa đều là vô thường.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Hành giả phải hết lòng quán kỹ các pháp như vậy, quán hư không không có lửa, cũng không có các bộ xương. Người thực hành pháp quán này thân không sợ hãi, thân ý yên tịnh hơn trước kia nhiều.

Bấy giờ Tôn Giả A Nan nghe Phật nói, hoan hỷ phụng hành.

Tưởng này thành tựu gọi là hoàn tất pháp quán Bạch cốt thứ hai.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Quán bộ xương trắng thứ hai xong rồi, phải dạy pháp buộc niệm.

Trước hết phải buộc tâm trên ngón cái chân trái, nhất tâm quán kỹ ngón chân cái khiến thịt bầm xanh chảy rữa, giống như Mặt Trời nướng da thịt, dần dần lên đến đầu gối, rồi đến đùi. Quán chân trái rồi, quán chân phải cũng như vậy. Quán chân phải rồi kế đó quán đến hông, đến lưng, đến cổ, đến đầu, đến mặt, đến ngực.

Tất cả các phần của toàn thân đều bầm đen và rỉ nước giống như Mặt Trời nướng da thịt. Hành giả quán kỹ thân mình thấy có tràn đầy chất bất tịnh giống như đống phân và nước tiểu. Tưởng một thân xong rồi phải tưởng hai thân.

Tưởng hai thân rồi lại phải tưởng ba thân. Tưởng ba thân rồi lại tưởng bốn thân. Tưởng bốn thân rồi phải tưởng năm thân. Tưởng năm thân rồi phải tưởng mười thân. Tưởng mười thân rồi thấy thân người bầm đen, xếp hàng ngang dọc đầy trong một phòng.

Chúng bầm đen và rỉ nước giống như ánh nắng đốt da thịt hoặc như đống phân và nước tiểu. Thấy một phòng rồi lại thấy hai phòng. Thấy hai phòng rồi lại thấy cho đến vô lượng các người bất tịnh tràn đầy trong Thế Giới Ta Bà ở tất cả sáu phương.

Tưởng này xong rồi hành giả tự nghĩ: Đời trước ta tham dâm, ngu si, không tự giác ngộ, nhiều năm phóng dật, đắm nhiễm sắc tình không có hổ thẹn, theo đuổi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Nay thấy thân ta tràn đầy bất tịnh, thân người cũng vậy, có gì đáng ưa?

Thấy việc này rồi hết sức nhàm chán thân, hổ thẹn tự trách: Lúc xuất định thấy đồ ăn uống cũng như phân và nước tiểu, rất là gớm ghiếc.

Kế đó dạy pháp quán khác, là phải khởi niệm tưởng. Lúc niệm tưởng thành tựu, thấy bên ngoài thân, trong khoảnh các chất bất tịnh vây bốn mặt, thình lình lửa cháy như ngọn lửa phát ra lúc đốt nóng đồ vật, sắc nó màu trắng như bóng nắng phản chiếu lại trên các chất dơ bẩn.

Thấy việc này rồi hành giả rất hoan hỷ, do hoan hỷ nên thân tâm khinh an, nhu hòa, tâm được sáng tỏ, hỷ lạc khác thường.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Đây là pháp quán hổ thẹn tự trách thứ ba.

Tôn Giả A Nan nghe Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Tưởng này thành tựu gọi là hoàn tất pháp quán Hổ thẹn về chất nước bất tịnh thứ ba.

Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Tưởng này thành tựu rồi, lại phải dạy buộc niệm trên ngón chân cái, xem kỹ ngón chân cái tưởng nó phồng lên. Thấy nó phồng rồi lại tưởng nó bị rã nát, rồi lại tưởng máu mủ xanh, đen, đỏ, trắng. Máu mủ này rất hôi thối, khó có thể chịu được. Như vậy, dần dần tưởng đến đầu gối, đến đùi, chúng đều phình lên, rã nát chảy ra chất bất tịnh.

Quán chân trái rồi, chân phải cũng như vậy. Như vậy lần lần quán đến hông, đến lưng, đến cổ, đến đầu, đến mặt, đến ngực, các chi tiết của toàn thân đều phình trương và rã nát xanh, đỏ, đen, trắng, chất mủ chảy ra hôi hám, dơ bẩn không thể chịu được.

Tưởng một thân thành rồi phải tưởng hai thân. Tưởng hai thân thành rồi phải tưởng ba thân. Tưởng ba thân thành rồi phải tưởng bốn thân. Tưởng bốn thân thành rồi phải tưởng năm thân. Tưởng năm thân thành rồi phải tưởng mười thân. Tưởng mười thân xong rồi, thấy các người phình trướng đầy khắp một phòng.

Chúng đều bị rã nát, các chất mủ xanh, đen, đỏ, trắng đều chảy ra hôi hám, dơ bẩn, không thể chịu được. Lại phải tưởng đến một do tuần. Tưởng một do tuần rồi, tưởng cho đến một trăm do tuần. Tưởng một trăm do tuần rồi, thấy đầy khắp mặt đất và hư không ở tam thiên đại thiên Thế Giới có các thây người phình trương mục rã, các chất mủ xanh, đen, đỏ, trắng chảy ra, tràn đầy dơ bẩn, không thể chịu được.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Bấy giờ hành giả thấy việc này rồi, tự quán thân mình tràn đầy bất tịnh quán nơi thân người cũng lại như vậy, phải nghĩ rằng: Thân ta rất đáng chán, nó đầy ngập chất bất tịnh.

Quán kỹ điều đó rồi, hành giả lo sợ cái họa sinh tử, tâm trở nên kiên cố tin sâu vào nhân quả, xuất định, nhập định thường hay thấy chất bất tịnh nên chán ghét muốn xả bỏ thân này. Lúc tưởng điều ấy, tự thấy toàn thể da thịt của thân mình như lá mùa thu rơi rụng.

Hành giả thấy thịt rơi xuống đất rồi, tâm liền kinh động, sinh ra sợ hãi, thân tâm chấn động không thể tự an, nhiệt độ trong người nóng bức như người bệnh sốt, bị cơn khát hành hạ. Lúc xuất định, hành giả như người đi vào nơi đồng trống vào mùa hè, khát mà không có nước uống, thân thể rất mệt nhọc.

Tưởng này thành tựu rồi, đến lúc ăn thấy thức ăn giống như tử thi trương sình, thấy nước uống giống như máu mủ. Tưởng này thành tựu rồi thì rất nhàm chán thân, quán trong và ngoài thân không tìm được một chỗ sạch.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Lại phải dạy cho hành giả pháp quán tưởng khác, đừng vứt bỏ thân mang và phát triển sự vô sở đắc.

Pháp quán khác là phải ở bên ngoài, cách xa chỗ dơ bẩn hôi hám là một vật sạch, dạy hành giả buộc tâm tưởng một vật sạch, tâm và mắt thấy biết rõ liền muốn đến đó để mà lấy. Như vậy, dần dần chỗ thấy rộng rãi, bên ngoài các chất bất tịnh, có các đất sạch như đất bằng lưu ly. Thấy chỗ tịnh này rồi liền muốn đi đến. Chỗ thấy càng xa rộng ý không thể đạt được.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Bấy giơ phải dạy hành giả như vậy và nói: Việc mà ông thấy đều là tưởng bất tịnh. Nên biết tưởng bất tịnh là các vật uế tạp xen nhau, khởi lên từ điên đảo, đều do hành động điên đảo trong đời trước mà có thân này. Nguồn gốc của thân này là chủng tử bất tịnh.

Ông nay có thật thấy sự bất tịnh ấy không?

Tuy thấy bất tịnh, thấy trong sạch ở ngoài nhưng phải biết sự trong sạch này và sự bất tịnh không thể dừng lâu, chỉ do nương theo các căn và nhớ tưởng mà thấy như vậy. Thân bất tịnh này thuộc các nhân duyên, duyên hợp tức có, duyên lìa liền không. Việc mà ông thấy cũng thuộc duyên tưởng. Tưởng thành thì có, tưởng mất liền không.

Như tâm tưởng này từ nam tình ra nhập lại tâm ông, duyên vào các dục mà có tưởng ấy. Tưởng bất tịnh này không từ đâu đến, không đi về đâu. Ông phải quán kỹ từng thứ bất tịnh, tìm cầu cái ngã ấy hoàn toàn không thể được.

Thế Tôn nói ta va người đều là không tịch, huống chi là bất tịnh. Quở trách tâm đủ kiểu như vậy, khiến tâm quán không, thấy tóc, lông, móng, răng đều không, thình lình xả các vật bất tịnh, trụ ý như trước, quán xương người trở lại.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Ông phải nhớ lời này, đừng để quên mất pháp quán bất tịnh này và các pháp quán tưởng khác.

Tôn Giả A Nan nghe lời dạy, hoan hỷ phụng hành.

Lúc tưởng này thành tựu gọi là hoàn tất pháp quán Thân trương phình máu mủ và các pháp quán tưởng khác.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Tưởng này thành tựu rồi, kế đó phải dạy buộc niệm một chỗ, ngồi ngay thẳng chú tâm quán kỹ ngón cái chân phải, khiến da trên ngón chân lơp lớp nối nhau, da dày da mỏng rực sáng cả trong lẫn ngoài.

Có một lớp mô mỏng cũng phải quán kỹ quán sát đến hông, đến lưng, đến cổ, đến đầu, đến mặt, đến ngực, toàn thân đều như vậy. Da mỏng, da dày rực sáng trong ngoài, lớp lớp nối nhau như vật bị rạch, bị thối, da nó phình trương không thể nói hết.

Mỗi lỗ chân lông trong thân đều có trăm ngàn vô lượng các chất nước mủ dơ bẩn, giống như giọt mưa, từ lỗ chân lông chảy ra mau như mưa rào, trong ngoài đều chảy, máu mủ tràn ngập, rất là dơ bẩn không thể chịu được. Nó giống ao mủ, cũng giống ao máu trong đó đầy trùng.

Tưởng này thành tựu rồi, phải quán trong ngực và toàn thân là trùng, giống như đống trùng. Lại quán ngón chân cái phình trướng lên, mủ vỡ ra, mủ xanh, mủ vàng, mủ đỏ, mủ đen, mủ hồng, mủ xanh lục, mủ trắng chảy ra trộn với phân và nước tiểu, có các con trùng đùa giỡn trong đó, dơ bẩn hối hám không thể chịu nổi. Vì thế hành giả chán ghét thân này, không tham đắm các dục, không muốn thọ sinh.

Khi tưởng này thành tựu, thấy quỷ Dạ Xoa, thân như núi lớn, đầu tóc bù xù như rừng gai nhọn. Nó có sáu mươi mắt giống như ánh chớp, có bốn mươi miệng. Miệng có hai mươi nanh mọc ngược lên như lá phướn lửa. Lưỡi giống rưng kiếm le ra đến đầu gối. Tay nó cầm gậy sắt giống núi dao như muốn đánh người. Có nhiều con như vậy chẳng phải chỉ một con.

Lúc thấy việc này hành giả rất kinh sợ, thân tâm đều kinh động. Tướng mạo như vậy đều do đời trước hủy phạm giới cấm, làm các điều ác căn bản, vô ngã cho là ngã, vô thường cho là thường, bất tịnh cho là tịnh, phóng dật nhiễm đắm tham thọ các dục, đối với các pháp khổ lại tưởng là an lạc, đối với các pháp không lại sinh tưởng điên đảo, đối với thân bất tịnh lại cho là tịnh, sống bằng tà mạng không kể vô thường.

Tưởng này thành tựu rồi, lại phải dạy hành giả: Ông chớ kinh sợ, quỷ Dạ Xoa này là cảnh giới ác độc trong tâm ác của ông, chúng khởi lên từ sáu đại, do sáu đại tạo thành. Nay ông phải quán kỹ sáu đại.

Sáu đại là đất, nước, gió, lửa, không, thức. Ông phải tư duy kỹ từng thứ một.

Thân ông là đất chăng?

Là lửa chăng?

Là gió chăng?

Là thức chăng?

Là không chăng?

Quán kỹ từng thứ như vậy, xem thân này hình thành từ đại nào và tan rã từ đại nào.

Sáu đại không chủ, thân cũng không có bản ngã, nay ông vì sao lại sợ Dạ Xoa?

Như tâm tưởng ông không từ đâu đến, không đi về đâu, tâm tưởng thấy Dạ Xoa cũng như vậy. Vì thế, chỉ cần ngồi ổn định tâm ý.

***