Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Pháp Thiền Bí Yếu

PHẬT THUYẾT

KINH PHÁP THIỀN BÍ YẾU

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

PHẦN MƯỜI BA
 

Tam muội Không là quán tánh của sắc và tất cả pháp không có sở hữu, các cái không như vậy gọi là tam muội không.

Tam muội Vô nguyện là quán tánh Niết Bàn, vắng lặng không tướng, quán tướng sinh tử đều giống như có thật. Lúc quán điều này không muốn sinh tử, không ưa Niết Bàn, quán nguồn gốc sinh tử rỗng không, quán tánh tướng Niết Bàn cũng đồng với không, không có hòa hợp đó gọi là vô nguyện tam muội.

Tam muội Vô tác là không thấy tâm, không thấy thân, và các oai nghi có chỗ tác dụng, không thấy Niết Bàn có khởi tánh tướng, chỉ thấy diệt đế thông đạt không có sở hữu.

Bấy giờ, hành giả nghe Phật Thế Tôn thuyết tam muội không, vô tướng, vô nguyện ấy, thân tâm yên tĩnh đi vào trong ba cửa không trong khoảng thời gian giống như tráng sĩ co duỗi cánh tay, theo tiếng giảng liền được vượt khỏi chín mươi ức sinh tử, không còn kết sử thành A La Hán, không thọ thân sau, phạm hạnh đã lập, biết thật như đạo, ý giải thông suốt, không còn trở lại cảnh giới khác nữa, hết lậu hoặc tự nhiên đắc trí tuệ thông suốt. Ngũ thông còn phải nhờ tu chứng lục thông, rộng nói như trong A Tỳ Đàm.

Khi Đức Thế Tôn thuyết pháp Thánh Hiền cho Tỳ Kheo A Kỳ Đạt, khiến tâm tương ưng với không, với cảnh giới phân biệt tướng của mười nhất thiết nhập rồi, vị ấy mặc nhiên yên ổn nhập vào tam muội vô tránh, phóng các ánh sáng chiếu khắp Thế Tôn.

Bấy giờ, hai trăm năm mươi Tỳ Kheo, ở trong chúng hội tâm ý được khai mở thành A La Hán. Năm mươi Ưu Bà Tắc phá hai mươi ức kết sử thành Tu Đà Hoàn. Đại chúng Trời, Người nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ.

Lúc này, Tôn Giả A Nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Như Lai ban đầu vì Ca Hy La Nan Đà nói pháp môn Bất tịnh, vì Tỳ Kheo Thiền Nan Đề nói pháp sổ tức, vì Tỳ Kheo A Kỳ Đạt nói pháp bốn đại, các pháp môn vi diệu như vậy làm sao để thọ trì, phải dùng tên gì để chỉ dạy cho đời sau?

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Kinh này tên là Pháp Thiền Bí Yếu, cũng tên là Pháp Môn Quán Bạch Cốt, cũng tên là Cửu Tưởng Theo Thứ Lớp, cũng gọi là Pháp Quán Tạp Tưởng, cũng gọi là Phương Pháp A Na Bát Na, cũng gọi là Tưởng Bốn Quả Theo Thứ Lớp, cũng gọi là Phân Biệt Cảnh Giới, thọ trì như vậy cẩn thận chớ quên mất.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Sau khi ta diệt độ, nếu có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Thức Xoa Ma Na, Sa Di, Sa Di Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di nào muốn học pháp của ba đời Chư Phật đoạn giống sinh tử, vượt sông phiền não, làm cạn biển sinh tử, diệt hạt giống ái, dưt các sông kết sử, chán năm thứ dục lạc, ưa Niết Bàn, thì nên học pháp quán này. Công đức của pháp quán này như núi Tu Di, phát ra các ánh sáng, chiếu bốn cõi, người thực hành pháp quán này đầy đủ quả Sa Môn cũng lại như vậy.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Sau khi ta diệt độ nếu có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di nào muốn học pháp này, phải lìa bốn việc ác.

Những gì là bốn:

1. Giữ gìn giới cấm một cách thanh tịnh, không phạm các oai nghi. Đối với giới của năm chúng nếu có chỗ sai phạm phải chí tâm sám hối cho thanh tịnh, giới thanh tịnh rồi gọi là trang nghiêm phạm hạnh.

2. Xa lìa chỗ ồn ào, ở một mình nơi yên tịnh, buộc tâm một chỗ, ít muốn nói pháp, tu hành mười hai hạnh Đầu Đà một cách chín chắn, tâm không mệt mỏi chán nản, như cứu lửa cháy đầu.

3. Phải quét tháp và làm sạch nền đất, bố thí cây đánh răng và que vệ sinh và làm các việc khổ nhọc để trừ tội chướng.

4. Ngày đêm sáu thời thường ngồi không nằm, không ưa ngủ nghỉ, dựa lưng vào những vật nằm nghiêng, thích ở giữa mả, dưới cây, nơi A Lan Nhã, ăn như nai ăn, im lặng như nai.

Nếu có người nào trong bốn chúng thực hành bon pháp này nên biết người này là nhà khổ hạnh. Khổ hạnh như vậy không lâu sẽ được bốn quả Sa Môn.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Nếu có bốn chúng tu tập pháp buộc niệm cho đến quán thấy xương trắng của một phần nhỏ đầu ngón tay, ngón chân hết sức rõ ràng.

Nếu thấy một ngón một móng, hoặc thấy tất cả các xương trắng phải biết người này do tâm sắc bén sau khi chết, nhất định sinh lên Đâu Suất Đà Thiên, diệt tất cả khổ đau hoạn nạn của ba đường ác. Người này tuy chưa giải thoát nhưng không đọa ác đạo. Phải biết công đức của người này không mất và người này đã lìa được khổ nạn trong ba đường, huống gì quán đủ các bộ xương người màu trắng.

Ai thấy bo xương người này, tuy chưa giải thoát công đức vô lậu, phải biết người này đã thoát khỏi tai nạn khổ nguy hiểm ở ba đường, tám nạn. Phải biết người này đời đời sinh ra đều được thấy Phật, tương lai sẽ gặp Phật Di Lặc ở hội Long hoa, nghe pháp lần đầu tiên liền được chứng quả giải thoát.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Nếu có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di nào sống trong Phật Pháp, vì lợi dưỡng tham cầu không biết chán mà làm hành động ác bằng cách dối trá: Thật sự không tọa thiền, buông lung thân, khẩu, hành động phóng dật. Do tham lợi dưỡng, tự nói tọa thiền, Tỳ Kheo như vậy phạm tội Thâu Lan Giá.

Phạm rồi không chịu khai tội, không tự hối cải, không bao lâu, liền phạm mười ba Tăng tàn. Nếu trải qua một ngày đến hai ngày, phải biết Tỳ Kheo này là giặc trong Trời, Người, là La Sát quỷ quái chắc chắn sẽ đọa ác đạo vì phạm tội rất nặng.

Nếu Tỳ Kheo Ni chưng diện tà mị, muốn cầu lợi dưỡng như mèo rình chuột, tham cầu không chán, thật không tọa thiền, tự nói tọa thiền, buông lung thân khẩu, hành động phóng dật vì tham cầu lợi dưỡng tự nói tọa thiền. Tỳ Kheo Ni như vậy phạm Thâu Lan Giá.

Phạm rồi không chịu khai tội, không tự cải hối, không bao lâu liền phạm Tăng tàn, nếu trải qua một ngày đến hai ngày, phải biết Tỳ Kheo Ni này là giặc trong Trời, Người, là La Sát quỷ quái chắc chắn sẽ đọa vào đường ác, vì phạm tội rất nặng.

Nếu tỳ Kheo, tỳ Kheo Ni thật không thấy xương trắng, cho đến quán sổ tức, tỳ Kheo, tỳ Kheo Ni phỉnh gạt Trời, Rồng, Quỷ, Thần, lừa dối người đời. Những người ác này là dòng giống của Ba Tuần. Do vọng ngữ, tự nói tôi đắc pháp quán bất tịnh cho đến pháp đảnh. Người nói dối này sau khi chết, nhất định sẽ đọa vào địa ngục A tỳ mau hơn mưa đá.

Thọ mạng một kiếp, từ địa ngục ra, đọa trong loài ngạ quỷ, trong tám ngàn năm, nuốt hòn sắt nóng, từ ngạ quỷ ra đọa trong loài súc sanh, sống thường chở nặng, chết lại bị lột da. Trải qua năm trăm đời sinh trở lại trong loài người, mù, điếc, câm, ngọng, gù lưng, tàn phế, bị trăm thứ bệnh thường đi theo mình. Người đó phải trải qua các khổ như vậy không thể nói hết.

Nếu Ưu Bà Tắc thật không tọa thiền tự nói tọa thiền, thật không tu phạm hạnh tự nói tu phạm hạnh, Ưu Bà Tắc này mắc tội thất ý, không có việc bất tịnh nào không làm, đọa lạc vào hạng Chiên Đà La hôi thối, làm bạn với người ác, là hạt giống mục nát, không sinh ra mầm thiện.

Do tham lợi dưỡng cầu nhiều không chán, trải qua một ngày cho đến năm ngày phạm đại vọng ngữ. Người đại ác này là tay chân của Ba Tuần, là hạng Chiên Đà La, đồng loại với La Sát đồ tể, nhất định sẽ đọa vào ba đường ác. Ưu Bà Tắc này lúc sắp mạng chung mười tám địa ngục xe lửa, lò than do các việc ác biến hóa ra nhất thời nghinh đón người ấy. Người ấy nhất định sẽ đọa vào ba nẻo ác không còn nghi ngờ.

Nếu Ưu Bà Tắc thật không được pháp quán bất tịnh, cho đến pháp noãn, lại khởi tăng thượng mạn ở trong đại chúng nói rằng ta đã đắc pháp quán bất tịnh cho đến Noãn pháp, phải biết Ưu Bà Tắc này là giặc trong Trời người, phỉnh gạt Thiên Long bát bộ trong thế gian.

Ưu Bà Tắc này sau khi chết sẽ đọa vào địa ngục A tỳ mau hơn mưa đá, mãn một đại kiếp, hết tuổi thọ ở địa ngục sẽ sinh trong loài ngạ quỷ, trải qua tám ngàn năm, nuốt hòn sắt nóng, từ ngạ quỷ ra đọa trong loài súc sanh, sống thường chở nặng, chết lại bị lột da, trải qua năm trăm thân, sinh lại trong loài người, điếc, mù, câm, ngọng, ốm gầy, trăm thứ bệnh già yếu thường đi theo mình, trải qua kho như vậy, không thể nói hết.

Nếu Ưu Bà Di bày điều khác lạ để mê hoặc mọi người, thật không tọa thiền tự nói tọa thiền, Ưu Bà Di này mắc tội thất ý, không có việc bất tịnh nào không làm, đọa lạc trong hạng Chiên Đà La hôi thối, làm bạn với người ác, là quyến thuộc của ma, nhất định sẽ đọa trong ba đường ác.

Ưu Bà Di này mắc tội rồi không chịu bày tỏ, không chịu hối cải, trải qua một ngày cho đến năm ngày tham cầu không biết chán. Thật chẳng phạm hạnh, tự nói là phạm hạnh, thật chẳng tọa thiền tự nói tọa thiền. Người đại ác này nhất định sẽ bị đọa trong ba đường ác, theo nghiệp thọ sinh.

Nếu Ưu Bà Di thật chẳng được pháp quán bất tịnh, cho đến noãn pháp, lại ở giữa đại chúng khởi tăng thượng mạn, nói lời như vậy: Tự nói ta đã đắc pháp quán Bất tịnh cho đến Noãn pháp, Ưu Bà Di này là giặc trong Trời người, sau khi chết nhất định sẽ bị đọa vào địa ngục A tỳ mau hơn mưa đá.

Mãn một đại kiếp, thọ mạng ở địa ngục hết, sinh trong loài ngạ quỷ, trải qua tám ngàn năm, nuốt hòn sắt nóng, từ ngạ quỷ ra, đọa trong súc sanh, sống thường chở nặng, chết lại bị lột da, trải qua năm trăm đời, sinh trở lại trong loài người, đui, điếc, câm, ngọng, già yếu tàn tật trăm thứ bệnh theo bên mình, trải qua các khổ như vậy, không thể nói hết.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Nếu có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di nào buộc niệm trụ ý, tâm thường tán loạn, ngồi ngay ngắn, giữ chánh định, trụ ý một chỗ, đóng kín các căn. Người này do định lực của tâm niệm an trụ, nên không còn lệ thuộc vào ngoại cảnh, xả thân sang đời sau sinh len Trời Đâu Suất gặp Di Lặc, câu hội với Di Lặc. Lúc hạ sinh xuống Diêm Phù Đề ở hội Long Hoa thứ nhất, nghe pháp lần đầu liền ngộ đạo giải thoát.

Lại nữa, này A Nan! Sau khi Phật diệt độ, trong đời ác trược nếu có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di nào thật tu phạm hạnh, hành mười hai hạnh Đầu Đà trang nghiêm thân tâm, thực hành pháp niệm định, tu pháp quán bạch cốt, quán bất tịnh, nhập cảnh giới sâu xa, mắt tâm sáng nhạy, thông đạt Pháp Thiền, bốn chúng như vậy làm tăng trưởng Phật Pháp, làm chánh pháp không bị hoại diệt.

Hành giả phải giữ kín thân, khẩu, ý giống như có người ngộ bệnh thân tâm, lương y cho toa phải uống đề hồ. Bấy giờ người bệnh liền đến Nhà Vua xin đề hồ. Vua thương xót lấy đề hồ đem cho người ấy, nhân đó mới chỉ cho người bệnh cách uống đề hồ, phải ở phòng kín nơi không có gió, bụi mà uống nó, uống rồi ngậm miệng ổn định khí tứ đại khiến cho được điều độ.

Nếu có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni nào uống thuốc cam lồ quán đảnh này, chỉ trừ bậc thầy giáo thọ biết pháp, không được tùy tiện nói với người khác về việc ấy. Nếu nói với người khác, liền mất cảnh giới ấy, lại phạm mười ba Tăng tàn.

Nếu các bạch y muốn hành thiền định đắc năm thần thông còn không nên nói với những người khác rằng tôi đắc tất cả những bí Pháp thần thông, chú thuật của tiên, huống gì là người xuất gia thọ giới cụ túc, nếu đắc Bất tịnh quán cho đến Noãn pháp, không được tùy tiện nói việc ấy với người khác, nếu nói với người khác liền mất cảnh giới khiến nhiều chúng sinh sinh tâm nghi hoặc đối với Phật Pháp.

Cho nên ta nay ở trong chúng này dạy các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni nếu đắc pháp quán Bất tịnh cho đến Noãn pháp pghải kín đáo tu hành, khiến tâm sáng suốt, chỉ nói với người trí hoặc bậc thầy giáo thọ, không được truyền rộng nói với người khác. Nếu nói với người khác vì lợi dưỡng ngay lúc đó liền phạm mười ba Tăng tàn. Phạm tội rồi không sám hối, tâm không tàm quý, cũng phạm trọng tội như đã nói ở trên.

Lại nữa, A Nan! Sau khi Phật diệt độ, hiện tiền không Phật, bốn đệ tử ai cầu giải thoát đắc pháp quán bất tịnh, phải giấu kín đáo đừng cho người khác biết. Ví như có người bần cùng, cô độc sinh vào đời ác trược, phụ thuộc vào Nhà Vua vô đạo.

Người ban cùng kia đào đất để tìm nước, do nhân duyên đời trước, chợt gặp kho tàng giấu kín, lấy nhiều trân bảo, vì sợ Vua ác, người đó giấu của báu này, không cho người khác biết, chỉ ở chỗ kín lấy trân bảo này cung cấp cho vơ con, âm thầm hưởng khoái lạc.

Sau khi Phật diệt độ, bốn đệ tử được vui thiền định, cũng lại như vậy phải giấu kín nó không được rộng nói, nếu ai rộng nói sẽ phạm trọng tội.

Lại nữa, này A Nan! Ví như trưởng giả chỉ có một người con, nó bị bệnh rất nặng: Tóc, lông mày rụng sạch.

Khi ấy trưởng giả tự nghĩ: Ta nay kém phước chỉ có một đứa con bị bệnh nặng phải tìm lương y ở đâu?

Nghĩ rồi, trưởng giả bỏ ra nhiều tiền của tìm kiếm lương y. Do phước đời trước trưởng giả gặp được một thầy thuốc biết nhiều toa thuốc.

Trưởng giả thưa: Cúi xin Đại Sư hãy khởi đại từ bi, tôi có một đứa con gặp tai hoạn đã lâu, cúi xin Đại Sư trị bệnh này cho hết hẳn. Nay trong nhà tôi có nhiều tài sản của báu giống như Tỳ Sa Môn Thiên vương ở phương Bắc, nếu đứa con bớt bệnh, trừ thân tôi ra, tất cả đều xin dâng cho thầy không dám trái nghịch.

***