Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Pháp Thiền Bí Yếu

PHẬT THUYẾT

KINH PHÁP THIỀN BÍ YẾU

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

PHẦN MƯỜI
 

Khi quán tưởng ấy, chợt thấy trong thân, chỗ quả tim có lửa dữ thiêu trên ao trước mặt, tất cả hoa sen và các ngạ quỷ với những hình dạng xấu xí và nước ao đều bị đốt hết.

Rõ về việc này rồi, lại phải dạy quán kỹ thân mình hoàn toàn đầy đủ như trước, thân thể bình phục.

Lại quán sát tất cả các lỗ chân lông trên thân, vận dụng tâm từ biến máu thành sữa từ lỗ chân lông chảy ra trên đất như cái ao đầy ngập cả sữa.

Lại thấy nhiều ngạ quỷ đến trên ao này nhưng vì tội đời trước nên không uống được.

Bấy giờ, với tâm từ hành giả coi quỷ như con, muốn cho chúng uống sữa. Do tội của quỷ biến sữa thành mủ. Ngay lúc ấy hành giả lại khởi tâm từ.

Do tâm từ, từ trong các lỗ chân lông trên thân, tổng số sữa đó chảy ra nhiều hơn trước gấp bội.

Hành giả nghĩ: Các ngạ quỷ này bị đói khổ hành hạ sao lại không uống.

Bấy giờ, có ngạ quỷ hình thù cao lớn đến mười do tuần, cất chân dặm chân, tiếng chân như tiếng năm trăm cỗ xe, đến trước hành giả than rằng: Đói, đói.

Hành giả liền dùng tâm từ bố thí sữa cho ngạ quỷ uống. Lúc uống vào miệng sữa biến thành mủ. Tuy là mủ nhưng nhờ tâm từ của hành giả, ngạ quỷ liền được no đủ.

Thấy quỷ no rồi, hành giả lại tự quán thân, liền tự thấy thân, dưới chân phát lửa thiêu đốt các chúng sinh nói trước đây và các cây cháy sạch.

Khi ấy, nếu thấy nhiều loại khác, phải trở lại buộc niệm quán kỹ thân mình, khiến tâm không động yên tịnh không có niệm khởi. Đã không có niệm tưởng, hành giả phải phát thệ nguyện, nguyện sau này không còn tái sinh, không thích thân sau, không ưa thế gian.

Thệ nguyện rồi, bỗng thấy đất trước mặt giống như lưu ly, thấy dưới lưu ly có nước màu hoàng kim. Hành giả tự thấy thân mình y như là đất lưu ly và cùng màu với nước. Nước ấy ấm áp, trong nước sinh cây như cây bảy báu, cành lá sum suê. Trên cây có bốn quả, tiếng của quả ấy phát ra như tiếng linh, diễn thuyết khổ, không, vô thường, vô ngã.

Nghe âm thanh ấy rồi, hành giả tự thấy thân mình chìm ở trong nước, qua đến chỗ cây, hành giả tự quán kỹ thân mình, thấy nước từ trên đỉnh chảy ra đầy tràn ao lưu ly.

Trong chốc lát lại có lửa bùng lên, trong lửa sinh gió giống như lưu ly. Lại thấy trên đỉnh, từ đỉnh đến chân trở nên chắc chắn giống như kim cương. Lại có lửa phát ra thiêu sạch kim cương, nước ấm khô cạn hết.

Hành giả lại tự quán thân, trước khi có thịt trong thân, chợt thấy trong ao có cành cây lá đầy đủ, ngọn cây có trái. Trái ấy có âm thanh như tiếng linh, diễn thuyết các pháp khổ, không, vô thường, vô ngã, thanh tịnh. Trái cây kỳ diệu như vậy, có âm thanh hay, hương vị đầy đủ nay tôi phải ăn.

Tưởng điều ấy xong, hành giả liền ngước lên níu cây, hái trái cây ăn, vừa ăn xong một trái hành giả cảm thấy vị nó ngon ngọt không gì sánh được.

Đã ăn trái cây rồi, hành giả thấy cây khô kiệt, ba trái còn lại vẫn có ánh sáng. Sau khi ăn trái cây, thân tâm điềm đạm, không có tưởng buồn vui. Hành giả tự quán tâm thức là pháp hư hoại có từ các khổ. Thức là nhân duyên là nguồn gốc các khổ.

Nay quán thức này như bọt trên nước không có tạm dừng, bốn đại không chủ, thân không có ngã, thức không chỗ dựa. Hành giả quán kỹ các pháp như vậy bốn mươi chín lần, quán kỹ tâm thức là pháp bại hoại.

Bấy giờ, hành giả tự thấy thân mình trắng như ngọc kha, như tuyết, do từng đốt xương chống đỡ nhau.

Lại phải dạy hành giả dùng tay phải xoa bóp thân này, thấy thân như bụi, xương vụn như phấn, như đất, như bụi phấn.

Lại phải dạy quán thân như hơi, có từ hơi thở, thân như túi khí không có tạm dừng.

Lại phải dạy tự quán lại thân, làm một bộ xương người như trước.

Thấy xương người rồi, tự quán thân mình, phân tán như trước giống như bụi bặm, như người dùng phấn để thoa trên đất.

Bỗng thấy trên đất có xương người màu xanh, hành giả lại quán như trước, đem bụi xương người này thoa trên đất.

Lại quán thân như bụi màu xanh, bụi biến thành xương người, xương ấy biến thành màu đen, lại phải dùng bột thoa trên đất như trước.

Lại tự quán thân giống như đất đen, thấy trong đất đen có bốn con rắn đen, mắt đỏ như lửa. Rắn đến áp bức thân phun độc muốn hại nhưng không thể hại được, lại biến thành lửa tự thiêu thân mình.

Bấy giờ, trên không trung có âm thanh tự nhiên, thường thuyết các pháp khổ, không, vô thường, vô ngã. Lúc thấy việc này, tám mươi đầu của mỗi con rắn độc đều lửa đốt, trên không trung tự nhiên có nước rưới lên thân rắn độc làm lửa tắt hết, tất cả tám mươi tám đầu đều tiêu tan. Lúc xuất định hành giả cảm thấy thân an lạc, lặng lẽ không có niệm khởi.

Lại phải tự quán thân mình không có tướng cao lớn, bỗng quán thấy thân tự nhiên cao lớn, sáng rực xinh đẹp như núi bảy báu. Hành giả tự thấy thân mình như hạt châu ma ni. Bấy giờ hành giả lại phải quán pháp không như trên.

Luc quán pháp không, hành giả tự thấy thân mình vui vẻ, nhu nhuyến, khoái lạc không gì bằng.

Từ trên hoa sen phía trước, ánh sáng màu bảy báu nhập vào tim mình, ở trong hạt châu ma ni, đầy đủ mười luồn có bảy màu. Bấy giơ trên đảnh có ánh sáng tự nhiên, giống như đám mây sắc vàng, cũng như cái lọng báu có màu giống bạc từ trên đảnh vào, che phía trên ánh sáng của hạt châu ma ni. Xuất định nhập định thường thấy việc này. Thấy việc này rồi tự nhiên hành giả thấy không còn sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, uống rượu.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Sau khi Phật diệt độ, bốn bộ đệ tử Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di nào làm pháp quán này gọi là chánh quán thứ hai mươi sáu, cũng gọi là đắc đạo Tu Đà Hoàn. Nếu được pháp quán này, phải xét kỹ sự thật, khien thân tự nhiên lìa năm điều ác, hợp với Kinh Điển, không trái giới luật, thân theo luật, đây gọi là tướng của Tu Đà Hoàn.

Bấy giờ, Tôn Giả A Nan nghe Phật dạy hoan hỷ phụng hành.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Nếu có hành giả đắc pháp quán này phải nên che giấu kỹ, chớ tuyên truyền lung tung, cần phải nhất tâm siêng năng tinh tấn.

Siêng năng tinh tấn rồi, lại phải quán kỹ địa đại. Pháp quán địa đại cũng như nói ở trên. Quán địa đại roi, lại dạy quán thủy đại.

Quán thủy đại là tự quán thân mình, quán các chất nước trong thân, thân như lưu ly kiên cường khó hư hoại.

Nếu thấy thân mình đều là nước phải dạy đổi pháp quán, nếu lại thấy thân thành lưu ly hết cũng dạy đổi pháp quán, quán đại địa trở thành lưu ly còn thân giống như làn khí nhẹ, thấy nước từ trong mắt hiện ra. Nếu thấy việc này gọi là quán bốn đại vi tế.

Lại phải dạy hành giả khiến từ đầu trở xuống đầy cả nước, thấy nước chảy ra từ trong mắt và không rơi xuống đất. Hành giả tự thấy mắt mình như bọt nổi trên mặt nước, và ở trong đó cũng đầy cả nước.

Nếu thấy việc thế này, nước trên đầu không ấm, không lạnh, điều hòa ổn định. Nếu nước ấm là quán sai lầm. Màu nước trong vắt không ấm, không mát.

Kế đó, lại quán nước từ hông trở lên, không ấm, không lạnh, lại quán yết hầu như ống lưu ly, nước nhập vào trong ngực, rồi xuống đến bụng và cho đến đầu gối đừng cho vào cánh tay, khiến nước trong suốt như pha lê. Nếu cảm thấy nước ấm đó là quán đúng.

Tưởng này thành rồi, lại dạy cho thông suốt các đốt xương của tứ chi, nước đầy trong đó như bình lưu ly đựng nước. Dần dần rộng lớn thấy đầy một giường, người ngoài cũng thấy, nếu thấy nước này trong và lạnh đó là nước chân thật. Nếu thấy tướng khác không gọi là chân thật.

Hành giả nhập vào thủy quán tam muội, dần dần rộng lớn đầy trong một phòng, nước đều trong suốt như khí lưu ly, dần dần rộng lớn, biến khắp tam thiên đại thiênn Thế Giới.

Thấy việc ấy rồi, phải ở chỗ yên tĩnh, nhất tâm ngồi ngay ngắn, khiến cho tất cả bạn đồng tu đều thanh tịnh không cho náo loạn. Bấy giờ lại có lửa đỏ rực ở trên nước. Hành giả phải suy nghĩ nước này từ đâu sinh ra và làm sao để hết.

Nếu nói ta là nước, thân ta vô ngã, trước đã quán vô ngã, nay từ trong pháp không, nước từ đâu phát ra. Lúc nghĩ điều này, tánh nước như khí, mất dần mất dần từ trên đỉnh xuống, nước từ từ cạn hết, chỉ còn lại da của thân. Hành giả tự thấy thân mình hết sức mỏng, không gì sánh được, nó như bó cỏ vi trần.

Lại thấy trong thân bỗng nhiên có lửa thiêu thân cháy hết. Hành giả quán thân không có ngã sở, vĩnh viễn không có ngã, ta và chúng sinh tất cả đều không. Khi ấy tâm ý hành giả lặng yên rất là vi tế không thể ví dụ được.

Lúc tưởng này thành tựu gọi là quán vô ngã chân thật thứ hai mươi bảy, cũng gọi là tưởng diệt thủy đại, cũng gõi là Tu Đà Hoàn hướng, các pháp giới Hiền Thánh vi tế khác cũng không vi diệu bằng, không thể nói hết.

Lúc hành giả ngồi, tu các tam muội, lúc được tam muội vô ngã sẽ tự nhiên thấy Phật.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Ông khéo thọ trì cảnh giới thủy đại vi diệu chân thật này giảng rộng cho tất cả chúng sinh đời vị lai.

Bấy giờ, Tôn Giả A Nan nghe Phật dạy hoan hỷ phụng hành.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Đắc pháp quán này rồi lại dạy pháp quán thủy đại. Pháp quán thủy đại này hết sức vi tế khiến cho thủy đại hợp với hỏa đại, thấy thân như hơi, như bóng lưu ly. Hành giả quán bốn bên của rốn đều có lửa nổi dậy và thấy ánh lửa giống như ánh sáng mặt trời. Nếu thấy trên rốn có ánh lửa nổi dậy, hoặc có lửa từ mũi ra, hoặc có lửa từ miệng ra, hoặc từ tai, từ mắt ra một tùy ý.

Nếu thấy việc này thấy tất cả lửa phát ra từ lỗ chân lông. Sau khi lửa phát có nước màu xanh lục nối theo sau lửa. Hành giả tự thấy trong thân nước lên, lửa xuống, lửa lên, nước xuống, quán thân không có thân.

Lúc tưởng ấy thành tựu, hành giả thấy lửa, nước trong thân không ấm, không lạnh, thân tâm yên lặng, an trụ không chướng ngại. Đây gọi là quả Tư Đà Hàm cũng gọi là cảnh giới thật tướng. Lúc thấy việc này xuất định, nhập định hành giả thường không thấy thân. Lúc nhập định, người ngoài cũng thấy nước lửa từ chân lông ra, từ chân lông vào.

Người nhiều tham dâm thấy lửa vào từ trên đỉnh và ra từ thân căn sau đó mới đầy khắp thân thể và thấy nước cũng như vậy. Lại phải tự quán lửa trên đầu như cái lọng bằng đám mây sắc vàng Diêm phù đàn na, hoặc thấy dưới thân như hoa bảy báu, trong tâm yên lặng, an ổn, khoái lạc, các việc vui ở thế gian không thể sinh được.

Khi xuất định, thân cũng an lạc, khiến chúng sinh bên ngoài thấy sắc vàng ánh sáng vàng của thiền định tam muội yên ổn, Chư Thiên, Đế Thích cung kính lễ bái va nói: Đại đức, nay đã hết khổ, nhất định sẽ chứng quả Tư Đà Hàm.

Nghe rồi hành giả hoan hỷ tu thân, thiền định, tâm không bị ràng buộc chướng ngại, an ổn khoái lạc, vui chơi trong vô ngã tam muội, dần dần nhập vào môn tam muội không. Các tam muội vô nguyện, vô tác đều có trong hiện tại. Cảnh giới vi diệu thù thắng như vậy lúc tọa thiền, ở trong thiền định hành giả tự nhiên phân biệt được.

Nếu là người độn căn, Đại Sư Thế Tôn hiện ra trước mặt thuyết pháp cho. Nhờ thấy Phật, nghe pháp được hoan hỷ. Ngay lúc đó hành giả liền đắc đạo Tư Đà Hàm. Hành giả lại phải chí tâm quán lại pháp trước, trải qua hai mươi lăm lần sáng suốt nhạy bén.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Ông khéo thọ trì pháp quán thủy đại thứ hai mươi chín này, cẩn thận đừng để quên mất. Người đắc pháp này cũng gọi là Tư Đà Hàm, cũng gọi là khéo qua lại. Do duyên nghiệp thiện căn đời trước, gặp được pháp hành thanh tịnh của thiện tri thức, ông sẽ đắc đạo Tư Đà Hàm này.

Bấy giờ nghe Phật nói, Tôn Giả A Nan hoan hỷ phụng hành.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Nếu có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di nếu đắc được pháp quán thủy đại vi diệu này rồi lại phải dạy pháp quán hỏa đại đặc biệt tối thắng, vi diệu an ổn.

Lúc thực hiện pháp quán ấy, hành giả tự thấy ánh sáng lửa vi diệu ở trong rốn, cái bệ của nó như hoa sen. Màu của nó như hoa hòa hợp ngàn vạn ức vàng Diêm Phù Đàn Na.

Thấy việc này rồi, lại phải dạy quán lửa trong thân. Khi quán lửa trong thân, hành giả thường tự thấy lửa trong tim có ánh sáng hơn cả trăm ngàn vạn ức hạt minh nguyệt thần châu. Ánh sáng của tâm thanh tịnh cũng lại như vậy.

Xuất định nhập định hành giả như người cầm hạt châu sáng đi đường sợ người thấy nhưng thật ra chỉ ở trong tâm tự biết rõ như vậy, người khác không thấy. Dần dần rất sáng, thấy thân giống như gương sáng bằng pha lê, thấy tâm cũng sáng rực như viên ngọc thần châu minh nguyệt. Hành giả sợ người khác thấy thật ra người khác không thấy việc ấy.

Lúc nhập định do tâm sáng hành giả thấy tướng thô của tam thiên đại thiênn Thế Giới, thấy núi Tu Di của cõi Diêm Phù Đề và nước biển lớn đều rõ ràng. Lại thấy hạt châu ma ni vương trong biển lớn, hạt châu ma ni ấy phát ra các ngọn lửa.

Thấy việc này rồi, khi ấy Phật giang rộng chín loại định theo thứ lớp cho hành giả.

Chín loại định theo thứ lớp đó là: Chín vô ngại, tám giải thoát. Các pháp quán như vậy không phải đã thọ nhận trước mà do Phật hiện trước mặt và tự thuyết cho hành giả nghe.

Người lợi căn nghe Phật thuyết pháp trong chín đạo vô ngại, ngay lúc đó liền đắc đạo A La Hán, vượt hẳn quả vị A Na Hàm, giống như da trắng dễ nhuộm màu.

Nếu là người độn căn, lại phải dạy pháp quán phong đại. Pháp quán phong đại là thấy tất cả gió hết sức vi tế. Vật vi tế ở trong vi tế có thể dùng mắt tâm thấy mà không hề nói đủ. Gió lại xen lẫn với lửa, lửa lại xen lẫn với gió, nước vào trong lửa, gió vào trong nước, lửa vào trong gió, gió, lửa, nước đều theo lỗ chân lông tự tại như ý.

Hoặc lại có gió đầy đủ mười màu, như ánh sáng mười báu, từ lỗ chân lông phát ra, vào từ trong đảnh, phát ra từ trong rốn, vào từ dưới chân, phát ra trong tất cả thân phần, vào từ giữa chân mày, ra từ giữa chân mày, vào từ tất cả bộ phận của thân.

Vô lượng cảnh giới đủ loại như vậy, ánh sáng của Thánh Hiền, hạt giống như Thánh Hiền, các pháp Thánh Hiền đều khởi ra từ phong đại và nhập vào từ trong phong đại này.

Pháp quán phong đại này đầy đủ tướng mạo của cảnh giới vi diệu, chỉ có A La Hán mới có thể phân biệt rộng rãi không thể nói hết, lúc hành giả ngồi sẽ tự nhiên thấy. Nếu thấy việc này, hành giả trừ bỏ bớt các phiền não thành A Na Hàm. Pháp quán phong đại này gọi là tướng cảnh giới tương ưng với A Na Hàm thứ ba mươi.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Ông khéo thọ trì pháp quán cảnh giới phong đại tối thắng tương ưng với A Na Hàm này, cẩn thận dừng để quên mất.

Bấy giờ, Tôn Giả A Nan nghe lời Phật nói hoan hỷ phụng hành.

Tôi nghe như vậy: Một thời Đức Phật ở tại khu Lâm Viên, vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, cùng với một ngàn hai trăm năm mươi Tỳ Kheo, khi ấy Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp có một đệ từ là con một nhà tu khổ hạnh phái Ni Kiền Tử ở thành Vương Xá tên là A Kỳ Đạt Đa.

Cầu Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp xuất gia học đạo, tu hành khổ hạnh, giữ đủ mười hai hạnh Đầu Đà, trải qua năm năm đắc quả A Na Hàm nhưng không thể vượt lên thành A La Hán, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đến gặp Tôn Giả Ca Diếp, chỉnh y phục, chắp tay đảnh lễ Ma Ha Ca Diếp.

Bạch rằng: Thưa Hòa Thượng, con theo Hòa Thượng tu hành tinh tấn như cứu lửa cháy đầu, đã năm năm rồi, nay bị dừng lại ở quả A Na Hàm, thân tâm mệt mỏi không the tiến lên vô thượng giải thoát, cúi xin Hòa Thượng dạy cho con cách tu nhanh.

***