Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Pháp Thiền Bí Yếu

PHẬT THUYẾT

KINH PHÁP THIỀN BÍ YẾU

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

PHẦN MƯỜI MỘT
 

Bấy giờ, Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp liền nhập tam muội, quán tâm Tỳ Kheo, biết Tỳ Kheo chưa dứt sạch các lậu, hoặc, từ đây mạng sẽ sinh lên Cõi Trời A Na Hàm.

Xuất khỏi tam muội, Tôn Giả Ca Diếp dạy: Pháp Tử! Nay thân tâm ta tất cả đều tự tại, ta nhập vào tam muội tự tại, quán nghiệp báo đời trước của ông, thấy ông không có duyên thành đạo A La Hán ngay nơi thân mày.

A Kỳ Đạt nghe lời ấy rồi, buồn rầu khóc như mưa, bạch: Thưa Hòa thượng! Ngày nay con không muốn sinh Thiên, như người bệnh nặng cầu sức vô thường, con sợ sinh tử cũng lại như vậy.

Tôn Giả Ca Diếp bảo: Pháp Tử! Lành thay! Lành thay! thiện nam Tử! Phàm sự ác độc của sinh tử, giống như lửa dữ, thiêu cháy tất cả, rất là đáng chán, ta quán căn cơ của con không được thấu suốt. Nay có Thế Tôn và các Tỳ Kheo ở rừng Kỳ Đà, ta và con cùng đến gặp Phật.

Lúc này, vị Tỳ Kheo đó đắp y mang bát, theo Ca Diếp đến rừng Kỳ Đà gặp Đức Phật. Thấy Đức Phật thân như núi vàng ở giữa đại chúng, oai đức tự tại, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp đều đầy đủ.

Hai vị lễ Phật, nhiễu quanh Phật bảy vòng, lui ra đứng một phía, rồi quỳ xuống chắp tay bạch: Bạch Thế Tôn! Đệ tử của con là A Kỳ Đạt Đa, theo con tu mười hai hạnh Đầu Đà, trụ trong thiền định sâu xa, đến quả A Na Hàm thì không thể tăng tiến, làm cạn biển phiền não. Cúi xin Đức Thiên Tôn dạy môn giải thoát trong sạch, cam lồ quán đảnh sâu xa cho con.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Tỳ Kheo A Kỳ Đạt: Lành thay, lành thay! A Kỳ Đạt Đa! Ông muốn hỏi việc này, ta sẽ phân biệt, nêu rõ sự giải thoát cho ông, ông hãy lắng nghe và ghi nhớ kỹ. Vô số đời quá khứ có Phật tên là Đại Quang Minh gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Vị Phật ấy ra đời thị hiện ba cách giáo hóa chúng sinh, độ người rộng khắp. Trong đời Tượng Pháp có một nước tên là Ba La Nại, Nhà Vua tên là Phạm Ma Đạt Đa. Vua có một Thái Tử tên là Nhẫn Nhục Khải, phát tâm cầu đạo quả A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề sâu xa, một cách chắc chắc để mong đạt Nhất thiết chủng trí, tự thề không sát sinh, tu mười nghiệp lành, không có tâm chán ghét đối với sáu Ba la mật.

Bấy giờ, trong nước ấy có một trưởng giả tên là Nhật Nguyệt Âm có nhiều quyền lực. Ông ta chỉ có một con, đứa con bỗng gặp phải bệnh nóng, phong đại vào tim làm cuồng loạn mất trí, tay cầm gươm bén chạy vào làng giết hại chúng sinh.

Lúc ấy, do thương xót con, trưởng giả kia nâng lò hương trong tay, đến bên ngoài bốn cửa thành, đốt hương, rải hoa phát đại thệ nguyện, nói: Thế gian nếu có Thần Tiên, Thánh Nhân, y sư, chú thuật sư, người nào có thể cứu con tôi, tôi sẽ đem tất cả của cải dâng cho.

Khi ấy, Thái Tử ra khỏi thành dạo chơi, thấy đại trưởng giả tu tâm từ cầu nguyện cho con ben sinh tâm hoan hỷ, nói: Đại trưởng giả này siêng tu tâm từ khắp vì tất cả mà con của ông ấy lại mắc bệnh nặng, xin chư Thần Tiên đều phát khởi từ bi đến xứ này cứu con ông trưởng giả.

Thái Tử nói xong liền có một bậc Đại Tiên tên là Quang Vị, từ núi Tuyết bay đến gặp trưởng giả, bảo trưởng giả: Tai nạn của con ông do bệnh nóng phát ra, do bệnh nóng sinh sân hận dữ dội, tim mạch đều mở, phong đại vào tim cho nên phát cuồng.

Bệnh như vậy theo kinh sách Tiên dạy: Người mà phong đại biến động, cần phải dùng tim và máu của người thiện nam không có sân nhuế thoa vào thân, phải dùng tủy của thiện nam ăn như đậu nành mới có thể trừ khỏi.

Lúc này, trưởng giả nghe Tiên Nhân dạy, liền đảnh lễ Thái Tử ngay giữa đường mà thưa: Bậc Đại Tiên của Trời đất nói: Tai nạn của con tôi phải dùng máu của xương tủy của người có tâm từ, không sân nhuế mới có thể khỏi bệnh. Nay tôi muốn tự đâm thân mình chảy máu cho con ăn, chẻ xương lấy tủy cho nó uống, xin Thái Tử chấp nhận cho việc này.

Thái Tử bảo: Trưởng giả! Tôi nghe Phật dạy nếu có chúng sinh nào làm cha mẹ khổ não sẽ bị đọa vào địa ngục lớn không có lúc ra. Vì sao trưởng giả lại tự hại thân mình. Muốn cho đứa con hết bệnh, trưởng giả phải chờ đợi chốc lát, tôi sẽ làm phương tiện lớn cho trưởng giả.

Trưởng giả nghe Thái Tử dạy tâm rất hoan hỷ, lễ Thái Tử rồi trở về nhà, tìm cách khiêng con đem đến cho Thái Tử. Thái Tử gặp rồi dùng đề hồ tưới lên anh ta.

Khi ấy, Tiên Nhân bảo Thái Tử: Giả sử dùng thuốc cây rưới lên cho người nam này trải qua chín mươi chín ngày cũng không thể hết bệnh, phải có máu của người có tâm từ không sân hận.

Khi ấy, Thái Tử tự tư duy: Trừ thân ta, những chúng sinh khác đều nổi sân. Nay ta làm việc cứu các bệnh khổ giúp đỡ thân sinh tử để cầu Phật Đạo. Ở trong đời vị lai nếu được thành Phật, ta sẽ thí pháp thân thường mạng này.

Thệ điều ấy rồi, Thái Tử liền đâm thân lấy máu thoa lên người con ông đại trưởng giả kia, bổ xương lấy tủy cho anh ta uống. Sau khi uống, con trưởng giả liền khỏi bệnh. Do xương bị chặt, Thái Tử mê man, ngã lăn trên đất.

Lúc này Trời đất chấn động sáu cách, Thích, Phạm, Hộ Thế, vô số Chư Thiên đều cùng nhau bay xuống chỗ Thái Tử, bảo: Nay Ngài dùng thân cứu bệnh cho chúng sinh muốn cầu việc gì?

Muốn cầu Đế Thích, Ma Vương, Phạm Thiên hay Chuyển Luân Thánh Vương.

Trong Ba Cõi muốn cầu đạt gì?

Thái Tử bạch với Đế Thích: Nay điều tôi cầu không phải là sự hào quý tôn vinh trong ba cõi. Điều tôi cầu là nguyện thành tựu đạo quả Bồ Đề Vô Thượng.

Bấy giờ, Đế Thích nghe điều này mới bảo Thái Tử: Nay ông đâm thân, chẻ xương, lấy tủy, thân thể run rẩy, có hối hận không?

Thái Tử liền đứng dậy thệ: Từ lúc mới chích thân cho tới giờ, nếu tôi không có một chút hối hận nào bằng cọng lông sợi tóc thì khiến cho thân thể tôi bình phục như xưa.

Thệ điều ấy rồi, thân thể Thái Tử bình phục như xưa không khác.

Bấy giờ, Đế Thích thấy việc ấy, bèn bạch Thái Tử: Uy đức Thái Tử, đặc biệt kỳ lạ không thể sánh được. Ông có ý chí rất mạnh mẽ, chắc chắn sẽ được thành Phật. Lúc Thái Tử thành Phật xin độ tôi trước.

Đế Thích thề như thế xong, Thái Tử mặc nhiên nói kệ:

Nguyện lúc tôi thành Phật

Rộng độ khắp người Trời

Thân tâm không ngăn ngại

Thương yêu khắp tất cả,

Cũng độ cho các ông

Khiến các loại chúng sinh

Đều trụ Đại Niết Bàn

Vĩnh viễn thọ diệu lạc.

Thái Tử nói kệ rồi, Chư Thiên mưa hoa cúng dường, lại mưa vô lượng trăm ngàn trân bảo chất đầy bức vách của cung điện. Được trân bảo rồi Thái Tử đem bố thí, bố thí không dứt, tu đầy đủ các pháp Ba la mật được thành Phật.

Phật bảo Ca Diếp: Vua nước Ba La Nại khi ấy, nay chính là Phụ Vương Duyệt Đầu Đàn, trưởng giả Nguyệt Âm lúc ấy chính là Ma Ha Ca Diếp, con ông trưởng giả khi ấy chính là Tỳ Kheo A Kỳ Đạt, Thái Tử Nhẫn Nhục Khải lúc đó nay chính là Phật Thích Ca Mâu Ni. Đế Thích lúc ấy nay chính là Tôn Giả Xá Lợi Phất.

Phật bảo Tôn Giả Ca Diếp: Tỳ Kheo A Kỳ Đạt trong quá khứ do bị loạn động về phong đại, bị phát cuồng mà không biết, nên nay nhập định về bốn đại, ở trong định về gió, tâm nghi ngờ không hành được. Giả sử người này nhập vào định phong đại quán bốn đại, đầu sẽ bể thành bảy mảnh, tim bị vỡ mà chết. Phải dạy người này tu tâm từ.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn dạy Tỳ Kheo A Kỳ Đạt: Ông nay phải quán tất cả chúng sinh đều bị năm khổ bức bách, ông nên sinh tâm Từ lớn, muốn thoát khỏi các khổ, quán sắc, thọ tưởng, hành, thức đều khổ, không, vô thường, vô ngã.

Tỳ Kheo A Kỳ Đạt nghe Phật nói điều này, hốt nhiên tâm ý bừng ngộ, ngay lúc ấy đắc đạo A La Hán, ba minh, sáu thông, tám giải thoát đều đủ. Liền ở trước Phật vọt thân lên không trung hiện bày mười tám pháp biến hóa.

Làm mười tám pháp biến hóa rồi lien từ không trung hạ xuống đảnh lễ Phật, bạch rằng: Bạch Thế Tôn! Hôm nay Ngài nói nhân duyên trước kia cho con nghe và thuyết tâm từ, giảng rộng bốn đế.

Con nhờ Phật lực liền phá nghiệp kết của ba đời, thành A La Hán, cúi xin Thiên Tôn hãy vì chúng sinh xấu ác ở đời vị lai, do tội nơi nghiệp ác, sinh trong đời năm ô trược, chúng sinh hư vậy nếu tu Đầu Đà, hành các thiền định đắc A Na Hàm, như tâm bị nghi ngờ, ngừng lại không thực hành được, phải tu pháp gì để lìa bờ khổ.

Phật bảo Tỳ Kheo A Kỳ Đạt: Hãy lắng nghe và ghi nhớ kỹ, hôm nay vì ông A Kỳ Đạt, rộng vì tất cả chúng sinh đời vị lai, Như Lai giảng rộng từ A Na Hàm đến A La Hán. Ở khoảng giữa nếu có cảnh giới vi tế nào, phải tự phân biệt.

Nếu người bệnh phong nhiều lúc nhập định phong đại, do phong đại thường phát bệnh cuồng, phải dạy quán Phật. Dạy quán Phật là dạy quán mười lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng, pháp tam niệm xứ, đại từ, đại bi của Đức Như Lai.

Lúc quán pháp này tự nhiên thấy được vô lượng sắc thân, tướng tốt vi diệu, hoặc có Chư Phật bay trên không trung, làm mười tám pháp biến hóa, hoặc có Chư Phật mỗi một tướng hảo, hiện khắp vô lượng trăm ngàn biến hóa.

Lúc thấy việc này phải khởi tâm cung kính cúng dường, tưởng ra hương hoa, rải khắp Chư Phật, sau đó phải tự tư duy: Năm ấm bốn đại trong thân ta đều vô thường, sinh diệt không ngừng, cành nhánh kết sử và kết sử căn bản đều vô thường.

Niệm đến mười lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng, đại từ, đại bi của Phật, công đức trang nghiêm như vậy trang nghiêm nơi sắc thân, giống như bình báu đựng bảo châu như ý, nhờ sức hạt châu báu trang sức bình này. Hạt châu không ngã sở bình cũng không trụ, chỉ vì chúng sinh. Phật cũng như vậy, không có sắc tánh cùng với sắc tướng, giải thoát thanh tịnh.

Nay vì sao ta quán mười lực của Như Lai, lực thị xứ phi xứ, cho đến lực lậu tận, mười tám pháp bất cộng, đại từ, đại bi làm sao có thể thấy được vô lượng hình tướng có màu sắc. Tưởng điều này rồi, hành giả thấy tượng vàng ròng đầy khắp Thế Giới Ta Bà, trong bốn oai nghi đi, đứng, ngồi, nằm đều nói pháp khổ, không, vô thường, vô ngã.

Tuy thấy việc này, hành giả lại phải khởi ý tưởng Chư Phật ấy đều do các công đức nơi giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, mười lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng, đại từ, đại bi, tam niệm xứ hợp lại thành làm sao có sắc. Lúc tưởng điều này quán kỹ từng thứ, khiến tất cả Phật thân tâm không ngại, cũng không có tưởng về sắc, tự thấy thân mình như mây trên không trung.

Hành giả quán năm thọ ấm không có các tánh tướng, bỗng nhiên vui mừng thấy thân trở lại, như đám hoa sen bao vây tam thiên đại thiên Thế Giới, thấy các Phật ngồi, ngồi bên trên hoa của mình, thuyết cho nghe các pháp môn không, vô ngã, vô nguyện, vô tác, mười bốn cảnh giới Thánh Hiền sâu xa.

Phật bảo Tỳ Kheo A Kỳ Đạt: Nếu có hành giả thấy việc này rồi.

Phải dạy tâm từ là: Quán địa ngục một cách thận trọng. Bấy giờ hành giả liền thấy mười tám địa ngục, xe lửa, lò than, núi đao, rừng kiếm. Chúng sinh thọ khổ đều là cha mẹ đời trước của mình, là quyến thuộc, dòng họ thân thích hoặc là thầy trò, bè bạn thân thiết.

Hành giả thấy từng người bị lửa dữ ở địa ngục A tỳ đốt thân, hoặc lại có người từng phần từng phần phát ra lửa, hoặc leo lên rừng kiếm, hoặc đạp lên núi đao, hoặc gieo mình vào vạc nước sôi, hoặc hụp lặn trong sông tro, hoặc uống nước phân sôi.

hoặc ăn hòn sắt nóng, hoặc uống nước đồng nóng chảy, hoặc nằm trên giường sắt nóng, hoặc ôm cột đồng cháy, hoặc vào rừng kiếm làm nát thân vô số lần, hoặc móc mắt vô số lần, đem hòn sắt nóng đặt trên mí mắt.

Hoặc thấy ngạ quỷ thân hình cao lớn vài chục do tuần, ăn lửa than hoặc uống máu mủ biến thành nước đồng sôi, toàn thân bốc cháy, dưới gót chân nước đồng chảy ra, hoặc giữa núi Thiết Vi u ám tối tăm chúng sinh đầy trong đó, hình trạng giống như La Sát, ăn nuốt lẫn nhau.

Thấy các Dạ Xoa lõa hình đen ốm, hai nanh mọc ngược lên, trên đầu lửa cháy, đầu chúng như đầu trâu, trên đầu sừng mưa ra như máu. Lại thấy hổ, sói, sư tử, các cầm thú ác ăn nuốt lẫn nhau. Lại thấy tất cả súc sanh khổ, hoặc thấy A Tu La cắt đứt tai, mũi chịu các việc khổ. Lại thấy tất cả chúng sinh ở ba cõi bị dục sai sử đều bị khổ não.

Hành giả quán Cõi Trời Vô Tưởng, giống như ánh chớp, ảnh tượng, huyễn hóa, không lâu sẽ bị đọa vào trong địa ngục lớn. Tóm lại mà nói tất cả chúng sinh thuộc hai mươi lăm cõi trong tam giới đều có các nghiệp khổ não trong ba đường.

Khi ấy, hành giả quán thấy chúng sinh thọ khổ ở tam đồ rõ ràng như xem lòng bàn tay. Hành giả khởi từ bi sâu xa, sinh tâm thương xót, thấy các chúng sinh đời trước làm nghiệp ác cho nên chịu ác báo. Thấy việc này rồi, hành giả buồn khóc như mưa, muốn cứu hộ, tuy đem hết tâm lực nhưng không thể cứu giúp.

Bấy giờ, trong tâm rất thương xót, ghét tai hoạn sinh tử, không nguyện ở lâu, tâm sinh kinh sợ như có người cầm dao muốn đến hại mình. Thấy việc này rồi hành giả lại khởi lòng từ bi, muốn cứu giúp người khổ như không biết làm cách nào.

Khi ấy, hành giả tự suy nghĩ: Các chúng sinh khổ này do vô minh, vô minh duyên với hành, hành duyên với thức, thức duyên với danh sắc, danh sắc duyên với lục nhập, lục nhập duyên với xúc, xúc duyên với thọ, thọ duyên với ái, ái duyên với thủ, thủ duyên với hữu, hữu duyên với sinh, sinh duyên với lão, tử, ưu bi, khổ não.

Bấy giờ, hành giả tự tư duy vô minh này từ chỗ nào đến, do sinh bằng trứng, bằng thai đầy cả tam giới. Hành giả quán vô minh này nhờ địa đại mà được trưởng thành, dựa vào phong đại mà hoạt động.

Nhờ đại địa mà thân thể chắc chắn không hư hoại, hỏa đại chiếu sáng làm trưởng thành, thủy đại có tính chất kết hợp làm thành các vật. Tác động như vậy là vì tánh phong đại hoạt động không dừng tánh nước trôi nổi, tánh lửa nóng nảy, tánh đất cứng chắc.

Tánh bốn đại này hai lên, hai xuống. Các phương cũng hai, phương Đông thành tánh sắc ấm, phương Nam thành tánh thọ ấm, phương Tây thành tánh tưởng ấm, phương Bắc thành tánh hành ấm, phương trên thành tánh thức ấm.

Năm thọ này dựa vào vô minh mà có, từ xúc mà sinh ra, do nhân duyên ưa tiếp xúc sinh ra các thọ, thọ làm nhân duyên sinh ái, thủ, hữu, hữu làm nhân duyên nên sinh ba cõi, chín mươi tám sử và các kết nghiệp, trói buộc chúng sinh không có kỳ ra.

Các nghiệp như vậy có từ vô minh, sinh ra dựa vào si, ái. Vô minh này nguồn gốc của nó từ đâu sinh ra khắp ba cõi làm sự trói buộc đối với các chúng sinh. Ta hãy quán vô minh để biết tướng của nó từ chỗ nào phát ra. Vô minh này là địa đại hay là từ địa đại hay hợp với địa đại, hay là sinh từ địa đại. Tánh đất vốn không, suy ra đại địa không chủ, cái gì là vô minh, khởi tưởng si, ái duyên theo hành mà có.

Các hành này và các thủ hữu là khởi từ phong đại, từ thủy đại sinh ra, từ hỏa đại chiếu sáng. Bốn đại như vậy, quán kỹ từng thứ, các đại này thật không tánh tướng, giống như có thật. Vì sao lại lôi kéo chúng sinh trói trong ba cõi bị phiền não lớn thiêu đốt.

Tư duy điều này rồi, hành giả sợ hãi sinh tử, sợ sự sung sướng khi sinh lên Cõi Trời. Hành giả quán các Thiên cung như mộng, như huyễn, như sương cũng như điện, như âm vang rộng thấy tất cả chúng sinh trong ba cõi như cái vòng xoay tròn, chịu khổ vô cùng. Thấy việc ấy rồi, hành giả buồn rầu không vui. Thế gian như dòng sông chảy mạnh, muốn cầu đạo Niết Bàn ngay trong từng sát na phải mong muốn giải thoát.

***