Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Pháp Thiền Bí Yếu

PHẬT THUYẾT

KINH PHÁP THIỀN BÍ YẾU

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

PHẦN NĂM
 

Hành giả lại phải khởi niệm gió này cùng với hư không chứa đựng tiếng gầm rống của các con rồng, nhờ vào nhân duyên nên có tưởng ấy, không ở trong, không ở ngoài cũng không ở chính giữa, do tâm điên đảo nên có cái thấy sai lầm này. Lúc nghĩ như vậy, gió bên ngoài không khởi.

Lại phải buộc niệm, tư duy về xương sườn trong thân, thấy xương trong thân trắng như ngọc kha như tuyết. Trong mỗi đốt đều hiện ba mươi sáu vật dơ xấu, bất tịnh. Hoặc thấy da trên thân giống như túi da đầy dẫy bất tịnh. Nó có vô lượng chỗ lở loét và trăm ngàn ung nhọt. Các mủ rỉ rả chảy ra không dứt ngay ở trên đầu bộ xương rất là đáng chán. Hoặc thấy ngũ tạng trong thân đều chảy vào ruột già. Ruột già phình trương, mục rã, vỡ ra, khó chịu nổi.

Bấy giờ, nhờ định lực, xuất định, nhập định, hành giả thấy tất cả thân người và mình đều do chất bất tịnh tụ tập. Thấy các người nữ thân như trùng, chó, dơ xấu, bất tịnh, tự nhiên hành giả được tưởng không tham sắc.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Lúc tưởng này thành tựu gọi là quán bốn đại bên ngoài thứ mười bốn, cũng gọi là tạm hiểu về việc học quán không.

Phật bao Tôn Giả A Nan: Ông phải thọ trì lời ta dạy cẩn thận đừng để quên mất.

Tôn Giả A Nan nghe Phật nói hoan hỷ phụng hành.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Tưởng này thành tựu rồi lại phải buộc niệm, quán kỹ địa đại trong than, các vật trong thân như xương lông, móng, tóc, ruột, dạ dày, bụng, gan, tim, phổi, các vật cứng chắc đều là địa đại, chúng do tinh khí tạo thành.

Sở dĩ biết đất bên ngoài vô thường là nhờ thí dụ về đại địa được nêu sau đây: Lúc hai mặt trời xuất hiện, đại địa cháy khô. Lúc ba mặt trời xuất hiện sông, ao, hồ đều cạn. Bốn mặt trời xuất hiện, biển lớn cạn hết hai phần ba. Năm mặt trời xuất hiện, biển lớn khô hết. Sáu mặt trời xuất hiện, đại địa bốc lửa. Bảy mặt trời xuất hiện, đại địa cháy sạch.

Đất bên ngoài còn vậy, thế nó không lâu dài, huống chi đất trong thân lại chắc chắn sao?

Bấy giờ, hành giả phải tự tư duy: Nay thân này của ta, tóc là ta chăng?

Móng là ta chăng?

Xương là ta chăng?

Ngũ tạng là ta chăng?

Quán kỹ các chi tiết của thân như vậy đều không ngã. Hành giả tự quán các xương, quán kỹ từng thứ xem xương này sinh từ chỗ nào. Lúc tinh cha huyết me hòa hợp, lúc như giọt sữa, lúc như Yết La La, lúc như là An Phù Đà, các thời như vậy chỗ nào có xương. Phải biết xương vốn không nay có, đã có trở về không.

Xương này đồng với tướng hư không. Đất bên ngoài vô thường, đất bên trong cũng vậy. Lúc tư duy như thế, xét kỹ thân mình tất cả các xương tự nhiên tan hết giống như vi trần. Lúc nhập định, quán xương chỉ thấy nơi có cốt, không thấy tướng của cốt. Lúc xuất định, thấy thân như trước không khác.

Lại phải quán lửa trong thân có từ lửa bên ngoài. Lửa bên ngoài vô thường, không có tạm dừng, nay lửa trong thân ta do đâu nóng lâu dài. Lúc quán điều này, lửa trên các xương đều tắt.

Lại phải quán nước trong thân. Nước trong thân ta có nhờ nước bên ngoài. Nước bên ngoài vô thường, thế nó không bền lâu. Nước trong thân cũng vậy, nhờ duyên mà có, vậy chỗ nào có nước là chất bất tịnh tụ họp.

Gió bên ngoài không thường, thể nó không bền lâu. Nó sinh do nhân duyên, rồi lại diệt theo duyên. Nay gió trong thân ta họp thành một cách giả tạo, gượng ép làm cơ quan, chỗ nào có gió, gió khởi từ vọng tưởng và là cái thấy điên đảo.

Lúc tư duy như vậy, không thấy gió trong thân. Gió có trong tai các con rồng đều diệt không hiện. Tư duy kỹ lưỡng đủ loại như vậy, chỗ nào có người và đất, nước, gió, lửa. Quán đất này là pháp hư hoại. Quán lửa này giống như huyễn. Quán gió này khởi lên từ điên đảo. Quán nước này hiện từ tưởng hư vọng.

Lúc quán điều ấy, hành giả thấy thân giống như cây chuối, bên trong không chắc thật, hoặc tự thấy tâm như bọt trên nước, nghe các âm thanh bên ngoài giống như tiếng trong hang. Khi quán điều ấy, thấy tất cả ánh lửa trên các xương, thấy nước có ánh sáng trắng, thấy gió của các con rồng đều ở một chỗ.

Hành giả quán thân yên lặng, không biết tướng của thân, lặng tâm an ổn, lặng lẽ, an lạc.

Cảnh giới như vậy gọi là cảnh giới của bốn đại thứ mười lăm.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Nay ông phải chí tâm thọ trì pháp quán bốn đại, chớ để quên mất và giảng rộng cho tất cả chúng sinh đời vị lai.

Bấy giờ, Tôn Giả A Nan nghe Phật nói, hoan hỷ phụng hành.

Lúc quán điều này, do học quán không, thân suy nhược, tâm mệt mỏi, hành giả nên dùng bơ sữa và các loại thuốc bổ. Lúc vào sâu trong thiền định, nên quán tưởng bồi bổ. Pháp quán tưởng bồi bổ là tự quán thân mình khiến từng lớp da bọc nhau giống như cây chuối, sau đó an tâm tưởng như đảnh đầu tự mở ra, lại phải khuyến khích Thích, Phạm, Hộ Thế, Chư Thiên khiến đem bình vàng đựng đầy thiên dược.

Thích Đề Hoàn Nhân bên trái, Chư Thiên Hộ Thế bên phải, đem thiên dược rót vào đỉnh đầu tràn đầy toàn thân. Ngày đêm sáu thời hành giả thường tưởng điều này. Lúc xuất định hành giả xin các loại thuốc bổ, ăn uống thức ăn ngon thường ngồi yên ổn vui vẻ gấp bội.

Tu pháp bồi bổ thân ấy, trải qua ba tháng, sau đó lại niệm cảnh giới khác. Nhờ sức của thiền định, Chư Thiên hoan hỷ, Thích Đề Hoàn Nhân thuyết cho nghe pháp không, vô ngã sâu xa, khen ngợi hành giả, đảnh lễ và dâng thiên dược cho hành giả uống. Lúc xuất định dung mạo tươi vui, thân thể mịn màng như xoa dầu mỡ. Thấy việc này gọi là cảnh quán bốn đại thứ mười sáu.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Tưởng này thành tựu rồi, lại phải dạy buộc niệm trụ ý, khiến quán ngoại sắc, tất cả sắc từ đâu sinh ra. Lúc quán điều ấy, thấy năm sắc bên ngoài như ánh sáng ngũ sắc nhiễu quanh thân mình. Lúc tưởng ấy hiện tự quán lồng ngực của thân, xương ngực lần lần sáng sạch như gương pha lê, nó sáng tỏ đáng yêu. Lai thấy từng thứ sắc bên ngoài sáng như ánh mặt trời.

Lúc thành tựu quán này, bốn phương tự nhiên sinh bốn con voi đen. Voi đen rống lớn đạp các sắc diệt mất, các sắc như vậy đều diệt trên đất. Màu đen, màu vàng ở trên hư không đáng yêu hơn bình thường gấp bội. Bấy giờ, voi lớn dùng vòi quấn cây. Bốn con voi đứng bốn phía muốn nhổ cây này nhưng không thể làm cây lay động. Lại cũng có bốn con voi dùng vòi quấn cây, cũng không thể làm lay động.

Thấy việc này rồi, lúc xuất định, hành giả phải ở chỗ yên tĩnh, hoặc là ở nơi gò mả, hoặc bên gốc cây, hoặc nơi A lan nhã, che thân kín đáo, phải nên yên lặng xin thuốc tốt để bồi bổ thân mình.

Lại phải trải qua ba tháng tu tập pháp, dùng thuốc bồi bổ thân như trên, một lòng tinh tấn như cứu lửa cháy đầu, tâm không phóng dật, không khởi tâm vi phạm đối với giới đã thọ, ngày đêm sáu thời sám hối các tội, lại tư duy thân không, ngã không, quán kỹ từng thứ một như cảnh giới trước, hết sức rõ ràng. Lúc tưởng này thành tựu, xương ngực dần dần sáng, giống như hạt thần châu, sáng suốt từ trong ra ngoài.

Rắn độc trong tim lại nhảy lên, trụ trong hư không. Trong miệng nó có lửa muốn nuốt hạt châu ma ni, nhưng cuối cùng không nuốt được. Nó rớt xuống đất như trước tự đập vào đất, thân tâm mê man, buồn bã trông về bốn phương.

Bấy giờ, các con voi lại tranh nhau chạy đến chỗ cây. Các Dạ Xoa, La Sát, thú dữ, rồng độc đều phun độc đánh với voi đen. Voi đen dùng vòi quấn cây, cất tiếng rống mà kéo. Lúc voi kéo cây, các con rồng, Dạ Xoa phun độc tiến tới đánh, không dám nghỉ ngơi.

Khi đó, trên đất có một con sư tử, hai mắt sáng rực giống như kim cương, đột nhiên nhảy ra đánh với các con rồng. Các con rồng liền vọt lên trụ trong không trung. Voi cố kéo cây không ngừng nghỉ, làm đất dần dần lay động.

Lúc đất động, hành giả phải quán đất này từ không mà có chẳng phải là pháp chắc thật, đất này như thành Càn Thát Bà, như bóng nắng, nó sinh ra từ hư vọng, vì duyên gì mà lay động.

Khi nghĩ điều này trong thân mình tự nhiên xương ngực, mặt dần dần sáng sạch, hành giả thấy mọi thứ có trong thế gian đều rõ ràng. Lúc thành tựu pháp quán này, hành giả như cầm gương sáng tự soi mặt mình. Bấy giờ, hành giả thấy tất cả các hình sắc và các chất bất tịnh bên ngoài thân và cũng thấy tất cả các chất bất tịnh bên trong thân. Tưởng ấy thành tựu gọi là quán thân niệm xứ thứ mười bảy.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Ông nên thọ trì văn nghĩa của pháp quán đảnh thân niệm xứ này, cẩn thận đừng để quên mất. Ông hãy mở cửa pháp cam lồ và diễn thuyết rộng rãi cho tất cả chúng sinh đời vị lai.

Tôn Giả A Nan nghe Phật dạy hoan hỷ phụng hành.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Tưởng này thành tựu rồi lại phải dạy hành giả buộc niệm tư duy quán kỹ xương mặt, tự thấy xương mặt như gương bằng ngọc trắng, trong ngoài đều trong sạch, sạch như là gương sáng.

Dần dần rộng lớn thấy xương toàn thân giống như gương pha lê, trong ngoài đều sạch. Tất cả các sắc đều hiện ơ trong, phút chốc thấy thân như người bằng ngọc trắng. Lại thấy trong lặng như lưu ly, trong ngoài đều trong, tất cả các sắc đều hiện ở trong. Lại thấy thân mình như người bằng bạc trắng, chỉ có da mỏng tồn tại. Da ấy rất mỏng mỏng hơn cả kiếp bối Cõi Trời, trong ngoài rực sáng.

Lại thấy thân mình như người bằng vàng ròng trong ngoài đều không. Lại thấy thân mình như người bằng kim cương.

Lúc thấy điều này, voi đen càng nhiều, dùng vòi quan cây đem hết sức lực nhưng không thể làm cây lay động. Khi ấy các con voi gầm rống, kinh động đại địa.

Đại địa lay động, có núi kim cương từ đất phương dưới vọt ra trụ ở trước hành giả. Bấy giờ, hành giả thấy bốn bên mình có núi kim cương, thấy đất trước mặt giống như kim cương. Lại thấy các con rồng tìm đến bên trên và dưới của cây phun ra ngọc kim cương. Cây rất chắc chắn, voi không thể lay động. Chỉ có nước năm sắc từ trên cây chảy ra, chảy ngược lên cành cây, từ ngọn cây chảy xuống lá cây, cho đến thân cây cũng có nước chảy.

Từ giữa núi kim cương nước phân tán từ khắp đại địa, bên dưới đất kim cương cho đến núi kim cương.

Nước năm sắc này phóng ánh sáng năm màu, hoặc lên hoặc xuống thay đổi không thường.

Bấy giờ, voi đen ra từ núi kim cương muốn nuốt nước ấy. Các con rồng phun độc đánh với voi lớn. Khi ấy các con rắn chui vào tai rồng, hợp sức với rồng chiến đấu với voi đen. Voi đen dùng hết sức ghì kéo, cũng không hề gì.

Thấy việc này rồi, ánh sáng của các loại nước đều phát ra âm nhạc, hoặc có biến hóa giống như Thiên Nữ, ca ngâm múa hát rất là đáng ưa. Người nữ này đẹp đẽ, Cõi Trời cõi người không ai so sánh được. Âm nhạc của nàng ấy tạo ra cùng với âm thanh vi diệu, trên Trời Đao Lợi cũng không sánh được. Hóa nữ như vậy làm các tài nghệ số đến ức ngàn vạn không thể nói hết.

Lúc thấy việc này, hành giả cẩn thận đừng bám víu theo, cần phải buộc tâm, niệm sự bất tịnh trước đây. Khi xuất định phải đến gặp người trí hỏi về nghĩa không sâu xa. Người trí phải thuyết pháp không, vô ngã cho hành giả.

Bấy giờ, hành giả lại phải buộc niệm như trước, tự quán xương thân, tự thấy xương ngực, sáng sạch đáng ưa, tất cả bất tịnh đều hiện ở trong.

Thấy việc ấy rồi, hành giả lại phải tư duy: Như ta ngày nay tóc là ta chăng?

Móng là ta chăng?

Xương là ta chăng?

Răng là ta chăng?

Sắc là ta chăng?

Thức là ta chăng?

Hành giả quán kỹ từng thứ:

Vô minh là ta chăng?

Hành là ta chăng?

Thức là ta chăng?

Danh sắc là ta chăng?

Lục nhập là ta chăng?

Xúc là ta chăng?

Thọ là ta chăng?

Ái là ta chăng?

Thủ là ta chăng?

Hữu là ta chăng?

Sinh là ta chăng?

Lão là ta chăng?

Hoặc Tử là ta chăng?

Lúc thân tan rã, các trùng mổ ăn ta là chỗ nào?

Nếu sinh là ta niệm niệm không dừng, ở trong sinh không có tưởng thường trụ nên biết sinh này chẳng phải là ta.

Nếu đầu là ta, tám mảnh xương đầu, phân tách đều khác nhau, trong não sinh trùng, quán trong đầu này thật là vô ngã.

Nếu mắt là ta trong mắt không thật, nó do đất và nước họp lại, mượn lửa làm sự sáng, nhờ gió mà chuyển động. Lúc mắt bị tan rã, chim quạ, chim khách đều đến ăn, các trùng gây lở loét cùng nhau mổ ăn, hãy quán kỹ mat ấy.

Nếu tim là ta, tim chuyển động nhờ sức gió không lúc nào dừng nghỉ, lại có sáu con rồng họp ở trong tim này, có vô lượng chất độc, tim là nguồn gốc, loại bỏ chất độc ấy. Tim cùng với tâm tánh đều từ không mà có, vọng tưởng gọi là ngã.

Các pháp như vậy, đất, nước, gió, lửa. Sắc, hương, vị, xúc, và mười hai duyên chọn kỹ từng thứ một chỗ nào có ta. Quán thân vô ngã vì sao có ngã sở.

Ngã sở là: Sắc xanh là ngã, sắc vàng là ngã, sắc đỏ là ngã, sắc trắng là ngã, sắc đen là ngã. Năm sắc này có từ chỗ yêu thích, sinh theo chỗ dính mắc, ô nhiễm do tham cầu, sinh từ sông lão tử, khởi theo giặc ái ân, hiện theo nhận thức ngu si. Các sắc như vậy thật chẳng phải là ta. Mê hoặc chấp chặt vào chúng sinh, sai lầm nói đó là ngã. Thấy sai lầm về chúng sinh gọi đó là ngã sở. Tất cả như huyễn, chỗ nào có ngã, ở trong pháp huyễn sao có ngã.

Tư duy điều này, hành giả tự thấy xương thân sáng sạch đáng yêu, tất cả những việc muốn thấy trong thế gian đều hiện ở trong. Lại thấy thân mình như người bằng lưu ly, trong ngoài đều không, như người đội tràng phan bằng lưu ly, ngước nhìn trên không trung thấy hết tất cả.

Bấy giờ, đối với trong thân và ngoài thân mình, nhờ quán không, học pháp vô ngã, hành giả tự thấy chân của mình giống như ống lưu ly, cũng thấy phương dưới và các việc mình mong thấy ở tất cả thế gian.

Khi tưởng này thanh tựu, đất trước mặt hành giả sáng sạch đáng yêu như bằng lưu ly, rất là sáng suốt. Người trì giới đầy đủ thấy đất sáng sạch như cung điện của Phạm Vương.

Người không đủ oai nghi tuy thấy đất sạch nhưng chỉ giống như thủy tinh.

Tưởng ấy thành tựu, có vô lượng trăm ngàn vô số Dạ Xoa, La sát đều hiện ra từ đất, tay cầm sừng dê trắng mai rùa và đá trắng đập núi kim cương.

Khi ấy trên núi có năm quỷ thần, ngàn đầu, ngàn tay, tay cầm ngan kiếm đánh với La Sát. Rắn độc đều phun độc vây quanh núi này. Lại có các thiếu nữ ca vịnh cầu khẩn, làm các điệu bộ hỗ trợ núi này. Nếu thấy việc ấy hành giả phải nhất tâm quán sát. Lúc các thiếu nữ này hiện phải quán các thiếu nữ này giống các chiếc bình bên ngoài đẹp đẽ nhưng bên trong đựng đầy đồ hôi hám bất tịnh.

Chúng sinh ra từ hư vọng, không từ đâu đến, không đi về đâu, do tội duyên nghiệp ác đời trước mà ta thấy các thiếu nữ có tướng mạo như vậy. Các thiếu nữ này là vọng tưởng của ta trong vô số đời, duyên theo nhân tham ái, thấy từ hư vọng, phải nên chí tâm quán pháp vô ngã. Thân ta vô ngã, thân người cũng vậy.

Nay chỗ thấy thuộc các nhân duyên, ta không mong cầu. Ta quán thấy thân này vô thường tan rã, cùng không ngã sở, chỗ nào có người cùng với chúng sinh. Tư duy điều này rồi hành giả nhất tâm quán kỹ pháp không vô ngã.

Lúc quán vô nga ở ranh giới vùng đất kim cương, tại phương trên có bốn quỷ thần lớn tự nhiên đến gánh núi kim cương. Các Dạ Xoa, La Sát cũng đến giúp quỷ này phá núi kim cương. Khi ấy, núi kim cương từ từ bị phá hủy, trải qua nhiều thời gian, dần dần hết sạch chỉ còn đất kim cương.

***