Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Pháp Thừa Nghĩa Quyết định

PHẬT THUYẾT KINH

PHÁP THỪA NGHĨA QUYẾT ĐỊNH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Kim Tổng Trì, Đời Tống
 

TẬP MỘT
 

Tôi nghe như vậy!

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn cùng một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ Kheo ở tại tinh xá Kỳ Viên thuộc nước Xá Vệ.

Bấy giờ, có Tỳ Kheo tên Thậm Thâm Dũng Mãnh, là người có giọng nói rất hay, khéo hỏi về pháp giải thoát, trước, giữa, sau đều thiện, lợi ích mình và người, tu phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, chắp tay lễ Phật, thưa: Bạch Thế Tôn! Lúc Phật ở trong vườn Nai giảng thuyết nghĩa quyết định của pháp thừa ra sao?

Cúi mong Thế Tôn Giảng dạy cho chúng sinh được tỏ ngộ hội nhập.

Đức Phật khen: Hay thay! Tỳ Kheo! Ông đã hỏi được pháp sâu xa như vậy, đó là lợi ích lớn nhất, không thể nghĩ bàn. Ông hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Như Lai sẽ giảng rõ.

Lúc đó, Như Lai nói pháp Tứ Đế, nghĩa lý sâu xa không cùng tận. Như Lai giảng năm uẩn, năm thủ uẩn, mười hai xứ, hai mươi tám giới, mười hai duyên sinh, bốn Thánh đế, hai mươi hai căn, năm thiền, bốn thiền, bốn định vô sắc, bốn Tam Ma Địa, bốn niệm xứ, bốn chánh đoạn, năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám Thánh đạo, mười sáu cách niệm tâm, bốn quả Thanh Văn, mười lực của Như Lai, bốn vô sở úy, bốn vô ngại biện, mười tám pháp bất cộng, ba mươi hai tướng đại trượng phu, tám mươi vẻ đẹp.

Phật bảo: Tỳ Kheo! Đó là nghĩa lý quyết định của pháp thừa.

Tỳ Kheo thưa: Bạch Thế Tôn! Năm uẩn là gì?

Phật bảo: Năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức uẩn.

Tỳ Kheo thưa: Năm thủ uẩn là gì?

Phật bảo: Năm thủ uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn.

Tỳ Kheo thưa: Mười hai xứ là gì?

Phật bảo: Mười hai xứ: Nội xứ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Ngoại xứ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Tỳ Kheo thưa: Mười tám giới là gì?

Phật bảo: Mười tám giới: Mắt, sắc, nhãn thức giới. Tai, tiếng, nhĩ thức giới. Mũi, hương, tỷ thức giới. Lưỡi, vị, thiệt thức giới. Thân, xúc, thân thức giới. Ý, pháp, ý thức giới.

Tỳ Kheo thưa: Mười hai duyên sinh là gì?

Phật bảo: Mười hai duyên sinh là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử ưu bi khổ não.

Vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sinh diệt, sinh diệt thì lão tử ưu bi khổ não diệt.

Tỳ Kheo thưa: Bạch Thế Tôn! Thế nào là vô minh?

Phật bảo: Vô minh là ngu si tăm tối, không có trí tuệ sáng suốt, không biết trước, giữa, sau, trong, ngoài, không có trí về nghiệp, quả, nghiệp quả, không có trí về nghiệp thiện, ác, nhân, quả, pháp nhân quả, không có trí về duyên, duyên sinh, pháp duyên sinh, không có trí về Phật, Pháp, Tăng, không có trí về khổ, tập, diệt, đạo, không có trí về hổ thẹn.

Không hổ thẹn, không có trí về thẹn, không thẹn, pháp thẹn không thẹn, cho đến pháp thẹn không thẹn của ái, không có trí về thế gian, xuất thế gian, pháp thế xuất thế, không có trí về y chỉ, phi y chỉ, pháp y chỉ phi y chỉ, không có trí về hữu vi, vô vi, pháp hữu vi vô vi, không có tri về quá khứ, hiện tại, vị lai và pháp quá khứ hiện tại vị lai.

Tỳ Kheo thưa: Vô minh duyên hành là gì?

Phật bảo: Đó là thân, khẩu, ý hành.

Thế nào là thân hành?

Thân là chỗ nương dựa, giữ gìn các pháp, tạo tác, chuyển động.

Thế nào là ngữ hành: Đó là nói năng, hiển bày, phân biệt, so sánh về thật tánh các pháp.

Thế nào là ý hành?

Đó là những sự yêu thích, suy xét, giữ gìn, nương tựa của tâm.

Hành duyên thức là gì?

Phật dạy: Đó là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý thức.

Thức duyên danh sắc là gì?

Phật bảo: Danh là bốn uẩn: Thọ, tưởng, hành, thức, không phải là sắc.

Sắc là hình chất, thể của nó là bốn đại.

Bốn đại là gì?

Phật nói: Đó là đất, nước, gió, lửa.

Thể tướng sai biệt của bốn đại là gì?

Tánh của đất là cứng, tánh của nước là ướt, tánh của lủa là nóng, tánh của gió là động.

Danh sắc duyên lục nhập là gì?

Phật nói: Đó là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, nhập xứ.

Lục nhập duyên xúc là gì?

Phật nói: Đó là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý xúc.

Xúc duyên thọ là gì?

Phật nói: Đó là mắt tiếp xúc sinh ra thọ khổ, vui, không khổ vui. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng thế.

Thọ duyên ái là gì?

Phật nói: Đó là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp ái.

Thế nào là sắc ái?

Tâm tham đắm không chán tất cả các sắc đáng ưa thích. Thanh, hương, vị, xúc, pháp ái cũng thế.

Ái duyên thủ là gì?

Phật nói: Đó là dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã ngữ thủ.

Thủ duyên hữu là gì?

Phật nói: Đó là dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu.

Dục hữu là gì?

Đó là năm đường thuộc Cõi Dục và các Cõi Trời Tứ Thiên Vương, Đao Lợi, Dạ Ma, Đâu Suất, Hóa Lạc, Tha Hóa Tự Tại.

Sắc hữu là gì?

Đó là các Cõi Trời Phạm Chúng, Phạm Phụ, Đại Phạm, Thiểu Quang, Vô Lượng Quang, Cực Quang, Thiểu Tịnh, Vô Lượng Tịnh, Cực Biến Tịnh, Vô Vân, Phước Sinh, Quảng Quả, Vô Phiền, Vô Nhiệt, Thiện Hiện, Thiện Kiến, Sắc Cứu Cánh.

Vô sắc hữu là gì?

Đó là Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng Phi Phi Tưởng Xứ.

Hữu duyên sinh là gì?

Phật nói: Chúng sinh do ái thủ làm duyên mà có năm uẩn, sống ở đời tạo tác, tùy thuận trôi nổi. Tất cả các sự sai biệt và thủ đều từ uẩn, mạng là từ gốc thọ thân.

Thế nào là sinh duyên lão đưa đến chết?

Phật nói: Đó là bốn đại thay đổi, các căn hư hoại, thân thể yếu kém, cử động mỏi mệt, sự học hiểu ngày một chậm lại. Khi thân thức chúng sinh sắp lìa, các căn sắp hoại thì tâm tánh mê mờ, không hiểu biết về cảnh giới.

Vị Tỳ Kheo lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bốn pháp Thánh đế là gì?

Phật nói: Đó là pháp khổ thánh đế, tập thánh đế, chân thánh đế, đạo thánh đế.

Khổ thánh đế là gì?

Đó là sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, hoại khổ, thương yêu xa lìa khổ, oán thù gặp gỡ khổ, cầu mong không toại khổ, năm ấm chống trái khổ.

Khổ Tập thánh đế là gì?

Phật nói: Chúng sinh ái đắm nơi thế gian hữu và những gì tạo ra hữu, tùy thuận tham dục.

Khổ chân Thánh đế là gì?

Phật nói: Dùng dao trí tuệ chặt đứt không còn chút tham ái thế gian hữu và những gì tạo ra hữu, tham dục, thâm nhập thắng nghĩa chân thật, chứng lý tịch diệt.

Khổ đạo Thánh đế là gì?

Phật nói: Đó là tám con đường Thánh: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

Hai mươi căn là gì?

Phật nói: Đó là năm căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Năm căn tín tấn, niệm, định, tuệ.

Năm thọ căn: Khổ, vui, mừng, lo, xả.

Ba căn vô lậu: Vị tri, đương tri, dĩ tri, cụ tri và ý, mạng, nam, nữ.

Năm Tam Ma Địa là gì?

Vì tham đắm sâu xa thân năm vóc này, cho là đáng yêu thích, không hủy tổn nên chạy theo dục nhiễm, chấp trước mọi thứ, không hiểu nó là hư giả, vọng chấp cho là thật. Vì thế phải quán sát đúng như thật về thân năm vóc đó đều do bốn đại hòa hợp sinh ra, chuyên tâm suy xét, an trụ, ngộ nhập nơi diệu định, đó là trí thân định. Ví như nước từ trên núi chảy xuống khắp nơi, do phân tán nên không còn nước, mặt đất lại khô cạn.

Lúc ấy có vị trời từ hư không nói vọng: Nếu người cần nước thì ta có dòng nước lớn tự nhiên vọt ra, trong sạch, mát mẻ, rất thích ý, nước ấy tươi nhuận, không bao giờ hết. Lợi ích sinh từ Trí thân định cũng vô cùng như vậy.

Tỳ Kheo! Hãy quán sát suy xét kỹ thân này là không thật, đừng tham ái, ví như bốn loại hoa sen xanh vàng đỏ trắng xinh đẹp khả ái: Ưu Đàm Bát La, Bát Đầu Ma, Câu Vật Đà, Bôn Trà Lợi Ca đều mọc từ nước, nhưng cũng từ nước mà hư hoại. Cũng thế, thân này thì biến đổi hư giả, không thật.

Tỳ Kheo! Hay làm thanh tịnh các nghiệp thân, ngữ, ý, hiểu rõ như thật, an trụ trong pháp định. Với tâm thanh tịnh, quán sát tất cả thân đều không bền chắc. Ví như trưởng giả và con trưởng giả trang sức đủ loại châu báu, y phục, tuy xinh đẹp nhưng thể chất không bền chắc. Người trang nghiêm bằng thân, ngữ, ý thanh tịnh mới là bền chắc.

Tỳ Kheo! Hãy quán sát, suy xét kỹ, thân năm vóc này là pháp hữu vi, vô thường, hãy luôn suy xét trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, thanh tịnh, định trí, giữ gìn vững chắc.

Tỳ Kheo lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bốn thiền định địa là gì?

Phật nói: Đó là:

1. Ly sinh hỷ lạc: Bỏ tất cả phiền não, dục nhiễm.

2. Định sinh hỷ lạc: Bỏ tầm từ, điều phục chướng, nhiễm.

3. Ly hỷ diệu lạc: An trụ trong phương tiện, làm việc lợi ích.

4. Xả niệm thanh tịnh: Bỏ hết khổ vui, hàng phục tâm thiện ác, bỏ niệm khổ vui, tu tập phương tiện, viên mãn thanh tịnh.

Bốn định vô sắc là gì?

Phật nói: Đó là:

1. Không vô biên xứ định: Xa lìa hết sắc tưởng, giữ tâm bình đẳng, an trụ như thật.

2. Thức vô biên xứ định: Các thức bên trong không biên vực, an trụ như thật.

3. Vô sở hữu xứ định: Không sở hữu một pháp nào.

4. Phi tưởng Phi phi tưởng xứ định: Không còn tưởng thô, tế.

Bấy giờ, Tỳ Kheo lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bốn tâm vô lượng là gì?

Phật nói: Đó là từ vô lượng tâm, bi vô lượng tâm, hỷ vô lượng tâm, xả vô lượng tâm.

Từ vô lượng tâm là gì?

Nghĩa là: Lúc nào, bất cứ nơi đâu đều luôn tùy thuận tâm từ, tạo lợi ích cho chúng sinh, không não hại, không oán kết, chỉ dạy chúng sinh bằng tâm bình đẳng rộng lớn, thương yêu cứu giúp chúng sinh như con đẻ, không phân biệt oán thân, làm cho chúng sinh đoạn trừ phiền não trói buộc, được giải thoát. Tùy thuận tâm bi, hỷ, xả cũng vậy.

Lại biết rõ về bốn thứ khổ vui: Chúng khổ, hữu khổ, chúng lạc, hữu lạc.

Thế nào là biết rõ chúng khổ?

Đó là quan sát, hiểu rõ chúng sinh đắm vướng nơi tham, sân, si, vì không sợ nhân tham, sân, si, nên có ưu bi khổ não, siêng năng tu tập năm căn lành xuất thế: Tín, tấn, niệm, định, tuệ, tuần tự được pháp Tam Ma Địa, đó gọi là Tỳ Kheo lậu được dứt sạch.

Thế nào là hiểu rõ hữu khổ?

Đó là quán sát hiểu rõ chúng sinh ít tham, sân, si. Tuy ít có tham, sân, si, nhưng vì không sợ tội của tham, sân, si, nên có ưu bi khổ não, siêng năng tu tập năm căn lành xuất thế, tuần tự được pháp Tam Ma Địa, đó gọi là Tỳ Kheo lậu được dứt sạch.

Thế nào là hiểu rõ chúng lạc?

Chúng sinh hiểu rõ ba bất thiện căn tham, sân, si là nguồn gốc của khổ nên dứt trừ hẳn, siêng năng tu tập năm căn lành xuất thế, tuần tự được pháp Tam Ma Địa, đó gọi là Tỳ Kheo lậu được dứt sạch.

Hiểu rõ về hữu lạc cũng thế, siêng năng tu tập, tuần tự được pháp Tam Ma Địa, như trên đã nói.

Tỳ Kheo lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bốn Tam Ma Địa là gì?

Phật nói: Đó là:

1. Tin hiểu, thọ trì, tu hành đúng pháp, đoạn trừ tham dục.

2. Tin hiểu, thọ trì, tu hành đúng pháp, thông đạt các pháp môn vi diệu.

3. Tin hiểu, thọ trì, tu hành đúng pháp đạt trí hiểu biết xâu xa.

4. Tin hiểu, thọ trì, tu hành đúng pháp diệu tuệ thanh tịnh.

Thế nào là đoạn tham dục?

Phật nói: Tỳ Kheo! Lúc ở chỗ đông người, trong rừmg bên gốc cây, chỗ vắng lặng hãy an trụ thiền định thường ngồi không nằm, phải quan sát thân này do ba mươi sáu thứ hợp thành, thể của nó là không thanh tịnh, hư giả, không thật, đừng tham ái đắm vướng. Nhờ suy xét như vậy nên nhàm chán.

Này Tỳ Kheo! Đó gọi là có thể đoạn trừ tham dục.

Ba mươi sáu thứ là gì?

Phật nói: Đó là: Mười hai tướng bên ngoài: Tóc, lông, răng, móng, nước mắt, ráy tai, nước mũi, mồ hôi, đất, ước giải, đại tiện, tiểu tiện.

Mười hai tướng ở giữa: Da, máu, thịt, gân, mạch, xương, tủy, mỡ, mỡ miếng, não, da ngoài, màng.

Mười hai tướng bên trong: Lá lách, thận, tim, phổi, gan, mật, dạ dày, đàm dỏ, đàm trắng, tạng, sinh tạng, thục tạng.

Lại nữa, những thứ lúa gạo trồng trọt trong đất cũng không thanh tịnh, không phải tự nhiên có, vì thế các ông hãy nhất tâm an trụ, dù ở đâu luôn suy xét như thật về thân này là bất tịnh, hư giả, phù phiếm. Tất cả tai, mắt… luôn tiết ra những thứ nhơ uế, không bền chắc, rất đáng nhờm gớm. Nhờ vậy, an trụ trong thiền định, tin hiểu thọ trì, tu hành đúng pháp, đoạn trừ hết tham dục.

Thế nào là thông đạt các pháp môn vi diệu?

Phật nói: Tỳ Kheo! Các ông hãy luôn thiền định, dù ở chỗ trống, bên gốc cây, hoặc ở chỗ vắng vẻ thường ngồi không nằm tu tập thiền định, hãy bảo hộ thương yêu chúng sinh, làm người chỉ đường cho chúng sinh thấu rõ các pháp hữu vi là hư giả, không thật. Ví như hoa Ưu Đàm Bát La, sắc tuy đẹp nhưng khi nở rồi thì không tồn tại được.

Cũng thế, thân này không bền chắc. Vì vậy các ông ở chỗ trống hoặc bên gốc cây nơi yên tĩnh hãy an trụ trong thiền định, luôn quán sát thân này là pháp hữu vi không thật, như mộng huyễn, hãy tìm phương tiện chỉ dạy chúng sinh, làm cho họ tin hiểu và thích tu thiền định.

Này Tỳ Kheo! Đó gọi là nơi Tam Ma Địa tin hiểu, thọ trì như pháp tu hành thông đạt các pháp môn vi diệu.

Thế nào là đạt trí hiểu biết sâu xa?

Phật day: Tỳ Kheo! An trụ trong thiền định, hiểu được pháp môn sâu xa rồi, luôn yêu thích, giữ gìn, ngày đêm buộc niệm, siêng năng không lười biếng, dùng ánh sáng trí soi rọi tất cả nơi vô minh tăm tối, ví như mặt trời trong hư không bị mây che, khi mây tan thì được thấy ánh sáng mặt trời chiếu rọi khắp nơi không chướng ngại.

Cũng thế, ánh sáng nhất thiết trí của thiền định sẽ trừ hết phiền não vô minh tăm tối. Vì thế các ông hãy suy xét kỹ, an trụ như thật, ngày đêm không biếng nhác, hãy giữ gìn vững chắc nhất thiết trí.

***