Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Phật A Tỳ đàm Xuất Gia Tướng

PHẬT THUYẾT KINH

PHẬT A TỲ ĐÀM XUẤT GIA TƯỚNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng

 Pháp Sư Chân Đế, Đời Trần
 

PHẦN HAI
 

Ca Diếp! Ông hãy giải đáp thắc mắc cho đại chúng!

Lúc ấy, Trưởng Lão Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp liền nhập định, như chỗ tâm khởi, đến phương đông, ở giữa hư không hiện bốn oai nghi: Đi, đứng, ngồi, nằm, trong thân xuất ra lửa.

Trưởng Lão xuất ra vô số ánh sáng: Xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, thủy tinh, hiện tướng thần thông dưới thân phun ra lửa, trên thân phun ra nước trong mát. Các phương Nam, Tây, Bắc, cũng hiện bày vô số thần thông biến hóa như vậy.

Sau đó, thâu tóm trở về, chắp tay đảnh lễ Đức Phật, thưa: Đức Phật là thầy của con, con là đệ tử của Đức Phật.

Tôn Giả nói ba lần như vậy.

Đúng vậy này Ca Diếp! Ta là thầy của ông, ông là đệ tử của ta.

Ca Diếp! Ông hãy ngồi đi.

Trưởng Lão Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp bèn trở về chỗ ngồi của mình.

Lúc đó Cư Sĩ Bà La Môn nước Ma Kiệt Đà đều nghĩ như vậy: Nhất định không phải Đại Sa Môn này theo Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp học đạo, mà là Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp theo Đại Sa Môn này học đạo.

Đức Phật Thế Tôn bảo Vua Tần Bà Sa La, nước Ma Kiệt Đà: Này Đại Vương! Sắc cũng sanh cũng diệt, sanh diệt này tương ưng, nên biết thức, tưởng,thọ, hành cũng sanh cũng diệt, sanh diệt này tương ưng.

Này Đại Vương! Sắc là pháp sanh diệt.

Này Thiện nam! Biết việc này rồi thì thức, tưởng,thọ, hành cũng là pháp sanh diệt.

Này Đại Vương! Thiện nam! Biết sắc không đắm trước, không chấp thủ, không an trụ, không hội nhập, chấp tưởng, thọ, hành là ngã.

Này Thiện nam! Biết như vậy thì không tham đắm, không chấp thủ, không an trụ, không hội nhập.

Này Đại Vương! Thiện nam! Chấp sắc là ngã, không tham đắm, không chấp thủ, không hội nhập, khởi tâm vô ngã, ta nói người này tức đạt được vô lượng vô biên giải thoát khỏi sanh tử.

Các Bà La Môn Cư Sĩ nước Ma Kiệt Đà đều nghĩ: Sắc không phải là ngã, thì thức, thọ, tưởng, hành cũng không phải là ngã, như vậy cái gì sẽ thành tự thể của ngã, nhân, chúng sanh, chủ thể làm, đối tượng làm, chủ thể khởi, đối tượng khởi chủ thể biết, đối tượng biết.

Những việc như trên tức không thể sanh, bất cứ ở mọi chỗ mọi nơi, đã tạo ra các nghiệp quả thiện hay ác thì ai sẽ thọ nhận ấm này, ai sẽ xả bỏ ấm này và ai sẽ thọ nhận ấm sau?

Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết được những suy nghĩ của các Bà La Môn Cư Sĩ nước Ma Kiệt Đà, nên bảo các Tỳ Kheo: Tự xưng có ngã đều là phàm phu ngu si, nghe theo lời nói của người khác, đều là không có ngã và ngã sở, vì khổ sanh nên sanh, vì khổ diệt nên diệt, vì hành sanh nên sanh, vì hành diệt nên diệt. Nương vào nhân duyên như vậy, chúng sanh sanh ra thân hành Như Lai biết chúng sanh nối tiếp nhau mà có sanh diệt.

Các Tỳ Kheo! Ta thấy tất cả là nhờ mắt thù thắng, thanh tịnh hơn hẳn mắt của loài người. Nếu chúng sanh sanh diệt theo sắc thiện, sắc ác, hoặc là tối thắng, hoặc là thấp hèn, hoặc sanh vào đường thiện, hoặc sanh vào đường ác, theo các pháp nghiệp như vậy, Ta đều biết như thật.

Các chúng sanh này đầy đủ nghiệp xấu ác của thân, nghiệp xấu ác của miệng, ý chê bai Thánh Hiền, đầy đủ pháp nghiệp nhân duyên của tà kiến, nên sau khi qua đời sẽ bị đọa nơi đường ác, đọa trong địa ngục.

Lại nữa, chúng sanh đầy đủ nghiệp thiện của thân, đầy đủ nghiệp thiện của miệng, ý không chê bai Thánh Hiền, vì chánh kiến nên tạo ra pháp nghiệp chánh kiến, nhờ nhân duyên này nên sau khi qua đời, liền được sanh nơi đường thiện, sanh lên Cõi Trời. Những điều như vậy Ta đều thấy biết.

Ta cũng không nói: Đây là ngã, đây là chúng sanh, đây là mạng sống, đây là người, đây là tạo tác, đây là sanh, đây là chủ thể sanh, chủ thể khởi, đối tượng khởi, chủ thể biết, đối tượng biết… những việc như trên là không sanh, không có. Sự thọ nhận nghiệp quả thiện ác đã tạo tác, ở mọi chỗ mọi nơi, bỏ ấm này theo ấm sau, là các pháp khác nhau, nương tựa nhau.

Các pháp nương tựa nhau là: Pháp này có nên pháp kia sanh. Như vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử, ưu, bi, khổ não, khởi lên đại khổ ấm tích tập như vậy.

Pháp này không nên pháp kia diệt vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão tử, ưu, bi, khổ não… diệt, các đại khổ ấm diệt như vậy.

Như vậy này các Tỳ Kheo! Pháp hữu vi đều là khổ, Niết Bàn là tịch diệt. Do tập nên khổ tích tập, nhờ diệt nên khổ trừ diệt. Đoạn vốn là không tương tục, không tương tục nên diệt. Cuối cùng được chấm dứt khổ như vậy.

Này Tỳ Kheo! Thế nào gọi là diệt?

Là cảnh giới Khổ đã chấm dứt, nên gọi là tịch diệt, tịch diệt cũng là đoạn tận. Đó là cảnh giới thanh tịnh tịch diệt. Nếu lìa tất cả các phiền lụy thì đoạn tận ái hết, lìa ham muốn, tức là Niết Bàn tịch diệt.

Bấy giờ Đức Thế Tôn lại bảo Vua Tần Bà Sa La nước Ma Kiệt Đà: Này Đại Vương! Sắc là thường hay vô thường?

Bạch Thế Tôn! Là vô thường.

Khổ là thường hay vô thường?

Bạch Thế Tôn! Khổ là vô thường.

Đối với pháp sanh diệt, các đệ tử Thanh Văn lại khởi tưởng như vậy: Ta chính là ngã, những vật của ta là ngã sở.

Điều này không đúng! Bạch Thế Tôn!

Này Đại Vương! Ý ông như thế nào?

Thức, thọ, tưởng, hành là thường hay vô thường?

Bạch Thế Tôn! Là vô thường.

Các khổ này là thường hay vô thường?

Khổ đều là vô thường.

Bạch Thế Tôn!

Đức Thế Tôn nói: Nếu các khổ này là vô thường tức là pháp sanh diệt.

Nhưng các đệ tử Thanh Văn lại khởi tưởng như vậy: Ta chính là ngã, những vật của ta là ngã sở. Việc này không đúng.

Bạch Thế Tôn! Theo những việc như vậy.

Này Đại Vương! Nếu có sắc nhỏ, quá khứ, vị lai, hiện tại. Hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc rộng lớn, hoặc nhỏ hẹp, hoặc tăng, hoặc giảm, hoặc gần, hoặc xa… tất cả những sắc này đều chẳng phải là ngã, ngã sở.

Do đó, nên dùng chánh trí quán sát đúng như thật như vậy: Nếu có thọ, nếu có tưởng, nếu có hành, nếu có thức quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc rộng lớn, hoặc nhỏ hẹp, hoặc tăng, hoặc giảm, hoặc gần, hoặc xa v.v… thì tất cả những pháp này đều chẳng phải là ngã, ngã sở.

Nếu dùng chánh trí quán sát đúng như thật như vậy: Đệ tử chân chánh như vậy, có tri kiến như vậy, nên nhàm chán sắc, thọ, tưởng, hành, thức v.v… cũng sanh khởi nhàm chán. Nhàm chán nên xa lìa chán lìa nên được giải thoát. Vì giải thoát nên được kiến tuệ, sự sống của ta đã hết, các lậu đã dứt, việc làm đã xong, không còn thọ thân đời sau.

Khi nghe Phật giảng nói các pháp như vậy, Vua Tần Bà Sa La nước Ma Kiệt Đà không còn các đắm nhiễm, xa lìa cấu uế, đối với các pháp, đạt được pháp nhãn thanh tịnh. Khi ấy, tám vạn chư thiên và vô lượng trăn ngàn Bà La Môn Cư Sĩ nước Ma Kiệt Đà đối với pháp cũng đạt được pháp nhãn thanh tịnh.

Vua Tần Bà Sa La nước Ma Kiệt Đà thấy pháp, đạt được pháp, hiểu rõ pháp, thể nhập pháp sâu xa, vượt qua tâm mong cầu, thoát được các lưới nghi, không theo lời người khác, lại càng không tin theo đạo khác, ở trong giáo pháp của Phật đạt được vô uý, nên từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa áo bày vai phải, chắp tay đảnh lễ Phật và thưa:

Kính bạch Thế Tôn! Con đã được độ thoát, hôm nay con xin quy y Thế Tôn và Tỳ Kheo Tăng, xin Đức Thế Tôn chấp nhận con làm Ưu Bà Tắc, từ nay cho đến suốt đời, con xin quy y, không sát sanh, các nghiệp luôn thanh tịnh.

Xin Đức Thế Tôn đến thành Vương Xá con xin được trọn đời cúng dường Đức Thế Tôn các vật cần dùng: Y phục, thức ăn uống, đồ nằm, thuốc thang. Xin Đức Thế Tôn và Tỳ Kheo Tăng đều nhận lời thỉnh mời của con.

Sau khi Vua Tần Bà Sa La nước Ma Kiệt Đà mời thỉnh, Đức Phật ngồi im lặng. Vua Tần Bà Sa La nước Ma Kiệt Đà đã biết Đức Phật im lặng nhận lời, liền cúi đầu đảnh lễ nơi chân Đức Phật, rồi từ tạ lui ra.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn hướng về thành ấy, lần lượt đi đến thành Vương Xá, ở trong vườn trúc Kha Lan Đà.

Lúc ấy, ở thành Vương Xá có một vị Đạo Sĩ tên là San Đồ Di, giáo hóa chưa lâu, số người tôn kính vị ấy làm theo để tu tập rất đông.

Vị này có hai người đệ tử thống lãnh đồ chúng: Một người tên là Ưu Bà Để Sa, một người tên là Cổ Lợi Đa.

Hai người đó cùng nhau giao ước với nhau: Nếu ai đạt được quả vị cam lồ tối thắng chắc chắn phải cùng nhau chia xẻ. Bấy giờ, Trưởng Lão A Thuyết Thị vào sáng sớm, ôm bình bát vào thành Vương Xá để khất thực.

Khi đó, Đạo Sĩ Ưu Ba Để Sa từ trong thành Vương Xá đi ra, trên đường đi có vài duyên sự, Đạo Sĩ Ưu Ba Để Sa từ xa nhìn thấy Trưởng Lão A Thuyết Thị, lòng rất vui mừng, trịnh trọng nhìn Trưởng Lão đang mặc y.

Thấy vậy Đạo Sĩ suy nghĩ: Trong thành Vương Xá này, những người xuất gia học đạo, không thấy có người nào oai nghi như thế.

Hôm nay ta nên thưa hỏi người xuất gia này: Ai là thầy ông?

Ông đã xuất gia ở đâu?

Ông theo học giáo pháp của ai?

Vì muốn thưa hỏi nên Đạo Sĩ đứng bên đường để đợi Trưởng Lão A Thuyết Thị đến.

Đạo Sĩ Ưu Ba Để Sa hỏi Trưởng Lão A Thuyết Thị: Thưa Tôn Giả!

Ai là thầy ông?

Ông xuất gia với ai?

Ông theo giáo pháp của ai?

Trưởng Lão nói: Sa Môn Cù Đàm cạo bỏ râu tóc, mặc áo hoại sắc, có lòng tin chân chánh, xả bỏ hữu vi, xuất gia học đạo, chứng đạo Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng, Đức Thế Tôn ấy là thầy của tôi, tôi xuất gia theo Ngài, tôi theo giáo pháp của Ngài.

Thưa Trưởng Lão! Xin Trưởng Lão giảng nói pháp ấy cho tôi được chăng?

Trưởng Lão A Thuyết Thị đáp: Tôi còn non kém, sở học cạn cợt nên chưa có thể giảng nói được pháp rộng lớn sâu xa của Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Hôm nay, tôi chỉ xin lược nói một vài ý nghĩa trong giáo pháp.

Xin giảng nói cho tôi, tôi chỉ cần nghĩa lý, không cần văn tự.

Lúc ấy, Trưởng Lão A Thuyết Thị nói kệ: 

Nếu pháp từ nhân sanh

Như Lai nói nhân ấy

Diệt các nhân như vậy

Đó là lời Phật dạy.

Khi Trưởng Lão nói các pháp như thế, Đạo Sĩ Ưu Ba Để Sa không còn đắm nhiễm, xa lìa được cấu uế, đối với pháp đạt được pháp nhãn thanh tịnh.

Lúc đó, Đạo Sĩ Ưu Ba Để Sa thấy được pháp rồi đạt được pháp, hiểu rõ pháp, thể nhập pháp sâu xa, vượt khỏi tâm mong cầu, vượt khỏi lưới nghi ngờ, không còn tin vào đạo người khác, không theo lời dạy khác.

Ở trong giáo pháp của Đức Thế Tôn, đạt được vô uý, bèn từ chỗ ngồi đứng dậy sửa áo bày vai phải, chắp tay hướng về Trưởng Lão A Thuyết Thị làm lễ và thưa: Giáo pháp sâu xa như vậy, Đức Thế Tôn đã giảng nói, không lay động, không sầu não, vô số na do tha kiếp, từ xưa đến nay tôi chưa từng thấy nghe.

Hôm nay Đức Thế Tôn đang ở đâu?

Ở tại khu vườn Trúc Kha Lan Đà, thuộc thành Vương Xá.

Bấy giờ, Đạo Sĩ Ưu Ba Để Sa nghe Trưởng Lão A Thuyết Thị nói xong, vô cùng vui mừng, cúi đầu đảnh lễ nơi chân Trưởng Lão A Thuyết Thị rồi đi.

Đạo Sĩ Ưu Ba Để Sa đến chỗ Đạo Sĩ Cổ Lợi Đa, Đạo Sĩ Cổ Lợi Đa từ xa trông thấy Đạo Sĩ Ưu Ba Để Sa, liền nói: Các căn của ông sao hân hoan đến như vậy, sắc mặt lại thanh tịnh, màu da trắng sáng, Trưởng Lão! Ông đã đạt được cam lồ phải không?

Nếu đúng như vậy, này Trưởng Lão! Xin hãy giảng nói pháp cho tôi.

Khi ấy, Đạo Sĩ Ưu Ba Để Sa nói kệ:

 Nếu pháp do nhân sanh

Như Lai nói nhân này

Diệt các nhân như thế

Đó là lời Phật dạy.

Trưởng Lão hãy nói lại một lần nữa cho tôi:

Nếu pháp do nhân sanh

Như Lai nói nhân này

Diệt các nhân như thế

Đó là lời Phật dạy.

Khi nghe nêu giảng các pháp như vậy, Đạo Sĩ Cổ Lợi Đa không còn đắm nhiễm, xa lìa cấu uế, đối với pháp đạt được pháp nhãn thanh tịnh.

Lúc này, Đạo Sĩ Cổ Lợi Đa thấy được pháp rồi đạt được pháp, hiểu rõ pháp, thể nhập pháp sâu xa, vượt khỏi tâm mong cầu, vượt khỏi lưới nghi ngờ, không còn tin vào đạo người khác, không theo lời dạy khác, ở trong giáo pháp của Đức Thế Tôn đạt được vô uý.

Nên từ chỗ ngồi đứng dậy sửa áo bày vai phải, chắp tay hướng về Ưu Ba Để Sa làm lễ và tôn trọng thưa: Đức Thế Tôn đã chỉ dạy giáo pháp sâu xa như vậy, đã giảng nói, không lay động, không sầu não, vô số na do tha kiếp từ xưa đến nay tôi chưa từng thấy nghe.

Hiện nay Đức Thế Tôn đang ở đâu?

Ở tại khu vườn Trúc ông Kha Lan Đà, thuộc thành Vương Xá. Chúng ta hãy cùng nhau đi đến chỗ Đức Thế Tôn, ở đấy để tu hành phạm hạnh, cũng nên đến chỗ đồ chúng của Ngài, đại chúng đó cũng có trí tuệ bằng chúng ta.

Bấy giờ, Đạo Sĩ Ưu Ba Để Sa và Cổ Lợi Đa bảo với các đệ tử Bà La Môn: Chúng tôi muốn đến chỗ Đức Thế Tôn tu hành phạm hạnh, hôm nay các ông thấy thế nào?

Đáp: Chúng con có được trí tuệ đều nhờ thầy dạy, nếu thầy nương theo Đức Thế Tôn tu hành phạm hạnh thì chúng con cũng theo thầy xuất gia.

Này Bà La Môn các ông! Nên biết, hôm nay chính là đúng thời.

Thế là Ưu Ba Để Sa, Cổ Lợi Đa cùng với hai trăm năm mươi quyến thuộc ra khỏi thành Vương Xá đi đến chỗ Đức Thế Tôn.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn đang vì vô số trăm ngàn chúng sanh giảng nói giáo pháp.

Đức Thế Tôn từ xa nhìn thấy hai Đạo Sĩ Ưu Ba Để Sa và Cổ Lợi Đa với hai trăm năm mươi người đi theo, liền bảo các Tỳ Kheo: Các Tỳ Kheo! Các vị hãy xem hai người bạn ấy, họ đều là người đứng đầu, thống lãnh đồ chúng đang đến nơi này.

Ưu Ba Để Sa và Cổ Lợi Đa theo Như Lai như vậy, sẽ thành hai đệ tử bậc nhất của Ta: Một người là thần thông bậc nhất, một người là trí tuệ bậc nhất.

Trong đại chúng có Tỳ Kheo nói kệ:

Thấy hai người này đến

Tên Ưu Ba Để Sa

Cùng với Cổ Lợi Đa

Chưa đến vườn Trúc này

Nay Thế Tôn thọ ký

Trí tuệ Phật vô biên

Các căn hơn người đời

Đầy đủ Ba La Mật.

Đức Thế Tôn là bậc tối thượng trong đời, hai vị ấy sẽ làm đệ tử lớn. Đức Thế Tôn đã thọ ký, một là thần thông bậc nhất, hai là trí tuệ bậc nhất.

Khi đó, Ưu Ba Để Sa và Cổ Lợi Đa đi đến chỗ Phật, đảnh lễ nơi chân Phật rồi ngồi qua một bên, bạch Phật: Chúng con nguyện được ở trong giáo pháp của Đức Thế Tôn xuất gia thọ giới Cụ Túc làm Tỳ Kheo, tu trì phạm hạnh. Như vậy là hai Đạo Sĩ ấy, đối với giáo pháp tự nhiên được xuất gia, thọ giới làm Tỳ Kheo.

Bấy giờ, các Tỳ Kheo vào buổi sáng, mặc y, mang bình bát vào thành Vương Xá để khất thực, dân chúng trong thành này thấy đồ chúng của Đạo Sĩ San Đồ Di xuất gia thọ giới, nên đối với các Tỳ Kheo, họ liền trách mắng, nói kệ: 

Phật đến thành Vương Xá

Thuộc nước Ma Kiệt Đà

Vì sao lại giáo hóa

Đồ chúng San Đồ Di.

Các Tỳ Kheo đều im lặng không đáp lại, vì chưa hiểu rõ lại không có biện tài. Các Tỳ Kheo cứ theo thứ lớp khất thực, thọ thực xong, liền trở về chỗ của mình cất y bát, rửa chân rồi đi đến chỗ Phật. Đến nơi, họ cúi đầu đảnh lễ, lui ngồi một bên.

Các Tỳ Kheo thưa Phật: Kính bạch Đức Thế Tôn! Chúng con cùng các Tỳ Kheo, vào buổi sáng, mặc y, mang bát vào thành Vương Xá để khất thực.

Lúc đó, dân chúng trong thành thấy đồ chúng của Đạo Sĩ San Đồ Di xuất gia thọ giới, liền nói kệ trách mắng: 

Phật đến thành Vương Xá

Thuộc nước Ma Kiệt Đà

Vì sao lại giáo hóa

Đồ chúng San Đồ Di.

Các Tỳ Kheo đều im lặng không đáp lại, vì chưa hiểu rõ và không có biện tài.

Đức Phật bảo:

Nếu dân chúng trong thành Vương Xá nói như vậy, các ông nên trả lời như vậy: 

Bậc Đại hùng cứu độ

Như Lai dùng chánh pháp

Pháp thiện dạy chúng sanh

Ai không biết mới trách.

Khi nói như vậy, mọi người trong thành Vương Xá sẽ im lặng không đáp, tức đều mất biện tài.

Các Tỳ Kheo vào sáng hôm sau, mặc y, mang bình bát vào thành Vương Xá khất thực, dân chúng trong thành Vương Xá thấy đồ chúng của Đạo Sĩ San Đồ Di hiện là Tỳ Kheo nên lại nói kệ trách mắng: 

Phật đến thành Vương Xá

Thuộc nước Ma Kiệt Đà

Vì sao lại giáo hóa

Đồ chúng San Đồ Di?

Lúc ấy, các Tỳ Kheo liền nói kệ đáp: 

Bậc Đại hùng cứu độ

Như Lai dùng chánh pháp

Pháp thiện dạy chúng sanh

Ai không biết mới trách.

Chư vị nói như vậy rồi, dân chúng trong thành Vương Xá liền im lặng không đáp tức mất hết biện tài.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Ngươi còn mặc y phục ngoại đạo, không nên độ họ xuất gia.

Đức Phật liền chế giới: Người mặc y phục ngoại đạo, không nên độ họ xuất gia.

Lúc đó, các Tỳ Kheo không biết thế nào là độ ngoại đạo xuất gia, liền đem việc này lên thưa Phật, Phật dạy: Vì vậy, Tỳ Kheo cần phải học hỏi.

Trong lúc ấy, có ngoại đạo thuộc họ Độc Tử ở thành Vương Xá, ngoại đạo Độc Tử bèn đi đến chỗ Đức Thế Tôn, thăm hỏi Phật rồi, nêu bày nhiều luận thuyết xong lui ra ngồi một bên.

Sau đó, ngoại đạo Độc Tử thưa Phật: Hôm nay, tôi muốn hỏi Sa Môn Cù Đàm một vài nghĩa lý, xin ngài chấp nhận giảng nói cho tôi. Đức Thế Tôn im lặng.

Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy, Đức Thế Tôn cũng im lặng.

Ngoại đạo Độc Tử lại thưa Phật: Tôi ở trong đêm tối đã lâu, thưa Thế Tôn Cù Đàm! Hôm nay, tôi xin hỏi một vài nghĩa lý, xin Ngài chấp nhận giảng nói cho tôi.

Lúc ấy, Đức Phật nghĩ: Ngoại đạo Độc Tử này, từ lâu không dua nịnh, không giả dối, tánh ngay thẳng, trong sạch, nếu thưa hỏi điều gì cũng là để hiểu rõ về nghĩa lý, chẳng phải là để làm não loạn ta. Ta nên theo như nghĩa bí mật của A Tỳ Đàm, nghĩa bí mật của Luật để giảng giải những điều nghi vấn ấy. Biết tâm niệm của ngoại đạo Độc Tử rồi.

Đức Phật nói: Này Độc Tử! Hãy hỏi tùy theo sở thích của ngươi.

Thưa Cù Đàm! Thiện, bất thiện là có hay là không?

Này Độc Tử! Có thiện có bất thiện.

Lành thay! Thưa Thế Tôn Cù Đàm! Xin giảng nói pháp thiện, pháp bất thiện cho tôi, khiến tôi nhận biết về pháp thiện pháp bất thiện.

Này Độc Tử! Ta sẽ giảng rõ về thiện ác cho ngươi.

Bây giờ sẽ lược nói, hãy lắng nghe: Dục nhiễm là ác, từ bỏ dục nhiễm là thiện. Sân si là ác, không sân si là thiện. Sát sanh là ác, không sát sanh là thiện. Trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói hai lưỡi, nói lời thô ác, nói thêu dệt, tham lam bỏn sẻn, tà kiến là ác, chánh kiến là thiện.

Này Độc Tử! Ta đã nói ba loại pháp thiện, ba loại pháp ác. Như vậy, nếu đệ tử của ta biết đúng như thật về ba loại ác, biết đúng như thật về ba loại thiện, mười loại ác, mười loại thiện, biết dục đã hết, sân đã hết, si đã hết.

Do dục hết, sân hết, si hết, các lậu hết thì được tâm vô lậu giải thoát, được trí giải thoát, tự nhiên thấy pháp, chứng đắc pháp, sự sanh đã hết, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã xong không còn thọ thân đời sau nữa.

Thưa Cù Đàm! Có một Tỳ Kheo nào đối với giáo pháp này, các lậu đã hết, đối với pháp vô lậu, tâm được giải thoát, như trên đã nói, mà không còn thọ đời sau không?

Này Độc Tử! Chẳng phải một Tỳ Kheo, chẳng phải hai, chẳng phải ba, chẳng phải năm cho đến một trăm mà vô số Tỳ Kheo như vậy, ở trong pháp này, các lậu đã dứt, đạt được vô lậu, như trước đã nói, không còn thọ đời sau nữa.

Thưa Cù Đàm! Như Tỳ Kheo, còn có một Tỳ Kheo Ni nào, ở trong giáo pháp này, các lậu đã dứt, đạt được vô lậu, tâm được giải thoát, như trước đã nói, không còn thọ đời sau nữa chăng?

Này Độc Tử! Chẳng phải một Tỳ Kheo Ni, chẳng phải hai, chẳng phải ba, chẳng phải năm cho đến một trăm, mà là vô lượng Tỳ Kheo Ni như vậy, ở trong pháp này, dứt sạch các lậu, đạt được vô lậu, tâm được giải thoát, như trước đã nói, không còn thọ đời sau nữa.

 Thưa Cù Đàm! Như Tỳ Kheo Ni, còn có Ưu Bà Tắc ở trong giáo pháp này, tu hành phạm hạnh, vượt khỏi sự mong cầu, vượt khỏi lưới nghi chăng?

Này Độc Tử! Chẳng phải một Ưu Bà Tắc, chẳng phải hai, chẳng phải ba, chẳng phải năm cho đến một trăm, mà là vô lượng Ưu Bà Tắc, ở trong giáo pháp này, đối với năm loại trói buộc khác nhau đều được giải thoát, hóa sanh, liền ở trong Niết Bàn, không còn thối lui, theo đúng lẽ sẽ không trở lại cõi này.

***