Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Phật Bát Nê Hoàn

PHẬT THUYẾT

KINH PHẬT BÁT NÊ HOÀN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bạch Pháp Tổ, Đời Tây Tấn
 

PHẦN MỘT
 

Nghe như vậy!

Một thời Phật ở trong núi Diêu Sơn, nước Vương Xá cùng với một nghìn hai trăm năm mươi Tỳ Kheo. Bấy giờ Vua nước Ma Kiệt tên là A Xà Thế, không hài lòng với nước Việt Kỳ, muốn đem quân sang chinh phạt.

Nhà Vua triệu tập quần thần để cùng nhau nghị luận: Nước Việt Kỳ giàu có, nhân dân đông đúc, sản xuất nhiều châu báu, không chịu thần phục ta, vậy hãy đem binh chinh phạt nước ấy. Trong nước có một Hiền Thần tên là Vũ Xá thuộc dòng dõi Thệ Tâm.

Ông Vũ Xá tâu: Xin tuân lệnh!

Vua bảo Vũ Xá: Đức Phật ở cách đây không xa.

Hãy đem lời của ta đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Ngài, hỏi thăm sức khỏe Ngài, thân thể có bình an không?

Ăn uống có bình thường không?

Hỏi thăm và đảnh lễ Đức Phật xong, hãy đem ý của ta mà bạch Ngài, Việt Kỳ nước lớn, khi dễ Vua. Nhà Vua muốn đem quân sang chinh phạt.

Vậy có thể đắc thắng không?

Ông Vũ Xá nhận lệnh Vua, liền chuẩn bị năm trăm cỗ xe, hai ngàn người cỡi ngựa, hai ngàn người đi bộ, đến nước Vương Xá. Tới con đường đi bộ liền xuống xe, đến trước Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Ngài.

Đức Phật chỉ cái ghế bảo ông ngồi, rồi hỏi: Thừa Tướng từ đâu đến đây?

Ông thưa: Nhà Vua bảo con đến đây, lạy dưới chân Đức Phật, hỏi thăm sức khỏe của Ngài, thân thể có bình an không, ăn uống có bình thường không?

Đức Phật liền hỏi: Nhà Vua và nhân dân trong nước có an hòa không?

Được mùa hay mất mùa?

Ông thưa: Nhờ ơn Đức Phật nên tất cả đều được bình an, hòa thuận, mưa gió đúng thời, nước nhà giàu có.

Đức Phật bảo: Ông đi đường, người ngựa đều bình an không?

Ông thưa: Nhờ ơn Đức Phật, tất cả đi đường đều bình an không có gì xảy ra.

Rồi ông bạch Phật: Nhà Vua và nước Việt Kỳ có sự hiềm khích nên nhà Vua muốn đem quân chinh phạt, tiêu diệt nước đó.

Vậy ý Phật như thế nào?

Có thể thắng được không?

Đức Phật dạy: Nhân dân nước Việt Kỳ nếu thọ trì bảy pháp này, nhà Vua không thể chiến thắng được. Nếu không thọ trì bảy pháp này, nhà Vua có thể chiến thắng được.

Đức Phật dạy: Ngày trước ta từng đến nước Việt Kỳ. Nước này có Thần Xá Cấp Tật, thỉnh thoảng ta dừng chân trong ấy.

Các Trưởng Lão trong nước Việt Kỳ đều đến nói với ta: Vua A Xà Thế muốn đến chinh phạt nước chúng con. Vậy chúng con phải phòng thủ nước thật cẩn thận.

Đức Phật nói: Ta liền bảo các trưởng lão chớ có sầu lo, chớ có sợ sệt. Nếu thọ trì bảy pháp sau đây Vua A Xà Thế có đến cũng không thể chiến thắng được các ngươi.

Vũ Xá hỏi Đức Phật: Bảy pháp đó là những gì?

Khi ấy Đức Phật đang ngồi, Tôn Giả A Nan đứng quạt hầu phía sau, Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Ngươi có nghe người nước Việt Kỳ thường cùng nhau tụ hội, giảng giải, luận bàn về chính sự, tu chỉnh, dự bị để tự phòng thủ không?

A Nan thưa: Con có nghe họ thường cùng nhau tụ hội, giảng giải, luận bàn về chính sự, tu chỉnh, dự bị để tự phòng thủ.

Đức Phật dạy: Như vậy nước ấy không thể suy thối được.

Ngươi có nghe Vua tôi nước Việt Kỳ, thường hòa thuận, quan lại trung lương giúp đỡ lẫn nhau không?

Thưa: Con có nghe ở nước ấy Vua tôi thường hòa thuận, quan lại trung lương, giúp đỡ lẫn nhau.

Ngươi có nghe dân chúng nước Việt Kỳ cùng nhau tôn trọng luật pháp, hiểu rõ điều quốc cấm, không dám trái phạm không?

Thưa: Con có nghe dân chúng nước ấy cùng nhau tôn trọng luật pháp, hiểu rõ điều quốc cấm, không dám trái phạm.

Ngươi có nghe dân chúng nước Việt Kỳ kính cẩn lễ hóa, nam nữ sống riêng biệt, lớn nhỏ thờ kính lẫn nhau không?

Thưa: Con có nghe dân chúng nước Việt Kỳ kính cẩn lễ hóa, nam nữ sống riêng biệt, lớn nhỏ thờ kính lẫn nhau.

Ngươi có nghe dân chúng nước Việt Kỳ hiếu thảo với cha mẹ, tôn kính Sư Trưởng, nghe lời dạy bảo không?

Thưa: Con có nghe rằng dân chúng nước ấy hiếu thuận cha mẹ, tôn kính Sư Trưởng, nghe lời dạy bảo.

Ngươi có nghe dân chúng nước Việt Kỳ tôn trọng đất Trời, kính sợ xã tắc, phụng sự bốn mùa không?

Thưa: Con có nghe dân chúng nước Việt Kỳ tôn trọng đất Trời, kính sợ xã tắc, phụng sự bốn mùa.

Ngươi có nghe dân chúng nước Việt Kỳ tôn thờ đạo đức, có các Sa Môn, những vị ứng chân ở trong nước hoặc từ các nơi đến, thì được cúng dường áo quần, giường nằm, ngọa cụ và thuốc men không?

Thưa: Con có nghe dân chúng nước ấy tôn thờ đạo đức, có các Sa Môn, những vị ứng chân ở trong nước hoặc từ các nơi đến, thì được cúng dường quần áo, giường nằm, ngọa cụ và thuốc men.

Đức Phật dạy: Hễ nước nào thực hành bảy pháp này, khó có thể làm cho nguy hại được.

Vũ Xá thưa: Giả sử nước Việt Kỳ chỉ thực hành một pháp thôi, còn không thể công phạt nổi, huống chi là thực hành bảy pháp.

Rồi ông bạch Phật: Vì việc nước quá đa đoan, vậy con xin kiếu từ Thế Tôn.

Phật dạy: Ông nên biết thời. Vũ Xá liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Đức Phật rồi lui ra.

Ông đi chưa bao lâu, Đức Phật bảo A Nan: Hãy đến trong Diêu Sơn gọi tất cả các Tỳ Kheo Tăng tập họp tại giảng đường.

A Nan liền vâng lời dạy, đến Diêu Sơn bảo các Tỳ Kheo Tăng: Đức Phật cho gọi các Tỳ Kheo.

Các Tỳ Kheo đều đến đảnh lễ Đức Phật, Đức Phật liền đi trước, vào trong giảng đường, tất cả đều trải tòa rồi ngồi.

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Hãy thọ trì bảy giới pháp.

Những gì là bảy?

Tỳ Kheo nên thường xuyên cùng nhau tụ tập để tụng đọc Kinh Điển thì chánh pháp được lâu dài. Lúc ngồi, lúc đứng, trên dưới vâng thuận lẫn nhau, thì chánh pháp được lâu dài. Khi ngồi, khi đứng không được nghĩ đến nhà cửa, vợ con, thì chánh pháp được lâu dài.

Hoặc trong hốc núi, hoặc ở rừng sâu, dưới bóng cây, nơi gò mả, phải tự suy tư về năm điều hủy diệt, thì chánh pháp được lâu dài. Người học đạo tuổi nhỏ, trước phải hỏi các Tỳ Kheo trưởng lão, kính nể, thừa sự, học hỏi không mệt mỏi, thì chánh pháp được lâu dài.

Trong tâm phải vâng giữ pháp, kính sợ Kinh giới, thì chánh pháp được lâu dài. Gìn giữ hai trăm năm mươi giới, cứu cánh đắc đạo A La Hán. Ai muốn đến học hỏi thì đừng từ chối. Các bạn đồng tu thì giúp đỡ lẫn nhau.

 Người mới đến thì chia xẻ dùng chung áo, chăn, ẩm thực. Bệnh hoạn ốm yếu phải chăm sóc cho nhau. Tỳ Kheo trì bảy pháp này thì chánh pháp được lâu dài.

Lại có bảy pháp, hãy lắng nghe. Các Tỳ Kheo vâng lời lắng nghe. Tỳ Kheo không được ham nằm. Khi nằm không được nghĩ đến chuyện khác, thì chánh pháp được lâu dài.

Thích giữ sự thanh tịnh, không thích pháp hữu vi, thì chánh pháp được lâu dài. Ưa ngồi chung với người hiền, giữ hạnh nhẫn nhục, cẩn thận không tranh tụng, thì chánh pháp được lâu dài. Không được mong người đến lễ kính. Giảng Kinh cho người không được coi đó là điều ân huệ, thì chánh pháp được lâu dài.

Hiểu được chút đạo, hay có tài năng chớ tự kiêu mạn, thì chánh pháp được lâu dài. Không được nghĩ đến các dục tình, tâm không bị tác động bởi hành nghiệp hữu dư, thì chánh pháp được lâu dài. Không tham lợi dưỡng, thường ưa ở ẩn, lấy cỏ rơm làm giường.

Tỳ Kheo giữ như vậy thì chánh pháp được lâu dài. Lại có bảy pháp, các ngươi hãy lắng nghe.

Các Tỳ Kheo nói: Kính vâng lời dạy. Có người bố thí tài vật cho người khác, không vì thế khởi tâm oán hận, thì chánh pháp được lâu dài. Phải biết xấu hổ thì chánh pháp được lâu dài.

Không biếng nhác đối với Kinh giới thì chánh pháp được lâu dài. Khi đứng, hay ngồi tâm không quên Kinh Pháp thì chánh pháp được lâu dài.

Lúc ngồi, hay đứng không nhàm chán khổ thì chánh pháp được lâu dài. Lúc ngồi, hay đứng đều hiểu rõ Kinh Pháp thì chánh pháp được lâu dài. Khi đọc, học Kinh Điển nên đọc lấy nghĩa sâu của nó, thì chánh pháp được lâu dài.

Lại có bảy pháp: Lúc Phật ở thế gian làm thầy các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo cung kính giới cấm của Phật dạy, thọ trì giới pháp, luôn luôn nhớ ơn thầy, trì giới pháp của thầy, thì chánh pháp được lâu dài.

Chưa đạt được đạo bậc thấp, hãy tùy theo Phật Pháp mà ước thúc thì chánh pháp được lâu dài. Cung kính Tỳ Kheo Tăng, thọ nhận lời giáo giới của các Ngài, phải cung kính, thừa sự, không có nhàm chán, thì chánh pháp được lâu dài. Tôn trọng người giữ giới, hay nhẫn nhục, thì chánh pháp được lâu dài.

Tùy thuận Kinh giới, tâm không tham ái, phải nghĩ mạng người là vô thường, thì chánh pháp được lâu dài. Ban ngày không được ham ăn uống, ban đêm nằm ngủ nghỉ không được ham giường tốt, thì chánh pháp được lâu dài. Tự mình thường xuyên tư duy, thế gian là rối loạn, tâm niệm không biếng trễ, không theo ác tâm, không theo tâm tà. Lúc tâm tà đến phải tự kiềm chế, không để bị chi phối, hãy giữ tâm đoan chánh.

Người thế gian bị tâm lừa dối, Tỳ Kheo chớ có dua theo tâm của người ngu trong thiên hạ. Thọ trì bảy pháp này thì chánh pháp được lâu dài.

Lại có bảy pháp.

Chúng Tỳ Kheo đáp: Kính vâng lời dạy.

Tỳ Kheo hãy quý trọng Kinh như người ngu quý trọng châu báu, và xem Kinh như cha mẹ vì Kinh là cha mẹ sinh ra ta. Người ta sống có một đời nhưng Kinh Điển độ thoát vô số đời, khiến cho người được đạo Nê Hoàn. Do vậy mà chánh pháp được lâu dài.

Không được ham chuộng mùi vị ăn uống, không được ăn nhiều, ăn nhiều làm người ta sanh bệnh, ăn ít thì bị đói, ăn vừa no thì thôi. Không được tham đắm thức ăn, thì chánh pháp được lâu dài. Nên xem thân như đất, ban ngày ưu tư về sự chết, không thích ở trong đường sanh tử.

Đời sống có nhiều ưu lo: Lo cho cha mẹ, anh em, vợ con, thân thuộc, nô tỳ, quen biết, súc sanh, ruộng nhà. Những ưu tư như vậy đều là ưu tư của kẻ ngu si. Như người có tội bị quan bắt giữ, tuy có những người thân thuộc cũng không thể nhờ cậy được. Bằng sự ô uế ấy, so sánh thân này với đất, đơn độc đến, đơn độc đi. Hãy ganh đua với thân này, thì chánh pháp được lâu dài.

Tinh tấn siêng tu, đoan nghiêm nơi thân, khẩu, ý, hành động không lỗi lầm, giữ đạo không cho là khó khăn, thì chánh pháp được lâu dài.

Lo sợ mà hàng phục tâm ý, không nghe theo sáu tình, kiềm chế dâm, nộ, si, không có tà hạnh, thì chánh pháp được lâu dài. Ngồi giữa chúng hội mà không thấy xấu hổ với chúng hội, được người đời kính trọng. Nhờ tâm đoan chánh, thanh tịnh nên không sợ sệt, giữ đạo không làm điều tà vạy.

Như có người bị người khác vu cáo, quan bắt giữ. Tuy bị quan cầm giữ nhưng người ấy không sợ, vì không có phạm tội. Trì giới thanh tịnh, sợ giới ngữ của Phật, ngồi ở trong đại chúng mà không lo sợ vì tâm thanh tịnh. Nhờ vậy mà chánh pháp được lâu dài.

Thận trọng không kiêu mạn, theo người trí tuệ thọ trì Kinh giới. Thấy người ngu si nên dạy giới Kinh cho họ. Tỳ Kheo trì bảy pháp này thì chánh pháp được trụ thế lâu dài.

Lại có bảy pháp.

Các Tỳ Kheo đáp: Kính vâng lời dạy.

Tỳ Kheo phải thường niệm Kinh, xả bỏ tánh tham dâm, thường nghĩ đến con đường giải thoát khỏi thế gian. Phải tự tư duy về thân thể thì chánh pháp được lâu dài. Luôn luôn thọ trì Kinh của Phật dạy, giữ mãi trong tâm. Đã giữ trong tâm rồi hãy khiến tâm mình luôn đoan chánh, bỏ tâm xấu, giữ tâm tốt.

Giống như áo của người ta có nhiều cáu bẩn, dùng nước tro tẩy giặt hai ba lần, làm cho tất cả cáu bẩn sạch hết. Nhớ nghĩ lời Phật dạy, phải trì giới, bỏ ác theo thiện thì chánh pháp được lâu dài. Hãy khuất phục tâm, không nên thuận theo tâm. Tâm hướng tới dâm, nộ, si thì đừng nghe theo. Thường tự cấm chế tâm mình, không được theo tâm.

Như người tòng quân, kẻ mạnh thì dẫn đầu mọi người, làm quân tiền phong, khó mà quay lui. Nếu có ý hối muốn thối lui liền thấy xấu hổ với người ở sau mình. Người đã thọ tịnh giới phải nên giữ tâm đoan chánh, ý ngay thẳng, hãy đứng trước mọi người, chớ có đứng sau, vị ấy có thể đắc đạo trước tiên. Như vậy thì chánh pháp được lâu dài.

Nên biết chỗ thâm nhập của đạo hạnh mình nhiều hay ít, sâu hay cạn, thành thục tâm chí ban đầu. Hãy nên càng ngày càng vui với Kinh Giáo. Không sợ khổ, không kén thức ăn, không chọn giường nằm. Hãy lấy đạo, tự khuyến khích mình và tự ưa thích, nhờ đó chánh pháp được lâu dài.

Nên tôn kính người đồng học, hãy xem bạn đồng học như anh em. Hãy đoan chánh cả trong, ngoài. Bên ngoài là lỗi của thân, miệng, bên trong là lỗi của tâm. Hãy suy tư về hai việc này thì chánh pháp được lâu dài.

Lúc ngồi hãy tự suy nghĩ: Chín lỗ bài tiết dẫy đầy chất dơ. Một lỗ đóng vai chủ bên trong, chín lỗ đều bài tiết đồ bất tịnh. Đói, no, nóng, lạnh đều làm cho ta đau khổ cùng cực. Thân thể khó làm cho thích nghi, đều là bất tịnh.

Bên trong chứa đồ bất tịnh. Gió nóng, gió lạnh hiện ra bên ngoài. Đều là bất tịnh mà tự che đậy. Lỗ mũi hiện ra sự lạnh nóng thì trong tâm đều không hoan hỷ. Nếu có mùi hôi thối cũng không ghét, không mừng. Tỳ Kheo nên giữ tâm đoan chánh trong và ngoài như vậy thì chánh pháp được lâu dài.

Hãy quán xem những người trong thiên hạ, Vua chúa cũng chết. Kẻ nghèo, người giàu, kẻ sang người hèn không ai thoát khỏi cái chết, đồng ở trong con đường sống chết như nhau. Như người nằm mộng thấy nhà đẹp, vườn xinh, giàu sang sung sướng, đến lúc tỉnh giấc thì chẳng thấy gì cả. Những sự giàu, nghèo, sang, hèn ở thế gian cũng như người nằm mộng.

Hãy tự suy tư về thế gian, ví như người chiêm bao mà thôi. Tỳ Kheo thọ trì bảy pháp này, tư duy không quên thì chánh pháp được lâu dài.

Lại có bảy pháp: Tỳ Kheo Tăng phải có tâm từ đối với mọi người, có tâm từ đối với Đức Phật. Người ta chửi mắng thì không chửi mắng lại, không sân hận. Hãy giữ tâm từ đối với mọi người. Ví như người ở trong tù thường có lòng từ đối với nhau. Người ta ở trên thế gian cũng nên bằng từ mà chiếu cố cho nhau.

Tỳ Kheo hãy giữ tâm, bị người chửi mắng mà không giận, bình thản không mừng rỡ, sanh tâm như vậy, khả dĩ không lo lắng, do đó không tranh chấp với người thế gian. Thí như con trâu cái ăn cỏ non thì sanh ra sữa, từ sữa tạo ra lạc, từ lạc tạo ra tô, từ tô thành đề hồ. Hãy giữ tâm như đề hồ mà phụng trì giới pháp của Phật, có thể được tồn tại lâu dài.

Lưỡi không nói dối. Lời nói không làm thương tổn người khác. Ý và lưỡi phải đoan chánh. Lưỡi không đoan chánh khiến người ta không thể đắc đạo. Do lưỡi đưa đến việc dao gậy hoặc đưa đến sự tàn diệt.

Cho nên người học đạo phải luôn luôn nói lời đoan chánh thì chánh pháp được lâu dài. Hãy giữ tâm mình được đoan chánh, chớ có nghĩ ác, chớ nghĩ đến dâm. Nếu có tâm dâm dục thì không thành đạo A La Hán. Ban đêm nằm ngủ mà tâm dâm dục muốn khởi lên thì hãy nghĩ đến sự nhơ nhớp của người nữ, ý dâm liền được loại bỏ.

Khi tâm sân hận khởi lên, hãy nghĩ: Con người sống trên mặt đất này có bao lâu đâu. Làm như vậy thì chánh pháp được lâu dài.

Nếu có người mời Tỳ Kheo thọ trai, những người khác không được thì nghĩ rằng: Chỉ có Tỳ Kheo này được mời, còn ta thì không. Chớ có những ý nghĩ như vậy. Có Tỳ Kheo bệnh, có người mang thuốc đến cho.

Những Tỳ Kheo khác không được như vậy, bèn nghĩ: Chỉ chăm sóc người kia mà không chăm sóc mình.  Chớ có ý nghĩ như vậy.

Có ngươi mang y phục đến cho Tỳ Kheo, những người khác không được, không nên nghĩ: Riêng ta thì không được, sao lại phải đi xin mới có?

Khi tín thí bỏ đồ ăn vào trong bát, không được nói nhiều hay ít. Giữ tâm như vậy thì chánh pháp được tồn tại lâu dài. Hãy thọ trì giới pháp, thận trọng giới pháp. Nếu đối với giới pháp mà không biết thì nên hỏi vị Tỳ Kheo biết giới. Hãy niệm Phật, niệm pháp và niệm Tỳ Kheo Tăng không phút nào nghỉ.

Cung kính thừa sự lẫn nhau. Nếu trong y phục có chí rận nên khởi lòng thương đối với chúng, như vậy thì chánh pháp được tồn tại lâu dài.

Lúc thấy người chết, ta nói: Người này đã chết, mà không biết Kinh đạo, cả nhà khóc lóc, các thân thuộc tri thức đều không biết người chết ấy đi về đâu, nhưng Tỳ Kheo đã đắc đạo có thể biết người chết ấy, thần thức đi về đâu.

Đối với Kinh Điển thì cần phải đọc, đối với đạo thì cần phải học. Con đường tắt trong thiên hạ thì nhiều, nhưng đường của Vua là lớn nhất. Phật Đạo cũng thế, là đạo tối thượng.

Giống như vài chục người, ai ai cũng cầm cung tên bắn vào ụ đất để tập bắn. Có người bắn trúng trước, có người bắn trúng sau. Cứ bắn liên tục, sẽ có mũi tên trúng ngay giữa ụ đất.

Người thực hành Kinh Đạo của Phật cũng giống như thế, chớ biếng nhác, chớ suy nghĩ rằng người trước đã đắc đạo, nay ta không đắc đạo. Không được có sự hối tiếc này. Giống như người bắn tên không dừng nghỉ rồi được trúng đích. Hành đạo Tỳ Kheo không ngừng, thì chánh pháp được tồn tại lâu dài.

Khi đi, khi đứng phải luôn tôn trọng, cúng dường Kinh Phật. Hãy đọc tụng và tư duy về nghĩa Kinh. Tỳ Kheo, Thanh Tín Sĩ, và Thanh Tín Nữ thực hành bảy pháp như vậy thì chánh pháp được tồn tại lâu dài.

Phụng trì bảy bảy bốn mươi chín pháp này, như nước từ trên Trời đổ xuống, nước của khe nhỏ chảy vào khe lớn, nước của khe lớn chảy vào sông, nước của sông chảy vào biển. Tỳ Kheo hãy như dòng nước chảy vào biển. Hành đạo không bao giờ dừng nghỉ sẽ được đạo quả A La Hán.

Đức Phật từ thành Vương Xá bảo A Nan: Chúng ta hãy đến xóm Ba Lân.

Tôn Giả A Nan thưa: Dạ. Rồi từ nước Ma Kiệt Đà, đi chưa tới xóm Ba Lân, giữa đường là xóm La Trí, ở đó Đức Phật bảo các Tỳ Kheo Tăng hãy lắng nghe, các Tỳ Kheo vâng lời dạy.

Đức Phật bảo: Trong thiên hạ có bốn sự thống khổ, Đức Phật biết rõ nhưng con người lại không biết. Do con người không biết cho nên cứ bị sanh tử mãi không lúc nào dừng nghỉ.

Những gì là bốn?

Đó là, sanh là thống khổ, già là thống khổ, bệnh là thống khổ, chết là thống khổ. Vì con người không biết suy tư để chấp nhận bốn sự thống khổ này một cách dũng mãnh nên mới chịu sự sanh tử mãi mãi không bao giờ dừng nghỉ. Đức Phật vì vậy nêu lên bốn sự thống khổ này cho mọi người biết.

Tuy có cha mẹ, vợ con, nhưng đều sẽ bị biệt ly, cùng nhau lo buồn, khóc lóc không thôi. Những việc xấu xa hằng ngày hiện ra ngay trước mắt. Do đó Đức Phật công bố giáo pháp để dứt trừ bốn sự thống khổ, phụng trì tám giới, thân này đáng nhàm chán.

Đức Phật dạy: 

Một là họ lãnh lời Phật dạy.

Hai, xa lìa ái dục, đến với đạo không có ham tranh cãi.

Ba, không nói dối, nói thêu dệt, nói hai lưỡi và nói lời độc ác.

Bốn, không được sát sanh, trộm cắp, xâm phạm phụ nữ của người khác.

Năm, không được ganh tị, sân hận và ngu si.

Sáu, khi ngồi, tự mình tư duy về bốn sự thống khổ ở trong tâm.

Bảy, nghĩ tưởng thân thể đều là nhơ nhớp. Tám, quán sự sanh tử, thân này rồi sẽ trở thành đất.

Đức Phật cũng nghĩ về sự hiện hữu của bốn thống khổ và sự ra đi của chúng. Đức Phật cũng đã nói tám giới này và Phật cũng sẽ nói về tám giới. Hãy suy niệm ý nghĩa sâu xa của Kinh Phật.

Các Tỳ Kheo nếu có nghĩ tưởng về cha mẹ, vợ con, nghĩ về sự sanh hoạt của thế gian thì không thể đạt được đạo giải thoát khỏi thế gian.

Nếu ưa thích thế gian thì tâm không ưa thích đạo. Đạo từ tâm mà có, chánh tâm mới có thể đắc đạo. Có chút chánh tâm thì có thể sanh lên Cõi Trời. Hiểu Kinh Pháp có thể được làm người. Hãy đoạn trừ con đường địa ngục, súc sanh và ngạ quỷ. Đức Phật vì thiên hạ mà sửa trị con đường sanh tử. Các Tỳ Kheo hãy nên suy tư về việc này.

Đức Phật từ xóm La trí bảo Tôn Giả A Nan cùng đi đến xóm Ba Lân.

A Nan thưa: Dạ vâng.

Liền đi theo sau Đức Phật. Bấy giờ Tỳ Kheo Tăng có một ngàn hai trăm năm mươi vị. Đức Phật đi đến xóm Ba Lân, ngồi bên gốc cây.

Quỷ Thần của xứ Ba Lân liền báo cho cư sĩ biết, tất cả đều mang hoặc ghế, nệm lông, đèn đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ trước Đức Phật rồi ngồi qua một bên.

Đức Phật bảo các Cư Sĩ: Con người ở thế gian, những ai tham dục, tự mình buông lung, thì có năm điều xấu ác.

Những gì là năm?

Một, tài sản ngày một hao mòn.

Hai, không biết ý đạo.

Ba, mọi người không kính nể. Lúc chết bị hối hận.

Bốn, tiếng xấu đồn khắp, thiên hạ đều nghe.

Năm, lúc chết đọa vào địa ngục, trong ba đường ác.

Nếu ai có thể hàng phục tâm mình, tự mình không buông lung, thì có năm điều lành.

Những gì là năm?

Một, tài sản ngày một Tăng.

Hai, có đạo hạnh.

Ba, mọi người kính nể, lúc chết không hối hận.

Bốn, tiếng tốt đồn khắp ai cũng nghe.

Năm, lúc chết được sanh đến cõi trên, đầy đủ phước đức.

Tự mình không buông lung có năm điều lành như vậy, các ngươi hãy tự mình suy tư về việc ấy.

Đức Phật thuyết pháp cho cho các gia chủ cư sĩ, tất cả đều hoan hỷ, lạy Phật rồi đi. Đức Phật đi đến xóm A Vệ, ngồi bên một gốc cây, dùng đạo nhãn thấy Chư Thiên trên Trời sai các Thần hiền thiện bảo hộ vùng đất này.

Đức Phật từ chỗ ngồi đứng dậy, ra khỏi xóm A Vệ, lại ngồi xuống một chỗ khác. Hiền Giả A Nan sửa lại y phục ngay thẳng, từ chỗ ngồi đứng dậy, lạy Phật xong đứng qua một bên.

Đức Phật hỏi A Nan: Ai tính toán ở xóm Ba lân này xây dựng thành quách?

Thưa: Ông đại thần Vũ Xá nước Ma Kiệt xây dựng thành này nhằm ngăn chận quân nước Việt Kỳ.

Đức Phật nói: Lành thay! Này A Nan, ông Vũ Xá là người hiền mới biết mưu kế ấy. Ta thấy các vị Trời thần diệu ở trên Cõi Trời Đao Lợi đều hộ trì đất này. Ai có đất đai mà được Chư Thiên trên Trời hộ trì, vùng đất ấy chắc chắn sẽ được an ổn, giàu có. Lại nữa, vùng đất này là trung tâm của Trời.

Vị Trời làm chủ bốn phân dã này tên là Nhân Ý. Nước nào được Nhân Ý hộ trì, nước ấy càng lâu bền, lại càng hưng thịnh. Nước đó chắc chắn có nhiều bậc Thánh Hiền, mưu trí mà các nước khác không thể bì kịp, cũng không thể phá hoại được.

Thành Ba lân này sẽ bị phá hoại bởi ba việc:

Một, lửa lớn.

Hai, nước lớn.

Ba, người trong và ngoài thành thông mưu với nhau. Đại Thần Vũ Xá nghe Đức Phật cùng chúng Tỳ Kheo từ nước Ma Kiệt du hành đến đây, bèn nương uy của Vua, trang nghiêm năm trăm cỗ xe mà ra khỏi xóm Ba Lân, đi đến chỗ Đức Phật.

Đến phía trước đảnh lễ rồi ngồi qua một bên, bạch Phật: Ngày mai mong Ngài cùng đông đủ Tỳ Kheo đến nhà con để dùng bữa ăn nhỏ. Đức Phật yên lặng không trả lời. Ông Vũ Xá nói như vậy đến ba lần. Sự yên lặng trong Phật Pháp tức là nhận lời. Vũ Xá liền trở về nhà sửa soạn, đặt bày giường ghế, thắp đèn dầu, đồ ăn thức uống đầy đủ để đón rước Đức Phật và các Tỳ Kheo Tăng.

Sáng mai, Vũ Xá đến thỉnh Phật. Bấy giờ Đức Phật cùng đông đủ một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ Kheo Tăng đi đến.

Ăn uống xong, Đức Phật liền chú nguyện: Mong tín chủ được đắc đạo, không ham thích địa vị quốc công. Tuy đời này không thể từ bỏ quan lại, nhưng nay tín chủ cúng cơm cho Phật và Tỳ Kheo Tăng, mong cho đời sau được thoát khỏi việc quan lại.

Thế gian có người sáng suốt nên cúng thức ăn cho đạo nhân hiền thiện, đạo nhân chú nguyện, nếu không bỏ được tâm muốn làm quan, thì quan không nên có tâm tham lam, tâm khốc hại, tâm cầu cạnh, tâm ham thích dục lạc, tâm khuyên làm điều ác.

Bỏ năm tâm này, người giữ việc triều chính có thể sẽ không có lỗi. Sau khi chết có thể trừ được tội ác nơi địa ngục. Này Vũ Xá, hãy tự suy nghĩ lấy.

Ông thưa: Dạ, con xin thọ giáo. Đức Phật và các Tỳ Kheo Tăng đều đứng dậy ra đi. Đức Phật đi ra cửa thành, Vũ Xá liền đi theo sau Phật quan sát xem Đức Phật đi ra cửa thành nào để đặt tên cửa thành ấy là Phật thành môn.

Còn cái khe nước nhỏ mà Đức Phật đi qua thì gọi là Phật khê. Đức Phật đi đến bên bờ sông. Bấy giờ dân chúng nhiều người muốn qua sông. Có người dùng thuyền lớn, có người dùng thuyền nhỏ, có người dùng bè tre để vượt qua.

Đức Phật ngồi suy nghĩ: Lúc ta chưa thành Phật, qua sông này, cỡi lên bè tre để đi qua. Nay thân ta không còn cỡi lên bè tre để qua sông.

Đức Phật lại tự nghĩ: Ta là thầy đưa đò người, đưa người vượt qua nẻo đường thế gian, không còn để ai đưa đò nữa. Nghĩ như vậy rồi các Tỳ Kheo đều vượt qua.

Đức Phật gọi A Nan: Tất cả hãy đi đến xóm Câu Lân.

A Nan thưa: Dạ vâng.

Đức Phật cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ Kheo liền đến xóm Câu Lân.

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Tất cả hãy lắng nghe. Hãy khéo giữ gìn tâm, không tranh cãi với thiên hạ. Tự suy tư, để biết vô thường. Hãy bằng trí tuệ mà lo cho thân.

Hãy khéo giữ tâm, không tranh cãi với thiên ha. Tự suy tư, thì liền được sáng suốt. Người sáng suốt liền trừ bỏ được trạng thái tham dâm, sân nhuế, ngu si. Trừ bỏ được ba trạng thái này rồi liền được vượt khỏi con đường thế gian, không còn sanh trở lại, tâm không còn dong ruổi nữa. Nhất tâm, không bị vướng mắc.

Ví như quốc vương vui thích độc tôn, suy nghĩ: Trong quần chúng đông người này, ta là ông chủ độc nhất.  

Người đắc đạo, đã vượt qua khỏi thế gian, cũng tự nghĩ trong lòng: Dù có trăm ngàn vạn mối rối ren, chỉ có tâm là chủ, giống như quốc vương làm chủ coi sóc muôn dân.

Đức Phật lại từ Câu Lân bảo A Nan: Tất cả hãy đến nước Hỷ Dự.

A Nan thưa: Dạ vâng.

Đức Phật cùng các Tỳ Kheo đồng đến nước Hỷ Dự, ngồi bên gốc cây Kiền Đề.

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo Tăng: Các ngươi hãy đi khất thực ở nước Hỷ Dự.

Lúc khất thực xong trở về, các Tỳ Kheo bạch Đức Phật: Nước Hỷ Dự có nhiều bệnh tật nên dân chúng có nhiều người chết, trong đó có các Ưu Bà Tắc tên là Huyền Điểu, Thời Tiên, Sơ Động, Thức Hiền, Thục Hiền, Khoái Hiền, Bá Tông, Kiêm Tông, Đức Cử, Thượng Tịnh. Mười vị này đều là Ưu Bà Tắc thọ trì năm giới, nay đều qua Đời.

Các Tỳ Kheo hỏi Đức Phật: Các Ưu Bà Tắc này chết rồi sanh về đâu?

Đức Phật trả lời: Huyền Điểu v.v… cả thảy mười người này, chết rồi được sanh vào trong đạo Bất Hoàn.

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo Tăng: Các ngươi chỉ biết về cái chết của mười người này. Phật bằng thiên nhãn quán sát xem thấy năm trăm Ưu Bà Tắc đã chết đều sanh trong đạo Bất Hoàn.

Lại có ba trăm Ưu Bà Tắc như Nan Đề, lúc còn sống đã không còn trạng thái dâm, trạng thái phẫn hận và trạng thái ngu si, thì lúc chết được sanh lên Cõi Trời Đao Lợi, đắc đạo quả Câu cảng, chỉ còn bảy lần sanh, bảy lần tử nữa là chứng được đạo quả A La Hán.

Còn Huyền Điểu v.v… cả thảy năm trăm người đều được đạo quả Bất Hoàn, tự mình ở nơi Cõi Trời đạt được đạo Ứng Chân.

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Các người đi khất thực về, cớ gì lại hỏi đến mười vị Ưu Bà Tắc ấy?

Nếu các ngươi muốn cố ý quấy rầy Phật, cho rằng Phật không muốn nghe điều xấu này. Nhưng Phật đâu có gì e sợ. Đã có sanh thì ai cũng phải chết. Các Đức Phật quá khứ, vị lai và hiện tại đều Bát Nê Hoàn.

Nay ta đã thành Phật, cũng sẽ Bát Nê Hoàn. Nhờ thân này mà được làm Phật. Trải qua nhiều kiếp cầu Phật để chấm dứt con đường sanh tử. Khi làm Phật thì nhổ sạch gốc rễ của sanh tử.

Biết gốc rễ con người vốn từ si, từ si là hành. Từ hành là thức. Từ thức là danh sắc. Từ danh sắc là lục nhập. Từ lục nhập là xúc. Từ xúc là thọ.

Từ thọ là ái. Từ ái nên thủ. Từ thủ là hữu. Từ hữu là sanh. Từ sanh là già chết, lo, buồn, khổ não, buồn bã, chẳng như ý. Như là sự tập khởi của khối lớn đau khổ họp lại.

Phật do vậy suy tư về nguồn gốc sanh tử, như chiếc xe có bánh, khi xe chạy thì bánh xe không thể ngừng. Con người từ si cho nên mới bị sanh tử.

Nếu từ bỏ si thì si diệt, do si diệt thì hành diệt, do hành diệt nên thức diệt, do thức diệt nên danh sắc diệt, do danh sắc diệt nên lục nhập diệt, do lục nhập diệt nên xúc diệt.

Nhờ xúc diệt nên thọ diệt, do thọ diệt nên ái diệt, do ái diệt nên thủ diệt, do thủ diệt nên hữu diệt, do hữu diệt nên sanh diệt, do sanh diệt nên già chết diệt, do già chết diệt nên ưu bi khổ não, bất như ý diệt.

Như vậy sự tập khởi của khối lớn đau khổ họp lại được chấm dứt. Cho nên trước tiên Đức Phật nói cho các ngươi biết, do si mê nên có sanh tử. Người có trí giữ đạo thì không còn sanh tử nữa.

Đức Phật dạy: Hãy nghĩ tưởng phụng trì Phật, Pháp, Thánh chúng, và tịnh giới. Cung kính, thừa sự lẫn nhau mà dạy dỗ Kinh Phật. Hãy tư duy, giữ tâm chánh niệm, thì chẳng còn trở lại nẻo sanh tử, không còn nỗi lo lắng ưu sầu.

Đức Phật từ xóm Hỷ Dự gọi A Nan đi đến nước Duy Da Lê, Tôn Giả A Nan thưa: Dạ vâng. Đức Phật từ xóm Hỷ Dự đi đến nước Duy Da Lê, chưa tới bảy dặm, thì dừng chân nơi vườn Nại. 

Có một dâm nữ tên Nại Nữ, với năm trăm đệ tử là dâm nữ, ở trong thành nghe Đức Phật đi đến hiện ngụ nơi vườn Nại, liền bảo đám đệ tử dâm nữ phải lo trang điểm mặc y phục và chuẩn bị xe cộ, rồi từ trong thành đi ra, đến chỗ Phật, muốn yết kiến cùng lễ bái Đức Thế Tôn.

Bấy giờ Đức Phật ở nơi vườn Nại cùng với hàng ngàn vị Tỳ Kheo, đang thuyết giảng Kinh cho các vị ấy. Đức Phật thấy Nại Nữ cùng năm trăm đệ tử dâm nữ đang đi tới, tất cả đều mặc những bộ y phục đẹp đẽ, có trang điểm.

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Các ngươi đã thấy Nại Nữ cùng với năm trăm dâm nữ đệ tử, thảy đều hãy cúi đầu, tâm đoan chánh. Họ tuy trang điểm, ăn mặc đẹp đẽ đến đây, ví như cái bình vẽ, bên ngoài tô vẽ rất đẹp, nhưng bên trong chứa toàn là đồ nhơ nhớp, đã được phong kín không đáng để mở ra.

Nếu ai mở ra thì toàn là những thứ bất tịnh xú uế. Đó chính là Nại Nữ. Cả đám đều là những cái bình vẽ. Vậy các Tỳ Kheo phải có khả năng quán sát.

Quán sát những gì?

Đó là bỏ ác theo thiện, không chạy theo trạng thái ham muốn của lòng dâm, thà tự mình bị chẻ xương, phá tim, thiêu đốt thân thể chớ quyết trọn đời không bao giờ đồng lõa với vọng tâm làm ác. Không chỉ là lực sĩ mới có nhiều sức mạnh, mà tự mình giữ tâm chánh niệm thì còn hơn cả lực sĩ.

Đức Phật chế ngự tâm mình đến nay đã trải qua vô số kiếp, không chạy theo vọng tâm, siêng năng tinh tấn để tự đạt đến quả Phật.

Vậy các Tỳ Kheo hãy tự làm cho tâm mình ngay thẳng, đoan nghiêm. Tâm từ lâu ở trong chỗ bất tịnh, thì hiện tại cũng có thể tự mình nhổ bỏ. Hãy tự tư duy năm tạng trong thân thể cũng có thể đình chỉ được pháp sanh tử. Hãy quán xem bên ngoài cũng khổ, bên trong cũng khổ, hãy khiến cho tâm mình luôn chính đáng.

Nại Nữ đến nơi, xuống xe đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ rồi ngồi qua một bên. Các Tỳ Kheo đều cúi đầu.

Đức Phật hỏi: Do nhân duyên gì mà đến đây?

Nại Nữ thưa: Con thường nghe Phật là bậc tôn quý hơn Chư Thiên nên con đến để lễ bái.

Đức Phật nói: Này Nại Nữ! Có thích làm thân người nữ chăng?

Nại Nữ thưa: Trời bắt con làm thân người nữ, nhưng con không thích.

Đức Phật dạy: Nếu cô không thích làm thân người nữ, vậy ai khiến cô nuôi tới năm trăm đệ tử dâm nữ?

Nại Nữ thưa: Họ đều là những dân nghèo, con nuôi dưỡng và bảo hộ cho họ.

Đức Phật nói: Chẳng phải như thế! Nếu không nhàm chán về bệnh khổ của người nữ, hoặc như kinh nguyệt bất tịnh, lại bị nhiều thứ ràng buộc, đánh đập, không được tự tại.

Đã không nhàm chán thân nữ của cô lại còn nuôi chứa đến năm trăm người nữ nữa?

Nại Nữ thưa: Con ngu si nên mới như vậy. Người có trí thì không làm như vậy.

Đức Phật nói: Biết suy xét như thế là tốt.

Nại Nữ liền quỳ mọp, bạch Phật: Sáng mai con mời Đức Phật và chúng Tỳ Kheo Tăng đến nhà con thọ trai. Đức Phật yên lặng không trả lời. Nại Nữ rất sung sướng, liền đứng dậy đảnh lễ Đức Phật rồi đi ra.

Nại Nữ ra khỏi chưa bao lâu thì các Lý Gia thuộc dòng họ danh giá của thành Duy Da Ly, nghe Đức Phật cùng đông đủ các Tỳ Kheo Tăng đang đi đến đây, cách thành bảy dặm, ở trong vườn Nại, liền dựa vào oai lực của nhà Vua, sửa sang xe cộ rồi ra đi, muốn đến yết kiến để cúng dường Đức Phật.

Trong đó có toán cỡi ngựa xanh, xe xanh, áo xanh, dù lọng xanh, tràng phan cũng xanh, các viên quan đều mặc màu xanh. Toán cỡi ngựa vàng, xe vàng, y vàng, lọng vàng, tràng phan vàng, quan thuộc đều mặc màu vàng.

Có toán thì cỡi ngựa đỏ, xe đỏ, áo đỏ, lọng đỏ, tràng phan đỏ, quan thuộc đều dùng màu đỏ.

Có toán thì cỡi ngựa trắng, xe trắng, áo trắng, dù lọng trắng, tràng phan trắng, quan thuộc đều dùng màu trắng.

Có toán thì cỡi ngựa đen, xe đen, áo đen, lọng đen, tràng phan đen, quan thuộc đều mặc màu đen.

Đức Phật từ xa trông thấy đoàn xe ngựa khoảng chừng mười vạn người đang đi đến, liền bảo các Tỳ Kheo: Các ngươi muốn thấy trong vườn của Đế Thích, trên Cõi Trời Đao Lợi, đám thị tùng ra vào đông đúc ra sao, thì hãy nhìn các lý gia này. Chúng giống nhau, chẳng khác gì cả.

Các Lý gia tới đầu đường đều xuống xe, đi đến chỗ Đức Phật. Người đến trước gần Đức Phật thì quỳ, người ở giữa đều cúi đầu, còn đám người sau cùng thì đều chấp tay rồi ngồi xuống.

***