Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Phật Bổn Hạnh

PHẬT THUYẾT

KINH PHẬT BỔN HẠNH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thích Bảo Vân, Đời Tống
 

PHẨM MƯỜI BA

PHẨM VUA BÌNH SA THƯA HỎI
 

Bấy giờ Xa Nặc

Dẫn ngựa đi rồi

Tâm Ngài vắng lặng

Bước đi khoan thai

Như Sư Tử Chúa

Xé tan các lưới

Chuyên tâm một hướng

Vui sống núi rừng.

Thân hình vòi vọi

Mắt sáng nhìn khắp

Vào trong rừng cây

Như Trời vào mây

Tuy bước một mình

Đức như đại chúng

Trong mang đầy lành

Phước hiện ra ngoài.

Vừa đi vừa tự nghĩ:

Không nên mặc lụa là.

Bỗng thấy Đế Thích hóa

Thợ săn mặc Ca Sa.

Thái Tử nhân đó nói:

Ngươi chớ mặc đồ này

Áo lụa vàng ta đổi

Lấy Ca Sa của ngươi.

Thợ săn liền cởi trao

Chân Ca Sa mộc lan

Đổi xong, hiện Đế Thích

Bỗng nhiên bay lên Trời.

Thái Tử mặc Ca Sa

Thân hình tươi sáng ra

Như trăng thu tròn sáng

Mây tía vây chung quanh.

Rừng rậm có Phạm Chí

Ở ẩn học Thần Tiên

Thấy Thái Tử đi đến

Trong lòng đều ngạc nhiên,

Ngắm nhìn kỹ Thái Tử

Không thể vẽ lại Ngài

Hoài nghi một hồi lâu

Tụ lại cùng bàn tán

Phải chăng là Bắc Đẩu

Thứ tám, ngoài bảy sao

Hoặc nói: Ngủ trên ngựa

Xuống đi xem thế gian.

Hoặc nói: Nhìn thân Ngài

Nhất định là đức thần

Hoặc là Vua Mặt Trời

Hoặc Vua mặt trăng xuống.

Trong số đó có một

Phạm Chí thông đạt nói:

Chắc không phải Trời Phạm

Tự xuống đến rừng này.

Do Phạm Chí chúng ta

Giữ hành thuần thục nên

Muốn nguyện cầu ta thỏa

Nên đi đến rừng này.

Đã bàn luận như thế

Đồng thanh bảo nhau xong

Thân nặng nề Phạm Chí

Bỗng nhiên liền nhẹ tênh.

Bồ Tát hỏi Phạm Chí:

Họ tu đạo thuật gì?

Nên học hay không nên?

Có một Phạm Chí đáp:

Hay thay! Ngài đức mầu

Ý quyết rất sâu xa

Sức trai tráng trẻ đẹp

Biết sinh tử dục nhơ

Xin phải xem xét kỹ

Đạo Nê Hoàn sinh Thiên

Người ưa thích diệt độ

Đó đáng gọi là người.

Nếu lòng đã quyết định

Bậc ưa thích vô vi

Hãy mau mau đi đến

Chốn rừng núi thanh tịnh

Ở đó có vị Tiên

Tên là Vô Bất Đạt

Ông được mắt nhìn kỹ

Quán thấy gốc Nê Hoàn.

Như nay ta quán sát

Xét kỹ ý của Ngài

Điều ông ấy tu học

Phải chăng hợp ý Ngài?

Mặt như vầng trăng tròn

Lưỡi như cánh hoa sen,

Chắc chắn sẽ uống hết

Biển trí tuệ sâu xa.

Nhìn Bồ Tát cất bước

Như Vua trăng xuống trần

Bấy giờ các Phạm Chí

Đều khen: Chưa từng có!

Tâm đều sinh hớn hở

Như biển sâu dậy sóng

Trong lòng vui hớn hở

Như đêm tối, trăng soi.

Thái Tử thấy bọn họ

Sở học nhiều vô ngần

Bộc lộ các thân hình

Lòng thương xót mới than:

Sao ác thật quá lắm

Bị ngu si mê hoặc

Thế gian đáng thương xót

Mê lầm buộc vào khổ.

Tâm nghĩ không tôi, ta

Giống như voi đầu đàn

Bỗng nhiên thấy sợ hãi.

Ra khỏi rừng lửa hừng

Ánh sáng màu vàng chói

Chiếu ngời mé cây rừng

Như mặt trời mùa thu

Lướt đi trên mây xanh.

Nhìn Sông Hằng cuồn cuộn

Chảy về biển mênh mông

Dùng bầy ngỗng Trời trắng

Làm chuỗi ngọc trắng trong.

Dùng thế sóng nhồi lớn

Làm vòng xuyến ngọc báu

Đến bên cạnh Sông Hằng

Giống như Vua thần biển

Dùng trăm phước đức tướng

Trang nghiêm khắp thân Ngài.

Vào ở trong Sông Hằng

Các dòng đều lắng trong

Tất cả thần dưới sông

Theo xuống nghinh tiếp Ngài.

Trải qua trong chốc lát

Như bầy nhạn đầu đàn

Khi qua khỏi Sông Hằng

Biết nên đi đúng thời

Bỏ đi ý cống cao

Vào cung Vua khất thực,

Mặc y phục Sa Môn

Ca Sa màu mộc lan

Giữ các căn vắng lặng

Bước đi đúng oai nghi.

Thấy thể tướng Thái Tử

Công đức cao vời vợi

Y vắng lặng đang mặc

Màu hợp hạnh sạch trong,

Nhân dân đều ngạc nhiên

Trổi lên niềm vui mừng

Ngắm kỹ thân Bồ Tát

Đôi mắt nhìn không rời

Nhóm lại xem Bồ Tát

Tâm họ không nhàm chán.

Công đức đời trước đủ

Các tướng đều cụ túc

Giống như hoa sen mầu

Đủ màu ngàn loại bông

Mọi người đều thưởng ngoạn

Như ong nhóm hoa sen

Chỗ đã do đích đến.

Mọi người đều đi theo

Như các căn của người

Theo tâm chạy xoay vòng,

Nhân đó truyền gọi nhau

Khen ngợi công đức Ngài

Lời rằng: Xem người ấy

Của báu trong loài người.

Ngắm kỹ đôi mắt Ngài

Vẻ mặt đẹp tuyệt vời

Ví như đống vàng báu

Trong đó có báu xanh.

Được ánh sáng bao quanh

Tướng đức gom nhóm thành

Dung mạo rất hòa hợp

Tướng tốt đều đầy đủ

Như thu hút mọi người

Mọi mắt hướng theo Ngài

Chăm chăm nhìn ngắm mãi

Mà không thấy thỏa mãn,

Giống như gặp bão tuyết

Lạnh cóng như cắt da

Mọi người tranh tới trước

Như được sưởi lửa ấm.

Các cô gái quý tộc

Đều vội ra khỏi nhà

Như trong đám mây nổi

Rực rỡ phát ánh chớp

Thí như cây Vô Ưu

Cành hoa lá sum suê

Bị gió thổi oằn xuống

Cúi lễ Đức Thích Ca.

Đứa bé trên tay mẹ

Miệng liền rời vú mẹ

Mãi mê nhìn Bồ Tát

Quên cả việc đòi bú.

Người dân trong toàn thành

Đều tranh nhau khen ngợi,

Đều nói rằng đẹp quá

Tốt quá, xinh xắn quá.

Khi ấy có người nói

Lại có người vội nói

Như ăn bánh ngào mật

Người ngon, kẻ không ngon

Nhưng hình tướng Thái Tử

Nếu khen riêng một việc

Một lời không nói đủ.

Các đức khéo chứa nhóm

Xét kỹ các biểu hiện

Các lành đều hiển lộ

Dùng trang điểm thân thể

Người sướng mắt, thỏa lòng.

Các hoa làm đẹp Ngài

Thơm dịu cảm tâm người

Giống như tiết dương xuân

Rực rỡ và sáng ngời.

Hạnh quả thời xa xưa

Mà sao không lòng từ!

Dáng vẻ Trời đầy đủ

Không làm Vua mặt đất

Tài năng ai cũng rõ

Mà đi xin người khác.

Ai bố thí người đó?

Tính ra không thể bàn.

Bấy giờ Vua nước ấy

Hiệu là Vua Bình Sa

Ở trên cao quan sát

Xa thấy Thái Tử đi

Ngài liền hỏi các quan:

Người đi kia là ai?

Dung mạo rất tươi sáng

Mà mặc y màu xấu.

Quan theo hầu liền tâu

Nói rõ dòng họ người

Vua truyền quan hầu cận:

Xem đi về nơi nào?

Ăn xong, ở ngoài thành

Lên núi Bàn Tháp cao

Ánh sáng chiếu rực rỡ

Như mặt trời lên non.

Bấy giờ Vua Bình Sa

Cùng tùy tùng theo lên

Vua đến núi Bàn Tháp

Phục sức, hình dung đẹp

Người hầu cầm lọng quý

Bước sư tử khoan thai,

Vua bèn xuống xe báu

Bước từng bước lên núi

Thấy Ngài ngồi một mình

Các căn đều vắng lặng

Ví như vầng trăng tròn

Vằng vặc giữa vầng mây

Như sắc tượng các pháp

Bỗng nhiên hóa hiện ra,

Ý rất đổi kinh ngạc

Bèn bảo các quan rằng:

Người có hình mạo đó

Dáng dấp rất dễ thương

Nay đây phải giữ gìn

Trở thành đức lành lớn.

Nay xem các lành đó

Mềm mại mà dịu dàng

Nhìn qua tướng tốt ấy

Chỉ Phật mới có thôi!

Dứt bỏ tâm kiêu mạn

Khiêm cung làm lễ Ngài

Nhà Vua nhân lúc đó

Bèn hỏi han Bồ Tát

Vua với ý thanh tịnh

Ngồi lên tảng đá xanh

Liền thưa hỏi Bồ Tát

Nhân đó nói kệ rằng:

Tổ tiên của Thái Tử

Xuất từ Vua mặt trời

Đang lúc tuổi trai trẻ

Hình dung chiếu sáng ngời

Chẳng rõ duyên cớ gì

Mà khởi phát ý này:

Khất thực để tự cứu

Chẳng chịu ngồi ngôi Vua.

Dáng đẹp rất rực rỡ

Đã chứa lành nhiều rồi

Giống như cây Diêm Phù

Hoa lá đẹp sum suê

Mặc áo Ca Sa này

Giống như dùng cỏ bọc

Như hoa cây sợ tuyết

Không dám phô vẻ đẹp.

Thái Tử nên phục sức

Các vật báu Cõi Trời

Nay y màu xấu này

Lạ thường chẳng xứng đâu!

Nếu có vật thanh khiết

Có chút dơ bám vào

Thì hiện ra lồ lộ

Không cách gì bôi bỏ.

Cánh tay dài rất đẹp

Giống như cột vàng tía

Nên trang sức bảy báu

Nên cầm chiếc cung đẹp

Có đôi tay như thế

Chỉ dùng để bố thí

Chẳng nên dùng tay ấy

Theo người để xin ăn.

Nếu Ngài giữ khiêm kính

Chẳng nhận ngôi Vua cha

Nay ta rất yêu kính

Mời Ngài đến nước hèn

Hưởng của nước Ma Kiệt

Có tất cả vinh hoa

Nếu muốn khắp đất đai

Kẻ hèn sẽ đỡ đần.

Như đức tướng của Ngài

Nhận Cõi Trời xứng hơn

Chỉ dùng tay nắm giữ

Cõi Trời đâu nhọc gì?

Như nay Trời Đế Thích

Còn ra làm tôi người

Huống chi trên đất này

Như các Vua chúng ta.

Ta không chán pháp lành

Cũng không lo giữ nghĩa

Chưa phải lúc bỏ nhà

Lòng ta có ngờ này:

Như mới đầu trai trẻ

Qua rồi chí yếu kém

Đã điều phục các căn

Như dàm ngựa dễ vần

Tu tuệ, tự giữ giới

Mặt mũi các hạnh lành

Phát hiện hạnh đời trước

Kịp gặp gốc thiện xưa,

Qua thời gian lớn khôn

Đó là pháp đáng kính

Tuổi cao ý đã điều

Không đuổi theo các dục

Vì vậy nên không thể

Làm khổ cực thân thể.

Nay đã được phước lành

Nên thuận lý an hưởng

Sáu căn nên hưởng dục

Như nước đầy phải thoát,

Sau đó mới đi tìm

Pháp giải thoát cam lộ.

Dung mạo Ngài sáng ngời

Vượt qua ánh Mặt Trời

Đức Ngài đã vượt khỏi

Người đời và các Trời

Từ xưa chưa từng nghe

Và cũng chưa từng thấy.

Hình mạo Ngài như vậy

Người xem đều ngạc nhiên

Như nay thấy phong cách,

Hành động của Thái Tử

Lại xét ý chí Ngài

Mạnh mẽ và vững chắc

Giống như đáy vực sâu

Bầy cá lội dưới ấy

Ở trên tuy không hiện

Xem xao động biết ngay.

Nay thấy các khuôn phép

Tiềm ẩn trong thân này

Quyết định soi sáng rỡ

Chỉ bày ngôi Thánh Vương.

Sự nhiệm mầu như thế

Người phước mỏng không có

Danh hiệu thật tốt đẹp

Không về, không là con.

Dù khiến tâm nghi ngại

Trở về thẹn tông môn

Đã mặc áo Sa Môn

Vì sao lại bỏ đi?

Các đời Vua trước kia

Đến các Vua sau này

Tuổi trẻ chuộng ngôi vị

Đến già đều bỏ nhà

Bình sa nói việc đó.

Dẫn nhiều việc so sánh

Chua cay lại không thiếu

Thân khiêm, lời kính bày

Xem ra ý Bồ Tát

Như núi Thái không lay

Giữ lành nhìn lặng lẽ

Tịnh tâm nghe đáp lời.

***