Kinh Đại thừa
Bộ Kinh Tập
PHẬT THUYẾT KINH
PHẬT GIÁO HÓA PHẠM CHÍ A BẠT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Chi Khiêm, Đời Ngô
Nghe như vậy!
Một thời Phật cùng đông đủ năm trăm Sa Môn du hóa tại Việt Kỳ, an tọa bên gốc cây ngoài thành Cổ Xa. Nơi làng xóm này, có một phạm chí giàu sang, hiền hậu tên là Phí Ca Sa, hiểu rõ Kinh sách và sự vận hành của tinh tú. Ai có hỏi điều gì cũng đều trả lời được. Ông có năm trăm đệ tử, người đệ tử đứng đầu tên là A Bạt.
A Bạt hỏi Thầy: Hôm nay có Phật đến, mọi người khen ngợi đức độ của Phật, tiếng tăm bao trùm Trời đất, chẳng biết đó là người thế nào?
Phí Ca Sa đáp: Ta nghe vị ấy dòng họ Thích, là Thái Tử của Vua một nước, vị ấy xuất hiện hầu như không có thầy, tự mình trước tác Kinh Điển để giáo hóa chúng sanh.
A Bạt thưa: Nếu không có thầy thì tiếng tăm đâu có tốt.
Vả lại con của vị Quốc Vương phần nhiều thì kiêu mạn, dâm dục và ham vui, làm sao đi bộ, tự hạ thấp mình xuống để khất thực, dạy bảo người không mệt mỏi?
Vị ấy là bậc chân nhân sao?
Mong thầy có thể đi đến để xem đạo đức của vị ấy.
Phí Ca Sa nói: Chẳng phải vậy. Ta ở đời là Bậc Hiền thiện, hào phú, thông minh, nhiều tài, vị kia mới xuất hiện, lẽ đáng phải đến yết kiến ta mới đúng. Ta không nên đến.
A Bạt thưa: Con nghe Trời Ðế Thích cùng vị Phạm Thiên thứ bảy đều đến để hầu hạ vị ấy. Những đệ tử được vị ấy dạy đều chứng ngũ thông, bay đi nhẹ nhàng, thấy xa nghe suốt, biết được ý chí của con người, biết cả từ đâu sanh đến, chết đi về đâu.
Hơn nữa, vị đó là thầy của Trời, sao lại không đến để yết kiến?
Phí Ca Sa bảo: Kinh nói: Ðế vương sanh con có ba mươi hai tướng tốt, lập tức sẽ làm Hoàng Đế phi hành, làm Vua bốn châu thiên hạ tự nhiên có bảy báu:
1. Kim luân báu.
2. Bạch tượng báu.
3. Ngựa báu.
4. Ngọc nữ báu.
5. Thần châu báu.
6. Lý gia báu.
7. Hiền tướng báu.
Có ngàn người con đều là bậc tài nghệ, thông minh, vũ dũng, một người có thể địch được ngàn người, không dùng binh đội, dao gậy, cuộc đời thái bình. Nếu bỏ thiên hạ, tự nhiên thành Phật, lấy pháp vô vi hóa độ con người đạt đạo.
Có phải là vị ấy chăng?
Oâng hãy đến xem thử. Nếu có tướng ấy thì đúng là Phật, ta sẽ tôn thờ.
A Bạt thưa: Cho phép con đi cùng với các bạn đồng học.
Thầy nói: Rất hay! A Bạt cùng với năm trăm đệ tử của thầy đồng đến chỗ Phật, đều xuống xe, vòng tay vái chào một cách cung kính trước Phật. Phật bảo ngồi xuống, năm trăm người đều ngồi, chỉ có A Bạt là hồi hộp nhìn bên tả liếc bên hữu, chăm chú xem tướng Phật. Ðức Phật biết ý ấy, Ngài cũng đứng dậy và làm như thế. A Bạt đứng thì Phật cũng đứng, A Bạt ngồi Phật cũng ngồi.
A Bạt bèn hỏi Đức Phật: Ngài thờ những đạo nào mà cạo bỏ râu tóc, mặc cà sa, ôm bình bát như vậy có ý nghĩa gì?
Phật nói: Từ khi ta cầu đạo đến nay đã trải qua nhiều kiếp lâu xa không thể kể hết, thường thờ Chư Phật, hành đạo Bồ Tát, đã thờ kính vô số thầy bạn, cho nên cạo bỏ râu tóc, suốt đời giữ giới, từ bỏ tham ái, cũng không trang sức đẹp đẽ, khiến cho người đời không tham đắm ta, ta cũng không tham đắm người đời.
Mặc áo pháp Ca Sa, đó là biểu tượng cho dòng họ của Bậc Thánh xưa, giải thoát những điều cấu nhiễm trói buộc, cũng không còn nhớ nghĩ về thế gian. Bình bát là ứng khí vật đựng đồ ăn đạo nhân nên dùng, tiết chế thân tâm để được tỉnh ngộ, vật phi nghĩa không nhận. Ðó là hình tượng của pháp vô vi thanh tịnh. Nay ta đã làm Phật, là thầy của thiên hạ, cứ tự ý ông muốn hỏi gì cũng được.
A Bạt thưa: Thầy của chúng con đang thờ tên là Phí Ca Sa, đời đời thông minh, tiếng tăm xa gần đều biết, lại là dòng dõi Phạm chí, đặc biệt hơn những người khác. Thiên hạ tuy cho Vua là quý nhưng cũng có kẻ bất nhân, chứ dòng họ của con duy nhất không thích sát sanh.
Phật dạy: Ta vốn ghét việc sát sanh nên cầu đạo vô thượng chánh chân của Phật. Dòng họ Phạm chí của ông miệng chỉ nói quý sự nhân từ, tuy tay không sát sanh nhưng tâm đều có sát hại. Nay ta là Phật, thân, miệng, ý đều thanh tịnh, nhất thiết đều không sát hại, khuyên bảo những người trong thiên hạ không được hiếu sát, dạy họ làm nhân nghĩa.
A Bạt hỏi: Phật nay đã bỏ vợ con, tự mình làm tuyệt dòng giống, không người kế tự, sao bằng thầy tôi đời đời được kế tự.
Phật dạy: Dòng họ loài người trong thiên hạ, trước sau mỗi mỗi khác nhau. Những người ở đời trước đã từng là con của ta, ta cũng đã từng là con của tất cả mọi người, hội họp rồi chia ly, chủng tánh vô thường.
Hoặc trước đó là oán cừu nay trở thành thân thuộc. Hoặc trước đây là thân thuộc nay trở thành oán cừu. Nhân duyên tan hợp, tất cả đều như huyễn. Cha mẹ, vợ con vốn chẳng phải là thân thuộc của ta, ta cũng không phải là thân thuộc của họ. Người đời chỉ lấy cái ta này, hoặc chẳng phải là ta mà gây ra tội ác, sau đó phải chịu khổ.
Ngày xưa, ta đã từng làm Sát Lợi Vương, tên là Cổ Ma Sàng có bốn người con. Người thứ nhất tên là Úc Cam, người thứ hai tên là Kiền Ni, người thứ ba tên là Ðộ, người thứ tư tên là Hưởng. Nhà Vua chưa băng hà mà bốn người con đã giành ngôi. Vua nghe việc ấy nên rất buồn rầu lo lắng, nghĩ rằng bốn người con tranh ngôi sẽ giết hại nhân dân, liền ủy thác việc nước lại rồi đi về phương Ðông.
Cứ mỗi bước, mỗi bước tự nghĩ: Ðời người có bao lâu mà lo lắng mãi mãi! Ta nay làm Vua muốn có con cái. Khi đã có con, chúng lại muốn giết nhau.
Có con như vậy ích gì cho người! Ta không nỡ nhìn thấy cảnh huynh đệ tương tàn ấy, sợ giết đi thì không ai nối dõi, chỉ nên bỏ nhà làm Sa Môn mà thôi. Liền vào núi phía bắc gặp Ca Tỳ Giáo ở trong am tranh, lại có đạo nhân Ma Ly. Vua hỏi lý do tại sao học đạo.
Ma Ly tự nói: Cưới vợ mà không có con Mặt Thẹn với mọi nhà cho nên làm Sa Môn.
Vua bảo: Lạ thay! Ta là Quốc Vương có bốn người con, thân ta tuy chưa chết mà con đã làm loạn trong nước, không nỡ nhìn thấy cảnh ấy cho nên mới làm đạo vậy. Ma Ly hiểu rõ càng thêm tinh tấn.
Như vậy này A Bạt, chính là muốn khiến cho con hiền, cha già bệnh chết con không cướp ngôi, khi sống làm ác, chết bị đọa địa ngục, con không thể thay thế được. Do đó, ta thường dùng tâm từ bi cứu tế người vật, thành đạo, chứng quả Phật, độ thoát chúng sanh.
A Bạt thưa: Phật thật khó sánh.
Ngày nay thiên hạ có bốn hạng người: Quân tử, Phạm chí, điền gia, công kỹ. Chỉ có dòng Phạm chí của con vừa chân chánh vừa cao quý. Ngoài ra, ba hạng kia đều phải tôn thờ dòng họ của con.
Ðức Phật bảo: Giả sử dòng họ của ông là chân chánh, cao quý, nhưng thảng hoặc người vợ không có con, phải lấy người gái hầu để sanh con trai, vậy có chấp nhận người đó không?
Thưa: Chấp nhận.
Nay tổ mẫu của ông hiện chọn lấy người hèn kém để nối dõi, có thể gọi đó là chân chánh cao quý chăng?
A Bạt im lặng.
Năm trăm đệ tử đều đứng lên nói: Sa Môn Cù Đàm, tại sao lại hủy báng dòng họ chúng tôi?
A Bạt tài trí, có thể cùng vấn nạn.
Ðức Phật bảo: Tất cả hãy im lặng. Nếu ai có tài trí hãy tự mình tranh biện. Ðức Phật hỏi về vị tổ của họ, cho đến ba lần mà chẳng ai trả lời.
Kim cang lực sĩ đưa cái chày lớn lên nói: Ðức Phật đã hỏi lại ông, tại sao không trả lời?
A Bạt sợ hãi thưa: Thật đúng như lời Phật nói.
Năm trăm người kia nói: Thánh trí của Phật thật sáng suốt, mẹ của A Bạt đúng là người con gái giúp việc trong nhà họ Thích. Chúng tôi từ nay không còn kính phục nữa.
Ðức Phật dạy: Chẳng phải như vậy. Ở đời hoặc mẹ thì bần tiện nhưng con lại hiền quý. A Bạt là người hiền, không nên hủy báng.
Nếu như người dòng Phạm chí ấy lấy con gái dòng Sát Lợi, sanh con khôn lớn, nên học theo cha hay học theo mẹ?
Tất cả đều đáp: Nên học theo cha.
Ðức Phật dạy: Như vậy nếu mẹ bần tiện nào có hại gì. Nếu con khôn lớn, giỏi Kinh Điển, đức hạnh cao vút hơn cả cha mình, các ông càng phải kính phục.
Nếu con gái của Phạm Chí là vợ của dòng Sát Lợi, sanh con khôn lớn, biết bên ngoại là hiền lương nhưng không chịu học, tự bắt chước theo cha, săn bắn, sát sanh, các ông có kính phục không?
Tất cả đều đáp: Không nên kính phục.
Ðức Phật dạy: Như vậy đề cập đến phía mẹ làm gì. Nếu giả như A Bạt có con hiền lương, tài trí tuyệt thế, các ông phải làm bậc trên.
Giả sử cả cha lẫn mẹ đều thuộc dòng Phạm Chí, nhưng sanh con chẳng ra gì, không có ngay thẳng, các ông phải làm gì?
Tất cả đều đáp: Hãy cho ngồi nơi tòa thấp.
Ðức Phật dạy: Như vậy, yếu tố đó có thường hay không?
Nếu con của Phạm Chí mà sát sanh, trộm cắp, phạm pháp thì quan lại có nên bắt không?
Thưa: Nên bắt.
Tại sao người không chống cự lại mà nói: Dòng họ của tôi cao quý, không nên bắt tôi?
Thưa: Hiện nay có tội, đâu có nói dòng dõi.
Ðức Phật dạy: Nay ta là Phật dạy cho dân chúng nói lời chân chánh về lòng nhân hiếu để bỏ dục, giận dữ, si mê, giữ thái độ bình thường. Ðối với những người làm điều ác, ta liền dạy họ không sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói láo, uống rượu, cúng tế tà đạo. Con người đời trước làm ác, thân phải chịu tội, còn việc giết hại sinh linh để tế Trời, tội càng thêm nặng, chẳng bổ ích gì.
Vả lại, phàm ý Trời thì thanh tịnh, nhân từ, há lại ăn đồ ăn của con người sao?
Có đức thì thần giúp, không giết hại là phước. Cho nên những bậc Thế chủ hiền trí trong thiên hạ nghe Kinh giới của Phật đều tự dứt bỏ một cách vĩnh viễn, nguyện không làm ác, thà giữ giới mà chết, tinh thần được sinh lên Trời.
Nếu ai có thể chí tâm thanh tịnh liền đạt được bốn đạo quả của bậc Sa Môn: Một là Cấu Cảng Tu Đà Hoàn, hai là Tần Lai Nhất Lai, ba là Bất Hoàn A Na Hàm, bốn là Ứng Chân A La Hán.
Lại nữa, những bậc quân vương trong thiên hạ, tuy thực hiện việc trị nước, muốn được thái bình, cũng có bổn phận bắt dân đóng thuế, ý tham chưa trừ. Còn nay ta là Phật đều khiến cho con người không còn tham dục nữa, chứng đạo vô vi.
Từ khi ta cầu đạo đến nay, trải qua vô số kiếp, mỗi đời đều có lời nguyện: Nguyện bỏ ái dục, tu hạnh Sa Môn, chẳng thích cũng chẳng không. Đối với những người hiền minh, các bậc quân tử trong thiên hạ, nghe giới Kinh của Phật, không ai là không phụng hành. Người nào không vâng theo về sau đều hối hận.
Ai kiềm chế được ý chí, không còn tham dục, liền đoạn trừ con đường sanh tử buồn khổ. Nếu chẳng luyến ái nhau, liền được thoát khỏi khổ đau. Cuộc đời vô thường, con người như bọt nước, cái này thành thì cái kia hoại, đâu có tồn tại.
Ðức Phật hỏi A Bạt: Thầy của ông lấy gì để giảng dạy?
Thưa: thầy của con dạy không được giết người, giết bò, không được trộm cắp vàng bạc, không được dâm dục với vợ thầy và vợ của đệ tử, không được uống rượu. Lúc bốn mươi tám tuổi mới được cưới vợ. Thầy của con dạy người suốt đời phải giữ tám giới này.
Chẳng hay giới của Phật có ý nghĩa gì?
Ðức Phật dạy: Như thích nghe hãy lắng nghe. Nếu có con nhà tộc tánh tìm đến, tự trình bày việc ưa thích giới của Phật ta sẽ tùy theo khả năng từng người mà truyền trao giới pháp.
Như ở nơi nhà mà tu đạo thì gọi là Thanh tín sĩ, phải giữ năm giới:
1. Không được ham giết hại các loài cầm thú, kể cả loài nhỏ bé nhất, không được làm tổn hại đến thân hình chúng, huống hồ lại cầm dao gậy hành hạ chúng. Tâm nghĩ việc nhân từ, miệng không bảo giết.
2. Không được trộm cắp, tham lam đối với tài sản của cải người khác, lừa cân tráo đấu, dù như đồ đo lường nhỏ nhất cũng không được xâm chiếm của kẻ khác. Tâm phải nhớ điều nghĩa, miệng không được dạy người trộm cắp.
3. Không được ham dâm dục, xâm phạm vợ của người khác, không được xem sắc đẹp, không được nghe nhạc hay, tâm tu lễ cấm, lời nói không trái phép.
4. Không được nói dối, gièm pha, vu vạ để lời buộc tội người. Lời nói đúng lúc. Lời nói phải thành tín, tâm không được lộ rõ sự kiêu mạn, miệng không được khen chê.
5. Không được uống rượu, không tự ý say sưa. Tâm không nghiện rượu, miệng không nếm rượu. Rượu có ba mươi sáu thứ lỗi, chớ có khuyên người uống, đó gọi là giới luật nơi hàng Thanh tín sĩ của ta.
Ðức Phật dạy: Ta không kêu gọi người, nhưng người tự đến xin kính thọ giới và được dạy dỗ, bỏ ác làm theo thiện, kẻ hiền trí trong thiên hạ muốn làm Sa Môn, trước hết ta hỏi: Do duyên gì mà được giác ngộ?
Phàm là con người, cần phải hiếu kính, lấy việc an dưỡng cha mẹ làm chính, nếu muốn học đạo cần phải báo ơn cha mẹ. Cha mẹ có đồng ý, sau đó ta mới nói giới Sa Môn cho họ. Có hai trăm năm mươi giới, suốt đời phải giữ cho thanh tịnh, không được nửa đường phế bỏ, làm mất ơn cúng dường.
Nếu ai dốc lòng cầu thỉnh, tín tâm không chuyển, có thể phụng trì pháp luật như thế ta mới ban giới pháp cho họ. Giới của Sa Môn lấy từ bi làm gốc, không được tàn sát các loài vật nhỏ bé nhất, luôn thương xót người vật xem như con đỏ, cũng không thù oán kiện cáo, mong người ngay thẳng, thường nhớ đến công ơn của cha mẹ và thầy bạn, siêng năng cầu đạo, nhằm độ thoát cho cha mẹ.
Sa Môn không được tham lam, lừa đảo để chiếm đoạt tài vật của kẻ khác, thấy những của cải báu hãy xem như là cát bụi, người ta có cho cũng không lấy, nếu có lấy cũng không được giữ, phải đem cho những người bần cùng, thường thuyết giảng đức tính không tham cho mọi người.
Sa Môn không được có vợ để nối dõi, phải đề phòng tránh xa người nữ, đóng kín nẻo tình dục. Khi thấy sắc đẹp, mắt không được ngắm nhìn, hãy xem người già như mẹ, người trẻ như chị em, nếu tâm không đình chỉ được phải quán bất tịnh để trừ hạnh dâm, có sanh tử đều do si ái.
Sa Môn không được nói dối, nói lời thêu dệt, gièm pha vu va để buộc tội người, thấy nghe như thật, điều phi nghĩa thì không rao truyền, hòa giải kẻ tranh chấp, nói hai bên đều tốt, nói lời từ tốn là nhằm giữ lấy sự chính đáng, không được nói đời tư của người khác.
Sa Môn không được ngâm vịnh, ca hát, múa vui, đùa giỡn và luận bàn chuyện xướng ca, cần phải siêng năng suy tư, ôn cũ để biết mới. Những điều Sa Môn nói, lời ấy ắt là của Pháp Sư. Những ai không nghe, tâm ý chẳng được mở mang. Sáng tối tụng Kinh, không được nhầm lẫn. Hãy tinh tấn thực hành điều cốt yếu của đạo, mục đích là để dứt trừ các thứ ô uế, vì người thuyết pháp, suy tư hợp với ý nghĩa.
Sa Môn không được mong nằm giường tốt đẹp, quần áo không được dùng tơ lụa thêu thùa, ăn uống không được tham đắm vị ngon, không được dùng đồ vàng bạc chạm trổ, chỉ nên dùng bình bát bằng đất nung, hoặc bằng thiếc.
Sa Môn không được uống rượu, ăn thịt, mong nhớ được nếm các mùi vị, không được uống rượu thuốc và đi đến các nơi chốn bán rượu.
Sa Môn không được lấy hương hoa xoa lên thân, xông ướp áo quần, phải nhớ kỹ đến sự trì giới.
Sa Môn không được mua kẻ sai khiến, hàng nô tỳ, cho mướn đồ vật và nhi đồng, hoặc có người đem đến cho mình, nhất thiết không được nhận.
Sa Môn không được nuôi dưỡng các thứ súc vật, cỡi xe, cỡi ngựa buông lung tâm ý.
Sa Môn không được cất giữ lúa gạo. Sáng sáng đi khất thực, không quá bảy nhà, một nhà mà không được cho mời đến hai nhà, giáp vòng bảy nhà mà không được thì chỉ nên uống nước mà thôi.
Sa Môn vào xóm làng, phải như chim ăn no rồi bay đi, không trông mong về chỗ còn lại, nếu không được ăn, tâm cũng không giận.
Sa Môn bỏ nhà, ở không cầu an lạc, không ham nhà tốt, chỉ ở các chốn núi rừng, cạnh đầm ao, bên gốc cây mà thôi.
Sa Môn không được buôn bán cầu lợi, suy nghĩ về cái này cái kia, cái nào là sang, cái nào là hèn.
Sa Môn không được bận bịu chuyện ruộng vườn, khai khẩn đất đai để trồng lúa thóc, nhớ nghĩ, vui thích công việc trồng.
Sa Môn không được bàn luận về sự vui thích đối với đất đai sông nước hương hoa, phải nhất tâm suy nghĩ về đạo, ngoài ra không được suy nghĩ cái gì khác.
Sa Môn không được bàn về chuyện làng xóm, thành ấp, quốc gia xấu tốt, cao thấp.
Sa Môn không được bình luận về cơ nghiệp của đồng đạo như ruộng, nhà, lúa thóc, y phục, đồ ăn uống, kia thì có, đây thì không.
Sa Môn không được nằm mà đàm luận, ăn mà nói chuyện, không được dự đoán việc chính sự, binh bị, việc hành quân đánh chiếm, được thua.
Sa Môn không được nói về y phục, thức ăn tốt xấu, ngon dở, cho đến khen chê nước suối tốt xấu.
Sa Môn không được nói về hình tướng tốt xấu của các loài súc sanh. Ðó là sự đàm luận của kẻ ngu, chứ không phải là sự luận bàn của đạo pháp.
Sa Môn không được tự xưng là mình hiểu Kinh, còn kẻ khác thì không thông, phải tự trách mình không phải kẻ hiền, không được cao ngạo, kiêu căng.
Sa Môn giảng pháp không được nói: Kinh của tôi thì hay còn Kinh của ông thì bị vướng mắc, giới của tôi thực hành thanh tịnh, giới của ông thực hành thì ô uế.
Không được nói: thầy của tôi thì sáng suốt, thầy của ông thì không sáng suốt. Kinh Phật thống nhất, chỗ quy về không hai. Kẻ có chí khí còn trẻ hãy tự gánh vác, thể hiện, không nên khen chê.
Không được cho rằng: Ta thuộc về dòng họ lớn, còn tộc của ông thì chẳng ra gì.
Không được tự nói: Ðiều ông giảng nói không bằng ta.
Sa Môn không được tự cho các thứ giường ghế, áo quần, gối, đồ nằm của ta tốt đẹp, còn của người khác thì thô sơ, không được soi gương cạo râu, tưởng nhớ đến những vật mịn, trơn.
Không được xem các trưởng giả đấu giá những người nghèo hèn và các loài súc sanh đấu húc. Không được bắt chước lối dùng hai tay đánh nhau, không được chơi cờ xu bồ, bài bạc, xem kết quả của các trò chơi, biếng nằm chờ ăn.
Không được nghĩ đến phương nào, quận nào, từ kia lại đây hết bao nhiêu dặm đường. Không được làm thầy thuốc cho con trai, con gái và cho bò, ngựa. Không được dạy người nói năng lung tung hay không nên nói năng.
Không được tập giỡn với binh đao gậy gộc, ném đạn vui chơi. Không được học xem tướng nam nữ, nghèo giàu, sang hèn, có tướng, không tướng và tướng trạng của sáu thứ gia súc. Không được theo đòi việc bói quẻ về sự phong phú hay nghèo nàn của những năm tai biến, hạn hán.
Sa Môn không được xem coi về lịch số, đoán mặt trời, mặt trăng đầy vơi hay bị che lấp, sao xấu biến hiện, núi sập, động đất, mưa gió trong năm, tất cả đều không được học.
Sa Môn quá ngọ không được ăn, y phục, thức ăn uống thô sơ, tâm không oán hận, bình bát thường mang dưới hông trái, dù đến nơi nào cũng không lo đói lạnh, thường mang bình bát bên thân, như chim có cánh, miệng không được ăn bậy, sáu căn thường đoan chánh, tâm biết hổ thẹn, không sân, không hận vì thân khổ, nguyện giữ giới Kinh.
Mắt không liếc sắc, tai, mũi, lưỡi, thân, tiếp xúc điều tốt xấu mà tâm vẫn không động, hãy tiết chế trong việc ăn uống để thân không đói cũng không no, để cơ thể được nghỉ ngơi, giả như có ngủ cũng không lâu, giữ chí thanh cao, luôn gắn bó với nẻo Nê Hoàn giải thoát.
Thí như con hiếu, sáng chôn cha mẹ, thương khóc nhớ tưởng, chẳng phút nào quên. Sa Môn của ta ở đây giữ chí hành đạo, khi ngồi thì thiền tư, lúc đứng dậy thì tụng niệm, thường tỉnh giác, tinh tấn, đừng trái với giới hạnh. Ðó là đệ tử của Phật.
Phật bảo A Bạt: Những giới như vậy gồm có hai trăm năm mươi thứ, nay chỉ nói sơ lược, Sa Môn phải thu giữ tâm ý, đừng để buông lung, ở chỗ vắng lặng thanh tịnh, bỏ dâm, nộ, si, nhằm thành tựu được trí huệ, thường dùng tâm từ bi thương xót khắp thiên hạ, xả bỏ trạng thái tham dục, ham ngủ nghỉ, một lòng tin pháp, không còn nghi hoặc mới đạt được A La Hán.
La Hán là người đã chứng quả ứng chân. Thí như người đời thường sinh sống, nợ nần nghèo khổ, khi được tài lợi trở về với mình tất vui mừng. Lại như tội nhân ở lâu trong ngục, có vị trưởng giả tốt tạo phương tiện để được ra tù.
Ví như kẻ thoát khỏi hoàn cảnh nô tỳ được làm dân lương thiện. Lại nữa, bệnh khổ nhiều năm, nhờ uống thuốc cha trị được lành. Lại như người đi buôn, từ nơi con đường hiểm trở mà được hàng hóa quý giá rồi trở về nhà.
Năm thí dụ này người đều hoan hỷ, những Sa Môn của ta cũng lại như vậy. Tự nghĩ đến sanh tử, năm ấm trói buộc từ lâu, thọ khổ vô lượng, nay được giải thoát.
Sao gọi là năm ấm?
Một là sắc, hai là thống thọ, ba là tưởng, bốn là hành, năm là thức. Năm thứ này che lấp con người, làm cho họ không thấy được đạo.
Sa Môn tự nghĩ, biết về lẽ vô thường, thân này chẳng phải của ta, ý ngu si liền tỏ, tâm không tham đắm vướng mắc. Sắc ấm đã trừ, đó là cái vui thứ nhất.
Sa Môn nhớ nghĩ: Tự thấy trong thân năm tạng nhơ nhớp, ý tham dục liền bỏ, thiện ác không hai, Thống thọ ấm đã trừ, đó là cái vui thứ hai.
Sa Môn siêng năng suy nghĩ: Thấy ân ái là khổ, không tạo các pháp hữu lậu, không có ý tưởng về cánh lạc xúc. Tưởng ấm đã trừ, đó là cái vui thứ ba.
Sa Môn suy nghĩ: Thân, miệng, ý thanh tịnh, cũng không mừng, giận, ý định vắng lặng, không khởi, không tạo tác. Hành ấm đã trừ, đó là cái vui thứ tư.
Sa Môn tự nghĩ: Ðược Phật giáo hóa thanh tịnh, đoạn các nhân duyên, si ái diệt sạch. Thức ấm đã trừ, đó là điều vui mừng thứ năm.
Phật bảo A Bạt: Sa Môn của ta vứt bỏ các dục, phụng hành Kinh giới, để đoạn sanh tử, như vậy, đời này không còn tư tưởng buồn khóc ái luyến nhau nữa. Ta không tham ái người, người cũng không tham ái ta, nhưng ta lấy đạo thương nhớ tất cả, muốn làm cho họ được độ thoát.
Phàm người hành đạo, thân khổ một đời, nhưng người không theo đạo thì thọ khổ nhiều kiếp. Như người tắm rửa chỉ sạch bên ngoài, tâm dơ không trừ được. Bậc đã chứng quả ứng chân La Hán thì các điều ác đều dứt hết.
Người phàm phải dốc tâm theo, tâm của người hành đạo chuyên nhất, như đá ở trong đất, mặt trời thiêu đốt cũng không tiêu, mưa ngập cũng không tan, gió thổi cũng không động, ra khỏi phàm tục, liền thành đạo lớn. Tâm ý đã nguội lạnh, không bị lửa dâm dục thiêu đốt nữa, giống như bông sen ra khỏi bùn lầy ô uế mà gốc nằm trong nước, nước dơ không dính được.
Sa Môn tự nghĩ: cha mẹ nuôi con, ơn lớn một đời. Ðức Phật khai hóa khắp thiên hạ, làm cho con người đắc đạo, tự thấy được gốc ngọn của năm đường sanh tử, biết thọ mạng của con người, ý chí đã chân chánh, hành hóa tự tại, muốn lên Trời thì lên, muốn vào biển thì vào.
Thí như lấy hương tắm cho người chết, không thể làm cho xác chết thơm lên được. Dạy cho người ác điều thiện, chưa chắc họ làm theo. Tâm con người ác thì miệng thân đều ác. Cái học bên ngoài chỉ là sự buông lung mà thôi, không phải là đạo chân chánh.
Người hành đạo nghe như vậy rốt cuộc không trả lời, biết ý kẻ phàm nhận thức tư duy đều điên đảo. Kẻ ngu không hiểu đạo, lấy chánh làm tà, không phân biệt được chân ngụy. Bậc Thánh Nhân thương xót họ nên càng thêm lòng từ bi cứu độ.
Sa Môn giữ ý như người mặc áo mới lúc ngồi, lúc đứng đều cẩn thận, không muốn làm cho dơ bẩn. Cho nên người giữ giới thường chiến đấu với tâm, dù trăm điều ác đến, rốt cuộc đều không nghe theo.
Cha Mẹ sanh con, lúc còn thơ ấu dạy dỗ cho theo đạo, khi lớn phạm tội bị chết, không thể oán trách cha mẹ. Thí như ngồi xổm trên giường có cây mà không có dây thì không thể ngồi được. Ðệ tử mà không có minh sư cũng không thể đắc đạo được. Như các nho sĩ này ở thời tiền kiếp của ta thờ nhiều Thánh Hiền, thọ lãnh được những điều phi phàm, đều do thầy là bậc vô vi dạy.
Người được quả La Hán, có thể tự mình niêu bày rõ, ở nơi nào được quả Câu cảng Tu Đà Hoàn, ở nơi nào được quả Tần lai Tư Đà Hàm và Bất Hoàn cho đến Ứng Chân, tất cả đều giải thoát, không còn sanh tử nữa, biết rõ rộng hẹp, như xem bức tranh đẹp, phân biệt được năm màu.
Thấy người trong thiên hạ đều có ba độc: Kiêu mạn, phóng dật, tham đắm mùi vị, tự biết đã cởi bỏ, không còn tham sanh lên Trời, cũng không thích ở trong cõi người, chỉ nhớ tưởng đến chúng sanh, muốn họ được giải thoát. Kẻ phàm phu chưa nghe chánh pháp cần phải học tập thật kỹ, như cầm dây tơ ngũ sắc xâu chuỗi ngọc lưu ly năm màu đều hiện.
Bậc đạt được mắt đạo xem thấy thần thức của con người từ đâu đến và chết đi về đâu?
Biết người nào chết thần thức bị đọa vào địa ngục, ai bị đọa vào súc sanh, ai bị đọa vào ngạ quỷ, ai sinh vào loài người, ai chết sanh lên Trời, kẻ thành đạo tự biết. Ðoạn trừ năm chỗ sanh này, đã đạt được điều nguyện ước, xem thân này như đất bụi, cứ đem thân mình nghiền nát thành bụi cũng được.
Ðã rõ chân ngụy như vào nước trong thì cát sỏi hoặc châu báu đều hiện rõ. Dự biết thiên hạ, một người là trăm, trăm người là một. Sở dĩ như vậy là vì, một người sanh con truyền đến cháu chắt, hưng thạnh được trăm, hoặc khi một trăm người chết dần dần chuyển thành không, hay lại còn có một.
***