Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Lạc

PHẬT THUYẾT

KINH PHÁT KHỞI BỒ TÁT

THÙ THẮNG CHÍ LẠC

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
 

PHẦN BA
 

Này Di Lặc! Nếu Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di muốn nói pháp thì cần phải an trụ ở biện tài như vậy. Nếu kẻ trai lành, người nữ thiện có tâm tin thuận thì đối với người đó, nên sinh tưởng là Đức Phật, tưởng là bậc thầy dạy bảo, cũng lắng nghe pháp ấy nơi người đó.

Tại sao thế?

Vì điều người đó đã nói, nên biết đều là điều mà tất cả Như Lai đã tuyên nói, là lời nói thành thật của tất cả Chư Phật.

Này Di Lặc! Nếu có kẻ chê bai bốn biện tài này, nói chẳng phải do Đức Phật nói, chẳng sinh tâm tôn trọng cung kính. Người đó do oán ghét cho nên đối với biện tài mà tất cả Chư Phật Như Lai đã nói, đều sinh chê bai. Do chê bai pháp nên đã làm hoại pháp nghiệp. Làm hoại pháp xong, sẽ bị rơi vào đường ác.

Thế nên Di Lặc! Nếu các kẻ trai lành có niềm tin trong sạch, vì muốn giải thoát nhân duyên chê bai chánh pháp thì chẳng dùng nhân ghen ghét mà ganh ghét đối với pháp, chẳng dùng nhân do lỗi lầm mà đối với pháp sinh lỗi lầm, chẳng dùng nhân ở oán mà đối với pháp cũng oán.

Này Di Lặc! Thế nào gọi là bốn loại biện tài mà Chư Phật đã ngăn chận?

Ấy là:

Tương ứng với sự chẳng phải là lợi ích, chẳng tương ứng với sự lợi ích.

Tương ứng với phi pháp, chẳng tương ứng với pháp.

Tương ứng với phiền não, chẳng tương ứng với sự diệt hết phiền não.

Tương ứng với sinh tử, chẳng tương ứng với công đức của Niết Bàn.

Này Di Lặc! Đây là bốn loại biện tài mà tất cả Chư Phật đã ngăn chận.

Khi ấy Bồ Tát Di Lặc bạch Phật rằng: Thế Tôn! Như Đức Phật đã nói. Nếu có Biện Tài tăng trưởng sinh tử thì chẳng phải là điều mà Như Lai đã tuyên nói. Tại sao Đức Thế Tôn lại nói các phiền não hay làm việc lợi ích của Bồ Tát.

Lại nữa, xưng tán nhiếp lấy sinh tử mà hay viên mãn pháp bồ đề phần?

Thực hiện nhóm như vậy, há chẳng phải là điều mà Đức Như Lai đã nói sao?

Đức Phật bảo Di Lặc Bồ Tát Ma Ha Tát rằng: Này Di Lặc! Nay ta hỏi ông, tùy theo ý của ông mà trả lời.

Nếu có nói rằng: Bồ Tát vì muốn viên mãn thành tựu bồ đề phần, cho nên nhiếp lấy sinh tử.

Lại nữa nói rằng: Dùng các phiền não làm việc lợi ích. Nói như vậy là tương ứng cùng với lợi ích, chẳng tương ứng với sự chẳng lợi ích.

Là tương ứng cùng với pháp, chẳng tương ứng với phi pháp.

Bồ Tát Di Lặc bạch Phật rằng: Thế Tôn! Nếu người nói chính đúng ắt tương ứng cùng với nghĩa lợi, tương ứng cùng với pháp, hay khiến cho pháp bồ đề phần của Bồ Tát được viên mãn.

Đức Phật bảo Di Lặc: Nếu nói Bồ Tát vì muốn viên mãn bồ đề phần cho nên nhiếp lấy Sinh Tử. Nói các phiền não hay làm việc lợi ích của Bồ Tát. Biện tài như vậy là điều mà Chư Phật Như Lai đã tuyên nói.

Tại sao thế?

Này Di Lặc! Các vị Bồ Tát này được pháp tự tại, nơi khởi phiền não, không có lỗi lầm. Đây là phương tiện khéo léo của Bồ Tát, chẳng phải là cảnh giới của các Thanh Văn Śrāvaka, Duyên Giác Pratyeka buddha.

Này Di Lặc! Nếu có phiền não thì chẳng có thể vì người khác làm việc lợi ích, cũng chẳng thể mãn pháp bồ đề phần. Nhưng điều phát khởi chẳng cùng với nghĩa lợi tương ứng, chẳng cùng với pháp tương ứng… mà chỉ kẻ có nhân của căn lành thấp kém. Bồ Tát ở trong đó, thà buông bỏ thân mệnh, cũng chẳng tùy theo phiền não ấy mà thực hành.

Tại sao thế?

Này Di Lặc! Có vị Bồ Tát khác được trí lực cho nên đối với các phiền não, hiện có duyên bám níu. Có vị Bồ Tát khác không có trí lực cho nên đối với phiền não, tăng thêm sự chấp dính.

Bấy giờ Bồ Tát Di Lặc bạch Phật rằng: Thế Tôn! Như con hiểu nghĩa của Đức Phật đã nói. Nếu các Bồ Tát trong năm trăm năm ở đời mạt thế sau này, ưa muốn lìa sự ràng buộc của các nghiệp chướng, tự mình không có tổn hại mà được giải thoát thì người đó nên ở trong Hạnh Bồ Tát Bodhisatva caryā sinh tin hiểu sâu xa, đối với lỗi lầm của kẻ khác thì chẳng sinh phân biệt, chí cầu công đức chân thật của Như Lai.

Đức Phật nói: Như vậy! Như vậy Di Lặc! Chính vì thế cho nên cần ở trong hạnh phương tiện của các hàng Bồ Tát, sinh tin hiểu sâu xa.

Tại sao thế?

Vì Hành phương tiện của Tuệ Hạnh Bồ Tát khó thể tin hiểu được.

Này Di Lặc! Ví như người Tu Đà Hoàn Srota āpanna hiện bày hạnh phàm phu Pṛthag jana caryā thì phàm phu Pṛthag jana như vậy cùng với địa vị của Tu Đà Hoàn đều có sai biệt. phàm phu là người ngu do tham sân si ràng buộc, bị rơi vào các đường ác. Nhưng Tu Đà Hoàn đối với tham sân si đã khéo hay thấu đạt, nên cuối cùng chẳng bị rơi vào ba đường ác vậy.

Này Di Lặc! Tuệ Hạnh Bồ Tát cũng lại như vậy. Đối với tập khí tham sân si chưa chặt đứt thì kẻ ấy cũng khác với Sơ Nghiệp Bồ Tát.

Tại sao thế?

Vì Tâm của vị ấy chẳng bị phiền não che lấp, nên chẳng đồng với các hàng Bồ Tát Sơ Nghiệp, Độn Hạnh Bồ Tát không có khéo léo, chẳng thể lìa ra khỏi.

Di Lặc! Tất cả tội nặng của Tuệ Hạnh Bồ Tát do sức trí tuệ đều hay tồi diệt được, cũng chẳng nhân vào việc ấy mà bị rơi vào đường ác.

Này Di Lặc! Ví như có người đối với đám lửa lớn, mỗi mỗi ném thêm từng cây củi. Như vậy thêm xong thì lửa ấy chuyển mạnh, càng tăng thêm ánh sáng không có tận diệt.

Di Lặc! Tuệ Hạnh Bồ Tát cũng lại như vậy, dùng lửa trí tuệ thiêu đốt củi phiền não, mỗi mỗi đưa thêm cây củi phiền não. Như vậy thêm xong thì lửa trí tuệ chuyển đổi tăng ánh sáng không có diệt tận.

Này Di Lặc! Như vậy! Như vậy! Phương tiện khéo léo, sức trí tuệ của Tuệ Hạnh Bồ Tát khó thể biết thấu.

Bấy giờ Di Lặc Bồ Tát Ma Ha Tát bạch Phật rằng: Thế Tôn! Sơ Nghiệp Bồ Tát đã xuất gia xong, chưa được tuệ lực mà muốn được thì nên buông bỏ pháp nào?

Nên tu Pháp nào?

tuệ lực chưa sinh hay khiến cho sinh ra, tuệ lực đã sinh hay khiến cho tăng trưởng?

Đức Phật bảo Bồ Tát Di Lặc rằng: Này Di Lặc! Sơ Nghiệp Bồ Tát đã xuất gia xong, muốn khiến cho tuệ lực được tăng trưởng thì nên đối với lợi dưỡng, biết lỗi lầm ấy cần phải buông lìa. Hoặc ưa thích tụ họp ồn ào, nói chuyện thế tục, ham thích ngủ say, rộng kinh doanh mọi việc, ưa thích các hý luận… lỗi lầm như vậy, đều nên xa lìa.

Chính vì thế cho nên phải buông bỏ lợi dưỡng, tu chỗ ít ham muốn, buông bỏ các chốn tụ họp ồn ào, ở nơi vắng lặng, buông bỏ nói các chuyện đời, quán nơi thật nghĩa, đầu đêm sau đêm xa lìa ngủ mê, quán sát suy nghĩ tùy theo hành tu tập, buông bỏ mọi việc với các hý luận, tu đạo xuất thế, từ niệm quan tâm yêu thương giúp đỡ chúng sinh.

Này Di Lặc! Sơ Nghiệp Bồ Tát đã xuất gia xong, chưa được tuệ lực mà muốn được thì pháp đó nên buông bỏ, pháp đó nên tu.

Tại sao thế?

Vì các vị Bồ Tát ấy đã xuất gia xong, chưa được tuệ lực mà muốn được, lại chẳng buông bỏ lợi dưỡng, chẳng tu ít ham muốn mà tuệ lực chưa sinh sẽ khiến cho sinh ra, tuệ lực đã sinh hay khiến cho tăng trưởng, ắt không có chuyện đó.

Chẳng buông bỏ chốn tụ họp ồn áo, chẳng trụ nơi vắng lặng mà tuệ lực chưa sinh sẽ khiến cho sinh ra, tuệ lực đã sinh hay khiến cho tăng trưởng, cũng không có chuyện đó.

Chẳng buông nói chuyện đời, chẳng quán thật nghĩa mà tuệ lực chưa sinh sẽ khiến cho sinh ra, tuệ lực đã sinh hay khiến cho tăng trưởng, ắt không có chuyện đó.

Đầu đêm, sau đêm ham thích ngủ mê, chưa từng giác ngộ, cột buộc niệm suy nghĩ, chẳng buông bỏ mọi việc, ưa thích các hý luận, đối với đạo xuất thế chẳng thể tu hành, đối với các chúng sinh chẳng sinh từ niệm mà tuệ lực chưa sinh sẽ khiến cho sinh ra, tuệ lực đã sinh hay khiến cho tăng trưởng, cũng không có chuyện đó.

Này Di Lặc! Chính vì thế cho nên Bồ Tát chưa được tuệ lực mà muốn được thì nên buông bỏ các pháp cần phải buông lìa, nên tu các pháp cần phải tu tập.

Tại sao thế?

Vì trí tuệ của Bồ Tát từ nhân duyên sinh, nếu không có nhân duyên, cuối cùng chẳng thể sinh, nhân duyên hòa hợi như thế mới được sinh.

Khi ấy Bồ Tát Di Lặc bạch Phật rằng: Thế Tôn! Thế nào gọi là lỗi lầm trong lợi dưỡng?

Nếu khi quán sát thời hay khiến cho Bồ Tát ưa thích nơi ít ham muốn, chẳng sinh nhiệt não?

Đức Phật bảo Di Lặc: Sơ Nghiệp Bồ Tát nên quán lợi dưỡng hay sinh ra tham dục.

Nên quán lợi dưỡng hay hoại mất chính niệm, sinh ra sự giận dữ.

Nên quán lợi dưỡng, nhớ nghĩ việc được mất ấy, hay sinh ra ngu si.

Nên quán lợi dưỡng hay sinh ra tâm cao thấp ganh tỵ đố kỵ.

Nên quán lợi dưỡng đối với thân hữu, gia đình hay keo kiệt bủn xỉn, đắm trước… sinh ra sự lừa đảo mê hoặc.

Nên quán lợi dưỡng thành tựu mùi vị yêu thích, sinh ra sự lừa dối.

Nên quán lợi dưỡng buông bỏ mầm giống của bốn Thánh không có tàm quý ghê sợ tội lỗi, ham thích công đức tốt lành. Chẳng phải là nơi mà tất cả Chư Phật đã hứa khả đồng ý cho phép, tích lũy thói quen kiêu căng dâm dật kiêu dật, sinh ra sự kiêu ngạo tự phụ cao mạn.

Nên quán lợi dưỡng đối với ruộng Phước thù thắng, dấy lên sự khinh mạn, làm Ma Đảng bè đảng của Ma.

Nên quán lợi dưỡng là gốc rễ của mọi điều xấu ác, hủy hoại các điều tốt lành.

Nên quán lợi dưỡng là nơi có nhiều sự tham dính, giống như sương muối mưa đá.

Nên quán lợi dưỡng đối với thân hữu, gia đình… trông đợi nhan sắc, sinh ra sự lo âu buồn phiền.

Nên quán lợi dưỡng như sự rối loạn của tâm lo lắng khi vật yêu thích bị tổn hoại.

Nên quán lợi dưỡng đối với bốn niệm xứ Catvāri smṛty upasthānāni phần lớn là nơi đã quên mất, giật đổ Pháp Trắng Pháp tốt lành trong sạch.

Nên quán lợi dưỡng đối với bốn chính cần Catvāri prahāṇāni phần lớn có sự lùi mất, khiến cho tất cả Luận khác thắng thế.

Nên quán lợi dưỡng như tự mình nói rằng đã được thần thông trí tuệ, cho nên sinh ra sự trái ngược.

Nên quán lợi dưỡng: Trước, sau, được, mất… sinh ra sự oán ghét.

Nên quán lợi dưỡng hỗ trợ sự giận dữ hiềm thù, nói lỗi lầm xấu ác ấy cho nên có nhiều sự tìm cầu lựa chọn toan tính.

Nên quán lợi dưỡng vì nuôi mạng sống, kinh doanh các nghiệp của đời, tính toán suy nghĩ cho nên giảm đi sự an vui.

Nên quán lợi dưỡng cho đến thiền định, tam muội giải thoát, Tam Ma Bát Để Samāpatti: Đẳng Chí … tâm như dâm nữ hay lùi mất.

Nên quán lợi dưỡng buông lìa trí đoạn trí tuệ bát nhã đoạn trừ phiền não, bị rơi vào: Địa ngục, quỷ đói, súc sanh, cõi Diêm Ma La, các đường ác.

Nên quán lợi dưỡng cùng với Đề Bà Đạt Đa Devadatta Ô Đà Lạc Ca đồng ở Pháp Trụ, bị rơi vào đường ác.

Này Di Lặc! Sơ Nghiệp Bồ Tát như vậy quán sát lỗi lầm của lợi dưỡng, ưa thích nơi ít ham muốn, chẳng sinh nhiệt não.

Tại sao Thế?

Này Di Lặc! Bồ Tát ít ham muốn đối với tất cả lỗi lầm thảy đều chẳng sinh, kham làm pháp khí thanh tịnh của Chư Phật mà chẳng bị ràng buộc là tại gia hay xuất gia, trụ ở niềm vui của ý chân thật tối thắng, chẳng vì thấp kém cũng chẳng sợ hãi.

Lìa sự sợ hãi bị rơi vào các đường ác, không thể che lấp, buông bỏ mùi vị đam mê, giải thoát được cảnh giới của chúng ma, là nơi mà tất cả Chư Phật đã khen ngợi, Chư Thiên với loài người cũng sẽ yêu thích, ở các thiền định mà chẳng bị nhiễm dính, trụ ở cùng cực.

Tâm ấy ngay thẳng không có lừa dối, ở trong năm dục cũng chẳng phóng dật. Nhìn thấy lỗi ấm ấy, như thuyết tu hành, hay trụ ở mầm giống của Bậc Thánh, người đồng Phạm Hạnh Brahma caryā cũng sẽ yêu thích.

Này Di Lặc! Nếu có Bồ Tát trí tuệ thông mẫn thì đối với công đức này hay biết như vậy. Dùng niềm vui của ý thù thắng nên buông bỏ lợi dưỡng, dùng niềm vui của ý thù thắng trụ ở nơi ít ham muốn, để chặt đứt tham ái mà phát khởi.

Khi ấy Bồ Tát Di Lặc bạch Phật rằng: Thế Tôn! Thế nào gọi là lỗi lầm trong chỗ tụ họp ồn ào.

Nếu quán sát thời Bồ Tát ở một mình tại chỗ nhàn tịnh, chẳng sinh nhiệt não?

Đức Phật bảo Di Lặc: Sơ Nghiệp Bồ Tát cần phải quán sát lỗi lầm của sự tụ họp ồn ào, nếu quán sát thời hay khiến cho Bồ Tát ở một mình tại chỗ nhàn tịnh, chẳng sinh nhiệt não.

Này Di Lặc! Thế nào gọi là hai mươi loại lỗi lầm ở chốn tụ họp ồn ào?

1. Chẳng bảo vệ thân nghiệp.

2. Chẳng bảo vệ ngữ nghiệp.

3. Chẳng bảo vệ ý nghiệp.

4. Đầy đủ nhiều sự tham dục.

5. Tăng trưởng ngu si.

6. Đam mê nói chuyện của đời.

7. Lìa lời nói xuất thế.

8. Ở trong phi pháp tôn trọng tu tập.

9. Buông bỏ, xa lìa chánh pháp.

10. Thiên Ma Ba Tuần được dịp thuận tiện gây hại.

11. Đối với sự chẳng phóng dật thì chưa từng tu tập.

12. Đối với hạnh phóng dật thì thường ôm giữ nhiễm dính.

13. Có nhiều sự tìm cầu, lựa chọn, toan tính.

14. Hao tổn giảm bớt Đa Văn Bahu śrūta.

15. Chẳng được thiền định.

16. Không có trí tuệ.

17. Mau chóng mà được điều chẳng phải là các phạm hạnh.

18. Chẳng yêu thích Phật.

19. Chẳng yêu thích Pháp.

20. Chẳng yêu thích Tăng.

Này Di Lặc! Đây là Bồ Tát quán hai mươi loại lỗi lầm ở nơi tụ họp ồn ào.

***