Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Lạc

PHẬT THUYẾT

KINH PHÁT KHỞI BỒ TÁT

THÙ THẮNG CHÍ LẠC

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
 

PHẦN BẢY
 

Phần lớn có Bồ Tát, Tâm ấy ngang ngạnh chẳng tôn kính nhau, ôm ấp Tăng Thượng Mạn Abhimāna cùng nhau tranh đúng, sai… nghe nói công đức thù thắng của nghĩa thâm sâu như vậy, tuy có thọ trì đọc tụng diễn nói, do Bồ Tát đó có nghiệp chướng sâu nặng, nên chẳng thể được sinh công đức thù thắng, liền đối với Kinh này nghi ngờ chẳng tin, chẳng chịu thọ trì, vì người diễn nói.

Khi Ma Ba Tuần nhìn thấy việc đó xong, vì lừa dối mê hoặc cho nên hiện hình Tỳ Kheo đi đến chỗ ấy, nói lời như vậy: Các Kinh Điển này đều là thế tục khéo dùng văn từ mà chế tạo ra, chẳng phải là điều mà Đức Như Lai đã tuyên nói.

Tại sao thế?

Vì công đức lợi ích mà Kinh này đã nói, thì ngươi đều chẳng được. Do sự lừa dối mê hoặc của Ma Ba Tuần, nên đối với Không Tính Śūnyatā, nghĩa Lợi Artha tương ứng với Khế Kinh Sūtra thâm sâu thì tâm sinh nghi ngờ dấy lên các tranh luận, chẳng chịu thọ trì đọc tụng diễn nói.

Này Di Lặc! Các người ngu ấy chẳng thể biết rõ, do nghiệp của chính mình cho nên chẳng thể được công đức thù thắng kia. Khi nghiệp của chính mình đã tiêu tan xong thì quyết định sẽ được công đức như vậy.

Bấy giờ Bồ Tát Di Lặc bạch Phật rằng: Thế Tôn!

Như Đức Phật đã nói công đức lợi ích trong Thế Giới Cực Lạc Sukha vatī của Đức Phật A Di Đà Amitābha: Vô Lượng Quang. Nếu có chúng sinh phát mười loại tâm, tùy theo mỗi một tâm, chuyên niệm hướng về Đức Phật A Di Đà thì khi chết, người đó sẽ được sinh về Thế Giới của Đức Phật ấy.

Đức Phật bảo Bồ Tát Di Lặc rằng: Này Di Lặc! Mười tâm như vậy chẳng phải là chỗ mà các phàm phu, trượng phu bất thiện, kẻ đủ phiền não có thể phát khởi được!

Nhóm nào là mười?

1. Tâm đối với các chúng sinh: Khởi đại từ không có tổn hại.

2. Tâm đối với các chúng sinh: Khởi đại bi không có bức não.

3. Tâm đối với Chánh Pháp của Phật: Chẳng tiếc thân mệnh, vui thích thủ hộ.

4. Tâm đối với tất cả pháp: Phát sinh thắng nhẫn không có chấp dính.

5. Tâm chẳng tham: Lợi dưỡng, cung kính, tôn trọng, niềm vui của ý trong sạch.

6. Tâm cầu Phật Chủng Trí: Ở tất cả thời không có quên mất.

7. Tâm đồi với các chúng sinh: Tôn trọng, cung kính, không có thấp kém.

8. Tâm chẳng dính vào thế luận, đối với bồ đề phần sinh quyết định.

9. Tâm gieo trồng các căn lành, không có tạp nhiễm trong sạch.

10. Tâm đối với các Đức Như Lai: Buông lìa các tướng, khởi tùy niệm.

Này Di Lặc! Đây gọi là Bồ Tát phát mười loại Tâm. Do Tâm đó cho nên sẽ được sinh về Thế Giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà.

Này Di Lặc! Nếu người ở trong mười loại tâm này, tùy thành một tâm, vui muốn sinh về Thế Giới của Đức Phật ấy, nếu chẳng được sinh, ắt không có chuyện đó.

Khi ấy Tôn Giả A Nan Ānanda bạch Phật rằng: Thật hiếm có! Chỉ Đức Thế Tôn mới có thể mở bày diễn nói công đức chân thật của Như Lai, phát khởi niềm vui thuộc chí thù thắng của Bồ Tát.

Thế Tôn! Nên dùng tên nào gọi Kinh này?

Chúng con thọ trì như thế nào?

Đức Phật bảo A Nan rằng: Kinh này tên là Phát Khởi Bồ Tát Thắng Chí Lạc, cũng gọi là Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn. Dùng danh tự đó, ông nên thọ trì.

Đức Phật nói Kinh này xong thời Bồ Tát Di Lặc với các vị Thanh Văn, tất cả thế gian, Trời, Người, A Tu La, Càn Thát Bà… nghe điều Đức Phật đã nói đều rất vui vẻ, tin nhận phụng hành.

***