Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Lạc

PHẬT THUYẾT

KINH PHÁT KHỞI BỒ TÁT

THÙ THẮNG CHÍ LẠC

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
 

PHẦN MỘT
 

Như vậy tôi nghe!

Một thời Đức Phật ngự trong vườn Thi Lộc Mṛgadāva, trú xứ của người Tiên tại thành Ba Ly Nại Vārāṇasī cùng với chúng Đại Tỳ Kheo Mahatā bhikṣu saṃgha đầy đủ một ngàn người. Lại có năm trăm các chúng Bồ Tát Bodhisatva saṃgha.

Lúc đó trong chúng, phần lớn có Bồ Tát nghiệp chướng sâu nặng, các căn mờ tối chậm lụt, pháp thiện làm ít, ưa ở chỗ tụ họp náo nhiệt, bàn luận nói chuyện đời, ham mê nằm ngủ, nhiều các hý luận, rộng mưu lợi mọi việc mọi loại tham dính, làm điều chẳng nên làm, sằng bậy đánh mất chính niệm, tu tập tà tuệ, thấp kém, siêng năng thực hành hạnh mê hoặc.

Bấy giờ Di Lặc Bồ Tát Ma Ha Tát Maitreya bodhisatva mahasatva ở ngay trong Hội nhìn thấy các vị Bồ Tát có đầy đủ các hạnh chẳng lành như vậy, nên tác niệm này là: Các Bồ Tát này đối với Vô Thượng Bồ Đề Viên Mãn Đạo Phần đều đã chuyển lùi. Nay Ta sẽ khiến cho các Bồ Tát đó giác ngộ, mở sự hiểu biết, sinh tâm vui vẻ.

Tác niệm này xong, liền ở buổi trưa, từ thiền định đứng dậy, đi đến chốn ấy thăm hỏi lẫn nhau.

Lại dùng mọi loại ngôn từ nhu nhuyễn, nói pháp yếu khiến cho họ vui vẻ, rồi nhân đấy bảo rằng: Này các Nhân Giả! Các ông đối với Vô Thượng Bồ Đề Viên Mãn Đạo Phần có được tăng trưởng mà chẳng chuyển lùi chăng?

Các vị Bồ Tát đó đồng thanh bạch rằng: Tôn Giả! Nay chúng tôi đối với Vô Thượng Bồ Đề Viên Mãn Đạo Phần không có khôi phục tăng trưởng được, chỉ có chuyển lùi.

Tại sao thế?

Vì Tâm của tôi thường bị nghi hoặc che lấp, đối với Vô Thượng Bồ Đề Agra bodhi chẳng thể hiểu thấu thì cớ gì làm cho chúng tôi sẽ thành Phật, chẳng thành Phật đây?

Đối với đọa lạc cũng thẳng thể hiểu thì cớ gì làm cho chúng tôi sẽ bị đọa lạc, chẳng bị đọa lạc đây?

Do nhân duyên đó, nên pháp lành Kuśala dharma: Thiện pháp muốn sinh thường bị nghi hoặc ràng buộc che lấp.

Khi ấy Bồ Tát Di Lặc bảo rằng: Các Nhân Giả có thể cùng nhau đi đến chỗ của Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri Tathāgatāya arhate samyaksaṃbuddha.

Đức Như Lai ấy là bậc biết tất cả, là bậc nhìn thấy tất cả, thành tựu đầy đủ trí không có chướng ngại, tri kiến giải thoát, dùng sức phương tiện khéo biết chổ thực hành của tất cả chúng sinh, sẽ vì các ông tùy theo căn tính, mọi loại nói pháp.

Lúc đó trong Chúng có sáu mươi vị Bồ Tát cùng với Bồ Tát Di Lặc đi đến chỗ của Đức Phật, cúi năm vóc sát đất, đỉnh lễ bàn chân của Đức Phật, buồn thương rơi nước mắt, chẳng thể tự mình đứng dậy được. Bồ Tát Di Lặc tu kính xong rồi lui ra ngồi một bên.

Bấy giờ Đức Phật bảo các vị Bồ Tát rằng: Này thiện nam tử Kula putra! Các ông nên đứng dậy, đừng nép mình buồn thương gào khóc, sinh đại phiền não.

Xưa kia ông đã gây tạo nghiệp ác, đối với các chúng sinh đã dùng tâm vui thích: Giận dữ, chửi mắng, hủy nhục, gây chướng não tổn hại. Tùy theo sự phân biệt của mình, chẳng thể biết rõ sự sai biệt của nghiệp báo. Chính vì thế cho nên các ông nay bị nghiệp chướng ràng buộc che lấp, đối với các Pháp lành chẳng thể tu hành.

Khi các vị Bồ Tát nghe lời này xong, từ mặt đất đứng dậy, trật áo hở vai phải, quỳ gối phải sát đất, chắp tay cung kính, rồi bạch Phật rằng: Lành Thay Thế Tôn! Nguyện vì chúng con nói nghiệp chướng này. Chúng con biết tội, sẽ tự mình điều phục. Từ ngày hôm nay, chúng con chẳng dám làm nữa.

Bấy giờ Đức Phật bảo các vị Bồ Tát rằng: Này thiện nam tử! Xưa kia ông từng ở trong pháp của Đức Câu Lưu Tôn Như Lai Krakucchanda tathāgata xuất gia vì đạo. Cậy mình là bậc Đa Văn Bahu śruta tu trì Tịnh Giới, thường ôm tâm kiêu mạn cao ngạo phóng túng, lại thực hành Đầu Đà Dhūta ít ham muốn biết đủ.

Đối với công đức Guṇa ấy lại sinh chấp dính. Thời đó có hai vị Tỳ Kheo nói pháp, phần lớn được nổi tiếng và được lợi dưỡng từ các Thân Hữu. Ông đối với người ấy, dùng tâm ganh tỵ đố kỵ, nói dối chê bai người ấy làm việc dâm dục.

Lúc đó Thân Hữu quyến thuộc của vị Pháp Sư do bị ông ly gián, nói tội lỗi của vị Pháp Sư ấy, đều khiến cho họ nghi ngờ, chẳng sinh lòng tin nhận. Các chúng sinh ấy đối với vị Pháp Sư đó không có tâm tùy thuận, chặt đứt các căn lành.

Thế nên các ông do nghiệp ác này, đã ở trong sáu mươi trăm ngàn năm sinh tại địa ngục A Tỵ Avīci, nghiệp còn lại chưa hết nên lại ở trong bốn mươi trăm ngàn năm sinh tại địa ngục Đẳng Hoạt Saṃjñā, nghiệp còn lại chưa hết nên lại ở trong hai mươi trăm ngàn năm sinh tại địa ngục Hắc Thằng Kala sūtra, nghiệp còn lại chưa hết nên lại ở trong sáu mươi trăm ngàn năm sinh tại địa ngục Thiêu Nhiệt Tapana.

Từ chốn ấy mất đi, quay lại được làm người, trong năm trăm đời sinh ra bị mù đui không có con mắt. Do nghiệp còn sót lại cho nên mỗi mỗi ở tại nơi sinh ra, thường nhiều ngu muội chậm chạp, quên mất chính niệm, ngăn che căn lành, phước đức bị thiếu nên hình dung xấu xí thiếu hụt, người chẳng ưa nhìn, chê bai, khinh rẻ, đùa bỡn, ức hiếp, nghi ngại. Thường sinh ở chỗ Biên Địa, nghèo túng, thấp hèn, mất mát tài bảo, cuộc sống gian nan, chẳng được mọi người tôn trọng kính yêu.

Từ chốn này mất đi, ở trong năm trăm năm thuộc đời mạt thế sau này, khi pháp muốn diệt thời quay trở lại sinh vào nhà hạ tiện ở Biên Địa, túng thiếu, đói rét, bị người chê bai, quên mất chính niệm, chẳng tu pháp lành. Giả sử có muốn tu hành thì gặp nhiều sự ngăn trở khó khăn, tuy tạm phát khởi ánh sáng trí tuệ, do nghiệp chướng cho nên vẫn bị chìm đắm trở lại.

Các ông từ năm trăm năm ấy về sau, các nghiệp chướng đó mới được tiêu diệt, về sau được sinh tại Thế Giới Cực Lạc Sukha vatī của Đức Phật A Di Đà Amitābha: Vô Lượng Quang. Lúc đó, Đức Phật ấy sẽ vì các ông trao cho A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề Ký tức thọ ký sẽ thành bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Bấy giờ các hàng Bồ Tát nghe điều Đức Phật đã nói thì lông trên thân đều dựng đứng, sinh lo âu hối hận sâu xa, liền tự lau nước mắt, ở trước mặt Đức Phật bạch rằng: Thế Tôn! Nay con tỏ bày hối hận tội lỗi ấy. Chúng con thường đối với người thuộc Bồ Tát Thừa Bodhisatva yāna khinh mạn, giận ghét với nghiệp chướng khác… nay ở trước mặt Phật, sám hối tội như thế.

Hôm nay chúng con ở trước mặt Đức Thế Tôn xin phát thệ nguyện rộng lớn: Thế Tôn! Con từ ngày hôm nay cho đến bờ mé vị lai. Nếu đối với người thuộc Bồ Tát Thừa, nhìn thấy có sự vi phạm mà nêu lên tội lỗi ấy. Tức là chúng con đã lừa dối Đức Như Lai.

Thế Tôn! Con từ ngày hôm nay cho đến bờ mé vị lai. Nếu đối với người thuộc Bồ Tát Thừa mà đùa bỡn, quở trách, hiềm nghi, sợ hãi, khinh rẻ. Tức là chúng con đã lừa dối Đức Như Lai.

Thế Tôn! Con từ ngày hôm nay cho đến bờ mé vị lai. Nếu đối với người thuộc Bồ Tát Thừa dù tại gia hay xuất gia dùng năm sự dục lạc chơi đùa vui thích. Khi thấy lúc thọ dụng thời cuối cùng chẳng tìm kiếm lỗi lầm của người ấy, thường sinh tin kính, khởi tưởng như bậc thầy dạy bảo. Nếu chẳng như thế, tức là chúng con đã lừa dối Đức Như Lai.

Thế Tôn! Con từ ngày hôm nay cho đến bờ mé vị lai. Nếu đối với người thuộc Bồ Tát Thừa mà phá hoại nhà thân hữu với các lợi dưỡng khiến cho thân tâm người ấy lo buồn, bị bức bách. Tức là chúng con đã lừa dối Đức Như Lai.

Thế Tôn! Con từ ngày hôm nay cho đến bờ mé vị lai. Nếu đối với người thuộc Bồ Tát Thừa mà dùng một lời thô thiển khiến cho người ấy chẳng thích. Tức là chúng con đã lừa dối Đức Như Lai.

Thế Tôn! Con từ ngày hôm nay cho đến bờ mé vị lai. Nếu đối với người thuộc Bồ Tát Thừa mà ngày đêm sáu thời chẳng siêng năng kính lễ phụng sự. Tức là chúng con đã lừa dối Đức Như Lai.

Thế Tôn! Con từ ngày hôm nay cho đến bờ mé vị lai. Vì muốn hộ trì Hoằng Thệ này cho nên chẳng tiếc thân mệnh. Nếu chẳng như thế, tức là chúng con đã lừa dối Đức Như Lai.

Thế Tôn! Con từ ngày hôm nay cho đến bờ mé vị lai. Nếu đối với Thanh Văn Śrāvaka với Bích Chi Phật Pratyeka buddha mà dùng Tâm khinh mạn, nói rằng hàng ấy chẳng hơn được Ta. Tức là chúng con đã lừa dối Đức Như Lai.

Thế Tôn! Con từ ngày hôm nay cho đến bờ mé vị lai.

Nếu chẳng khéo hay tồi phục thân ấy, sinh tưởng thấp hèn như Chiên Đà La Caṇḍala: Người hiểm ác với loài chó má. Tức là chúng con đã lừa dối Đức Như Lai.

Thế Tôn! Con từ ngày hôm nay cho đến bờ mé vị lai. Nếu tự khen ngợi mình, chế diễu người khác. Tức là chúng con đã lừa dối Đức Như Lai.

Thế Tôn! Con từ ngày hôm nay cho đến bờ mé vị lai. Nếu chẳng sợ hãi chốn đấu tranh, tránh xa một trăm Do Tuần như gió mạnh thổi. Tức là chúng con đã lừa dối Đức Như Lai.

Thế Tôn! Con từ ngày hôm nay cho đến bờ mé vị lai. Nếu đối với tất cả công đức của Trì Giới, Đa Văn, Đầu Đà, ít ham muốn biết đủ…mà tự khoe khoang thân mình. Tức là chúng con đã lừa dối Đức Như Lai.

Thế Tôn! Con từ ngày hôm nay cho đến bờ mé vị lai. Đã tu gốc Thiện thì chẳng tự mình nương tài khoe công, Nghiệp tội đã làm thì phải biết xấu hổ tỏ bày. Nếu chẳng như thế, tức là chúng con đã lừa dối Đức Như Lai.

Bấy giờ Đức Thế Tôn khen các vị Bồ Tát: Lành thay! Lành thay! thiện nam tử khéo nói pháp giác ngộ như vậy, khéo phát thệ nguyện rộng lớn như vậy, hay dùng tâm quyết định như vậy. An trụ trong ấy thì tất cả nghiệp chướng thảy đều tiêu diệt, vô lượng căn lành cũng sẽ tăng trưởng.

Đức Phật lại bảo Di Lặc Bồ Tát Ma Ha Tát rằng: Này Di Lặc! Nếu có Bồ Tát vì muốn thanh tịnh các nghiệp chướng thì nên phát thệ nguyện rộng lớn như vậy.

Khi ấy Bồ Tát Di Lặc bạch Phật rằng: Thế Tôn! Có thể có kẻ trai lành, người nữ thiện hộ trì nguyện này sẽ được viên mãn chẳng chuyển lùi chăng?

Đức Phật bảo Bồ Tát Di Lặc rằng: Nếu có kẻ trai lành, người nữ thiện thực hành Đạo Bồ Tát Bodhisatva mārga hộ trì nguyện này, thà bỏ thân dứt mệnh chứ chẳng khuyết giảm khiến cho việc ấy chuyển lùi.

Lúc đó Bồ Tát Di Lặc lại bạch Phật rằng: Thế Tôn! Nếu có Bồ Tát ở trong năm trăm năm của thời mạt thế sau này, khi pháp muốn diệt thời thành tựu bao nhiêu pháp thì mới an ổn, không lo lắng mà được giải thoát?

Đức Phật bảo Bồ Tát Di Lặc rằng: Nếu có Bồ Tát ở trong năm trăm năm của thời mạt thế sau này, khi pháp muốn diệt thời nên thành tựu bốn pháp thì mới an ổn, không lo lắng mà được giải thoát.

Nhóm nào là bốn?

Ấy là: Đối với chúng sinh, chẳng tìm kiếm lỗi lầm của họ.

Nhìn thấy các vị Bồ Tát có chỗ vi phạm, cuối cùng chẳng được nêu lên.

Đối với Thân Hữu với nhà Thí Chủ, chẳng sinh chấp dính.

Chặt đứt hẳn tất cả lời nói thô thiển hung ác.

Này Di Lặc! Đây là Bồ Tát ở trong năm trăm năm của thời mạt thế sau này, khi pháp muốn diệt thời nên thành tựu bốn pháp thì mới an ổn, không lo lắng mà được giải thoát.

Khi ấy Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa này một lần nữa, nên nói kệ rằng:

Chẳng tìm lỗi kẻ khác

Cũng chẳng nêu tội người

Lìa lời thô, keo kiệt

Người đó sẽ giải thoát.

Này Di Lặc! Lại có Bồ Tát ở trong năm trăm năm của thời mạt thế sau này, khi pháp muốn diệt thời nên thành tựu bốn pháp thì mới an ổn, không lo lắng mà được giải thoát.

Nhóm nào là bốn?

Ấy là: 

Chẳng nên gần gũi người lười biếng

Buông lìa tất cả chúng tụ họp ồn ào

Một mình ở chỗ nhàn tịnh,

Thường siêng năng tinh tiến

Dùng phương tiện khéo, điều phục thân ấy.

Di Lặc! Đây là Bồ Tát ở trong năm trăm năm của thời mạt thế sau này, khi pháp muốn diệt thời nên thành tựu bốn pháp thì mới an ổn, không lo lắng mà được giải thoát.

Khi ấy Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa này một lần nữa, nên nói Kệ rằng:

Nên bỏ nơi lười biếng

Xa lìa chốn ồn ào

Vắng lặng thường biết đủ

Người đó sẽ giải thoát.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói Kệ này xong, liền bảo Bồ Tát Di Lặc rằng: Này Di Lặc! Chính vì thế cho nên Bồ Tát ở trong năm trăm năm của thời mạt thế sau này, muốn tự mình không có lo lắng mà được giải thoát, trừ diệt tất cả các nghiệp chướng thì cần phải buông lìa nơi tụ họp ồn ào, trụ tại chốn A Lan Nhược Araṇya trong rừng vắng lặng. Đối với điều chẳng nên tu mà tu hành, với các việc nhàn nhã lười biếng…đều nên xa lìa.

Chỉ tự xem xét thân của mình, chẳng tìm kiếm lỗi của người khác, vui nơi sự điềm đạm, siêng năng thực hành hạnh tương ứng của bát nhã Ba la mật Prajñā pāramitā. Nếu muốn đối với các hàng chúng sinh ấy, sinh thương xót sâu xa, được nhiều sự nhiêu ích thì nên dùng tâm không có hy vọng, thanh tịnh nói pháp.

Lại nữa Di Lặc! Nếu Bồ Tát dùng tâm không có hy vọng. Khi thực hành pháp thí thời chẳng dính vào danh tiếng, lợi dưỡng, quả báo… dùng việc nhiêu ích mà làm Thượng Thủ Pramukha, thường vì chúng sinh rộng tuyên chánh pháp, sẽ được thành tựu mười hai loại lợi.

Thế nào gọi là mười hai loại lợi?

Ấy là:

Thành tựu chánh niệm, đầy đủ trí tuệ

Có sức giữ gìn bền chắc, trụ hạnh trong sạch

Sinh tâm giác ngộ, được trí xuất thế

Chẳng bị chúng ma có dịp thuận tiện hãm hại

Ít nơi tham dục, không có giận dữ, oán hận, cũng chẳng ngu si.

Là nơi mà Chư Phật Thế Tôn đã nghĩ nhớ đến, Phi Nhân Amanuṣya thủ hộ, vô lượng Chư Thiên gia thêm Uy Đức ấy.

Quyến thuộc, thân hữu không thể bại hoại.

Lời nói ra được mọi người tin nhận

Chẳng bị oan gia rình tìm dịp thuận tiện hãm hại,

Được nơi không có sợ hãi, nhiều sự khoái lạc.

Là nơi mà các người trí đã khen ngợi

Khéo hay nói Pháp, mọi người kính ngưỡng.

Này Di Lặc! Đây là Bồ Tát sẽ được thành tựu mười hai loại Lợi. Chẳng dính vào danh tiếng, lợi dưỡng, quả báo…thực hành việc nhiêu ích mà làm Thượng Thủ, thường vì chúng sinh, dùng tâm không có hy vọng, thanh tịnh nói pháp.

***