Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Lạc

PHẬT THUYẾT

KINH PHÁT KHỞI BỒ TÁT

THÙ THẮNG CHÍ LẠC

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
 

PHẦN SÁU
 

Xa lìa nơi Sư Trưởng

Gần gũi tri thức ác

Xua đuổi người trì giới

Là lỗi ưa mọi việc

Ngày đêm không tưởng khác

Chỉ nhớ cầu cơm áo

Chẳng thích các công đức

Là lỗi ưa mọi việc

Thường hỏi trí thế gian

Chẳng thích lời xuất thế

Ham yêu nơi tà thuyết

Là lỗi ưa mọi việc

Cậy mình biết mọi việc

Khinh mạn các Tỳ Kheo

Giống như người cuồng say

Là lỗi ưa mọi việc

Tìm yếu kém của người

Chẳng tự thấy lỗi ấy

Khinh hủy người có đức

Là lỗi ưa mọi việc

Người ngu si như thế

Không có phương tiện khéo

Khinh mạn người nói pháp

Là lỗi ưa mọi việc

Nghiệp thấp kém như vậy

Đầy đủ các lỗi lầm

Sao người có trí tuệ

Yêu thích mà tu tập?

Nghiệp thù thắng trong sạch

Đầy đủ các công đức

Thê nên người có trí

Yêu thích thường tu tập

Nếu thích nghiệp thấp kém

Bậc Trí sẽ quở trách

Như người buông nhiều tiền

Tham cầu chút ít phần

Thế nên người sáng trí

Nên buông nghiệp thấp kém

Nên cầu pháp thắng thượng

Chư Phật thường khen ngợi.

Khi ấy Bồ Tát Di Lạch bạch Phật rằng: Thật hiếm có! Bạch Đức Thế Tôn! Các vị Bồ Tát ấy buông lìa nghiệp tinh tiến thù thắng, mà phát khởi việc thấp kém. Nên biết người đó rất ư kém trí, giác tuệ rất cạn cợt.

Đức Phật bảo Bồ Tát Di Lặc rằng: Này Di Lặc! Nay ta thành thật nói cho ông biết. Nếu có Bồ Tát chẳng tu các hạnh, chẳng chặt đứt phiền não, chẳng tập Thiền Tụng, chẳng cầu đa văn thì ta nói người đó chẳng phải là kẻ xuất gia.

Này Di Lặc! Nếu có hành giả siêng tu trí đoạn, trí xuất sinh, trí thành tựu… chẳng tạo làm nghiệp đời, kinh doanh mọi việc thì ta nói người đó trụ ở Như Lai giáo.

Nếu có Bồ Tát vui thích làm nghiệp đời, kinh doanh mọi việc, làm điều chẳng cần làm thì ta nói người đó trụ ở Sinh Tử. Do đó Bồ Tát chẳng nên gần gũi.

Này Di Lặc! Nếu có Bồ Tát kinh doanh nhiều mọi việc, tạo dựng tháp báu tràn đầy ba ngàn Đại Thiên Thế Giới. Bồ Tát như vậy chẳng thể khiến cho ta sinh vui vẻ, cũng chẳng phải là cúng dường cung kính Ta.

Di Lặc! Nếu có Bồ Tát đối với pháp Ba la mật tương ứng cho đến thọ trì một bài kệ bốn câu, đọc tụng tu hành, vì người diễn nói… thì người đó mới là kẻ cúng dường ta.

Tại sao thế?

Vì Bồ Đề của Chư Phật được sinh ra từ Đa Văn, chứ chẳng được sinh ra từ mọi việc vậy.

Này Di Lặc! Nếu có Bồ Tát siêng kinh doanh mọi việc, khiến kẻ kia đọc tụng tu hành diễn nói cho các nhóm Bồ Tát kinh doanh nơi mọi việc. Nên biết người đó tẳng trưởng nghiệp chướng, không có các phước lợi.

Tại sao thế?

Vì ba loại Phước Nghiệp đã nói như vậy, tất cả đều từ trí tuệ mà sinh ra.

Thế nên Di Lặc! Bồ Tát kinh doanh công việc ở chỗ của các vị Bồ Tát đọc tụng tu hành diễn nói kia… chẳng nên gây chướng ngại, làm lưu nạn chướng nạn của sự tu hành. Bồ Tát đọc tụng tu hành diễn nói ở chỗ của các vị Bồ Tát tu thiền định chẳng nên gây chướng ngại, làm lưu nạn chướng nạn của sự tu hành.

Này Di Lặc! Nếu Bồ Tát kinh doanh công việc của một cõi Diêm Phù Đề Jampu dvīpa ở chỗ của một vị Bồ Tát đọc tụng tu hành diễn nói thì cần phải gần gũi cúng dường thừa sự.

Nếu các hàng Bồ Tát đọc tụng tu hành diễn nói của một cõi Diêm Phù Đề ở chỗ của một vị Bồ Tát siêng tu thiền định cũng nên gần gũi cúng dường thừa sự. Nghiệp Thiện như vậy thì Như Lai tùy vui, Như Lai vui thích hứa nhận. Nếu đối với Bồ Tát siêng tu trí tuệ mà thừa sự cúng dường, sẽ được vô lượng nhóm phước đức.

Tại sao thế?

Vì nghiệp trí tuệ là tối thắng vô thượng, vượt qua chỗ hành của ba cõi tam giới.

Thế nên Di Lặc! Nếu có Bồ Tát phát khởi tinh tiến thì ở trong trí tuệ, nên siêng tu tập.

Khi ấy Bồ Tát Di Lặc bạch Phật rằng: Thế Tôn! Đức Như Lai khéo nói lỗi lầm ưa thích chỗ tụ họp ồn ào, nói chuyện đời, ngủ mê, kinh doanh mọi việc của sơ nghiệp Bồ Tát.

Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào gọi là lỗi lầm trong hý luận?

Nếu quán sát thời khiến cho Bồ Tát sẽ được trụ ở chốn vắng lặng, không có các tranh luận.

Đức Phật bảo Bồ Tát Di Lặc: Lỗi lầm thuộc hý luận của sơ nghiệp Bồ Tát nhiều vô lượng vô biên. Nay ta lược nói có hai mươi loại.

Thế nào gọi là hai mươi loại lỗi lầm?

1. Ở đời hiện tại bị nhiều thứ khổ não.

2. Tăng trưởng sự giận dữ, lùi mất nhẫn nhục.

3. Bị các oán đối gây não nại.

4. Ma Māra với dân ma đều sinh vui vẻ.

5. Căn lành chưa sinh thảy đều chẳng sinh.

6. Căn lành đã sinh, khiến bị lùi mất.

7. Tăng thêm các tâm đấu tranh, ganh oán.

8. Tạo làm nghiệp của địa ngục, nẻo ác.

9. Sẽ bị quả xấu xa, chẳng lành.

10. Lưỡi chẳng mềm mại, nói năng ngọng ngịu.

11. Chẳng thể nhớ giữ giáo pháp đã thọ nhận.

12. Chẳng được gặp Kinh Văn chưa được nghe.

13. Các thiện tri thức thảy đều buông lìa.

14. Mau chóng gặp gỡ các tri thức ác.

15. Tu hành nơi đạo, khó được xuất ly.

16. Mỗi mỗi thường nghe lời nói chẳng vừa ý.

17. Nơi nơi sinh ra, có nhiều sự nghi ngờ.

18. Thường sinh ở nơi có tám nạn, chẳng được nghe chánh pháp.

19. Tu hành pháp trắng có nhiều chướng ngại.

20. Ở chỗ thọ dụng, có nhiều thứ oán ghét.

Này Di Lặc! Đây là hai mươi loại lỗi lầm ham dính hý luận của Bồ Tát.

Lúc đó, Đức Thế Tôn một lần nữa nói kệ rằng:

Đời này thường khổ não

Lìa nhẫn, nhiều giận dữ

Oán thù sinh tâm hại

Là lỗi ưa hý luận

Ma với quyến thuộc ma

Thường sinh tâm vui vẻ

Đánh mất các pháp lành

Là lỗi ưa hý luận

Thiện chưa sinh, chẳng sinh

Thường trụ ở đấu tranh

Gây tạo nghiệp nẻo ác

Là lỗi ưa hý luận

Thân hình nhiều xấu xí

Sinh ở nhà hèn kém

Nói năng thường ngọng ngịu

Là lỗi ưa hý luận

Nghe pháp chẳng thể giữ

Hoặc nghe chẳng vào tai

Thường lìa các bạn lành

Là lỗi ưa hý luận

Gặp gỡ tri thức ác

Nơi đạo, khó xuất ly

Thường nghe lời chẳng thuận

Là lỗi ưa hý luận

Tùy theo nơi sinh ra

Thường ôm tâm nghi ngờ

Nơi Pháp, chẳng thể hiểu

Là lỗi ưa hý luận

Thường sinh trong tám nạn

Xa lìa chốn không nạn

Đầy đủ không lợi ích

Là lỗi ưa hý luận

Nơi thiện, nhiều chướng ngại

Lùi mất chính tư duy

Nhận chịu nhiều oán ghét

Là lỗi ưa hý luận

Các lỗi lầm như vậy

Đền nhân hý luận sinh

Thế nên người có trí

Mau chóng nên xa lìa

Người hý luận như vậy

Khó chứng đại bồ đề

Thế nên người có trí

Cũng chẳng nên gần gũi

Nơi hý luận, tranh luận

Dấy nhiều các phiền não

Bậc trí nên xa lìa

Nên cách trăm do tuần

Cũng chẳng gần nơi ấy

Dựng lập các nhà cửa

Thế nên người xuất gia

Chẳng nên trụ tranh luận

Các ông không ruộng, nhà

Vợ con, với đầy tớ

Đến địa vị vinh hoa

Duyên nào dấy tranh luận?

Xuất gia trụ vắng lặng

Thân khoác mặc áo pháp

Chư Tiên đều kính sự

Nên tu tâm nhẫn nhục

Như vậy người hý luận

Tăng trưởng tâm độc hại

Sẽ rơi vào nẻo ác

Thế nên phải tu nhẫn.

Tù cấm với cột trói

Hình hại bị đánh đập

Các nỗi khổ như vậy

Đều do tranh luận sinh

Kẻ hý luận như vậy

Thường gặp tri thức ác

Tiếng tăm chẳng tăng trưởng

Tâm chưa từng vui vẻ

Nếu buông nơi tranh luận

Không thể tìm dịp hại

Quyến thuộc chẳng xa lìa

Thường gặp được bạn lành.

Nơi Thừa Yāna được thanh tịnh

Dứt nghiệp chướng không sót

Tồi phục nơi ma quân

Siêng tu hạnh nhẫn nhục.

Tranh luận, nhiều lỗi lầm

Không tranh, đủ công đức

Nếu người có tu hành

Nên trụ ở nhẫn nhục.

Khi ấy Bồ Tát Di Lặc lại bạch Phật rằng: Thật hiếm có! Chỉ Đức Thế Tôn mới có thể khéo nói lỗi lầm như vậy, khiến cho các vị Bồ Tát sinh tâm giác ngộ.

Trong năm trăm năm ở đời mạt thế sau này, có thể có Bồ Tát nghe nói lỗi lầm do tranh luận như vậy mà hay sinh lo âu hối hận, buông lìa phiền não chăng?

Đức Phật bảo Bồ Tát Di Lặc rằng: Này Di Lặc! Trong năm trăm năm ở đời mạt thế sau này, ít có Bồ Tát hay sinh lo lắng hối hận, buông lìa phiền não.

***