Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo

PHẬT THUYẾT

KINH PHÁT KHỞI BỒ TÁT

THÙ THẮNG CHÍ NHẠO

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư

Bồ Đề Lưu Chi, Đời Đường
 

PHẦN BA
 

Di Lặc Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Kẻ ưa ngủ nghỉ có vô lượng lỗi lầm như vậy.

Nếu ngưòi nào được nghe mà chẳng sanh lòng lo lắng nhàm lìa để phát khởi tinh tiến, nên biết rằng người này rất ngu si.

Nếu Bồ Tát có chí cầu vô thượng bồ đề nghe nói cú nghĩa chơn thiệt công đức lợi ích như vậy mà đối với pháp lành chẳng phát khởi tinh tiến an trụ các phần bồ đề lại sanh lòng giải đãi thì không bao giờ có.

Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là lỗi trong các sự vụ mà lúc quan sát khiến Chư Bồ Tát chẳng kinh doanh sự vụ?

Đức Phật dạy: Này Di Lặc! Hàng Bồ Tát sơ nghiệp phải nên quan sát người ưa kinh doanh sự vụ có hai mươi điều lỗi, lúc quan sát như vậy có thể làm cho Bồ Tát chẳng kinh doanh sự vụ mà siêng tu tập Phật Đạo.

Những gì là hai mươi lỗi về kinh doanh sự vụ?

Một là ham thích nghiệp hạ liệt thế gian.

Hai là bị Chư Tỳ Kheo chuyên đọc tụng tu hành khinh rẻ.

Ba là bị Chư Tỳ Kheo chuyên tu thiền định quở trách.

Bốn là tâm thường phát khởi nghiệp sanh tử lưu chuyển từ vô thỉ.

Năm là luống thọ sự cúng thí của các cư sĩ có tín tâm.

Sáu là lòng tham ưa tài vật.

Bảy là thường ưa rộng mở sự vụ thế gian.

Tám là tưởng nhớ gia nghiệp mà lòng thường lo lắng.

Chín là tánh tình hung dữ phát ngôn thô lỗ.

Mười là lòng thường tưởng nhớ gia nghiệp.

Mười một là ham thích món ngon thêm lớn tham dục.

Mười hai là các nơi không lợi dưỡng thì chẳng sanh lòng hoan hỷ.

Mười ba là hay sanh nghiệp não hại chướng ngại.

Mười bốn là thường ưa thân cận các Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di.

Mười năm là chỉ nhớ ăn mặc mà qua ngày đêm.

Mười sáu là luôn hỏi việc làm ăn thế gian.

Mười bảy là thường ưa nói lời phi pháp.

Mười tám là cậy mình kinh doanh sự vụ mà sanh kiêu mạn.

Mười chín là chỉ tìm lỗi người mà chẳng tự quan sát.

Hai mươi là đối với người thuyết pháp ôm lòng khinh rẻ.

Đức Thế Tôn nói kệ rằng:

An trụ nghiệp hạ liệt

Rời xa hạnh thù thắng

Thối thất lợi ích lớn

Là lỗi ưa sự vụ.

Bị Chư Đại Tỳ Kheo

Tụng Kinh và tham thiền

Khinh khi và quở trách

Là lỗi ưa sự vụ.

Thường tạo nghiệp sanh tử

Xa rời nhân giải thoát

Luống thọ của tín thí

Là lỗi ưa sự vụ.

Thích nhận các của báu

Chẳng được thì lo khổ

An trụ hạnh hạ liệt

Là lỗi ưa sự vụ.

Người ấy nhiều ái nhiễm

Qua lại nhà dâm nữ

Như chim chui vào lồng

Là lỗi ưa sự vụ.

Thường lo rầu gia nghiệp

Luôn ôm lòng nóng khổ

Lời nói người chẳng tin

Là lỗi ưa sự vụ.

Chẳng thích nghe thầy dạy

Chống trả lại khinh tiện

Hủy phạm giới thanh tịnh

Là lỗi ưa sự vụ.

Lòng họ nhiều tưởng nhớ

Siêng toan lo nghiệp đời

Chẳng thể tu định huệ

Là lỗi nhiều sự vụ.

Lòng tham thường xí thạnh

Thích ưa những ngon đẹp

Không hề biết tri túc

Là lỗi nhiều sự vụ.

Được lợi lòng vui mừng

Thất lợi lòng buồn lo

Tham lẫn không từ tâm

Là lỗi nhiều sự vụ.

Hại người không xót thương

Thêm lớn những nghiệp ác

Dây ái cột chặt nhau

Là lỗi nhiều sự vụ.

Xa rời các Sư Trưởng

Gần gũi các bạn dữ

Chê đuổi người trì giới

Là lỗi nhiều sự vụ.

Ngày đêm không tưởng khác

Chỉ nhớ đến ăn mặc

Chẳng thích các công đức

Là lỗi nhiều sự vụ.

Thường hỏi chuyện thế gian

Chẳng ưa lời xuất thế

Say mê các tà thuyết

Là lỗi nhiều sự vụ.

Tự thị biết công việc

Khinh mạn Chư Tỳ Kheo

Chẳng khác kẻ cuồng say

Là lỗi nhiều sự vụ.

Thường rình tìm lỗi người

Chẳng thấy lỗi của mình

Khinh chê người có đức

Là lỗi nhiều sự vụ.

Người ngu si như vậy

Không có phương tiện hay

Khinh mạn người thuyết pháp

Là lỗi nhiều sự vụ.

Sự nghiệp hạ liệt ấy

Có đủ những lỗi lầm

Đâu có người trí huệ

Lại ưa học tập nó.

Nghiệp thanh tịnh thù thắng

Đầy đủ các công đức

Đây là chỗ người trí

Ưa thích thường học tập.

Nếu kẻ ưa sự đời

Người trí nên quở trách

Như người bỏ Thất Bảo

Tham lấy những sỏi đá.

Thế nên người trí sáng

Nên bỏ sự nghiệp đời

Phải cầu pháp thắng thượng

Chư Phật thường khen ngợi.

Di Lặc Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Chư Bồ Tát ấy bỏ rời hạnh nghiệp tinh tiến thù thắng mà phát khởi sự vụ hạ liệt thế gian, nên biết họ là kẻ thiểu trí giác huệ cạn kém.

Đức Phật dạy: Này Di Lặc!

Nay ta bảo thiệt ông: Nếu có Bồ Tát chẳng tu công hạnh chẳng dứt phiền não chẳng tập thiền tụng Kinh chẳng cầu đa văn, ta gọi người ấy chẳng phải người xuất gia.

Này Di Lặc! Nếu có người siêng tu công hạnh trí đoạn, trí xuất sanh, trí thành tựu, chẳng làm nghiệp thế gian, chẳng kinh doanh sự vụ, ta gọi người này an trụ lời dạy Như Lai.

Nếu là Bồ Tát thì chẳng nên ưa nghiệp thế gian kinh doanh sự vụ. Nếu ưa làm thì ta gọi là kẻ an trụ sanh tử. Vì thế nên Chư Bồ Tát phải xa rời.

Này Di Lặc! Nếu có Bồ Tát kinh doanh nhiều sự vụ xây tạo Tháp bảy báu khắp Cõi Đại Thiên cũng chẳng làm cho ta hoan hỷ, cũng chẳng phải cung kính cúng dường ta.

Này Di Lặc! Nếu có Bồ Tát ở nơi pháp tương ưng với Ba la mật, cho đến thọ trì bài kệ bốn câu rồi đọc tụng tu hành giảng nói cho người, đây nói là cung kính cúng dường ta.

Tại sao?

Vì Chư Phật Bồ Đề từ đa văn mà xuất sanh chớ chẳng phải từ các sự vụ.

Này Di Lặc! Nếu có Bồ Tát kinh doanh nhiều sự vụ khiến các Bồ Tát trì tụng tu hành giảng thuyết đồng kinh doanh sự vụ, nên biết đó là tăng trưởng nghiệp chướng không có phước lợi.

Tại sao?

Vì ba thứ phước nghiệp đã được nói đều từ trí huệ mà phát sanh. Vì thế nên Bồ Tát kinh doanh sự vụ đối với Chư Bồ Tát trì tụng tu hành diễn thuyết chẳng nên làm chướng ngại. Chư Bồ Tát trì tụng diễn thuyết đối với Chư Bồ Tát tu thiền định chẳng nên làm chướng ngại lưu nạn.

Này Di Lặc! Chư Bồ Tát kinh doanh sự vụ trong một Diêm Phù Đề nên cúng dường thân cận thừa sự một Bồ Tát đọc tụng tu hành diễn thuyết.

Chư Bồ Tát trong một Diêm Phù Đề đọc tụng tu hành diễn thuyết nên thân cận thừa sự cúng dường một Bồ Tát chuyên cần tu thiền định. Thiện nghiệp như vậy được Như Lai tùy hỷ được Như Lai hứa khả. Nếu thừa sự cúng dường Bồ Tát siêng tu trí huệ sẽ được khối phước đức vô lượng.

Tại sao?

Vì nghiệp trí huệ là vô thượng tối thắng siêu hơn tất cả hành nghiệp của tam giới.

Vì thế nên có Bồ Tát nào phát khởi tinh tiến thì nên siêng tu tập trí huệ.

Di Lặc Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Đức Như Lai đã khéo nói những lỗi lầm của hàng sơ nghiệp Bồ Tát ưa thích ồn náo nói chuyện thế gian ngủ nghỉ và nhiều sự vụ.

Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là lỗi của hí luận mà lúc quan sát khiến Chư Bồ Tát sẽ an trụ tịnh tĩnh không có những tranh luận.

Đức Phật dạy: Này Di Lặc! Sơ nghiệp Bồ Tát hí luận có vô lượng vô biên lỗi lầm nay ta lược nói hai mươi lỗi:

Một là hiện tại sanh nhiều phiền não.

Hai là tăng trưởng sân khuể thối thất nhẫn nhục.

Ba là bị kẻ oán thù làm hại.

Bốn là ma và dân ma đều vui mừng.

Năm là thiện căn chưa sanh đều chẳng sanh.

Sáu là thiện căn đã sanh hay bị thối thất.

Bảy là thêm lòng oán ghét đấu tranh.

Tám là gây nghiệp địa ngục ác thú.

Chín là sẽ mắc quả xấu ác.

Mười là lưỡi chẳng dịu mềm nói năng cứng rít.

Mười một là giáo pháp được thọ chẳng thể ghi nhớ.

Mười hai là với Kinh chưa từng nghe khi nghe không hiểu được.

Mười ba là bị chư thiện tri thức bỏ rời.

Mười bốn là mau gặp các ác tri thức.

Mười năm là tu hành đạo hạnh khó được xuất ly.

Mười sáu là thường phải nghe lời không vừa ý.

Mười bảy là sanh vào chỗ nào cũng nhiều nghi lầm.

Mười tám là thường sanh chỗ nạn chẳng được nghe chánh pháp.

Mười chín là tu hành bạch pháp thì bị chướng ngại.

Hai mươi là chỗ thọ dụng bị nhiều oán ghét.

Bồ Tát ham hí luận có hai mươi lỗi như vậy.

Đức Thế Tôn lại nói kệ rằng:

Hiện đời thường khổ não

Mất nhẫn nhiều sân hận

Oán thù sanh lòng hại

Là lỗi ưa hí luận.

Ma và quyến thuộc ma

Đều sanh lòng hoan hỷ

Hư mất các pháp lành

Là lỗi ưa hí luận.

Lành chưa sanh chẳng sanh

Thường ở trong đấu tranh

Gây tạo nghiệp ác đạo

Là lỗi ưa hí luận.

Thân hình nhiều thô xấu

Sanh vào nhà hạ liệt

Phát ngôn lời cứng rít

Là lỗi ưa hí luận.

Nghe pháp chẳng nhớ được

Hoặc nghe chẳng lọt tai

Thường xa rời thiện hữu

Là lỗi ưa hí luận.

Gặp gỡ các ác hữu

Tu hành khó xuất ly

Thường nghe lời trái ý

Là lỗi ưa hí luận.

Tùy họ sanh chỗ nào

Thường ôm lòng nghi lầm

Chẳng hiểu được giáo pháp

Là lỗi ưa hí luận.

Thường sanh trong bát nạn

Xa rời chỗ không nạn

Có đủ sự vô ích

Là lỗi ưa hí luận.

Pháp lành nhiều chướng ngại

Hư mất chánh tư duy

Thọ dụng bị oán ghét

Là lỗi ưa hí luận.

Các lỗi lầm như vậy

Đều do nơi hí luận

Vì thế nên người trí

Phải mau xa rời nó.

Những người ưa hí luận

Khó chứng đại bồ đề

Vì thế nên người trí

Cũng chẳng nên thân cận.

Chỗ hí luận tranh cãi

Phát sanh nhiều phiền não

Người trí phải xa rời

Cách xa trăm do tuần.

Cũng chẳng cất nhà ở

Gần những chỗ hí luận

Vì thế người xuất gia

Chẳng ở nơi tranh luận.

Xuất gia không ruộng nhà

Vợ con và tôi tớ

Cũng không có chức vị

Cớ chi sanh tranh luận.

Xuất gia ở tịnh tĩnh

Thân mặc toàn pháp phục

Tiên thần đều kính thờ

Phải tu tâm nhẫn nhục.

Những người ưa hí luận

Thêm lớn lòng độc hại

Sẽ phải đọa ác thú

Vì thế phải nhẫn nhục.

Tù cầm và xiềng xích

Hình phạt và đánh khảo

Các sự khổ như vậy

Đều do nơi tranh luận.

Những người ưa hí luận

Thường gặp ác tri thức

Danh tiếng bị hư mất

Luôn không lòng hoan hỷ.

Nếu người bỏ tranh luận

Không ai rình gặp dịp

Quyến thuộc chẳng trái lìa

Thường được gặp thiện hữu.

Nơi đạo được thanh tịnh

Nghiệp chướng hết không thừa

Xô dẹp các ma quân

Siêng tu hạnh nhẫn nhục.

Tranh luận nhiều tội lỗi

Vô tranh nhiều công đức

Nếu là người tu hành

Phải an trụ nhẫn nhục.

Di Lặc Bồ Tát bạch rằng: Hi hữu Thế Tôn có thể khéo nói lỗi lầm của hí luận như vậy khiến Chư Bồ Tát sanh lòng giác ngộ.

Bạch Đức Thế Tôn! Đời mạt thế sau trong năm trăm năm, có Bồ Tát nghe nói lỗi hí luận như vậy hay sanh lòng sám hối rời lìa phiền não chăng?

Đức Phật dạy: Này Di Lặc! Đời mạt thế sau trong năm trăm năm ít có Bồ Tát hay sanh ưu hối lìa phiền não, có nhiều Bồ Tát tâm cang cường chẳng tôn kính nhau, ôm lòng tăng thượng mạn phải trái lẫn nhau, họ nghe nói nghĩa thú thậm thâm công đức thù thắng như vậy.

Dầu thọ trì đọc tụng diễn thuyết, nhưng vì nghiệp chướng sâu nặng nên chẳng sanh được công đức thù thắng, nên họ chẳng tin, nghi hoặc Kinh Điển này rồi chẳng còn thọ trì diễn thuyết.

Bấy giờ Ma Ba Tuần thấy sự ấy, muốn gạt gẫm liền hiện hình Tỳ Kheo đến chỗ họ bảo rằng: Các Kinh Điển ấy là do người thế tục giỏi văn từ chế tạo ra, chẳng phải do Như Lai tuyên nói.

Tại sao?

Vì công đức lợi ích trong Kinh ấy nói các Ngài đều chẳng được. Do lời gạt gẫm của ma Ba Tuần mà họ sanh lòng nghi hoặc đối với Khế Kinh thậm thâm tương ưng với nghĩa lợi tánh không này rồi phát khởi tranh luận chẳng còn thọ trì đọc tụng diễn thuyết.

Này Di Lặc! Các người ngu si ấy chẳng biết được do nghiệp chướng của họ nên chẳng được công đức thù thắng, lúc nghiệp chướng tiêu rồi họ quyết định sẽ được.

Di Lặc Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Như Phật đã nói công đức của Đức A Di Đà Phật và Cực Lạc Thế Giới. Nếu có chúng sanh phát mười tâm nguyện, tùy mỗi tâm chuyên niệm A Di Đà Phật, khi mạng chung người ấy sẽ được vãng sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc.

Bạch Đức Thế Tôn! Những gì là phát mười tâm nguyện, do tâm ấy niệm Phật A Di Đà mà sẽ được Vãng Sanh Thế Giới Cực Lạc của Đức Phật ấy?

Đức Phật dạy: Này Di Lặc! Mười tâm nguyện như vậy chẳng phải kẻ phàm ngu bất thiện đủ phiền não mà phát được.

Những gì là mười tâm nguyện?

Một là đối với tất cả chúng sanh phát khởi tâm đại từ không làm tổn hại.

Hai là đối với tất cả chúng sanh phát khởi tâm đại bi không làm bức não.

Ba là đối với chánh pháp của Phật phát khởi tâm ưa thích thủ hộ chẳng tiếc thân mạng.

Bốn là đối với tất cả pháp phát sanh thắng nhẫn không có tâm chấp trước.

Năm là phát tâm nguyện thanh tịnh cung kính tôn trọng chẳng tham lợi dưỡng.

Sáu là phát tâm cầu Phật nhất thiết chủng trí không hề quên mất bất luận thời gian nào.

Bảy là đối với tất cả chúng sanh phát tâm tôn trọng cung kính không hạ liệt.

Tám là chẳng ham thế luận đối với bồ đề phân sanh tâm quyết định.

Chín là tâm thanh tịnh trồng các thiện căn không tạp nhiễm.

Mười là đối với Chư Phật Như Lai rời bỏ các tướng, phát khởi tâm tùy niệm.

Này Di Lặc! Đây là mười tâm nguyện. Do phát mười tâm nguyện ấy mà Bồ Tát sẽ được vãng sanh Thế Giới Cực Lạc của Phật A Di Đà.

Này Di Lặc! Trong mười tâm nguyện ấy, tùy thành tựu một tâm nào rồi ưa muốn sanh về Thế Giới Cực Lạc của Phật A Di Đà, nếu người này chẳng được vãng sanh thì không bao giờ có.

Tôn Giả A Nan bạch rằng: Hi hữu Thế Tôn hay khai thị diễn nói công đức chân thiệt của Như Lai, phát khởi chí nguyện thù thắng của Bồ Tát.

Bạch Đức Thế Tôn! Kinh này sẽ đặt tên là gì?

Chúng tôi sẽ thọ trì như thế nào? 

Đức Phật dạy: Này A Nan! Kinh này tên Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh, cũng gọi là Kinh Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn. Các ông nên thọ trì như vậy.

Đức Phật nói Kinh này rồi, Di Lặc Bồ Tát và Chư Thanh Văn tất cả thế gian Thiên Nhân, A Tu La, Càn Thát Bà v.v… nghe lời Phật dạy đều rất vui mừng tín thọ phụng hành.

***