Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo
PHẬT THUYẾT
KINH PHÁT KHỞI BỒ TÁT
THÙ THẮNG CHÍ NHẠO
Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư
Bồ Đề Lưu Chi, Đời Đường
PHẦN HAI
Này Di Lặc! Ví như vị Tu Đà Hoàn thị hiện phàm phu hạnh. Hàng phàm phu so với Tu Đà Hoàn ngôi vị đều sai biệt. Người phàm phu vì sự trói buộc của tham sân si mà đọa ác đạo, mà người Tu Đà Hoàn hay khéo liễu đạt tham sân si trọn chẳng bị sa đọa ác đạo.
Huệ hành Bồ Tát cũng như vậy, ở nơi tập khí tham sân si chưa dứt mà cũng khác với sơ nghiệp Bồ Tát.
Tại sao, vì tâm của huệ hành Bồ Tát chẳng bị phiền não che lấp chẳng đồng với các sơ nghiệp Bồ Tát.
Đơn hành Bồ Tát không có thiện xảo đồng với phàm phu chẳng xuất ly được.
Này Di Lặc! Tất cả trọng tội, huệ hành Bồ Tát dùng sức trí huệ đều hay xô diệt, cũng chẳng nhân đó mà đọa ác đạo. Ví như có người đem củi gỗ ném vào khối lửa lớn, luôn luôn thêm củi, do đó ngọn lửa càng thêm sáng không hề tắt.
Cũng vậy, này Di Lặc, huệ hạnh Bồ Tát dùng lửa trí huệ đốt củi phiền não luôn luôn thêm củi gỗ phiền não, do đó khối lửa trí huệ thêm sáng mãi không hề tắt.
Này Di Lặc! Đúng vậy, sức trí huệ thiện xảo phương tiện của huệ hành Bồ Tát rất khó biết rõ.
Di Lặc Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Sơ nghiệp Bồ Tát đã xuất gia rồi mà chưa được sức trí huệ, nay muốn được thì nên xả bỏ pháp gì nên tu pháp gì để cho huệ lực chưa sanh thì được sanh, huệ lực đã sanh thì tăng trưởng.
Đức Phật phán: Này Di Lặc! Sơ nghiệp Bồ Tát đã xuất gia rồi muốn huệ lực được tăng trưởng, nên đối với lợi dưỡng biết rõ tội lỗi của nó và cần xả ly. Với những lỗi ưa ồn náo nói chuyện thế tục, ưa ngủ nghỉ làm nhiều công việc thích hí luận đều phải xa rời.
Phải bỏ lợi dưỡng mà tập thiểu dục, bỏ nơi ồn náo mà thích vắng lặng, bỏ chuyện đời mà quán thiệt nghĩa, đầu hôm cuối đêm phải xa rời ngủ nghỉ để quan sát tư duy tùy hành tu tập, xả bỏ các công vụ và các hí luận mà tu đạo xuất thế, thương nhớ chúng sanh.
Này Di Lặc! Sơ nghiệp Bồ Tát đã xuất gia rồi chưa được huệ lực mà muốn được thì phải bỏ và tu như vậy. Tại sao, vì chẳng bỏ lợi dưỡng để tu thiểu dục mà muốn sanh huệ lực chưa sanh muốn tăng trưởng huệ lực đã sanh thì chẳng bao giờ có.
Chẳng bỏ ồn náo chẳng thích ở vắng lặng chẳng bỏ chuyện đời chẳng quán thiệt nghĩa mà muốn sanh và trưởng huệ lực cũng chẳng bao giờ có.
Đầu hôm cuối đêm ham ưa ngủ nghỉ chẳng giác ngộ nhiếp niệm tư duy, chẳng bỏ công vụ ưa hí luận, chẳng tu đạo xuất thế, với chúng sanh chẳng thương nhớ mà muốn sanh huệ lực đã sanh cũng đều chẳng bao giờ có.
Tại sao?
Vì Bồ Tát trí lực từ nhân duyên sanh, nếu không nhân duyên thì trọn chẳng sanh được. Nhân duyên hòa hiệp mới được sanh sức trí huệ.
Di Lặc Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là lỗi của lợi dưỡng, nếu lúc quán sát hay khiến Bồ Tát thích xa lìa chẳng phát sanh nhiệt não?
Đức Phật phán: Này Di Lặc! Sơ nghiệp Bồ Tát nên quan sát lợi dưỡng vì sanh tham dục vậy, nên quan sát lợi dưỡng vì hư mất chánh niệm sân nhuế vậy, nên quan sát lợi dưỡng vì quan niệm đắc thất sanh ngu si vậy, nên quan sát lợi dưỡng vì hay sanh tâm cao hạ tật đố vậy, nên quan sát lợi dưỡng vì ở nơi nhà thân hữu xan lẫn ham ưa sanh cuống hoặc vậy.
Nên quan sát lợi dưỡng vì gây nên ưa thích sanh siểm khúc vậy, nên quan sát lợi dưỡng vì bỏ bốn Thánh chủng không tàm quí vậy, nên quan sát lợi dưỡng vì tất cả Chư Phật chẳng hứa khả, quen phóng dật sanh cao mạn vậy, nên quan sát lợi dưỡng vì bỏ thắng phước điền khởi khinh mạn làm ma đảng vậy, nên quan sát lợi dưỡng vì là căn bổn các điều ác mà phá hư các điều lành vậy.
Nên quan sát lợi dưỡng vì nhiều sự tham trước như sương tuyết vậy, nên quan sát lợi dưỡng vì ở nơi nhà thân hữu xem chờ nhan sắc sanh ưu não vậy, nên quan sát lợi dưỡng vì yêu mến đồ vật tổn hoại bị lòng lo rầu nhiễu loạn vậy, nên quan sát lợi dưỡng vì ở nơi bốn niệm xứ nhiều quên mất làm kém hao bạch pháp vậy.
Nên quan sát lợi dưỡng vì ở nơi bốn chánh cần nhiều thối thất hay khiến tất cả tha luận thắng vậy, nên quan sát lợi dưỡng vì tự khoe nói đã được thần thông trí huệ sanh sự sai trái vậy, nên quan sát lợi dưỡng vì trước sau đắc thất sanh lòng oán ghét vậy, nên quan sát lợi dưỡng vì giận ghét nhau nói lỗi lầm nhiều giác quán vậy.
Nên quan sát lợi dưỡng vì lo sanh sống mà kinh doanh nghiệp đời so tính suy tư giảm mất sự an lạc vậy, nên quan sát lợi dưỡng vì với những thiện căn cho đến thiền định giải thoát Tam Muội Tam Ma Bát Đề lòng như dâm nữ hay thối thất vậy.
Nên quan sát lợi dưỡng vì bỏ rời trí đức, đoạn đức đọa vào các ác đạo địa ngục súc sanh ngạ quỉ vậy, nên quan sát lợi dưỡng vì cùng Đề Bà Đạt Đa và Ô Đà Lạc Ca đồng pháp đồng trụ phải đọa ác đạo vậy.
Này Di Lặc! Sơ nghiệp Bồ Tát quan sát tội lỗi của lợi dưỡng như vậy rồi thích ưa thiểu dục chẳng sanh nhiệt não. Tại sao, vì Bồ Tát thiểu dục thì chẳng sanh tất cả tội lỗi có thể làm pháp khí thanh tịnh của Phật, chẳng hệ thuộc tại gia hay xuất gia, an trụ trí nguyện chân thiệt tối thắng, chẳng làm ti hạ cũng chẳng kinh sợ vì rời lìa sự lo sợ đọa lạc ác đạo vậy, không gì che lấp được vì bỏ sự say đắm vậy.
Vì được thoát khỏi các cảnh giới ma vậy, được tất cả Chư Phật ngợi khen, Chư Thiên và mọi người cũng sẽ kính mến, với các thiền định cũng chẳng nhiễm trước vì an trụ biên tế vậy, lòng dạ chất trực không siểm khúc, ở trong ngũ dục chẳng phóng dật vì thấy lỗi của nó, tu hành đúng pháp hay an trụ thánh chủng, người đồng phạm hạnh cũng sẽ mến ưa.
Này Di Lặc! Nếu có Bồ Tát trí huệ thông sáng ở nơi công đức này có thể biết như vậy, do ý nguyện thù thắng nên bỏ lợi dưỡng, do ý nguyện thù thắng an trụ thiểu dục, vì dứt tham ái mà pháp khởi vậy.
Di Lặc Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào gọi là lỗi ở trong ồn náo, lúc quan sát Bồ Tát ở riêng vắng lặng không sinh phiền não.
Đức Phật phán: Này Di Lặc! Sơ nghiệp Bồ Tát nên quan sát tội lỗi của ồn náo có hai mươi thứ, lúc quan sát hay khiến Bồ Tát ở riêng vắng lặng chẳng sanh nhiệt não.
Thế nào ưa nơi ồn náo có hai mươi điều lỗi?
Một là chẳng hộ thân nghiệp.
Hai là chẳng hộ khẩu nghiệp.
Ba là chẳng hộ ý nghiệp.
Bốn là nhiều tham dục.
Năm là thêm ngu si.
Sáu là ưa nói chuyện đời.
Bảy là rời lời xuất thế.
Tám là với phi pháp tôn trọng tu tập.
Chín là bỏ lìa chánh pháp.
Mười là Thiên Ma được dịp tiện.
Mười một là nơi hạnh bất phóng dật chưa từng tu tập.
Mười hai là nơi hạnh phóng dật thường có lòng nhiễm trước.
Mười ba là nhiều giác quan.
Mười bốn là tổn giảm đa văn.
Mười năm là chẳng được thiền định.
Mười sáu là không có trí huệ.
Mười bảy là mau chóng được các phi phạm hạnh.
Mười tám là chẳng mến Phật.
Mười chín là chẳng mến Pháp.
Hai mươi là chẳng mến Tăng.
Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:
Bỏ rời những tham sân
Chẳng ở nơi ồn náo
Nếu có chuyên ở đó
Là lỗi chẳng nên làm
Kiêu mạn và giác quán
Đều do ồn náo sanh
Người không giới không hạnh
Khen tặng nơi ồn náo
Kẻ ngu thích thế luận
Thối thất đệ nhất nghĩa
Phóng dật nhiều giác quán
Lỗi này chẳng nên làm
Tỳ Kheo bỏ đa văn
Ngôn luận chẳng đúng lý
Tổn giảm các thiền định
Thường tư duy thế gian
Người ham ưa tư duy
Làm sao được tịch tĩnh
Lòng họ thường phóng dật
Lìa hẳn các chỉ quán
Mau được phi phạm hạnh
Ồn náo không luật nghi
Họ chẳng mến nơi Phật
Cũng chẳng mến Thánh Chúng
Vất bỏ pháp ly dục
Say mê lời phi pháp
Ta thường bỏ ngàn thân
Tay chân và đầu mắt
Vì cầu đạo vô thượng
Nghe pháp không chán đủ
Các người phi pháp này
Nghe chút ít liền bỏ
Xưa ta làm Quốc Vương
Vì cầu bốn câu kệ
Cả vợ con của báu
Đều hay đem bố thí
Nào có bực trí giả
Mà chẳng siêng nghe pháp
Ta thường bỏ tất cả
Những hí luận phi pháp
Vì trong trăm ngàn kiếp
Khó được giải thoát vậy
Các ông nên ưa thích
Chí cầu pháp vi diệu
Nếu người ưa giải thoát
Các công đức tối thắng
Những sự nghiệp thế gian
Đều chẳng nên hỏi đến
Áo cơm không lợi tốt
Cũng chẳng chứng Niết Bàn
Nên ngợi khen tối thắng
Chư Tỳ Kheo thiện lai
Phải trải tòa mời ngồi
Cùng nhau nói pháp yếu
Thân người rất khó được
Tùy phần tu bạch pháp
Đọc tụng và thiền định
Ông phải hỏi như vậy
Đức Phật nhập Niết Bàn
Chánh Pháp sẽ hoại diệt
Tỳ Kheo nhiều phóng dật
Ưa đông bỏ rảnh vắng
Vì uống ăn lợi dưỡng
Ngày đêm thuận sự đời
Người ngu ở trong mộng
Kinh sợ và trôi đắm
Tự biết phạm tội nhiều
Sẽ đọa ba ác đạo
Nên sanh lòng hoan hỷ
Ở riêng nơi rảnh vắng
Hoặc ở A Lan Nhã
Chí cầu đạo vô thượng
Chẳng nên thấy lỗi người
Tự khoe tôn thắng nhất
Kiêu căng gốc phóng dật
Chớ khinh kẻ hạ liệt
Họ ở trong chánh pháp
Lần lượt sẽ giải thoát
Tỳ Kheo dầu phá giới
Mà sâu tin Tam Bảo
Đây là nhân giải thoát
Chẳng nên thấy lỗi họ
Khó dẹp phục tham sân
Chớ kinh sợ phóng dật
Thói quen nên phải vậy
Vì thế chẳng nên nói
Nếu Tỳ Kheo thanh tịnh
Rình tìm lỗi của người
Rất là chẳng chân thiệt
Chẳng gọi tu chánh pháp
Người tu hành đúng pháp
Phải nên tự quan sát
Chư Tỳ Kheo cầu đạo
Bỏ rời ngôn luận ác
Thường dùng tâm hoan hỷ
Ở riêng nơi rảnh vắng.
Di Lặc Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Ham thích ồn ào bèn có vô lượng tội lỗi như vậy thối thất công đức không được lợi ích thêm lớn phiền não sa đọa ác đạo rời lìa bạch pháp. Nào có Bồ Tát cầu pháp lành được nghe tội lỗi này mà chẳng thích ở riêng rảnh vắng.
Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào gọi là lỗi của sự nói chuyện đời, nếu lúc quan sát Bồ Tát nên an trụ nghĩa quyết định, do quán sát nghĩa ấy mà chẳng sanh nhiệt não?
Đức Phật phán: Này Di Lặc! Sơ nghiệp Bồ Tát phải nên quán sát nói chuyện đời có hai mươi điều lỗi, lúc quán sát có thể làm cho Bồ Tát an trụ quyết định nghĩa, do quán nghĩa ấy mà chẳng sanh nhiệt não.
Những gì gọi là ưa nói chuyện đời có hai mươi điều lỗi?
Một là lòng sanh kiêu chẳng kính đa văn.
Hai là ở nơi các tranh luận, sanh nhiều chấp trước.
Ba là mất chánh niệm tác ý, đúng lý.
Bốn là làm sự chẳng nên làm thân nhiều tháo động.
Năm là mau chóng cao hạ hư hoại pháp nhẫn.
Sáu là tâm thường cương cường chẳng huân tu thiền định trí huệ.
Bảy là nói phi thời bị ngôn luận ràng buộc.
Tám là chẳng thể kiên cố chứng Thánh trí.
Chín là chẳng được Thiên Long cung kính.
Mười là bị người biện tài thường có lòng khinh rẻ.
Mười một là bị người thân chứng quở trách.
Mười hai là chẳng an trụ chánh tín thường có lòng hối hận.
Mười ba là lòng nhiều nghi hoặc dao động chẳng an.
Mười bốn là như hàng xướng kỹ theo dõi âm thanh.
Mười năm là nhiễm trước các dục lạc theo cảnh lưu chuyển.
Mười sáu là chẳng quan sát chơn thiệt phỉ báng chánh pháp.
Mười bảy là có mong cầu chi thường chẳng được toại nguyện.
Mười tám là tâm chẳng điều thuận bị người chê bỏ.
Mười chín là chẳng biết pháp giới tùy thuận ác hữu.
Hai mươi là chẳng rõ các căn hệ thuộc phiền não.
Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:
Kiêu ngạo nơi đa văn
Chấp trước các tranh luận
Thất niệm bất chánh tri
Đây là lỗi chuyện đời.
Xa rời chánh tư duy
Thân tâm chẳng tịnh tĩnh
Thối thất nơi pháp nhẫn
Đây là lỗi thế thoại.
Tâm họ chẳng điều thuận
Xa rời Xa Ma Tha
Và Tỳ Bát Xá Na
Đây là lỗi thế thoại.
Chẳng tôn kính Sư Trưởng
Ưa thích các thế luận
Trí huệ chẳng kiên cố
Đây là lỗi thế thoại.
Chư thiên chẳng cung kính
Long thần cũng như vậy
Thối thất nơi biện tài
Đây là lỗi thế thoại.
Bậc Thánh thường quở trách
Các người đam mê ấy
Luống uổng nơi thọ mạng
Đây là lỗi thế thoại.
Các hành đều khuyết giảm
Xa lìa đại bồ đề
Mạng chung sanh ưu não
Đây là lỗi thế thoại.
Nghi hoặc tâm giao động
Như gió thổi động cỏ
Trí huệ chẳng kiên cố
Đây là lỗi thế thoại.
Ví như người xướng kỹ
Khen nói là dũng kiện
Người ấy cũng như vậy
Đây là lỗi thế thoại.
Theo dõi ngữ ngôn đời
Nhiễm trước các cảnh dục
Thường làm những tà đạo
Đây là lỗi thế thoại.
Mong cầu lòng chẳng toại
Siểm khúc nhiều tranh luận
Xa rời các Thánh hạnh
Đây là lỗi thế thoại.
Người ngu được chút lợi
Lòng họ thường dao động
Như khỉ vượn tháo nhiễu
Đây là lỗi thế thoại.
Nhiều thối thất trí huệ
Không có lòng giác ngộ
Bị kẻ ngu nhiếp trì
Đây là lỗi thế thoại.
Mê hoặc nơi mắt tai
Nhẫn đến ý cũng vậy
Thường cùng phiền não chung
Đây là lỗi thế thoại.
Kẻ ngu ưa thế thoại
Trọn đời thường luống qua
Chẳng bằng suy nhất nghĩa
Được lợi ích vô biên.
Ví như vị ngọt mía
Dầu chẳng rời vỏ đốt
Mà được vị ngon ngọt
Vỏ đốt như nói chuyện.
Nghĩa lý như vị ngọt
Vì thế bỏ hư ngôn
Suy gẫm nơi thiệt nghĩa
Chư Bồ Tát trí huệ.
Hay biết lỗi thế thoại
Nên thường thích suy gẫm
Công đức đệ nhất nghĩa
Pháp vị và nghĩa vị
Giải thoát vị đệ nhất
Ai là người có trí?
Mà lòng chẳng ưa thích
Vì thế nên phải bỏ
Các ngôn luận vô lợi
Thường ưa siêng suy gẫm
Đệ nhứt nghĩa thù thắng
Pháp đệ nhứt như vậy
Được Chư Phật ngợi khen
Vì thế người trí sáng
Nên vui siêng tu tập.
Di Lặc Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Đức Như Lai khéo hay nói lỗi của thế thoại và công đức lợi ích suy gẫm nghĩa thù thắng, nào có Bồ Tát chí cầu trí huệ chơn thiệt của Phật mà lại còn ưa chuyện trò sự đời hư cuống.
Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là lỗi của ngủ nghỉ, nếu lúc quán sát Bồ Tát nên phải phát khởi tinh tấn chẳng sanh nhiệt não?
Đức Phật phán: Này Di Lặc! Sơ nghiệp Bồ Tát nên quán sát ngủ nghỉ có hai mươi điều lỗi, lúc quán sát có thể làm cho Bồ Tát phát khởi tinh tấn ý nguyện chẳng mỏi:
Một là giải đãi lười nhác.
Hai là thân thể trầm trọng.
Bốn là thêm tật bệnh.
Năm là hơi nóng ấm kém yếu.
Sáu là ăn chẳng tiêu hóa.
Bảy là thân thể sanh mụn ghẻ.
Tám là chẳng siêng tu tập.
Chín là thêm lớn ngu si.
Mười là trí huệ yếu kém.
Mười một là da thứa tối đục.
Mười hai là phi nhân chẳng kính.
Mười bốn là phiền não ràng buộc.
Mười năm, mười sáu là chẳng thích pháp lành.
Mười bảy là bạch pháp tổn giảm.
Mười tám là làm việc hạ tiện.
Mười chín là ghét ganh tinh tấn.
Hai mươi là bị người khinh rẻ.
Đức Thế Tôn nói kệ rằng:
Thân nặng không nghi kiểm
Giải đãi ít kham nhiệm
Nhan sắc không sáng nhuần
Là lỗi ưa ngủ nghỉ.
Người ấy nhiều bệnh não
Tích tập nhiều phóng nhiệt
Tứ đại ngược trái nhau
Là lỗi ưa ngủ nghỉ.
Ăn uống không tiêu hóa
Thân thể không sáng nhuần
Tiếng nói chẳng trong suốt
Là lỗi ưa ngủ nghỉ.
Thân họ sanh ghẻ chốc
Ngày đêm thường say ngủ
Các trùng độc nảy sanh
Là lỗi ưa ngủ nghỉ.
Thối thất hạnh tinh tiến
Thiếu hụt các của báu
Nhiều mộng không giác ngộ
Là lỗi ưa ngủ nghỉ.
Lưới si mê thêm lớn
Thích ưa các kiến chấp
Mạnh chấp khó đối trị
Là lỗi ưa ngủ nghỉ.
Tổn giảm các trí huệ
Thêm lớn các ngu si
Chí ý thường hạ liệt
Là lỗi ưa ngủ nghỉ.
Họ ở A Lan Nhã
Mà lòng thường biếng lười
Quỷ thần được tiện lợi
Là lỗi ưa ngủ nghỉ.
Mù mờ mất chánh niệm
Phúng tụng chẳng thông thuộc
Thuyết pháp nhiều lãng quên
Là lỗi ưa ngủ nghỉ.
Do si sanh mê lầm
An trụ trong phiền não
Lòng họ chẳng an vui
Là lỗi ưa ngủ nghỉ.
Công đức đều tổn giảm
Thường sanh lòng lo buồn
Thêm lớn các phiền não
Là lỗi ưa ngủ nghỉ.
Xa rời các thiện hữu
Cũng chẳng cầu chánh pháp
Thường đi trong phi pháp
Là lỗi ưa ngủ nghỉ.
Chẳng mong cầu pháp lạc
Tổn giảm các công đức
Xa rời các bạch pháp
Là lỗi ưa ngủ nghỉ.
Tâm người ấy khiếp nhược
Ít khi có hoan hỷ
Tay chân thường ốm gầy
Là lỗi ưa ngủ nghỉ.
Tự biết mình giải đãi
Ghét ganh người tinh tiến
Thích rao nói lỗi người
Là lỗi ưa ngủ nghỉ.
Người trí hiểu lỗi ấy
Thường xa rời ngủ nghỉ
Kẻ ngu thêm kiến chấp
Vô ích tổn công đức.
Người trí thường tinh tiến
Siêng tu đạo thanh tịnh
Thoát khổ được an lạc
Chư Phật thường ngợi khen.
Các kỹ nghệ thế gian
Và công xảo xuất thế
Đều do sức tinh tiến
Người trí phải tu tập.
Nếu người hướng bồ đề
Biết rõ lỗi ngủ nghỉ
An trụ sức tinh tiến
Giác ngộ sanh tàm quý.
Vì thế những người trí
Thường sanh lòng tinh tiến
Bỏ rời sự ngủ nghỉ
Gìn giữ tâm bồ đề.
***