Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo

PHẬT THUYẾT

KINH PHÁT KHỞI BỒ TÁT

THÙ THẮNG CHÍ NHẠO

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư

Bồ Đề Lưu Chi, Đời Đường
 

PHẦN MỘT
 

Như vậy tôi nghe một thời Đức Phật ở Thành Ba La Nại chỗ Tiên Nhân ở trong vườn Thí Lộc cùng Chúng Đại Tỳ Kheo ngàn người và năm trăm Bồ Tát.

Lúc ấy trong chúng, có nhiều Bồ Tát nghiệp chướng sâu nặng, các căn ám độn, thiện pháp kém ít, ưa ồn ào luận nói việc đời, thích ngủ nghỉ, nhiều hí luận, rộng lo nhiều việc, tham trước các thứ, làm những sự chẳng nên làm, quên mất chánh niệm tu tập tà huệ siêng nơi việc hạ liệt, làm sự mê hoặc.

Di Lặc Bồ Tát ở trong Pháp Hội thấy Chư Bồ Tát ấy, Ngài nghĩ rằng chư Bồ Tát ấy đều đã thối chuyển nơi đạo phần viên mãn Vô Thượng bồ đề.

Nay tôi nên làm cho họ giác ngộ mở tỏ sanh lòng vui mừng. Suy nghĩ như vậy xong, lúc sáng sớm từ thiền định dậy, Di Lặc Bồ Tát đến chỗ Chư Bồ Tát ấy thăm hỏi rồi dùng lời dịu dàng mà nói pháp yếu cho họ vui mừng.

Nhân đó Di Lặc Bồ Tát bảo họ rằng: Các ông ở nơi đạo phần viên mãn vô thượng bồ đề được tăng trưởng mà chẳng thối chuyển chăng?

Chư Bồ Tát ấy đồng bạch rằng: Bạch Tôn Giả! Nơi đạo phần viên mãn vô thượng bồ đề chúng tôi chẳng tăng trưởng chỉ có thối chuyển. Tại sao, vì tâm chúng tôi thường bị nghi hoặc che ngăn nên nơi vô thượng bồ đề chẳng hiểu biết được.

Thế nào là chúng tôi sẽ làm Phật hay chẳng làm Phật ư?

Nơi pháp đọa lạc chúng tôi cũng chẳng rõ được.

Thế nào là chúng tôi sẽ đọa lạc hay chẳng đọa lạc ư?

Vì những lẽ ấy nên thiện pháp muốn sanh thường bị nghi hoặc làm rối mờ.

Di Lặc Bồ Tát bảo rằng: Các ông nên cùng tôi đến trước Đức Như Lai Ứng Chánh Biến Tri. Đức Như Lai ấy là Đấng biết tất cả thấy tất cả, thành tựu đầy đủ trí vô ngại tri kiến giải thoát.

Đức Phật dùng sức phương tiện biết rõ sở hành của tất cả chúng sanh, sẽ vì các ông theo căn tánh mỗi người mà nói pháp cho.

Trong chúng năm trăm người có sáu mươi Bồ Tát cùng Di Lặc Bồ Tát đến chỗ Phật đồng lậy chân Phật buồn cảm rơi lệ chẳng dậy được. Di Lặc Bồ Tát kính lễ Phật xong lui qua một bên.

Đức Phật phán: Các thiện nam tử nên đứng dậy chớ có buồn khóc sanh nhiệt não nhiều. Thuở xưa các ông gây tạo nghiệp ác, đối với các chúng sanh các ông ưa thích giận mắng hủy nhục chướng não tổn hại, tùy ý mình mà phân biệt, chẳng biết được nghiệp báo sai khác, nên nay các ông bị nghiệp chướng ràng buộc ngăn che mà ở nơi thiện pháp chẳng tu hành được.

Nghe lời Đức Phật dạy, Chư Bồ Tát ấy đứng dậy trịch y vai hữu gối hữu chấm đất chắp tay cung kính mà bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Xin Đức Như Lai vì chúng tôi mà nói nghiệp chướng ấy. Chúng tôi biết tội sẽ tự điều phục. Từ nay chúng tôi chẳng dám tái phạm.

Đức Phật phán: Này các thiện nam tử! Thuở xưa trong pháp của Đức Câu Lưu Tôn Như Lai các ông từng xuất gia tu hành, các ông tự thị đa văn tu trì tịnh giới thường có lòng kiêu mạn phóng dật. Các ông lại hành đầu đà thiểu dục tri túc, ở nơi công đức này lại sanh chấp trước.

Bấy giờ có hai Tỳ Kheo thuyết pháp có nhiều thân hữu danh tiếng lợi dưỡng. Với hai Pháp Sư ấy, vì lòng tham ganh mà các ông vọng ngôn dèm chê là hành dâm dục sự.

Các thân hữu của hai Pháp Sư ấy bị các ngươi ly gián nói phạm trọng tội nên đều nghi hoặc chẳng còn lòng tín thọ. Các người ấy đối với hai Pháp Sư không lòng tùy thuận dứt mất thiện căn. Do ác nghiệp ấy, các ông phải đọa A tỳ địa ngục trong sáu mươi trăm ngàn năm, ác nghiệp chưa hết lại đã đọa Đẳng Hoạt địa ngục bốn mươi trăm ngàn năm, kế đọa Thiêu Nhiệt địa ngục sáu mươi trăm ngàn năm.

Rời khỏi địa ngục được thân người trong năm trăm đời sanh manh đui mù, vì nghiệp tàn dư nên đời đời nhiều ngu độn quên mất chánh niệm che chướng thiện căn phước đức kém ít, hình dung thô xấu thiếu khuyết chẳng ai ưa nhìn, thường bị chê bai khinh tiện cợt đùa khi ghét, luôn luôn sanh tại biên địa bần cùng hạ tiện, tài vật hao mất sanh sống gian nan.

Từ thân hiện nay chết, thời kỳ pháp sắp diệt đời mạt thế năm trăm năm sau lại sanh làm người tại biên địa hạ liệt thiếu thốn lạnh đói bị người khinh chê quên mất chánh niệm chẳng tu pháp lành, dù có tu hành bị nhiều lưu nạn, dầu tạm thời phát khởi ánh sáng trí huệ nhưng vì nghiệp chướng nên liền ẩn mất.

Sau năm trăm năm mạt thế ấy các nghiệp chướng mới tiêu diệt, sau đó các ông sẽ được sanh đến Thế Giới Cực Lạc, Đức A Di Đà Phật sẽ vì các ông mà thọ ký vô thượng bồ đề.

Nghe lời Đức Phật dạy, Chư Bồ Tát ấy cả mình lông dựng lên rất hối hận, bèn tự gạt lệ bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nay con phát lộ sám hối tội lỗi. Chúng tôi thường đối với người Bồ Tát thừa khinh mạn ghét ganh và các nghiệp chướng khác, nay đối trước Đức Phật sám hối tội lỗi.

Chúng tôi ở trước Đức Thế Tôn phát hoằng thệ nguyện: Bạch Đức Thế Tôn! Từ ngày nay đến vị lai tế, nếu chúng con ở nơi người Bồ Tát thừa thấy có trái phạm mà cử bầy lỗi người, là khinh dối Đức Như Lai.

Bạch Đức Thế Tôn! Từ ngày nay đến vị lai tế, nếu chúng con đối với người Bồ Tát thừa mà cợt đùa chê ghét khủng bố khinh tiện, là khinh dối Đức Như Lai.

Bạch Đức Thế Tôn! Từ ngày nay đến vị lai tế, nếu chúng con thấy Bồ Tát tại gia, Bồ Tát xuất gia dùng ngũ dục lạc vui hưởng, chúng con trọn chẳng rình tìm lỗi họ mà thường kính tin tưởng là Giáo Sư, nếu chẳng như vậy là khinh dối Như Lai.

Bạch Đức Thế Tôn! Từ ngày nay đến vị lai tế, đối với người Bồ Tát thừa nếu chúng tôi bỏn xẻn nhà thân hữu và các lợi dưỡng cùng não nhiễu thân tâm cho họ khổ sở là khinh dối Đức Như Lai.

Bạch Đức Thế Tôn! Từ ngày nay đến vị lai tế, với người Bồ Tát Thừa nếu chúng con dùng một lời thô làm cho họ chẳng vui là khinh dối Đức Như Lai.

Bạch Đức Thế Tôn! Từ ngày nay đến vị lai tế, vì bảo hộ những hoằng thệ này nên chúng con chẳng tiếc thân mạng, nếu chẳng như vậy là khinh dối Đức Như Lai.

Bạch Đức Thế Tôn! Từ ngày nay đến vị lai tế, với hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật nếu chúng con dùng lòng khinh mạn bảo họ chẳng hơn tôi là khinh dối Đức Như Lai.

Bạch Đức Thế Tôn! Từ ngày nay đến vị lai tế, nếu chúng con chẳng khéo thu phục thân mình tưởng là hạ liệt như hạng Chiên Đà La và như loài chó là khinh dối Đức Như Lai.

Bạch Đức Thế Tôn! Từ ngày nay đến vị lai tế, nếu chúng tôi tự khen và chê người là khinh dối Đức Như Lai.

Bạch Đức Thế Tôn! Từ ngày nay đến vị lai tế, nếu chúng con chẳng ghê sợ chỗ đấu tranh mà đi tránh xa trăm do tuần mau như gió thổi mạnh là khinh dối Đức Như Lai.

Bạch Đức Thế Tôn! Từ ngày nay đến vị lai tế, ở nơi những công đức trì giới đa văn đầu đà thiểu dục tri túc nếu chúng con tự khoe khoang là khinh dối Đức Như Lai.

Bạch Đức Thế Tôn! Từ ngày nay đến vị lai tế, tu pháp lành chúng con chẳng tự kiêu căng, phạm tội nghiệp chúng con hổ thẹn phát lộ, nếu chẳng như vậy là khinh dối Đức Như Lai.

Đức Phật khen: Lành thay, lành thay! Các thiện nam tử khéo nói pháp giác ngộ như vậy, khéo phát thệ nguyện rộng lớn như vậy. Hay dùng tâm quyết định như vậy để an trụ trong ấy thì tất cả nghiệp chướng đều tiêu diệt, vô lượng thiện căn cũng sẽ tăng trưởng.

Đức Phật lại bảo Di Lặc Bồ Tát: Này Di Lặc! Nếu có Bồ Tát muốn tịnh trừ các nghiệp chướng nên phát thệ nguyện rộng lớn như vậy.

Di Lặc Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Có thiện nam tử, thiện nữ nhân hộ trì thệ nguyện ấy sẽ được viên mãn bất thối chuyển chăng?

Đức Phật phán: Này Di Lặc! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân hành đạo Bồ Tát hộ trì thệ nguyện ấy thì họ thà bỏ thân mạng chớ trọn không để kém khuyết cho thối chuyển.

Di Lặc Bồ Tát lại bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Đời mạt thế, năm trăm năm sau lúc pháp sắp diệt, Bồ Tát hành bao nhiêu pháp để an ổn không não nhiễu mà được giải thoát?

Đức Phật phán: Này Di Lặc! Đời mạt thế, năm trăm năm sau lúc pháp sắp diệt, Bồ Tát thành tựu bốn pháp thì an ổn không nhiễu não mà được giải thoát:

Một là nơi chúng sanh chẳng tìm lỗi họ.

Hai là thấy Chư Bồ Tát có chỗ trái phạm trọn chẳng cử lộ.

Ba là nơi nhà thân hữu và thí chủ chẳng chấp trước.

Bốn là dứt hẳn lời thô cộc.

Muốn tuyên lại nghĩa ấy, Đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Chẳng tìm lỗi lầm người

Cũng chẳng cử tội người

Rời thô cộc bỏn xẻn

Người này được giải thoát.

Này Di Lặc! Lúc pháp sắp diệt Bồ Tát nên thành tựu bốn pháp thì an ổn không não nhiễu mà được giải thoát:

Một là chẳng nên thân cận người giãi đãi.

Hai là bỏ rời tất cả chúng ồn náo ở riêng rảnh vắng.

Ba là thường tu tinh tiến.

Bốn là dùng thiện phương tiện điều phục thân mình.

Muốn tuyên lại nghĩa ấy Đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Nên rời bỏ giãi đãi

Xa lìa những ồn náo

Tịch tĩnh thường tri túc

Người này sẽ giải thoát.

Nói kệ xong Đức Thế Tôn bảo Di Lặc Bồ Tát: Này Di Lặc! Vì thế nên thuở mạt thế năm trăm năm sau, Bồ Tát muốn tự không nhiễu não được giải thoát, người muốn trừ diệt tất cả các nghiệp chướng phải nên rời bỏ chỗ ồn náo ở trong rừng tịch tĩnh A Lan Nhã, các loại người chẳng nên làm mà làm cùng lười nhác biếng trễ đều phải xa lìa.

Chỉ tự xét mình chẳng tìm lỗi người, thích điềm tĩnh nín lặng, siêng tu công hạnh tương ưng với bát nhã Ba La Mật, nếu muốn ở nơi các chúng sanh mà thương xót làm lợi ích nhiều cho họ thì phải dùng tâm không hy vọng thuyết pháp thanh tịnh.

Lại này Di Lặc! Nếu lúc Bồ Tát dùng tâm không hy vọng mà hành pháp thí, chẳng chấp trước danh văn lợi dưỡng quả báo, lấy sự lợi ích người làm trên hết, thường vì chúng sanh mà rộng tuyên chánh pháp thì sẽ được thành tựu hai mươi thứ lợi ích, đó là:

Chánh niệm thành tựu.

Trí huệ đầy đủ.

Có sức kiên trì.

Tu hạnh thanh tịnh.

Sanh tâm giác ngộ.

Được trí xuất thế.

Chẳng bị các ma được dịp tiện.

Ít tham dục.

Không có sân hận.

Cũng chẳng ngu si.

Được Chư Phật ghi nhớ.

Phi nhân thủ hộ.

Vô lượng Chư Thiên giúp thêm oai đức.

Quyến thuộc thân hữu không ai ngăn phá được, lời nói ra người đều tín thọ.

Chẳng bị oan gia rình tìm dịp tiện.

Được vô sở úy.

Nhiều sự khoái lạc.

Được các người trí khen ngợi.

Giỏi thuyết pháp.

Mọi người kính ngưỡng.

Bồ Tát như vậy lại được thành tựu hai mươi thứ lợi ích, đó là biện tài chưa sanh mà được sanh, biện tài đã sanh trọn không quên mất, thường siêng tu tập, được Đà La Ni, dùng ít công dụng khéo hay lợi ích vô lượng chúng sanh, dùng ít công dụng khiến các chúng sanh khởi tâm tăng thượng cung kính tôn trọng, được thân khẩu ý thanh tịnh luật nghi.

Siêu quá tất cả ác đạo bố úy, lúc mạng chung tâm được hoan hỷ, hiển dương chánh pháp, xô dẹp dị luận, tất cả hào khí oai đức tôn nghiêm còn chẳng thể rình trông được huống là các chúng sanh ít phước hạ liệt, các căn thành tựu không ai chắn che được, đầy đủ nhiếp thọ ý lạc thù thắng.

Được xa ma tha tỳ bát xá na, các hạnh khó làm đều được viên mãn, phát khởi tinh tấn, khắp hộ trì chánh pháp, mau được lên bậc Bất thối chuyển, trong tất cả công hạnh tuỳ thuận an trụ.

Lại này Di Lặc! Ông quan sát đời mạt thế năm trăm năm sau có Chư Bồ Tát rất là vô trí, lúc họ hành pháp thí nếu được lợi dưỡng thì sanh lòng vui mừng, lúc chẳng được lợi dưỡng thì chẳng vui.

Lúc họ vì người thuyết pháp, họ nghĩ rằng làm sao khiến các thân hữu đàn việt quy thuộc nơi tôi. Họ lại nghĩ làm sao khiến các Bồ Tát tại gia xuất gia đối với tôi họ sanh lòng tịnh tín cung kính cúng dường y phục ẩm thực ngọa cụ thuốc thang. Chư Bồ Tát này vì tài lợi mà vì người thuyết pháp, nếu không được lợi dưỡng thì họ chán mỏi.

Này Di Lặc! Ví như có người tâm thích sạch sẽ, hoặc bị đem thây rắn chết, chó chết, người chết, sình thúi mủ máu đeo vào cổ, người này khổ não rất gớm nhàm mê muội chẳng an.

Cũng vậy người thuyết pháp đời mạt thế năm trăm năm sau nơi chỗ không lợi dưỡng không thuận lòng họ không có thú vị, họ sanh lòng chán mỏi bỏ đi mà nghĩ rằng ở nơi đây ta thuyết pháp vô ích.

Tại sao?

Vì các người nơi đây đối với tứ sự cần dùng của tôi họ chẳng lo đến, ở đây nói pháp làm gì cho nhọc mệt uổng công. Các Pháp Sư này tự cầu cúng dường cung cấp tôn trọng mà nhiếp thọ chúng xuất gia và tại gia chớ chẳng vì pháp và sự lợi ích người mà nhiếp thọ.

Các Pháp Sư này tự cầu tứ sự lợi dưỡng mà dối hiện dị tướng vào vương thành quốc ấp tụ lạc chớ chẳng vì lợi ích thành thục chúng sanh mà làm pháp thí.

Này Di Lặc! Đức Phật chẳng nói người có mong cầu là làm pháp thí thanh tịnh.

Tại sao?

Vì lòng có mong cầu thì pháp không bình đẳng. Đức Phật chẳng nói người tâm tham ô mà hay thành thục được chúng sanh.

Tại sao?

Vì tự mình chưa thành thục mà hay thành thục người không bao giờ có. Đức Phật chẳng nói người tôn trọng cúng dường an lạc tự thân, tham nhiếp vật bất tịnh mà làm sự lợi ích.

Tại sao, vì người cầu tự thân an ổn đầy đủ vui sướng nhiếp thọ chúng tôi thì chẳng thể khiến người an trụ chánh tín. Đức Phật chẳng nói người dối trá là ở A Lan Nhã tịch tĩnh, người phước đức mỏng ít là thiểu dục, người tham vị ngon là tri túc, cầu nhiều thức ăn ngon là khất thực.

Đức Phật chẳng nói người khất cầu các thứ y phục đẹp là trì phấn tảo y.

Đức Phật chẳng nói người mà hàng tại gia, xuất gia không ai quen biết là người lìa ồn náo.

Đức Phật chẳng nói người siểm khúc gặp Phật ra đời mà tìm lỗi dở của người là tu hành đúng lý, người làm nhiều sự tổn hại là giới tu thanh tịnh, người tăng thượng mạn là đa văn đệ nhất.

Đức Phật chẳng nói người ưa bè đảng là trụ luật nghi, người tâm cống cao là tôn kính Pháp Sư, người ỷ ngữ khinh đùa là thuyết pháp giỏi, người cùng thế tục giao tạp là có thể ở trong Tăng Chúng mà rời lìa các lỗi lầm.

Đức Phật chẳng nói bỏ bớt thắng phước điền là bố thí chẳng mong báo, người cầu báo ơn là nhiếp các sự việc tốt, người cầu cung kính lợi dưỡng là chí thích thanh tịnh, người nhiều vọng chấp là xuất gia.

Đức Phật chẳng nói người phân biệt bỉ ngã là ưa trì giới, người chẳng tôn kính là nghe pháp, người ưa thích sách thế tục chú ếm ngôn luận là yêu chánh pháp.

Đức Phật chẳng nói người ở nơi tánh không chẳng có thắng giải là có thể xuất ly sanh tử, người nhiều chấp trước là rời lìa các hành.

Đức Phật chẳng nói người ở nơi bồ đề phần an trụ hữu sở đắc là chứng trí.

Đức Phật chẳng nói người không thế lực là thành tựu nhẫn nhục, người ít phiền não là luật nghi thanh tịnh, người hành phương tiện là tu hành đúng pháp.

Đức Phật chẳng nói người ưa nói chuyện là an trụ nhất tâm, người ưa kinh doanh sự đời là chẳng tổn chánh pháp, người chí nguyện thanh tịnh là đọa các đạo, người tu tập trí huệ là làm hành ồn náo.

Đức Phật chẳng nói phương tiện tương ưng là siểm khúc, chẳng cầu lợi dưỡng là vọng ngữ, không chấp trước là hủy báng chánh pháp, người hộ chánh pháp mà tiếc thân mạng, việc làm hạ liệt là không thắng mạn.

Này Di Lặc! Đời mạt thế sau sẽ có Bồ Tát độn căn thiểu trí, siểm khúc hư cuống an trụ nơi tặc hạnh, ông phải thủ hộ họ.

Di Lặc Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Đời mạt thế trong năm trăm năm sau, chỉ có sáu mươi Bồ Tát này bị nghiệp chướng trói buộc, hay là còn Chư Bồ Tát khác.

Đức Phật phán: Này Di Lặc! Đời mạt thế, năm trăm năm sau có Chư Bồ Tát phần nhiều bị nghiệp chướng trói buộc. Các nghiệp chướng ấy hoặc có tiêu diệt hoặc lại tăng trưởng.

Này Di Lặc! Trong hàng năm trăm Bồ Tát đây có hai mươi. Bồ Tát nghiệp chướng kém ít, năm trăm năm sau sẽ sanh lại nơi thành ấp tụ lạc chợ phố núi đồng này, dòng giống hào tôn có oai đức lớn, thông minh trí huệ phương tiện khéo hay, tâm ý điều nhu thường có lòng từ mẫn làm nhiều lợi ích, dung mạo đoan nghiêm, biện tài thanh diệu.

Số thuật công xảo đều giỏi, tự ẩn dấu tài đức mình mà an trụ hạnh Đầu Đà công đức, sanh chỗ nào đều bỏ nhà vì đạo, đã ở trong vô lượng A tăng kỳ câu chi kiếp chứa họp vô thượng bồ đề hộ trì chánh pháp chẳng tiếc thân mạng, ở A Lan Nhã trong rừng vắng rảnh.

Thường siêng tu tinh tấn chẳng cầu lợi dưỡng, khéo nhập vào tâm hành của tất cả chúng sanh, Chú thuật ngôn luận đều biết rõ cả, nơi các nghĩa lý nghe ít hiểu nhiều, biện tài trí huệ đều đầy đủ.

Ở nơi pháp này Chư Bồ Tát ấy siêng năng tu tập được Đà La Ni vô ngại biện tại, ở trong hàng tứ chúng tuyên nói chánh pháp, do sức oai đức gia bị của Phật nên ở nơi pháp của Phật nói mười hai Bộ Kinh đều được thông thạo biện tài tự tại.

Hai mươi Bồ Tát tài giỏi ấy ở nơi Hòa Thượng A Xà Lê được nghe vô lượng trăm ngàn Khế Kinh đều có thể thọ trì, sẽ nói thế này: Pháp môn này của tôi là tôi đích thân nghe thọ với Hòa Thượng A Xà Lê ấy không có nghi hoặc.

Này Di Lặc! Vào thời kỳ ấy có hàng Bồ Tát tại gia, Bồ Tát xuất gia vì không có trí huệ thiện xảo phương tiện nên đối với pháp được nói bởi Bồ Tát thọ trì chánh pháp này, họ chê cười khinh hủy phỉ báng rằng: Pháp như vậy là do các người dùng lời khôn khéo tùy ý chế tạo ra thiệt chẳng phải của Như Lai tuyên nói, chúng tôi ở nơi pháp ấy chẳng thể tin ưa phát tâm hi hữu.

Do đây nên có vô lượng chúng sanh đối với các Pháp Sư này đều sanh lòng phỉ báng bỏ đi mà bảo nhau rằng: Chư Tỳ Kheo ấy không có quỷ phạm nhiều tà thuyết, chẳng y cứ khế Kinh, chẳng y cứ giới luật, như tuồng ca hát xướng kỹ, mọi người chớ nên tin ưa phát tâm hi hữu, chẳng phải là chánh pháp vậy.

Này Di Lặc! Những người ngu ấy bị ma nó nhiếp trì đối với pháp này họ chẳng hiểu được mà cho là chẳng phải của Như Lai nói, với Chư Tỳ Kheo trì pháp họ phỉ báng tạo nghiệp hoại pháp do đây sẽ đọa ác đạo.

Này Di Lặc! Vì lẽ ấy nên Chư Bồ Tát có trí huệ thiện xảo muốn hộ chánh pháp phải ẩn tài đức mình, với các chúng sanh nhiều phân biệt phải cần hộ niệm chớ để họ sanh lòng ác bất thiện.

Di Lặc Bồ Tát lại bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Đời mạt thế năm trăm năm sau có Chư Bồ Tát rất vô trí ở trong đại chúng, phỉ báng chánh pháp và người trì pháp, nơi trong ấy sẽ có biện tài và Đà La Ni mà họ chẳng tín thọ được.

Bạch Đức Thế Tôn! Ví dụ như có người khát nước đi đến suối ao để uống, trước đó người ấy đã đem phẩn dơ đổ xuống ao này rồi, lúc sắp uống họ ngửi nước ao nghe mùi hôi thúi nên chẳng uống.

Đây là họ tự làm dơ uế mà đổ lỗi tại nước đến đỗi bảo rằng rất lạ sao nước này quá hôi thúi. Họ chẳng biết lỗi tại họ trở lại oán trách nước ao.

Bạch Đức Thế Tôn! Như nước ao ví dụ cho Chư Tỳ Kheo trí pháp do thần lực Phật mà khéo giải thuyết nơi pháp nhãn này. Còn người ngu si đem phẩn dơ đổ xuống ao rồi không nhớ biết lúc sau muốn uống, lại trách nước hôi là dụ cho Chư Bồ Tát vô trí trong đời mạt thế năm trăm năm sau đối với chánh pháp và người trì pháp sanh lòng phỉ báng.

Rồi sau đó lại đến người trì pháp nghe thuyết chánh pháp, họ chẳng tự biết lỗi vì nghi hoặc ô nhiễm ý căn nên họ khi dễ cười chê Pháp Sư, khinh hủy chánh pháp, tìm tòi chỗ dở nói lời ô nhục nhàm chán bỏ đi.

Đức Thế Tôn khen rằng: Lành thay, lành thay, Di Lặc khéo nói ví dụ như vậy.

Này Di Lặc! Nên biết có bốn biện tài mà tất cả Chư Phật đều tuyên nói, lại có bốn biện tài mà tất cả Chư Phật đều cấm ngăn.

Những gì là bốn biện tài được Chư Phật tuyên nói: Đó là tương ưng với lợi ích chẳng phải tương ưng với bất lợi, tương ưng với chánh pháp chẳng phải tương ưng với pháp, tương ưng với phiền não diệt tận chẳng phải tương ưng với phiền não tăng trưởng, tương ưng với Niết Bàn công đức chẳng phải tương ưng với sanh tử quá lậu, đây là bốn biện tài được Chư Phật tuyên nói.

Nếu Chư Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, người muốn thuyết pháp nên an trụ nơi biện tài này. 

Các thiện nam tử, thiện nữ nhân có lòng tín thuận, đối với người như vậy nên sanh ý tưởng như Phật, coi là Giáo Sư và thính thọ chánh pháp nơi người ấy.

Tại sao?

Vì chỗ nói của người ấy là chỗ nói của Chư Như Lai, là lời thành thiệt của tất cả Chư Phật vậy.

Này Di Lặc! Nếu có ai phỉ báng bốn biện tài này cho rằng chẳng phải Phật nói chẳng có lòng cung kính tôn trọng, người này do lòng oán ghét nên đối với bốn biện tài của tất cả Chư Phật Như Lai đã nói sanh lòng phỉ báng, họ phỉ báng pháp rồi gây nghiệp hoại pháp, tạo nghiệp hoại pháp rồi họ phải đọa ác đạo.

Vì thế nên, này Di Lặc! Nếu có thiện nam tử tịnh tín vì muốn thoát khỏi tội nghiệp phỉ báng chánh pháp, nên chẳng vì ghét bỏ người mà ghét bỏ chánh pháp, chẳng vì người có lỗi mà qui lỗi nơi chánh pháp, chẳng vì oán người mà oán cả chánh pháp.

Này Di Lặc! Thế nào là bốn thứ biện tài mà tất cả Như Lai ngăn cấm. Đó là tương ưng với phi lợi ích mà chẳng tương ưng với lợi ích, tương ưng với phi pháp mà chẳng tương ưng với pháp, tương ưng với phiền não mà chẳng tương ưng với phiền não diệt tận, tương ưng với sanh tử mà chẳng tương ưng với công đức Niết Bàn.

Di Lặc Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Như lời Đức Phật đã dạy, nếu có biện tài tăng trưởng sanh tử thì chẳng phải là chỗ tuyên nói của Chư Như Lai, tại sao Đức Phật nói các phiền não hay làm sự lợi ích của Bồ Tát, Đức Phật lại khen ngợi nhiếp thủ sanh tử mà hay viên mãn pháp bồ đề phần, những biện thuyết ấy há chẳng phải là chỗ nói của Như Lai ư?

Đức Phật phán: Này Di Lặc! Nay Phật hỏi ông tùy ý ông đáp. Nếu có lời nói rằng Bồ Tát vì viên mãn thành tựu bồ đề phần mà nhiếp thủ sanh tử, lại nói dùng các phiền não làm sự lợi ích.

Lời nói trên đây là tương ưng với lợi ích hay với phi lợi ích, là tương ưng với pháp hay với phi pháp?

Di Lặc Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu là chánh thuyết thì tương ưng với lợi ích và pháp, vì hay làm cho pháp bồ đề phần của Bồ Tát được viên mãn.

Đức Phật phán: Này Di Lặc! Nếu nói Bồ Tát vì viên mãn pháp bồ đề phần mà nhiếp thủ sanh tử, lại nói các phiền não hay làm sự lợi ích của Bồ Tát, biện thuyết như vậy là chỗ tuyên nói của Chư Phật Như Lai.

Tại sao?

Này Di Lặc! Chư Bồ Tát ấy được pháp tự tại các phiền não được phát khởi không có lầm lỗi, đây là Bồ Tát thiện xảo phương tiện, chẳng phải là cảnh giới của Thanh Văn, Duyên Giác.

Này Di Lặc! Nếu có phiền não chẳng làm lợi ích được cho người, chẳng hay làm viên mãn bồ đề phần, chẳng tương ưng với lợi ích chẳng tương ưng với pháp lúc nó phát khởi chỉ làm nhân duyên cho thiện căn hạ liệt, trong trường hợp này Bồ Tát thà bỏ thân mạng chớ chẳng tùy theo các phiền não ấy mà thật hành.

Này Di Lặc! Nếu có Bồ Tát vì được trí lực nên ở nơi các phiền não hiện có phan duyên, có Bồ Tát khác vì không trí lực nên ở nơi các phiền não tăng trưởng chấp trước.

Di Lặc Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Như tôi hiểu nghĩa của Đức Phật nói, nếu Chư Bồ Tát thuở mạt thế năm trăm năm sau muốn lìa sự trói buộc của các nghiệp chướng, tự không tổn hại mà được giải thoát, người này sẽ sanh tín giải sâu ở trong Bồ Tát hạnh, vì lỗi lầm của người chẳng sanh phân biệt, chí cầu công đức chân thiệt của Như Lai.

Đức Phật phán: Đúng vậy.

Này Di Lặc! Vì thế nên phải sanh tín giải sâu ở trong phương tiện hạnh của Chư Bồ Tát.

Tại sao?

Vì phương tiện hạnh của huệ hành Bồ Tát rất khó tín giải vậy.

***