Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Phật Lên Trời đao Lợi Thuyết Pháp Cho Thân Mẫu
PHẬT THUYẾT KINH
PHẬT LÊN TRỜI ĐAO LỢI
THUYẾT PHÁP CHO THÂN MẪU
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẦN SÁU
Bấy giờ Đức Phật bảo Thiên Đế: Vừa rồi, Nhân Giả có hỏi: Mất ở chỗ nào mà sinh đến đây?
Hãy lắng nghe Phật dạy: Trải qua chín mươi hai ức trăm ngàn Cõi Phật về phương Đông, có một Thế Giới, tên là Tích Bảo. Nước ấy, có vô số loại cây báu, cành, nhánh, lá, hoa và quả, thảy đều khác nhau, chỗ kinh hành, ngắm cảnh, lầu gác, giảng đường đều bằng bảy báu. Đất đai nước ấy toàn bằng lưu ly màu xanh. Cùng vô số trăm ngàn các báu hợp thành.
Đức Phật ở Thế Giới Tích bảo hiệu là Bảo Tràng Oai Thần Siêu Vương Như Lai, là Bậc Chí Chân Chánh Đẳng Chánh Giác, hiện đang thuyết pháp. Nước của Đức Phật ấy, chỉ dạy cho hai thừa Thanh Văn và Duyên Giác, có đầy đủ các Bồ Tát hoằng dương khắp Cõi Phật ấy.
Khi Đức Phật ấy thuyết pháp trong một hội. Có đến ba mươi sáu ức Bồ Tát đã được pháp nhẫn bất khởi. Khi đã được pháp nhẫn rồi, các vị liền vọt lên hư không cao đến bốn trượng chín thước, làm chấn động cả tam thiên đại thiên Thế Giới.
Lúc ấy có vô số trăm ngàn hoa sen bảy báu, tự nhiên trải khắp mặt đất, không đâu mà không có. Các vị từ trên hư không đến thẳng Cõi Phật ấy, cung phụng kính ngưỡng Đức Như Lai Bậc Chánh Giác ở một nước khác, rồi cúi đầu đem thân quay về, thưa hỏi Kinh Pháp và lắng nghe Phật dạy.
Đức Phật ấy giảng thuyết Kinh pháp cho họ nghe, ngày đêm ba lần, suốt mười hai kiếp.
Vì thế, này Câu dật! Nên quán như vậy: Cõi của Phật ấy, các chúng Bồ Tát nhiều không thể tính được. Các báu càng tích tụ, không hề hao tổn.
Cõi nước Phật ấy, không có tên khác, không có núi rừng, hải đảo, khe suối, hang động, không ai nói năng, không có các hoạn nạn. Các vị La Hán, Duyên Giác chẳng có ăn uống gì cả.
Vì sao?
Vì các Bồ Tát ấy, từ xưa đã dùng pháp lạc để làm món ăn.
Này Thiên Tử! Từ Thế Giới Tích bảo đến Cõi Trời Đao Lợi này, để ra mắt, đảnh lễ, quy y Đức Phật và thưa hỏi Kinh Điển, là vì vô số người, phải diễn nói Kinh Pháp, để rộng giải các nghi ngờ.
Lại nữa, còn muốn khiến cho các Bồ Tát khác, phát sinh pháp nhẫn này, một cách đầy đủ.
Đức Phật nói: Này Thiên Đế! Đối với Thiên Tử Nguyệt Thị, sau khi Đức Như Lai diệt độ, sẽ là người giữ gìn chánh pháp, nhận lãnh bảo vệ và thờ phụng cho đến thời sau rốt, lúc chánh pháp sắp chấm dứt. Vị ấy, sẽ ở cõi Diêm Phù Đề này, truyền trao cho nhân dân, hình tượng pháp môn sâu xa này, ưu áo vô lượng tinh tấn tướng dưỡng, hóa độ cả ức trăm ngàn người không thể kể xiết, được an trụ nơi pháp nhẫn này.
Sau khi Chánh Pháp không còn, cõi nhân gian kết thúc, được sinh lên chỗ Bồ Tát Di Lặc, nơi cung Trời Đâu Suất, thưa hỏi, nhận lãnh và giữ gìn sự đạo hóa của Chư Phật Thế Tôn ấy. Có vô lượng trăm ngàn Thiên Tử lập được pháp vô tùng sinh, hoặc phát đạo ý chánh chân vô thượng.
Khi Bồ Tát Di Lặc thành bậc Chánh Giác, vị ấy sống ở Diêm Phù Đề mười năm để cúng dường.
Đức Như Lai Di Lặc cùng các đệ tử là hai vạn người đã lìa bỏ gia đình, học đạo, làm Sa Môn, nhận lãnh giữ gìn chánh pháp. Suốt cả cuộc đời, luôn giữ gìn chánh pháp. Sau khi Phật diệt độ, lấy chánh pháp này, để tế độ quần sinh, sẽ được gặp một ngàn Đức Phật ra đời ở thời hiền kiếp.
Rồi lần lượt cúng dường chín trăm chín mươi sáu Đức Phật Thế Tôn và với các bậc Đại Thánh trong sạch tu hành phạm hạnh. Trải qua bảy mươi lăm hằng hà sa kiếp, thì đạt được đạo vô thượng chánh chân, thành bậc Chánh Giác cao tột, hiệu là Nhật Diệu Như Lai Chí Chân Chánh Đẳng Chánh Giác, cõi của Phật ấy tên là Nhất thiết cụ túc.
Bấy giờ, Thiên Tử Nguyệt Thượng nói với Nguyệt Thị: Đức Thế Tôn ấy thọ ký cho Nhân Giả, sẽ thành đạo vô thượng chánh chân.
Nhưng sao Đức Như Lai lại chỉ vui vẻ, thương tưởng một cách thiên lệch, thọ ký riêng cho Ngài?
Thiên Tử Nguyệt Thị trả lời Nguyệt Thượng rằng: Đức Như Lai Chí Chân hoàn toàn không có sở dục, cũng không sở nạn, không có nghi kết. Vì đầu Phật có thọ ký cũng không phải là chỗ để mong ước.
Nếu có Bồ Tát học hạnh Khai sĩ, thì Phật sẽ thọ ký cho họ. Do đâu mà Đức Như Lai tự mình vui vẻ thương tưởng một cách thiên lệch, rồi mới thọ ký!
Lại hỏi: Này Thiên Tử! Lấy gì để tin là Ngài vui vẻ để tín cầu?
Rồi nói lại: Giả sử ở nơi tâm mà tâm cứ tưởng rồi chấp ở người khác. Không có đức tin hoan hỷ nên không có sự nhận giữ. Người không nhận giữ là người vui sướng bậc nhất. Chấp nơi đức tin kia là không tỳ vết ô uế. Không vui sướng mới là tín nhạo. Nếu đối với ngôn từ, mà không có lời nói, mới là tín nhạo, kẻ ấy chắc chắn chưa có niềm tin vui sướng, cũng không bị sự hận thù trói buộc.
Cho nên, này Thiên Tử! Giả sử có người cầu niềm tin vui sướng, thì phải tu hành pháp không ngôn từ. Thực hành sự tinh tấn như chẳng thực hành, cũng chẳng phải là không thực hành, không buồn, không vui.
Vì sao như vậy?
Vì pháp giới ấy, cũng không có hành, cũng không không hành, không siêng năng, không lười biếng.
Thiên Tử Nguyệt Thượng bảo Nguyệt Thị: Nói Bồ Tát học đạo là thế nào?
Nguyệt Thị đáp: Bồ Tát học đạo thì không có thân, cũng không gìn giữ thể xác. Lại không có lưỡi, cũng không có sự gìn giữ miệng. Lại không có tâm, cũng không có sự gìn giữ ý. Đó là việc học đầu tiên của Bồ Tát.
Nói là học, đó là không chỗ thọ, cũng không chỗ hành, hay không chỗ khởi, cũng không phải không khởi. Đó gọi là Bồ Tát học đạo.
Lại hỏi: Thưa Nhân giả! Học việc Như Lai thọ ký chăng?
Thưa rằng: Này Thiên Tử! Tôi không học điều đó mà được thấy thọ ký.
Vì sao?
Người học như vậy, thì không được ngã và ngã sở.
Họ không nghĩ: Biết có sự học thì gọi đó là học vậy. Trên Trời, trong nhân gian, không thể tìm thấy cái dở, cũng không có sự lỗi lầm.
Nếu có ai nghĩ rằng: Ta có sự học thì đối với chánh nghiệp, đó không phải là nẻo đến.
Không đạt được bình đẳng, vì tự cho rằng: Cái học đó của ta.
Lại hỏi: Lấy những việc gì gọi là đạt được bình đẳng?
Đáp: Này Thiên Tử! Giả sử người tu hành, không ở trên, ở dưới, hay ở chính giữa, không chấp chỗ đã làm, không có chỗ để tạo tác. Nếu người có sự làm mà không có chỗ để tạo ra là hạnh Bồ Tát. Nếu ai nghĩ như vậy, đó là tôn pháp, đó là pháp ti tiện đối với các pháp.
Hiểu rõ bình đẳng, thì không có hai sự nhớ nghĩ.
Người tu hành như vậy, gọi là đạt được bình đẳng.
Lại hỏi: Hiện nay, Nhân giả đạt được những pháp gì, được Như Lai thấy mà thọ ký?
Nguyệt Thị đáp: Cũng không trừ bỏ pháp của phàm phu. Cũng không thành đạt pháp của Chư Phật. Vì vậy mà Như Lai thọ ký cho tôi. Đối với pháp ấy, tôi không trừ bỏ, đối với các pháp ấy, tôi cũng không nắm bắt, cho nên được thọ ký.
Lại hỏi: Nếu nói như vậy, thì kẻ phàm phu ngu tối, cũng sẽ được thọ ký.
Vì sao?
Vì họ cũng không trừ bỏ pháp phàm phu. Đó gọi là phàm phu đạt được Phật Pháp.
Lại hỏi: Làm sao để hiểu pháp phàm phu?
Nguyệt Thị đáp: Tôi lấy nghĩa không, làm các pháp giới, để hiểu Phật Pháp.
Cái bản tế ấy, thật ra không có gốc.
Hỏi: Pháp giới của cái không ấy, có thể diệt chăng?
Đáp: Không thể.
Bản tế đã không có gốc, há lại có thể đạt được chăng?
Đáp: Không thể.
Cho nên, này Thiên Tử! Ta nói lời này, cũng không diệt trừ pháp của phàm phu, cũng không đạt thành pháp của Chư Phật. Do đó, Đức Như Lai thọ ký cho ta.
Lại hỏi: Không, cùng với pháp giới bản tế, không bản tế, có ngôn từ chăng?
Đáp: Không có.
Giả sử, không và pháp giới bản tế, không gốc, không có ngôn từ, đạo không ngôn thuyết.
Vậy nay, tại sao Ngài thọ ký cho nhân giả?
Đáp: Này Thiên Tử! Nay Ngài thọ ký cho tôi, thì giống như nghĩa không. Ranh giới của các pháp, bản tế, không gốc. Đó là chỗ quay về của các pháp, như pháp không pháp để thọ ký, cũng như riêng thọ ký, cũng như riêng thọ ký rồi thì cũng lại như vậy. Chánh Đẳng Chánh Giác cũng vậy, đạt thành đạo vô thượng chánh chân, cũng lại như vậy.
Bấy giờ, Thiên Tử Nguyệt Thượng đến trước Đức Phật, bạch: Bạch Thế Tôn! Thiên Tử Nguyệt Thị đã thâm nhập trí tuệ cao xa khó theo kịp.
Đức Phật bảo Thiên Tử: Bồ Tát nhờ được thành tựu pháp nhẫn. Pháp ấy, như vậy, có sự phân biệt. Nên phát ý đạo, diễn nói Kinh Điển, giảng nói tất cả việc của pháp giới. Lại nữa, pháp giới có thể giảng thuyết ấy, cũng không có ngôn từ, để tuyên dương dạy cho mọi người.
Vì sao?
Vì lý của pháp giới, không có ngôn từ, cũng không chỗ để nói. Đúng như pháp giới, cõi người cũng như. Như cõi chúng sinh, Cõi Phật cũng như, Cõi Phật, cõi pháp cũng như. Giả sử Bồ Tát thâm nhập nghĩa đó, thì có thể độc lập, không theo người khác để thọ giáo.
Lúc đó, Hiền Giả Đại Mục Kiền Liên, phát lời thỉnh mời khuyến vô biên, vô số ức trăm ngàn các chúng Thiên Tử, các Thiên Nhân dục hành, Thiên Nhân sắc hành, ai cũng mau đem hoa hương, hương bột, tạp hương, cờ phướn đi đến chỗ Đức Phật, để cúng dường Thế Tôn. Họ đảnh lễ dưới chân Ngài, rồi ngồi qua một bên.
Bấy giờ, Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên, trở về chỗ Đức Phật, cúi lạy sát đất, rồi đứng phía trước.
Đức Phật bảo Tôn Giả Mục Kiền Liên: Ông hãy lắng nghe, Như Lai đã hiện thần túc, Chánh Giác biến hóa, mà trong Kinh gọi là sự cảm động, oai thần biến hóa của Như Lai. Hãy khéo suy nghĩ.
Tôn Giả Mục Liên thưa: Con xin vâng lời lắng nghe.
Đức Phật bảo Tôn Giả Mục Liên: Tam thiên đại thiên Thế Giới này, có trăm ức mặt trời, mặt trăng. Có trăm ức bốn biển lớn. Trăm ức núi chúa Tu Di. Trăm ức bốn thiên hạ. Đó gọi là tam thiên đại thiên Thế Giới, là một Cõi Phật.
Ý ông thế nào?
Có phải Đức Phật, riêng ở tại một Cõi Diêm Phù Đề, mà thành Chánh Giác chăng?
Đừng có nghĩ như vậy.
Vì sao?
Ta hiện hữu cùng khắp bốn phương Thế Giới, tùy thuận ứng hóa, tùy các loại chúng sinh mà giảng nói Kinh Pháp. Hoặc hiện đã thành Phật, hoặc lại thị hiện ở trong bào thai, hoặc lại thị hiện tại Trời Đâu Suất, hoặc lại hiện thân đã diệt độ.
Đức Phật bảo Tôn Giả Mục Liên: Ở tam thiên đại thiên Thế Giới này, về phía Đông, cách xa một vạn hai ngàn bốn đại thiên hạ, bốn bờ cõi lớn, có Thế Giới tên là Vô Cấu, Đức Phật ở đó, hiệu là Ly Cấu Ý Như Lai Chí Chân Chánh Đẳng Chánh Giác, hiện đang thuyết pháp. Tại bốn bờ cõi lớn của Thế Giới Phật, các chúng sinh ở đó, rất ít dâm, nộ, si nên rất dễ khai hóa, có ít người học hạnh Bồ Tát và hàng Bích Chi Phật, nhưng có nhiều Thanh Văn.
Lại nữa, này Mục Kiền Liên, Đức Như Lai Ly Cấu Ý ấy cứ mỗi lần tập hội thuyết pháp, hướng dẫn cho chín mươi chín ức các Thanh Văn ở tại cõi nước đó. Đức Như Lai giáo hóa như vậy, không ngoài việc giúp họ chứng bốn Thánh quả.
Tại cõi nước như vậy, Đức Như Lai không nói về Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm. Tại Thế Giới ấy, một lần ngồi nghe Kinh, là chứng được sáu thần thông, cho đến tám môn giải thoát. Lúc họ đã đạt được thần túc, họ liền bay lên hư không, cao tới bốn trượng, chín thước.
Trong thân bốc lửa, thân thiêu hủy xong thì vui cảnh Niết Bàn và tự nhiên lửa tắt, không có tro khói gì cả. Tại cõi nước ấy, Như Lai luôn nói Kinh Pháp, không hề ngừng nghỉ. Việc cứu độ quần sinh cũng không hề trễ nãi. Các chúng Thanh Văn, diệt độ hằng ngày.
Họ cũng không mua bán để mưu sinh. Lúc muốn ăn uống, hễ nghĩ thì liền có, không truyền dạy bằng miệng, y, thực, nhà cửa đều do hóa sinh, giống như Trời Đao Lợi, đều tự nhiên sinh, không phải thai sinh, mặt đất bằng vàng tía. Đức Như Lai Ly Cấu Ý thọ đến năm trăm tuổi. Nhân dân nước ấy cũng lại như vậy. Cũng có Trung thiên.
Này Mục Liên! Muốn biết Đức Như Lai đang thuyết pháp ở cõi ấy là ai?
Là người nào khác chăng?
Ông đừng có nghĩ như vậy.
Vì sao?
Vì đó chính là thân của ta vậy. Thần túc, oai thần của Phật đã biến ra, thì tất cả Thanh Văn, Duyên Giác không thể làm được!
Đức Phật bảo Tôn Giả Mục Liên: Ở tam thiên đại thiên Thế Giới ấy, về phía Nam, cách xa mười tám lần bốn đại bờ cõi. Có bốn bờ cõi lớn tên là Bảo thành, dùng ba thứ báu là vàng, bạc và lưu ly, làm đất, làm cây. Tại đó, có Đức Phật Hiệu là Như Lai Bảo Thể Phẩm Chí Chân Chánh Đẳng Chánh Giác, hiện đang thuyết pháp.
Đức Như Lai chỉ trình bày và diễn giảng pháp của Duyên Giác, ít nói về Thanh Văn thừa, các vị học pháp Bồ Tát lại càng ít hơn. Với những vị học Duyên Giác thừa, nếu cõi nước ấy bỗng nhiên kết thúc, họ sẽ sinh đến cảnh giới khác, cảnh giới đó không Phật và họ thành đạo Duyên Giác.
Này Mục Liên! Ý ông thế nào?
Đức Như Lai Bảo Thể Phẩm đang giảng thuyết Kinh ấy là người nào khác chăng?
Đừng nghĩ như vậy.
Vì sao?
Vì đó chính là thân của ta vậy. Đức Như Lai đã hiện oai thần, biến hóa, giảng nói Kinh Pháp ở đó, hàng Thanh Văn và Duyên Giác không thể biết được!
Đức Phật bảo Tôn Giả Mục Liên: Ở Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới ấy, về phía Tây, cách xa hai mươi hai lần bốn cõi nước lớn, có cõi nước Tứ Vực tên là Bảo Cẩm, mặt đất làm bằng bảy báu là kim ngân, lưu ly, thủy tinh, san hô, hổ phách, xa cừ và mã não hợp thành. Cây cỏ, quang cảnh ở đó, đều do các báu hóa thành.
Lầu gác, lan can, vườn tược, nơi kinh hành đều làm bảy báu. Trong ao tắm, đầy loại nước tám vị, trong mát, rất đẹp. Giống như cung điện, sự ăn uống và y phục của Chư Thiên trên Trời Đâu Suất. Nhân dân cõi đó, cũng lại như vậy, hoàn toàn không khác.
***