Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Phổ Môn Phẩm

PHẬT THUYẾT

KINH PHỔ MÔN PHẨM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẦN BA
 

Tai ở chỗ vắng vẻ, không thấy ánh sáng, nhưng trong số mắt thấy được, nhan sắc là đứng đầu. Việc nhỏ nhiệm trong ngoài trên dưới ở mười phương trước hết là quy về tai. Tai không có sự mến mộ ưa thích thì gọi là vô cấu. Quán bình đẳng các pháp, lấy pháp làm thức ăn, tai nghe trước hết, nên người nghe pháp trước hết phải dùng làm thức ăn là vậy.

Sở dĩ Bồ Tát được sự không đói khát vì chỉ lấy không nghe làm thức ăn, không thấy làm nước uống, ít nói năng làm trăm mùi vị, thanh tịnh bình đẳng đối với dục, dục như hư không, rỗng không, không nhơ uế, tĩnh lặng như Niết Bàn. Đối với các việc thấy như huyễn hóa.

Đó là Bồ Tát quán các pháp bình đẳng đối với tham dâm.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát bình đẳng đối với sân giận?

Pháp vốn không có nhân duyên sân giận.

Này Phổ Thủ! Giận là từ sự đối đãi mà khởi lên, không đối đãi thì không khởi, do nương dựa vào mà sinh ra đối đãi, không có ngã mà gọi là ngã, tạo nên vô lượng việc.

Như cây cối sinh trưởng, trước hết là từ các loại mầm. Sự kết hận thì nguy hại. Tiếng tự nhiên, rỗng không, không tưởng, không niệm.

Như ngồi yên nơi gốc cây, tự tưởng là cọ cây để lấy lửa, nhưng trở lại đốt cháy cây đó. Nhân duyên tuy tan rã nhưng đều quay về nơi gốc sinh ra. Lửa diệt chẳng còn. Hư không không tạo nên thân hình, tiếng nai cũng vậy. Do dục lường xét, cả hai đều rỗng không.

Người trí hiểu rõ điều đó nên không khởi sân giận. Duyên tư tiếng khởi lên, không ở trong thân, chẳng từ ngoài đến, không do rỗng không, từ duyên khác khởi lên, do đối diện mà lập nên, mỗi mỗi đều phân biệt các loại, đưa đến hơn thua.

Bồ Tát bình đẳng, không sân giận, như gió gieo họa, có oán hận, có khinh thường. Nếu biết phương tiện do tưởng lập duyên thì tiếng nhơ xấu cũng như vậy.

Do giận rỗng không, sinh ra sân giận trở lại thiêu đốt mình, không có người thay thế, nhưng sắc thân đó tự mình buông thả, do tự mình nói lời xấu ác buông thả, không thể tự kiềm chế, phước hết thì họa đến, như ngọn đèn cháy là do dầu mè, dùng hết dầu, trở lại đốt cháy tim.

Sân giận cũng thế, không có người cứu giúp. Người nào có thể hiểu rõ sân giận hoàn toàn không có hình tượng, bình đẳng quán sát tiếng nghe, cội gốc của giận, nộ, hận đồng nhau, không gốc rễ, không nắm giữ. Phân biệt pháp giới thì thấy bình đẳng.

Ý do bốn lo sợ thâu nhận hết và đứng đầu là sân hận. Sân hận ngang ngạnh nên có sự tạo tác, ý rỗng không, ngay khi sinh liền diệt, nhưng không rốt ráo. Trong khi hoảng hốt thì ý chẳng thể toan tính, rối loạn đức. Dứt ý, không nghĩ nhớ thì không còn tham dâm.

Tham dâm là từ ý khởi lên sự tham muốn.

Người không tham dâm thì sân giận từ đâu đến?

Ý động thì tâm khởi, như Tồng độc cử động liền đưa đến sân giận. Miệng mở thì tội vào, như sông ngòi chảy về biển. Như toàn cõi đất trời bị thiêu đốt, không còn sự vật nào hết.

Quán sát bên trong thì không thể sân giận.

Vì sao?

Vì mười phương đồng bình đẳng, không có ba đường, ý bình đẳng không sân giận. Không sân giận thì không có ba độc.

Không có ba độc thì duyên vào đâu có bệnh?

Ai có bất kỳ bệnh gì đều sẽ tiêu hủy. Chúng sinh nơi ba cõi từ nơi ý sinh ra hình, nhân sân giận mà nhập vào bệnh này, chẳng tự hối trách, bảy mươi lăm ngày, bảy mươi lăm đêm, mỗi ngày ba lần tự than trách.

Nay ở đời này lập nên hình tượng là từ nơi ý làm ra. Phạm vào loài người và săn bắn, chài lưới, các loài chim bay thú chạy trong ba cõi, hoặc dùng lồng nhốt chim, làm tổn hại thân thể, hoặc bẻ gãy tứ chi, cho đến chân tay khập khiễng, cong queo, chẳng thể gánh vác, làm cho chúng thêm đau đớn, còn mình thì lại vui vẻ.

Người ngu si chẳng biết chính mình trở lại hại mình. Trong suốt năm, thân bị bệnh nặng. Như việc làm hại ở đâu cũng không ai giúp đỡ. Nếu ý khởi sân giận độc hại, một khi uất hận mạnh mẽ thì hoặc dùng đao binh, hoặc cầm cung tên, muốn đánh bắn nhau, hoặc dùng liềm búa muốn chém đầu người. Như thế thì đã phạm đến chúng sinh trong ba cõi.

Nếu có Đại Sĩ Bồ Tát nào thân thể tật bệnh, đau đớn, bệnh nhẹ, bệnh nặng đồng nhau không khác, thì nên biết là đã phạm vào chúng sinh ba cõi, tùy theo chỗ đau đớn đó mà kêu danh tự chúng sinh trong ba cõi. Càng tự xét trách, gieo mình trải tóc rơi lệ sám hối ba tôn.

Trong ba Tôn có sáu việc gọi là sáu độ vô cực trị bệnh bên trong. Bên ngoài có ba Tôn cũng có sáu độ vô cực trị bệnh bên ngoài.

Bồ Tát Phổ Thủ lại hỏi: Những gì là sáu việc của ba Tôn bên trong?

Đáp: Ba Tôn bên trong là:

Thứ nhất: Tâm tôn, an ủi chúng sinh nơi ba cõi, chỉ dạy sự sáng suốt lớn, làm cho đều được an ổn, gọi là lòng tin vô thượng chánh chân, cũng hiệu là Như Lai Đẳng Chánh Giác.

Thứ hai: Nhĩ tôn, thường ở chỗ vắng lặng và không trang sức, bay đi qua lại khắp mười phương, nhân gian, thiên thượng, chỗ sâu xa tối tăm đều đến. Nghe biết tất cả, nhưng không nói năng, tĩnh lặng vô vi, chỉ qua lại cùng khắp, chỉ lấy tình đưa về tâm.

1. Mỗi lời nói ra ban đầu không sai khác, gọi là vô cấu xưng.

2. Giữ gìn hết giới luật.

3. Độ khắp tất cả.

4. Nhẫn nhục lớn.

5. Tin Chư Phật.

6. Tâm Như Lai.

7. Tịnh lại càng tịnh.

8. Không lay động.

9. Không đâu là không an lạc.

10. Thành lớn Tỳ Xá Ly không đâu là không dung nạp. Mười đức hạnh như thế đồng với thân Như Lai.

Thứ ba: Nhãn tôn, thường ở Cõi Sắc, Cõi Dục, không tự cống cao, dẫn dắt tất cả người sai quấy, bay đi trong mười phương, trong ngoài sáng suốt, không có người thấy, cũng có mười đức hạnh:

1. Văn Thù Sư Lợi.

2. Chỗ nào cũng vào.

3. Tịnh uế trừ hết.

4. Thường thanh tịnh.

5. Nhật Nguyệt trong sáng.

6. Mở bày, dẫn dắt tất cả người tội lỗi.

7. Không ai có thể làm ô uế.

8. Dẫn dắt người trong mười phương.

9. Các lậu đã sạch, không còn các uế.

10. Tin Như Lai, hộ trì tất cả.

Đó là ba điều tôn quý.

Thường thực hành đại từ, đại bi, thương xót nghĩ đến khổ sinh tử. Nên biết, các loại chúng sinh trong ba cõi không nên hủy diệt, vì hủy diệt là hủy diệt ba tôn, thường nên hổ thẹn quy mạng sám hối.

Lại có ba tôn:

Thứ nhất: ý tịnh, tên là Ba Tuần.

Thứ hai: Dục tịnh, tên là Sư Tử Vương.

Thứ ba: Sắc tịnh, tên là Kim Sí Điểu.

Lại hỏi: Ba Tôn như vậy là theo pháp nào mà gọi?

Đáp: Ý dứt trừ không sân giận, các ma đều hàng phục. Ý là vị thần của thân, tên là Ba Tuần. Nói rộng ra, các tâm tưởng theo hộ vệ là những điều lành.

Sư Tử Vương là vị thần về tai. Tai chẳng lãnh thọ các bụi bặm, đối với ba cõi riêng nhẫn tất cả tưởng, chẳng cùng tranh nhau nên gọi là Sư Tử Vương. Nói rộng ra, tất cả không sợ, thường làm vị thầy dẫn đường cho mười phương, sẽ làm Phật, thường làm chiếu ngồi mà không nhàm chán.

Kim Sí Điểu là vị thần của mắt. Mắt nhập vào các sắc, sắc liền dứt, bay đi trong mười phương, chẳng ai có thể biết, hàng phục các ma, dẫm đạp chúng rồng. Thần rồng chống cự lại, nổi ý sân giận. Kim Sí Điểu ở trên mặt biển, bóng hiện trong nước, các rồng sợ hãi, không dám ra ngoài.

Ba Tuần hóa rồng muốn có sự hưởng thụ nhưng nhãn ấm đã đoạn. Kim Sí Điểu ở trên thường dùng trăm ngàn các loại sắc đáng sơ như Kim quang, Tinh quang của mặt trăng chẳng thể ngang bằng. Tinh quang của mặt trăng chẳng thể sánh với lông của Kim Sí Điểu. Vậy là khiến cho Kim Sí Điểu ở trong ba cõi hùng mạnh độc tôn.

Nếu người nào làm người dẫn đường để đưa đến quả Phật, ta sẽ đều ở trên đó dùng lông vàng trên thân thể để chiếu sáng, khiến cho thân họ đều được sắc hoàng kim. Những ai trông thấy, không ai là không hoan hỷ.

Đức Phật dạy: Ba tôn và sáu nhân ay là: Sáu độ vô cực bên trong, vì vậy Bồ Tát hành sáu độ chẳng hoại sắc vô thường, tự mình đau xót nghĩ đến nỗi đau khổ sinh tử. Người biết nghĩ đến sinh tử thì không có sáu độ vô cực. Nếu Đại Bồ Tát thân thể không an ổn thì nên biết cùng với sáu độ vô cực bên trong chống trái, không thuận.

Theo lời chỉ dạy nên suy nghĩ như trên đã nói, tự trói buộc thân hình, chớ dùng tánh cứng cỏi mà tự nói không tội. Nếu không dừng lại và chí tâm sám hối thì không bao lâu tự mình giết mình. Việc này chẳng phải là chỗ thầy thuốc giỏi có thể chữa được.

Bồ Tát Phổ Thủ lại bạch Phật: Những gì là sáu việc bên ngoài của ba tôn?

Đáp:

Thứ nhất: Phật tôn.

Thứ hai: Pháp tôn.

Thứ ba: Tỳ Kheo Tăng tôn.

Lại có ba tôn, những gì là ba?

Thứ nhất: Tịnh tôn.

Thứ hai: Sắc tôn.

Thứ ba: Dục tôn.

Bồ Tát Phổ Thủ lại hỏi: Ba Tôn này ứng dụng thế nào?

Đức Phật dạy:

1. Xả bỏ tham dục, bố thí thân mạng thì được phước, đó là Thí độ vô cực.

2. Xả bỏ sắc, giữ gìn giới, thân được thanh tịnh, đó là Giới độ vô cực.

3. Xả các trần lao, thực hành nhẫn nhục để xa lìa các tưởng, được trí tuệ thanh tịnh, đó là Nhẫn độ vô cực.

4. Biết Tỳ Kheo Tăng thanh tịnh, xả bỏ các việc nhân duyên khởi diệt để xây dựng nên tinh tấn, đạt đến Đạo Tràng, trụ địa vị thanh tịnh. Đó là Tấn độ vô cực.

5. Biết pháp thanh tịnh, xả bỏ các niệm ta, duyên tưởng mà tâm định một chỗ, thân được an ổn, biết quá khứ, hiện tại, vị lai. Đó là Thiền độ vô cực.

6. Biết Phật thanh tịnh, xả bỏ tất cả tham đắm trước, đạt đến chỗ vô trụ, thâm nhập pháp chánh yếu, rỗng không, không tưởng nhớ việc Niết Bàn, tất cả vốn không. Đó là Trí độ vô cực.

Đức Phật dạy: Đó là sáu Độ vô cực bên ngoài. Như vậy là hiểu rõ mười hai pháp trong ngoài. Lại mở ra mười hai pháp môn, tuy hiểu rõ nhưng do không chế ngự nhân nên đối cảnh liền khởi tưởng, đưa đến ý buông lung, chẳng thể nhẫn nhục, buông thả tâm miệng, ý sân giận, nói lời độc ác, liền làm thành mười hai nhân duyên, trôi lăn theo ba cõi, chẳng lìa năm đường.

Bồ Tát Đại Sĩ đối với trong ngoài cũng không quở trách, tất cả đều không ngăn ngại như bóng trăng trong nước. Nếu âm thanh bình đẳng thì không có âm thanh sân giận, vốn nó bình đẳng, không cội gốc, không biên giới. Phân biệt pháp giới thì thấy bình đẳng. Đó là Bồ Tát bình đẳng đến với sân nhuế, là ý pháp vậy.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát bình đẳng đối với ngu si?

Ngu là từ không mà khởi lên. Quán sát si không có. Giả sử không thật có thì ngu si vốn không, hoàn toàn không có điên cuồng, tối tăm. Người không có nguyện xấu thì không bị ngăn ngại như hư không, vì hư không rỗng lặng. Tưởng chướng ngại vì sự tìm cầu không.

Về mặt tạo ngu si, lập hư dối cho là thật mà khởi lên oán hận. Việc làm của người ngu si là tìm danh để hiểu chữ, phô trương tên thanh bạch nhưng khó đạt được sự vui mừng, không biết rõ các pháp vì tưởng làm dơ bẩn, tưởng là chướng ngại, xấu hổ, rỗng không, vô hình.

Ví như người đàn ông muốn vượt hư không nhưng không có cánh. Việc làm không hợp ý nên chẳng vào được hư không, ức kiếp cũng chẳng được. Thường gặp gỡ nhưng chẳng thể biết gốc ngọn của không. Ngu si cũng như vậy, gốc ngọn không thể nghĩ bàn, che lấp, tối tăm, chẳng khai phát.

Cuộc đời kẻ không có chí hướng thì lại đầy tràn, như trụ ở giữa hư không, không biết phương hướng, cũng không người vẹn toan, không ai có thể độ thoát. Như trăm ngàn ức tập khí ưa thích che lấp tối tăm, họ cũng không nhàm, thường đói khát không no đủ, như trẻ con ưa màu sắc, thổi bong bóng cho đầy nhưng hơi ngắn nên vừa ra khỏi miệng thì không còn nữa.

Tội, phước như bong bóng, rỗng không. Cầu tốt đẹp, chân thật, cao xa cũng vậy. Nhún nhường thanh tịnh cũng như vậy. Nếu làm theo người ngu thì tìm cầu chẳng thể được, đến cũng rỗng không, đi cũng rỗng không. Người ôm ấp tội lỗi, tốt cũng làm, xấu cũng không bỏ.

Thấy việc tốt chẳng học tập theo, chỉ chuyên theo kiến thức sai lầm. Người thực hành như thế gọi là ngu không đáy. Dứt gốc rễ thì không có hình dáng gốc rễ. Không gốc rễ, không chỗ trụ nên không thể dứt hết.

Giả sử ngu không thể dứt thì si cũng chẳng thể dứt được. Giống như chúng sinh như huyễn hóa thì chẳng thể ban cho. Giả sử đặt ra ví dụ một ngày độ hết tất cả các loài chúng sinh trong ba cõi, khiến cho đều đắc Niết Bàn.

Tuổi thọ của Phật trụ ở đời ức kiếp không thể tính. Việc cứu thoát phàm phu, độ khắp mọi người không cùng tận, vì lập nên một cõi người là không thể tưởng, ngu tối như huyễn, chẳng thể được.

Quán sự thanh tịnh của Phật cùng sự ngu si đồng nhau, việc này không hai. Giả sử người nào có thể quán bình đẳng thì có thể nghĩ đến đạo. Ngu si và trí tuệ đồng nhau, không có các sự ngăn ngại. Chúng sinh quần manh đồng nhau, không thể nghĩ bàn.

Người ngu si chẳng thể tính biết được dấu vết của ý. Tâm người đó rỗng không, không có giới hạn. Ngu tối không giới hạn vì không thể nắm bắt, rỗng không, tham đắm, không có tên, do nương vào hữu tình. Cái không thấy thì vĩnh viễn không thể nắm bắt.

Tâm tánh vô minh hoàn toàn không thật có thì từ đâu đưa đến để khởi lên mà có sân giận?

Xét không có ngã ngã sở, si đã không khởi lên thì loại nào tối tăm?

Như si không nơi chốn, Phật đạo cũng như thế. Hiểu rõ không biên giới, các pháp không hai. Phân biệt âm thanh bình đẳng, quán sát âm vang mù mịt. Hiểu rõ mây đồng như nhau, ngu tối như mây, phân biệt bình đẳng thì hiểu rõ định ý. Đó là Bồ Tát bình đẳng đến với ngu si.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát bình đẳng đối với bất thiện?

Dục vận hành không hình tượng, sân vận hành không nơi chốn, chẳng làm theo si. Biết mọi người bình đẳng, các ô uế cũng như nhau. Các sinh diệt đều như nhau, hiểu bình đẳng hư vô, rỗng không, không thật có, hoàn toàn thanh tịnh như vậy. Đó là Bồ Tát bình đẳng đối với bất thiện.

***