Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Phổ Môn Phẩm

PHẬT THUYẾT

KINH PHỔ MÔN PHẨM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẦN HAI
 

Chúng sinh không phải tự nhiên mà có phước. Kẻ ngu mê tăm tối cho hư là thật. Bồ Tát Đại Sĩ quán rồng bình đẳng, trong ngoài tương ưng, thương xót như nhau. Đó là Bồ Tát bình đẳng đối với rồng.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát bình đẳng đối với quỷ thần?

Tâm như cửa mở và sắc có hình tượng, thân họ cao lớn không thể sánh kịp. Một niệm nghĩ, trăm ngàn chúng nhóm họp, cũng không có hình tượng, âm thanh đối lại.

Ví như uống thuốc độc thì tự hại thân mình, tâm đó cùng loại, không nên sợ hãi, tất cả đều do buông lung, phóng túng, vì khó ngăn chặn, khi gặp thì có sự sợ hãi. Điều này không có thật, nếu khởi tưởng thì hiện đến, tưởng đó chẳng thể nghĩ bàn, không thật nên nói là rỗng không.

Quán sát bên trong, quỷ thần từ đâu khởi lên?

Quỷ thần bên trong biết bao nhiêu trăm ngàn, bên ngoài cũng như vậy. Bên trong không khiếp sơ thì bên ngoài không sợ hãi. Bên trong không thương xót thì bên ngoài không rơi lệ. Bên trong phát sinh tưởng quỷ thần thì bên ngoài có vô số trăm ngàn chúng quỷ thần đều hiện đến. Do duyên này đưa đến bệnh tật, hoặc là đến chết, chịu vô số khổ, đều do tâm tà vạy bất chánh.

Bồ Tát Đại Sĩ biết rõ đều là rỗng không, không có quỷ thần, tất cả đều từ nơi tâm ý khởi lên, thì tâm có thể bình đẳng thanh tịnh, ý vắng lặng, chẳng tà vạy. Vì vậy, Bồ Tát không bị quấy nhiễu. Hoặc hiện hình tượng quỷ với các thứ biến hóa. Bên trong quán sát rõ biết không có quỷ thần, bên ngoài liền tiêu diệt.

Như vậy gọi là Bồ Tát bình đẳng đối với quỷ thần.

Lại nữa, này Phổ Thủ! Thế nào là Bồ Tát bình đẳng đối với Kiền Đạp Hòa?

Pháp đó vốn không có tánh nhưng có tiếng nói, chiếu sáng, không qua lại, cũng chẳng lui tới, như hư không, không có hình tướng, tùy theo âm thanh mà lập nên như thế.

Nếu có Bồ Tát Đại Sĩ quán sát bên trong không có tưởng thức thì không có Kiền Đạp Hòa. Kiền Đạp Hòa là vị dẫn đầu của quỷ thần. Bên trong không khởi tưởng thì bên ngoài không niệm tà.

Như vậy thì duyên nào đưa đến các bệnh?

Muốn tập hợp Kiền Đạp Hòa có tên nhưng không hình, âm vang qua lại không ai có thể thấy, lời nói tóm lại hoàn toàn không thật có. Kiền Đạp Hòa hư dối không thật. Bồ Tát đều quán đấy là do huyễn hóa. Như vậy là Bồ Tát bình đẳng đối với Kiền Đạp Hòa.

Lại nữa, này Phổ Thủ! Thế nào là Bồ Tát bình đẳng đối với A Tu Luân?

Lấy việc có chứng cớ, tâm A Tu Luân hoàn toàn không khởi, không diệt, không sinh, không tận, nhưng đồng loạt hiện ra tất cả. Ý sân hận độc hại đều là A Tu Luân. A Tu Luân tức là Thần rồng. Đối với tâm nhiều sân hận mà hiện ra bình đẳng. Đó là Bồ Tát quán ý bình đẳng đối với A Tu Luân.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát bình đẳng đối với Ca Lâu La?

Bảo, vâng lập ra từ ngữ danh hiệu, mặc dù không có danh sắc nhưng danh sắc do lưỡi, từ lưỡi đưa đến họa, lập ra cội gốc tội lỗi. Bồ Tát Đại Sĩ học rộng trí sâu, biết rõ đó là rỗng không, huyễn hóa như vậy là từ ý mà sinh ra hình, không ai có thể thấy.

Vì âm thanh qua lại làm mờ nhạt chăng?

Người tâm bất chánh biến hóa trăm ngàn ức thứ như vậy. Quán sát bên trong cả hai đều không, không thật có. Bồ Tát quán bình đẳng không có Ca Lâu La, đó là Bồ Tát quán bình đẳng đối với Ca Lâu La.

Lại nữa này Phổ Thủ! Thế nào là Bồ Tát bình đẳng đối với Chân Đà La?

Có những điều không làm mà làm. Có những điều không làm thì không làm, cũng có cái tạo nên lại có thể phá hoại, bay đi trong hư không, không ai đuổi kịp nên lập danh hiệu là Chân Đà La, tất cả đều do tay, tay nắm giữ các việc làm, ý phát sinh thì tay hành động, hành động thì phạm đại thừa, khiến có khổ địa ngục là đều do Chân Đà La.

Nếu Bồ Tát phân biệt không có sự sinh ra mọi loài thì xa lìa các việc đã làm, tay tự nhiên không lay động, thì do nhân nào có Chân Đà La?

Quán sát bên trong chẳng động thì chẳng lay, không khởi thì không diệt, không sinh thì không tử. Trong động thì ngoài phát, ý buông thả mà tay hành động, hành động liền rơi vào khổ, rơi vào khổ thì có bệnh, đều có quỷ thần, quỷ thần tức là Chân Đà La.

Bồ Tát Đại Sĩ hiểu rõ về không, không mà lại không, không có không, không thật. Bình đẳng quán Chân Đà La, tất cả đều do biến hóa, không có hình đúng như thật, bình đẳng với các việc làm thì không có Chân Đà La.

Đó là Bồ Tát bình đẳng quán về Chân Đà La.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát bình đẳng quán Ma Hầu Lặc?

Tên của pháp ấy lập nên biết bao nhiêu loại người, lãnh thọ đủ các loại hình dáng. Nguồn gốc của loài người tùy theo số lượng đó mà hiện ra biết bao nhiêu pháp, lập nên tất cả hình tượng và tên gọi. Pháp không thật có, chức hiệu như vậy, ở nơi thân hình là tâm ý, lìa thân hình Ma Hầu Lặc.

Sự tưởng tượng là hư vô, đạo thành là ở tâm ý, tâm ý giữ gìn phúc lớn, tâm ngay thẳng thì được thành đạo, hiểu rõ các tưởng thức thì các niệm đều dừng, không còn các tưởng, đưa đến tự nhiên, chỉ nói tiếng bình đẳng. Tất cả vì chấm dứt sự nghi nen hiện ra Ma Hầu Lặc. Đó là Bồ Tát thâm nhập quán bình đẳng, quán sát bên trong, bên trong không khởi, bên ngoài không tạo thì không có danh tự Ma Hầu Lặc.

Đó là Bồ Tát bình đẳng quán về Ma Hầu Lặc.

Lại bảo Bồ Tát Pho Thủ: Thế nào là Bồ Tát quán bình đẳng về địa ngục?

Pháp vốn không, không có địa ngục, do tưởng thức thành hình, địa ngục không có chủ. Có người cầu thì tự nhiên có, như kêu to thì âm thanh vang lên, như phù du thì gieo đầu vào đèn, cho là số bị đốt cháy không thể cứu được.

Vì sao?

Vì thân miệng mời gọi thì tự nhiên đến, nó rỗng không, không người tạo tác. Từ tưởng của mình cho đến các tưởng đều không thật có, rỗng không. Sự qua lại rỗng không, duyên với ách nạn là chính từ nơi mình khởi lên, tự mình hiền thiện thì bệnh không từ đâu mà nhập vào được. Thân miệng không phạm thì cũng không chết, địa ngục thanh tịnh, tươi đẹp, thanh khiết, không nhơ.

Bồ Tát Đại Sĩ sở dĩ không sợ sinh tử là vì không có duyên với địa ngục.

Vì sao?

Vì không phạm giới cấm. Biết rõ tất cả đều như huyễn, cũng không sở hữu. Tuy lập các tướng nhưng không có tướng, không chấp thủ tướng, cũng không phải là không có tướng, tướng không thật có, do huyễn hóa thành hình tượng. Nếu người thấy tướng ấy thì đều vui vẻ, vui vẻ nên đưa đến thương yêu, nhân đó đưa đến đại nguyện. Riêng biệt như hư không, bình đẳng, vắng lặng nhưng hiển hiện ra các tai họa khổ não của địa ngục.

Quán sát bên trong, do miệng mà thân bị oán giận. Miệng là cửa ngục, chỉ vào mà không ra. Vào liền tiêu tan hết, ra thì thành bùn đất. Như vậy khổ nhọc sẽ bị số ức, do đó Bồ Tát im lặng, không nói, không dùng miệng lưỡi lời lẽ để ăn uống. Cũng không nói năng, im lặng tự giữ gìn.

Không vào chỗ đông người, không khen ngợi mình, tự miệng không nói hai lời, nhẫn chịu các tác động bên ngoài. Bồ Tát như thế thì không có địa ngục. Nguyên nhân của địa ngục chỉ do miệng, lời ra thì tội vào nên không lìa họa này. Bồ Tát giữ gìn miệng, không lựa chọn mùi vị, ưa thích như nhau, không có ngon dở.

Ăn uống cốt đủ nuôi thân hình mà thôi. Đó là Bồ Tát quán bình đẳng đối với địa ngục.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát bình đẳng đối với ngạ quỷ?

Ngạ Quỷ không có hình tướng, cũng không có tên gọi, vốn không có nơi chốn, cũng không có chỗ dừng. Nhân keo kiệt mà thành, tham dục dẫn đến keo kiệt cũng không có chỗ trụ, chẳng rõ sở hữu, chẳng biết đại pháp, chấp có ngã, ngã sở, chẳng thấy vô thường, nghe vạn ức hương thơm càng lâu càng sâu nặng.

Từ keo kiệt đưa đến tham, từ tham đưa đến dục, từ dục đưa đến ái, từ ái đưa đến thích, từ thích đưa đến lo, từ lo đưa đến khổ, từ khổ đưa đến đau đớn, từ đau đớn đưa đến trói buộc, từ trói buộc đưa đến bệnh tật, từ bệnh tật đưa đến chỗ chết.

Ở trong ba nạn đó không được cơm ăn, áo mặc, thân thể trần truồng đói khát, chẳng được nước uống, lấy hiệu làm tên, nên gọi là ngạ quỷ.

Bồ Tát Đại Sĩ biết tất cả vốn không, hiểu rõ là không có ngạ quỷ, vắng lặng như hư không.

Vì sao?

Vì Bồ Tát thường thực hành bình đẳng, mũi quen không ngửi các mùi hương, hoàn toàn không mến mộ, ưa thích. Tham là từ mũi mà vào và đưa đến cái ương họa lớn này. Mũi là tinh chất của đài tâm hỗn loạn, cũng không chỗ nhập, cũng không chỗ xuất.

Không lãnh thọ hương sắc thì không tham, nếu không tham thì không lẫn tiếc. Đó là Bồ Tát quán bình đẳng đối với ngạ quỷ.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát bình đẳng đối với súc sanh?

Pháp vốn không, súc sanh từ nhân duyên khởi lên, như hình tượng mây mù hiện ra biết bao nhiêu là hình sắc, hình sắc ấy chẳng giống nhau, người thấy vui thích liền đưa đến tưởng sinh tử khởi diệt. Giận từ bên trong khởi lên, khởi lên sự tưởng niệm về mười hai vòng móc xích dính mắc của thức, đóng chặt không mở, đưa đến súc sanh.

Súc Sanh không có nguồn gốc, đều không thật co, tâm nghĩ ngợi rỗng không, đều do các sắc. Sắc là nguồn gốc tốt, rong ruổi theo năm đường, uyển chuyển theo sinh tử, nhận lãnh vô số hình dạng, hoặc là chim bay, hoặc làm thú chạy, rỗng không, vô thường. Danh xưng là nương nơi hình tướng mà đặt, đủ loại hình tượng, màu sắc đồng với mây mù. Súc sanh tội phước tâm tánh như huyễn, do mê hoặc hư vọng mà nói là hình súc sanh.

Bồ Tát Đại Sĩ quán xét không có ngã, ngã sở, hiểu rõ không danh tự, mắt khi mới nhìn thấy sắc, ý chẳng tham sắc, tâm chẳng nghĩ đến sắc, thân chẳng xúc chạm sắc. Bồ Tát dùng bốn tâm bình đẳng quán sắc bên trong, sắc ngoài, bay đến các nơi tăm tối trong mười phương, thông suốt tất cả, đều từ mắt ra vào. Mắt là tinh chất của mặt trời, mặt trăng.

Có hai tên: Sắc nhập là Kim Sí Điểu.

Sắc xuất là Văn Thù Sư Lợi.

Quán sát bên trong thì tất cả các tên gọi đều từ mắt mà vào, làm động gốc rễ sinh tử, tạo ra sự ngang ngược, đều do Kim Sí Điểu nên gọi là súc sanh. Loại quần manh súc sanh ngọ ngoạy, hơi thở ngắn thuộc loại bò đi. Tất cả các loài biến hóa đều gọi là súc sanh.

Bồ Tát quán sát trong thân người đều giống như thế, cũng làm thành Tam Thiên Đại Thiên Quốc Độ, Quốc Độ có số trăm ức. Như vậy, chẳng thể tính được tất cả. Trên có Cõi Trời Tam Thập Tam, dưới đến cõi Kim Cang sát, ở khoảng giữa có nạn của mười tám địa ngục lớn.

Chỗ ở của Chư Thiên và loài người đều có cung điện và phi nhân, quỷ thần, rồng, chim bay, thú chạy, dưới đến cây cỏ, những loài thuộc loại có hình đều ở bên trong thân người, số đó đều trú tại nơi đây. Một vật không bằng nhau thì người đó liền đoản mạng. Mỗi vật, mỗi vật tương ưng không sai khác thì người đó liền thông minh, có trí tuệ sáng suốt.

Hoặc nếu người trộm cướp, bị hổ lang thú dữ, hoặc rơi xuống hầm hố, bị cây cối xóc nhầm và bị rắn, chó làm hại đều là từ bên ngoài phát ra mới có sự tan thân hoại thể, nên tự trách việc hiện tại, không thể dựa vào thù địch đời trước nên tự suy nghĩ trong ngoài đưa đến sự sinh diệt, tự gieo vào chỗ tối tăm.

Chúng sinh bên trong, chúng sinh bên ngoài, hình dáng bên trong, hình dáng bên ngoài đồng nhau không khác. Mọi người đều như vậy. Bên trong khởi lên ý xấu, bên ngoài liền tìm đến. Bên trong có phần phản nghịch thì bên ngoài phản nghịch, liền hại thân người.

Người ngu si chẳng tự biết, ngồi oán trách quỷ thần. Tất cả đều do sắc. Cảnh vật vào mắt, mắt là chư hầu của tâm mà là chúa của trăm điều xấu. Sự khoái lạc của tâm chắc chắn có tai hoạ về sau, tất cả đều do đó mà đưa đến súc sanh, đồng nói là vắng lặng thanh tịnh.

Đó là Bồ Tát bình đẳng đối với súc sanh.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát bình đẳng với tham dâm?

Pháp vốn không, tham dâm từ duyên khởi đưa đến tham, tham do ái dục, dục từ tưởng khởi lên, đối tượng của tưởng là không có tưởng, như hư không, không có nơi chốn. Nhân dục đưa đến mê hoặc, trộm cướp, rối loạn tánh căn bản, lập nên gốc rễ lo buồn.

Tham dâm như chỗ trống không, không thể nắm bắt được, như ảnh theo hình, như vang theo tiếng, không thật, không có hình tượng, chẳng thể nắm bắt được, loại ngu si điên đảo, tư tưởng phiền não, pháp vốn không có nhơ uế, rỗng không, vắng lặng. Dục trống rỗng như hư không, không thể cứu hết được, đến mười phương chẳng tìm thấy.

Tham dâm vốn không có hình tướng. Sự tham dâm tối tăm. Tham dục tự làm tiêu tan mất thân hình, sợ không yên ổn nên ở chỗ kín đáo.

Ở đời khi biệt ly thường thương tiếc sợ lâu dài chẳng gặp lại. Hoặc như cầm thú thường ôm lòng lo sợ. Giống như người đàn ông đối mặt vơi kẻ địch, trong lòng sợ hãi bỏ chạy, chạy trốn để giặc không tìm thấy mình.

Người chạy cũng rỗng không, bỏ chạy mệt nhọc cũng không có người đuổi bắt, tự làm khổ thân, lao nhọc như thế, gia đình ân ái cũng lại rỗng không. Nhưng người thương yêu mến mộ dụng công tham dục, thì dục là nỗi lo bị trói buộc trong lao ngục. Dục là ý chí mạnh mẽ, thương xót quần sinh.

Người không dính mắc vào dâm dật thì tất cả không lo điềm xấu bên trong, hoàn toàn được an ổn. Tất cả đều không, không thật có, rỗng không mà lại thỏa thích với sự rỗng không thì cái không đó thành có. Họ không giải thoát, ngu si điên đảo, trái lại bảo rằng tưởng là tối tăm, không hiểu pháp như hư không, không còn, không mất.

Chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại hiểu rõ các tham dục, không thoát khỏi tham dục thì bị trói nơi các nạn. Ái dục rỗng không, hư vô không thật. Người mà chê bai tham dâm thì cầu thoát dục.

Người muốn thoát dục thì không khởi hai ý niệm này: Không có cội gốc, cội gốc cũng vốn không có cội gốc, cội gốc tự nhiên tịnh, không có nhiễm ô, như là Đạo Tràng của Phật, bình đẳng không tưởng.

Người tham dâm dật thì không lìa tai ương. Người theo sự vắng lặng thì ưa thích lìa dục. Các tưởng đều rỗng không mới lìa các tưởng, khởi niệm như vậy thì niệm mà không có đối tượng để niệm. Cầu thoát tham dâm nghĩa là sẽ vượt qua dục tưởng, không còn sự tìm cầu, không ôm ấp ngọn nguồn, không nghĩ đến tham dục. Vốn thanh tịnh như vậy thì chẳng khởi tưởng giải thoát.

Nếu vượt qua khỏi dục thì gọi là tịnh. Tham dục rỗng không, không chấp trước, điều này không sai khác. Người ngu tối tăm chẳng hiểu nên liền tạo ra hai tưởng.

Pháp bình đẳng một thể không nam nữ, Trời là cha, đất là mẹ, Trời đất sinh ra thì có gì là khác nhau?

Bồ Tát thực hành bình đẳng thì không tìm cầu nam nữ, như huyễn, như hóa, gốc ngọn đồng như vậy. Người thấy nam nữ có sự sai khác là vì xa lìa cội gốc, thì không còn nghĩa lý.

Phát khởi các tưởng nhớ nghĩ thì các sự buộc ràng lại đến thiêu đốt. Tham dục không phát khởi thì không có các sự nhớ nghĩ, không có các sự trói buộc, không đốt cháy. Có các sự trói buộc thì các sự trói buộc không cởi bỏ.

Người cởi bỏ tham dâm thì tên giả ái dục không làm nhiễm trước. Các tên gọi không làm trở ngại. Biết dục vốn là không, không nắm bắt được, thấy chân thật rốt ráo, không mong sự tĩnh tu, trong ngoài đồng nhau, không thấy giả dối. Người tham dục thì biết mà chẳng giải thoát được.

Tham Phật Pháp đồng như Niết Bàn. Cởi bỏ tham dục thì lìa được ngã và ngã sở. Hiểu rõ tham dục thì tịch tĩnh. Noi theo sự đạm bạc, quán sát bên trong, các dục là từ nơi tai, tai cùng với ý thông nhau, cùng nhau tiếp nhận, mạnh mẽ không thể cản nỗi.

Hàng phục tất cả, có hai tên gọi:

Dục nhập là Sư Tử Vương.

Dục xuất là Duy Ma Cật.

Ở trong ba cõi cũng giống như thoát khỏi, nên không chỗ nào là không nhập, không chỗ nào là không xuất. Đó là Bồ Tát bình đẳng đối với tịnh uế.

Tai chẳng lãnh thọ năm âm thanh thì làm người dẫn đường cho Cõi Trời, coi người trong mười phương, trở nên vị dẫn đường lớn, chẳng hề mỏi mệt. Điều cốt yếu để nghe pháp, trước hết phải dùng để làm thức ăn.

Tam thiên đại thiên Thế Giới, mười phương trong ngoài, số người và vật, trong đó mặt trời, mặt trăng tuy chiếu sáng còn không thể chiếu hết. Người tuy có con mắt nhưng chẳng thể thấy được sự vật ở xa.

***