Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Phổ Môn Phẩm

PHẬT THUYẾT

KINH PHỔ MÔN PHẨM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẦN MỘT
 

Nghe như vậy!

Một thời, Phật du hóa ở núi Linh Thứu, thuộc thành Vương Xá, cùng với đông đủ chúng Đại Tỳ Kheo gồm tám trăm vị và bốn vạn hai ngàn Bồ Tát. Các vị đều đã đắc các tổng trì, đạt được thần thông, Thánh trí rộng lớn, thong suốt, biện tài vô ngại, đã đạt tam muội, thông hiểu tất cả mọi việc.

Khi ấy, có Bồ Tát tên Ly Cấu Tạng cùng với chín vạn hai ngàn Bồ Tát, từ cõi nước tịnh hạnh của Như Lai Phổ Hoa đang du hóa đến cõi nhẫn này, vì muốn đi đến núi Linh Thứu để có điều muốn thưa hỏi và lãnh thọ.

Khi ấy, từ xa trông thấy Đức Thế Tôn, liền mỉm cười. Từ trong miệng Đức Thế Tôn phóng ra luồng ánh sáng thù thắng đặc biệt. Ánh sáng đủ màu sắc chiếu khap mười phương, soi sáng thấu suốt trong ngoài không sót một chỗ nào.

Bấy giờ, Đồng chân Bồ Tát Phổ Thủ đang ở trong đại chúng, đứng dậy, sửa áo, bày vai bên phải, quỳ thẳng chắp tay bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Vì lẽ gì Đức Thế Tôn mỉm cười?

Thế Tôn mỉm cười là vì có người thưa hỏi, chứ chẳng phải sự chói sáng của thế gian, chẳng phải sự kham nhận của Bồ Tát chỉ có lòng thương tưởng nên mới cười như vậy. Sự mỉm cười của Thế Tôn đều có ý. Cúi xin Đức Thế Tôn chỉ dạy, tất cả chúng con đều cùng ưa thích muốn nghe!

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Ở phương Đông, cách đây vô lượng, vô số trăm ngàn ức atăng kỳ kiếp chẳng thể tính kể, có Thế Giới tên là Tịnh Hạnh, Đức Phật cõi đó hiệu là Như Lai Phổ Hoa, thường cùng với vô số ức trăm ngàn các Đại Bồ Tát vây quanh, Đức Phật giảng nói về pháp Không thoái chuyển, chẳng thể nghĩ bàn.

Ở đó có Bồ Tát Tôn trưởng tên là Ly Cấu Tạng cùng với vô số ngàn các Bồ Tát Đại Sĩ quyến thuộc vây quanh, bay đi trong không trung. Ta đang nghĩ Bồ Tát Ly Cấu Tạng kia riêng chọn con đường xa đi đến các nước để ban bố lời của Như Lai Phổ Hoa Chí Chân Đẳng Chánh Giác.

Nay vị Bồ Tát ấy được sai đến đây để gặp gỡ chúng Bồ Tát và hiện giờ vị Đại Thánh ấy dùng định Như kỳ tượng để hiển bày giáo pháp, thị hiện cùng khắp làm cho các chúng Bồ Tát ở vô lượng, vô số Thế Giới cùng một lúc đều đi đến chỗ của Đại Phạm Thiên ở cõi nhẫn này, vì vậy ta mỉm cười.

Đức Thế Tôn nói vừa xong, Bồ Tát Ly Cấu Tạng cùng với các đại chúng từ giã Phạm thiên, đi đến núi Linh Thứu, cùng với quyến thuộc vây quanh đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi lui đứng một bên. Các Bồ Tát ở chỗ vắng vẻ trong núi Linh Thứu này đều đến tập hợp, đảnh lễ xong, lui ngồi một bên.

Bấy giờ, Bồ Tát Ly Cấu Tạng liền hóa làm hoa sen bảy báu có ngàn cánh đem đến chỗ Như Lai Năng Nhân Chí Chân Đẳng Chánh Giác cúi dâng lên và bạch: Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai Phổ Hoa Chí Chân Đẳng Chánh Giác ở Thế Giới Tịnh hạnh có lơi kính vấn an Thế Tôn: Đi lại có được nhẹ nhàng, thể lực có được khỏe mạnh, đứng ngồi có được an ổn và việc cứu độ có được nhiều không?

Nay sai con đến đây xin Thế Tôn chỉ dạy và xin lãnh thọ Phẩm Phổ Môn là phẩm thanh tịnh chẳng thể nghĩ bàn. Cúi xin Thế Tôn vì hàng Đại Sĩ giảng thuyết.

Bồ Tát Ly Cấu Tạng thưa hỏi đầy đủ xong, lui ra cùng với các Bồ Tát ngồi xếp bằng trên tòa hoa sen báu trong hư không.

Bấy giờ, Bồ Tát Phổ Thủ ở trong đại chúng liền đứng dậy sửa áo, bày vai phải, đến trước, quỳ thẳng chắp tay bạch Phật: Lành thay, kính bạch Thế Tôn! Cúi xin Thế Tôn giảng thuyết Phẩm Phổ Môn là phẩm thanh tịnh chẳng thể nghĩ bàn. Nguyện xin Thế Tôn vì các Bồ Tát phân biệt giảng thuyết.

Con nhớ thuở xưa, cách đây nhiều đời lâu xa, từ nơi Như Lai Phổ Chứng Minh Chí Chân Đẳng Chánh Giác được nghe Kinh Điển này, lập nên tám mươi bốn vạn trăm ngàn ức tam muội, lại thêm bảy mươi bảy ức trăm ngàn các pháp môn tổng trì. Cúi xin Thế Tôn thương xót các Bồ Tát mà tuyên dương lại.

Phật bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Lắng nghe và suy nghĩ kỹ, ta sẽ vì ông nói đầy đủ Phẩm Phổ Môn, là kho tàng ở trong tâm, quý báu, bí mật không thể nghĩ bàn.

Bồ Tát Phổ Thủ và đại chúng đều thưa: Bạch Thế Tôn! Chúng con ưa thích muốn được nghe.

Bấy giờ, Bồ Tát Phổ Thủ cùng với các Bồ Tát nhất tâm lắng nghe.

Phật bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Đại Bồ Tát nào muốn học và thể nhập pháp Phổ Môn thì bình đẳng đối với sắc. Bình đẳng đối với âm thanh, bình đẳng đối với mùi hương, bình đẳng đối với các vị, bình đẳng đối với xúc, bình đẳng đối với người nữ, bình đẳng đối với nam, bình đẳng đối với bé gái, bình đẳng đối với bé trai, bình đẳng đối với Chư Thiên, bình đẳng đối với loài rồng.

Bình đẳng đối với Quỷ Thần, bình đẳng đối với Càn Thát Bà, Kiền Đạp Hòa, bình đẳng đối với A Tu Luân, bình đẳng đối với Ca Lâu La, bình đẳng đối với Chân Đà La, bình đẳng đối với Ma Hầu Lặc, bình đẳng đối với địa ngục, bình đẳng đối với ngạ quỷ, bình đẳng đối với súc sanh, bình đẳng đối với tham dâm, bình đẳng đối với sân giận, bình đẳng đối với ngu si, bình đẳng đối với các thiện, bình đẳng đối với các cội gốc công đức, bình đẳng đối với các hữu vi, bình đẳng đối với các vô vi.

Như vậy, này Phổ Thủ! Chỗ các Bồ Tát có thể đi giáp khắp là như vậy. Tất cả đều bình đẳng, vì ở chỗ bình đẳng nên tiến đến đạo trọn vẹn, không còn thoái lui, đều nhập vào chỗ sâu xa bí mật của pháp yếu rỗng không, vắng lặng. Đó là học thể nhập vào pháp môn định của Phổ Môn.

Phật bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát bình đẳng đối với sắc?

Hiểu rõ sắc như bọt nước, chẳng thể nắm bắt, chẳng thể hộ trì, không bền chắc, đó là quán bình đẳng không có sắc. Như vậy là Bồ Tát bình đẳng đối với sắc.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát bình đẳng đối với âm thanh?

Như người cất tiếng kêu lớn nên có âm thanh dội lại, nhưng ngay khi ấy liền diệt mất, không có hình tượng, chẳng biết đi đâu, tất cả biết bao nhiêu là việc đều không thể có, nhưng không sai khác, cũng không có tướng. Đã hiểu không có tướng thì lời của người nói ra rỗng không, không thật. Đã hiểu rõ các âm thanh là do từ núi sâu vang dội ra thì quán bình đẳng. Như vậy là Bồ Tát bình đẳng đối với âm thanh.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát bình đẳng đối với mùi hương?

Trăm ngàn kiếp số xoay quanh qua lại, mũi ngửi nhưng không nhàm chán, các hương bay đối mạnh hơn gió mưa đều tập hợp quy tụ về thân, như vực sâu ở biển cả, chỗ nào cũng đầy tràn nước. Hình tượng của hương đó vô thường, luôn thay đổi, biến hóa như mộng huyễn, không có gốc rễ, làm rối loạn đạo đức, nhưng chẳng thể nắm giữ. Đó là pháp hư ngụy không chân thật.

Giả sử tìm tòi, dò xét kỹ cũng không có chỗ nhóm họp. Do thuộc loại như vậy nên không thật có và không thể nắm giữ, tất cả đều rỗng không, không thật, bỗng chốc như hư không, như huyễn, như hóa, vốn không có hình tướng, là bóng dáng của tưởng thức, gặp duyên khởi lên nên thành hình tượng. Nếu có thể phân biệt được đó là rỗng không, không thật, thì đó là Bồ Tát bình đẳng đối với mùi hương.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát bình đẳng đối với các vị?

Vị mặn đến, yết hầu không biết, cũng không phải là không có vị, do nhân duyên phân biệt, chỉ có vị ngọt nơi lưỡi mà thôi. Trăm ngàn các vị đều do duyên hợp lại, đó là huyễn hóa. Đất sinh ra chỉ một vị, thấm nhuần, không có nhiều vị. Hiểu rõ biết rõ, không tưởng, không nghĩ, tất cả đều là vị ngọt, đó là Bồ Tát bình đẳng đối với các vị.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát bình đẳng đối với sự xúc chạm?

Tâm chí thì chỉ có việc tham cầu, thân mặc y phục hoa hòe cùng trang sức các thứ châu báu hiếm lạ, làm cho sắc đẹp càng tăng thêm. Sự đẹp đẽ đó chẳng thể nắm bắt được, đều là do duyên. Sự xúc chạm không có chỗ trụ, cũng không có chỗ dính mắc. Suy cho cùng thì sự xúc chạm không có ích. Người đời vì ham muốn, tham lam, ngu si, xấu ác tạo nên gốc sinh tử đều do đây phát khởi.

Bậc Đại Sĩ trí tuệ sáng suốt thì biết rõ việc đó nên không làm theo, suốt đời không bị tai họa. Tất cả những gì có mặt đều nhờ đất chuyên chở, thuộc một loài có hình, bình đẳng không sai khác, chỉ nghe tạo ra sắc đã là sự rối loạn cho mọi người, khiến tạo ra các sắc loại khác nhau, đã mang mặc rồi thì mê loạn đạo đức, chẳng gần gũi các Bậc Hiền.

Người thông đạt biết rõ, không làm theo những việc như vậy. Ở ẩn, mặc áo vải thô, làm người ngu để nuôi dưỡng trí tuệ, bên ngoài giống như người mọi rợ, nhưng bên trong ôm ấp ngọc châu sáng ngời, ngàn vạn ức kiếp cùng với đạo đồng một thể, xa lìa ngã, ngã sở, cũng không ngã tưởng.

Sự xúc chạm cùng với ngã, cả hai đồng nhau, chúng như hư không không thật, như huyễn, như hóa, cung không có sự nương tựa, cũng không có chỗ trụ. Nhân vì đắm nhiễm sự mang mặc nên mới có sự khen ngợi tốt đẹp. Bậc Đại Sĩ thấy việc đó biết rõ nên không bám víu. Đó là Bồ Tát bình đẳng đối với sự xúc chạm.

Lại bao Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát bình đẳng đối với tâm pháp?

Tâm pháp là người hộ trì ba cõi, an ủi, khuyên răn khiến cho nhóm họp. An ủi thì dùng đức, khuyên răn thì dùng quyền, lãnh thọ thì dùng tuệ.

Tu phạm hanh thì ba cõi đều vắng lặng, đứng tại một chỗ, cũng không hợp, tan. Làm cho vĩnh viễn chẳng còn biết được sự tồn tại của tâm pháp, chẳng thấy hình tượng, âm thanh qua lại, cũng không do dự.

Ứng hợp với tâm của mọi người, không hợp không tan, chẳng biết chỗ an trụ, cũng không có chỗ đi đến, hoặc hiện ra vô số các sắc, tất cả đều khác nhau. Bên trong cũng không có xứ sở, có xứ sở cũng không trụ, như huyễn, như hóa, rỗng không, không nơi chốn, không nơi chốn nên không có xứ sở.

Bậc Đại Sĩ thấy việc đó biết rõ, không bám víu, liền tự mình giữ tâm không nhớ nghĩ, không mong cầu, thấy hoặc chẳng thấy, nghe hoặc chẳng nghe, đều vắng lặng giữ gìn. Đó la Bồ Tát bình đẳng đối với tâm pháp.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát bình đẳng đối với người nữ?

Quán sát bốn đại thì không có người nữ. Người có tâm ngu si mê hoặc, đối với ái dục đều mơ hồ, hoang mang, cho là thể của nó đồng nhau, không thể hủy hoại. Nói có người nữ thì cũng giống như nhà ảo thuật làm ra hình người. Cúi xuống, ngước lên đều tùy theo ý của nhà ảo thuật điều khiển, vì những việc làm của những hình người được hóa ra là do ý ưa thích của nhà ảo thuật.

Người nữ như huyễn, do khởi lên ý ham muốn sắc, đó không thực có người nữ, bình đẳng như con người. Người ngu si bị mê hoặc nên ý theo dục, dục liền đưa đến ái, ái đưa đến ưa thích, từ đây chẳng thể buông bỏ, nên gấp rút kềm chế để điều phục.

Người sáng suốt thấy rõ việc đó, phân biệt như hư không, rỗng không, vắng lặng, không có hình tướng. Duyên khởi lên thì nhân đối lại, không khởi thì không đối. Nếu người nào có thể phân biệt được như thế thì đó là Bồ Tát ý bình đẳng quán về người nữ.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát bình đẳng quán pháp thanh tịnh?

Pháp thanh tịnh đối với người nam là, như khiến cho người nam tự mình phát tâm. Tâm vị ấy như Kim Cang, nếu chuyên nhất thì rất mạnh mẽ, khi nghĩ đến người nữ nên phát khởi tâm dục. Tâm dục không có hình sắc, thật chẳng thể nắm bắt được, cũng chẳng hiện ra hình tượng người nữ… chỉ do các sắc dục phát sinh tưởng người nữ. Dù cho đã nghĩ tưởng về dục, nhưng người nam, người nữ kia như sóng nắng, như trăng trong nước.

Người quán như thế thì không có nam nữ, hiểu rõ không có hình nam, thì hình nữ cũng như vậy, hư ngụy mà lập nên, không tồn tại lâu dài, chỉ do huyễn hóa hiện ra nên thoáng hiện liền diệt. Vì có thể phân biệt nên biết rõ ý người nam, ý người nữ. Cả hai việc này rỗng không, không thật có, đã bình đẳng thì cũng có thể hiện ra người nữ, lại cũng hóa thành người nam.

Đó là Bồ Tát quán bình đẳng thanh tịnh đối với người nam.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát bình đẳng đối với bé gái?

Giống như nhổ gốc cây thì mầm non của cây không bao giờ phát sinh. Tâm không phát khởi thì từ đây dừng hẳn. Người có trí tuệ sáng suốt thì không tìm cầu nơi quả vị.

Quả vị cũng chẳng thể chứng đắc. Nếu có người con ngang bướng trong gia tộc, thông suốt luận nghị, hiểu thấu tất cả tư tưởng, vô niệm, dũng mãnh, như cây khô không sinh hoa quả, như các dòng nước khô cạn không chảy. Ở đây giống như nam, nữ, đồng nữ, sự hiện hữu này bình đẳng như hư không, không có thật.

Quán người nữ kia vốn cũng thanh tịnh, quán người nam kia vốn cũng thanh tịnh, quán Niết Bàn kia vốn cũng thanh tịnh.

Bình đẳng như thế tức là bình đẳng quán về bé gái.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát bình đẳng đối với bé trai?

Ví như cây cối, giả sử không có mầm mống thì không có gốc, thân. Giả sử không có gốc, thân thì không có hoa quả. Giả sử không có hoa quả thì không có tên gọi. Người nữ cũng như vậy, giả sử không có người nữ thì không có người nam, bình đẳng đối với nam nữ thì không có ngã ngã sở, dựa vào danh hiệu mà đặt tên, tưởng là vô tri.

Biết người nữ không sinh thì không có tánh con. Hiểu rõ tat cả mọi người đều không có, không tức là đều bình đẳng. Đó là Bồ Tát bình đẳng quán về bé trai.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát bình đẳng đối với Chư Thiên?

Chư Thiên trang nghiêm thanh tịnh, công đức tự nhiên, ý trong sạch thanh khiết. Cung điện trang hoàng lộng lẫy, kỳ diệu, không có người tạo lập. Cây tâm hoa đẹp cũng không có người trồng, phước đức tự nhiên giống như huyễn hóa, tuổi thọ không thể nghĩ bàn. Trong sạch sáng ngời như lưu ly, hoàn toàn trong sạch, cũng không rộng hẹp, do hư vô thành lập, nên thể Chư Thiên là hư dối, tự nhiên sinh ra hình, bỗng dưng hiển hiện.

Nói một cách đúng đắn thì hình ảnh của Chư Thiên hiện ra đó là hư vô, không mượn dụ bên ngoài để quán sát bên trong. Số cung điện, lầu các tự nhiên của ba mươi hai Cõi Trời không ai có thể thấy được, chỉ có người đắc đạo mới biết. Đây là do Bồ Tát thấy sâu xa trong ngoài đều bình đẳng không khác.

Đó là Bồ Tát bình đẳng đối với Chư Thiên.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát bình đẳng đối với các rồng?

Thấy không có nước, liền nổi mây mưa bảy ngày, nước thấm nhuần khắp tất cả không kể trong ngoài, cùng khắp cõi Diêm Phù Lợi rồi lần lần chảy về biển cả. Nguyên do của sự đầy nước là như thế.

Chúng sinh học như vậy, biết bao nhiêu là duyên, duyên này rất nhiều, tìm cầu khởi diệt, đưa đến lo buồn hiện ra vô số tội, đủ loại không đồng.

Quán sát bên trong sân giận là do từ đâu?

Rồng trở mình, cá giao kinh sợ, mọi người đều như vậy, làm trời nghiêng đất lở đều từ nơi rồng khởi lên. Rồng bên trong không trở mình thì rồng bên ngoài chẳng theo.

***