Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Phổ Môn Phẩm

PHẬT THUYẾT

KINH PHỔ MÔN PHẨM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẦN NĂM
 

Này Phổ Thủ! Chỗ của các Bồ Tát có thể du hóa, tất cả đều đầy đủ, đi ở bình đẳng, chí đạo trọn vẹn. Như vậy là học nhập vào pháp định Phổ Môn.

Phật bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát ý phân biệt bình đẳng đến với sắc?

Hiểu rõ sắc như bọt nước, chẳng thể nắm bắt, chẳng thể giữ gìn, không bền chắc, thì đó là ý bình đẳng không có sắc. Như vậy gọi là Bồ Tát bình đẳng đến với sắc.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát ý phân biệt bình đẳng đến với âm thanh?

Như người cất tiếng kêu lớn nên có âm thanh vang dội lại, nhưng ngay khi ấy liền diệt mất, không có hình tượng, chẳng biết chỗ sinh ra, tất cả biết bao nhiêu là việc đều không có, nhưng không sai khác, cũng không có tướng. Đã hiểu không có tướng thì lời của người nói ra rỗng không, không thật. Đã hiểu rõ các âm thanh là do từ núi sâu vang dội ra thì quán bình đẳng. Như vậy là Bồ Tát bình đẳng đến với các âm thanh.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát ý phân biệt bình đẳng đến với mùi hương?

Trăm ngàn kiếp số xoay quanh qua lại, mũi ngửi hương nhưng không nhàm chán, như vực sâu ở biển lớn, chỗ nào cũng đầy tràn nước, nhưng hình tượng của mùi hương đó chẳng thể nắm bắt, vì đó là pháp hư ngụy, không chân thật. Giả sử tìm tòi, dò xét kỹ cũng không có chỗ tụ hội. Do không thật có nên không thể nắm giữ. Mờ mịt như hư không, như nhà ảo thuật hóa làm ra. Ví như người nào phân biệt rõ ràng là không thì quán bình đẳng đến với mùi hương.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát ý phân biệt bình đẳng đến với các vị?

Đến yết hầu, không biết vị mặn. Cũng không phải là không biết có vị. Do nhân duyên phân biệt nơi lưỡi. Có vị ngọt là do nhân duyên hợp hội. Hiểu biết vô niệm thì đó là quán bình đẳng đến với các vị.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát ý phân biệt bình đẳng đến với sự xúc chạm?

Sự xúc chạm đó, ý luôn luôn muốn được trang sức, nhưng sự mềm mại đó chẳng thể nắm bắt được, đều là do duyên. Sư xúc chạm không có chỗ trụ. Xét sự xuc chạm thì không thành, không thật có, cũng không có chỗ nương tựa. Do đắm trước trang phục nên mới có sự nương tựa. Như vậy là quán bình đẳng đến với sự xúc chạm.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát ý phân biệt bình đẳng đến với tâm pháp?

Giả sử làm cho tất cả mọi người trong ba cõi đều tập hợp đứng ở một chỗ, sai tìm tâm pháp, chẳng biết chỗ ở, chẳng thấy hình tượng, cũng không do dự, cũng không hợp tan, chẳng biết chỗ ở. Hiện ra vô số các thứ sắc, bên trong không có xứ sở, xứ sở cũng không trụ, như huyễn, như hóa, trống không, chẳng thật, thì đó là quán bình đẳng đến với tâm pháp.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát y phân biệt bình đẳng đến với người nữ?

Quán sát bốn đại thì không có người nữ. Người tâm thức ngu si mê hoặc, đối với ái dục mơ hồ, hoang mang. Nói có người nữ thì cũng giống như nhà ảo thuật hóa làm ra hình tượng người nữ, vì những việc làm của những người được hóa ra là do ý ưa thích của nhà ảo thuật vậy.

Đối với người nữ như huyễn, khởi lên ý ham muốn sắc, nhưng không thật có người nữ, người ngu si bị mê hoặc. Người có thể phân biệt các người nữ này không có hình tướng thì giải thoát bình đẳng, nhưng hiện nữ sắc thì đó là quán bình đẳng đến với nữ nhân.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát ý phân biệt bình đẳng đến với người nam?

Như khiến cho người nam tự mình phát sinh tâm ý: Ta là đàn ông, rồi phát sinh nhớ nghĩ người nữ. Tâm dục không hình sắc, không thật, không thể nắm bắt được, chẳng thấy hình tượng người nữ… chỉ do các sắc phát sinh, tưởng là người nữ.

Nếu nghĩ tưởng người nam kia, người nữ kia giống như sóng nắng, như trăng trong nước thì không có nam nữ. Hiểu rõ người nam không có hình, chỉ hư ngụy mà lập nên, đã có thể bình đẳng, thì có thể hiện ra người nữ. Như vậy là quán bình đẳng đến với người nam.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát ý phân biệt bình đẳng đến với đồng nam?

Hoặc như cây cối, giả sử không có mầm non thì không có gốc, thân. Giả sử không có gốc, thân thì không có hoa trái. Giả sử không có người nữ thì không có đồng tử. Dựa vào danh hiệu đồng tử, tưởng là vô tri. Biết người nữ không sinh thì không có con. Hiểu rõ tất cả đều không thì đó là quán bình đẳng đến với đồng nam.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát ý phân biệt bình đẳng đến với đồng nữ?

Như cây bị nhổ gốc rễ, hoàn toàn không thể sống được nữa. Người có trí tuệ sáng suốt thì không tìm cầu nơi quả, thông suốt tính chất sâu xa, hiểu thấu tất cả thì mạnh mẽ không nghĩ tưởng, làm khô cạn các dòng, đó là đồng nữ. Hiểu rõ người nữ hiện ra bình đẳng như vậy thì đó là quán bình đẳng đến với đồng nữ.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát ý phân biệt bình đẳng đến với Chư Thiên?

Chư Thiên trang nghiêm thanh tịnh, công đức tự nhiên, ý trong sạch tinh khiết. Cung điện trang hoàng đẹp đẽ, kỳ diệu, không có người tạo lập. Cây tâm hoa đẹp cũng không có người trồng, phước đức tự nhiên giống như huyễn hóa, tuổi thọ không thể nghĩ bàn.

Trong sạch sáng ngời như lưu ly, hoàn toàn vắng lặng. Biet rõ Chư Thiên hư dối, thành lập không rõ ràng. Nói một cách đúng đắn là hình ảnh của Chư Thiên hiện ra bình đẳng. Đó là Bồ Tát bình đẳng đến với Chư Thiên.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát ý phân biệt bình đẳng đến với các rồng?

Thấy mà không cầu sinh khởi, nổi mây bảy ngày, mưa thấm nhuần khắp tất cả không kể trong ngoài, cùng khắp tất cả Diêm Phù Lợi rồi lần lần chảy về biển lớn. Nguyên do của sự đầy nước là như thế. Chúng sinh học như vậy, biết bao nhiêu là duyên hiện ra vô số tội phước. Chúng sinh tự nhiên không thật có. Kẻ ngu mê tăm tối cho hư là thật, quán rồng bình đẳng. Đó là Bồ Tát bình đẳng đến với rồng.

Lại bảo Bo tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát ý phân biệt bình đẳng đến với quỷ thần?

Tâm như cửa mở và sắc có hình tượng, thân họ cao lớn, tâm cùng một loại, tâm không có sự sợ hãi, nhân gặp thì có sự sợ hãi. Thấy pháp không có thật, các tưởng không thể nghĩ bàn, không thật, là trống rỗng. Nói bình đẳng, vắng lặng nhưng hiện hình tượng quỷ thần. Đó là Bồ Tát bình đẳng đến với quỷ thần.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát ý phân biệt bình đẳng đến với Kiền Đạp Hòa?

Pháp đó không đi qua nhưng tiếng nói đi qua, hiểu rõ không qua lại… nói là Kiền Đạp Hòa. Đó là Bồ Tát bình đẳng với Kiền Đạp Hòa.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát ý phân biệt bình đẳng đến với A Tu Luân?

Chẳng do sự nhân, tâm A Tu Luân không khởi, không diệt, không sinh, mà hiện bình đẳng. Đó là Bồ Tát quán bình đẳng đến với A Tu Luân.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát ý phân biệt bình đẳng đến với Ca Lâu La?

Tạo tác, thọ nhận, không thọ nhận, lập ra từ ngữ danh hiệu. Nếu không có danh sắc quán Ca Lâu La, đó là Bồ Tát bình đẳng đến với Ca Lâu La.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát ý phân biệt bình đẳng đến với Chân Đà La?

Điều không làm mà làm thì lập nên Chân Đà La. Phân biệt không có đối tượng sinh ra, bình đẳng đối với Chân Đà La thì đó là Bồ Tát quán bình đẳng đến với Chân Đà La.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát ý phân biệt bình đẳng đến với Ma Hưu Lặc?

Tên của pháp ấy lập nên biết bao nhiêu nhân và pháp. Không có hình tướng vì hư dối phân biệt. Các tưởng, không tưởng, âm thanh của lời nói tự nhiên bình đẳng hiện Ma Hưu Lặc. Đó là Bồ Tát quán bình đẳng đến với Ma Hưu Lặc.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát ý phân biệt bình đẳng đến với địa ngục?

Địa Ngục không có chủ, rong không, không có người tạo. Từ nơi tưởng của mình, tưởng không khởi lên sự nắm bắt thì địa ngục thanh tịnh, tươi đẹp, thanh khiết, không nhơ. Người trí biết như huyễn, vốn không thật có, không tướng. Không tướng, không thật có, riêng biệt như hư không, bình đẳng, vắng lặng nhưng mà hiện ra địa ngục. Đó là Bồ Tát quán bình đẳng đến với địa ngục.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát ý phân biệt bình đẳng đến với ngạ quỷ?

Ngạ quy không có hình tướng, cũng không có tên gọi, vốn không có nơi chốn, từ nhân keo kiệt đưa đến keo kiệt, vốn không có chỗ trụ, chẳng biết là không thật có, chấp có ngã, nhân. Biết tất cả vốn không, hiểu rõ là không có ngạ quỷ. Như vậy là Bồ Tát bình đẳng đến với ngạ quỷ.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát ý phân biệt bình đẳng đến với súc sanh?

Như hình tượng mây mù hiện ra vô số hình sắc, hình sắc đó không có dáng mạo, đều không thật có. Tâm nghĩ ngợi rỗng không, các thứ màu sắc, hình tượng đồng như mây mù. Súc sanh tội phước tâm tánh như huyễn. Do mê hoặc, hư vọng mà nói hình tướng súc sanh. Giống như nói là vắng lặng, thanh tịnh, đó là Bồ Tát bình đẳng đến với súc sanh.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát ý phân biệt bình đẳng đến với tham dâm?

Dục từ tưởng khởi lên. Đối tượng của tưởng không có, không thật, không hình tượng, không dáng mạo, không trụ xứ, nơi chốn không thể nắm bắt. Tham dâm như hư không, chỉ do ngu si điên đảo, tư tưởng nhơ nhớp. Pháp vốn không có cấu uế, dục trống rỗng như hư không, đến mười phương tìm chẳng thấy.

Tham dâm vốn khong có hình tướng, người ngu si tăm tối tham lam sợ sệt, chẳng được an ổn, không có tai nạn nhưng ôm lòng lo sợ. Ví như người đàn ông không có ai bắt mà sợ hãi bỏ chạy. Thấy được sự rỗng không, thì tất cả đều không. Do người kia không giải thoát, ngu si điên đảo, tạo tưởng trái ngược. Người tối tăm nên không hiểu pháp như hư không.

Chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại hiểu các tham dục. Tham dục không thoát khỏi, tưởng về ái cũng rỗng khong. Người chê bai tham dâm thì cầu thoát dục, điều này không có gốc, gốc tự nhiên tịnh.

Thấy Đạo Tràng của Phật, bình đẳng không tưởng. Người thấy mọi người như nhau thì ưa lìa dục, thấy các tưởng hư ngụy mới lìa các tưởng, khởi niệm như vậy cầu thoát tham dâm, nghĩa là sẽ vượt qua dục, tưởng không còn sự tìm cầu, không phá hoại ngọn nguồn, không nghĩ đến tham dục.

Tham dục vốn thanh tịnh như vậy, thì chẳng phải tưởng giải thoát. Nếu vượt qua khỏi dục thì gọi là tịnh. Tham dục rỗng không, không có. So ra cả hai không khác, nhưng người ngu si tối tăm cho là hai tướng. Hành giả quán sâu xa như huyễn thì nó không còn hiện hữu.

Tuy phát ra các tưởng niệm mà tham dục không khởi, thì tên giả ái dục không làm nhiễm trước. Các tên gọi không làm trở ngại, biết dục không nắm bắt được, thấy chân thật rốt ráo, rỗng không thì không ôm ấp tham dục. Không còn tham dục, cũng không biết giải thoát tham dục.

Phật Pháp giống như Niết Bàn, giải trừ ấm tham dục thì lìa ngã và ngã sở. Hiểu rõ tham dục thì tịch tĩnh, noi theo sự tịch tĩnh, thấy ấm dục bình đẳng, như huyễn hóa.

Đó là Bồ Tát bình đẳng đến với tham dâm.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát ý phân biệt bình đẳng đến với sân giận?

Giận là đối tượng mà khởi lên, do duyên mà sinh đối tượng, không có ngã và tên gọi ngã, tạo nên vô lượng việc, như cây cối sinh trưởng. Sự kết hận thì có nguy hại, tiếng tự nhiên, rỗng không, không tưởng, không có. Như cây ở chỗ trống vắng cọ nhau phát lửa, nhân duyên tan thì lửa diệt, chẳng còn.

Hư không tạo nên thân hình, tiếng nai cung như vậy. Do dục cân bằng thì không khởi sân giận, chẳng từ tiếng khởi lên, không ở trong thân, cũng không từ bên ngoài đến, bởi do nhân rỗng không, từ duyên khác khởi lên, nhân đối diện mà lập nên, mỗi mỗi đều phân biệt thì không có sân giận, như gió gieo họa. Có oán hận là có khinh thường, nếu biết phương tiện do tưởng lập duyên thì tiếng nhơ xấu cũng như vậy.

Sự sân giận do sự rỗng không phát sinh và sự sân giận đó trở lại thiêu đốt mình và nguy hại đến thân. Nếu phân biệt tưởng sân giận thì hoàn toàn không có hình tượng, bình đẳng quán sát âm thanh, lắng nghe âm thanh sân giận. Cội gốc của giận như nhau, không gốc rễ, không nắm giữ. Phân biệt pháp giới thì thấy bình đẳng. Đó là Bồ Tát bình đẳng đến với sân giận.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát ý phân biệt bình đẳng đến với ngu si?

Ngu là từ không mà khởi lên. Quán sát si không có. Giả sử không thật có, không điên cuồng, không ngu tối, người không bị che lấp thì nguyện không trở ngại. Tìm cầu phương hướng và hình dáng của hư không thì tạo nên sự ngu si, khó đạt được hạnh cao quý, không rõ các pháp vì tưởng làm cho dơ bẩn.

Ví như người đàn ông muốn vượt hư không, ức kiếp cũng không thể được. Muốn biết gốc ngọn của hư không, người ngu cũng như vậy. Chân như không có sự ngu si. Sự tối tăm chẳng sinh nhơ bẩn, không có sự tràn đầy. Như vượt hư không, không biết phương hướng và hình dạng cũng không đầy đủ, không thể vượt qua.

Như trăm ngàn kiếp, chứa nhóm ưa thích che lấp, tối tăm, người kia cũng không nhàm chán, không cho là đủ. Giống như đồng tử thổi hơi đầy bong bóng, rồi mở miệng quan sát nhưng không thấy gì hết.

Tội phước như bong bóng, rỗng không. Nếu làm theo người ngu tìm cầu, chẳng thể được. Bám víu dục thì ngu si không cùng, đoạn trừ nguồn gốc thì không có hình tướng, không có nguồn gốc thì không chỗ trụ, cho nên không thể cùng tận. Giả sử ngu si có chấm dứt thì điều này cũng không thể nắm bắt.

Giống như chúng sinh như huyễn thì chẳng thể hết. Giả sử lập ví dụ một ngày độ tất cả các loài chúng sinh trong ba cõi, làm cho đều đắc Niết Bàn, tuổi thọ của Phật trụ ở đời ức kiếp khó tính, cứu thoát phàm phu không thể hết. Do ngu si lập nên một cõi người vô tưởng, ngu tối như huyễn, chẳng thể nắm bắt.

Phật cùng với ngu đồng nhau, quán việc này không hai. Giả sử người nào có thể quán bình đẳng thì có thể nghĩ đến đạo. Ngu si và trí tuệ đồng nhau, không có các sự ngăn ngại. Chúng sinh quần manh đồng nhau, không thể nghĩ bàn. Người ngu si chẳng thể suy tính biết được dấu vết của ý.

Tâm người đó rỗng không, niệm, không giới hạn, ngu tối không bến bờ, do đó không thể đắc, thì tâm tánh vô minh từ đâu khởi lên?

Si đã không khởi lên thì loài nào tối tăm?

Như ngu si không nơi chốn thì Phật đạo cũng như thế. Hiểu rõ không biên giới, các pháp không hai. Phân biệt âm thanh bình đẳng, quán sát âm vang mù mịt. Hiểu rõ rỗng không, đồng như nhau. Ngu tối như mây, phân biệt bình đẳng thì hiểu rõ định ý.

Đó là Bồ Tát bình đẳng đến với ngu si.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát ý phân biệt bình đẳng đến với bất thiện?

Dục vận hành không hình tướng, sân vận hành không nơi chốn, chẳng làm theo ngu si. Biết mọi bình đẳng, các ô uế đều bình đẳng. Hiểu được hư không không thật có, hoàn toàn thanh tịnh. Như vậy là Bồ Tát ý phân biệt bình đẳng đến với bất thiện.

***