Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Phổ Môn Phẩm

PHẬT THUYẾT

KINH PHỔ MÔN PHẨM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẦN SÁU
 

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát ý phân biệt bình đẳng đến với các gốc thiện đức?

Chúng sinh tu thiện với biết bao nhiêu sự vận hành của tâm. Các hành như nhau, thường rõ biết bình đẳng. Rõ biết bình đẳng các hành như huyễn, biết âm thanh như nhau thì hiểu rõ lời nói. Đó là Bồ Tát bình đẳng đến với các đức.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát ý phân biệt bình đẳng đến với hữu vi?

Có, không có, suy xét không thể lường, khó tính toán, thường rõ biết bình đẳng là số vô cùng, không vận hành, không hình tướng, giải thoát, đồng vắng lặng, thấy tất cả đều an ổn. Đó là Bồ Tát bình đẳng đến với hữu vi.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát ý phân biệt bình đẳng đến với vô vi?

Pháp vốn thanh tịnh, vắng lặng, cũng không hợp hội, tiếng giả dối, không rõ ràng. Quán sát bình đẳng thì âm thanh không ngôn, không giáo, hoàn toàn vô vi. Các sự đắm trước lời nói, âm thanh cũng đều quán như thế. Đó là Bồ Tát bình đẳng đến với vô vi.

Lại bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Bồ Tát ý phân biệt bình đẳng đến với bình đẳng?

Không ở hữu vi, không trụ vô vi. Các hành bình đẳng như không, không ngăn ngại.

Ba Cõi không gốc rễ, vì sao cầu Niết Bàn?

Không xuất, không nhập, cho đến hoàn toàn không an ổn, độ thoát chúng sinh không biết là bao nhiêu. Pháp thân như hư không, không hợp, không tán. Đó là Bồ Tát bình đẳng đến với bình đẳng.

Đức Thế Tôn nói kệ tụng chương cú này, người làm theo như thế thật chẳng thể nghĩ bàn. Chín vạn chín ngàn Bồ Tát đắc pháp nhẫn vô sinh. Bảy mươi hai ức trăm ngàn trời người đều phát tâm đối với đạo vô thượng chánh chân. Ba trăm sáu mươi vạn Tỳ Kheo đạt được lậu tận.

Sáu ngàn Tỳ Kheo Ni đều phát tâm đối với quả vị vô thượng chánh chân. Hai ngàn hai trăm thiện nam, một ngàn tám trăm thiện nữ đều phát tâm đối với quả vị vô thượng chánh chân.

Bấy giờ, Bồ Tát Phổ Thủ bạch Phật: Cúi xin Đại Thánh diễn thuyết danh hiệu tam muội. Bồ Tát do đây đạt đến chí đức, các căn sáng suốt, nghe nguyên nhân danh hiệu tam muội này thì sẽ đạt được tất cả pháp, rõ ràng, không gì là không thông đạt, rồi hàng phục tất cả mê hoặc tà kiến. Ưa thích một văn tự, phân biệt rõ tất cả các loại văn tự.

Dùng tất cả các loại văn tự để hiểu rõ một loại văn tự, trí tuệ biện tài chẳng thể đo lường. Vì các quần sinh giảng thuyết Kinh pháp, phân biệt hiểu rõ, duyên đúng với pháp nhẫn. Đem tất cả hành nhập vào một tướng, đạt được luận nghị vô lượng vô hạn, hiểu rõ nghĩa bốn biện tài phân biệt.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ! Ta sẽ phân biệt rõ ràng cho ông.

Bồ Tát Phổ Thủ đáp: Thật lành thay! Chúng con mong muốn được nghe!

Đức Phật dạy: Có tam muội tên Ly vô lượng cấu. Giả sử Bồ Tát đạt được định này thì thấy khắp tất cả sắc đều thanh tịnh.

Phật bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Có tam muội tên Hoài nhược cang, giả sử Bồ Tát đạt được định này thì trí tuệ sáng suốt, che lấp tất cả ánh sáng của mặt trời, mặt trăng.

Có tam muội tên Thành cụ quang minh, giả sử Bồ Tát đạt được định này thì oai quang rực rỡ, che lấp tất cả Phạm Vương, Đế Thích. Ba cõi tối tăm đều được an ổn, ánh sáng rực rỡ của Chư Thiên bỗng nhiên biến mất.

Có tam muội tên Xả giới, giả sử Bồ Tát đạt được định này thì ở giữa chúng hội trừ sạch các bệnh tham, sân, si.

Có tam muội tên Mạc năng đương, giả sử Bồ Tát đạt được định này thì chiếu sáng tất cả Quốc Độ của Chư Phật ở tám phương và phương trên phương dưới.

Có tam muội tên Chư pháp vô sở sinh, giả sử Bồ Tát đạt được định này thì nắm rõ tất cả các lời dạy trong Kinh Điển, vì chúng hội phân biệt giảng nói.

Có tam muội tên Niệm lôi âm, giả sử Bồ Tát đạt được định này thì lời nói âm thanh thông suốt đến Phạm Thiên.

Có tam muội tên Hiểu liễu nhứt thiết ứng tâm sở nhạo, giả sử Bồ Tát đạt được định này thì có thể làm cho tất cả chúng sinh vui vẻ và tùy theo sự ưa thích của họ mà làm cho được giải thoát.

Có tam muội tên Vô hội hiện duyệt tinh tấn, giả sử Bồ Tát đạt được định này thì thấy vô vi không có giới hạn, thấy các lậu hoặc đã nghe và đã thấy trước sau đều được thông suốt.

Có tam muội tên Vô niệm bảo đức nhạo ư Thế Giới, giả sử Bồ Tát đạt được định này thì phóng các thần túc, giáo hóa chúng sinh.

Có tam muội tên Chư âm duyên hội, giả sử Bồ Tát đạt được định này thì hiểu các âm thanh lời nói, dùng vô số văn tự hiểu rõ một văn tự, dùng một văn tự hiểu rõ vô số văn tự.

Có tam muội tên Tích chúng thiện đức, giả sử Bồ Tát đạt được định này thì phân biệt tội phước, làm sáng tỏ bình đẳng, có thể làm cho tất cả chúng sinh được nhiều sự vui vẻ. Liền nghe âm thanh Phật, âm thanh Pháp, âm thanh Tăng, âm thanh Thanh Văn, âm thanh Duyên Giác, âm thanh Bồ Tát, âm thanh Độ vô cực. Vị đó có nói ra điều gì cũng không có âm thanh.

Có tam muội tên Khởi chư tổng trì vị nhất thiết vương, giả sử Bồ Tát đạt được định này thì phân biệt được tất cả vô lượng tổng trì.

Có tam muội tên Tịnh chư biện tài, giả sử Bồ Tát đạt được định này thì trừ sạch tất cả lời nói âm thanh, không còn ngôn giáo, cũng không âm vang, không ngôn, không giáo, cũng không thật có.

Khi ấy, Bồ Tát Phổ Thủ bạch Thế Tôn: Bạch Đại Thánh! Đối với thân thô lậu này thì có nên giảng dạy công đức của Kinh Điển không?

Phật bảo: Nên giảng dạy.

Bồ Tát Phổ Thủ bạch Phật: Giả sử Bồ Tát nghe Kinh Điển này nhưng không hồ nghi, phát tâm thọ trì và đọc tụng, thì người đó hiện tại được biện tài vi diệu, biện luận thông minh, biện luận vui vẻ, biện luận sâu xa vi diệu, biện luận không hội họp, thường tu tập giúp các chúng sinh, không phá hoại làm tổn thương tâm ý.

Vì sao?

Giả sử lo nghĩ đến những việc đã làm, thực hành theo chân lý, thì biết chắc rằng theo thân chưa từng xả bỏ.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn khen Bồ Tát Phổ Thủ: Lành thay, lành thay! Ông nói lời đó thật là đúng ý. Giống như bố thí đưa đến giàu có lớn, chẳng hư dối. Trì giới được sinh Thiên, cũng không hư dối. Nay Kinh Điển này cũng như thế, học tập đưa đến biện tài cũng không hư dối, đều được ý chí căn bản.

Giống như Mặt Trời mọc thì chiếu sáng khắp thiên hạ, trừ hết các tối tăm, Kinh này cũng như thế, người đọc tụng học tập đưa đến biện tài thông suốt tất cả. Giống như Bồ Tát ngồi nơi Đạo Tràng, dưới gốc cây Bồ Đề, đạt được đạo quả vô thượng chánh chân, thành Tối chánh giác, Bồ Tát cũng như thế. Người học tập, đọc tụng Kinh này chắc chắn được biện tài, trừ hết các sự nghi ngờ.

Thế nên, này Bồ Tát Phổ Thủ! Giả sử Bồ Tát hiện tại muốn nêu lên biện tài, hiểu rõ, chọn lựa các pháp thì nghe Kinh Điển này tâm chẳng còn do dự, nên thọ trì, đọc tụng, giảng thuyết, vì các chúng hội giảng thuyết rộng rãi ý nghĩa Kinh này.

Bấy giờ, Bồ Tát Ly Cấu Tạng ở trước Phật, bạch rằng: Kính bạch Thế Tôn! Sau khi Phật diệt độ, có người nào thọ trì, đọc tụng, giảng thuyết Kinh Pháp này, nên vì chúng hội mở bày giảng thuyết nghĩa lý, gần gũi nhưng kẻ thô lậu nên vì họ giảng giải rõ sự quay về, khiến họ không còn hồ nghi và mau được biện tài?

Ngay khi ấy, các ma buồn rầu rơi lệ, đi đến chỗ Phật, bạch: Cúi xin Thế Tôn đừng kiến lập Kinh Điển này. Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác thường nuôi dưỡng lòng thương xót rộng lớn, có người nào bị khổ sở, hoạn nạn thì ban cho sự an vui lớn.

Lành thay, Đại Thánh! Cúi xin Đại Thánh giải trừ lo lắng cho con! Như xưa kia Thế Tôn ban đầu ngồi dưới gốc cây nơi Đạo Tràng, nay thuyết lại Kinh Điển này, con trong lòng buồn rầu áo não. Như Lai khi mới chứng đắc Phật đạo đã cứu giúp con, con lại phản nghịch, nhưng không thể thắng.

Tất cả đều sẽ đắc quả vị không thoái, đạt được đạo quả vô thượng chánh chân, thành Tối Chánh Giác. Những hạng phàm phu nghe Kinh này, nghe âm thanh, danh hiệu đều nhiếp phục và sẽ đắc đạo, đưa đến diệt độ, làm trống không cảnh giới của con, trống không cung điện ma. Đại Thánh vỗ về, nuôi dưỡng, an ủi, kiến lập đại bi, cúi xin xót thương cứu giúp con.

Đức Phật bảo ma: Này Ba Tuần! Chớ khủng khiếp, chớ ôm ấp lo buồn, sợ hãi. Tất cả chúng sinh chẳng diệt độ hết. Như Lai cũng không kiến lập Kinh này.

Ma nghe Phật dạy, vui mừng hớn hở, tâm thiện phát sinh, bỗng nhiên biến mất.

Bồ Tát Phổ Thủ bạch Phật: Vì lẽ gì Như Lai vì ma giảng thuyết đoạn giáo?

Phật bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Kinh Điển này trụ ở nơi không chỗ trụ, cho nên vì ma thuyết lời này. Ta chẳng kiến lập Kinh Điển này, thành thật không hư dối. Tất cả các pháp trụ ở nơi không chỗ trụ, chẳng thể đạt được, không có ngôn từ, lìa hai việc, gốc ngọn bình đẳng.

Xét kỹ không có gốc. Pháp giới như cái cân, bình đẳng như hư không. Không có, không không, chân chánh không khác. Nay Kinh lưu bố ở Diêm Phù Đề này, thiên hạ ở đây sẽ có điềm lành ứng hiện.

Thế Tôn vừa kiến lập giáo pháp chân thật, tự nhiên nghe âm thanh khắp giữa hư không: Đúng như lời Phật dạy! Chân thật không hư dối!

Đức Phật bảo A Nan: Hãy lãnh thọ yếu chỉ của Kinh Phổ Môn Phẩm này, thọ trì, đọc tụng, tuyên thuyết, chỉ dạy và cùng học tập.

Lại bảo A Nan: Kho tàng Kinh Điển gồm có tám vạn bốn ngàn pháp phẩm, so với Kinh Điển này đồng nhau không khác.

Vì sao?

Vì vô lượng pháp môn yếu chỉ của pháp giới, Như Lai phân biệt hiểu rõ. Chúng sinh hiểu Kinh Điển đó mà thành đạo, rồi sau đó giảng thuyết kho tàng Kinh Điển tám vạn bốn ngàn pháp phẩm.

Thế nên, này A Nan! Nên thọ trì Kinh này, đừng để cho dứt mất. Phải cẩn thận giữ gìn cho kỹ, vì mọi người mà thọ trì đọc tụng, giảng thuyết.

Đức Phật dạy lời này xong, Bồ Tát Ly Cấu Tạng, Bồ Tát Phổ Thủ, Hiền Giả A Nan, Chư Thiên, Kiền Đạp Hòa, A Tu Luân, nghe Kinh này hoan hỷ cúi đầu đảnh lễ lui ra.

Biệt bản.

***