Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã
PHẬT THUYẾT
KINH PHÓNG QUANG BÁT NHÃ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Vô La Xoa, Đời Tây Tấn
PHẨM BẢY MƯƠI CHÍN
PHẨM SIÊU VIỆT PHÁP TƯỚNG
Lúc bấy giờ, Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Thế nào là siêu việt các pháp tướng?
Phật bảo Tu Bồ Đề: Ví như người do biến hóa thì không có dâm dật, phẫn nộ, si mê, cũng không hiện hành năm ấm, không có việc nội ngoại, không có chỗ chướng ngại, không có việc đạo, việc tục, hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi, không có đạo và quả báo. Đó là siêu việt các pháp tướng.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Người biến hóa làm sao có tu đạo?
Phật dạy: Tu đạo không đoạn cũng không thường, không rơi vào cảnh giới.
Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào?
Người do Như Lai biến hóa có hình tướng, có đến đi, có đoạn, thường không?
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Người đó không có đến đi cũng không có thường đoạn, cũng không thuộc vào năm cảnh giới.
Phật dạy: Tu Bồ Đề! Đó là siêu việt các pháp tướng.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Năm ấm đều như huyễn phải không?
Phật dạy: Đúng vậy!
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Nếu các pháp như huyễn hóa, người biến hóa không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không thường, không đoạn, cũng không ra khỏi năm cảnh giới thì Đại Bồ Tát có những gì đặc biệt?
Phật dạy: Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào?
Khi ta còn là Bồ Tát có thấy chúng sinh được giải thoát khỏi năm cảnh giới không?
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Không thấy.
Phật dạy: Trong Ba Cõi còn không thấy có chúng sinh được độ thoát huống là trong năm cảnh giới.
Vì sao?
Vì Bồ Tát quán biết các pháp như huyễn, như hóa.
Tu Bồ Đề thưa: Nếu Bồ Tát quán biết các pháp như huyễn hóa thì do đâu mà thực hành sáu pháp Ba la mật, bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn không định, ba mươi bảy phẩm trợ đạo làm thanh tịnh Cõi Phật, giáo hóa chúng sinh.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Nếu chúng sinh tự biết các pháp như huyễn, như hóa thì Bồ Tát sẽ không chịu khổ trong vô số kiếp thực hành Bồ Tát đạo.
Này Tu Bồ Đề! Vì chúng sinh không thể tự biết các pháp như huyễn, như hóa nên Bồ Tát phải chịu khổ thực hành sáu pháp Ba la mật, làm thanh tịnh Cõi Phật giáo hóa chúng sinh.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Giả sử các pháp như mộng, như huyễn, như hóa, như tiếng vang, như sóng nắng thì làm sao có chúng sinh để Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật mà cứu vớt.
Phật dạy: Chúng sinh chỉ là danh tự và số lượng kết hợp với nhau, đắm trước vào chỗ không có đầu mối. Vì thế Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật ở trong tướng danh tự mà cứu vớt họ.
Tu Bồ Đề thưa: Thế nào là tướng danh tự?
Phật bảo Tu Bồ Đề: Danh tự là không chân thật, giả gọi là danh, là năm ấm, là người, là nam, là nữ, là năm cảnh giới, là pháp hữu vi, vô vi là Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật, Chánh Đẳng Giác.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Pháp và đạo do ngã, ngã sở tạo ra chỉ là danh tự, pháp số mà thôi. Người phàm phu ngu muội chấp trước pháp hữu vi. Vì thế Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật dùng phương tiện quyền xảo, giáo hóa chúng sinh.
Danh tự này chỉ do tướng mà có. Vì có tướng nên sinh vào bào thai của người mẹ. Vật sở hữu không có đầu mối, vật sở hữu là không có. Người trí không chấp trước vào chỗ rỗng không.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Vì vậy, Đại Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật, dùng phương tiện quyền xảo, giáo hóa chúng sinh.
Này Tu Bồ Đề! Thế nào là tướng?
Người phàm phu ngu muội chấp trước vào hai tướng: Một là hình tướng. Hai là không hình tướng.
Thế nào là hình tướng?
Đó là hình đẹp, hình xấu, hình vi tế, tất cả đều suy tàn biến đổi, trong đó có phát sinh tướng, đó gọi là hình tướng.
Thế nào là không hình tướng?
Ở trong các pháp không hình tướng phát sinh ra phiền não, đó gọi là không hình tướng.
Bồ Tát học bát nhã Ba la mật, dùng phương tiện quyền xảo, từ chỗ không hình tướng giáo hóa chúng sinh, đưa họ vào chỗ vô tướng, không chấp trước vào hai tướng là tướng và vô tướng.
Này Tu Bồ Đề! Đó là Đại Bồ Tát ở trong tướng giáo hóa chúng sinh, đưa họ vào vô tướng.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Giả sử các pháp chỉ có danh tướng thì làm sao Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật, phân biệt các thiện pháp mà lại khuyên dạy người phân biệt các thiện pháp?
Do đầy đủ thiện pháp nên hướng dẫn chúng sinh vào ba thừa.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Ví như Bồ Tát niệm danh năm ấm, tướng năm ấm, vì không thực hành bát nhã Ba la mật nên không thể phân biệt các thiện pháp, cũng không thể làm cho người khác phân biệt được.
Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật dùng vô tướng thực hành năm pháp Ba la mật, do vô tướng, đầy đủ bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn không định, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, nội ngoại không, hữu vô không, tám giải thoát, chín thứ đệ thiền, mười lực của Phật, mười tám pháp Bất cộng. Vì vô tướng nên Bồ Tát tự mình đầy đủ các thiện pháp và giáo hóa người khác đầy đủ các thiện pháp.
Tu Bồ Đề! Nếu có một chút tướng các pháp thì Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật sẽ không đạt đến không, vô tướng, vô nguyện. Không thể giáo hóa chúng sinh theo ý nguyện của họ và làm cho họ được pháp lậu tận không, vô tướng, vô nguyện. Thực hành bát nhã Ba la mật làm lợi ích cho tất cả chúng sinh như vậy.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Giả sử các pháp là không, vô tướng, vô nguyện.
Đại Bồ Tát dùng vô tướng, vô nguyện thì làm gì có pháp mà nói là hữu lậu, vô lậu, có sở hữu, không có sở hữu, có pháp Thanh Văn, pháp Bích Chi Phật, pháp Bồ Tát, pháp Phật?
Phật bảo Tu Bồ Đề: Ý ông thế nào?
Pháp vô tướng với pháp Thanh Văn, pháp Bích Chi Phật, pháp Bồ Tát, pháp Phật có khác nhau không?
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Không khác.
Phật dạy: Pháp Thanh Văn, Bích Chi Phật, pháp Bồ Tát, pháp Phật không phải là vô tướng hay sao?
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Đó là pháp vô tướng.
Phật dạy: Vì vậy, nên biết các pháp đều vô tướng. Bồ Tát học các pháp vô tướng này thì tăng trưởng công đức căn lành sáu pháp Ba la mật, bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn không định, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, mười tám pháp bất cộng.
Vì sao?
Vì Bồ Tát không học những pháp khác, chỉ học pháp không, vô tướng, vô nguyện. Vì các thiện pháp đều thuộc vào ba môn giải thoát. Ba môn giải thoát tự tánh là không. Bồ Tát học không, vô tướng, vô nguyện là học năm ấm, mười hai xứ, mười tám giới, bốn đế, bốn duyên khởi, nội ngoại không, hữu vô không, sáu pháp Ba la mật, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, mười lực của Phật, bốn vô sở úy, bốn vô ngại tuệ, mười tám pháp bất cộng.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật học năm ấm như thế nào?
Phật dạy: Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật biết tướng của sắc, sinh diệt của sắc, như của sắc.
Thế nào là biết tướng của sắc?
Sắc không bền chắc như bọt nước.
Thế nào là biết sinh diệt của sắc?
Sắc không đến cũng không đi, không trở lại.
Tu Bồ Đề! Đó là biết sinh diệt của sắc.
Thế nào là biết Như của sắc?
Như không sinh cũng không diệt, không đến cũng không đi, không đoạn cũng không thường, không tăng cũng không giảm, biết như vậy là biết như của sắc. Nó cũng không biến đổi nên gọi là Như của sắc.
Thế nào là biết sinh diệt của thọ, như của thọ?
Đó là biết thọ như bong bóng nước.
Thế nào là biết Như của tưởng?
Đó là biết tưởng như sóng nắng, đến nơi thì không phải là nước, nó không đến cũng không đi.
Thế nào là biết Như của hành?
Ví như thân vây chuối, bóc ra từng bẹ, không có lõi cứng.
Thế nào là biết sinh diệt của hành?
Hành không có đến đi. Biết hành như vậy thì biết như của hành.
Thế nào là quán thức?
Ví như nhà ảo thuật ra bốn binh chủng, không đến cũng không đi. Quán thức cũng như vậy.
Thế nào là quán như của thức?
Quán như cũng như thức, là biết về như của thức.
Thế nào là quán biết tánh của nhãn căn?
Đó là quán sở hữu của nhãn là không, nhãn sắc là không, nhãn thức là không, cho đến sở hữu của thức là không.
Thế nào là quán biết mười hai xứ?
Đó là biết Như của nội ngoại pháp, biết sở hữu của nội ngoại pháp là không.
Thế nào là quán biết khổ đế?
Đó là biết khổ và sự thật của khổ, biết có ngã, vô ngã, biết sự thật về tập đế rỗng không.
Thế nào là biết như của bốn đế?
Biết như của bốn đế cũng như biết bốn đế. Đó là biết như của bốn đế.
Thế nào là quán biết như của mười hai duyên khởi?
Mười hai duyên khởi không có chỗ sinh. Vì vậy biết như của mười hai duyên khởi.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Giả sử Bồ Tát học và hành bát nhã Ba la mật, phân biệt rõ từng phần biết các pháp như vậy thì không phân biệt pháp tánh sắc thân?
Phật bảo: Nếu có pháp nào khác lìa pháp tánh thì pháp tánh sắc thân này sẽ bị phân biệt.
Vì sao?
Này Tu Bồ Đề, Như Lai và đệ tử Như Lai không thấy có pháp nào lìa pháp tánh và không thấy có pháp nào không lìa pháp tánh. Tuy không thấy, không chấp như vậy nhưng pháp không có hai, không lìa pháp tánh.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật nên học pháp tánh này.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bồ Tát học pháp tánh là không có chỗ nào học?
Phật bảo Tu Bồ Đề: Bồ Tát học pháp tánh là học tất cả các pháp.
Vì sao?
Vì tất cả các pháp đều pháp tánh.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Các pháp đều là pháp tánh, các pháp hữu vi đều là pháp tánh.
Phật dạy: Tu Bồ Đề! Vì vậy Bồ Tát học bát nhã Ba la mật là học pháp tánh.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Nếu các pháp đều là pháp tánh thì do đâu Bồ Tát hành sáu pháp Ba la mật, bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn không định, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, ba môn giải thoát, tám giải thoát, chín thứ đệ thiền, mười lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng, sáu Thần Thông, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp.
Sinh trong bốn dòng họ, sinh lên Cõi Trời Tứ Thiên, từ Cõi Trời Tứ Thiên cho đến Cõi Trời Ba Mươi Ba, từ lúc mới phát tâm đến mười địa, học ba thừa, làm thanh tịnh Cõi Phật, giáo hóa chúng sinh, học các môn Đà La Ni, học biện tài, học Bồ Tát đạo, học các pháp Như, biết tất cả các pháp.
Bạch Thế Tôn! Trong pháp tánh ấy không có một chút phân biệt, nên không có Bồ Tát nào làm những việc điên đảo.
Vì sao?
Vì pháp tánh không phải là năm ấm, cũng không lìa năm ấm. Pháp tánh tức là năm ấm, năm ấm tức là pháp tánh.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Đúng vậy! Đúng như lời ông nói, pháp tánh tức là năm ấm, năm ấm tức là pháp tánh. Tu Bồ Đề, Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, nếu thấy pháp xa lìa pháp tánh thì sẽ không phát tâm vô thượng Bồ Đề.
Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật biết tánh các pháp là đạo. Vì thế, Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật biết các pháp tức là pháp tánh. Pháp không có danh tự nhưng Bồ Tát dùng danh tự để chỉ dạy từ năm ấm đến đạo đều dùng danh hiệu, pháp số mà giảng nói.
Này Tu Bồ Đề! Ví như nhà ảo thuật dùng một tấm gương hóa hiện ra vô số hình tượng hoặc là người nam, người nữ, hoặc là voi, ngựa, hoặc là biệt thự, ao tắm, trong đó bày biện các thứ tòa ngồi, nệm thảm, mền gối, màn che, trướng phủ… có hương hoa, kỹ nhạc, các thứ ăn uống, ca nhạc để giúp vui mọi người.
Nhà ảo thuật lại hóa hiện sáu pháp Ba la mật, bốn dòng họ lớn, núi Tu Di, Cõi Trời ba mươi ba, hóa hiện các Thanh Văn, Bích Chi Phật, Bồ Tát mới phát tâm, thực hành sáu pháp Ba la mật.
Lại hiện Bồ Tát Thập trụ, nhất sinh bổ xứ, Bồ Tát an trụ năm thần thông, làm thanh tịnh Cõi Phật, giáo hóa chúng sinh, thực hành chánh định để tự an vui, thực hành mười lực của Phật, bốn vô sở úy, đại từ, đại bi lại hiện ra thân tướng tốt đẹp của Phật.
Lúc đó, có kẻ ngu si khen ngợi: Hay thay! Việc làm của người này thật kỳ diệu, làm cho vô số người xem được vui vẻ. Nhà ảo thuật hiện ra nhiều hình tượng, tướng tốt của Thế Tôn.
Nhưng trong đó có người trí cười lớn: Các việc nhà ảo thuật này làm ra đều không có thật. Ông ấy dùng pháp ảo thuật để làm vui lòng mọi người, làm cho họ trông thấy đều cho là có thật, không có hình tướng cho là có hình tướng.
Phật dạy: Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật, không thấy có pháp nào ngoài pháp tánh, dùng phương tiện quyền xảo thuyết pháp cho chúng sinh, không thấy chúng sinh và chỗ của chúng sinh mà tự mình thực hành sáu pháp Ba la mật và dạy người thực hành sáu pháp Ba la mật, thấy người thực hành thì vui theo. Tự mình thực hành mười điều thiện và khuyên dạy người thực hành, thấy người thực hành thì khen ngợi và vui theo.
Tự mình thực hành năm giới và khuyên người thọ trì, thấy người thọ trì khen ngợi và vui theo. Tự mình thực hành bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn không định và khuyên người thực hành, thấy người thực hành thì khen ngợi và vui theo. Tự mình thực hành ba mươi bảy phẩm trợ đạo, ba môn giải thoát, bốn vô sở úy, mười lực, mười tám pháp bất cộng và khuyên người thực hành, thấy người thực hành thì khen ngợi và vui theo.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Pháp tánh trước, sau và giữa đều không tăng, giảm. Vì vậy, Đại Bồ Tát vì chúng sinh mà chịu khổ thực hành Bồ Tát. Nếu pháp tánh trước, sau và giữa khác nhau thì Bồ Tát không dùng phương tiện quyền xảo để giảng thuyết pháp tánh, giáo hóa chúng sinh.
***