Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã

PHẬT THUYẾT

KINH PHÓNG QUANG BÁT NHÃ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Vô La Xoa, Đời Tây Tấn
 

PHẨM BẢY MƯƠI SÁU

PHẨM TƯỚNG KHÔNG CHẤP TRƯỚC
 

Lúc ấy, Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ Tát cho các pháp sở hữu đều không có sở hữu thì Bồ Tát do thấy những gì để vì chúng sinh mà phát tâm vô thượng bồ đề?

Phật bảo Tu Bồ Đề: Này Tu Bồ Đề! Vì pháp sở hữu đều không có sở hữu, nên Bồ Tát vì chúng sinh mà cầu vô thượng bồ đề.

Vì sao?

Vì những ai còn chấp trước vào nó thì khó được giải thoát, còn chấp trước thì không được đạo quả, cũng không thể đắc vô thượng bồ đề.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Người không chấp trước có được đạo quả, có thành tựu vô thượng bồ đề không?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Có đạo quả tức là có vô thượng bồ đề thì không còn chấp thủ, vì pháp tánh không còn phân biệt. Nếu muốn được không còn chấp thủ, muốn được đạo vô thượng bồ đề, thì đó là muốn hiển bày tất cả pháp tánh.

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Nếu không chấp trước vào pháp, tức là không có giác ngộ thì không có vô thượng bồ đề, vậy duyên gì lại có Bồ Tát từ trụ thứ nhất đến trụ thứ mười làm sao được vô sinh pháp nhẫn, làm sao được năm thần thông và sáu pháp Ba la mật mà thọ hưởng các pháp đức ấy, hộ trì Cõi Phật, giáo hóa chúng sinh và cúng dường Chư Phật, cho đến Niết Bàn?

Phật dạy: Do vì không chấp thủ các pháp nên dùng thực hành với năm thần thông cùng mười trụ, sáu pháp Ba la mật và công đức cúng dường Chư Phật. Do đó cho đến khi nhập Niết Bàn, sự cúng dường cũng không dứt.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không chấp thủ vào các pháp, năm thần thông và sáu pháp Ba la mật có gì sai biệt?

Phật dạy: Không có sai biệt nên nói có sai biệt.

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Thế nào là ba việc khác nhau?

Phật dạy: Lúc Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật không có vật thí, không có người bố thí và cũng không có người nhận thí. Cho đến bát nhã Ba la mật cũng không chấp thủ thực hành ba mươi bảy phẩm trợ đạo, không chấp thủ thực hành ba tam muội, không chấp thủ, giáo hóa chúng sinh, làm thanh tịnh Cõi Phật, cũng không chấp thủ có được đạo quả, được các pháp của Chư Phật cũng không chấp thủ.

Này Tu Bồ Đề! Đây là Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật không chấp thủ. Đại Bồ Tát thực hành như vậy thì các Ma hay Thiên ma không thể phá hoại được.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tại sao Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật chỉ trong một ý niệm mà thọ trì được sáu pháp Ba la mật, bốn thiền, bốn đẳng, đại từ, đại bi, bốn không định, bốn vô ngại trí, bốn vô sở úy, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, ba môn giải thoát, mười lực của Phật, mười tám pháp Bất cộng, làm sao thọ trì tám mươi vẻ đẹp.

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Lúc hành bát nhã Ba la mật, Bồ Tát đã hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn và thiền định, đều dùng bát nhã Ba la mật để hành trì và dùng ba môn giải thoát, bốn đẳng, đại bi và ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Bồ Tát với hành động ý niệm đều không rời bát nhã Ba la mật, cho đến ba tam muội, mười lực của Phật, bốn vô sở úy, bốn vô ngại trí, mười tám pháp, tám mươi vẻ đẹp cũng không xa rời bát nhã Ba la mật.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật chỉ trong một ý niệm thọ trì sáu pháp Ba la mật cho đến tám mươi vẻ đẹp?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Lúc hành bát nhã Ba la mật, Bồ Tát hành sáu pháp Ba la mật không có hai tướng, cho đến tám mươi vẻ đẹp cũng không có hai tướng.

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Làm thế nào Bồ Tát hành sáu pháp Ba la mật cho đến tám mươi vẻ đẹp không dùng hai tướng?

Phật dạy: Lúc hành bát nhã Ba la mật, Bồ Tát đều đầy đủ các pháp Tổng trì Ba la mật và ba mươi bảy phẩm trợ đạo hành bố thí.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Việc này thế nào?

Phật dạy: Lúc hành bát nhã Ba la mật, Bồ Tát không dùng tâm hữu lậu để hành bố thí Ba la mật, nên ở nơi tâm vô lậu mà nghĩ: Ta bố thí cho ai, thí vật gì và người thọ thí là ai?

Đối với ba việc này đều không có ý niệm về tướng thọ. Bấy giờ Bồ Tát không thấy ý niệm vật thí, kể cả người thọ thí, cho đến mười tám pháp cũng như vậy.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Lúc Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật cho đến pháp bát nhã Ba la mật cũng không có tướng, không có sáu pháp Ba la mật. Bồ Tát hành sáu pháp Ba la mật cho đến tám mươi vẻ đẹp cũng vô tướng, không có chỗ thấy.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tất cả pháp đều vô tướng, không có chỗ tạo tác, vậy làm thế nào Bồ Tát đầy đủ sáu pháp Ba la mật, đầy đủ ba mươi bảy phẩm trợ đạo, ba không, mười lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng?

Phật dạy: Lúc hành bát nhã Ba la mật, Bồ Tát dùng tâm vô tướng bố thí tùy theo sở thích của chúng sinh, hoặc bố thí thân thể, vợ con, quốc gia, thành phố, trân bảo, những vật sở hữu như tiền của lúa thóc đều bố thí không trái ý người.

Khi làm việc bố thí như vậy, nếu có người đến hỏi Bồ Tát cần gì dùng tâm vô tướng bố thí như vậy. Tuy có người nói nhưng Bồ Tát vẫn tiếp tục bố thí không gián đoạn và đem việc bố thí này cùng chung tất cả chúng sinh đồng hồi hướng vô thượng bồ đề.

Lúc ấy, Bồ Tát không còn thấy những tướng niệm, không còn người thí, vật thí, người thọ thí và cũng không còn thấy có vô thượng bồ đề.

Vì sao?

Vì tất cả chỗ thấy đều không như vậy, ai là vô thượng bồ đề. Hành động như vậy là hành động chân chánh, làm thanh tịnh Cõi Phật, là giáo hóa chúng sinh, hành sáu pháp Ba la mật, đầy đủ ba mươi bảy phẩm trợ đạo và ba môn Giải thoát, đầy đủ tám pháp của Phật.

Bồ Tát làm những việc như vậy, nhưng không thọ quả báo bố thí. Thí như Vua Cõi Trời thứ sáu, ưa muốn việc gì thì chỉ cần nghĩ tưởng là có ngay. Bồ Tát cũng vậy, vừa nhớ nghĩ thì tất cả pháp đều hiện đến đầy đủ.

Do phước đức bố thí, Bồ Tát hay cúng dường Chư Phật cũng hay cứu giúp cho tất cả Chư Thiên và loài Người. Bồ Tát còn dùng phương tiện quyền xảo hành bố thí Ba la mật, an trụ chúng sinh vào pháp Ba Thừa. Đây là Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đầy đủ bố thí Ba la mật.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đầy đủ trì giới Ba la mật?

Phật dạy: Bồ Tát đều phải biết giới pháp vô lậu của Thánh Hiền, phụng trì giới pháp ấy không cho hủy phạm. Đối với các pháp không có sự chấp thủ, cũng không chấp thủ năm ấm, không chấp thủ ba mươi hai tướng, bốn chủng tánh.

Không chấp Cõi Trời Tứ Thiên Vương cho đến Cõi Trời Ba Mươi Ba. Không chấp thủ có quả Tu Đà Hoàn, cho đến quả A La Hán, Bích Chi Phật. Cũng không chấp ngôi Chuyển Luân Thánh Vương, chỗ tạo ra các công đức, chỉ vì tất cả chúng sinh cùng được trí nhất thiết.

Vì không tướng, không chấp thủ, là không hai, chỉ vì tục đế, chẳng phải đệ nhất nghĩa, mà đầy đủ giới rồi dùng phương tiện quyền xảo phát sinh bốn thiền, không vì tham đắm mà nhận lấy thiên nhãn, dùng thiên nhãn quán mười phương Chư Phật để đạt đến vô thượng bồ đề.

Ngay từ đầu không lìa thiên nhãn, dùng thiên nhĩ thanh tịnh nghe rõ Chư Phật thuyết pháp, sự nghe không mất, được tự tại biện tài, biết được ý nguyện của Chư Phật, biết ý nguyện Chư Phật rồi mới có thể làm lợi ích cho tất cả chúng sinh.

Dùng thức túc mạng trí, Bồ Tát hiểu biết các nghiệp nhân quá khứ của chúng sinh, không mất bản hạnh, dùng pháp vô lậu làm cho chúng sinh ở trong ba thừa, tùy theo chỗ ưa thích của họ mà hóa độ.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát ở trong các pháp vô tướng được đầy đủ trì giới Ba la mật.

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Làm thế nào Bồ Tát được đầy đủ nhẫn nhục Ba la mật?

Bồ Tát từ lúc mới phát tâm cho đến lúc ngồi Đạo Tràng, nếu có chúng sinh nào đến dùng dao, gậy đánh đập Bồ Tát, vị này quyết không sinh tâm oán hận, mà phải tu hai thứ nhẫn: Một là nhẫn nhục. Hai là vô sinh pháp nhẫn.

Bồ Tát nên suy nghĩ: Người cầm dao, gậy đến đánh ta là ai?

Người bị đánh là ai?

Bồ Tát nên quán pháp tướng, quán pháp tướng là không có sở hữu, không có sự quán. Không có sự quán thì được vô sinh pháp nhẫn.

An trụ trong hai thứ nhẫn này, Bồ Tát được đầy đủ bốn thiền, bốn đẳng và bốn không định, đầy đủ ba mươi bảy phẩm trợ đạo và ba môn giải thoát, đầy đủ mười lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại trí.

Bồ Tát đã an trụ trong các pháp rồi, liền đắc thần thông, cho đến hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật cũng không thể sánh kịp.

Bồ Tát đầy đủ thần thông rồi, lại được sáu pháp Ba la mật, dùng thiên nhãn thấy Chư Phật trong mười phương, đạt được vô thượng bồ đề, không bao giờ quên Niệm Phật.

Lại nữa, Bồ Tát dùng thiên nhĩ nghe được giáo pháp của Chư Phật diễn nói trong mười phương, biết được tâm niệm của Chư Phật, cũng như ý nguyện của chúng sinh, thuận theo tâm họ mà thuyết pháp.

Dùng túc mạng trí, Bồ Tát biết rõ công đức của chúng sinh, chỉ rõ công đức lành họ đã làm đời trước và dạy họ nỗ lực thêm, dùng trí vô lậu giáo hóa chúng sinh vào được ba thừa.

Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, dùng phương tiện quyền xảo, giáo hóa chúng sinh, làm thanh tịnh Cõi Phật, đầy đủ trí nhất thiết, được vô thượng bồ đề rồi chuyển pháp luân. Đây là Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đầy đủ bố thí Ba la mật.

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Làm thế nào Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật được đầy đủ đạo quả Ba la mật?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Lúc hành bát nhã Ba la mật, Bồ Tát được thân và ý tinh tấn, đầy đủ bốn thiền. Trong các thiền ấy, được vô số thần thông, qua lại biến hóa, dùng tay sờ được mặt Trời, mặt trăng.

Nhờ sự tinh tấn này, Bồ Tát bay khắp mười phương Thế Giới cúng dường Chư Phật, đầy đủ tất cả vật dụng cần thiết để cúng dường, cho đến thành vô thượng bồ đề, được Chư Thiên, loài Người ở thế gian cung kính.

Cho đến khi Bồ Tát nhập Niết Bàn, do sức thần thông đến được mười phương nghe Phật thuyết pháp, nghe rồi chứng được vô thượng bồ đề, không quên làm thanh tịnh Cõi Phật, giáo hóa chúng sinh được đầy đủ nhất thiết trí. Đây là Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, đầy đủ đạo quả Ba la mật.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bồ Tát dùng đạo, đạo pháp vô lậu, đầy đủ ý tinh tấn, miệng không nói lời ác, thân không làm việc ác, ý không nghĩ điều ác. Cũng không chấp lấy các pháp là khổ hay vui, là thường hay vô thường, là ngã hay vô ngã, là hữu vi hay vô vi.

Không chấp vào ba cõi, bốn thiền và bốn không định, bốn đẳng, ba môn giải thoát, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, cho đến mười tám pháp Bất cộng. Và cũng không chấp có quả Thanh Văn, Bích Chi Phật, đạo Thanh Văn, đạo Bích Chi Phật, đạo Bồ Tát, địa vị Bồ Tát.

Không chấp vào năm đường, cũng không phân biệt Cõi Trời, người, địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Không phân biệt là đạo Tu Đà Hoàn, đạo A La Hán, đạo Bích Chi Phật, đạo Bồ Tát, trí nhất thiết đối với tất cả các pháp đều không chấp lấy.

Vì sao?

Vì các pháp đều không bền chắc, không thể nắm bắt và cũng không thể phân biệt. Vì đầy đủ tâm tinh tấn này, Bồ Tát mới cứu tất cả ma oán chúng sinh. Cứu chúng sinh rồi cũng không thấy có chúng sinh. Đầy đủ tinh tấn, cũng không thấy có tinh tấn.

Đầy đủ Phật Pháp, cũng không thấy có Phật Pháp, làm thanh tịnh Cõi Phật, nhưng không thấy mình làm. Đầy đủ tinh tấn liền thọ các pháp lành và không chấp lấy các pháp lành ấy. Bồ Tát vân du trong các nước, cứu độ làm lợi ích chúng sinh, tùy chỗ biến hóa tự tại vô ngại, hoặc mưa hoa, hoặc rải các loại hương.

Hoặc trổi các thứ kỷ nhạc, hoặc làm chấn động, hoặc phóng ánh sáng, hoặc hiện Thế Giới bảy báu, hoặc hiện chiến tranh, hoặc hiện ra nước lửa, theo đó đi vào, tùy duyên giáo hóa chúng sinh thực hành mười điều thiện, hoặc dùng việc bố thí, trì giới để lợi ích chúng sinh, hoặc cất phần thân thể, hoặc đem vợ con, quốc gia, thành phố, hoặc đem chính thân mình cung cấp cho chúng sinh, tùy theo ý của chúng sinh mà bảo hộ cho họ.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát dùng phương tiện quyền xảo vô tướng, hành tinh tấn Ba la mật.

Phật dạy: Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật và hành thiền định trong pháp vô tướng. Lúc Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật chỉ trừ thiền định của Như Lai, ngoài ra điều được đầy đủ tất cả các thiền định như bốn thiền, bốn đẳng và bốn không định, các pháp thuận nghịch, hành tám bối xả và chín thứ đệ thiền, hành các pháp tam muội như không, vô tướng, vô nguyện, điện quang, kim cang, trực trị.

An trụ trong thiền định Ba la mật, Bồ Tát được ba mươi bảy phẩm trợ đạo. An trụ trong tam muội đầy đủ đạo tuệ, đầy đủ các môn tam muội, đầy đủ mười hạnh trụ địa, cho đến nhất thiết trí, quyết không chứng đắc nửa chừng.

An trụ trong tam muội, Bồ Tát du hành các Quốc Độ, cúng dường Chư Phật, gieo trồng các công đức với các Đức Phật, làm thanh tịnh Cõi Phật, du hành khắp nước, giáo hóa chúng sinh, rộng độ cho họ tu sáu pháp Ba la mật, hoặc dạy họ đắc quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán cho đến Bích Chi Phật, tùy theo chỗ ưa muốn của họ mà ban bố cho họ được tròn sở nguyện.

An trụ trong Thiền Ba la mật, Bồ Tát được đầy đủ các môn tổng trì Đà La Ni, được bốn trí Vô ngại, được các thần thông, vĩnh viễn chẳng vào bào thai người nữ, chẳng hưởng thọ sắc dục, được vô sinh, bất sinh, mặc dù có sinh nhưng không lệ thuộc vào sinh.

Vì sao?

Vì Bồ Tát này khéo quán các pháp là huyễn, biết nó là như huyễn để mà cứu vớt chúng sinh, cũng không thấy có tướng chúng sinh. Bồ Tát dùng pháp không có sở đắc giáo hóa, khiến chúng sinh được ở trong pháp không có sở đắc, chỉ dùng pháp thế tục, chẳng phải là Đệ nhất nghĩa.

An trụ thiền định Ba la mật, Bồ Tát này hành tất cả thiền định giải thoát tam muội, cho đến vô thượng bồ đề, vĩnh viễn không xa rời thiền định Ba la mật.

Lúc hành đạo tuệ như vậy, Bồ Tát thể nhập tuệ nhất thiết trí, dứt trừ tất cả tập khí, tự lợi, lợi tha. Đã tự lợi, lợi tha rồi làm phước điền cho Chư Thiên, loài Người và A Tu La.

Như vậy, này Tu Bồ Đề! Lúc hành bát nhã Ba la mật, Bồ Tát được đầy đủ vô tướng tam muội.

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Thế nào là lúc hành bát nhã Ba la mật, Bồ Tát ở trong pháp vô tướng tu tập đầy đủ bát nhã Ba la mật?

Phật dạy: Vì Bồ Tát đối với các pháp không còn thấy có tướng thật, cũng không thấy tướng thật của năm ấm. Không thấy tướng sinh của năm ấm. Không thấy chỗ đến, chỗ sinh của năm ấm. Cho đến đạo Tu Đà Hoàn cũng không thấy chỗ sinh, không thấy chỗ đến, chỗ đi, trống rỗng như hư không, không có chỗ chứng đắc, cũng không thấy quả Tu Đà Hoàn hay pháp lậu tận.

Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, tin hiểu tất cả pháp cốt yếu và không cốt yếu, hiểu như vậy rồi mới thông được nội ngoại không và hữu vô không. Đối với các pháp không chỗ nhập vào như năm ấm, cho đến Phật đạo cũng đều không chỗ nhập vào. Tất cả các sự học đều không có sở hữu. Hành bát nhã Ba la mật, Bồ Tát được đầy đủ đạo Bồ Tát.

Đạo Bồ Tát đó là sáu pháp Ba la mật, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, mười lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại trí, mười tám pháp bất cộng, ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp.

An trụ trong không có sở hữu, Bồ Tát thành Phật đạo, đầy đủ sáu pháp Ba la mật, ba mươi bảy phẩm trợ đạo và năm thần thông, tùy thuận theo chỗ ưa thích của chúng sinh.

Ở trong sáu pháp Ba la mật, người nào có tham lam tật đố, Bồ Tát dùng bố thí Ba la mật giáo hóa họ. Người nào có ác giới, Bồ Tát dùng trì giới giáo hóa. Người nào có sân hận, Bồ Tát dùng nhẫn nhục giáo hóa. Người nào có giải đãi, Bồ Tát dùng tinh tấn giáo hóa. Người nào có loạn ý, Bồ Tát dùng thiền định giáo hóa. Người ngu si, Bồ Tát dùng trí tuệ giáo hóa. Cho đến dùng giải thoát, giải thoát tri kiến, Bồ Tát đều sử dụng giáo hóa họ.

Người tu hành đạo Thanh Văn, tùy khả năng của họ, cần giáo hóa để họ được quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán và đạo Bích Chi Phật, tùy theo khả năng Bồ Tát đều giáo hóa họ.

Người tu theo Đại Thừa, Bồ Tát dùng Phật Đạo Giáo hóa họ, dùng các phương tiện, biến hiện vô số thần thông, cho đến hằng hà sa các Cõi Phật, tùy theo sự ưa thích của chúng sinh mà biến hiện làm trang nghiêm Quốc Độ, làm mãn nguyện cho tất cả chúng sinh.

Từ Cõi Phật này đến Cõi Phật kia, Bồ Tát muốn giáo hóa Quốc Độ nào thì được mãn nguyện, tùy theo ý muốn của chúng sinh mà cung cấp cho họ được đầy đủ, đạt đến trí nhất thiết. Đối với năm ấm đều không có chỗ thọ và tất cả các pháp thế gian, xuất thế gian, pháp thiện, pháp ác, đều được đầy đủ không có chỗ nhận.

Sau khi Bồ Tát thành vô thượng bồ đề, tất cả đồ dùng trong nước đều tùy ý thọ dụng, không có người đem đến, cũng không có người đem đi, cũng như trên Cõi Trời thứ sáu.

Vì sao?

Vì các pháp không có chỗ nắm giữ và không có chỗ ỷ lại.

Này Tu Bồ Đề! Lúc hành bát nhã Ba la mật, Bồ Tát này dùng tướng không có sở hữu. Vì vậy, Bồ Tát được đầy đủ bát nhã Ba la mật.

***