Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã
PHẬT THUYẾT
KINH PHÓNG QUANG BÁT NHÃ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Vô La Xoa, Đời Tây Tấn
PHẨM BẢY MƯƠI TÁM
PHẨM TRỤ NHỊ KHÔNG
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Thế nào là pháp như mộng, như tiếng vang, như huyễn, như hóa, như sóng nắng, như chớp nắng, như bóng?
Các pháp ấy đều là không thì làm sao mà có chỗ tạo tác để nói là đạo, là tục, là vô vi, hữu vi, hữu lậu, vô lậu, quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật, Chánh Đẳng Giác?
Phật bảo Tu Bồ Đề: Người phàm phu ngu si, ít học, dựa vào pháp mộng huyễn mà có những kiến chấp. Nhân đó thân, khẩu, ý tạo ra các việc ác, không đúng chánh pháp, hoặc làm việc thiện nên quả báo có tốt, xấu, nhận lấy tội phước trong ba cõi.
Đại Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật, an trụ ở hai thứ không, từ đầu đến cuối cũng đều là không, vì giáo hóa chúng sinh nên nói có năm ấm, mười hai xứ, mười tám giới đều là không.
Các pháp này như mộng, như tiếng vang, như huyễn, như hóa, như sóng nắng, trong đó không có năm ấm, mười hai xứ, mười tám giới, cũng không có mộng, tiếng vang, huyễn hóa, sóng nắng, tất cả đều không thấy. Các pháp đều không có hình tướng, không có sở hữu, không có năm ấm.
Các ông thấy có năm ấm thì không có mười hai xứ, thấy có các xứ thì không có mười tám giới. Các ông có các giới là do nhân duyên điên đảo nên thấy có các pháp tùy theo hành động mà có tiếp nhận.
Tại sao các ông đối với các pháp không có mà cho là có hình tướng! Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật, dùng phương tiện quyền xảo. Đối với các chúng sinh tham lam tật đố thì dạy cho họ bố thí để được giàu sang.
Khi không còn tham lam, tật đố thì Bồ Tát dạy cho họ trì giới, do giữ giới được sinh Thiên, khi đã thành tựu giới thì làm cho họ trụ vào chánh định, nhờ chánh định được sinh lên Cõi Phạm Thiên. Nhờ đầy đủ bốn thiền, bốn không định, vô số phương tiện từ bố thí, trì giới đến thiền định để đạt đến Niết Bàn.
Bồ Tát lại dùng các pháp không có hình tướng như ba mươi bảy phẩm trợ đạo, ba môn giải thoát, tám giải thoát, chín thứ đệ thiền, mười lực, bốn vô sở úy, bốn tâm vô lượng, mười tám pháp bất cộng để lập ra ba thừa, nói đạo Bồ Tát.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Thật là kỳ diệu, chưa từng có! Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật sâu xa, các pháp hoàn toàn là không mà lại phân biệt nói là pháp thiện, pháp ác, pháp đạo, pháp tục, pháp hữu lậu, vô lậu, pháp hữu vi, vô vi.
Phật dạy: Đúng vậy!
Này Tu Bồ Đề! Thật là kỳ diệu chưa từng có. Các pháp hoàn toàn là không mà các vị ấy lại làm cho có vị trí. Các ông nên biết, việc làm của Bồ Tát thật kỳ diệu mà các bậc La Hán, Bích Chi Phật không thể sánh kịp. Các ông nên đảnh lễ các vị Đại Bồ Tát.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát làm những việc gì chưa từng có mà các bậc La Hán, Bích Chi Phật không thể sánh kịp?
Phật bảo Tu Bồ Đề: Nếu ông muốn nghe thì hãy chú ý, suy nghĩ kỹ, ta sẽ giảng nói. Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật, an trụ sáu pháp Ba la mật, nội không, ngoại không, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, bốn vô ngại trí và năm thần thông, đến khắp mười phương, quán sát chúng sinh.
Đối với người nào có thể dùng bố thí để giáo hóa thì Bồ Tát dùng bố thí. Người nào có thể dùng giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ thì tùy theo đó mà dùng sáu pháp Ba la mật để giáo hóa họ.
Người nào nên dùng bốn Thiền, bốn Không định để được giải thoát thì dùng thiền định để giáo hóa họ. Người nào nên dùng từ, bi, hỷ, xả để được độ thoát thì dùng bốn vô lượng tâm để giáo hóa họ, người nào nên dùng ba mươi bảy phẩm trợ đạo để được độ thoát thì dùng năm căn, năm lực, bảy giác ý để giáo hóa họ. Người nào nên dùng ba môn giải thoát để được độ thoát thì dùng ba môn giải thoát để giáo hóa họ.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát dùng bố thí để giáo hóa chúng sinh như thế nào?
Phật dạy: Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật, tùy theo vật chúng sinh cần dùng mà cung cấp cho họ như là: Y phục, thức ăn, thuốc uống, voi, ngựa, xe cộ, vàng bạc châu báu. Bồ Tát cúng dường cho Phật, Bích Chi Phật, A La Hán, Tu Đà Hoàn cho đến bố thí cho phàm phu, các loại côn trùng nhỏ nhít trong ba đường ác, tùy theo sở thích mà không có phân biệt.
Vì sao?
Vì các pháp không sai khác nên Bồ Tát bình đẳng đối với các pháp, do đó được tuệ trí nhất thiết không phân biệt.
Phật dạy: Thấy người đến xin, nếu Đại Bồ Tát suy nghĩ: Ta cúng dường cho Phật sẽ được phước đức, còn bố thí cho súc sanh sẽ không có phước đức, thì chẳng phải là Bồ Tát.
Vì sao?
Vì Bồ Tát phát đạo tâm không nghĩ như vậy: Nếu ta bố thí thì sẽ được sinh trong bốn dòng họ. Bố thí rồi ta sẽ hướng dẫn chúng sinh đến vô dư Niết Bàn.
Bồ Tát xem chúng sinh như bà con thân thuộc, bố thí cho họ mà không chút phân biệt, cũng không nói sẽ cho người này, không cho người kia, không phân biệt người thân, kẻ sơ, bố thí chúng sinh mà không có gì ngăn ngại.
Vì sao?
Bồ Tát vì chúng sinh mà phát tâm vô thượng bồ đề, nếu có ý phân biệt thì có lỗi đối với Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác, các vị Duyên Giác, các bậc Chân Nhân.
Vì sao?
Vì Trời, Người và A Tu Luân không thể thay thế, Bồ Tát đã làm chiếc cầu để cứu độ chúng sinh. Đó là pháp của Bồ Tát.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật, nếu có người hoặc phi nhân đến chỗ Bồ Tát, xẻ thân Bồ Tát ra từng đoạn thì Bồ Tát cũng không phân vân là cho hay không cho.
Vì sao?
Vì Bồ Tát này muốn cứu độ chúng sinh nên nhận lấy khổ hình ấy, dùng thân này làm lợi ích cho tất cả.
Bồ Tát nên nghĩ như vậy: Ta vì chúng sinh mà thọ thân hình này, nay ai cần cứ đến lấy đi.
Tu Bồ Đề! Nếu thấy người đến xin, Bồ Tát nên suy nghĩ: Người bố thí là ai, người nhận là ai, vật bố thí là những vật gì?
Thật ra, các pháp này không thể thấy được, vì các pháp này thường rỗng không, không có chỗ cho, cũng không có chỗ lấy.
Tu Bồ Đề! Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật nên học nội ngoại không, hữu vô không. An trụ trong pháp không này mà bố thí thì đầy đủ bố thí Ba la mật. Đã đầy đủ bố thí thì không phân biệt nội pháp và ngoại pháp, sao lại nói ai là người cắt, ai là người bị cắt.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Ta dùng thiên nhãn quán sát vô số Quốc Độ khắp mười phương, thấy các vị Đại Bồ Tát vào trong địa ngục thì địa ngục trở nên mát mẻ.
Bồ Tát thuyết pháp cho chúng sinh trong địa ngục bằng ba pháp biến hóa: Một là thần túc, hai là tùy theo phương tiện, ba là bốn tâm vô lượng cho chúng sinh trong địa ngục. Nghe rồi, họ sinh lòng kính ngưỡng Bồ Tát và được xa lìa khổ não. Tiếp theo Bồ Tát nói pháp ba thừa làm cho họ đều được thoát khổ.
Tu Bồ Đề! Ta dùng Phật nhãn quán sát vô số Quốc Độ khắp cả mười phương, thấy các vị Đại Bồ Tát vui vẻ cúng dường Chư Phật, không có kiêu mạn, kính mến Chư Phật, không sân giận, oán ghét, Chư Phật thuyết pháp thì các vị Bồ Tát đều thọ trì cho đến khi thành Chánh Đẳng Giác, không hề quên mất.
Tu Bồ Đề! Ta dùng Phật nhãn quán sát vô số Quốc Độ trong khắp mười phương, thấy các vị Bồ Tát vì chúng sinh mà cắt thân thể làm nhiều đoạn rồi phân tán bốn phía. Các loài chim bay, thú chạy vào ăn thịt Bồ Tát đều sinh lòng Từ. Do có lòng từ đối với Bồ Tát nên khi súc sanh xả bỏ thân mình, được làm thân người, gặp được Chư Phật, nghe giảng Kinh Pháp, theo đó tu hành, do thực hành pháp ba thừa nên được giải thoát.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Các Đại Bồ Tát phát tâm vô thượng bồ đề làm nhiều lợi ích cho chúng sinh, có thể làm cho chúng sinh được vô dư Niết Bàn.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Ta dùng Phật nhãn quán sát vô số Quốc Độ khắp cả mười phương, thấy các Bồ Tát vào trong ngạ quỷ, ngạ quỷ trông thấy Bồ Tát liền sinh lòng từ bi, cung kính Bồ Tát, do đó được thoát khổ. Nhờ công đức này, chúng không bao giờ xa lìa Chư Phật cho đến khi chứng đắc Niết Bàn.
Tu Bồ Đề! Chư Đại Bồ Tát thực hành đại Từ như vậy làm cho chúng sinh đều chứng đắc Niết Bàn.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Ta cũng thấy các vị Bồ Tát đến Cõi Trời Tứ Thiên Vương và tầng Trời thứ sáu thuyết pháp cho Chư Thiên. Nhờ nghe pháp ba thừa, Chư Thiên đều được giải thoát, chứng đắc Niết Bàn.
Nếu có thiên chúng nào say đắm năm dục lạc thì Bồ Tát làm cho cung điện trống rỗng, rồi thuyết pháp cho họ: Này Chư Thiên, tất cả vạn vật đều là vô thường, không có tôn quý, không có thấp hèn, đâu có gì thường còn an ổn được.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Lúc đó, ta dùng Phật nhãn quán sát các Quốc Độ, thấy Bồ Tát thuyết pháp cho những người ca ngợi Cõi Phạm Thiên: Này quý vị! Tại sao đối với pháp hoàn toàn rỗng không này lại cho là có. Các pháp này là không, vô thường, không hiện hữu, bị đoạn diệt, không nên đối với pháp ấy cho là có.
Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát đã an trú tâm đại Từ cho chúng sinh. Đó là pháp rất đặc biệt, chưa từng có của Bồ Tát.
Tu Bồ Đề! Các Đại Bồ Tát trong vô số Quốc Độ ở mười phương dùng bốn việc để làm lợi ích cho chúng sinh: Một là bố thí, hai là nhân ái, ba là lợi người, bốn là đồng sự.
Đại Bồ Tát dùng hai thứ bố thí để giáo hóa chúng sinh: Một là tài thí, hai là pháp thí.
Thế nào là dùng tài thí để giáo hóa chúng sinh?
Bồ Tát đem vàng bạc, ngọc bích, châu báu để bố thí. Hoặc đem thức ăn, y phục, mùng mền, giường chiếu, hương hoa, đồ trang sức, thuốc men bố thí. Hoặc bố thí nô tỳ, voi ngựa, xe cộ, tùy theo chúng sinh cần gì, Bồ Tát đều cho, không hề trái ý.
Bố thí cho người rồi, Bồ Tát lại dạy họ quy y Tam Bảo, hoặc thọ trì năm giới hoặc mười điều thiện, hoặc giới Bát Quan Trai, hoặc dạy họ thực hành bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn không định, hoặc khuyên họ niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Thiên, niệm Thí. Đối với những người hành động một cách điên đảo, Bồ Tát dạy họ hành động đúng theo chánh pháp.
Đối với những người không chân thật, Bồ Tát dạy họ hành động chân thật, khuyên bảo họ thực hành ba mươi bảy phẩm trợ đạo, ba môn giải thoát, tám giải thoát, chín thứ đệ thiền, mười lực của Phật, bốn vô sở úy, bốn vô ngại tuệ, đại từ, đại bi, mười tám pháp bất cộng, tám mươi vẻ đẹp, khuyên người học giáo pháp ba thừa.
Đó là Đại Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật, dùng phương tiện quyền xảo là tài thí để giáo hóa chúng sinh, làm cho được an trụ ở địa vị an ổn vô thượng. Đó là pháp đặc biệt chưa từng có của Đại Bồ Tát.
Thế nào là Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật dùng Pháp thí để giáo hóa chúng sinh?
Bố thí có hai: Một là đạo thí, hai là tục thí.
Thế nào là tục thí?
Sự bố thí theo lời nói thế tục là pháp bất tịnh. Dạy cho người có ước muốn đắc được bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc và thực hành các thiện pháp khác của phàm phu, đó là pháp thí thế tục. Thực hành pháp thí thế tục như vậy rồi, Bồ Tát giáo hóa chúng sinh làm cho họ xa lìa thế tục. Bồ Tát dùng phương tiện quyền xảo hướng dẫn họ thực hành đạo, chứng quả Hiền Thánh.
Đạo pháp và quả vị Hiền Thánh là gì?
Pháp của Hiền Thánh là ba mươi bảy phẩm trợ đạo, ba môn giải thoát. Quả của Hiền Thánh là từ Tu Đà Hoàn cho đến La Hán, Bích Chi Phật.
Phật dạy: Đạo pháp của Hiền Thánh Bồ Tát là biết trí tuệ của quả Tu Đà Hoàn, La Hán, Bích Chi Phật. Trí tuệ ba mươi bảy phẩm trợ đạo, mười Lực của Phật. Trí tuệ đại từ, đại bi và các đạo pháp, tục pháp khác, pháp hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi, trí nhất thiết. Đó là pháp Hiền Thánh Bồ Tát.
Quả của Hiền Thánh Bồ Tát là gì?
Đó là dứt trừ tất cả các tập khí phiền não.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bồ Tát đạt đến trí nhất thiết phải không?
Phật đáp: Đúng vậy! Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát đạt đến trí nhất thiết.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như vậy Đại Bồ Tát với Như Lai có gì khác?
Phật đáp: Có khác! Bồ Tát đạt được trí nhất thiết thì gọi là Như Lai.
Vì sao?
Vì tâm Bồ Tát bất khả đắc. Tâm Như Lai cũng không khác. Bồ Tát soi sáng các pháp ở tận nơi tối tăm vô cùng. Nhờ pháp bố thí thế tục đưa đến bố thí đạo pháp.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Bồ Tát này không bố thí cho chúng sinh theo pháp thế tục nữa mà dùng phương tiện quyền xảo đưa họ đạt đến trí nhất thiết.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Pháp bố thí đạo của Bồ Tát như thế nào mà người phàm phu không thể sánh kịp?
Đó là ba mươi bảy phẩm trợ đạo, ba môn giải thoát, tám giải thoát, chín thứ đệ thiền, mười lực của Phật, bốn vô sở úy, bốn vô ngại tuệ, mười tám pháp bất cộng, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của bậc Đại Sĩ, các môn Đà La Ni. Đó là pháp rất đặc biệt, chưa từng có của Bồ Tát.
Bồ Tát dùng ái ngữ, sáu pháp Ba la mật: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ và nhan sắc từ hòa để giáo hóa chúng sinh.
Vì sao?
Vì sáu pháp Ba la mật bao gồm tất cả pháp thiện.
Tại sao Bồ Tát thường dùng sáu pháp Ba la mật và bốn pháp làm lợi ích và giáo hóa chúng sinh?
Bốn pháp đó là: Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bồ Tát dùng bát nhã Ba la mật để giáo hóa hàng tân học Bồ Tát: Này Thiện Nam, phải khéo học phân biệt các chữ, từ một chữ đến bốn mươi hai chữ. Một chữ bao gồm nghĩa các chữ, nghĩa các chữ bao gồm bốn mươi hai chữ, nghĩa bốn mươi hai chữ đều nằm trong một chữ, đều cùng một nghĩa. Vì vậy Bồ Tát nên thông thạo bốn mươi hai chữ ấy.
Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác biết hoàn toàn các thiện pháp, biết hoàn toàn văn tự rồi giáo hóa chúng sinh. Như Lai thuyết pháp không lìa văn tự, các pháp cũng không lìa văn tự.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Chúng sinh không thể đắc pháp, cũng không thể thấy được, vì các pháp là không. Tại sao, khi thực hành Ba la mật, bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn không định, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, mười tám không.
Không, vô tướng, vô nguyện, tám giải thoát, chín thứ đệ thiền, mười lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng, ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp của Phật, sáu thần thông, thuyết pháp cho chúng sinh, Bồ Tát không thấy chúng sinh, cũng không thấy chỗ của chúng sinh.
Cho đến đối với thức cũng không thể thấy được, sáu pháp Ba la mật cũng không thể thấy được, cho đến tám mươi vẻ đẹp cũng không thể thấy được cũng không có chỗ được, không có chúng sinh cũng không có chỗ được, không có tám mươi vẻ đẹp, cũng không có chỗ được?
Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, thuyết pháp cho chúng sinh như thế nào?
Tu Bồ Đề lại thưa: Bạch Thế Tôn! Có phải Bồ Tát đem việc không có mối manh giúp đỡ chúng sinh để làm cho họ xa lìa bốn điên đảo, trụ vào Tứ Đế hay không?
Thực hành bát nhã Ba la mật, Bồ Tát còn không thấy được huống chi thực hành ba mươi bảy phẩm trợ đạo.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Đúng vậy! Như lời ông nói, chúng sinh bất khả đắc, nên biết các pháp như là nội, ngoại, hữu, vô, năm ấm, xứ, giới, bốn đế, mười hai nhân duyên, bốn không định, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, ba môn giải thoát, tám giải thoát, chín thứ đệ thiền, mười tám pháp bất cộng, mười lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại trí, hai địa, Bồ Tát, Quốc Độ Phật, Đạo, đều là không.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Bồ Tát biết các pháp đều không, thuyết pháp cho tất cả chúng sinh, chúng sinh được nghe pháp này, nhờ đó không bị thoái chuyển. Đối với các pháp không chấp thủ, không xả bỏ, cũng không bị chướng ngại, Bồ Tát nói pháp chân thật, không hư dối.
Ví như vô số người Như Lai hóa ra, hoặc là thành tựu sáu pháp Ba la mật hoặc thành tựu bốn thiền, bốn tâm vô lượng.
Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào?
Những người này có sở đắc gì không?
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Không.
Những người đó không có đắc gì?
Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Nên biết Bồ Tát giáo hóa chúng sinh cũng vậy, tùy theo khả năng của họ mà thuyết pháp, làm cho chúng sinh xa lìa điên đảo, không trói buộc cũng không cởi mở. Nếu năm ấm có trói buộc, có cởi mở thì chẳng phải là năm ấm, vì năm ấm tự tánh thường vắng lặng. Cho đến pháp hữu vi, vô vi, tự tánh thường vắng lặng.
Bồ Tát thuyết pháp cho chúng sinh, ban đầu không thấy chúng sinh, vì các pháp không thủ đắc, Bồ Tát trụ vào chỗ không có chỗ trụ, năm ấm rỗng không nên không có chỗ trụ cho đến hữu vi, vô vi cũng không có chỗ trụ.
Vì sao?
Vì không thật có mà không chỗ trụ, không sở hữu, không trụ nơi không có sở hữu, có sở hữu cũng không trụ nơi có sở hữu.
Vì sao?
Vì đều không thủ đắc, pháp không thủ đắc thì không có chỗ trụ.
Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật nói rõ các pháp, phân biệt các không. Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật như vậy đối với Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác, các Bậc Hiền Thánh không có lỗi.
Vì sao?
Vì Chư Phật Thế Tôn, chư Hiền Thánh đều đạt được pháp này rồi giáo hóa chúng sinh. Do được pháp này nên không thoái chuyển.
Vì sao?
Vì pháp tánh, thực tế và chân như không thoái chuyển, cũng không có hình tướng có thể thoái chuyển.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Pháp tánh, thực tế và chân như không thoái chuyển thì năm ấm, như, thực tế, pháp tánh có khác không?
Hữu vi, vô vi và đạo, hữu lậu, vô lậu có khác không?
Phật dạy: Không! Này Tu Bồ Đề, năm ấm và như thực tế, pháp hữu vi, vô vi và đạo… không có khác.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Giả sử năm ấm và như cho đến hữu vi, vô vi… không có khác thì tại sao có quả báo tốt, xấu và năm đường sinh tử, tại sao có pháp ba thừa.
Phật dạy: Do chúng sinh quen theo thế tục đế nên có danh hiệu đạo, đối với Đệ nhất nghĩa đế thì không có phân biệt.
Vì sao?
Vì pháp này thường vắng lặng, không có phân biệt cũng không có ngôn thuyết, năm ấm không sinh diệt cũng không thường, đoạn, vì từ đầu đến cuối đều không.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Nếu do theo thế tục đế liền có tên đạo thì tất cả phàm phu đều đạt đạo, chứng quả ba thừa phải không?
Phật bảo Tu Bồ Đề: Nếu người phàm phu đều biết tập đế và đạo đế thì lẽ ra người đó chứng được đạo. Còn nếu người phàm phu không biết thì không thể đắc Đạo đế và Diệt đế.
Tu Bồ Đề thưa: Tại sao phàm phu chứng đắc đạo quả?
Phật đáp: Các Hiền Thánh có tu đạo liền có đạo quả.
Tu Bồ Đề hỏi: Do tu đạo được đạo quả không?
Phật bảo: Không! Tu Bồ Đề, không phải là do tu đạo mà có thể đạt đạo, cũng không phải là do không tu đạo, không lìa đạo mà được quả. Vì vậy, Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, vì chúng sinh nên an trú trong đạo, đạo không có phân biệt pháp hữu vi. Pháp vô vi cũng không phân biệt.
Tu Bồ Đề! Lại hỏi: Bạch Thế Tôn! Nếu không phân biệt có đạo thì tại sao Phật nói đoạn được ba kết sử thì chứng quả Tu Đà Hoàn, làm mỏng tham, sân, si thì chứng quả Tư Đà Hàm, dứt trừ năm hạ phần kết sử ở Cõi Dục thì chứng quả A Na Hàm, đoạn trừ năm hạ phần kết sử ở Cõi Vô Sắc thì chứng quả A La Hán, đối với những hình sắc mà mắt thấy đều là pháp diệt tận thì chứng được Bích Chi Phật, dứt trừ hết tất cả các nghiệp phiền não thì chứng được vô thượng bồ đề.
Như vậy, làm sao biết được việc này?
Nếu đạo không có phân biệt thì làm sao theo đó thực hành để được đạo?
Phật bảo Tu Bồ Đề: Tu Đà Hoàn đạo đến vô thượng bồ đề là pháp hữu vi hay vô vi?
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Chẳng phải là pháp hữu vi.
Phật dạy: Pháp vô vi có phạm vi để phân biệt không?
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Không có phạm vi để phân biệt.
Phật dạy: Ý ông thế nào?
Thiện Nam, Thiện Nữ khi đạt được pháp hữu vi, vô vi và được nhất tướng thì lúc đó có nói là được pháp hữu vi, vô vi không?
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Không.
Phật dạy: Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật thuyết pháp cho chúng sinh không có giới hạn phân biệt, vì nội ngoại không, hữu vô không. Bồ Tát tự mình không chấp trước và dạy tất cả mọi người cũng không chấp trước, không chấp trước sáu pháp Ba la mật, bốn thiền, bốn tâm vô lượng, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, trí nhất thiết, không chấp trước là không sinh chướng ngại.
Như người do Như Lai biến hóa ra, nếu người này có bố thí cũng không được phước báo, chỉ vì muốn độ người, Bồ Tát không trụ vào Ba la mật, hữu lậu, vô lậu, không trụ vào đạo, vào tục, hữu vi, vô vi, vì không có chỗ trụ.
Vì sao?
Vì Bồ Tát đã vượt qua tướng các pháp.
***