Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã
PHẬT THUYẾT
KINH PHÓNG QUANG BÁT NHÃ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Vô La Xoa, Đời Tây Tấn
PHẨM BỐN MƯƠI BA
PHẨM MINH TỊNH
Xá Lợi Phất bạch Phật: Thưa Thế Tôn, tịnh là rất sâu xa!
Phật dạy: Thường tịnh.
Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Vì sao thường tịnh?
Phật dạy: Năm ấm tịnh cho nên thường tịnh.
Này Xá Lợi Phất! Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, mười lực và mười tám pháp bất cộng là đạo tịnh, Phật tịnh, trí nhất thiết tịnh nên tịnh rất sâu xa.
Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Còn minh tịnh?
Phật dạy: Thường tịnh.
Xá Lợi Phất thưa: Vì sao gọi minh tịnh?
Phật dạy: Sáu pháp Ba la mật tịnh, trí nhất thiết tịnh, thế nên minh tịnh.
Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Niết Bàn tịnh phải không?
Phật dạy: Thường tịnh.
Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Vì sao Niết Bàn tịnh?
Phật dạy: Vì năm ấm là phước vô cùng, không đến cũng không đi, trí nhất thiết phước đức vô cùng không đến cũng không đi.
Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Tịnh là không có chấp trước.
Phật dạy: Thường tịnh.
Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Do cái gì nên không chấp trước thanh tịnh?
Phật dạy: Vì năm ấm dũng mãnh không có chấp trước là thường tịnh cho đến trí nhất thiết dũng mãnh không có chấp trước là thường tịnh.
Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Không có sự đạt đến, không có sự chứng đắc là tịnh phài không?
Phật dạy: Thường tịnh.
Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Vì sao?
Vì không có chỗ đạt đến, không có chỗ chứng đắc là tịnh phải không?
Phật dạy: Năm ấm không có chỗ đắc nên tịnh. Cho đến trí nhất thiết không có chỗ đạt đến, không có chỗ chứng đắc nên tịnh.
Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Không có chỗ sinh nên tịnh?
Phật dạy: Thường tịnh.
Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Vì sao không có chỗ sinh, không có chỗ sinh thanh tịnh?
Phật dạy: Không có chỗ sinh là không có chỗ sinh thanh tịnh. Cho đến trí nhất thiết không có chỗ sinh, không có chỗ sinh thanh tịnh.
Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Thanh tịnh không sinh ở nơi ba cõi phải không?
Phật dạy: Thường tịnh.
Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Vì sao thanh tịnh không sinh nơi ba cõi?
Phật dạy: Không thuộc về ba cõi nên không sinh là tịnh.
Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Không có chỗ biết là tịnh.
Phật dạy: Thường tịnh.
Bạch Thế Tôn! Vì sao không có chỗ biết là thanh tịnh?
Phật dạy: Các pháp vắng lặng không có chỗ biết là thanh tịnh.
Bạch Thế Tôn! Biết là thanh tịnh?
Phật dạy: Thường tịnh.
Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Tại sao năm ấm không có chỗ biết là thanh tịnh?
Phật dạy: Năm ấm đều không, nên không có chỗ biết là thanh tịnh.
Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Các pháp đều thanh tịnh hay không?
Phật dạy: Thường tịnh.
Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Vì sao các pháp thanh tịnh?
Phật dạy: Các Pháp không chứng đắc nên các pháp thanh tịnh.
Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật đối với trí nhất thiết cũng không tăng không giảm nên thanh tịnh?
Phật dạy: Thường tịnh.
Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Vì sao bát nhã Ba la mật đối với trí nhất thiết không tăng không giảm nên thanh tịnh?
Phật dạy: Pháp thường trụ.
Xá Lợi Phất thưa:Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật thanh tịnh vì các pháp không nắm bắt được.
Phật dạy: Thường tịnh.
Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Nếu bát nhã Ba la mật thanh tịnh thì các pháp nắm bắt được không?
Phật dạy: pháp tánh không lay động.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Ngã, năm ấm tịnh là thanh tịnh phải không?
Phật dạy: Thường tịnh.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Vì sao ngã tịnh, năm ấm tịnh?
Vì sao thường tịnh?
Phật dạy: Ngã không thật có, năm ấm cũng không thật có cho nên thường tịnh.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Ngã tịnh thì sáu pháp Ba la mật, ba mươi bảy phẩm trợ đạo tịnh. Ngã tịnh thì mười lực tịnh, mười tám pháp bất cộng tịnh.
Phật dạy: Thường tịnh.
Tu Bồ Đề thưa: Vì sao chúng sinh tịnh cho đến mười tám pháp bất cộng cũng tịnh.
Phật dạy: Chúng sinh không thật có cho đến mười tám pháp bất cộng của Phật cũng không thật có nên thanh tịnh.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Vì ngã tịnh, Tu Đà Hoàn tịnh. Thanh Văn, Bích Chi Phật tịnh, chúng sinh tịnh thì đạo tịnh.
Phật dạy: Thường tịnh.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Vì ngã tịnh. Thanh Văn, Bích Chi Phật tịnh, cho đến đạo, Phật cũng thanh tịnh phải không?
Phật dạy: Không của các pháp tướng là tịnh.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Ngã tịnh, trí nhất thiết tịnh.
Phật dạy: Thường tịnh.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Vì sao ngã tịnh, trí nhất thiết tịnh, thường tịnh hay không?
Phật dạy: Không có tướng nên thường trú.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Hai tịnh không có nắm bắt được, không có đạt được.
Phật dạy: Thường tịnh.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Vì sao hai tịnh không đạt được, không nắm bắt được là thường tịnh?
Phật dạy: Không chấp trước, không đoạn diệt.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Chúng sinh tịnh không có chìm đắm?
Phật dạy: Không có chỗ sinh tịnh.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Vì sao năm ấm, chúng sinh tịnh, không có chỗ sinh thường tịnh hay không?
Phật dạy: Không có bờ mé.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Nếu bậc Đại Bồ Tát biết như vậy là hành bát nhã Ba la mật.
Phật dạy: Thường tịnh.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Vì sao biết như vậy thực hành bát nhã Ba la mật?
Phật dạy: Vì biết việc đạo.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Giả sử Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật, dùng phương tiện quyền xảo, suy nghĩ như vậy: Sắc không biết được sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng không biết được thức. Pháp quá khứ cũng không biết về pháp quá khứ.
Pháp vị lai cũng không biết về pháp vị lai, pháp hiện tại cũng không biết về pháp hiện tại.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Chứng đắc bát nhã Ba la mật, do thực hành phương tiện quyền xảo, không suy nghĩ như vậy: Thực hành sáu pháp Ba la mật mà nói rằng: Ta bố thí, đem vật bố thí và đây là người nhận của bố thí như vậy.
Cho đến bát nhã Ba la mật cũng như vậy, cũng không nói ta làm công đức, ta có công đức, cũng không nói ta sẽ chứng đắc đạo Bồ Tát, cũng không nói ta giáo hóa chúng sinh làm thanh tịnh Cõi Phật, cũng không nói ta đạt đến trí nhất thiết. Các bậc thực hành bát nhã Ba la mật dùng phương tiện quyền xảo cũng không suy nghĩ như vậy. Nội ngoại không cho đến hữu vô không cũng không suy nghĩ như vậy.
Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật dùng phương tiện quyền xảo là không chấp trước.
Thích Đề Hoàn Nhân hỏi Tu Bồ Đề: Thiện nam, thiện nữ thực hành đạo Bồ Tát là nương vào những gì?
Tu Bồ Đề trả lời: Này Câu Dực! Thực hành đạo Bồ Tát có ý tưởng, có thí tưởng, có sáu pháp Ba la mật tưởng, có nội ngoại không cho đến hữu vô không tưởng, ba mươi bảy phẩm trợ đạo tưởng, có mười tám pháp bất cộng tưởng. Có mười lực, có Chư Phật Như Lai tưởng. Có tưởng công đức cúng dường Chư Phật, đều suy nghĩ và tính toán pháp số ấy rồi hợp lại để tưởng đó thực hành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Này Câu Dực! Thiện nam, thiện nữ thực hành đạo Bồ Tát là vì chấp trước, không có thể đắc Tuệ vô ngại mà thực hành bát nhã Ba la mật.
Vì sao?
Vì không thể chỉ được tạo tác của năm ấm, cho đến tánh trí nhất thiết cũng không thể chỉ được sự tạo tác.
Này Câu Dực! Vị Đại Bồ Tát đã cầu đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, vì các chúng sinh mà khuyến trợ chúng sinh, vì các chúng sinh thực hành bố thí Ba la mật, vì nhớ nghĩ chúng sinh cũng lại khuyến trợ người khác, làm cho chúng sinh tu hành bố thí Ba la mật, không nên tưởng về sự thực hành sáu pháp Ba la mật, cũng không nên tưởng về thực hành nội không, ngoại không và hữu vô không, cũng không nên tưởng về sự thực hành ba mươi bảy phẩm trợ đạo, cũng không nên tưởng về sự thực hành đạo.
Thiện nam, thiện nữ nào được thực hành như vậy, lại khuyên trợ những người khác thực hành Chánh Đẳng Giác, người khuyến trợ làm việc này thì không bị đọa lạc, cũng không khiến cho người khác làm cho xa lìa sự hỗ trợ của Chư Phật. Như vậy, thiện nam, thiện nữ này xa lìa các sự chấp trước.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Lành thay, lành thay! Làm cho các vị Bồ Tát hiểu rõ các sự chấp trước.
Này Tu Bồ Đề! Lắng nghe, lắng nghe! Suy nghĩ và ghi nhớ, vì ông, ta nói các sự chấp trước vi diệu.
Tu Bồ Đề chắp tay thưa: Bạch Thế Tôn! Con muốn nghe.
Phật dạy: Này thiện nam, thiện nữ! Phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác là tưởng niệm Như Lai.
Này Tu Bồ Đề! Vừa có tưởng niệm hộ trì chấp trước nơi chư Như Lai. Từ khi phát tâm cho đến vào thời pháp diệt tận, công đức đều tưởng niệm, đã làm tưởng niệm ấy, cầu Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, theo tưởng niệm đó thì chấp trước Chư Phật. Chúng đệ tử và các chúng sinh đã làm các công đức, đem tưởng niệm ấy thực hành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, theo tưởng niệm đó thì thành chấp trước.
Vì sao?
Vì không nên chấp vào công đức tưởng niệm Chư Phật.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật rất sâu xa.
Phật dạy: Các pháp tánh vắng lặng.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật thật sự có danh tự.
Phật dạy: Bát Nhã Ba la mật không có tạo tác thì không có thành tựu, không thể có chứng đắc, cũng không thể có đắc, cũng không có giác ngộ.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Tất cả các pháp không thể có chứng đắc.
Phật dạy: pháp tánh hoàn toàn không hai.
Này Tu Bồ Đề! Các pháp tánh không có nhiều tánh hay một tánh. Một tánh là phi tánh, phi tánh là phi tác, phi tác cũng không tạo tác.
Này Tu Bồ Đề! Một pháp tánh chẳng phải là tạo tác.
Phật dạy: Vị Đại Bồ Tát biết tất cả pháp phi tác, phi tạo thì bỏ tất cả các sự chấp trước.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật rất khó hiểu, khó biết.
Phật dạy: Cũng không có người biết, cũng không có thấy, không chứng đắc, không có đạt đến, cũng không giác ngộ.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật không thể suy lường được.
Phật dạy: Tu Bồ Đề! Cũng không phải phát sinh ý, từ nơi ý cũng không phải phát sinh, từ năm ấm cũng không phải phát sinh, từ ba mươi bảy phẩm trợ đạo cũng không phát sinh, từ mười lực và mười tám pháp bất cộng cũng không phải phát sinh.
***