Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã
PHẬT THUYẾT
KINH PHÓNG QUANG BÁT NHÃ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Vô La Xoa, Đời Tây Tấn
PHẨM CHÍN
PHẨM HÀNH
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Tôn Giả Tu Bồ Đề: Hãy vì hàng Đại Bồ Tát nói các nhân duyên thành tựu bát nhã Ba la mật.
Bấy giờ, trong hội chúng có Bồ Tát, các vị đại đệ tử, Trời Người đồng suy nghĩ: Ngài Tu Bồ Đề nói pháp bát nhã Ba la mật, tự dùng biện tài hay nhờ oai thần của Phật mà thuyết pháp?
Tu Bồ Đề biết tâm niệm các Bồ Tát, đại đệ tử, Trời, Người như vậy, nên nói với Xá Lợi Phất: Đệ tử của Phật chẳng làm được sự thuyết pháp. Sự phát ra âm thanh, sự giáo hóa đều là những việc của Đại Sĩ Thế Tôn. Pháp do Phật nói cùng với pháp này không trái nhau.
Này thiện nam, học giáo pháp thì dùng giáo pháp để tác chứng.
Xá Lợi Phất! Chúng ta nương oai thần của Phật thuyết pháp bát nhã Ba la mật cho hàng Bồ Tát chứ không phải cảnh giới mà chúng ta có thể xâm nhập được. Hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật, không thể nói pháp bát nhã Ba la mật cho hàng Bồ Tát.
Ngay lúc ấy, Xá Lợi Phất cùng Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nói có Bồ Tát, vậy ở trong pháp, chỗ nào nói có Bồ Tát?
Chúng con chưa bao giờ thấy pháp có Bồ Tát, cũng không thấy Bồ Tát, cũng không thấy tên gọi Bồ Tát, cũng không thấy bát nhã Ba la mật.
Nay vì Bồ Tát nào mà nói pháp bát nhã Ba la mật?
Phật bảo Tu Bồ Đề: Bồ Tát và bát nhã Ba la mật cùng danh hiệu, không có ở trong, không có ở ngoài, không ở hai bên, cũng không ở giữa.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Ví như tên chúng sinh là chúng sinh. Nói ta, người, sống, người nam, kẻ sĩ, đàn ông, là làm, là biết, là hiểu.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Đặt ra tên của pháp rồi chấp vào tên của pháp ấy, pháp ấy cũng không sinh không diệt, từ trước đến nay chỉ truyền nhau danh tự mà thôi.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Gọi là bát nhã Ba la mật, là Bồ Tát, là danh hiệu của Bồ Tát tức là chấp vào danh tự. Bởi từ trước đến nay chỉ lưu hành tên pháp ấy, nhưng pháp ấy không sinh cũng không diệt.
Này Tu Bồ Đề! Ví như có sắc, thọ, tưởng, hành, thức đó là chấp trước vào danh tự các pháp. Từ xưa đến nay, do các nhân duyên hòa hợp tạo thành các pháp. Pháp do các nhân duyên hợp lại ấy không sinh cũng không diệt. Gọi là bát nhã Ba la mật, Bồ Tát và danh hiệu của Bồ Tát cũng như thế.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Gọi là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý là do từ trước tới nay chấp vào danh tự. Pháp ấy không sinh cũng không diệt. Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp cũng như vậy, không ở trong cũng không ở ngoài, không sinh cũng không diệt, từ trước đến nay chỉ chấp vào danh tự. Bát nhã Ba la mật, Bồ Tát và danh hiệu không ở trong cũng không ở ngoài, không ở hai bên cũng không ở giữa.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Ví như trong thân có tên đầu, vai, cổ, cánh tay, xương sườn, lá lách, mỡ, ruột già, chân. Các pháp này không sinh cũng không diệt, không ở trong, không ở ngoài, không ở hai bên, cũng không ở giữa. Do đó gọi là bát nhã Ba la mật, Bồ Tát và danh tự Bồ Tát cũng như vậy.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Ví như bên ngoài có cỏ, cây nhánh, lá, hoa, thân, từ xưa đến nay chỉ chấp vào danh tự. Nhưng danh tự này không sinh cũng không diệt, không ở trong cũng không ở ngoài. Bồ Tát, bát nhã Ba la mật và danh tự cũng như vậy.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Này Tu Bồ Đề! Ví như quá khứ Chư Phật Thế Tôn, từ trước đến nay nhân nơi danh tự mà an trụ, danh tự này không sinh cũng không diệt, không ở trong cũng không ở ngoài. Ví như mộng, tiếng vang, huyễn, quáng nắng, như sự giáo hóa của Như Lai đều dựa vào các pháp.
Do vậy, bát nhã Ba la mật, Bồ Tát và danh hiệu không sinh cũng không diệt, không ở trong cũng không ở ngoài, không ở hai bên cũng không ở giữa.
Phật bảo Tu Bồ Đề: đại Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật nên học về danh tự các pháp, hòa hợp các pháp, phương tiện quyền xảo các pháp, để hành trì bát nhã Ba la mật. Không thấy danh tự sắc, thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường, cũng không thấy danh tự năm ấm là khổ hay lạc.
Không thấy năm ấm có ngã hay không ngã. Không thấy năm ấm là không, vô tướng, vô nguyện. Không thấy năm ấm tịnh cũng không thấy năm ấm tịch. Không thấy chấp trước cũng không thấy chấp đoạn. Không thấy năm ấm sinh cũng không thấy năm ấm diệt. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Mười tám tánh cũng như thế.
đại Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật không thấy Bồ Tát, không thấy danh hiệu của Bồ Tát cũng lại không thấy trong tánh vô vi.
Tại sao?
Này Tu Bồ Đề, Đại Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật đối với các pháp không có tưởng niệm. Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật trụ trong pháp vô tưởng thành tựu ba mươi bảy phẩm trợ đạo mà hành bát nhã Ba la mật, nhưng không thấy bát nhã Ba la mật cũng không thấy tên bát nhã Ba la mật, không thấy Bồ Tát cũng không thấy danh hiệu Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật.
Thành tựu mười tám pháp bất cộng, không thấy bát nhã Ba la mật, không thấy tên bát nhã Ba la mật, không thấy danh hiệu Bồ Tát. Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật là vượt qua hết tướng các pháp. Bồ Tát đạt được siêu việt rồi, không chấp thường cũng không chấp đoạn.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật nên biết các pháp do danh tự và số lượng, có hiểu biết rồi không vướng vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Không vướng vào mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Không vướng vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Không vướng vào khổ, lạc.
Không vướng vào không khổ, không lạc. Không vướng vào tánh hữu vi. Không vướng vào tánh vô vi. Không vướng vào bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định. Cũng không vướng vào đại trí độ. Không vướng vào các tướng đẹp, không vướng vào thân Bồ Tát, không vướng vào năm căn.
Không vướng vào tuệ độ. Không vướng vào thần thông độ. Không vướng vào độ tuệ. Không vướng vào nội ngoại không. Không vướng vào sự có. Không vướng vào sự có của không. Không vướng vào sự giáo hóa chúng sinh. Không vướng vào Cõi Phật thanh tịnh, không vướng vào phương tiện quyền xảo. Do không thấy có pháp, nên không bị vướng vào pháp.
Phật bảo Tu Bồ Đề: đại Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật, đối với các pháp không có sự nhập vào nên sáu pháp Ba la mật được tăng trưởng, bước vào địa vị Bồ Tát, vượt qua địa vị không thoái chuyển, đầy đủ thần thông đi khắp Cõi Phật, giáo hóa chúng sinh, cúng dường lễ bái làm thanh tịnh Cõi Phật, được gặp hết Chư Phật, nương nơi Chư Phật, ước muốn điều gì cũng được như ý.
Bồ Tát nương nơi Phật Thế Tôn nghe pháp, đạt được các pháp Đà La Ni, pháp Tam Muội, Chánh Đẳng Giác không bị gián đoạn.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật nên biết tất cả các pháp như trên đều là danh tự.
Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao?
Sắc, thọ, tưởng, hành, thức có phải Bồ Tát không?
Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý có phải Bồ Tát không?
Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức là Bồ Tát không?
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Không phải như vậy.
Phật hỏi: Ý ông thế nào?
Địa, thủy, hỏa, phong, không, thức có phải là Bồ Tát không?
Tu Bồ Đề đáp: Bạch Thế Tôn! Không phải như vậy.
Phật hỏi: Si có phải là Bồ Tát không?…
Hành, thức, danh sắc, lục nhập, cho đến xúc, giác, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử là Bồ Tát không?
Tu Bồ Đề đáp: Bạch Thế Tôn! Không phải.
Phật hỏi Tu Bồ Đề: Ý ông nghĩ sao?
Ngoài năm ấm, sáu trần, sáu tình, mười tám tánh, địa, thủy, hỏa, phong không ngoài mười hai nhân duyên có phải là Bồ Tát không?
Tu Bồ Đề đáp: Bạch Thế Tôn! Không phải.
Phật hỏi Tu Bồ Đề: Ý ông nghĩ sao?
Năm ấm, mười hai nhân duyên có phải là Bồ Tát không?
Tu Bồ Đề: Bạch Thế Tôn! Không phải.
Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao?
Có phải lìa như vậy là Bồ Tát không?
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Không phải.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Ông quán các pháp nghĩa đó như thế nào mà nói năm ấm, sáu trần, mười hai nhân duyên… không phải là Bồ Tát.
Cũng không lìa năm ấm, sáu trần, mười hai nhân duyên… cũng là Bồ Tát?
Tôn Giả Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con chưa bao giờ thấy có chúng sinh nay dựa vào đâu nói có Bồ Tát?
Có phải năm ấm, sáu trần, mười hai nhân duyên là Bồ Tát, hay là lìa năm ấm, sáu trần, mười hai nhân duyên là Bồ Tát?
Như như cũng không phải là Bồ Tát, lìa Như không phải là Bồ Tát, không có việc như thế.
Thế Tôn tán thán Tu Bồ Đề: Lành thay, lành thay!
Này Tu Bồ Đề, Bồ Tát khi học nên học không sự thấy, không thấy có chúng sinh, không thấy có bát nhã Ba la mật.
Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao?
Cho rằng năm ấm là thường mà nói là Bồ Tát chăng?
Hay năm ấm vô thường mà cho là Bồ Tát?
Cho năm ấm là ngã sở mà cho là Bồ Tát, hay không phải là ngã sở mà cho là Bồ Tát?
Hay cho năm ấm, không, vô tướng, vô nguyện mà nói là Bồ Tát?
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không phải.
Phật bảo: Lìa năm ấm, không, vô tướng, vô nguyện là Bồ Tát chăng?
Tu Bồ Đề đáp: Bạch Thế Tôn! Không phải.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Ông quan sát các nghĩa ấy như thế nào mà nói năm ấm, không, vô tướng, vô nguyện, không phải là Bồ Tát, cũng không lìa năm ấm, không, vô tướng, vô nguyện là Bồ Tát chăng?
Tu Bồ Đề bạch Phật: Con chưa từng thấy năm ấm, nay vì sao nói năm ấm là Bồ Tát?
Con chưa từng thấy có thường, nay sao nói vô thường là Bồ Tát?
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con chưa từng thấy có lạc, nay sao nói năm ấm khổ là Bồ Tát?
Chưa từng thấy năm ấm, nay sao nói năm ấm vô ngã là Bồ Tát?
Chưa từng thấy có người, nay sao nói năm ấm không là Bồ Tát?
Chưa từng thấy có tướng, tại sao nói năm ấm vô tướng là Bồ Tát?
Chưa từng thấy có nguyện, tại sao nói năm ấm vô nguyện là Bồ Tát?
Bấy giờ Thế Tôn khen ngợi Tu Bồ Đề: Lành thay, lành thay! Đại Bồ Tát học từ năm ấm khởi lên không, vô tướng, vô nguyện. Không sự thấy, cũng không có sự chứng đắc. Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật nên học như vậy.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Những lời ông vừa nói, ta không thấy pháp nào có Bồ Tát cả. Đúng như lời ông nói.
Này Tu Bồ Đề! Pháp pháp không thấy nhau, pháp không thấy pháp tánh, pháp tánh cũng không thấy Pháp. Tánh năm ấm không thấy pháp tánh, tánh pháp tánh không thấy năm ấm, tánh sáu căn không thấy pháp tánh, pháp tánh không thấy sáu căn.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Tánh hữu vi không thấy tánh vô vi, tánh vô vi không thấy tánh hữu vi. Hữu vi không lìa vô vi, vô vi không lìa hữu vi.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Bồ Tát nhận thức như thế nên thực hành bát nhã Ba la mật thì đối với các pháp không có sự thấy, không thấy các pháp, không có e ngại, cũng không lo sợ, không hối hận, không giải đãi.
Vì sao?
Vì không thấy năm ấm, không thấy nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Không thấy sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Không thấy dâm, nộ, si. Không thấy mười hai nhân duyên. Không thấy ta, của ta. Không thấy biết, không thấy việc, không thấy ba cõi.
Không thấy Thanh Văn, Bích Chi Phật cũng không thấy Bồ Tát và pháp Bồ Tát. Không thấy Phật cũng không thấy Phật Pháp. Không thấy đạo cũng không thấy pháp nào cả nên không có sợ, không có lo, không có sợ sệt.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tại sao Bồ Tát không lo ngại sợ sệt?
Phật bảo Tu Bồ Đề: Vì Bồ Tát hiểu biết các pháp không thể nắm bắt cũng không thể thấy nên không lo sợ. Bồ Tát đối với các pháp nên học không có sự được, không có sự thấy, để hành bát nhã Ba la mật cũng không thấy Bồ Tát, không thấy có tên gọi Bồ Tát, không thấy ý của Bồ Tát. Đó chính là việc học và hành của Bồ Tát.
***