Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã

PHẬT THUYẾT

KINH PHÓNG QUANG BÁT NHÃ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Vô La Xoa, Đời Tây Tấn
 

PHẨM CHÍN MƯƠI

PHẨM CHÚC LỤY
 

Phật bảo Tu Bồ Đề: Lúc đó, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân đắc sáu vạn tam muội rồi, thấy hằng hà sa số mười phương tam thiên Đại Thiên Quốc Độ, thấy các Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác và Tỳ Kheo Tăng đại chúng vây quanh thuyết Ba la mật, cũng như ta ngày nay, vì các ông thuyết bát nhã Ba la mật. Mười phương Chư Phật cũng như vậy, tên là Thích Ca Văn.

Bồ Tát Tát đà ba luân học hỏi đầy đủ nên trí tuệ như biển, luôn luôn sinh vào chỗ có Phật, gần gũi Đức Phật, ở trong chiêm bao cũng nhớ đến Phật, vượt qua các nạn đã được tự tại.

Cho nên, Tu Bồ Đề, phải biết bát nhã Ba la mật làm cho các Đại Bồ Tát đạt đến nhất thiết trí. Nếu Bồ Tát muốn học sáu pháp Ba la mật, muốn đạt nhất thiết trí, cảnh giới Chư Phật, thì nên học hành bát nhã Ba la mật nên thọ trì giữ gìn đọc tụng, giảng nói ý nghĩa rộng rãi bên trong cho mọi người. Đem hoa đẹp, hương thơm, tràng phan, lọng báu của mình bằng nhiều phương tiện đem cúng dường cho Ngài.

Vì sao?

Vì bát nhã Ba la mật là chỗ tôn trọng của Chư Phật, là pháp đứng đầu các pháp.

Phật bảo A Nan: Ý ông thế nào?

Ông có tôn trọng kính mến Như Lai không?

A Nan đáp: Dạ vâng thưa Thế Tôn, con kính mến Như Lai, điều ấy Như Lai tự biết.

Phật nói: Ông thật kính mến Như Lai. Này A Nan, ông theo ta từ trước đến nay, thân, khẩu, ý ông thường từ hòa tốt đẹp. Nay ta đã già, ông đã làm hoàn tất công việc cúng dường của người đệ tử. Ông từ nay trở đi cung kính vâng thờ bát nhã Ba la mật.

Thế Tôn đã chúc lụy ba lần như vậy.

Vì sao Ngài ân cần tôn trọng như thế?

Là vì Ngài muốn làm cho bát nhã Ba la mật không đoạn diệt. Nếu bị đoạn diệt thì tất cả chúng sinh chịu cảnh mù tối. Ở đời, nếu bát nhã Ba la mật không bị đoạn tuyệt thì Chư Phật Như Lai cũng không đoạn tuyệt. Nếu bát nhã Ba la mật bị đoạn tuyệt thì Chư Phật Như Lai sẽ đoạn tuyệt.

Này A Nan! Nếu bát nhã Ba la mật còn ở đời thì phải biết Như Lai thường trụ thuyết pháp. Tất cả chúng sinh không rời Phật, không rời việc thuyết pháp.

Này A Nan! Nếu có người biên chép, phúng tụng, nhớ nghĩ, tu hành giải nói nghĩa Kinh và cúng dường quuyển Kinh Bát Nhã Ba La Mật, lại dạy người khác biên chép phúng tụng, rộng nói cho người hiểu thì phải biết người này thường gặp Chư Phật, không lìa Chư Phật.

Khi Phật nói như vậy, Bồ Tát Di Lặc, Trưởng Lão Tu Bồ Đề, Tôn Giả Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên, Phân Nậu Văn Đà Ni Tử, Ma Ha Câu Hy La, Ma Ha Ca Chiên Diên, Hiền Giả A Nan. Tất cả hội chúng, Chư Thiên, A Tu La, nghe Phật thuyết rồi, đều vui mừng đến trước Phật đảnh lễ.

***