Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã

PHẬT THUYẾT

KINH PHÓNG QUANG BÁT NHÃ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Vô La Xoa, Đời Tây Tấn
 

PHẨM HAI MƯƠI

PHẨM ĐÀ LA NI
 

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Đại thừa là gì?

Đó là bốn ý chỉ: Bồ Tát tự quán thân mình, quán thân người, quán nội ngoại thân nhưng không có thân tưởng cũng không có chấp thủ, khi hành động hoặc khi thiền định thường nghĩ đến sự thống khổ do ngu si ở thế gian. Quán nội thọ, tâm, pháp.

Này Tu Bồ Đề! Thế nào là Bồ Tát quán sự hoạt động bên trong của thân?

Bồ Tát đang đi biết đang đi, đang đứng biết đang đứng, đang ngồi biết đang ngồi, đang nằm biết đang nằm. Bồ Tát biết rõ các hành động của thân. Đó là Bồ Tát quán sát tự thân khi hành động, khi thiền định đều nhớ nghĩ đến sự khổ não của thế gian.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát ra vào lui tới đều an nhàn, ghi nhớ không quên, ngồi nằm hai bên cũng bình tĩnh, mặc ba y đúng pháp không mất oai nghi, thực hành bát nhã Ba la mật. Bồ Tát tự quán nội ngoại thân, tu tập như vậy mà không có sự chấp trước, Bồ Tát luôn theo dõi hơi thở vô, hơi thở ra. Hơi thở dài biết hơi thở dài, hơi thở ngắn biết hơi thở ngắn.

Giống như cái bàn xoay của người thợ gốm, do điều khiển mà có nhanh có chậm. Bồ Tát tự theo dõi hơi thở và ý niệm, đó là Bồ Tát quán nội thân, khi hoạt động cũng như khi thiền định, thường nghĩ đến sự thống khổ ngu si ở thế gian.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Do thực hành bát nhã Ba la mật này thường quán sát mà phân biệt bốn đại: Địa, thủy, hỏa, phong của thân, như mổ trâu rồi phân làm bốn phần. Bồ Tát quán bốn phần phân biệt của thân, từ xưa đến nay đều như vậy. Đó là Bồ Tát quán cả trong ngoài thân mà không có sự chấp trước.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát quán thân từ đầu đến chân toàn là những thứ bất tịnh: Tóc, lông, răng, móng, xương, tủy, năm tạng và ba mươi sáu vật chẳng có gì để tham đắm. Giống như những bồ chứa của nhà nông đựng đầy ngũ cốc, người có mắt mở những bồ chứa ra và phân tích, biết rõ.

Bồ Tát quán những thứ ở trong thân cũng như vậy. Đó là Bồ Tát tự quán nội thân, khi sinh hoạt cũng như khi thiền định thường nghĩ nhớ đến sự si, ái và thống khổ ở thế gian thì chẳng có gì để chấp trước.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Bồ Tát quán sát thân người, từ ngày mới chết đến ngày thứ năm. Cơ thể trương sình lên, thâm tím, thối nát, máu mủ tràn lan, không còn chỗ nào là sạch sẽ.

Hoặc bị chim thú ăn, hoặc ăn hết hoặc ăn một nửa, gớm ghiếc bất tịnh. Hoặc có người chết chỉ còn gân dính xương, máu chảy tràn lan. Hoặc có người chết máu thịt đã hết, gân xương lẫn lộn. Hoặc có người chết máu thịt đã hết chỉ còn gân xương vung vãi khắp nơi.

Hoặc có người chết đã lâu, đốt xương ngã màu xanh, màu trắng đã vụn nát hoặc cùng màu với đất. Bồ Tát đều khởi lên ý tưởng này, quán tưởng như vậy rồi trở lại quán thân ta, nếu chưa giải thoát chưa xa lìa pháp này thì cũng sẽ như vậy. Đó là Bồ Tát quán pháp ở trong thân mình và thân người khác để không còn tham trước, đam mê.

Khi tạo tác cũng như khi thiền định, Bồ Tát thường nghĩ nhớ đến sự si mê, thống khổ và tai họa ở thế gian. Bồ Tát quán pháp giác ý của mình cũng như người khác, phân biệt, nhớ nghĩ để đoạn trừ tâm si mê.

Này Tu Bồ Đề! Đấy là đại thừa của Đại Bồ Tát.

Lại có đại thừa dần dần chế ngự bốn ý đoạn.

Những gì là bốn?

1. Đối với các pháp xấu trong tâm chưa sinh, phải thường chế ngự hành động, siêng năng giữ ý làm cho nó không sinh.

2. Pháp xấu trong tâm đã sinh khởi phải siêng năng chế ngự, hộ trì ý làm cho nó đoạn diệt.

3. Pháp lành chưa sinh phải siêng năng tu tập làm cho nó được sinh.

4. Pháp lành đã sinh muốn được đầy đủ, truyền rộng không mất, nên siêng năng gom giữ tâm làm cho nó được thành tựu. Đó là đại thừa của Đại Bồ Tát.

Tu Bồ Đề! Lại có đại thừa gọi là bốn thần túc.

Đó là:

1. Bồ Tát dùng định với ý muốn đoạn trừ các sự tạo tác, gia hành đạt được thần túc.

2. Dùng định với tinh tấn đoạn trừ các sự tạo tác, gia hành đạt được thần túc.

3. Dùng định với trì ý đoạn trừ các sự tạo tác, gia hành đạt được thần túc.

4. Dùng định với trí tuệ đoạn trừ các sự tạo tác, gia hành đạt được thần túc.

Đó là đại thừa của Đại Bồ Tát.

Này Tu Bồ Đề! Lại có đại thừa là năm căn.

Năm căn là gì?

Tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, trí tuệ căn. Đó là đại thừa của Đại Bồ Tát.

Này Tu Bồ Đề! Lại có đại thừa là năm lực.

Năm Lực là gì?

Tín lực, tinh tấn lực, niệm lực, định lực, trí tuệ lực. Đó là đại thừa của Đại Bồ Tát.

Này Tu Bồ Đề! Lại có đại thừa là bảy giác ý.

Đó là niệm giác ý.

Pháp giác ý.

Tinh tấn giác ý.

Duyệt hỷ giác ý.

Tín giác ý.

Định giác ý.

Vô sở trước giác ý.

Đó là đại thừa của Đại Bồ Tát.

Này Tu Bồ Đề! Lại có đại thừa là tám Thánh đạo.

Đó là Chánh kiến.

Chánh niệm.

Chánh ngữ.

Chánh hành.

Chánh nghiệp.

Chánh tập.

Chánh chí.

Chánh định.

Đó là đại thừa của Đại Bồ Tát mà không có chấp trước.

Tu Bồ Đề! Lại có đại thừa gồm ba tam muội.

Đó là tam muội không.

Tam muội vô tướng.

Tam muội vô nguyện.

Đó là đại thừa của Đại Bồ Tát.

Lại có đại thừa gồm các trí tuệ:

Khổ tuệ.

Tập tuệ.

Tận tuệ.

Đạo tuệ.

Tiêu tuệ.

Vô sở khởi tuệ.

Pháp tuệ.

Minh tuệ, các tri tha nhân số niệm tuệ và chân tuệ.

Thế nào là khổ tuệ?

Sự khổ không còn sinh gọi là khổ tuệ.

Tập khí đoạn diệt gọi là tập tuệ.

Diệt hết các sự khổ gọi là tận tuệ.

Thánh đạo tám ngành gọi là đạo tuệ.

Làm cho tham dục, sân hận, ngu si chấm dứt gọi là tiêu tuệ.

Không còn rơi vào vòng sinh tử gọi là bất khởi tuệ.

Biết rõ sự đoạn trừ năm ấm là tuệ pháp.

Biết rõ mắt.

Tai.

Mũi.

Lưỡi.

Thân.

Ý vô thường và sắc.

Thanh, hương.

Vị.

Xúc.

Pháp cũng vô thường nên gọi là minh tuệ. Biết được tất cả những tâm niệm khởi lên trong tâm của chúng sinh gọi là tuệ biết các ý niệm của người khác. Trí nhất thiết của Như Lai gọi là chân tuệ. Đối với những pháp ấy Bồ Tát không có sự chấp trước.

Tu Bồ Đề! Đó là đại thừa của Đại Bồ Tát gồm ba căn: Năm căn của người học đạo từ bạch y cho đến quả Tu Đà Hoàn, những điều chưa từng biết phải biết. Từ Tu Đà Hoàn đến A Na Hàm cũng có năm căn cần nên biết đã biết. Từ A La Hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát cho đến quả Phật cũng có năm căn, những điều đã biết không cần học lại. Phải biết đó là đại thừa của Bồ Tát.

Này Tu Bồ Đề! Lại có đại thừa tên là ba tam muội. Đó là có giác có quán, không giác có quán và thứ ba là không giác không quán. Có giác có quán là Thiền thứ nhất.

Thế nào là không giác có quán?

Trong khoảng từ Thiền thứ nhất đến Thiền thứ hai gọi là không giác có quán.

Thế nào là không có giác không có quán?

Từ Thiền thứ hai trở đi không còn tư tưởng, không có tư tưởng chỉ có trí tuệ thiền gọi là không có giác không có quán. Đó là đại thừa của Đại Bồ Tát.

Này Tu Bồ Đề! Lại có đại thừa tên là Thập niệm. Đó là Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên, niệm diệt, niệm hơi thở, niệm nỗi khổ của thân, niệm chết, tất cả đều không có sự chấp trước, gọi là đại thừa.

Này Tu Bồ Đề! Lại có đại thừa tên là bốn thiền, bốn tâm bình đẳng, bốn thiền vô hình, tám thiền duy vô, chín thiền thứ đệ, mười lực của Phật, bốn vô sở úy.

Mười lực ấy là gì?

Đức Phật thị hiện với thân tướng tốt, thần túc biến hóa làm tác động kẻ có tâm tà vạy phải quay về nẻo chánh, đó là lực thứ nhất.

Miệng nói ra những lời cao thượng hơn người, làm cho kẻ ngu si cố chấp được khai mở giải thoát, đó là lực thứ hai.

Ý nhập vào không định thanh tịnh đạt được sáu phép thần thông, dù tà thần nhiễu loạn nhưng đạo chí vững bền, là lực thứ ba.

Lực thứ tư là im lặng chấm dứt vọng tưởng, thần túc vô vi làm chấn động tam thiên đại thiên Thế Giới, mặt trời, mặt trăng làm nhân loại khiếp sợ.

Lực thứ năm là thông suốt ý đạo, diễn giảng giáo pháp giáo hóa truyền khắp mười phương đều đạt được đạo.

Lực thứ sáu là đối với ý nghĩ và cảnh giới họ đi đến, dầu cho bị trói hoặc được giải thoát thì đều được giải thoát.

Lực thứ bảy có trí tuệ lớn thông hiểu tất cả những họa phước trong ba đời đã tạo ra mà hiện nay chưa thọ quả báo.

Lực thứ tám là biết được nguyên nhân sâu xa của chúng sinh trước đây do tạo nghiệp khác nhau nên thọ thân không đồng.

Lực thứ chín là dùng tuệ nhãn thanh tịnh thông suốt vô hạn nên thấy được sự luân hồi của chúng sinh trong sinh tử.

Lực thứ mười là trí tuệ đã đầy đủ, phương tiện đã sẵn sàng, sinh tử đã chấm dứt, hành nghiệp đã đoạn tận, việc làm đã xong, không còn trở lại đời sống này nữa, tự nhiên, không có thầy, tự xưng là trí nhất thiết.

Bốn đức vô úy: Phật là Bậc Chánh Đẳng Giác nên hàng Sa Môn, Bà La Môn, Ma Vương, Chư Thiên, Phạm Vương và các chúng khác không ai có khả năng cật vấn Ngài.

Ngài cũng không thấy ai có khả năng đó. Vì chứng được pháp này nên Ngài tu hành an ổn, đạt được vô sở úy thứ nhất.

Hạnh tinh tấn của Ngài đạt đến chỗ cao tột, nên ở giữa loài người Ngài có thể cất tiếng như tiếng rống sư tử và chuyển bánh xe pháp mà hàng Sa Môn, Bà La Môn, Chư Thiên, Ma Vương, Phạm Thiên và các chúng khác không thể chuyển được, chỉ có Phật mới có thể chuyển được, đó là vô sở úy thứ hai.

Đức Phật đã đoạn tận lậu hoặc nên hàng Sa Môn, Bà La Môn, Chư Thiên, Ma Vương, Phạm Thiên không ai dám nói lậu hoặc của Phật chưa đoạn tận là vô sở úy thứ ba.

Những lời Phật dạy chân thật không trái với quả báo thiện ác và có kết quả đúng theo hành động, những chúng khác như Chư Thiên, Ma Vương, Phạm Thiên không ai dám trái lời Phật. Như lời Đức Phật dạy, thực hành tám Thánh Đạo sẽ đắc đạo và vượt qua thống khổ, tất cả chúng khác như Chư Thiên, Ma, Phạm không ai có thể đi ngược lại sự giáo hóa ấy. Đức Phật cũng không có sự quan tâm điều này, đó là vô sở úy thứ tư.

Đó là đại thừa của Đại Bồ Tát mà không có sự chấp thủ.

Này Tu Bồ Đề! Lại có đại thừa tên là bốn trí tuệ vô ngại. Đó là trí tuệ vô ngại biết được hết tất cả các pháp. trí tuệ vô ngại có thể không đạt các ngôn từ. Trí tuệ vô ngại có thể phân biệt biện tài. Trí tuệ vô ngại nên những điều nói ra đều rõ ràng. Đó là đại thừa của Đại Bồ Tát.

Tu Bồ Đề! Lại có đại thừa gồm mười tám pháp của Phật:

1. Chư Phật từ khi thành Phật đến nay không có sai lầm.

2. Từ khi thành Phật đến nay không nói lời thô tháo, sai sót.

3. Luôn chánh niệm.

4. Không có các loại vọng tưởng.

5. Ý luôn ở trong định.

6. Đã rõ rồi không quan tâm đến nữa.

7. Sự tự tại không giảm.

8. Sự tinh tấn không giảm.

9. Chí niệm không giảm.

10. Trí tuệ không giảm.

11. Sự giải thoát không giảm.

12. Giải thoát tri kiến không giảm.

13. Mọi thân nghiệp đều làm theo trí tuệ.

14. Mọi khẩu nghiệp đều làm theo trí tuệ.

15. Mọi ý nghiệp đều làm theo trí tuệ.

16. Thấy các nghiệp trong quá khứ với trí tuệ vô ngại.

17. Thấy các nghiệp trong tương lai với trí tuệ vô ngại.

18. Thấy các nghiệp trong hiện tại với trí tuệ vô ngại.

Đó là đại thừa nhưng không có chấp trước.

Tu Bồ Đề! Lại có đại thừa tên là Đa La Ni Mục Khư.

Đà La Ni mục khư là gì?

Là cùng với các chữ và lời nói mà chữ đi vào trong pháp môn.

Những gì là quán tự môn?

1. Chữ A là phép quán các pháp không có sự ra vào.

2. Chữ La là không có trần cấu đối với các pháp.

3. Chữ Ba đối với các pháp, Niết Bàn là chân lý cao tột.

4. Chữ Gia không có sự sinh tử đối với các pháp.

5. Chữ Na đối với các pháp chữ Tự đã quán xong. Dù cội gốc đã quán xong nhưng không cho là được hay mất.

6. Chữ La được diệt hết những duyên phụ đã vượt qua được biển ái.

7. Chữ Đà là các pháp như không đoạn tuyệt.

8. Chữ Ba các pháp đã xa lìa lao ngục.

9. Chữ Trà các pháp đã hết cấu uế.

10. Chữ Sa các pháp không có ngăn ngại.

11. Chữ Hòa các pháp đã chấm dứt lời nói và hành động.

12. Chữ Đa các pháp như bất động.

13. Chữ Dạ các pháp thật không chỗ sinh.

14. Chữ Tra các pháp mạnh bạo không thể thấy.

15. Chữ Gia sự tạo tác của các pháp cũng không thể thấy.

16. Chữ Sa khi các pháp không thủ đắc thì không chuyển được.

17. Chữ Ma bản ngã của ta và các pháp không thể thấy.

18. Chữ Gia sự thọ trì của các pháp không thể thấy.

19. Chữ Tha vị trí của các pháp không thể nắm bắt.

20. Chữ Xà không nắm bắt chỗ sinh của các pháp.

21. Chữ Thấp ba sự khéo léo của các pháp không thể nắm bắt.

22. Chữ Đại tánh của các pháp không thể nắm bắt.

23. Chữ Xá sự vắng lặng của các pháp không thể nắm bắt.

24. Chữ Khư sự rỗng không của các pháp không thể nắm bắt.

25. Chữ Xoa sự tiêu diệt các pháp không thể nắm bắt.

26. Chữ Xí các pháp ở trong vị trí của nó không thể lay động.

27. Chữ Nhã trí tuệ của các pháp không thể nắm bắt.

28. Chữ Y đà nghĩa của các pháp không thể nắm bắt.

29. Chữ Phồn ý nghĩa của các pháp không thể nắm bắt hết.

30. Chữ Xa trong các pháp không có pháp nào đáng vứt bỏ.

31. Chữ Ma các pháp không có gò đống.

32. Chữ Phả các pháp không thể phân biệt.

33. Chữ Tha sự tử vong của các pháp không thể nắm bắt.

34. Chữ Nga các pháp không có quần đảng.

35. Chữ Ra các pháp tuy có sai khác nhưng có vị trí riêng.

36. Chữ Na các pháp không đến cũng không đi, không đứng cũng không ngồi, không nằm và không sai khác.

37. Chữ Phá các pháp không an ổn trong tam giới.

38. Chữ Ca tánh của các pháp không thể nắm bắt.

39. Chữ Sai các pháp không thể bình thường.

40. Chữ Ta sự phân chia và xả bỏ của các pháp không thể nắm bắt.

41. Chữ Tra trong các pháp không có sự vượt qua.

42. Chữ Đồ các pháp đã đến chỗ tận cùng rốt ráo không còn sinh tử nữa.

Như vậy các chữ số trên không vượt qua chữ Đồ.

Vì sao?

Vì đến chữ đó không còn số cũng không thể nghĩ rằng chữ này có mất, cũng không thấy, cũng không thể nói, không thể ghi chép cũng không hiện hữu.

Này Tu Bồ Đề! Các pháp không như hư không, pháp quán tự này là cửa ngõ để vào Đà La Ni. Nếu vị Bồ Tát nào hiểu rõ pháp quán tự này thì dù không trụ vào số ngôn ngữ này, nhưng với trí tuệ vẫn hiểu biết rõ ngôn ngữ này.

Nếu có Đại Bồ Tát nghe được câu giải thích của bốn mươi hai chữ này liền thọ trì đọc tụng hoặc vì người khác giải nghĩa nó, người ấy nếu không đem vọng kiến thọ trì sẽ được hai mươi công đức:

1. Có năng lực ghi nhớ và phân biệt.

2. Có năng lực về tàm quý.

3. Có năng lực tu hành kiên cố.

4. Có năng lực về giác tri.

5. Có năng lực biện tài nói năng khôn khéo.

6. Có năng lực về Đà La Ni.

7. Không nói những việc gấp gáp.

8. Trọn đời không hoài nghi đối với Kinh.

9. Nghe điều lành không vui, nghe điều ác không buồn.

10. Bản thân không tự cao, tự ti.

11. Đi lại đàng hoàng không mất oai nghi.

12. Hiểu rõ năm ấm và sáu trần.

13. Thông thạo bốn đế và mười hai nhân duyên.

14. Khéo hiểu biết và phân biệt nhân duyên.

15. Giỏi các pháp, đầy đủ trí tuệ và các căn.

16. Biết rõ sự báo ứng lành dữ do ý niệm của người khác.

17. Với Thiên nhĩ nghe được tất cả và biết được túc mệnh.

18. Khéo biết chỗ sinh của chúng sinh.

19. Có thể làm tiêu sạch các lậu hoặc.

20. Qua lại khắp nơi và khéo dạy bảo.

Này Tu Bồ Đề! Đó là môn Tổng trì Đà La Ni, là pháp môn bằng chữ, là pháp môn đi vào, chính là Bồ Tát Ma Ha Tát, đó là đại thừa của Đại Bồ Tát.

***