Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã

PHẬT THUYẾT

KINH PHÓNG QUANG BÁT NHÃ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Vô La Xoa, Đời Tây Tấn
 

PHẨM MƯỜI BỐN

PHẨM LIỄU BỔN
 

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bồ Tát hiệu là Bồ Tát, nghĩa của từ ấy thế nào?

Đức Phật bảo Tu Bồ Đề: Nghĩa của từ Bồ Tát là không có sở hữu.

Vì sao?

Đạo vốn không có câu nghĩa, không có ngã, nghĩa Bồ Tát cũng vậy.

Tu Bồ Đề! Ví như chim bay trong hư không không để dấu chân, nghĩa Bồ Tát cũng vậy. Ví như mộng, huyễn hóa, sóng nắng và sự biến hóa của Như Lai không thật có, nghĩa Bồ Tát cũng như vậy. Cũng như pháp tánh và chân tế không thật có. Ví như năm ấm của người huyễn không thể thấy và nắm bắt được, nghĩa của Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật cũng vậy. Ví như người huyễn hành nội và ngoại không không thật có, nghĩa của Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật cũng vậy.

Tu Bồ Đề! Ví như năm ấm của Phật không thể nắm bắt được.

Vì sao?

Vì không có năm ấm thì Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật không thấy câu và nghĩa của Bồ Tát.

Tu Bồ Đề! Ví như sáu căn của Bậc Như Lai Chánh Đẳng Giác không thật có, nghĩa của Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật cũng vậy.

Tu Bồ Đề! Ví như Phật hành nội và ngoại không, biên giới ấy không thể thấy được, hành ba mươi bảy phẩm trợ đạo và mười tám pháp bất cộng cũng không thể thấy được, nghĩa Bồ Tát cũng vậy. Tánh hữu vi, vô vi cũng không có nghĩa.

Tu Bồ Đề! Ví như những từ không sinh, không diệt, không thật có, không tạo tác, không chấp trước, không đoạn diệt cũng không thật có.

Tu Bồ Đề hỏi: Không sinh, không đoạn diệt, không chấp trước, không có, không tạo tác là những gì?

Đức Phật đáp: Đó là năm ấm không sinh, không diệt, không chấp trước, không đoạn diệt cũng không thể thấy sáu căn, sáu trần, mười tám giới. Năm ấm không chấp trước vào ba mươi bảy phẩm trợ đạo và mười tám pháp bất cộng, không chấp trước, không đoạn diệt cũng không thể thấy nghĩa, nghĩa Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật cũng vậy.

Tu Bồ Đề! Ví như ba mươi bảy phẩm trợ đạo và mười tám pháp bất cộng vốn là tịnh không có nghĩa, nghĩa Bồ Tát cũng vậy. Ví như tôi, ta tịnh thì nó không có biên giới. Ta, người, chúng sinh, thọ mạng tịnh hoàn toàn không thể thấy được, vì không có biên giới, nghĩa Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật cũng vậy.

Tu Bồ Đề! Ví như Thế Tôn đầy đủ giới nên những tập khí, ác giới từ trước không còn xuất hiện. Đã đắc định nên những hiện tượng làm loạn ý không còn xuất hiện. Đã được trí tuệ nên không còn dấu vết ngu si. Được giải thoát nên không còn thấy vết tích của chưa giải thoát. Đã chứng tuệ giải thoát thì không thấy tuệ không giải thoát.

Ví như hào quang của Phật xuất hiện thì không còn thấy ánh sáng của mặt trời, mặt trăng và ánh sáng Chư Thiên Đao Lợi cho đến Chư Thiên Hữu Đảnh. Cũng vậy, tất cả nghĩa của Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật không thể thấy. Vì đạo và nghĩa của Bồ Tát không hợp cũng không tan, không có bóng dáng, không thể thấy được, không có một tướng đối đãi, một tướng là chẳng phải tướng.

Tu Bồ Đề! Đối với các pháp, Bồ Tát nên học nhưng không chấp trước thì hiểu biết hết tất cả các pháp.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Các pháp ấy là những gì?

Thế nào là các Bồ Tát học các pháp mà không chấp trước?

Thế nào là Bồ Tát hiểu biết các pháp?

Đức Phật bảo Tu Bồ Đề: Các pháp ấy là pháp thiện, pháp ác, pháp ký, pháp vô ký, pháp tục, pháp đạo, pháp hữu lậu, pháp vô lậu, pháp hữu vi và pháp vô vi, đó là những pháp Bồ Tát cần học, kể cả không chấp trước.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Thiện pháp của thế gian là những gì?

Đức Phật bảo Tu Bồ Đề: Thiện pháp của thế gian như hiếu thuận cha mẹ, cúng dường Sa Môn, tu sĩ. Nuôi dưỡng người già, thi hành các việc phước, giữ thân thủ tiết, chuyên cần nuôi lòng thiện, tôn trọng phương tiện mười thiện nghiệp.

Có pháp tục quán chiếu về nội thân như: Tưởng thối nát, tưởng sình trướng, tưởng máu, tưởng thú ăn không hết, tưởng rơi vãi, tưởng xương, tưởng cháy một nửa, bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn thiền vô sắc. Tưởng Phật, Pháp, Tăng, tưởng Giới, Thí, Thiên. Tưởng tinh tấn, tưởng hơi thở, tưởng thân, tưởng chết. Tu Bồ Đề, đó là pháp thiện của thế gian.

Ác pháp của thế gian là sát sinh, trộm cướp, tà hạnh, ác khẩu, vọng ngôn, ỷ ngữ, tật đố, tà kiến. Đó là ác pháp của thế gian.

Những gì là pháp ký?

Đó là thiện pháp và ác pháp.

Những gì là vô ký?

Đó là pháp không có sự cộng tác của thân, khẩu, ý, năm ấm, bốn đại, mười hai xứ và mười tám giới.

Những gì là pháp thế tục?

Pháp thế tục gồm có năm ấm, mười hai xứ, mười tám giới, mười thiện nghiệp, bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn thiền vô sắc.

Những gì là pháp đạo?

Đó là ba mươi bảy phẩm trợ đạo, ba môn giải thoát, ba căn, ba tam muội giải thoát nhiếp ý, tám giải thoát, chín cấp độ thiền, mười tám không, mười lực của Phật, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng, đó là pháp đạo.

Những gì là pháp lậu?

Pháp hữu lậu: Năm ấm, mười hai xứ, mười tám giới, mười hai nhân duyên, bốn thiền, bốn thiền vô sắc, đó là pháp lậu.

Những gì là pháp vô lậu?

Pháp vô lậu: Ba mươi bảy phẩm trợ đạo và mười tám pháp bất cộng, đó là pháp vô lậu.

Những gì là pháp hữu vi?

Pháp hữu vi: Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới, ba mươi bảy phẩm trợ đạo và mười tám pháp bất cộng, đó là pháp hữu vi.

Những gì là pháp vô vi?

Pháp vô vi là không sinh, không diệt, không thỉ, không chung, không trụ, không biến đổi. Hoàn toàn không có dâm, nộ, si, như pháp tánh và chân tế vẫn như vậy, đó là pháp vô vi. Đại Bồ Tát đối với pháp vô tướng không chấp trước, không khuynh động giác ngộ. Các pháp là không hai.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Sao gọi là Đại?

Phật nói: Vị ấy nhất định là người thượng thủ trong các đại chúng vì vậy nên gọi là đại.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Vị ấy sẽ làm thượng thủ ở chúng sinh nào?

Phật bảo Tu Bồ Đề: Đại chúng đây có nghĩa là hàng Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật, Đại Bồ Tát mới phát tâm đến bậc không thoái chuyển, đó là các đoàn thể đại chúng. Bồ Tát sẽ làm thượng thủ trong hội ấy. Ở trong ấy, vị nào phát tâm Kim cang thì làm thượng thủ.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là tâm Kim cang?

Phật bảo Tu Bồ Đề: Đại Bồ Tát phát tâm như vậy: Ta sẽ trải qua vô số kiếp chịu khổ sinh tử làm hạnh tinh tấn. Ta sẽ vì chúng sinh mà xả bỏ tất cả vật sở hữu. Ta sẽ đem tâm bình đẳng đối với các chúng sinh.

Ta sẽ dùng ba thừa cứu độ chúng sinh làm cho họ đạt đến Niết Bàn, nhưng không thấy có chúng sinh được Niết Bàn. Ta sẽ thông hiểu các pháp không sinh từ đâu, thường thực hành sáu pháp Ba la mật bằng trí nhất thiết. Ta sẽ học và cứu tế tất cả. Tu Bồ Đề, đó là tâm Kim cang của Bồ Tát.

Bồ Tát lại phát tâm: Ta sẽ chịu thống khổ thay chúng sinh trong địa ngục, ngạ quỷ. Ta sẽ chịu thống khổ thay chúng sinh trong số kiếp, làm cho chúng sinh hoàn toàn an nghỉ nơi Niết Bàn rồi mới tự mình trải qua vô số kiếp tu hành để thành Chánh Đẳng Giác.

Tu Bồ Đề! Đó là Bồ Tát phát tâm Kim cang làm thượng thủ trong đại chúng.

Tu Bồ Đề! Bồ Tát nên phát tâm vi diệu, do tâm vi diệu nên làm thượng thủ trong đại chúng. Khi phát tâm rồi về sau vị ấy không sinh dâm, nộ, si, nên không làm phiền chúng sinh, cũng không phát tâm Thanh Văn hay Bích Chi Phật.

Đó là Đại Bồ Tát phát tâm vi diệu làm thượng thủ trong đại chúng, nhưng cũng không tự cao, thường phát tâm trí nhất thiết ủng hộ chúng sinh cũng không bỏ chúng sinh và thường thực hành pháp, vui với pháp.

Hỏi: Những gì là pháp lạc?

Đáp: Tùy theo sự hiểu biết của mình mà thọ trì đọc tụng. Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật nơi các pháp không, làm người dẫn đường cho đại chúng cũng không cậy vào sự chứng đắc. Bồ Tát an trụ ở trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo và mười tám pháp bất cộng làm thượng thủ cho đại chúng nhưng không cậy vào tri kiến.

Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật an trụ ở hạnh như tam muội Kim cang cho đến tận hư không giới cũng không bị nhiễm để đạt đến tam muội Giải thoát, làm thượng thủ cho đại chúng nhưng không có chỗ chứng đắc và ỷ lại.

Tu Bồ Đề! Bồ Tát an trụ vào pháp và địa này thì có thể làm thượng thủ cho chúng sinh, nên gọi là Đại.

***