Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã

PHẬT THUYẾT

KINH PHÓNG QUANG BÁT NHÃ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Vô La Xoa, Đời Tây Tấn
 

PHẨM MƯỜI SÁU

PHẨM HỎI VỀ ĐẠI THỆ NGUYỆN
 

Bấy giờ, Bân Nậu Văn đà ni Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con cũng xin nói về Ma Ha Tát.

Đức Phật bảo: Ông hãy nói đi.

Bân Nậu nói: Bồ Tát dùng dây cương đại công đức nên đi xe đại thừa, vì thế gọi là Ma Ha Tát.

Xá Lợi Phất hỏi Bân Nậu: Đại Bồ Tát dùng những công đức nào mà gọi là Ma Ha Tát?

Bân Nậu đáp: Đại Bồ Tát hành bố thí Ba la mật không chỉ giới hạn với người mà bố thí cho các chúng sinh, vì tất cả chúng sinh. Vị ấy thực hành trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, bát nhã Ba la mật. Vì tất cả chúng sinh, Bồ Tát thực hành khổ hạnh.

Bồ Tát lập đại hoằng thệ nguyện không giới hạn với tất cả chúng sinh, không nói rằng ta sẽ hóa độ có giới hạn trong những người có quan hệ chứ không độ cho những người khác. Cũng không nói rằng sẽ hóa độ những người gần gũi với đạo chứ không hóa độ những người khác.

Vì tất cả chúng sinh nên Bồ Tát phát đại nguyện rằng: Bản thân ta phải đầy đủ sáu pháp Ba la mật và giáo hóa mọi người đầy đủ sáu pháp Ba la mật bằng trí nhất thiết, với tâm nguyện đem công đức này hồi hướng cho tất cả chúng sinh đều thành tựu Chánh Đẳng Giác.

Tôn Giả Xá Lợi Phất! Đó là Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật mà làm việc Bố thí.

Lại nữa, Bồ Tát bố thí bằng trí nhất thiết, không cầu quả vị La Hán và Bích Chi Phật, đó là Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật làm việc bố thí và trì giới Ba la mật.

Bồ Tát bố thí dùng trí nhất thiết nghĩ về pháp mà thực hành, đó là thực hành nhẫn nhục Ba la mật. Như vị ấy siêng năng trong việc đáng làm, đó là tinh tấn Ba la mật. Nhiệt tình bố thí thì hợp với trí nhất thiết, hoàn toàn không có niệm Thanh Văn hay Bích Chi Phật, đó là tu tập thiền định Ba la mật.

Sự bố thí giống như huyễn, không thấy có người thí, vật đem thí và người nhận thí, đó là Bồ Tát bố thí tu tập bát nhã Ba la mật bằng trí nhất thiết, Bồ Tát không tưởng chấp vào các độ. Nên biết đó là Bồ Tát hành đại thệ nguyện.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát trì giới Ba la mật song song với việc bố thí bằng trí nhất thiết, đem công đức bố thí hồi hướng cho tất cả chúng sinh cùng cầu Chánh Đẳng Giác, đó là Bồ Tát trì giới Ba la mật mà đủ cả bố thí Ba la mật.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Bồ Tát trì giới Ba la mật mà đầy đủ tinh tấn là vì vị ấy tu tập tinh tấn Ba la mật. Bồ Tát trì giới Ba la mật tâm không cầu quả vị La Hán hay Bích Chi Phật. Bồ Tát trì giới Ba la mật xem các độ như tướng huyễn, không tự cao cũng không ỷ lại.

Đó là Bồ Tát trì giới Ba la mật bằng bát nhã Ba la mật, chính vì vị ấy trì giới Ba la mật nên đủ các pháp Ba la mật, thế nên gọi là đại thệ nguyện. Bồ Tát hành nhẫn nhục Ba la mật thì hợp với bố thí bằng trí nhất thiết. Bồ Tát nhập Thiền vô sắc cũng không trụ trong ấy, đó là Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật bằng phương tiện quyền xảo.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Bồ Tát hành Thiền phân biệt về không, vô tướng, vô nguyện, đó là Bồ Tát hành Ma Ha Tát bằng bát nhã Ba la mật, vì thế nên gọi là Đại thệ nguyện.

Vị Bồ Tát hành đại thệ nguyện này, được các Đức Thế Tôn trong mười phương đồng lớn tiếng khen ngợi vị ấy rằng: Vị Bồ Tát ở nước kia đủ các công đức đại thệ nguyện sẽ nuôi dưỡng chúng sinh làm thanh tịnh Cõi Phật.

Xá Lợi Phất hỏi Bân Nậu Văn đà ni: Bồ Tát Ma Ha diễn tam bạt trí là những gì?

Bồ Tát Ma Ha diễn Tam bạt trí: Đời Tấn dịch là hướng đến đại thừa.

Sao gọi là hướng đến đại thừa?

Bân Nậu đáp: Hành rốt ráo sáu pháp Ba la mật theo các tầng thiền thích ứng, rồi hướng về trí nhất thiết. Ở tám thiền quán chiếu vô thường, khổ, không, vô ngã, vô nguyện, đó là Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đại thừa. Bồ Tát niệm ba mươi bảy phẩm trợ đạo, mười tám pháp bất cộng, đó là đại thừa của Bồ Tát.

Tâm Bồ Tát không gần với quả vị La Hán, Bích Chi Phật mà chỉ mong đạt được trí nhất thiết, đó là Bồ Tát hành bốn tâm vô lượng mà có nhẫn nhục Ba la mật. Bồ Tát chuyên cần hành trí nhất thiết, đó là tinh tấn Ba la mật của Bồ Tát. Tuy Bồ Tát hành bốn Thiền nhưng từ, bi, hỷ, xả và tám thiền cũng không thể lay động, vì vị ấy có phương tiện quyền xảo.

Bồ Tát hành bốn tâm vô lượng làm triệt tiêu các lậu hoặc của chúng sinh, đó là Bồ Tát hành bốn tâm vô lượng mà có bố thí Ba la mật. Các pháp được tạo tác và thiền không hồi hướng về quả vị La Hán hay Bích Chi Phật mà luôn cầu trí nhất thiết, đó là Bồ Tát hành bốn tâm vô lượng mà không chấp thủ trì giới Ba la mật.

Bồ Tát còn có đại thừa, đối với pháp nội và ngoại không, không làm cho trí tuệ vị ấy thoái chuyển, nhưng không có cậy vào, không nắm bắt và kiến chấp, đó là đại thừa của Bồ Tát. Lại có pháp đại thừa không ở các pháp, tuệ cũng không ở nơi loạn hay định.

Hữu thường, vô thường, khổ, lạc, ngã hay vô ngã, đó là đại thừa của Bồ Tát nhưng thích ứng với không chấp thủ. Lại có đại thừa không ở nơi quá khứ, hiện tại, tương lai, cũng không rời ba thời gian, đó là đại thừa thích ứng với không chấp thủ. đại thừa là tuệ không trụ ở ba cõi hay lìa ba cõi. Lại có đại thừa, Tuệ không trụ ở pháp tục, pháp đạo, pháp hữu vi, pháp vô vi, pháp hữu lậu, pháp vô lậu.

Tôn Giả Xá Lợi Phất! Đó là đại thừa của Đại Bồ Tát.

***