Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã
PHẬT THUYẾT
KINH PHÓNG QUANG BÁT NHÃ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Vô La Xoa, Đời Tây Tấn
PHẨM NĂM MƯƠI BỐN
PHẨM HIỂU SÂU XA
Tôn Giả Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bậc Đại Bồ Tát hiểu được bát nhã Ba la mật sâu xa thì đạt được đến đâu?
Phật dạy Tu Bồ Đề: Bậc Đại Bồ Tát nào có khả năng hiểu rõ bát nhã Ba la mật sâu xa này thì đạt được trí nhất thiết.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Người đạt được trí nhất thiết là bậc Đại Bồ Tát hiểu được bát nhã Ba la mật sâu xa. Người hướng đến trí nhất thiết là người dẫn đường cho chúng sinh.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Niệm bát nhã Ba la mật là không niệm các pháp. Niệm bát nhã Ba la mật là không còn chỗ niệm, không có đầu mối.
Phật hỏi Tu Bồ Đề: Niệm bát nhã Ba la mật thì những gì không có chỗ niệm?
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Niệm bát nhã Ba la mật thì năm ấm không có chỗ niệm. Niệm bát nhã Ba la mật thì ta và chúng sinh không có chỗ niệm. Niệm bát nhã Ba la mật thì sáu pháp Ba la mật không có chỗ niệm.
Nội ngoại không, hữu vô không, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, mười tám pháp bất cộng của Phật không có chỗ niệm. Niệm bát nhã Ba la mật thì từ Tu Đà Hoàn cho đến trí nhất thiết không có chỗ niệm.
Phật dạy: Lành thay, lành thay! Đúng như lời của Tu Bồ Đề, niệm bát nhã Ba la mật thì không niệm năm ấm, cho đến trí nhất thiết cũng không có chỗ niệm.
Này Tu Bồ Đề! Niệm sáu pháp Ba la mật thì được cảm ứng ủng hộ của Bồ Tát không thoái chuyển. Bồ Tát nào thực hành bát nhã Ba la mật sâu xa thì không vào sáu pháp Ba la mật cũng không vào trí nhất thiết.
Người thực hành bát nhã Ba la mật không làm theo lời của người khác, không tin vào con đường khác, không giữ gìn theo cho là quan trọng. Đại Bồ Tát không thoái chuyển thực hành bát nhã Ba la mật sâu xa không còn dâm, nộ, si.
Chỉ thực hành bát nhã Ba la mật sâu xa. Đại Bồ Tát không thoái chuyển không bao giờ lìa sáu pháp Ba la mật và khi nghe thuyết bát nhã Ba la mật sâu xa không sợ sệt, không nhàm chán mỏi mệt, quyết không thoái chuyển, thường tư duy nhớ nghĩ lắng nghe rồi đọc tụng giữ gìn và thực hành theo ứng hợp với giáo lý bát nhã Ba la mật.
Này Tu Bồ Đề! Ông nên biết Bồ Tát không thoái chuyển đã từng nghe những việc trong bát nhã Ba la mật từ đời trước, cũng đã từng đọc tụng thọ trì và thực hành theo.
Vì sao?
Vì Bồ Tát không sợ hãi, từ xa xưa cho đến nay thường thực hành bát nhã Ba la mật này.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát nghe thuyết bát nhã Ba la mật sâu xa không sợ hãi cũng không đổi dời, vì sao thực hành lại tăng thêm lợi ích.
Phật dạy: Thực hành bát nhã Ba la mật ứng hợp với trí nhất thiết.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Tại sao thực hành bát nhã Ba la mật ứng hợp với trí nhất thiết?
Phật dạy: Như dựa vào sự ứng hợp với không, vô tướng, vô nguyện là ứng hợp với bát nhã Ba la mật sâu xa. Nương vào bát nhã Ba la mật sâu xa như nương vào hư không, nương vào không sự sinh, không sự diệt, không nương vào sự đắm trước mà nương vào sự đoạn trừ, như vào chân như, dựa vào pháp tánh, dựa vào sự chẳng thể nghĩ bàn, dựa vào sự không tạo tác, dựa vào mộng.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Dựa vào bát nhã Ba la mật sâu xa như dựa vào hư không, dựa vào mộng. Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật sâu xa không tùy thuộc theo năm ấm và trí nhất thiết để thực hành.
Phật dạy Tu Bồ Đề: Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật cũng không dựa vào năm ấm, không dựa vào trí nhất thiết. Năm ấm và trí nhất thiết cũng không có tác giả, cũng không phải không tạo tác, không đến, không đi, không có chỗ dừng, cũng không có chỗ nương tựa, không có chỗ ra, không có nơi vào, không có số lượng, không có giới hạn thì cũng không có khả năng giác ngộ, chẳng phải trí nhất thiết làm cho giác ngộ.
Vì sao?
Vì chân như của năm ấm, chân như của trí nhất thiết, chân như của năm ấm cùng với trí nhất thiết như nhau không khác, chân như của mười tám pháp. Chân như của trí nhất thiết cũng như nhau không khác, tất cả đều như nhau, không có hai.
***