Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã

PHẬT THUYẾT

KINH PHÓNG QUANG BÁT NHÃ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Vô La Xoa, Đời Tây Tấn
 

PHẨM NĂM MƯƠI CHÍN

PHẨM THỰC HÀNH TRONG MỘNG
 

Bấy giờ, Tôn Giả Xá Lợi Phất hỏi Tôn Giả Tu Bồ Đề: Trong chiêm bao Bồ Tát thực hành ba tam muội không, vô tướng, vô nguyện thì có lợi ích gì đối với bát nhã Ba la mật không?

Tu Bồ Đề đáp: Nếu ban ngày thực hành ba tam muội có lợi ích đối với bát nhã Ba la mật thì ban đêm trong lúc chiêm bao cũng có lợi ích như vậy.

Vì sao?

Vì ban ngày với ban đêm lúc chiêm bao giống nhau.

Thưa Xá Lợi Phất! Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật, nếu có bát nhã Ba la mật thì lúc nằm mộng liền nghĩ đến bát nhã Ba la mật.

Xá Lợi Phất hỏi Tu Bồ Đề: Nếu lúc nằm mộng Bồ Tát làm việc gì thì có thành tựu không?

Theo lời Phật dạy, các pháp như mộng nên không có sự thành tựu, không có được sự thọ nhận.

Vì sao?

Vì trong chiêm bao không bao giờ thấy pháp được thành tựu, được thọ nhận, cũng không thấy có chỗ được, khi tỉnh mộng có được gì không?

Tu Bồ Đề đáp: Người trong lúc chiêm bao thấy có giết hại, nói là ta giết, như vậy sướng lắm, khi tỉnh dậy người ấy nhớ lại việc làm trong mộng.

Sự việc đó thế nào?

Xá Lợi Phất đáp: Mọi việc đều có nhân duyên của nó, không có nhân duyên thì không thể có.

Tu Bồ Đề nói: Đúng vậy, mọi việc đều có nhân duyên, có duyên thì có niệm, có niệm thì có việc. Việc do thấy nghe liền có hiểu biết, chấp trước, xả ly, không phải do không thấy, không nghe mà có duyên khởi. Vì thế, Xá Lợi Phất, do nhân duyên nên có việc sinh khởi, nên có niệm sinh.

Xá Lợi Phất hỏi: Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào?

Phật nói ý nghĩ và việc làm đều tịch tĩnh, tại sao việc làm có sinh khởi có thành tựu và thọ nhận?

Tu Bồ Đề đáp: Khi ý tưởng phát sinh liền có nhân duyên, có nhân duyên liền có việc, có việc liền có niệm.

Xá Lợi Phất thưa: Nếu Bồ Tát ở trong mộng thực hành sáu pháp Ba la mật, đem công đức này để mong cầu vô thượng bồ đề thì đó có phải là hành động không?

Tu Bồ Đề đáp: Bồ Tát Di Lặc được Thế Tôn thọ ký. Ông nên hỏi Di Lặc có thể giải đáp câu hỏi đó.

Bấy giờ, Xá Lợi Phất hỏi Di Lặc: Như lời tôi hỏi, Tu Bồ Đề nói Tôn Giả có thể giải đáp, xin Ngài giải đáp cho tôi.

Lúc đó Bồ Tát Di Lặc bảo Ngài Xá Lợi Phất: Các ông muốn ta dùng danh, sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà đáp không, nên dùng việc nào giải đáp, nên dùng không của sắc để giải đáp hay dùng không của thọ, tưởng, hành, thức để giải đáp.

Không của sắc không thể giải đáp. Không của thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy. Trước kia ta không thấy pháp nào có khả năng giải đáp, cũng không có thọ ký quả vô thượng bồ đề, cũng không có chỗ thọ ký, pháp này đều không có hai.

Xá Lợi Phất thưa: Theo lời Tôn Giả nói như vậy là Tôn Giả đã chứng đắc phải không?

Bồ Tát Di Lặc đáp: Tuy nói vậy, tôi cũng không chứng đắc.

Xá Lợi Phất nghĩ rằng: Bồ Tát Di Lặc là bậc đại tài, đã thâm nhập sáu pháp Ba la mật, giải đáp các việc không chấp trước.

Phật bảo Xá Lợi Phất: Ông thấy có pháp này để chứng đắc La Hán không?

Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Con không thấy pháp này có chứng đắc.

Phật dạy: Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật cũng không nghĩ là pháp này đã thọ ký, pháp này nên thọ ký được vô thượng bồ đề. Bồ Tát thực hành pháp này là thực hành bát nhã Ba la mật cũng không có nghi ngờ gì. Ta sẽ chứng đắc Phật trí cũng không nghi ngờ là không được.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Khi Bồ Tát thực hành bố thí Ba la mật, nếu thấy chúng sinh nào đói khát, áo không đủ mặc, nghèo cùng khốn khổ, không thể tự sống được thì Bồ Tát nên phát lòng đại bi: Khi ta chứng đắc vô thượng bồ đề, cõi nước của ta không có nghèo cùng khốn khổ như vậy mà cơm ăn áo mặc đủ như Cõi Trời Tứ Thiên, Trời Đao Lợi, Vua Trời thứ sáu, ăn mặc đều tự nhiên đầy đủ.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát thực hành pháp này là đầy đủ bố thí Ba la mật.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bồ Tát thực hành giới Ba la mật, nếu thấy chúng sinh không có lòng từ mà giết hại mạng sống, tà kiến, nghi ngờ, phạm mười điều ác, thấy có người mạng sống ngắn ngủi, nhiều tật bệnh, xấu xí, gầy ốm, hạ tiện, liền phát lòng đại bi làm cho ta vâng giữ giới Ba la mật: Khi ta thành Phật, trong nước ta không có hạng người này. Bồ Tát như vậy là đầy đủ giới, không bao lâu sẽ chứng đắc Phật trí.

Này Tu Bồ Đề! Khi thực hành nhẫn nhục Ba la mật, nếu thấy chúng sinh sân hận dùng dao, mâu, gạch, đá giết hại lẫn nhau, Bồ Tát phát đại nguyện: Ta sẽ nỗ lực thực hành nhẫn nhục cho đến khi thành Phật làm cho trong nước của ta không có hạng người và các việc ác này.

Khi ta thành Phật, trong nước của ta tất cả chúng sinh đều thân ái hòa thuận với nhau như cha mẹ, anh em, không sát hại lẫn nhau. Bồ Tát thực hành như vậy là đầy đủ nhẫn nhục, không bao lâu sẽ chứng đắc Phật trí.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Khi thực hành tinh tấn Ba la mật, nếu thấy chúng sinh đối với pháp ba thừa phát sinh tướng biếng nhác, không tinh tấn, Bồ Tát liền phát đại nguyện: Ta sẽ tự mình cố gắng tinh tấn, không biếng nhác. Khi thành Phật ta sẽ làm cho chúng sinh tinh tấn đối với giáo pháp Tam Thừa trong nước ta đều được độ thoát. Bồ Tát như vậy là đầy đủ tinh tấn, không bao lâu sẽ chứng đắc Phật trí.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Khi thực hành thiền định Ba la mật, nếu thấy chúng sinh hành động theo năm triền cái: Dâm dật, sân hận, tham ngủ, trạo cử, nghi ngờ, xa lìa bốn thiền, bốn không định, Bồ Tát liền phát đại nguyện làm cho ta thực hành thiền định Ba la mật, giáo hóa chúng sinh, làm thanh tịnh Cõi Phật: Khi ta thành Phật, tất cả chúng sinh trong nước của ta không có tán loạn. Bồ Tát như vậy là đầy đủ thiền định, không bao lâu sẽ chứng đắc Phật trí.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Khi thực hành trí tuệ Ba la mật, nếu thấy chúng sinh phạm điều ác hoặc kẻ tục người đạo, xa lìa Chánh kiến, thực hành việc tà đạo, nói không có quả báo, chết là hết, nói có chúng sinh, Bồ Tát phát đại nguyện: Ta sẽ nỗ lực thực hành sáu pháp Ba la mật, làm thanh tịnh Cõi Phật giáo hóa chúng sinh. Khi ta thành Phật, trong nước của ta không có hạng người có tà kiến. Như vậy là Bồ Tát đầy đủ trí tuệ Ba la mật, mau chứng trí nhất thiết.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Khi Bồ Tát thực hành sáu pháp Ba la mật, nếu thấy chúng sinh ở trong ba hạng:

Một là chánh kiến.

Hai là tà kiến.

Ba là cũng không tà kiến cũng không chánh kiến thì phát nguyện: Ta sẽ thực hành sáu pháp Ba la mật giáo hóa chúng sinh, làm thanh tịnh Cõi Phật. Khi ta thành Phật người trong nước của ta không thấy việc tà kiến, không nghe tiếng tà kiến. Như vậy là Bồ Tát đầy đủ sáu pháp Ba la mật, mau đến trí nhất thiết.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Khi thực hành sáu pháp Ba la mật, nếu thấy địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, côn trùng, Bồ Tát nên phát đại từ: Ta sẽ thực hành sáu pháp Ba la mật. Khi ta thành Phật, trong nước của ta không nghe tên ba đường ác. Như vậy Bồ Tát đầy đủ sáu pháp Ba la mật, mau đến trí nhất thiết.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Khi thực hành sáu pháp Ba la mật, nếu thấy đất, núi, gò, ngòi, rãnh, hầm hố, gai góc, cây cỏ dơ bẩn, Bồ Tát phát nguyện rộng lớn: Ta sẽ nỗ lực thực hành bát nhã Ba la mật. Khi ta thành Phật, nước ta đều bằng phẳng như lòng bàn tay, người trong nước ta không thấy các thứ ô uế. Như vậy Bồ Tát đầy đủ sáu pháp Ba la mật, mau đến trí nhất thiết.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Không thực hành sáu pháp Ba la mật, nếu thấy trên mặt đất không có vàng ròng châu báu, chỉ toàn là đất.

Bồ Tát liền phát nguyện: Ta sẽ nỗ lực thực hành sáu pháp Ba la mật. Khi ta thành Phật, trong nước ta từ lòng đất trở lên toàn là vàng ròng. Như vậy là Bồ Tát đầy đủ sáu pháp Ba la mật, mau đến trí nhất thiết.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Khi thực hành sáu pháp Ba la mật, nếu thấy chúng sinh tham đắm, Bồ Tát phát nguyện rằng: Ta sẽ nỗ lực thực hành sáu pháp Ba la mật, khi ta thành Phật, người trong nước ta không còn tham đắm. Như vậy là Bồ Tát đầy đủ sáu pháp Ba la mật, mau đến trí nhất thiết.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Khi thực hành sáu pháp Ba la mật, nếu thấy bốn dòng họ: Sát Lợi, Phạm Chí, nhà nông, thợ thuyền, quan lại, binh sĩ thì tôi phát nguyện rằng: Ta sẽ nỗ lực thực hành sáu pháp Ba la mật, giáo hóa chúng sinh, làm thanh tịnh Cõi Phật. Khi ta thành Phật, trong nước ta không có bốn dòng họ, chỉ thuần một dòng họ. Như vậy là Bồ Tát đầy đủ sáu pháp Ba la mật, mau đến trí nhất thiết.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Khi thực hành sáu pháp Ba la mật, nếu thấy chúng sinh thuộc gia đình thượng lưu, trung lưu, hạ lưu.

Bồ Tát lại phát nguyện: Ta sẽ nỗ lực thực hành sáu pháp Ba la mật, giáo hóa chúng sinh làm thanh tịnh Cõi Phật. Khi ta thành Phật tất cả chúng sinh trong nước ta không có tầng lớp sang hèn. Như vậy là Bồ Tát đầy đủ sáu pháp Ba la mật, mau đến trí nhất thiết.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Khi thực hành sáu pháp Ba la mật, nếu thấy chúng sinh đủ các chủng loại hình sắc, Bồ Tát phát nguyện rằng: Ta sẽ nỗ lực thực hành sáu pháp Ba la mật, giáo hóa chúng sinh làm thanh tịnh Cõi Phật. Khi ta thành Phật, người trong nước ta không có nhiều màu da, tất cả đều xinh đẹp, cùng một màu da đẹp nhất. Như vậy Bồ Tát đầy đủ sáu pháp Ba la mật, mau đến trí nhất thiết.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Khi thực hành sáu pháp Ba la mật, nếu thấy Nhà Vua, Bồ Tát phát nguyện rằng: Ta sẽ nỗ lực thực hành sáu pháp Ba la mật, giáo hóa chúng sinh, làm thanh tịnh Cõi Phật. Khi ta thành Phật, trong nước ta không có danh hiệu của Vua, chỉ có Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác là Pháp Vương. Như vậy Bồ Tát đầy đủ sáu pháp Ba la mật, mau chứng trí nhất thiết.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Khi thực hành sáu pháp Ba la mật, nếu thấy chúng sinh gây nghiệp sinh vào năm đường, Bồ Tát phát nguyện: Ta sẽ nỗ lực thực hành sáu pháp Ba la mật, giáo hóa chúng sinh, làm thanh tịnh Cõi Phật. Khi ta thành Phật người trong nước ta không có hành động làm cho sinh vào năm đường, đều thực hành ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Như vậy Bồ Tát đầy đủ sáu pháp Ba la mật, mau chứng trí nhất thiết.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Khi thực hành sáu pháp Ba la mật, nếu thấy bốn cách sinh: Noãn sinh, thai sinh, thấp sinh và hóa sinh, Bồ Tát phát nguyện: Ta sẽ nỗ lực thực hành sáu pháp Ba la mật, giáo hóa chúng sinh làm thanh tịnh Cõi Phật. Khi ta thành Phật, người trong nước ta không có ba cách sinh kia mà chỉ có một loại hóa sinh mà thôi. Như vậy Bồ Tát đầy đủ sáu pháp Ba la mật, mau chứng trí nhất thiết.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Khi thực hành sáu pháp Ba la mật, Bồ Tát nếu thấy chúng sinh không có năm Thần Thông, không có ánh sáng, Bồ Tát phát nguyện: Khi ta thành Phật, mọi người trong nước ta đều chứng đắc năm thần thông, đều có ánh sáng chiếu tận nơi xa.

Khi thực hành sáu pháp Ba la mật, nếu thấy chúng sinh đại tiểu tiện, Bồ Tát phát nguyện: Khi ta thành Phật thân người trong nước ta như thân Chư Thiên, không có nạn khổ đại tiểu tiện.

Khi thực hành sáu pháp Ba la mật, Bồ Tát phát đại nguyện: Khi ta thành Phật, người trong nước ta không có phân biệt thời gian về ngày, tháng, năm.

Khi thực hành sáu pháp Ba la mật, nếu thấy chúng sinh mạng sống ngắn ngủi, Bồ Tát phát đại nguyện: Khi ta thành Phật, mạng sống người trong nước ta rất dài, không có kỳ hạn. Như vậy, Bồ Tát đầy đủ sáu pháp Ba la mật, thành tựu Chánh Đẳng Giác.

Khi thực hành sáu pháp Ba la mật, nếu thấy chúng sinh không có tướng tốt, Bồ Tát phát đại nguyện: Ta sẽ nỗ lực thực hành sáu pháp Ba la mật, khi ta thành Phật, người trong nước ta đều đầy đủ ba mươi hai tướng tốt của bậc Đại nhân. Như vậy là Bồ Tát đầy đủ sáu pháp Ba la mật, mau đến trí nhất thiết.

Khi thực hành sáu pháp Ba la mật, nếu thấy chúng sinh không có thiện căn, Bồ Tát phát nguyện: Khi ta đắc Phật trí, người trong nước ta đầy đủ thiện căn, đồng như Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác. Bồ Tát suy nghĩ như vậy thì đầy đủ sáu pháp Ba la mật, mau đến trí nhất thiết.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Khi thực hành sáu pháp Ba la mật, Bồ Tát nói rằng ta sẽ nỗ lực, mau thành Chánh Đẳng Giác. Trong nước ta không có ba cấu, bốn bệnh. Như vậy là Bồ Tát đầy đủ sáu pháp Ba la mật, mau đến trí nhất thiết.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Khi thực hành sáu pháp Ba la mật, Bồ Tát nói rằng ta sẽ nỗ lực, mau thành Chánh Đẳng Giác. Khi ta thành Phật, trong nước ta không có tên của hai đạo, tất cả đều trí nhất thiết.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bồ Tát thực hành sáu pháp Ba la mật, chứng đắc Phật trí sẽ làm cho trong nước không còn nghe đến tên hung dữ.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát thực hành sáu pháp Ba la mật sẽ nghĩ rằng ta chưa đắc Phật trí, trước tiên nên biết tuổi thọ, ánh sáng, số Tỳ Kheo Tăng của ta, sau đó mới đắc Phật trí, tất cả mỗi mỗi đều không thể biết được kiếp số tuổi thọ và số Tỳ Kheo Tăng của ta. Như vậy là Bồ Tát đầy đủ sáu pháp Ba la mật, mau đến trí nhất thiết.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bồ Tát thực hành sáu pháp Ba la mật, nghĩ rằng khi thành Phật, ta sẽ làm cho nước của ta lớn bằng cả hằng hà sa số cõi nước Phật. Như vậy Bồ Tát đầy đủ Chánh Đẳng Giác, mau đến trí nhất thiết.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Khi thực hành sáu pháp Ba la mật, Bồ Tát nên phát nguyện: Tuy đường sinh tử thì dài, chúng sinh vô số, hư không vô biên, tánh chúng sinh cũng không có giới hạn, ta ở trong đó cũng không chứng vô sinh, cũng không Niết Bàn. Nghĩ vậy, nhưng Bồ Tát vẫn phát nguyện độ hết chúng sinh. Đó là Bồ Tát đầy đủ sáu pháp Ba la mật, mau đến trí nhất thiết.

***