Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã
PHẬT THUYẾT
KINH PHÓNG QUANG BÁT NHÃ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Vô La Xoa, Đời Tây Tấn
PHẨM NĂM MƯƠI MỐT
PHẨM ĐẠI SỰ XUẤT HIỆN
Lúc bấy giờ, Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! bát nhã Ba la mật này rất sâu xa vì việc lớn mà xuất hiện, chẳng thể nghĩ bàn không thể tính, không gì sánh bằng, không giới hạn.
Phật dạy: Đúng vậy.
Tu Bồ Đề! Bát nhã Ba la mật vì việc lớn mà xuất hiện, vì việc không gì sánh bằng mà xuất hiện.
Vì sao?
Tu Bồ Đề, vì năm pháp Ba la mật kia đều từ trong đó mà thành, tương ưng với bát nhã Ba la mật. Nội không, ngoại không và hữu vô không đều từ trong bát nhã Ba la mật mà có. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, mười lực, mười tám pháp bất cộng đều từ trong đó mà có, tương ưng với bát nhã Ba la mật. Địa vị Phật và trí nhất thiết đều từ trong đó mà có, tương ứng với bát nhã Ba la mật.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Ví như Chuyển Luân Thánh Vương có các nước nhỏ. Khi có việc mỗi nước tự lo cho hoàn thành thì Vua Chuyển Luân Vương không phải lo lắng.
Vì sao?
Vì Vua các nước nhỏ đã làm theo lệnh của Thánh Vương. Do đó, Thánh Vương không phải lo lắng.
Pháp của các đệ tử, pháp của Bích Chi Phật, pháp của các Bồ Tát và pháp của Chư Phật, tất cả đều từ bát nhã Ba la mật mà có, cho nên bát nhã Ba la mật làm thành tựu những việc đó.
Vì vậy, Tu Bồ Đề! Bát nhã Ba la mật vì việc lớn, vì sự việc không gì sánh bằng mà xuất hiện, không nhận lấy năm ấm, không nhập vào năm ấm là không nhận lấy, không nhập vào, cho đến trí nhất thiết cũng vậy. Tu Đà Hoàn đến A La Hán, Bích Chi Phật cũng không nhận lấy, không nhập vào. Vô Thượng Chánh Đẳng Giác cũng không nhận lấy cũng không nhập vào.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì sao năm ấm không nhận lấy, không nhập vào, cho đến Vô Thượng Chánh Đẳng Giác cũng không nhận lấy, không nhập vào?
Phật bảo Tu Bồ Đề: Ý ông nghĩ sao?
Ông thấy năm ấm có chỗ nhận lấy, có chỗ nhập vào không?
Tu Bồ Đề đáp: Bạch Thế Tôn! Không thấy.
Thế Tôn nói: Vô Thượng Chánh Đẳng Giác cũng không nhận lấy cũng không nhập vào.
Tu Bồ Đề đáp: Bạch Thế Tôn! Không thấy năm ấm có nhận lấy, có nhập vào, cũng không thấy Vô Thượng Chánh Đẳng Giác có nhận lấy, có nhập vào.
Phật dạy: Lành thay, lành thay! Tu Bồ Đề, ta cũng không thấy năm ấm, ta cũng không giữ lấy năm ấm, cho đến Chánh Đẳng Giác ta cũng không thấy, không giữ lấy, không nhập vào. Tu Bồ Đề, đối với địa vị Phật, ta cũng không thấy. Trí nhất thiết, ta cũng không thấy, việc của Như Lai ta cũng không nhận lấy, không giữ.
Vì vậy, Tu Bồ Đề, Đại Bồ Tát không nên giữ lấy năm ấm. Đối với việc của Phật, việc của trí nhất thiết, việc của Như Lai cũng không giữ lấy không nhập vào.
Chư Thiên ở Cõi Sắc và Cõi Dục đều bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật rất sâu xa khó liễu ngộ, chẳng thể nghĩ bàn, thậm thâm vi diệu chỉ có người trí mới có thể hiểu nổi bát nhã Ba la mật sâu xa này.
Bạch Thế Tôn! Khi Ngài ở nơi Chư Phật quá khứ đã tạo công đức căn bản này và thân cận với thiện tri thức nên đạt đến như vậy.
Bạch Thế Tôn! Giả sử tam thiên đại thiên Thế Giới, tất cả chúng sinh đều tin tưởng tôn trọng Tam Bảo, chứng đắc Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật. Những Bậc Thánh Hiền đó có trí tuệ, có đạo đức cũng không bằng thiện nam, thiện nữ trong một ngày quán niệm xưng tán bát nhã Ba la mật sâu xa này. Công đức đó vượt lên trên các bậc trên kia.
Vì sao?
Vì từ quả Tu Đà Hoàn đến Bích Chi Phật, bậc tín hạnh đến bậc vô sinh pháp nhẫn, Chư Thiên cũng không bằng thiện nam, thiện nữ một ngày thọ trì, phúng tụng, biên chép bát nhã Ba la mật.
Họ mau chóng chứng đắc Niết Bàn, công đức thù thắng hơn La Hán, Bích Chi Phật, dù trải qua một kiếp phụng hành những Kinh khác mà xa lìa bát nhã Ba la mật cũng không trụ trong trí nhất thiết.
Vì sao?
Vì trong bát nhã Ba la mật sâu xa này đã rộng nói ba thừa, làm cho các bậc La Hán, Bích Chi Phật đều được lòng tin nơi đó, không mất chỗ tương ứng. Các Đại Bồ Tát cũng từ đây mà thành Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.
Lúc ấy, Chư Thiên ở Cõi Dục và Cõi Sắc đều tán thán: Bạch Thế Tôn! Đại bát nhã Ba la mật này chẳng thể nghĩ bàn, trong đây phát sinh lòng tin, ưa thích, làm cho các Thanh Văn đều đạt đến sở nguyện, thành Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật.
Lại làm cho các Đại Bồ Tát chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Bát nhã Ba la mật này cũng không tăng, không giảm.
Chư Thiên ở Cõi Sắc và Cõi Dục đem đầu mặt đảnh lễ sát đất, àm lễ Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi đi và bỗng nhiên biến mất trở về Cõi Trời.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu có thiện nam, thiện nữ nghe bát nhã Ba la mật sâu xa này mà hiểu rõ ngay, vậy họ ở đâu mà sinh vào đây?
Phật bào Tu Bồ Đề: Nếu Đại Bồ Tát nghe bát nhã Ba la mật sâu xa này liền hiểu rõ nghĩa Kinh không nhàm chán, không nghi ngờ, không trở ngại, tâm thường nhớ nghĩ, thích được nghe pháp luôn luôn không xa lìa, kể cả khi đi đứng nằm ngồi thường theo vị Pháp Sư, lòng không xa lìa.
Tu Bồ Đề, giống như con nghé không muốn rời xa mẹ nó, thiện nam, thiện nữ này nghe bát nhã Ba la mật sâu xa, trên miệng thường đọc tụng, trong lòng thì hành trì giải nghĩa Kinh, tâm ý không muốn xa lìa Pháp Sư dù chỉ chốc lát. thiện nam, thiện nữ này vốn từ trong cõi người đến, nay sinh trong cõi này, lại được làm người.
Vì sao?
Vì đời trước thiện nam, thiện nữ đó nghe bát nhã Ba la mật liền ghi chép, thọ trì, đọc tụng, hành trì những việc trong đó rồi cúng dường hoa hương, cờ, đèn. Nhờ công đức đó mà đến cõi này, nay được nghe bát nhã Ba la mật liền thấu hiểu ngay.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Có Đại Bồ Tát nào làm các công đức như lời Phật dạy, đầy đủ căn lành cúng dường Chư Phật, lại từ cõi ấy sinh đến cõi này, được nghe bát nhã Ba la mật sâu xa thì ghi chép thọ trì, đọc tụng, tin tưởng, ưa thích, giữ gìn, hành trì.
Có người như vậy không?
Phật bảo Tu Bồ Đề: Vị nào từ phương khác đã cúng dường Chư Phật, được nghe bát nhã Ba la mật sâu xa nên sinh đến trong cõi này, lại được nghe bát nhã Ba la mật sâu xa liền thấu hiểu, tin tưởng, ưa thích, giữ gìn, hành trì.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Nên biết Đại Bồ Tát này cung Trời Đâu Suất cũng đã có đầy đủ công đức căn lành.
Vì sao?
Vì Bồ Tát này được nghe kinh sâu xa từ Bồ Tát Di Lặc, cho nên ngày nay sinh vào cõi này được nghe bát nhã Ba la mật sâu xa liền tin hiểu, ưa thích, hành trì.
Tu Bồ Đề! Đối với bát nhã Ba la mật sâu xa, có Bồ Tát nào sinh hoài nghi, trong lòng nhàm chán là do người này đời trước nghe bát nhã Ba la mật sâu xa mà không hỏi để hiểu biết, cho nên ngày nay tuy sinh trong cõi này, nghe sáu pháp Ba la mật mà trong lòng tiếp tục hồ nghi không tin, không tiếp thu cũng không hoan hỷ.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Trước đây, khi người này nghe nói về nội không, ngoại không và hữu vô không, cũng không hỏi ý nghĩa trong đó, cho nên nay tiếp tục không tin, không ưa thích. Người này đời trước nghe ba mươi bảy phẩm trợ đạo, mười tám pháp Bất cộng của Phật không tin, không ưa thích, không hỏi ý nghĩa trong đó, cho nên ngày nay nghe bát nhã Ba la mật liền kinh hãi, nghi ngờ, không tin, không ưa.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Nếu có Bồ Tát nghe bát nhã Ba la mật, từ một ngày đến năm ngày thường hỏi ý nghĩa trong đó, nhờ vậy nên sinh ở chỗ nào thường được nghe bát nhã Ba la mật sâu xa, luôn luôn hỏi ý nghĩa.
Vì sao?
Tu Bồ Đề, vì Bồ Tát đó chỉ siêng năng nghe hỏi ý nghĩa trong đó, nhưng việc hành trì thì chưa đầy đủ.
Tu Bồ Đề! Nếu có người khi muốn nghe, có lúc không muốn nghe, ý chí không bền vững, hoặc có thể trong khi đó khởi lên nhân duyên khác. Giống như chiếc áo mỏng bị gió thổi bay tứ tung. Nên biết, Bồ Tát này học hỏi chưa lâu dài, không gặp thiện tri thức, chưa cúng dường Chư Phật thời quá khứ, không tạo công đức.
Chưa được căn lành, không siêng năng học tập, đọc tụng, chẳng thấu đạt sáu pháp Ba la mật, chưa thấu đạt nội ngoại không và hữu vô không, không thấu đạt sáu thần thông, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, trí nhất thiết. Nên biết đó là người mới học, ít thích giáo pháp, do dó chẳng ghi chép, thọ trì bát nhã Ba la mật, cũng chưa tu tập, hành trì việc ấy.
Nếu có thiện nam, thiện nữ hành Bồ Tát đạo gặp bát nhã Ba la mật sâu xa này mà không nhớ nghĩ, ghi chép, thọ trì, đọc tụng, hành trì cho đến trí nhất thiết cũng không nhớ nghĩ, học tập, thọ trì, gần gũi. Nên biết những người này sẽ rơi vào Nhị Địa.
Vì sao?
Vì thiện nam, thiện nữ này thấy bát nhã Ba la mật sâu xa không nhớ nghĩ, ghi chép, thọ trì, đọc tụng, học tập và thân cận, cho nên người đó liền đi vào Nhị Địa là A La Hán và Bích Chi Phật.
***