Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã

PHẬT THUYẾT

KINH PHÓNG QUANG BÁT NHÃ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Vô La Xoa, Đời Tây Tấn
 

PHẨM SÁU MƯƠI CHÍN

PHẨM SỰ TƯƠNG QUAN GIỮA SÁU ĐỘ
 

Lúc ấy Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát thực hành bố thí Ba la mật mà kiêm cả trì giới Ba la mật?

Phật đáp: Bồ Tát cầu trí nhất thiết nên đem thân, khẩu, ý bố thí bằng ba việc thanh tịnh cho chúng sinh. Đó là Bồ Tát hành bố thí kiêm cả trì giới Ba la mật.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Thế nào là Bồ Tát hành bố thí kiêm cả nhẫn nhục Ba la mật?

Phật đáp: Lúc Bồ Tát bố thí mà người nhận nghịch lại khinh dễ, mắng chửi bằng lời thô tục, nhưng Bồ Tát không sân hận họ. Đó là Bồ Tát hành bố thí kiêm cả nhẫn nhục Ba la mật.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Thế nào là Bồ Tát hành bố thí kiêm cả tinh tấn Ba la mật?

Phật đáp: Lúc Bồ Tát bố thí bị người nhận chửi mắng và khinh dễ, nhưng vị ấy vẫn vững tâm và càng bố thí không hối tiếc.

Vị ấy luôn nghĩ: Ta phải luôn bố thí không bỏ qua cơ hội nào. Bồ Tát luôn rộng lượng bố thí cho cả người đang cần và người cần mà không đến được, thường cho người nhận nhưng không kể thân sơ. Đó là Bồ Tát hành bố thí kiêm cả tinh tấn Ba la mật.

Tu Bồ Đề thưa: Thế nào là Bồ Tát hành bố thí kiêm cả thiền định Ba la mật?

Phật đáp: Bồ Tát bố thí là để cầu trí nhất thiết, nên tâm vị ấy không loạn không dừng ở quả vị La Hán và Bích Chi Phật. Đó là Bồ Tát hành bố thí kiêm cả thiền định Ba la mật.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Thế nào là Bồ Tát hành bố thí kiêm cả bát nhã Ba la mật?

Phật đáp: Khi bố thí Bồ Tát luôn quan niệm rằng: Việc bố thí của ta như huyễn như mộng, tùy theo việc làm bố thí nhưng không thấy chúng sinh có sự tăng giảm cũng không thấy có người được, người không. Đó là hành bố thí kiêm cả bát nhã Ba la mật.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát hành trì giới Ba la mật kiêm cả năm pháp Ba la mật?

Phật đáp: Do sự phòng hộ mà không cầu quả vị La Hán, Bích Chi Phật. Vị ấy an trụ nơi giới, không sát hại chúng sinh, không ăn trộm, không phạm vào phạm hạnh, cho đến không phạm mười giới. Vị ấy giữ giới, bố thí và bố thí người trì giới rồi dạy chúng sinh thực hành nhẫn nhục Ba la mật.

Phật tiếp: Bồ Tát hành trì giới Ba la mật nếu có người đến cắt bỏ từng phần nơi cơ thể đi nữa thì vị ấy cũng không nổi giận mà vui mừng nói: Ta được lợi ích lớn, vì có người đến cắt bỏ thân thể hộ cho ta. Đó là Bồ Tát hành trì giới Ba la mật kiêm cả nhẫn nhục Ba la mật.

Tu Bồ Đề thưa: Thế nào là Bồ Tát trì giới Ba la mật kiêm cả tinh tấn Ba la mật?

Phật đáp: Vì khi trì giới Ba la mật, ba nghiệp Bồ Tát không biếng nhác.

Vị ấy luôn nghĩ: Ta nên đưa các chúng sinh từ nơi sinh tử đến bờ giải thoát. Đó là Bồ Tát hành trì giới Ba la mật kiêm cả tinh tấn Ba la mật.

Tu Bồ Đề thưa: Thế nào là Bồ Tát trì giới Ba la mật kiêm cả thiền định Ba la mật?

Phật đáp: Thực hành trì giới Ba la mật, Bồ Tát thể nhập thiền thứ nhất đến thiền thứ tư nhưng không nương vào hai thừa.

Vị ấy luôn nghĩ rằng: Ở trong thiền ta nên độ chúng sinh. Đó là Bồ Tát hành trì giới Ba la mật kiêm cả thiền định Ba la mật.

Tu Bồ Đề thưa: Thế nào là Bồ Tát trì giới Ba la mật kiêm cả bát nhã Ba la mật?

Phật đáp: Khi trì giới vị ấy không thấy có pháp dừng, pháp trụ, pháp có, pháp không, pháp sai, pháp đúng. Vì bát nhã Ba la mật và phương tiện quyền xảo không rơi vào hai thừa. Đó là Bồ Tát trì giới Ba la mật kiêm cả bát nhã Ba la mật.

Tu Bồ Đề thưa: Thế nào là Bồ Tát hành nhẫn nhục Ba la mật kiêm cả bố thí Ba la mật?

Phật đáp: Bồ Tát hành nhẫn nhục Ba la mật, từ khi phát tâm đến lúc ngồi Đạo Tràng, nếu bị tất cả chúng sinh đến mắng chửi, khinh dễ, cắt phá tứ chi, nhưng Bồ Tát vẫn đứng vững trên đất nhẫn nhục nên luôn nghĩ: Tuy người không nhận nhưng ta vẫn bố thí, không bỏ lỡ qua một phút giây nào.

Bồ Tát đem công đức ấy hồi hướng cho chúng sinh đều thành tựu vô thượng bồ đề. Tuy phát nguyện như vậy nhưng vị ấy không dừng nơi hai xứ. Hai xứ đó là có tướng nguyện và tướng tạo tác. Đó là Bồ Tát hành nhẫn nhục Ba la mật kiêm cả bố thí Ba la mật.

Tu Bồ Đề thưa: Thế nào là Bồ Tát hành nhẫn nhục Ba la mật kiêm cả trì giới Ba la mật?

Phật đáp: Từ khi phát tâm đến lúc ngồi Đạo Tràng, Bồ Tát không phạm mười điều ác từ sát sinh đến tà kiến. Vị ấy hành theo mười thiện nghiệp, tâm không nghĩ tưởng về hai thừa. Bồ Tát đem công đức ấy hồi hướng cho tất cả chúng sinh cùng phát tâm vô thượng bồ đề nhưng không lệ thuộc ba thừa. Đó là Bồ Tát hành nhẫn nhục Ba la mật kiêm cả trí trì giới Ba la mật.

Tu Bồ Đề thưa: Thế nào là Bồ Tát hành nhẫn nhục Ba la mật kiêm cả tinh tấn Ba la mật?

Phật đáp: Hành nhẫn nhục, Bồ Tát phát tâm tinh tấn.

vị ấy nói: Ta sẽ đi khắp trăm ngàn do tuần này, hoặc trăm ngàn cõi nước, hoặc vô số cõi nước, nếu có người nào không trì giới ta sẽ dạy cho họ trì giới và theo sự thích ứng, ta đem giáo pháp ba thừa hướng dẫn để họ giải thoát. Bồ Tát đem công đức ấy hồi hướng cho tất cả chúng sinh đều phát tâm vô thượng bồ đề. Đó là Bồ Tát hành nhẫn nhục Ba la mật kiêm cả tinh tấn Ba la mật.

Tu Bồ Đề thưa:Thế nào là Bồ Tát  hành nhẫn nhục Ba la mật kiêm cả bát nhã Ba la mật?

Phật đáp: Hành nhẫn nhục Ba la mật từ khi phát tâm đến lúc ngồi Đạo Tràng, Bồ Tát quán chiếu các pháp là thanh tịnh, rỗng lặng, vô tận. Do pháp thanh tịnh, vị ấy chứng quả vô thượng bồ đề ngồi nơi Đạo Tràng thành đạt trí nhất thiết và chuyển pháp luân. Đó là Bồ Tát hành nhẫn nhục Ba la mật kiêm cả bát nhã Ba la mật.

Này Tu Bồ Đề! Sự quy nạp của Bồ Tát là không chấp thủ cũng không xả bỏ.

Tu Bồ Đề thưa: Thế nào là Bồ Tát hành tinh tấn Ba la mật kiêm cả bố thí Ba la mật?

Phật đáp: Bồ Tát thực hành tinh tấn từ khi phát tâm đến lúc ngồi Đạo Tràng, khoảng thời gian này, ba nghiệp của vị ấy không có giây phút nào nghĩ đến sự ăn ngủ hoặc lười biếng. Bồ Tát đem tinh tấn ấy hồi hướng về vô thượng bồ đề, nhưng ở đó, vị ấy không thấy có tướng nắm bắt và thành tựu. Vì tất cả chúng sinh, Bồ Tát qua hàng trăm ngàn do tuần, trăm ngàn cõi nước từ Cõi Phật này đến Cõi Phật kia.

Giả sử còn chúng sinh nào chưa được độ thì Bồ Tát an bài cho họ bằng cách đem giáo pháp ba thừa dạy dể họ được giải thoát, nhưng vị ấy cũng không thấy có người được độ. Đối với những người nào không có khả năng hành đạo của Phật và Bồ Tát thì giáo hóa họ bằng pháp của hàng Bích Chi Phật.

Nếu không có người hàng Bích Chi Phật thì dạy họ giữ mười điều lành. Dù chỉ hướng dẫn được một người vào đạo, hành trì giáo pháp và bố thí cho các chúng sinh, sự việc hoàn tất, Bồ Tát cũng đem công đức ấy hồi hướng cho tất cả chúng sinh đều được thành tựu vô thượng bồ đề không đi vào hai thừa. Đó là Bồ Tát hành tinh tấn Ba la mật kiêm cả bố thí Ba la mật.

Tu Bồ Đề thưa: Thế nào là Bồ Tát hành tinh tấn Ba la mật kiêm cả trì giới Ba la mật?

Phật đáp: Thực hành tinh tấn Ba la mật từ khi phát tâm đến lúc ngồi Đạo Tràng Bồ Tát giữ mười điều thiện và khuyên mọi người hành theo và hoan hỷ với người hành mười điều thiện.

Khi thọ trì giới pháp, vị ấy không màng đến sự vui ba cõi, cũng không nghiêng về hai thừa. Bồ Tát đem công đức ấy hồi hướng cho tất cả chúng sinh đều thành tựu vô thượng bồ đề với hành động ấy, nhưng không nghĩ về người làm trong ba đời. Đó là Bồ Tát hành tinh tấn Ba la mật kiêm cả trì giới Ba la mật.

Tu Bồ Đề thưa: Thế nào là Bồ Tát thực hành tinh tấn Ba la mật kiêm cả nhẫn nhục Ba la mật?

Phật đáp: Bồ Tát thực hành tinh tấn từ khi phát tâm đến lúc ngồi Đạo Tràng.

Nếu có người hoặc phi nhân bắt cắt xả tứ chi của mình, nhưng vị ấy không nghĩ: Ai là người cắt xả ta?

Hoặc người lấy đi là ai, mà vị ấy chỉ nghĩ: Ta được lợi ích lớn vì tất cả chúng sinh nên ta thọ thân này, giờ đây chúng sinh đến đem đi, vì hành trì chánh pháp ta càng hoan hỷ không nên sân hận. Bồ Tát đem công đức ấy hồi hướng cho tất cả chúng sinh đều thành tựu vô thượng bồ đề, không bị đi vào Nhị thừa. Đó là Bồ Tát hành tinh tấn Ba la mật kiêm cả nhẫn nhục Ba la mật.

Tu Bồ Đề thưa: Thế nào là Bồ Tát hành tinh tấn Ba la mật kiêm cả thiền định Ba la mật?

Phật đáp: Thực hành tinh tấn, Bồ Tát nhập từ tầng thiền thứ nhất đến tầng thiền thứ tư, cùng bốn tâm vô lượng, bốn thiền vô sắc nhưng không đoạn trừ, không chấp trước. Vị ấy sinh ra nơi nào cũng chỉ có tâm niệm cứu độ chúng sinh, dùng sáu pháp Ba la mật để độ thoát họ.

Bồ Tát thường diện kiến các Đức Phật, vị ấy đi từ Cõi Phật này đến Cõi Phật kia để lễ bái cung kính, cúng dường và trồng các căn lành. Đó là Bồ Tát hành tinh tấn Ba la mật kiêm cả thiền định Ba la mật.

Tu Bồ Đề thưa: Thế nào là Bồ Tát hành tinh tấn Ba la mật kiêm cả bát nhã Ba la mật?

Phật đáp: Bồ Tát thực hành tinh tấn không thấy năm pháp Ba la mật, không thấy các pháp như ba mươi bảy phẩm trợ đạo cho đến trí nhất thiết và sự tướng của chúng cũng không làm hang ổ cho các pháp, lời nói hoặc việc làm luôn đi đôi với nhau. Đó là Bồ Tát hành tinh tấn Ba la mật kiêm cả bát nhã Ba la mật.

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát hành thiền định Ba la mật kiêm cả bố thí Ba la mật?

Phật đáp: Bồ Tát muốn tâm kiên định nên thực hành bốn tâm vô lượng, bốn thiền vô sắc. An trụ nơi cảnh giới của các thiền và thường bố thí hai việc, đó là tài thí và pháp thí, khuyến khích người khác hành hai thí đó và thường tán thán công đức của hai thí, thấy người làm như thế khen ngợi và tùy hỷ. Bồ Tát đem công đức ấy hồi hướng cho tất cả chúng sinh đều thành tựu vô thượng bồ đề. Đó là Bồ Tát hành thiền định Ba la mật kiêm cả bố thí Ba la mật.

Tu Bồ Đề thưa: Thế nào là Bồ Tát hành thiền định Ba la mật kiêm cả trì giới Ba la mật?

Phật đáp: Hành thiền định, Bồ Tát không sinh tâm dâm, nộ, si cũng không sinh tâm hại, chỉ sinh hạnh trí nhất thiết, Bồ Tát đem công đức ấy hồi hướng cho tất cả chúng sinh đều thành tựu vô thượng bồ đề không rơi vào hai địa. Đó là Bồ Tát hành thiền định Ba la mật kiêm cả trì giới Ba la mật.

Tu Bồ Đề thưa: Thế nào là Bồ Tát hành thiền định Ba la mật kiêm cả nhẫn nhục Ba la mật?

Phật đáp: Thực hành thiền định, Bồ Tát quán chiếu sắc như chùm bọt nước, thọ như bong bóng nước, tưởng như sóng nắng, hành như thân cây chuối, thức như huyễn hóa. Quán xong, vị ấy thấy năm ấm không an ổn, không kiên cố, không quan trọng.

Bồ Tát lại nghĩ: Trong đây đâu có ai là người cắt ta, xả ta là ai, đâu là sắc, đâu là thọ, đâu là tưởng và đâu là hành và thức.

Quán chiếu như vậy rồi, vị ấy nghĩ tiếp: Không có người chửi mắng thô tục nên ý không nổi giận. Người giận còn không thì làm gì có người mắng. Đó là Bồ Tát hành thiền định Ba la mật kiêm cả nhẫn nhục Ba la mật.

Tu Bồ Đề thưa: Thế nào là Bồ Tát hành thiền định Ba la mật kiêm cả tinh tấn Ba la mật?

Phật đáp: Bồ Tát dùng bốn thiền định để đi vào cảnh giới thiền và nhờ oai lực của định nên được thần thông biến hóa vô lượng bằng thiên nhĩ, vị ấy nghe thông suốt hai loại âm thanh, biết rõ ý nghĩ của chúng sinh và vô số việc trong sinh tử. Với thiên nhãn, vị ấy thấy hành nghiệp của thiện ác và quả báo tốt xấu của chúng sinh.

Bồ Tát an trụ trong năm thần thông đi từ Cõi Phật này đến Cõi Phật kia, cung kính lễ bái cúng dường trồng các căn lành, làm thanh tịnh Cõi Phật và giáo hóa chúng sinh. Bồ Tát đem công đức ấy hồi hướng cho tất cả chúng sinh đều thành vô thượng bồ đề nhưng không rơi vào hai thừa. Đó là Bồ Tát hành thiền định Ba la mật kiêm cả tinh tấn Ba la mật.

Tu Bồ Đề thưa: Thế nào là Bồ Tát hành thiền định Ba la mật kiêm cả bát nhã Ba la mật?

Phật đáp: Hành thiền định Bồ Tát không rơi vào năm ấm, sáu pháp Ba la mật, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, trí nhất thiết và tánh hữu vi, tánh vô vi cũng không có sự có và sự tạo tác, tuy không tạo tác cũng không sinh diệt.

Vì sao?

Vì có Phật hay không có Phật, pháp tánh cũng vẫn thế không sinh, không diệt, chỉ có trí nhất thiết tương ưng với trí nhất thiết. Tu Bồ Đề, đó là Bồ Tát hành thiền định Ba la mật kiêm cả bát nhã Ba la mật.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Thế nào là Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật kiêm cả bố thí Ba la mật?

Phật bảo Tu Bồ Đề: Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đối với nội không, không có nội không. Đối với ngoại không, không có ngoại không. Đối với nội ngoại không cũng không có nội ngoại không. Không không, đại không, đệ nhất nghĩa không, hữu vi không, vô vi không đều không có, cũng không thấy điểm rốt ráo, điểm cuối cùng của các hành không, tánh không, cho đến tất cả pháp tự nó là không.

Đại Bồ Tát an trụ nơi mười bốn không ấy rồi cũng không thấy năm ấm vì bất không cũng không biết cũng không có cho đến ba mươi bảy phẩm trợ đạo cũng thế, kể cả tánh của hữu vi và vô vi. Đại Bồ Tát bố thí bằng trí tuệ ở cõi Người, Cõi Trời nhưng vị ấy thấy vật thí, người thí và người nhận đều không. Quán chiếu tâm tham dâm làm cho nó không bao giờ có điều kiện để phát sinh.

Vì Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật không có chút nào ý niệm phân biệt. Từ khi phát tâm đến lúc ngồi Đạo Tràng, vị ấy không sinh tâm tham lam tật đố cũng như Đức Phật không có tâm ấy. Vì vậy, Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật không có tâm tham lam, tật đố. Đó là Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật kiêm cả bố thí Ba la mật.

Tu Bồ Đề thưa: Thế nào là Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật kiêm cả trì giới Ba la mật?

Phật đáp: Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật nên tâm không bị lệ thuộc vào hai thừa.

Vì sao?

Vì vị ấy không có tâm La Hán, Bích Chi Phật và sự tạo tác của hai bậc ấy cũng không thể nắm bắt. Bồ Tát từ lúc phát tâm đến khi ngồi Đạo Tràng luôn thực hành mười điều lành và khuyến khích mọi người làm theo, thấy người làm và tùy hỷ khen ngợi. Bằng tâm giữ giới, vị ấy không phê phán các pháp, cũng không phê phán Nhị thừa huống chi những pháp khác. Đó là Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật kiêm cả trì giới Ba la mật.

Tu Bồ Đề hỏi: Thế nào là Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật kiêm cả nhẫn nhục Ba la mật?

Phật đáp: Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật nên được phát sinh sự tùy thuận nhẫn. Vị ấy nghĩ các pháp không sinh, không diệt. Không sinh tử nên không có người mắng chửi, không có người cắt xả, không có người đánh đập, cũng không có người trói buộc. Bồ Tát từ khi phát tâm đến lúc ngồi Đạo Tràng nếu có chúng sinh cầm dao gậy đánh đập, cắt xả.

Vị ấy sinh ý niệm: Thương thay, pháp của các pháp không có mắng chửi, vậy ai là người đánh đập, ai là người cắt xả thế này?

Đó là Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật kiêm cả nhẫn nhục Ba la mật.

Tu Bồ Đề thưa: Thế nào là Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật kiêm cả tinh tấn Ba la mật?

Phật đáp: Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật thuyết pháp hướng dẫn chúng sinh bằng pháp sáu pháp Ba la mật, ba mươi bảy phẩm trợ đạo và bằng pháp của ba thừa cho đến vô thượng bồ đề. Tuy hướng dẫn như thế nhưng vị ấy không có lệ thuộc ở pháp hữu vi hay vô vi. Đó là Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật kiêm cả tinh tấn Ba la mật.

Tu Bồ Đề thưa: Thế nào là Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật kiêm cả thiền định Ba la mật?

Phật đáp: Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật, chỉ ngoại trừ định của Như Lai, ngoài ra những định của Nhị Thừa, định của Bồ Tát đều có thể thực hành trọn vẹn, ở nơi thiền giải thoát, thiền tứ không, thiền chín tầng, vị ấy có khả năng nhập xuất thông suốt, khi xả những định ấy liền nhập định Sư tử phấn tấn.

Định Sư tử phấn tấn nghĩa là cùng một lúc có nhập thuần thục tất cả các thiền trên. Xả thiền ấy liền nhập vào Thiền Mãn khư xà siêu việt đẳng trí cùng các thiền khác. Tu Bồ Đề, đó là Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật kiêm cả thiền định Ba la mật.

***