Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã

PHẬT THUYẾT

KINH PHÓNG QUANG BÁT NHÃ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Vô La Xoa, Đời Tây Tấn
 

PHẨM SÁU MƯƠI HAI

PHẨM TƯỚNG KHÔNG THOÁI CHUYỂN
 

Đức Phật bảo Ngài Tu Bồ Đề: Ở trong mộng Bồ Tát không thân cận La Hán, Bích Chi Phật, không thân cận ba cõi cũng không hủy hoại ba cõi, cũng không sinh tâm xem các pháp như mộng, như tiếng vang, như ảo thuật, như sóng nắng, nên xem các pháp như huyễn hóa mà không chấp chứng.

Này Tu Bồ Đề! Đó là tướng không thoái chuyển của Đại Bồ Tát.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Ở trong mộng Bồ Tát thấy Phật với trăm ngàn vồ số bốn chúng đệ tử vây quanh nghe Phật thuyết pháp. Bồ Tát nghe Phật thuyết pháp liền hiểu biết ý nghĩa rồi thực hành theo giáo pháp, lời nói không trái với phép tắc. Đó là tướng không thoái chuyển.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Ở trong mộng Bồ Tát thấy Phật có ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, thần thông biến hóa, bay vọt lên hư không, thuyết pháp giáo hóa cho chúng Tỳ Kheo, khuyến hóa người đến Cõi Phật khác làm Phật sự. Đó là tướng không thoái chuyển.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Nếu ở trong mộng, Bồ Tát thấy giặc nổi lên giết hại nhau ở quận, huyện, hoặc thấy nạn lửa cháy, hoặc thấy sói, sư tử, trùng độc, các điều ghê sợ, buồn rầu, đau khổ, hoặc thấy nạn đói khát, hoặc thấy anh em bạn bè thân thiết chết, hoặc thấy những sự việc như vậy mà Bồ Tát vẫn không sợ hãi.

Sau khi thức giấc liền suy nghĩ: Những việc trong ba cõi đều như chiêm bao mà thôi, ta sẽ tinh tấn để thành tựu Phật trí, sẽ thuyết pháp cho chúng sinh trong ba cõi.

Này Tu Bồ Đề! Đó là tướng không thoái chuyển.

Phật bảo Tu Bồ Đề: Làm thế nào mà mọi người biết Bồ Tát thành tựu quả vô thượng bồ đề?

Này Tu Bồ Đề! Nếu thấy địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, các sự khổ trong ba đường ác, Bồ Tát nên phát nguyện rằng: Khi thành tựu Phật trí, ta sẽ làm cho nước ta không có ba đường ác.

Vì sao?

Vì các việc thấy trong mộng và các pháp không hai, nên biết đó là tướng không thoái chuyển.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Nếu ở trong mộng, Bồ Tát thấy lửa trong địa ngục đốt nấu chúng sinh, tỉnh giấc, Bồ Tát nghĩ rằng: Những sự việc tai biến ta thấy trong chiêm bao hoặc trong mộng tự mình thấy tướng không thoái chuyển liền phát thệ nguyện rằng:

Lửa mà ta thấy trong địa ngục sẽ tắt. Nếu lửa tắt, nước sẽ nguội dần, nên biết Bồ Tát này đã được thọ ký sẽ thành Chánh Đẳng Giác. Đó là tướng Bát thoái chuyển.

Nếu lửa đốt cháy nhà này đến nhà khác, làng này qua làng khác, hoặc thiêu đốt nhà này mà không thiêu đốt nhà khác, hoặc thiêu đốt làng này mà không thiêu đốt làng khác, nên biết những nhà bị thiêu đốt là do đời trước hủy hoại chánh pháp nên đời này phải chịu tai họa ấy. Từ đó về sau, dư nghiệp đều dứt, đây là tội diệt phước sinh, đó là tướng không thoái chuyển.

Phật bảo Tu Bồ Đề: Ta sẽ nói hành tướng của Bồ Tát không thoái chuyển.

Nếu có người nam, người nữ bị quỷ thần bắt giữ, Bồ Tát này liền nghĩ: Chư Phật, Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác đời quá khứ đã thọ ký cho tôi, thực hành hạnh nguyện thanh tịnh không có ô uế, không rơi vào địa vị La Hán, Bích Chi Phật, sẽ thành tựu Phật trí, cũng không thành, cũng không phải là không thành.

Mười phương chư Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác trong hiện tại, không có gì là không biết, không thấy, không hiểu. Giả sử Chư Phật biết chắc chắn ta sẽ thành tựu vô thượng bồ đề thì quỷ thần sẽ bỏ đi. Nếu quỷ thần không bỏ đi thì nên biết Bồ Tát này chưa được Chư Phật quá khứ thọ ký.

Này Tu Bồ Đề! Nên biết Bồ Tát này đã thuyết Kinh rồi thì quỷ thần liền bỏ đi, nên biết Bồ Tát này đã được Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác thọ ký.

Này Tu Bồ Đề! Do hình tướng, hành động đầy đủ mà biết là tướng của Bồ Tát không thoái chuyển.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bồ Tát thực hành sáu pháp Ba la mật mà xa lìa phương tiện quyền xảo, chưa thực hành ba mươi bảy phẩm trợ đạo, ba môn giải thoát, chưa đạt đến địa vị Bồ Tát, chưa đạt đến tam muội Bồ Tát.

Cũng chưa được Chư Phật quá khứ thọ ký, Bồ Tát này đi đến chỗ thiện nam, thiện nữ nói rằng: Tôi đã được thọ ký sẽ thành Chánh Đẳng Giác, quỷ thần sẽ bỏ đi, bằng như quỷ thần không đi là do Bồ Tát này nói Kinh Pháp không dứt.

Khi ấy Ma Ba Tuần đi đến chỗ quỷ thần, nghĩ rằng: Ta sẽ làm cho quỷ thần này bỏ đi.

Vì sao?

Vì Ma Ba Tuần có oai lực lớn hơn quỷ thần. Khi ấy Ma Ba Tuần liền bảo: quỷ thần hãy đi đi. Bồ Tát này không biết Ma Ba Tuần bảo quỷ thần đi nên vui vẻ bảo là do thần lực của ta mà quỷ thần đi, liền tự cống cao.

Khinh miệt các người khác và nói rằng: Tôi đã được Chư Phật quá khứ thọ ký, còn những người khác thì chưa được. Do cống cao, khinh dễ người khác nên Bồ Tát ấy xa lìa trí nhất thiết, không được trí tuệ của Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác. Cũng do cống cao này mà bị mất đi phương tiện quyền xảo, liền đi vào hai bậc La Hán, Bích Chi Phật. Do không chí thành thệ nguyện nên ma sự phát sinh, xa lìa bạn chân chánh, rơi vào lưới ma.

Vì sao?

Vì Bồ Tát không hành sáu pháp Ba la mật, không nắm vững phương tiện quyền xảo.

Này Tu Bồ Đề! Nên biết Bồ Tát này tự làm việc ma.

Phật bảo Tu Bồ Đề: Bồ Tát này chưa thực hành sáu pháp Ba la mật, chưa được phương tiện quyền xảo, chưa đạt đến địa vị Bồ Tát.

Do làm việc ma nên Ma Ba Tuần đến chỗ Bồ Tát hóa ra hình tướng lạ bảo Bồ Tát rằng: Này Thiện Nam, Như Lai sẽ thọ ký cho ông thành Chánh Đẳng Giác, cha mẹ Ngài tên đó, anh chị em tên đó, bạn bè thân thuộc tên đó, cha mẹ bảy đời tên đó, Ngài sinh ở trong xóm, làng, huyện, nước đó. 

Nếu thấy Bồ Tát tánh hạnh hòa thuận, ma nói: Đời trước Ngài cũng nhu hòa.

Nếu thấy Bồ Tát tài trí thông minh, sáng suốt, thực hành mười hai pháp Sa Môn, lời nói dè dặt, Ma Ba Tuần tùy theo đó mà nói với Bồ Tát rằng: Đời trước Ngài cũng có những hạnh như vậy, cũng thực hành mười hai pháp Sa Môn này. Nghe ma nói những việc đời trước của mình, Bồ Tát tự quán xét việc làm, lại càng thêm cống cao khinh dễ những bạn đồng học.

Ma lại nói rằng: Như Lai đời quá khứ đã thọ ký cho Ngài, công đức của Ngài làm không còn thoái chuyển. Ma Ba Tuần giả làm hình tướng Tỳ Kheo hoặc hiện làm cha mẹ hoặc hiện làm thân tộc đến nói rằng: Ngài chắc chắn sẽ thành Chánh Đẳng Giác.

Vì sao?

Vì Ngài đã có đầy đủ hành động, tướng mạo của Bồ Tát không thoái chuyển.

Phật bảo Tu Bồ Đề: Ta sẽ nói hành động của Bồ Tát không thoái chuyển, thật ra Bồ Tát đó không có được tướng này, nên biết Bồ Tát đó bị ma sai sử. Do nghe tiếng khen mà sinh ra cống cao, khinh miệt bạn đồng học, chê cười người khác, không thể nói hết. Do cống cao nên biết đó là ma sự.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Đối với nhân duyên của ma, Bồ Tát nên biết đó là việc ma. Vì Bồ Tát này không thực hành sáu pháp Ba la mật, không biết đúng việc ma, không biết đúng về năm ấm. Bồ Tát ấy do không biết việc ma, nghe Tỳ Kheo trước nói việc thọ ký, nay lại nghe danh từ thọ ký.

Liền vui vẻ tự nghĩ rằng: Do chứng cứ như vậy nên ta chắc chắn sẽ được quả vô thượng bồ đề. Lại càng thêm cống cao khinh dễ người khác là không biết gì. Bồ Tát như vậy không có tướng không thoái chuyển, liền xa lìa bát nhã Ba la mật với phương tiện quyền xảo, đánh mất trí tuệ Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, xa lìa chân tri thức, lại gần ác tri thức.

Nên biết Bồ Tát này sẽ không được thành tựu, đi vào hai địa và sau đó chịu khổ rất lâu trong đường sinh tử mới được gặp chân tri thức, mới được nghe bát nhã Ba la mật. Bấy giờ Bồ Tát mới hối hận trước đây đã chấp trước danh tự, do hối hận nên mới chứng đắc La Hán, Bích Chi Phật. Ví như Tỳ Kheo phạm bốn giới trọng, hiện đời không thành tựu bốn quả Sa Môn.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát kia phạm bốn giới trọng do chấp vào danh tự rồi cống cao. Người phạm tội này là cống cao, chấp vào danh tự giả dối, tội đó còn hơn tội ngũ nghịch.

Tu Bồ Đề! Nếu chấp vào danh tự, lệ thuộc vào tưởng thì hãy mau hộ trì Chánh Giác những nhân duyên vi tế của ma.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Ma Ba Tuần lại đến chỗ Bồ Tát khen ngợi hạnh viễn ly, nói lên công đức của hạnh viễn ly. Ma nói rằng Phật khen ngợi việc làm của ông, hãy nên làm như vậy.

Này Tu Bồ Đề! Theo lời ta nói, pháp viễn ly của Bồ Tát không phải như vậy. Nếu một mình ở nơi vắng vẻ, không có người như ở trên núi hay dưới gốc cây thì chưa chắc đó là pháp viễn ly.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Thế nào là pháp viễn ly của Bồ Tát?

Phật bảo Tu Bồ Đề: Pháp viễn ly của Bồ Tát là xa lìa ý nghĩ mong cầu quả Thanh Văn, Bích Chi Phật, xa lìa ý nghĩ ở một mình nơi rừng vắng hay dưới gốc cây.

Tu Bồ Đề! Đó là pháp đại viễn ly của Bồ Tát, ngày đêm Bồ Tát phải thực hành thì gọi là Bồ Tát có hạnh tịch tĩnh viễn ly. Nếu ở nhân gian theo giáo pháp tịch tĩnh của ta thì tuy ở thành thị cũng không khác gì ở núi rừng, đồng trống. Nếu theo lời ma dạy thì liền mất pháp viễn ly, đi vào địa vị La Hán, Bích Chi Phật, không thích ứng với bát nhã Ba la mật, không đầy đủ trí nhất thiết.

Nếu nghĩ và làm như vậy thì không phải là pháp thanh tịnh, vì nó bị xen lẫn với tâm La Hán, Bích Chi Phật, trở lại khinh dễ chê cười người có hạnh thanh tịnh ở nhân gian. Mặc dù những người ở nhân gian không xen lẫn tâm La Hán, Bích Chi Phật, mà trở lại khinh dễ họ, cũng lại khinh chê người được thiền định tam muội và người được thần thông.

Bồ Tát không có phương tiện quyền xảo, tuy ở tận ngoài trăm do tuần, chỗ mà cầm thú, quỷ thần, giặc cướp không thể đến dược, hoặc ở lâu trong đó đến ngàn vạn ức năm mà không biết pháp viễn ly của Bồ Tát thì cũng không có lợi ích gì. Theo lời dạy của Ma Ba Tuần, Bồ Tát thực hành hạnh viễn ly mà không thích theo lời dạy của ta thì không thể đầy đủ pháp viễn ly, cũng không ở trong pháp viễn ly.

Vì sao?

Vì đã xa lìa pháp viễn ly ấy.

Bồ Tát vừa mới xa lìa pháp viễn ly thì Ma Ba Tuần ở trong hư không khen rằng: Lành thay, lành thay! Thiện Nam Tử, đó là lời nói của Phật, là pháp viễn ly chân thật. Ông thực hành pháp này có thể mau đến vô thượng bồ đề.

Bồ Tát quên mất hạnh viễn ly kia, được tán thán như vậy rối, liền vui vẻ cống cao khinh dễ hạnh viễn ly chân thật, quay lại phỉ báng: Đây là người không hiểu biết gì, nghĩa là tâm ý rối loạn, không thanh tịnh. Người không thanh tịnh lại cho là thanh tịnh, người không đáng cung kính lại cung kính, người đáng cung kính lại khinh mạn.

Vì sao?

Vì tôi được Chư Thiên, nhân loại, phi nhân giúp đỡ cung kính. Đó là do tôi sống chân thật, còn ông ở ngoài thành thì ai mà đến cung kính khen ngợi. Các thiện nam, thiện nữ ở ngoài thành mong cầu Bồ Tát đạo, Bồ Tát tự cống cao nói rằng: Không bao lâu ta sẽ đắc đạo.

Tu Bồ Đề! Nên biết Bồ Tát tự cao này như bọn Chiên Đà La, Chiên Đà La là bọn người ngang ngược, hay sát sinh.

Bọn người này ở trong hành Bồ Tát mà gây tội lớn. Hạng người này là kẻ bệnh nặng trong hàng Bồ Tát, là kẻ dựa vào pháp giả dạng Bồ Tát, là kẻ giặc lớn trong Trời, người. Là kẻ đại tặc giả dạng Sa Môn, lại là đại tặc trong hàng thiện nam, thiện nữ. Với hạng người như vậy không nên đi theo, gặp gỡ, cùng ngồi, cùng nói chuyện, cùng ăn uống với họ.

Vì sao?

Vì hạng người này cống cao, ương ngạnh. Nếu có Bồ Tát không muốn xả bỏ trí nhất thiết, Chánh Đẳng Giác mà mong cầu Phật trí, muốn cứu độ tất cả chúng sinh thì nên xa lìa hạng người này, không nên theo họ mà tự mình tu hành, chớ nên qua lại với họ mà nên nhàm chán họ. Đối với thế gian không nên hưởng lạc trong ba cõi mà nên thương xót chúng sinh, sinh lòng đại bi đối với lòng tà kiến điên đảo này.

Bồ Tát nên tự nghĩ rằng: Đời đời ta không gặp những chuyện phi pháp, nếu có ý này thì mau nhanh chóng diệt trừ. Tu Bồ Đề, nên biết Bồ Tát này tự phát ra thần thông.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Nếu có Bồ Tát nào chí thành nghiêm trang mong cầu Chánh Đẳng Giác thì nên gần gũi chân tri thức.

Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: Những gì là chân tri thức của Bồ Tát?

Phật bảo Tu Bồ Đề: Chư Phật Thế Tôn là chân tri thức của Bồ Tát, các Đại Bồ Tát là chân tri thức của Bồ Tát, các chúng đệ tử cũng là chân tri thức của Bồ Tát. Bậc chân tri thức thường giảng nói bát nhã Ba la mật cho Bồ Tát. Sáu pháp Ba la mật, ba mươi bảy phẩm, mười tám pháp Bất cộng của Phật, chân tế, pháp tánh đều là chân tri thức của Bồ Tát.

Sáu pháp Ba la mật là cây Đa La tôn quý trong thế gian, là đạo, là ánh sáng lớn, là ngọn đuốc lớn, là ánh sáng trí tuệ lớn, là hộ trì, là chỗ quay về, là cha, là mẹ, là ba mươi bảy phẩm trợ đạo, là trí nhất thiết, là từ bỏ những tập khí của con người.

Vì sao?

Này Tu Bồ Đề, ba mươi bảy phẩm trợ đạo là mẹ của mười phương Chư Phật trong ba đời. Vì chư Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác trong ba đời đều từ trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo mà sinh ra. Vì vậy, Bồ Tát muốn thành tựu Chánh Đẳng Giác, làm thanh tịnh Cõi Phật, giáo hóa chúng sinh thì nên dùng bốn việc làm lợi ích để nhiếp hóa chúng sinh. Đó là bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự.

Tu Bồ Đề! Do quán sát sự việc này nên ta nói như vậy, ba mươi bảy phẩm trợ đạo là cha mẹ của Bồ Tát, là nhà, là sự bảo vệ, là đèn sáng.

Tu Bồ Đề! Bồ Tát không muốn theo lời dạy của người khác mà muốn đoạn tất cả nghi ngờ của chúng sinh, muốn làm thanh tịnh Cõi Phật, giáo hóa chúng sinh thì nên học bát nhã Ba la mật, vì bát nhã Ba la mật nói rộng các hạnh của Bồ Tát, các Bồ Tát cần nên học.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Những gì là tướng của bát nhã Ba la mật?

Phật dạy: Tướng của bát nhã Ba la mật như tướng của hư không, cũng chẳng phải tướng, cũng chẳng phải tạo tướng.

Tu Bồ Đề thưa: Nếu có nhân duyên thì có thể biết tướng của bát nhã Ba la mật không?

Do tướng biết được các pháp không?

Phật bảo: Đúng vậy! Này Tu Bồ Đề, muốn biết tướng của bát nhã Ba la mật thì cũng như tướng của các pháp, vì các pháp vắng lặng thường thanh tịnh. Vì thế, này Tu Bồ Đề, tướng của bát nhã Ba la mật là tướng của các pháp, đó là không tịch.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu các pháp là vắng lặng, là không thì tại sao biết các pháp có chấp trước, có xả ly, không và vắng lặng cũng không xả bỏ, cũng không đắm trước, cũng không thành Chánh Đẳng Giác, ở trong không và vắng lặng cũng không có pháp, không thấy đắc trí của Phật.

Bạch Thế Tôn, làm thế nào chúng con biết được nghĩa này?

Phật bào Tu Bồ Đề: Chúng sinh thường chấp trước vào cái ngã hiện hành.

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Đúng vậy. Chúng sinh thường chấp trước vào bản ngã hiện hành.

Phật hỏi: Ông có biết ngã của mình là không và vắng lặng không?

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Biết.

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Ông có biết chúng sinh do cái ngã nên ở lâu trong sinh tử không?

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Biết. Do chúng sinh chấp trước vào ngã nên ở lâu trong thế gian, chịu nhiều sự cực khổ.

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Không có ngã, ngã sở. Không có người lãnh thọ, cũng không ở lâu trong thế gian, chịu nhiều sự cực khổ.

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Không có ngã, ngã sở, không có người lãnh thọ, cũng không ở lâu trong thế gian, cũng không chịu nhiều cực khổ lâu dài, cũng không chấp trước, không xả bỏ.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát thực hành như vậy là không thực hành năm ấm, cũng không thực hành ba mươi bảy phẩm trợ đạo, bốn vô ngại tuệ. Vì không thấy có pháp có thể thực hành được, cũng không thấy pháp đáng để thực hành. Bồ Tát thực hành như vậy thì Chư Thiên, nhân loại không thể hàng phục được. La Hán, Bích Chi Phật không thể sánh kịp.

Vì sao?

Vì đạt đến chỗ không ai sánh kịp. Như vậy Bồ Tát sẽ mau đạt đến trí nhất thiết.

Phật dạy: Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào?

Giả sử chúng sinh trong cõi Diêmphù đề đều được làm người, đều được thành Chánh Đẳng Giác. Nếu có thiện nam, thiện nữ trọn đời cung kính, cúng dường Chư Phật ấy, rồi đem phước đức cúng dường hồi hướng vô thượng bồ đề.

Như vậy, phước đức của thiện nam, thiện nữ đó có nhiều không?

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều.

Phật dạy: Nhưng không bằng thiện nam, thiện nữ này đem bát nhã Ba la mật dạy cho người khác và giảng giải đầy đủ trí tuệ trong đó, làm cho xa lìa niệm trí nhất thiết.

Giả như chúng sinh trong tam thiên đại thiên Thế Giới đều được làm người, hoặc có thiện nam, thiện nữ dạy họ thực hành mười điều thiện, an trú trong bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn không định. Lại an trụ trong quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật đến quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, rồi đem công đức đó hồi hướng quả vô thượng bồ đề.

Phước đức của thiện nam, thiện nữ đó có nhiểu không?

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều.

Phật dạy: Vẫn không bằng thiện nam, thiện nữ này đem bát nhã Ba la mật giảng nói đầy đủ, chỉ bày cho người hiểu rõ ý nghĩa của nó, không xa niệm trí nhất thiết, vượt lên trên tất cả Hiền Thánh.

Vì sao?

Vì trừ Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác ra chỉ có Đại Bồ Tát mới làm được việc này.

Vì sao?

Vì thiện nam, thiện nữ này thực hành bát nhã Ba la mật, đối với chúng sinh phát khởi lòng đại từ, vì thấy chúng sinh hướng đến chỗ chết nên sinh lòng đại bi, không cùng chung với vọng niệm liền được đại Hỷ, do thực hành như vậy nên được đại xả.

Này Tu Bồ Đề! Đó là trí tuệ sáng suốt của Bồ Tát. Trí tuệ sáng suốt là sáu pháp Ba la mật. thiện nam, thiện nữ này tuy chưa đắc đạo, nhưng vì cứu độ chúng sinh nên đối với quả Chánh Đẳng Giác không thoái chuyển, hưởng thọ sự cúng dường y phục, thức ăn, giường nằm, thuốc thang, đồ vật báu. Do thực hành bát nhã Ba la mật, chắc chắn đem phước đức đến cho chúng sinh và tín thí mau gần trí nhất thiết.

Này Tu Bồ Đề! Nếu không muốn uổng phí việc nhận đồ tín thí, mà muốn chỉ dạy con đường đạo cho chúng sinh, hoặc muốn hiểu rõ về không sự có, hoặc muốn cứu giúp người thoát khỏi lao ngục, hoặc muốn ban con mắt sáng cho tất cả chúng sinh, hành động của thân phải phù hợp với bát nhã Ba la mật, thì người khác không tìm được khuyết điểm của mình. Nên tạo phương tiện để thường nghĩ đến bát nhã Ba la mật, chớ để quên mất.

Tu Bồ Đề! Ví như có người được ngọc ma ni, nên vui mừng hớn hở, sau đó bị mất nên rất sầu khổ, thường nhớ tưởng đến viên ngọc đó không một chút nào quên, tự nghĩ rằng: Tại sao bỗng nhiên ta bị mất viên ngọc quý này?

Phật bảo: Tu Bồ Đề, Bồ Tát xa lìa niệm trí nhất thiết, cũng như người mất viên ngọc báu kia, đứng ngồi không lúc nào quên.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tại sao tất cả các niệm không có chỗ dừng lại đều là không, vắng lặng.

Vì sao?

Vì Bồ Tát không xa lìa niệm trí nhất thiết, cũng không từ nơi xa lìa, nơi niệm, nơi trí nhất thiết mà có thể thành Bồ Tát.

Phật bảo Tu Bồ Đề: Nếu có Bồ Tát nào biết các pháp tự nó là xa lìa, pháp tánh thì thường trụ, đạo pháp và chân như thường trụ chẳng phải do Phật tạo ra, cũng chẳng phải do La Hán, Bích Chi Phật tạo ra. Bồ Tát biết như vậy hoàn toàn không xa lìa bát nhã Ba la mật. Vì bát nhã Ba la mật là không, vắng lặng, cũng không tăng, không giảm.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu bát nhã Ba la mật tự nó là không, vắng lặng thì tại sao Bồ Tát cùng với bát nhã Ba la mật để đạt thành Phật trí?

Phật dạy: Bồ Tát cũng không cùng với bát nhã Ba la mật, không tăng, không giảm. Cứu cánh cũng không tăng, không giảm.

Vì sao?

Vì bát nhã Ba la mật cũng không phải một, cũng không phải hai. Nếu Bồ Tát nghe tướng bát nhã như vậy mà không kinh sợ, không nghi ngờ thì nên biết Bồ Tát này đã an trụ địa vị không thoái chuyển, thực hành bát nhã Ba la mật.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Niệm không và vô sở hữu của bát nhã Ba la mật là thực hành bát nhã Ba la mật chăng?

Phật bảo: Không phải!

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Xa lìa bát nhã Ba la mật là thực hành bát nhã Ba la mật phải không?

Phật dạy: Không phải!

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật thực hành bát nhã Ba la mật có được không?

Phật dạy: Không được!

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Năm ấm thưc hành bát nhã Ba la mật được không?

Phật dạy: Không được!

Tu Bồ Đề thưa: Sáu pháp Ba la mật thực hành bát nhã Ba la mật được không?

Phật dạy: Không được!

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Cho đến bốn vô ngại trí thực hành bát nhã Ba la mật được không?

Phật dạy: Không được!

Tu Bồ Đề thưa: Không của năm ấm, pháp như vậy, pháp tánh, bốn vô ngại tuệ có thực hành bát nhã Ba la mật được không?

Phật dạy: Không được!

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Nếu các pháp này không thực hành bát nhã Ba la mật hoặc không thực hành pháp này thì Bồ Tát làm sao thực hành bát nhã Ba la mật?

Phật bảo Tu Bồ Đề: Ý ông thế nào?

Ông thấy có pháp nào thực hành bát nhã Ba la mật được không?

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Không thấy.

Phật hỏi: Ông thấy có Bồ Tát có thể thực hành bát nhã Ba la mật không?

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Không thấy.

Phật hỏi: Ý ông thế nào?

Pháp mà ông thấy đó có thể thấy được không?

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Không.

Phật hỏi Tu Bồ Đề: Pháp không thể được đó có sinh diệt không?

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Không.

Phật bảo Tu Bồ Đề: Như Bồ Tát đã được Vô sinh pháp nhẫn và được thọ ký Chánh Đẳng Giác cũng vậy. Nếu Bồ Tát học các thừa, nên vận dụng bốn vô sở úy, bốn vô ngại tuệ của Như Lai, tu tập pháp này thì hoàn toàn không xa lìa trí tuệ Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, trí tuệ trí nhất thiết, trí tuệ Đại Thừa.

Vì sao?

Vì Bồ Tát đã được Vô sinh pháp nhẫn, cho đến thành tựu Chánh Đẳng Giác thì hoàn toàn không lui sụt.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Thế Tôn! Từ chỗ các pháp vô sinh, các Bồ Tát có thọ ký thành Chánh Đẳng Giác không?

Phật dạy: Không!

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Từ trong các pháp có sinh, có thọ ký cho các Bồ Tát không?

Phật dạy: Không!

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát được thọ ký không phải từ pháp vô sinh, cũng không phải từ pháp hữu sinh, như vậy tại sao Bồ Tát được thọ ký thành Chánh Đẳng Giác?

Phật bảo Tu Bồ Đề: Ông có thấy pháp nào được thọ ký vô thượng bồ đề không?

Tu Bồ Đề thưa: Con cũng không thấy pháp nào được thọ ký, cũng không thấy chứng đắc vô thượng bồ đề, không thấy người sẽ chứng đắc, cũng không thấy người đã chứng đắc vô thượng bồ đề.

Phật dạy: Đúng như vậy! Này Tu Bồ Đề!

Đối với các pháp vô sở đắc, Bồ Tát cũng không nghĩ rằng: Có Phật trí.

Cũng không nghĩ rằng: Ta sẽ chứng đắc Phật trí.

Vì sao?

Vì Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật đối với các pháp không có phân biệt, bát nhã Ba la mật cũng không có phân biệt.

***