Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã
PHẬT THUYẾT
KINH PHÓNG QUANG BÁT NHÃ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Vô La Xoa, Đời Tây Tấn
PHẨM TÁM MƯƠI BẢY
PHẨM CÁC PHÁP NHƯ HÓA
Tu Bồ Đề bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Giả sử các pháp đều không, nên đối với các pháp không có tạo tác, tại sao Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật không theo đệ nhất nghĩa đế, mà lại hành trì Bồ Tát hạnh và làm bốn ân cho chúng sinh?
Phật bảo Tu Bồ Đề: Như lời ông nói, không cũng không có làm hay không không làm. Nếu chúng sinh biết nghĩa không thì không có Như Lai và cảnh giới của Như Lai. Hiểu rõ đối với pháp không, vượt qua các ngã chấp, vượt qua tướng bốn đại, vượt qua tướng thấy biết của năm ấm, vượt qua tướng mười hai xứ, vượt qua tướng hữu vi, kiến lập Thế Giới vô vi, đó là tánh không của vô vi.
Vậy không là gì?
Phật dạy: Đối với các tướng không, thì người do nhà ảo thuật hóa ra là không, không huyễn hóa và không, nó không hội hợp, không chia lìa, do không không. Không không và người hóa là không thể phân biệt.
Tại sao vậy?
Vì tất cả đều không.
Này Tu Bồ Đề! Năm ấm đều không. Vì không cho nên nói năm ấm là không.
Tu Bồ Đề lại hỏi: Bạch Thế Tôn! Pháp của thế tục như huyễn, vậy đạo pháp cũng lại như huyễn chăng?
Giả sử đạo pháp là huyễn thì từ ba mươi bảy phẩm trợ đạo cho đến mười tám pháp bất cộng, pháp của ba thừa cũng như huyễn, người thực hành pháp ba thừa cũng như huyễn phải không?
Phật dạy: Các pháp hóa này do ai hóa ra?
Chỗ hóa ra đó là Thanh Văn, Bích Chi Phật hay là Bồ Tát và Phật. Hoặc là do tập khí và hành hóa ra.
Tu Bồ Đề thưa: Không có người hóa ra.
Phật dạy: Thế nên, các pháp như hóa.
Tu Bồ Đề lại hỏi: Bạch Thế Tôn! Chỗ đoạn diệt của Tu Đà Hoàn cho đến A La Hán, Bích Chi Phật và Phật, các tập khí đã đoạn diệt cũng như hóa chăng?
Phật dạy: Tất cả các pháp có sinh, có diệt đều như hóa.
Tu Bồ Đề lại hỏi: Thưa Thế Tôn! Những pháp gì không như hóa?
Phật dạy: Pháp mà không sinh, không diệt thời không phải như hóa.
Tu Bồ Đề hỏi: Bạch Thế Tôn! Cái gì không sinh, không diệt, không phải là như hóa?
Phật dạy: Niết Bàn không phải là hóa.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Ngài thường nói không tức là không động chuyển, không có hai pháp, cũng không bất không, cho nên Niết Bàn cũng như hóa?
Phật dạy: Đúng thế, đúng thế! Tất cả đều không, cũng chẳng phải chỗ tạo tác của Thanh Văn, Bích Chi Phật, Bồ Tát và Phật biết rõ pháp không đó là Niết Bàn.
Tu Bồ Đề lại hỏi: Thưa Thế Tôn! Người thực hành về pháp không ở quá khứ thì nhập vào, học và giảng giải?
Phật dạy: Này, Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào?
Chỉ có đời quá khứ, chứ không có đời vị lai ư?
***