Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Quán Phật Tam Muội Hải
PHẬT THUYẾT KINH
QUÁN PHẬT TAM MUỘI HẢI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Phật Đà Bạt Đà La, Đời Đông Tấn
PHẨM MỘT
SÁU VÍ DỤ
Tôi nghe như vậy!
Một thuở Đức Phật ở tại Tinh Xá Ni Câu Lâu Đà trong thành Ca Tỳ La. Bấy giờ, Thích Ma nam thỉnh Đức Phật và Chúng Tăng để cúng dường trong ba tháng. Ngày mười lăm tháng bảy, Tăng tự tứ xong. Khi đó Phụ Vương Duyệt Đầu Đàn và dì Đức Phật, Kiều Đàm Di đi đến Tăng phòng cúng dường Chư Tăng.
Lễ bái xong, dâng lên tăm xỉa răng và bát nước rửa, Nhà Vua gọi Ngài A Nan nói rằng: Tôi muốn đi đến chỗ Đức Thế Tôn, có nên vậy không?
Lúc ấy, A Nan liền thưa lời nói này lên Đức Thế Tôn.
Đức Phật bảo A Nan: Phụ Vương đến nhất định sẽ hỏi pháp vi diệu. Ông hãy đi bảo khắp các Tỳ Kheo tăng lập tức vào rừng, lệnh cho Đại Ca Diếp, Xá Lợi phất, Mục Kiền Liên, Ca Chiên Diên, A Na Luật… Bồ Tát Di Lặc, Bạt Đà Bà La, mười sáu vị Hiền Sĩ cùng lúc đến hội họp!
Âm thanh này như vang khắp đến các phương nên bấy giờ Vua Trời, Chúa Dạ Xoa, Chúa Càn Thát Bà, Chúa A Tu La, Chúa Ca Lâu La, Chúa Khẩn Na La, Chúa Ma Hầu La Già, Chúa Rồng… và các quyến thuộc của họ đều đã tụ tập. Lúc đó, Phụ Vương và Thích Ma nam, ba ức người thuộc dòng họ Thích đi vào Tinh Xá của Đức Phật.
Khi đang đi vào, thấy Tinh Xá của Đức Phật như núi Pha lê, họ cúi đầu đảnh lễ Đức Phật. Chưa kịp ngẩng đầu lên, họ liền thấy trước Đức Phật có hoa sen lớn do nhiều châu báu tạo thành. Ở trên hoa sen có đài ánh sáng lớn. Phụ Vương nhìn thấy, lòng rất hoan hỷ, khen chưa từng có, rồi nhiễu quanh Đức Phật ba vòng, lui về ngồi một bên.
Khi đó Phụ Vương liền đứng dậy bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Đức Phật là con của tôi, tôi là cha của Đức Phật. Hôm nay tôi ở đời nhìn thấy sắc thân của Đức Phật mà chỉ thấy bên ngoài, chẳng thấy bên trong thân ấy. Thái Tử Tất Đạt Đa còn ở trong cung, thầy tướng thấy tất cả ba mươi hai tướng, hôm nay đã thành Phật ánh sáng càng thêm hiển hiện hơn hẳn ngày xưa trăm ngàn vạn lần.
Đức Phật sau khi Niết Bàn, chúng sinh đời sau phải quan sát sắc tướng của thân Đức Phật như thế nào để biết được độ dài thường của ánh sáng Đức Phật?
Kính xin Đấng Thế Tôn hôm nay sẽ vì tôi và chúng sinh đời sau mà phân biệt giảng nói!
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nhập vào tam muội Biến tịnh sắc thân. Rồi ra khỏi Tam Muội liền mỉm cười, pháp mỉm cười của Chư Phật có năm ánh sáng màu, năm ánh sáng màu hóa thành năm trăm màu từ miệng Đức Phật phát ra chiếu đến đỉnh đầu Phụ Vương, từ đỉnh đầu Phụ Vương chiếu đến đài ánh sáng, rồi từ đài ánh sáng chiếu đến Tinh Xá… soi cùng khắp cõi Ta Bà, ánh sáng ấy trở về nhập vào đỉnh đầu Đức Phật.
Lúc đó Đức Phật bảo với Vua cha: Xin Phụ Vương hãy lắng nghe! Lắng nghe! Và suy nghĩ cho kỹ! Như Lai sẽ nói pháp được thấy Phật của chúng sinh đời sau.
Phụ Vương bạch Phật rằng: Thưa vâng! Thưa Đức Thế Tôn! Tôi xin lắng nghe!
Đức Phật bảo rằng: Thưa Phụ Vương! Trong cõi Diêm Phù Đề có Vua Sư Tử tên là Tỳ Ma La. Phép của loài Sư Tử ấy là tròn bốn mươi năm con cái con đực mới gặp nhau.
Một khi đã giao phối rồi, chúng chạy lanh quanh kêu rống nhưng uyển chuyển giữ gìn thân thể không làm tổn thương Sư Tử con, Sư Tử con khi còn ở trong thai, như Vua thú cha không khác. Đại Vương nên biết, muốn khiến cho ở trong thai mà có thể kêu rống, bay lên, đáp xuống, chạy đi, ẩn phục, việc ấy chưa có bao giờ.
Phụ Vương bạch Đức Phật rằng: Khi con của Vua thú ở trong thai mẹ thì đầu, mắt, răng, móng cùng cha giống nhau hay không?
Đức Phật bảo rằng: Thưa Đại Vương! Nó cùng cha không khác, chỉ là sức của nó chẳng thể sánh kịp một phần trăm ngàn vạn lần sức của cha nó.
Đức Phật bảo rằng: Thưa Phụ Vương! Đúng vậy! Đúng vậy! Trong đời vị lai, các thiện nam, thiện nữ… cùng tất cả, nên có thể chí tâm giữ niệm ở bên trong, ngồi ngay thẳng mà định tâm quán tưởng sắc thân của Phật, nên biết, tâm người đó như tâm của Phật, cùng với Phật không khác. Họ tuy ở trong phiền não mà chẳng bị sự ngăn che của các ác. Ở đời vị lai, họ sẽ mưa pháp lớn.
Lại nữa, thưa Phụ Vương! Ví như Y lan cùng với chiên đàn sinh ra ở núi Mạt Lợi. Ngưu đầu chiên đàn sinh ra trong bụi rậm Ylan, lúc chưa kịp to lớn còn ở dưới đất thì mầm, thân, cành lá giống như măng tre của cõi Diêm Phù Đề. Mọi người vì chẳng biết nên nói rằng, trong núi này toàn là Y lan, không có chiên đàn. Nhưng mà Y lan thì thối, thối như thây chết sình tỏa xa đến bốn mươi do tuần.
Hoa của Y lan màu hồng rất đẹp, nhưng nếu người nào ăn phải thì phát điên mà chết. Ngưu đầu chiên đàn tuy sinh ở rừng này nhưng vì chưa sinh trưởng đầy đủ nên chẳng thể tỏa ra hương thơm. Vào tiết trọng thu, trăng tròn, bỗng từ đất xuất hiện thành cây chiên đàn. Mọi người đều nghe hương thơm thượng diệu của cây Ngưu đầu chiên đàn, mãi mãi không còn mùi hôi thối của cây Y lan.
Đức Phật nói: Thưa Phụ Vương! Lòng Niệm Phật cũng như vậy. Nhờ tâm đó nên có thể được ba loại căn Bồ Đề.
Lại nữa, thưa Phụ Vương! Trong cõi Diêm Phù Đề và bốn thiên hạ có chim cánh vàng tên là Chánh âm, Vua của loài Ca Lâu La, ở trong các loài chim rất tự tại. Nghiệp báo ứng của loài chim này là ưa ăn các loài rồng. Ở cõi Diêm Phù Đề, mỗi ngày nó ăn một Vua Rồng và năm trăm Rồng nhỏ.
Sáng ngày mai nó lại ở cõi Phất bà đề ăn một Vua Rồng và năm trăm Rồng nhỏ. Ngày thứ ba lại ở cõi Cù Gia Ni, nó ăn một Vua Rồng và năm trăm Rồng nhỏ. Ngày thứ tư lại ở cõi Uất Đan Việt, nó ăn một Vua Rồng và năm trăm Rồng nhỏ. Cứ giáp vòng lại bắt đầu là trải qua tám ngàn năm.
Bấy giờ, tướng chết đã hiện ra với chim ấy. Các Rồng phun ra độc nên không thể ăn được. Chim đó bị đói bức ngặt, chạy khắp nơi tìm đồ ăn cũng chẳng thể được. Nó đi khắp các núi cũng chẳng được yên, đến núi Kim cương và ở tạm nơi đó. Từ núi Kim cương đi thẳng xuống đến giới hạn của thủy luân. Từ giới hạn của thủy luân đến hết phong luân, nó bị gió thổi trở về đến núi Kim cương. Nó bị như vậy bảy lần sau đó mới chết.
Chim ấy chết rồi, chất độc của nó khiến cho mười ngọn núi báu đồng thời bốc cháy. Khi ấy Vua Rồng Nan đà sợ lửa cháy thiêu rụi núi này liền tuôn xuống những giọt mưa lớn như trục bánh xe. Thịt chim tan rã hết chỉ còn lại trái tim. Trái tim chim ấy đi thẳng xuống như trước bảy lần, sau đó trở lại ở trên đỉnh núi Kim cương. Vua Rồng Nan đà lấy tim của con chim này làm minh châu. Vua Chuyển luân lấy được thì làm ngọc Như ý.
Đức Phật bảo rằng: Thưa Phụ Vương! Các thiện nam, thiện nữ nào nếu Niệm Phật thì tâm của họ cũng vậy.
Lại nữa, thưa Đại Vương! Ở núi Tuyết có loài cây tên là Ương Già Đà. Quả của nó rất lớn mà hạt thì rất nhỏ. Tìm nguồn gốc thì nó có từ Hương Sơn, nhờ sức gió nên đến được Tuyết Sơn.
Vào đầu mùa đông, trời giá lạnh, La Sát, Dạ Xoa tìm chỗ khuất trong hẻm núi mà ở. Phân nhơ chẳng sạch chảy tràn ra đất. Gió mạnh thổi tuyết lấp lên phân ấy, dần dần trở thành cái hào năm mươi do tuần. Nhờ sức của phân nên quả này được sinh ra.
Rễ, thân, cành, lá, hoa, trái của cây ấy tươi tốt sum suê. Ánh Mặt Trời ba tháng mùa xuân, tám phương gió đồng thời đều khởi lên, làm tiêu tan băng tuyết chỉ quả cây ấy tồn tại. Hình sắc quả cây ấy không thể lấy quả gì của cõi Diêm Phù Đề làm ví dụ được. Hình nó rất tròn chiếm trọn nửa do tuần, Bà La Môn ăn liền được đạo Tiên, năm pháp thần thông đầy đủ, sống lâu một kiếp, chẳng già chẳng chết.
Người phàm phu ăn nó thì hướng đến Tu Đà Hoàn, A Na Hàm ăn nó thành A La Hán, ba minh, sáu thông không gì không đầy đủ. Có người đem giống đến trồng ở đất phân hoại trong cõi Diêm Phù Đề. Sau đó cây mọc lên, cao bằng một cây Đa La, đặt tên cây là Câu Luật Đà, tên quả là Đa Lặc, lớn như cái bình năm đấu. Người cõi Diêm Phù Đề ăn quả ấy thì có thể trừ bệnh sốt nóng.
Đức Phật bảo rằng: Thưa Đại Vương! Các thiện nam, thiện nữ chánh niệm tư duy về cảnh giới của Chư Phật cũng vậy.
Lại nữa, thưa Đại Vương! Như cây sống trong vườn Hoan Hỷ của Đế Thích tên là Ba Lợi Chất Đà La. Thiên Nữ nhìn thấy nó thì thân tâm vô cùng vui vẻ. Đế Thích thấy nó liền sinh ra dục tưởng, tám muôn bốn ngàn các thể nữ… liền được cảm giác vui vẻ. Khi cây này sinh ra gấp cong cành ở mặt đất, liền ở dưới đất, hoa phát triển thành trái. Trái ấy màu vàng ánh sáng rực rỡ.
Vả lại hoa lá của cây ấy chẳng bao giờ héo rụng, đầy đủ mười màu sắc, tỏa ra ánh sáng, có nhiều âm thanh vui. Đến tháng tám mùa thu, cây từ dưới đất vọt ra, cao ba trăm bốn mươi lăm vạn do tuần. Chư Thiên nhìn thấy nó vui mừng tột bậc.
Đức Phật bảo rằng: Thưa Đại Vương! Tam muội quán tưởng Phật ở tại đất phiền não cũng như vậy, như khi sinh ra, cây báu đó trang nghiêm đẹp đẽ rất ưa nhìn.
Lại nữa, thưa Đại Vương! Như khi kiếp bắt đầu thì lửa nổi lên một kiếp, mưa một kiếp, gió một kiếp và đất sinh khởi một kiếp.
Khi kiếp đất thành rồi thì Chư Thiên của Trời Quang Âm bay đến thế gian, xuống tắm gội trong nước. Do tắm gội nên tinh khí bốn đại liền vào trong thân. Thân chạm xúc vui sướng nên tinh khí trôi vào trong nước. Tám loại gió thổi tinh khí ấy chìm vào trong bùn ứ, rồi tự nhiên thành quả trứng.
Trải qua tám ngàn năm, trứng ấy mới nở, sinh ra một người con gái. Thân hình người con gái ấy xanh đen giống như bùn, có chín trăm chín mươi chín cái đầu, mỗi đầu có một ngàn con mắt, chín trăm chín mươi chín cái miệng, mỗi miệng có bốn cái răng, răng phát ra lửa giống như sét chớp, có hai mươi bốn tay, trong mỗi tay đều cầm tất cả các vũ khí. Thân người ấy cao lớn như núi Tu Di, vào trong biển lớn tát nước vui chơi.
Có trận cuồng phong thổi nước biển lớn, tinh nước ngập vào thân thể, liền mang thai. Trải qua tám ngàn năm, sinh ra một đứa con trai. Thân đứa trẻ ấy cao lớn gấp bốn lần người mẹ. Đứa trẻ có chín đầu, mỗi đầu có một ngàn mắt, trong miệng phun ra lửa, có chín trăm chín mươi chín tay, tám chân.
Trong biển phát ra âm thanh: Nó hiệu là Tỳ Ma Chất Đa, Vua của A tu la. Phép ăn của quỷ này là chỉ nuốt bùn ứ và củ sen, ngó sen.
Đứa trẻ ấy lớn lên thấy các Tiên Nữ Trời vây quanh, liền thưa mẹ rằng: Mọi người đều có vợ có chồng, sao một mình con không có?
Người mẹ ấy bảo rằng: Ở Hương sơn có loài thần tên là Càn Thát Bà. Thần ấy có con gái nhan sắc tuyệt đẹp hơn cả bạch ngọc, các lỗ chân lông trên thân phát ra âm thanh vi diệu, rất vừa ý ta.
Nay ta cầu hôn cho con, con có đồng ý không?
A tu la thưa rằng: Hay thay! Hay thay! Kính xin mẹ đi đến cầu hôn cho con! Lúc đó, người mẹ ấy đi đến Hương sơn.
Đến nơi, người mẹ thưa với thần âm nhạc kia rằng: Tôi có một người con trai uy lực tự tại, ở bốn thiên hạ này không ai sánh bằng. Ngài có con gái rất xứng với con tôi. Người con gái của thần ấy nghe rồi, xin vui lòng theo chàng A tu la. Chàng A tula nhận người con gái đó làm vợ rồi, lòng dạ rất thoải mái cùng người con gái kết thành vợ chồng.
Thời gian chưa lâu thì người con gái ấy liền mang thai, trải qua tám ngàn năm mới sinh ra một đứa con gái. Người con gái ấy dung nghi đoan chánh vượt trội hơn người, trên Trời, dưới đất không ai sánh bằng, có sắc đẹp trên mọi sắc đẹp tự trang nghiêm.
Trên mặt có tám muôn bốn ngàn vẻ kiều diễm, bên trái cũng có tám muôn bốn ngàn, bên phải cũng có tám muôn bốn ngàn, đàng trước cũng có tám muôn bốn ngàn, đàng sau cũng có tám muôn bốn ngàn. A tu la nhìn thấy lấy làm lạ lùng, nàng như vầng trăng ở giữa những vì sao rất đặc biệt kỳ lạ. Kiều Thi Ca nghe tiếng liền sai sứ xuống đến chỗ A tu la mà cầu hôn người con gái này.
Vị A tu la nói rằng: Với phước đức Trời của ông, nếu ông có thể khiến cho ta ngồi trên cung điện bảy báu thì ta đem con gái gả cho ông!
Đế Thích nghe lời này, vô cùng vui mừng, liền cởi mũ báu đem làm cung điện trên biển, nhờ phước báo mười điều lành nên khiến cho A tu la ngồi trên cung điện thù thắng. A tu la rất vui mừng, đem con gái gả cho Kiều Thi Ca. Đế Thích liền dùng đài bằng sáu thứ báu đến nghênh hôn. Ở trong cung điện có hoa sen lớn tự nhiên hóa sinh tám muôn bốn ngàn người con gái tuyệt đẹp.
Trong khoảng thời gian tráng sĩ co duỗi cánh tay, họ liền đến trên thiện pháp đường của Đế Thích. Bấy giờ, cung Trời vượt hơn trước trăm ngàn vạn lần, Thích Đề Hoàn Nhân đặt tự hiệu cho người con gái ấy là Duyệt Ý. Chư Thiên thấy nàng đều khen chưa từng có, nhìn Đông quên Tây, nhìn Nam quên Bắc. Ba mươi hai phụ thần thấy Duyệt Ý thì tâm ý cũng hoan hỷ, thậm chí trong từng sợi lông tóc cũng đều cảm thấy vui vẻ.
Khi Đế Thích đến vườn Hoan hỷ, cùng vui vẻ với các Tiên Nữ trong ao thì Duyệt Ý rất ghen ghét. Nàng sai năm Dạ Xoa đến bạch với Vua cha, hôm nay Đế Thích này chẳng còn sủng ái nàng mà cùng với các Tiên Nữ dạo chơi. Vua cha nghe lời nói này, lòng rất bực bội liền đem bốn binh chủng đến đánh Đế Thích.
Vua A tu la đứng trên nước biển lớn, xoạc chân đạp lên đỉnh núi Tu Di, đồng thời chín trăm chín mươi chín cánh tay lay thành Hỷ kiến, lắc núi Tu Di, nước bốn biển lớn đồng thời dậy sóng. Thích Đề Hoàn Nhân kinh hoàng sợ sệt, không biết đi đường nào.
Có vị thần trong cung thưa Vua Trời rằng: Chớ kinh sợ lắm! Đức Phật đời quá khứ nói Bát Nhã Ba La Mật, Nhà Vua hãy trì tụng thì binh quỷ sẽ tự tan nát.
Lúc đó, Đế Thích ngồi ở Thiện pháp đường, đốt nhiều loại hương thơm quý, phát thệ nguyện lớn rằng: Bát Nhã Ba La Mật là chú đại minh, là chú vô thượng, là chú không gì sánh bằng chân thật chẳng hư dối, con trì pháp này sẽ thành Phật Đạo, khiến cho A tu la tự nhiên lui tan. Khi nói lời nói này, ở trong hư không có bốn bánh xe đao, do công đức của Đế Thích nên tự nhiên đi xuống, chống giữ các A tu la.
Tức thời tai, mũi, chân, tay của A tu la rơi hết xuống cùng một lúc khiến cho nước biển lớn đỏ như nước màu đỏ. A tu la liền kinh sợ, không chỗ chạy trốn nên vào ẩn trong lỗ tơ. Huyễn lực của quỷ kia do tham dục, sân nhuế, ngu si mà còn có thể như vậy huống gì là Phật Pháp chẳng thể nghĩ bàn.
Đức Phật bảo rằng: Thưa Đại Vương! Các thiện nam và thiện nữ giữ tâm chánh niệm tư duy cảnh giới của Chư Phật cũng có thể ở trong biển các tam muội. Công đức người ấy chẳng thể xưng kể, cũng như Chư Phật bình đẳng không khác.
***